Rối loạn tâm lý: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị

Rối loạn tâm lý hay rối loạn sức khỏe tâm thần là các nhiễu loạn trong tâm trí, ảnh hưởng đến suy nghĩ, hành vi và cảm xúc của một người, khiến họ đau khổ và gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Rối loạn tâm lý có thể xảy ra trong thời gian ngắn hoặc kéo dài suốt đời, cần được phát hiện và điều trị kịp thời, đúng cách. 

Định nghĩa về rối loạn tâm lý

Rối loạn tâm lý là các rối loạn trong chức năng tâm thần, bao gồm cảm xúc, suy nghĩ và hành vi. Dẫn đến sự suy giảm khả năng hoạt động bình thường trong các lĩnh vực quan trọng của cuộc sống như công việc, học tập, và mối quan hệ xã hội. Những rối loạn này gây ra sự đau khổ nghiêm trọng cho bản thân người mắc phải.

Rối loạn tâm lý là một nhóm các vấn đề sức khỏe tâm thần ảnh hưởng đến cảm xúc, suy nghĩ, hành vi
Rối loạn tâm lý là một nhóm các vấn đề sức khỏe tâm thần ảnh hưởng đến cảm xúc, suy nghĩ, hành vi

Rối loạn tâm lý là một trong những vấn đề về sức khỏe tâm thần thường gặp. Nếu không điều trị kịp thời, đúng cách, sẽ làm giảm sức khỏe thể chất và tinh thần, làm giảm chất lượng cuộc sống và có thể phát triển thành các bệnh lý nghiêm trọng hơn.

Thuật ngữ rối loạn tâm lý đôi khi được dùng thay thế cho rối loạn tâm thần hoặc bệnh tâm thần. Rối loạn tâm lý có thể xảy ra tạm thời, chỉ xuất hiện trong một khoảng thời gian nào đó hoặc có thể kéo dài suốt đời.

Phân loại rối loạn tâm lý

Rối loạn tâm lý được chia thành nhiều loại khác nhau như rối loạn trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn ăn uống… Mặc dù các triệu chứng có thể khác nhau, nhưng chúng đều gây ra sự thay đổi lớn trong cách một người cảm nhận và tương tác với thế giới xung quanh.

Theo Sổ tay Thống kê và Chẩn đoán các rối loạn tâm thần DMS-5, có hơn 200 loại rối loạn tâm lý. Trong đó, phổ biến nhất là các loại rối loạn sau đây:

1. Rối loạn trầm cảm

Rối loạn trầm cảm, hay còn gọi là trầm cảm bệnh lý, là tình trạng cảm giác buồn bã, tuyệt vọng kéo dài và mất đi hứng thú với các hoạt động mà trước đây đã từng yêu thích. Triệu chứng chính bao gồm cảm giác vô vọng, mất năng lượng, khó ngủ hoặc ngủ quá nhiều, ăn uống không điều độ, và suy nghĩ tiêu cực về bản thân.

Có nhiều loại rối loạn trầm cảm như:

  • Trầm cảm theo mùa
  • Rối loạn trầm cảm không điển hình
  • Rối loạn trầm cảm nặng
  • Rối loạn sức khỏe tâm thần tiền kinh nguyệt…

2. Rối loạn lo âu

Rối loạn lo âu là tình trạng lo lắng kéo dài, không tương xứng với mức độ của mối đe dọa thực sự. Người mắc rối loạn lo âu thường cảm thấy lo sợ hoặc căng thẳng trong các tình huống bình thường, và sự lo lắng này có thể cản trở các hoạt động hàng ngày.

Các triệu chứng của rối loạn lo âu bao gồm lo âu quá mức, cảm giác bất an, mệt mỏi, khó ngủ, căng cơ, và đôi khi là các triệu chứng thể chất như đau đầu, chóng mặt. Các loại rối loạn lo âu phổ biến bao gồm:

  • Rối loạn lo âu tổng quát (GAD)
  • Rối loạn lo âu xã hội
  • Rối loạn hoảng sợ
  • Rối loạn ám ảnh cụ thể…

3. Rối loạn lưỡng cực

Rối loạn lưỡng cực là tình trạng tâm lý đặc trưng bởi những thay đổi cực đoan trong cảm xúc và năng lượng. Người bệnh trải qua các giai đoạn hưng cảm (hưng phấn, năng lượng cao) và trầm cảm (buồn bã, thiếu năng lượng).

Rối loạn lưỡng cực được phân thành hai loại chính:

  • Rối loạn lưỡng cực loại I: Giai đoạn hưng cảm kéo dài và đôi khi có các cơn tâm thần phân liệt.
  • Rối loạn lưỡng cực loại II: Giai đoạn hưng cảm nhẹ hơn, gọi là hypomania, và trầm cảm nặng.

 4. Rối loạn liên quan đến chấn thương và căng thẳng

Là những rối loạn tâm lý liên quan đến việc tiếp xúc với một sự kiện căng thẳng hoặc chấn thương. Trước đây, loại rối loạn này được xếp vào nhóm rối loạn lo âu, tuy nhiên, hiện nay được coi là một rối loạn riêng biệt.

Các rối loạn tâm lý thuộc nhóm này bao gồm:

  • Rối loạn căng thẳng cấp tính: Đặc trưng bởi triệu chứng lo âu nghiêm trọng, trong vòng 1 tháng, sau khi tiếp xúc với một sự kiện chấn thương như tai nạn, thiên tai hoặc chứng kiến cái chết.
  • Rối loạn điều chỉnh: Xảy ra sau một sự thay đổi đột ngột như mất việc, ly hôn, chia tay hoặc một số mất mát khác. Các triệu chứng phổ biến là lo lắng, chán nản, tức giận, cáu kỉnh, tuyệt vọng, cảm giác cô lập.
  • Rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD): Xảy ra sau khi một người trải qua một sự kiện chấn thương hoặc đe dọa đến tính mạng, chẳng hạn như tai nạn nghiêm trọng, chiến tranh, tấn công tình dục hoặc thiên tai. Các triệu chứng gồm tái diễn sự kiện (ký ức, ác mộng), tránh né, tăng kích động, thay đổi về cảm xúc, suy nghĩ…

5. Rối loạn phân ly

Rối loạn phân ly là một rối loạn tâm lý, đặc trưng bởi sự tách rời hoặc “chia cắt” giữa các khía cạnh khác nhau của tâm trí, chẳng hạn như ký ức, nhận thức về bản thân hoặc cảm xúc. Đây là loại rối loạn nghiêm trọng, thường liên quan đến các chấn thương tâm lý trong quá khứ.

Rối loạn phân ly đặc trưng bởi cảm giác tách rời khỏi thực tế
Rối loạn phân ly đặc trưng bởi cảm giác tách rời khỏi thực tế

Các dạng rối loạn phân ly thường gặp bao gồm:

  • Mất trí nhớ phân ly: Không thể nhớ các thông tin quan trọng về bản thân, thường là các sự kiện quan trọng trong cuộc sống, mà không thể giải thích bằng cách lý giải thông thường.
  • Rối loạn nhân cách phân ly: Có hai hoặc nhiều nhân cách hoặc trạng thái nhận thức riêng biệt, mỗi nhân cách có thể có những cảm xúc, ký ức và hành vi riêng biệt.
  • Rối loạn phi nhân cách: Người bệnh cảm thấy tách rời khỏi bản thân hoặc môi trường xung quanh, như thể họ đang quan sát chính mình hoặc cuộc sống của họ như một người ngoài cuộc.

6. Rối loạn hành vi

Rối loạn hành vi đặc trưng bởi các hành vi lặp đi lặp lại hoặc kéo dài vi phạm các quy tắc xã hội, quyền của người khác, và các chuẩn mực đạo đức. Loại rối loạn này thường xảy ra ở trẻ em và thanh thiếu niên.

Người mắc rối loạn hành vi thường thể hiện các hành vi xâm phạm hoặc vi phạm nghiêm trọng, bao gồm:

  • Hành vi gây hấn đối với người khác hoặc động vật: Đánh nhau, bắt nạt, hành hung, hoặc gây hại cho người khác hoặc động vật.
  • Phá hoại tài sản: Cố ý phá hủy tài sản của người khác hoặc đốt phá.
  • Lừa dối hoặc trộm cắp: Nói dối thường xuyên, ăn cắp vặt, hoặc gian lận để đạt được lợi ích cá nhân.
  • Vi phạm quy tắc nghiêm trọng: Trốn học, bỏ nhà đi, vi phạm luật lệ hoặc các chuẩn mực xã hội.

7. Rối loạn ăn uống

Rối loạn ăn uống là một nhóm rối loạn tâm lý liên quan đến hành vi ăn uống không lành mạnh. Các biểu hiện thường thấy bao gồm ăn uống quá mức hoặc không ăn uống đủ, dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như suy dinh dưỡng hoặc béo phì.

Các kiểu rối loạn ăn uống phổ biến bao gồm:

  • Ăn uống vô độ (Binge eating disorder): Người bệnh ăn uống trong một thời gian ngắn với số lượng thức ăn rất lớn, sau đó cảm thấy xấu hổ và tự trách.
  • Chán ăn tâm lý (Anorexia nervosa): Người bệnh cố gắng giảm cân bằng cách hạn chế nghiêm ngặt lượng thức ăn, đôi khi dẫn đến suy dinh dưỡng nghiêm trọng.
  • Rối loạn ăn uống thần kinh bulimia: Người bệnh ăn một lượng lớn thức ăn và sau đó cố gắng loại bỏ nó bằng cách nôn mửa hoặc sử dụng thuốc nhuận tràng.

8. Rối loạn giấc ngủ – thức

Rối loạn giấc ngủ – thức được xem là một rối loạn tâm lý liên quan đến yếu tố tâm thần, chẳng hạn như lo âu, trầm cảm hoặc căng thẳng mãn tính. Trường hợp liên quan đến các vấn đề sinh lý hoặc bệnh lý như rối loạn nhịp sinh học hoặc tác dụng phụ của thuốc thì không được xem là rối loạn tâm lý.

Các rối loạn giấc ngủ – thức thường gặp bao gồm:

  • Mất ngủ mạn tính: Liên quan đến căng thẳng, lo âu hoặc trầm cảm, khiến người bệnh khó ngủ hoặc ngủ không sâu giấc.
  • Rối loạn nhịp sinh học: Xuất phát từ thói quen ngủ bất thường, có thể bị làm trầm trọng hơn do rối loạn tâm lý.
  • Ác mộng: Thường gặp ở người mắc PTSD hoặc rối loạn lo âu.
  • Chứng ngủ nhiều tâm lý: Cảm giác mệt mỏi và buồn ngủ kéo dài do trầm cảm hoặc rối loạn cảm xúc.

9. Rối loạn sử dụng chất gây nghiện

Rối loạn sử dụng chất gây nghiện (Substance Use Disorders – SUDs) được coi là một dạng rối loạn tâm lý theo tiêu chuẩn chẩn đoán của DSM-5. Đây là một nhóm rối loạn đặc trưng bởi việc sử dụng chất gây nghiện không kiểm soát, dẫn đến các vấn đề về sức khỏe, hành vi và chức năng xã hội.

Các ví dụng về rối loạn liên quan đến chất bao gồm:

  • Rối loạn liên quan đến rượu
  • Rối loạn sử dụng chất kích thích
  • Rối loạn sử dụng chất hít
  • Rối loạn sử dụng thuốc lá
  • Rối loạn liên quan đến cần sa

10. Rối loạn nhân cách

Rối loạn nhân cách là một loại rối loạn tâm lý đặc trưng bởi các mẫu hành vi, suy nghĩ, và cảm xúc không linh hoạt, kéo dài và không phù hợp với các tiêu chuẩn xã hội. Điều này gây ra các khó khăn trong mối quan hệ và cuộc sống hàng ngày.

Rối loạn nhân cách được chia thành 3 nhóm gồm:

  • Nhóm A – Hành vi kỳ quái hoặc lập dị: Rối loạn nhân cách hoang tưởng, rối loạn nhân cách phân liệt, rối loạn nhân cách dạng phân liệt.
  • Nhóm B – Hành vi kịch tính, cảm xúc hoặc thất thường: Rối loạn nhân cách chống đối xã hội, rối loạn nhân cách ranh giới, rối loạn nhân cách kịch tính, rối loạn nhân cách ái kỷ.
  • Nhóm C – Hành vi lo âu hoặc sợ hãi: Rối loạn nhân cách né tránh, rối loạn nhân cách phụ thuộc, rối loạn nhân cách ám ảnh cưỡng chế.

Triệu chứng rối loạn tâm lý

Rối loạn tâm lý có biểu hiện đa dạng, ảnh hưởng đến suy nghĩ, cảm xúc và hành vi của người bệnh. Tùy thuộc vào từng loại rối loạn, triệu chứng có thể khác nhau, nhưng nhìn chung đều làm giảm chất lượng cuộc sống và khả năng tương tác xã hội. Việc nhận diện các triệu chứng sớm là bước đầu quan trọng để can thiệp và điều trị kịp thời.

Triệu chứng rối loạn tâm lý đa dạng và có sự khác nhau ở mỗi người
Triệu chứng rối loạn tâm lý đa dạng và có sự khác nhau ở mỗi người

Triệu chứng rối loạn tâm lý ở người lớn

Ở người lớn, có thể phát hiện và nhận diện rối loạn tâm lý thông qua các triệu chứng sau đây:

  • Buồn bã, thất vọng kéo dài, cảm giác tuyệt vọng hoặc trống rỗng.
  • Lo âu, căng thẳng mãn tính, cảm giác sợ hãi không rõ nguyên nhân.
  • Thay đổi tâm trạng đột ngột, dễ cáu gắt hoặc giận dữ.
  • Khó tập trung, trí nhớ giảm hoặc suy nghĩ chậm chạp.
  • Suy nghĩ tiêu cực, ám ảnh về một vấn đề nào đó.
  • Ý nghĩ tự hại hoặc tự tử, đặc biệt trong trường hợp trầm cảm nặng.
  • Xuất hiện ảo tưởng, ảo giác hoặc hoang tưởng.
  • Thu mình, tránh giao tiếp xã hội.
  • Thay đổi thói quen sinh hoạt như ăn uống hoặc giấc ngủ (ăn uống vô độ, mất ngủ hoặc ngủ quá nhiều).
  • Lạm dụng chất kích thích hoặc rượu bia.
  • Đau đầu, mệt mỏi không rõ nguyên nhân.
  • Rối loạn tiêu hóa hoặc đau cơ xương mà không có nguyên nhân y khoa rõ ràng.

Triệu chứng rối loạn tâm lý ở trẻ em

Trẻ em thường biểu hiện rối loạn tâm lý thông qua hành vi và cảm xúc, do trẻ chưa có khả năng nhận thức và diễn đạt đầy đủ như người lớn. Một số triệu chứng phổ biến bao gồm:

  • Khó kiểm soát cảm xúc, dễ cáu kỉnh hoặc nổi giận vô cớ.
  • Hành vi chống đối, không tuân theo các quy tắc ở nhà hoặc trường học.
  • Thu mình, né tránh giao tiếp hoặc tham gia các hoạt động nhóm.
  • Lo âu, sợ hãi kéo dài, thường xuyên bám dính người thân.
  • Buồn bã, khóc lóc không rõ nguyên nhân, mất hứng thú với các hoạt động yêu thích.
  • Rối loạn giấc ngủ: Mất ngủ, gặp ác mộng hoặc ngủ quá nhiều.
  • Chán ăn hoặc ăn uống vô độ, dẫn đến thay đổi cân nặng.
  • Suy giảm khả năng tập trung, học hành sa sút.
  • Trẻ thường xuyên phàn nàn về đau bụng, đau đầu hoặc các triệu chứng thể chất không rõ nguyên nhân để tránh đến trường.

Nguyên nhân gây rối loạn tâm lý

Rối loạn tâm lý có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, từ yếu tố di truyền đến tác động của môi trường và các trải nghiệm tâm lý. Việc hiểu rõ nguyên nhân giúp ích trong chẩn đoán và điều trị, đồng thời tăng khả năng phòng ngừa các rối loạn này.

Rối loạn tâm lý là sự kết hợp của nhiều yếu tố gây ra
Rối loạn tâm lý là sự kết hợp của nhiều yếu tố gây ra

Các nguyên nhân gây rối loạn tâm lý rất đa dạng, bao gồm các vấn đề sau:

  • Yếu tố di truyền: Các nghiên cứu cho thấy rối loạn tâm lý có tính di truyền, người có tiền sử gia đình mắc bệnh có nguy cơ cao hơn. Ngoài ra, một số gen liên quan đến trầm cảm, lo âu hoặc tâm thần phân liệt đã được phát hiện.
  • Yếu tố môi trường: Gia đình căng thẳng, bạo lực, hoặc thiếu hỗ trợ tình cảm có thể gây rối loạn tâm lý. Hoặc áp lực công việc, bắt nạt, hoặc mất mát người thân là các yếu tố nguy cơ.
  • Yếu tố sinh học: Mất cân bằng hóa học não, đặc biệt là sự thiếu hụt serotonin, dopamine. Tổn thương hoặc rối loạn chức năng ở các vùng não quan trọng.
  • Yếu tố tâm lý: Liên quan đến các chấn thương trong quá khứ như bị lạm dụng, tai nạn, bạo lực. Bản thân thiếu kỹ năng quản lý cảm xúc làm tăng nguy cơ mắc bệnh.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc rối loạn tâm lý

Ngoài các nguyên nhân trực tiếp, một số yếu tố khác có thể làm tăng nguy cơ phát triển rối loạn tâm lý:

  • Độ tuổi và giới tính: Một số rối loạn phổ biến ở từng giai đoạn hoặc giới tính, như trầm cảm ở phụ nữ hay lạm dụng chất ở nam giới.
  • Kinh tế – xã hội: Thu nhập thấp, thất nghiệp, hoặc điều kiện sống khó khăn.
  • Hỗ trợ xã hội kém: Sống cô lập, mất người thân, hoặc mâu thuẫn gia đình.
  • Tiền sử sức khỏe: Bệnh mãn tính, rối loạn giấc ngủ, hoặc đau kéo dài.
  • Lạm dụng chất kích thích: Rượu, ma túy, hoặc chất kích thích làm tăng nguy cơ rối loạn.

Ảnh hưởng của rối loạn tâm lý

Rối loạn tâm lý không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần mà còn tác động sâu rộng đến các khía cạnh khác của cuộc sống, từ công việc, học tập đến các mối quan hệ cá nhân và sức khỏe thể chất. Các tác động của rối loạn tâm lý bao gồm:

  • Làm giảm sức khỏe thể chất: Rối loạn tâm lý có thể gây ra các triệu chứng thể chất như đau đầu, mệt mỏi, mất ngủ hoặc rối loạn tiêu hóa. Các bệnh lý tâm lý kéo dài còn làm suy yếu hệ miễn dịch và làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý khác.
  • Tác động đến sức khỏe tinh thần: Làm giảm khả năng xử lý cảm xúc, dẫn đến cảm giác buồn bã, lo âu kéo dài và mất khả năng kiểm soát suy nghĩ, làm tăng nguy cơ tự hại hoặc tự tử trong trường hợp nghiêm trọng.
  • Ảnh hưởng đến quan hệ xã hội: Người mắc rối loạn tâm lý thường gặp khó khăn trong giao tiếp và xây dựng mối quan hệ, dẫn đến sự cô lập xã hội, hiểu lầm hoặc mâu thuẫn trong gia đình và bạn bè.
  • Ảnh hưởng đến học tập và công việc: Làm giảm khả năng tập trung, sáng tạo và ra quyết định, gây suy giảm năng suất công việc hoặc học tập. Người bệnh thường xuyên cảm thấy kiệt sức và khó hoàn thành nhiệm vụ.

Rối loạn tâm lý được chẩn đoán như thế nào?

Chẩn đoán rối loạn tâm lý là quá trình quan trọng để xác định loại bệnh và mức độ nghiêm trọng, từ đó giúp đưa ra phương pháp điều trị phù hợp. Thông thường, các bước chẩn đoán rối loạn tâm lý được tiến hành như sau:

  • Hỏi bệnh: Bác sĩ sẽ thu thập thông tin về triệu chứng, tiền sử bệnh, lối sống, các yếu tố tác động và hoàn cảnh hiện tại của người bệnh.
  • Xét nghiệm thể chất: Đôi khi bác sĩ có thể yêu cầu xét nghiệm máu, kiểm tra tuyến giáp hoặc các xét nghiệm khác để loại trừ các bệnh lý thể chất có thể gây ra triệu chứng tâm lý.
  • Đánh giá tâm lý: Người bệnh sẽ được yêu cầu chia sẻ về cảm xúc, suy nghĩ và hành vi, để bác sĩ đánh giá các dấu hiệu rối loạn.
  • Bài kiểm tra tâm lý: Các công cụ như bảng hỏi Beck Depression Inventory (BDI), Generalized Anxiety Disorder (GAD-7) được sử dụng để đánh giá mức độ lo âu, trầm cảm, hoặc các triệu chứng khác.
  • Chẩn đoán phân biệt: Bác sĩ sẽ xác định xem triệu chứng có liên quan đến bệnh lý tâm lý hay chỉ là phản ứng bình thường với stress.
  • Đối chiếu với tiêu chuẩn DSM-5: Bác sĩ sẽ tham khảo tiêu chuẩn của Sổ tay Chẩn đoán và Thống kê các Rối loạn Tâm thần (DSM-5) để đánh giá các triệu chứng và xác định chẩn đoán chính xác.

Phương pháp điều trị rối loạn tâm lý

Điều trị rối loạn tâm lý nhằm giảm triệu chứng, cải thiện chất lượng cuộc sống và giúp người bệnh phục hồi. Các phương pháp điều trị thường được áp dụng kết hợp để đạt hiệu quả tốt nhất. Rối loạn tâm lý có thể được điều trị bằng các phương pháp sau:

Điều trị bằng thuốc

Tùy vào loại rối loạn tâm lý mà bác sĩ sẽ chỉ định loại thuốc điều trị phù hợp. Không phải trường hợp nào cũng dùng thuốc điều trị. Các thuốc điều trị rối loạn tâm lý phổ biến gồm:

  • Thuốc chống trầm cảm: Được sử dụng để điều trị các rối loạn như trầm cảm, lo âu và rối loạn ám ảnh cưỡng chế. Các loại thuốc phổ biến bao gồm SSRIs (Selective Serotonin Reuptake Inhibitors) và SNRIs (Serotonin-Norepinephrine Reuptake Inhibitors).
  • Thuốc chống lo âu: Benzodiazepines hoặc các thuốc khác có thể được sử dụng ngắn hạn để giảm lo âu cấp tính.
  • Thuốc ổn định tâm trạng: Dùng trong điều trị rối loạn lưỡng cực để kiểm soát các giai đoạn hưng cảm và trầm cảm.
  • Thuốc antipsychotics: Sử dụng cho các rối loạn như tâm thần phân liệt hoặc rối loạn nhân cách phân liệt.

Điều trị bằng liệu pháp tâm lý

Tâm lý trị liệu hay liệu pháp tâm lý là giải pháp được khuyến khích áp dụng trong điều trị rối loạn tâm lý. Ưu điểm của phương pháp này là an toàn, không gây tác dụng phụ, không ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và mang đến hiệu quả bền vững.

Tâm lý trị liệu là liệu  pháp được khuyến khích áp dụng để điều trị rối loạn tâm lý
Tâm lý trị liệu là liệu
pháp được khuyến khích áp dụng để điều trị rối loạn tâm lý

Một số liệu pháp tâm lý được áp dụng trong điều trị rối loạn tâm lý:

Điều trị bằng công nghệ

Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học đã mang đến nhiều giải pháp điều trị mới cho người mắc rối loạn tâm lý. Các giải pháp này bao gồm:

  • Liệu pháp kích thích não: Liệu pháp sốc điện, liệu pháp kích thích não sâu, liệu pháp kích thích từ xuyên sọ, liệu pháp kích thích dây thần kinh phế vị.
  • Liệu pháp ánh sáng: Dùng ánh sáng mạnh để điều trị trầm cảm theo mùa (SAD), giúp cải thiện tâm trạng trong những tháng mùa đông.

Liệu pháp hỗ trợ khác

Một số liệu pháp hỗ trợ có thể được áp dụng để tăng cường hiệu quả, giảm triệu chứng cho người mắc rối loạn tâm lý. Chủ yếu là:

  • Liệu pháp vận động: Các bài tập thể dục hoặc yoga giúp cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần, giảm căng thẳng và lo âu.
  • Liệu pháp nghệ thuật hoặc âm nhạc: Giúp người bệnh giải tỏa cảm xúc, cải thiện tâm trạng và tăng cường sự sáng tạo.

Biện pháp phòng ngừa rối loạn tâm lý

Không có cách nào để phòng ngừa rối loạn tâm lý, tuy nhiên, chúng ta có thể giảm thiểu nguy cơ xảy ra các vấn đề về tâm lý và kiểm soát triệu chứng bằng cách:

  • Quản lý căng thẳng bằng lối sống lành mạnh và các phương pháp như thiền, yoga, hoặc các bài tập hít thở sâu.
  • Xây dựng mối quan hệ xã hội tích cực, duy trì mối quan hệ với bạn bè, tích cực tham gia hoạt động cộng đồng.
  • Rèn luyện kỹ năng quản lý cảm xúc, dành thời gian cho bản thân, cân đối thời gian học tập, làm việc và nghỉ ngơi.
  • Tạo thói quen sống tích cực, giữ tâm lý lạc quan, vui vẻ, học cách thích nghi, chấp nhận những thay đổi.
  • Hạn chế sử dụng rượu bia, ma túy vì chúng làm tăng nguy cơ rối loạn tâm lý
  • Tìm kiếm sự hỗ trợ từ chuyên gia khi có các triệu chứng bất ổn, nghi ngờ mắc rối loạn tâm lý.

Việc nhận diện và điều trị rối loạn tâm lý kịp thời là yếu tố quan trọng để ngăn ngừa các tác động tiêu cực đối với sức khỏe tinh thần và cuộc sống. Nếu bạn cảm thấy bản thân có bất kỳ dấu hiệu nào của rối loạn tâm lý, đừng ngần ngại tìm kiếm sự hỗ trợ từ các chuyên gia.

Có thể bạn quan tâm: 

 Tài liệu tham khảo:

  • https://www.apa.org/ed/precollege/topss/lessons/psychological-disorders.pdf
  • https://www.healthline.com/health/psychological-disorders
  • https://www.verywellmind.com/a-list-of-psychological-disorders-2794776
  • https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/22295-mental-health-disorders

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Học quá nhiều có thể khiến trẻ dễ gặp phải các vấn đề về tâm lý
7 Tác hại của việc học quá nhiều đối với trẻ cha mẹ nên biết

Học tập giúp trẻ tăng cường kiến thức, tầm nhìn, khả năng tư duy. Tuy nhiên, học quá nhiều có thể ảnh hưởng nghiêm trọng...

Thế giới của người trầm cảm là sự u ám, xám xịt, tối tăm
Khám phá thế giới của người trầm cảm qua các câu chuyện

Trong thế giới của người trầm cảm, cảm giác chán nản, buồn bã với những ngày xám xịt, tồi tệ là những gì bao trùm,...

Hội chứng ám ảnh quá khứ gây ra nỗi sợ hãi nghiêm trọng và không thể kiểm soát
Mnemophobia (Hội chứng ám ảnh quá khứ) là gì?

Mnemophobia (hội chứng ám ảnh quá khứ) là một trạng thái tâm lý đặc biệt trong đó người bệnh cảm thấy lo âu hoặc sợ...

Ở người trầm cảm cười, sự bất ổn được khéo léo che giấu bằng nụ cười
Hội chứng Trầm cảm cười: Biểu hiện và biện pháp khắc phục

Trầm cảm cười là một dạng rối loạn cảm xúc, đặc trưng với nụ cười lạc quan và thái độ tích cực bên ngoài nhưng...