Rối loạn giấc ngủ ở trẻ em: Dấu hiệu và cách xử lý

Rối loạn giấc ngủ ở trẻ em xảy ra rất phổ biến, có đến 50% trẻ em trên thế giới gặp phải tình trạng này. Trẻ bị rối loạn giấc ngủ thường có các biểu hiện như khó ngủ, ngủ không sâu giấc, thức dậy la hét, khóc trong trạng thái không tỉnh táo giữa đêm, khịt mũi hoặc ngáy khi ngủ…

Rối loạn giấc ngủ ở trẻ em là gì?

Theo Hiệp hội Tâm thần học Hoa Kỳ (American Psychiatric Association, APA), rối loạn giấc ngủ hay rối loạn giấc ngủ – thức là tình trạng chất lượng, thời gian đi vào giấc ngủ và thời lượng giấc ngủ thay đổi bất thường. Tình trạng này có thể xảy ra ở mọi trẻ, bao gồm trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và cả trẻ vị thành niên.

Rối loạn giấc ngủ là tình trạng thời gian, chất lượng giấc ngủ của trẻ không đảm bảo
Rối loạn giấc ngủ là tình trạng thời gian, chất lượng giấc ngủ của trẻ không đảm bảo

Theo một nghiên cứu về rối loạn giấc ngủ ở trẻ em đăng trên American Family Physician, có đến 50% trẻ bị rối loạn giấc ngủ. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển về thể chất, trí tuệ của trẻ mà còn ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ của ba mẹ.

Trẻ ở mỗi độ tuổi khác nhau, nhu cầu về giấc ngủ sẽ khác nhau. Nhu cầu giấc ngủ ở trẻ theo độ tuổi như sau:

  • Trẻ từ 0 – 2 tháng tuổi: 16 – 18 giờ mỗi ngày
  • Từ 2 – 12 tháng tuổi: 12 – 16 giờ mỗi ngày
  • Từ 1 – 3 tuổi: 10 – 16 giờ mỗi ngày
  • Từ 3 – 5 tuổi: 11 – 15 giờ mỗi ngày
  • Từ 14 – 18 tuổi: 7 – 10 giờ mỗi ngày.

Khi thời lượng giấc ngủ ngắn, trẻ khó đi vào giấc, thường tỉnh giấc ban đêm , tình trạng này kéo dài, lặp đi lặp lại nhiều ngày được gọi là rối loạn giấc ngủ. Trẻ bị rối loạn giấc ngủ sẽ buồn ngủ, ngủ nhiều vào ban ngày, ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển của trẻ.

Các loại rối loạn giấc ngủ ở trẻ em

Rối loạn giấc ngủ khiến trẻ không có đủ thời gian nghỉ ngơi hoặc khiến con buồn ngủ quá mức. Có nhiều loại rối loạn giấc ngủ, mỗi loại đều có những đặc điểm riêng nhưng nhìn chung đều khiến trẻ mệt mỏi, uể oải, thiếu tinh thần.

Các loại rối loạn giấc ngủ thường gặp ở trẻ em:

  • Ngưng thở khi ngủ: Thường gặp ở trẻ từ 2 – 8 tuổi, có 2 loại là ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn và ngưng thở khi ngủ trung ương.
  • Mất ngủ: Trẻ gặp khó khăn trong việc đi vào giấc ngủ, thường trằn trọc khó ngủ hoặc khó duy trì giấc ngủ sâu, có thể thức dậy quá sớm và khó ngủ lại.
  • Hội chứng ngủ trễ: Thường xảy ra ở thanh thiếu niên khi thời gian đi ngủ trễ hơn bình thường 1 – 2 giờ hoặc nhiều hơn.
  • Rối loạn vận động chân tay định kỳ: Cảm giác muốn di chuyển khiến trẻ đá chân liên tục, làm trẻ thức giấc khi đi ngủ, có liên hệ mật thiết với tình trạng thiếu sắt.
  • Buồn ngủ quá mức: Buồn ngủ, ngủ nhiều không rõ nguyên nhân mà không kèm theo triệu chứng rối loạn giấc ngủ khác hoặc các vấn đề y tế liên quan.
  • Bệnh ủ rũ: Là một rối loạn thần kinh trung ương mà não không thể điều chỉnh chu kỳ ngủ – thích một cách hợp lý, không phổ biến ở trẻ em.
  • Parasomnia: Nhóm các chuyển động bất thường trong khi ngủ gồm ác mộng (trẻ thức dậy sau giấc mơ đáng sợ), cơn ác mộng khi ngủ (trẻ ngồi dậy khóc, la hét), nói mớ, mộng du…

→Xem thêm: Rối loạn cảm xúc ở trẻ em: Biểu hiện và các biện pháp can thiệp

Nguyên nhân khiến trẻ bị rối loạn giấc ngủ

Giấc ngủ rất cần thiết với sức khỏe, đặc biệt là sự phát triển ở trẻ. Việc xác định được nguyên nhân khiến trẻ bị rối loạn giấc ngủ sẽ giúp giải quyết được gốc rễ vấn đề. Có biện pháp can thiệp phù hợp để cải thiện triệt để rối loạn giấc ngủ ở trẻ.

Trẻ sử dụng thiết bị điện tử quá nhiều rất dễ bị rối loạn giấc ngủ
Trẻ sử dụng thiết bị điện tử quá nhiều rất dễ bị rối loạn giấc ngủ

Trẻ em có thể bị rối loạn giấc ngủ do:

  • Rối loạn nhịp sinh học: Thường gặp ở trẻ sơ sinh do nhịp sinh học chưa được định hình, trẻ có thể bị lẫn lộn ngày đêm. Ở trẻ nhỏ, tình trạng này có thể liên quan đến việc trẻ ngủ ngày nhiều, giờ giấc ngủ – thức không ổn định.
  • Lạm dụng thiết bị điện tử: Trẻ sử dụng các thiết bị điện tử (điện thoại, tivi, laptop…) quá nhiều, nhất là trước khi đi ngủ. Ánh sáng xanh và sóng từ làm ảnh hưởng đến hệ thần kinh khiến trẻ bị rối loạn giấc ngủ.
  • Áp lực từ môi trường sống, môi trường học tập: Môi trường sống không lành mạnh, không an toàn khiến trẻ căng thẳng, sợ hãi. Áp lực học tập, bạo lực học đường, gia đình không hạnh phúc…
  • Thói quen ăn uống không hợp lý: Trẻ ăn thức ăn cay nóng, khó tiêu, đồ ăn nhiều dầu mỡ hoặc ăn quá no vào ban đêm. Chế độ ăn uống thiếu khoa học, không đảm bảo cung cấp đủ dưỡng chất cho trẻ.
  • Không gian ngủ không thoải mái: Phòng ngủ quá sáng, quá ổn, nhiệt độ phòng quá cao hoặc quá thấp, giường ngủ không thoải mái…
  • Ảnh hưởng của bệnh lý: Các bệnh đường hô hấp (viêm phế quản, hen suyễn…), bệnh lý thần kinh (rối loạn lo âu, đau nửa đầu, thiếu máu não…), bệnh về tiêu hóa (trào ngược dạ dày thực quản, viêm dạ dày…) có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ của trẻ.
  • Nguyên nhân khác: Trẻ sử dụng cà phê, thức uống có cồn, trẻ nhỏ trong tuần khủng hoảng, trẻ vận động quá mức vào ban ngày, thay đổi môi trường sống khiến trẻ chưa kịp thích nghi.

Dấu hiệu nhận biết rối loạn giấc ngủ ở trẻ em

Biểu hiện rối loạn giấc ngủ ở trẻ rất đa dạng. Tùy vào loại rối loạn mà con sẽ có những triệu chứng đặc trưng cụ thể. Các dấu hiệu này thường biểu hiện không quá rõ ràng, tuy nhiên, chỉ cần chú ý nhiều hơn, ba mẹ có thể nhận biết được.

Các dấu hiệu cho thấy trẻ có vấn đề về giấc ngủ gồm:

  • Trằn trọc, khó đi vào giấc ngủ
  • Thức dậy thường xuyên
  • Thở hổn hển hoặc khịt mũi khi ngủ
  • Chân không yên
  • Trẻ kêu ngứa chân
  • Ngủ say khó đánh thức
  • Ngáy, nghiến răng
  • Đái dầm vào ban đêm
  • Thức dậy la hét
  • Trẻ khóc, la hét trong trại thái không tỉnh táo
  • Đi, nói mớ trong lúc ngủ…

Các biểu hiện rối loạn giấc ngủ vào ban ngày:

  • Buồn ngủ, ngủ nhiều hơn vào ban ngày
  • Khó khăn khi thức dậy vào buổi sáng
  • Suy giảm hiệu suất, khó giữ tỉnh táo trong ngày
  • Dễ kích động, căng thẳng, cáu kỉnh
  • Thường xuyên tỏ ra mệt mỏi, chậm chạp, lờ đờ
  • Cơ thể yếu ớt, trầm tư, ít linh hoạt, ít hoạt động…

Rối loạn giấc ngủ ảnh hưởng như thế nào đến trẻ

Giấc ngủ chiếm 25% trong quá trình tăng trưởng chiều cao của trẻ. Theo các nghiên cứu Hormone tăng trưởng được tiết ra cả ngày, tuy nhiên, thời gian từ 11 giờ đêm – 1 giờ sáng là thời điểm tuyến yên sản xuất lượng hormone tăng trưởng tối đa. Trẻ khó ngủ hoặc ngủ không sâu giấc thời điểm này sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển chiều cao của trẻ.

Chất lượng giấc ngủ không đảm bảo ảnh hưởng đến khả năng học tập của trẻ
Chất lượng giấc ngủ không đảm bảo ảnh hưởng đến khả năng học tập của trẻ

Ngoài ra, rối loạn giấc ngủ còn có thể gây ra những ảnh hưởng sau:

  • Ảnh hưởng về sức khỏe: Suy giảm hệ miễn dịch, tăng huyết áp, căng thẳng thần kinh, tăng nguy cơ mắc các rối loạn tâm thần như trầm cảm, rối loạn lo âu; tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ do thiếu oxy não…
  • Ảnh hưởng đến học tập: Trẻ mệt mỏi, thiếu năng lượng dẫn đến mất tập trung, khó tiếp thu hiểu bài. Khả năng ghi nhớ của não bộ giảm sút, trẻ khó nhớ bài, giảm khả năng sáng tạo và tư duy phản biện.
  • Ảnh hướng đến hành vi cảm xúc: Rối loạn giấc ngủ có thể khiến trẻ dễ cáu gắt, kích động, thiếu năng lượng, thờ ơ, ủ rũ. Đôi khi trẻ có phản ứng thái quá, dễ gây ra hành vi bạo lực, chống đối.

Cách xử lý khi trẻ bị rối loạn giấc ngủ

Rối loạn giấc ngủ ở trẻ cần được can thiệp kịp thời và đúng cách. Giấc ngủ rất cần thiết cho sự phát triển của trẻ, không nên để tình trạng này kéo dài. Đặc biệt, các loại rối loạn giấc ngủ như ngưng thở khi ngủ, mộng du, cơn ác mộng khi ngủ rất nguy hiểm đối với sức khỏe của trẻ.

Dưới đây là cách xử lý phù hợp khi trẻ bị rối loạn giấc ngủ mà ba mẹ có thể tham khảo:

1.Vệ sinh giấc ngủ

Vệ sinh giấc ngủ là xây dựng các thói quen lành mạnh, từ đó cải thiện chất lượng giấc ngủ. Đối với những trường hợp trẻ khó ngủ, ngủ không sâu giấc ở mức độ nhẹ, không liên quan đến bệnh lý, ba mẹ nên điều chỉnh thói quen sinh hoạt, cải thiện môi trường sống, môi trường ngủ để nâng cao chất lượng giấc ngủ của trẻ.

Môi trường ngủ thoải mái giúp trẻ ngủ ngon và sâu giấc hơn
Môi trường ngủ thoải mái giúp trẻ ngủ ngon và sâu giấc hơn

Chúng ta có thể vệ sinh giấc ngủ bằng cách:

  • Thiết lập thời gian ngủ – thức vào giờ cố định để trẻ tái thiết lập đồng hồ sinh họ
  • Cùng con luyện tập thể dục thể thao, tích cực cho trẻ tham gia hoạt động vui chơi để thư giãn, xả stress
  • Xây dựng môi trường ngủ lý tưởng, phòng ngủ tối, yên tĩnh, nhiệt độ thoải mái
  • Không cho trẻ ngủ quá nhiều vào ban ngày, không cho con sử dụng thiết bị điện tử quá thường xuyên
  • Tạo môi trường gia đình vui vẻ, ấm áp, gần gũi để trẻ cảm thấy an toàn, thoải mái…

2. Cân bằng chế độ dinh dưỡng

Bên cạnh lối sống, thói quen sinh hoạt, cần chú ý đến chế độ dinh dưỡng để cải thiện sức khỏe thể chất, tinh thần của trẻ. Đối với trẻ rối loạn giấc ngủ cần:

  • Xây dựng chế độ ăn uống khoa học, lành mạnh đầy đủ dưỡng chất
  • Tránh cho con ăn đồ ăn cay nóng, nhiều dầu mỡ, ăn quá no trước khi đi ngủ.
  • Hạn cho trẻ ăn hoặc uống các đồ ăn, thức uống chứa nhiều đường, caffeine
  • Nên bổ sung sắt, vitamin và khoáng chất cần thiết cho sự phát triển của trẻ.

3. Thăm khám bác sĩ, chuyên gia

Tùy vào tình trạng của trẻ mà ba mẹ có cách xử lý phù hợp. Khi rối loạn giấc ngủ kéo dài, ba mẹ nên đưa con đến gặp bác sĩ, chuyên gia tâm lý hoặc chuyên gia giấc ngủ để được hỗ trợ. Tốt nhất nên:

  • Đưa trẻ đến gặp bác sĩ khi con rối loạn giấc ngủ có liên quan đến bệnh lý
  • Đưa trẻ đến gặp chuyên gia tâm lý khi trẻ căng thẳng, lo lắng quá mức gây khó ngủ
  • Đưa trẻ đến gặp chuyên gia giấc ngủ khi con mộng du, nói mớ, có cơn hoảng sợ ban đêm…

Biện pháp phòng ngừa rối loạn giấc ngủ ở trẻ em

Rối loạn giấc ngủ rất khó phòng ngừa, tình trạng này có thể liên quan đến rất nhiều yếu tố, bao gồm yếu tố khách quan và yếu tố chủ quan. Chúng ta có thể ngăn ngừa nguy cơ trẻ bị rối loạn giấc ngủ bằng cách:

  • Cung cấp thời gian ngủ hợp lý, phù hợp với độ tuổi của trẻ, thiết lập thói quen ngủ lành mạnh
  • Tạo môi trường ngủ thoải mái, yên tĩnh, không ồn ào, phòng ngủ tối hoặc ánh sáng nhẹ, nhiệt độ phòng phù hợp
  • Nên giúp trẻ thư giãn bằng cách cho con nghe nhạc nhẹ nhàng hoặc đọc sách, đọc thơ cho con trước khi ngủ
  • Quan sát và điều chỉnh khi trẻ có dấu hiệu rối loạn giấc ngủ
  • Không tạo áp lực quá lớn cho con, tạo môi trường gia đình vui vẻ, thoải mái để trẻ cảm thấy yên tâm và an toàn.

Rối loạn giấc ngủ xảy ra vô cùng phổ biến ở trẻ em. Nếu không được quan tâm, can thiệp kịp thời, tình trạng này sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của trẻ, đặc biệt là chiều cao và trí tuệ. Khi con có dấu hiệu rối loạn giấc ngủ, ba mẹ nên tìm kiếm sự hỗ trợ từ bác sĩ, chuyên gia tâm lý để có biện pháp xử lý phù hợp.

Có thể bạn quan tâm:

 

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Trẻ chậm phát triển trí tuệ: Biểu hiện và hướng can thiệp

Trẻ chậm phát triển trí tuệ là một vấn đề sức khỏe tâm thần nghiêm trọng khiến cho nhiều bậc phụ huynh cảm thấy lo...

Trầm cảm được xếp vào nhóm rối loạn tâm thần hành vi
Trầm cảm có phải là bệnh tâm thần không?

Trầm cảm là một rối loạn tâm thần phổ biến, có mức độ nguy hiểm cao, ước tính tỷ lệ chết vì trầm cảm cao...

Ba tuổi là giai đoạn vàng để trẻ phát triển tâm lý
Đặc điểm tâm lý trẻ 3 tuổi, chúng thay đổi nhanh hơn bạn nghĩ

Đặc điểm tâm lý trẻ 3 tuổi phức tạp hơn so với tâm lý của trẻ ở giai đoạn trước đó. Việc hiểu rõ tâm...

Hội chứng ADHD – Tăng động giảm chú ý ở trẻ và hướng can thiệp

Tăng động giảm chú ý ở trẻ là rối loạn thần kinh khá phổ biến, đặc trưng bởi hành vi hiếu động quá mức, giảm...