Bài Test trầm cảm Beck (Beck Depression Inventory – BDI)

Bài test trầm cảm Beck là bài kiểm tra được thực hiện nhằm đánh giá cảm xúc và  đo lường mức độ trầm cảm của một cá nhân. Bài test này gồm có 21 câu hỏi, mỗi câu hỏi đại diện cho một triệu chứng hoặc thái độ có liên quan đến trầm cảm. 

Bài test trầm cảm Beck là gì?

Bài test trầm cảm Beck hay Beck Depression Inventory – BDI là bộ câu hỏi gồm 21 đề mục. Được phát triển bởi Aaron T.Beck cùng các cộng sư vào năm 1960. Trong đó, Aaron T.Beck là bác sĩ tâm thần người Mỹ đồng thời cũng là giáo sư danh dự Khoa Tâm thần học tại Đại học Pennsylvania.

BECK là bài test kiểm tra mức độ trầm cảm được phát triển bởi giáo sư, bác sĩ Aaron T.Beck và cộng sự
BECK là bài test kiểm tra mức độ trầm cảm được phát triển bởi giáo sư, bác sĩ Aaron T.Beck và cộng sự

BDI là công cụ để cá nhân có thể tự đánh giá tâm lý, từ đó phát hiện vấn đề mà mình đang gặp phải. Đây là một trong những bài test tâm lý được sử dụng rộng rãi nhất hiện nay. Không chỉ giúp đánh giá mức độ trầm cảm mà còn được sử dụng để sàng lọc trầm cảm trong thực hành lâm sàng.

BDI có độ tin cậy cao, được đánh giá cao, đã trải qua 2 lần sửa đổi lớn vào năm 1978 (BDI-IA) và năm 1996 (BDI-II). Bài test phù hợp với độ tuổi từ 16 trở lên. Mỗi câu trả lời sẽ được phân chia điểm số nhất định. Dựa vào tổng điểm để đối chiếu với thang đo, từ đó xác định mức độ trầm cảm của mỗi cá nhân.

Mục đích của bài test đánh giá mức độ trầm cảm BECK

Bài test đánh giá mức độ trầm cảm BECK không chỉ là công cụ để cá nhân tự đánh giá mức độ cảm xúc mà còn được sử dụng ở các bệnh viện, phòng khám tâm lý chuyên sâu. Mục đích của việc thực hiện bài test này gồm:

+ Đối với cá nhân

  • Giúp cá nhân tự đánh giá tình trạng sức khỏe tinh thần, xác định mức độ trầm cảm
  • Dự đoán sức khỏe tinh thần, đưa ra hướng xử lý và xây dựng kế hoạch chăm sóc, thăm khám phù hợp
  • Tổng hợp thông tin, giúp quá trình thăm khám với bác sĩ/chuyên gia được nhanh chóng, thuận tiện.

+ Đối với bác sĩ/chuyên gia

  • Đánh giá mức độ trầm cảm: Thông qua một loạt các câu hỏi liên quan đến cảm xúc, hành vi, thái độ của người làm bài test. Từ đó xác định mức độ nghiêm trọng của triệu chứng, từ nhẹ đến nặng.
  • Chẩn đoán trầm cảm: Thông qua kết quả bài test và việc đối chiếu với thang đo, các bác sĩ, chuyên gia tâm lý sẽ chẩn được mức độ trầm cảm. Từ đó đưa ra phương án hỗ trợ phù hợp cho từng cá nhân.
  • Theo dõi tiến triển của vấn đề tâm lý: BDI cũng được các chuyên gia sử dụng để theo dõi sự thay đổi về mức độ trầm cảm của từng đối tượng, từ đó đánh giá hiệu quả của phương án trị liệu.

Nội dung của bài test trầm cảm BECK

Thang đo trầm cảm Beck gồm có 21 đề mục, tương ứng với 21 câu hỏi. Mỗi câu hỏi sẽ đại diện cho một triệu chứng đặc trưng hoặc thái độ, hành vi tâm lý có liên quan đến trầm cảm. Mỗi mục có 4 – 8 tùy chọn phản hồi, mỗi phản hồi sẽ được quy đổi thành điểm số nhất định, từ 0 – 3 điểm.

Bài test gồm những câu hỏi đề mục giúp cá nhân tự đánh giá mức độ trầm cảm của bản thân
Bài test gồm những câu hỏi đề mục giúp cá nhân tự đánh giá mức độ trầm cảm của bản thân

Khi thực hiện bài test, bạn cần đọc một cách cẩn thận, rồi chọn ra một đáp án gần giống nhất với tình trạng mà mình đang gặp phải trong 1 – 2 tuần trở lại đây, bao gồm cả hôm nay. Mỗi đề mục có nhiều phản hồi, tuy nhiên, chỉ nên chọn một phản hồi phù hợp.

Số phía trước mỗi mục phản hồi là điểm tương ứng, bạn cần liệt kê điểm của từng đề mục. Sau đó cộng chúng lại với nhau rồi đối chiếu với thang đo. Mỗi mức điểm sẽ tương ứng với một mức độ trầm cảm nhất định.

Nội dung của 21 đề mục test như sau:

Đề mục 1: Tôi cảm thấy buồn chán

  • 0 điểm: Tôi không thấy buồn chán.
  • 1 điểm: Đôi khi tôi cảm thấy chán hoặc buồn.
  • 2 điểm: Lúc nào tôi cũng thấy chán hoặc buồn và không thể dừng lại được.
  • 2 điểm: Lúc nào tôi cũng thấy buồn chán, bất hạnh, đến mức đau khổ.
  • 3 điểm: Tôi thấy buồn chán, bất hạnh, khổ sở đến không thể chịu được.

Đề mục 2: Về tương lai

  • 0: Tôi không bi quan, nản lòng về tương lai
  • 1: Tôi cảm thấy nản lòng về tương lai hơn trước đây
  • 2: Tôi chẳng có mong đợi gì ở tương lai
  • 2: Tôi cảm thấy sẽ không bao giờ khắc phục được những điều phiền muộn
  • 3: Tôi cảm thấy bi quan tuyệt vọng, tình hình chỉ có thể tiếp tục xấu đi, không thể cải thiện được.

Đề mục 3: Tôi cảm thấy mình là người thất bại

  • 0: Tôi không phải là người thất bại
  • 1: Tôi thấy thất bại nhiều hơn người khác
  • 2: Tôi thấy mình đã hoàn thành rất ít điều đáng giá, có ý nghĩa
  • 2: Cuộc đời tôi có quá nhiều thất bại
  • 3: Tôi thấy mình là người hoàn toàn thất bại
  • 3: Tôi thấy hoàn toàn thất bại trong vai trò của mình (bố, mẹ, vợ, chồng…)

Đề mục 4: Bất mãn

  • 0: Tôi hoàn toàn không thấy bất mãn
  • 0: Tôi còn thích thú với những điều mình ưa thích trước đây
  • 1: Tôi luôn cảm thấy buồn chán
  • 1: Tôi ít thấy hứng thú với những điều trước đây từng yêu thích
  • 2: Tôi không thỏa mãn với bất kỳ điều gì nữa
  • 2: Tôi rất ít hứng thú với những điều trước đây từng thích
  • 3: Tôi không còn chút hứng thú nào
  • 3: Tôi không hài lòng với mọi thứ.

Đề mục 5: Thấy tội lỗi, tồi tệ

  • 0: Tôi hoàn toàn không thấy mình có tội lỗi gì ghê gớm
  • 1: Tôi thấy có tội với phần lớn những việc tôi đã làm
  • 1: Phần lớn thời gian tôi thấy mình tồi tệ và không xứng đáng
  • 2: Tôi thấy mình là người hoàn toàn có tội
  • 2: Tôi luôn thấy mình tồi tệ, không xứng đáng
  • 3: Lúc nào tôi cũng thấy có tội
  • 3: Tôi thấy mình rất tồi tệ hoặc vô dụng

Đề mục 6: Trừng phạt

  • 0: Tôi không cảm thấy mình đang bị trừng phạt
  • 1: Tôi thấy mình có thể sẽ bị trừng phạt
  • 1: Tôi thấy có gì đó xấu có thể xảy đến với tôi
  • 2: Tôi mong chờ bị trừng phạt
  • 3: Tôi thấy mình đang bị trừng phạt
  • 3: Tôi muốn mình nên bị trừng phạt.

Đề mục 7: Thất vọng về bản thân

  • 0: Tôi cảm thấy không thất vọng về chính bản thân mình
  • 1: Tôi thấy có thất vọng về bản thân, không tin tưởng chính mình
  • 2: Tôi thấy thất vọng hoặc ghê tởm chính mình
  • 3: Tôi căm ghét/thù hận bản thân mình

Đề mục 8: Phê phán, đổ lỗi và tự trách

  • 0: Tôi không phê phán hay đổi lỗi cho bản thân hơn trước đây
  • 0: Tôi không thấy mình xấu hơn người khác
  • 1: Tôi phê phán mình nhiều hơn trước đây
  • 1: Tôi thấy tự phê phán mình về sự yếu đuối và lỗi lầm bản thân
  • 2: Tôi tự trách vì những lỗi lầm đã gây ra
  • 2: Tôi tự trách vì lỗi lầm của bản thân
  • 3: Tôi tự trách mình về mọi điều xấu đã xảy đến.

Đề mục 9: Ý nghĩ tự tổn hại, tự sát

  • 0: Tôi không hề có ý nghĩ tự sát
  • 0: Tôi không có ý nghĩ tự làm tổn hại chính mình
  • 1: Có ý nghĩ tự sát nhưng không thực hiện
  • 1: Có ý nghĩ tự tổn hại nhưng không thực hiện
  • 2: Muốn tự sát
  • 2: Cảm thấy giá mà tôi chết đi thì tốt hơn
  • 2: Cảm thấy nếu mình chết thì gia đình sẽ tốt hơn
  • 2: Có dự định rõ ràng về việc tự sát
  • 3: Sẽ tự sát nếu có cơ hội.

Đề mục 10: Khóc thường xuyên

  • 0: Tôi không khóc nhiều
  • 1: Tôi khóc nhiều hơn trước
  • 2: Thường khóc vì những điều nhỏ nhặt
  • 2: Luôn luôn khóc, không thể dừng lại được
  • 3: Thấy muốn khóc nhưng không khóc được
  • 3: Trước đây thỉnh thoảng khóc nhưng hiện tại không thể khóc dù rất muốn khóc.

Đề mục 11: Bồn chồn, căng thẳng, dễ cáu gắt

  • 0: Không dễ bồn chồn, căng thẳng hơn trước
  • 0: Bây giờ tôi không dễ bị kích thích hơn trước đây
  • 1: Tôi dễ bồn chồn, căng thẳng hơn trước
  • 1: Tôi hay bực mình, dễ phát cáu hơn trước
  • 2: Tôi thấy bồn chồn, căng thẳng đến mức khó ngủ yên
  • 2: Tôi rất dễ phát cáu, luôn luôn căng thẳng, cáu gắt
  • 3: Rất bồn chồn, kích động đến mức phải liên tục đi lại hoặc phải làm việc gì đó.

Đề mục 12: Sự quan tâm

  • 0: Tôi không mất sự quan tâm đến mọi vật, mọi việc, mọi người
  • 1: Tôi ít quan tâm đến mọi người, mọi việc hơn trước
  • 2: Tôi hầu như không quan tâm đến mọi người, mọi việc, ít có cảm tình với họ
  • 3: Tôi không quan tâm đến tất cả mọi thứ
  • 3: Tôi hoàn toàn không quan tâm người khác, hoàn toàn không cần họ.

Đề mục 13: Khả năng tự quyết

  • 0: Có thể quyết định mọi việc
  • 1: Khó quyết định mọi việc hơn trước
  • 2: Thấy khó để tự quyết định mọi việc hơn trước rất nhiều
  • 2: Không thể tự quyết khi không có sự giúp đỡ
  • 3: Không thể tự quyết định việc gì.

Đề mục 14: Thấy xấu xí, vô dụng

  • 0: Tôi thấy mình không phải là người vô dụng
  • 0: Tôi thấy mình không hề xấu hơn trước
  • 1: Tôi cho rằng mình không có ích, không có giá trị như trước đây
  • 1: Tôi buồn phiền vì mình trông già và không hấp dẫn
  • 2: Tôi thấy mình vô dụng hơn người xung quanh mình
  • 2: Tôi thấy những thay đổi trong diện mạo khiến mình có vẻ không hấp dẫn
  • 3: Tôi thấy mình hết sức vô dụng
  • 3: Tôi thấy mình xấu xí hoặc ghê tởm.

Đề mục 15: Mất năng lượng, sức lực

  • 0: Tôi vẫn trần đầy sức lực
  • 1: Tôi thấy sức lực kém hơn trước hoặc không làm việc tốt như trước
  • 1: Tôi phải cố gắng mới có thể bắt đầu làm một việc gì
  • 2: Tôi không có sức lực để làm được nhiều việc
  • 2: Tôi phải cố hết sức để làm một việc gì đó
  • 3: Tôi không có đủ sức để làm bất kỳ việc gì nữa
  • 3: Tôi hoàn toàn không thể làm bất kỳ việc gì cả.

Đề mục 16: Giấc ngủ

  • 0: Không có gì thay đổi trong giấc ngủ
  • 1: Ngủ hơi ít hơn trước đây
  • 1: Ngủ hơi nhiều hơn trước đây
  • 2: Ngủ ít hơn trước
  • 2: Ngủ nhiều hơn trước
  • 3: Hầu như ngủ suốt cả ngày
  • 3: Thức dậy sớm hơn trước 1 – 2 giờ và không thể ngủ lại.

Đề mục 17: Cáu kỉnh, bực bội, mệt mỏi

  • 0: Không dễ cáu kỉnh, bực bội hơn trước
  • 0: Không thấy mệt khi làm việc hơn trước đây
  • 1: Dễ cáu kỉnh, bực bội hơn trước
  • 1: Dễ mệt khi làm việc hơn trước
  • 2: Cáu kỉnh bực bội hơn trước rất nhiều
  • 2: Làm bất kỳ việc gì cũng thấy mệt
  • 3: Lúc nào cũng thấy nóng giận, cáu kỉnh, bực bội
  • 3: Thấy quá mệt mỏi khi phải làm bất cứ việc gì.

Đề mục 18: Ăn rất ít hoặc rất thèm ăn

  • 0: Vẫn ăn ngon miệng như trước đây
  • 1: Thấy kém ngon miệng hơn trước
  • 1: Ăn ngon miệng hơn trước
  • 2: Ăn kém ngon miệng hơn rất nhiều
  • 2: Ăn ngon miệng hơn trước rất nhiều
  • 3: Không lúc nào thấy ngon miệng
  • 3: Lúc nào cũng thèm ăn.

Đề mục 19: Khả năng tập trung và cân nặng

  • 0: Có thể tập trung tốt như trước
  • 0: Không sút cân nào
  • 1: Không thể tập trung như trước đây
  • 1: Sút trên 2kg
  • 2: Khó tập trung chú ý lâu vào điều gì
  • 2: Sút trên 4kg
  • 3: Không thể tập trung chú ý vào bất kỳ điều gì
  • 3: Sút trên 6kg

Đề mục 20: Cảm giác mệt mỏi, lo lắng quá mức

  • 0: Không hề thấy mệt mỏi hơn trước đây
  • 0: Không lo lắng về sức khỏe hơn trước
  • 1: Dễ mệt mỏi hơn trước
  • 1: Có lo lắng về những cơn đau, tình trạng khó chịu ở dạ dày hoặc táo bón và những cảm giác khác của cơ thể
  • 2: Hầu như lúc nào cũng thấy mệt mỏi khi làm bất kỳ việc gì
  • 2: Rất lo lắng về sức khỏe, về cảm xúc và điều gì đó đến nỗi khó suy nghĩ thêm việc gì nữa
  • 3: Quá mệt mỏi khi làm bất cứ việc gì
  • 3: Hoàn toàn bị hút vào những cảm giác của chính mình.

Đề mục 21: Hứng thú tình dục

  • 0: Không thấy có gì thay đổi trong hứng thú tình dục
  • 1: Ít hứng thú với tình dục
  • 2: Hầu như không hứng thú với tình dục
  • 3: Hoàn toàn mất hứng thú với tình dục.

Lưu ý: Với mỗi đề mục, bạn chỉ chọn 1 phản hồi, không chọn nhiều phản hồi cùng lúc.

Kết quả thang đo đánh giá mức độ trầm cảm BECK

Quy trình thực hiện bài test BECk là đọc kỹ từng câu hỏi, chọn một câu phản ánh gần nhất tình trạng của bạn trong vòng 1 tuần trở lại. Cộng tổng số điểm của 21 đề mục, sau đó đối chiếu với thang đo để tự đánh giá mức độ trầm cảm của mình.

Sau khi thực hiện bài test, bạn cần cộng điểm của các mục và đối chiếu với thang đo dưới đây
Sau khi thực hiện bài test, bạn cần cộng điểm của các mục và đối chiếu với thang đo

Sau khi làm bài test và cộng điểm, bạn tiến hành đối chiếu với kết quả dưới đây:

  • Tổng điểm dưới 14: Không có biểu hiện trầm cảm
  • Tổng điểm từ 14 – 19: Có dấu hiệu trầm cảm, mức độ nhẹ
  • Tổng điểm từ 20 – 29: Trầm cảm mức độ vừa
  • Tổng điểm trên 30: Trầm cảm mức độ nặng

BDI là công cụ hữu ích để đánh giá mức độ trầm cảm, độ chính xác tương đối cao. Thường được ứng dụng trong:

  • Chẩn đoán trầm cảm lâm sàng
  • Nghiên cứu khoa học
  • Theo dõi sự tiến triển của trầm cảm theo thời gian.

Bản chất của nghiệm pháp đánh giá trầm cảm BECK

BDI có tổng cộng 21 câu hỏi, mô tả các triệu chứng, hành vi về sức khỏe tinh thần cũng như các mặt hoạt động tâm thần. Trong đó:

  • Các câu hỏi từ 1 – 15 phản ảnh nhận xét của bản thân về thế giới bên ngoài và tương lai
  • Các câu hỏi từ 16 – 21 phản ánh các triệu chứng và mức độ triệu chứng như mệt mỏi, rối loạn giấc ngủ, khả năng tập trung…

Trường hợp điểm số bài test trên 14 điểm, điểm từ mục 1 – 15 chiếm ưu thế thì đây là biểu hiện của trầm cảm nội sinh. Nếu điểm số bài test trên 14 nhưng điểm từ đề mục 16 – 21 chiếm ưu thế thì đây là biểu hiện của trầm cảm tâm căn.

Bài test tầm cảm Beck mặc dù có thể giúp tự cá nhân đánh giá mức độ trầm cảm nhưng chỉ mang tính chất tham khảo. Kết quả của bài test không có giá trị thay thế cho chẩn đoán y khoa. Nếu có dấu hiệu nghi ngờ trầm cảm, bạn nên tìm đến bác sĩ, chuyên gia tâm lý để được tư vấn, hỗ trợ.

Có thể bạn quan tâm:

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

ADHD ở người lớn có thể liên quan đến yếu tố di truyền, mất cân bằng hóa chất sinh học não
Tìm hiểu rối loạn tăng động giảm chú ý ở người lớn (ADHD)

Rối loạn tăng động giảm chú ý ở người lớn là loại rối loạn sức khỏe tâm thần đặc trưng bởi các vấn đề như...

Phòng chống bạo lực học đường là trách nhiệm chung của toàn xã hội
Phòng ngừa bạo lực học đường: Vấn đề của toàn xã hội

Môi trường học đường là nơi đào tạo thế hệ trẻ, những chủ nhân tương lai của đất nước, trường học văn minh thì xã...

Trầm cảm được xếp vào nhóm rối loạn tâm thần hành vi
Trầm cảm có phải là bệnh tâm thần không?

Trầm cảm là một rối loạn tâm thần phổ biến, có mức độ nguy hiểm cao, ước tính tỷ lệ chết vì trầm cảm cao...

Trầm cảm có nguy hiểm hay không phụ thuộc vào mức độ trầm cảm
Bệnh trầm cảm có nguy hiểm không? Gây tác hại gì?

Có khoảng 30% dân số Việt Nam có rối loạn tâm thần, trong đó, trầm cảm chiếm 25%. Rất nhiều người mắc trầm cảm nhưng...