Rối loạn cảm xúc ở trẻ em: Biểu hiện và các biện pháp can thiệp
Rối loạn cảm xúc không chỉ xảy ra ở người lớn mà còn có thể xuất hiện ở trẻ em. Tình trạng này ảnh hưởng nhiều đến khả năng học hỏi, tương tác xã hội của trẻ, khiến trẻ có các hành vi bất thường so với bạn bè cùng lứa tuổi.
Rối loạn cảm xúc ở trẻ em là gì?
Rối loạn cảm xúc ở trẻ em là một loại rối loạn tâm thần thường gặp. Đặc trưng bởi khí sắc, cảm xúc trầm buồn hoặc hưng phấn quá mức, xuất hiện xen kẽ, có tính chất chu kỳ, kéo dài trong thời gian dài. Trẻ gặp vấn đề tâm lý này thường gặp khó khăn hoặc không thể kiểm soát cảm xúc cá nhân, gây ra nhiều hành vi bất thường, phiền toái.
Rối loạn cảm xúc ở trẻ em có 2 dạng lâm sàng là hưng cảm (cảm xúc dâng cao) và trầm cảm (cảm xúc giảm sút, ức chế). Trẻ mắc rối loạn cảm xúc thường có trạng thái cảm xúc không ổn định, có giai đoạn hưng phấn, kích thích quá mức, cũng có giai đoạn buồn bã, bi quan, mất hết hứng thú trong các hoạt động từng yêu thích.
Rối loạn cảm xúc ở trẻ em là sự bất thường trong kiểm soát cảm xúc và hành vi. Trẻ gặp khó khăn trong việc tuân theo các quy tắc, luật lệ. Tình trạng cảm xúc rối loạn đi kèm với rối loạn hành vi. Trẻ rối loạn hành vi thường có các hành động tiêu cực bản năng. Chẳng hạn như cư xử hung hãn với bạn bè, đồ vật, con vật, hay nói dối, phá phách, trốn học…
Các loại rối loạn cảm xúc ở trẻ em
Rối loạn cảm xúc ở trẻ em cũng được chia thành nhiều loại khác nhau. Mỗi loại sẽ gây ra những ảnh hưởng nhất định và có cách khắc phục phù hợp. Những rối loạn trong cảm xúc khiến trẻ thành đổi hành vi, nhận thức, ảnh hưởng đến sự phát triển và quá trình học tập.
Một số loại rối loạn cảm xúc phổ biến ở trẻ em có thể kể đến như:
- Rối loạn hành vi chống đối (ODD): Trẻ thường có biểu hiện chống đối, đối nghịch, bất hợp tác với người lớn. Chúng thường tranh cãi, dễ cáu giận, dễ nóng giận.
- Rối loạn hành vi phá hoại: Có hành động bạo lực, phá hoại như đánh nhau, đập phá, hủy hoại tài sản, đe dọa bắt nạt người khác.
- Rối loạn lo âu: Lo lắng sợ hãi quá mức, kéo dài, thường xuyên về một vấn đề nào đó
- Rối loạn lưỡng cực: Trẻ có sự thay đổi nhanh chóng từ cảm giác hưng phấn, vui vẻ sang cảm giác buồn bã, tuyệt vọng và ngược lại.
- Rối loạn loạn thần: Trẻ có ảo giác và ảo tưởng, có các suy nghĩ, nhận thức khác thường, không có thật hoặc sai lệch…
- Rối loạn trầm cảm: Buồn bã, mất năng lượng, mất hứng thú với những hoạt động từng yêu thích, có suy nghĩ tiêu cực về bản thân, có hành vi tự hại hoặc tự tử…
Biểu hiện rối loạn cảm xúc ở trẻ em
Rối loạn cảm xúc ở trẻ em rất khó nhận biết, lý do là tâm trạng cảm xúc của trẻ luôn thay đổi thất thường, khó nắm bắt. Ở giai đoạn hưng cảm, trẻ có thể có biểu hiện hoạt bát, lạc quan, vui vẻ, năng động quá mức. Thậm chí có thể xuất hiện hành vi phá hoại, gây hấn.
Các dấu hiệu nhận biết rối loạn cảm xúc ở trẻ em có thể kể đến như:
- Thay đổi đáng kể về tâm trạng, cảm xúc, có các cơn buồn bã, khóc lóc, chán nản hoặc có hành vi quá khích, vui vẻ quá mức
- Mất hứng thú hoặc giảm sự quan tâm đến các hoạt động thường ngày, kể cả những hoạt động từng rất thích thú
- Thay đổi thói quen ăn uống, ăn ít hoặc nhiều, mất ngủ hoặc ngủ nhiều
- Lo lắng, sợ hãi quá mức, kéo dài, không rõ nguyên nhân, không giải thích được
- Tính khí dễ thay đổi, có thể vui vẻ phấn khích quá mức hoặc dễ cáu giận, khó chịu
- Rối loạn trong hành vi với biểu hiện như chống đối, bạo lực, tự làm tổn thương bản thân
- Khó tập trung, kết quả học tập giảm giúp, không thể hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.
- Trong giai đoạn hưng cảm, trẻ có thể vui vẻ, lạc quan, dư thừa năng lượng quá mức
Trẻ được đánh giá là rối loạn cảm xúc khi:
- Không có khả năng học tập mặc dù không khiếm khuyết về trí tuệ, sức khỏe
- Không có khả năng duy trì tốt các mối quan hệ với bạn bè, người xung quanh
- Thường có dấu hiệu chán nản, uể oải, bi quan, trầm cảm
- Có các hành vi, cảm xúc không phù hợp với độ tuổi
- Có khuynh hướng biểu hiện sợ hãi các vấn đề cá nhân hoặc trường học.
Nguyên nhân gây rối loạn cảm xúc ở trẻ em
Có 2% trẻ nhỏ và 5% trẻ trong độ tuổi vị thành niên mắc rối loạn cảm xúc. Tỷ lệ này ngày càng gia tăng trong xã hội hiện nay. Đến nay, nguyên nhân gây rối loạn cảm xúc ở trẻ em vẫn chưa được xác định chính xác. Tuy nhiên, tình trạng này có thể liên quan đến rất nhiều yếu tố như rối loạn chất dẫn truyền thần kinh, gen di truyền, yếu tố gia đình xã hội…
Các yếu tố liên quan đến rối loạn cảm xúc ở trẻ em gồm:
- Yếu tố sinh học: Mất cân bằng các hóa chất não (chất dẫn truyền thần kinh trung ương), đặc biệt là sự sụt giảm serotonin, norepinephrine. Hoặc có liên quan đến sự phát triển của não bộ trẻ.
- Môi trường gia đình và xã hội: Trẻ có môi trường sống không ổn định, không lành mạnh, gia đình thường xung đột, bạo lực, người thân bỏ bê thường có nguy cơ mắc rối loạn cảm xúc.
- Yếu tố di truyền: Khi người thân trực hệ có tiền sử mắc các rối loạn tâm thần, trẻ sẽ có nguy cơ rối loạn cảm xúc cao hơn trẻ khác.
- Sang chấn tâm lý: Trẻ từng trải qua các sang chấn tâm lý như lạc ba mẹ, mất người thân, bị lạm dụng, bị bạo hành, bạo lực học đường, chứng kiến sự kiện kinh hoàng…
- Yếu tố khác: Tác dụng phụ của thuốc, do tính cách nhút nhát hướng nội, do mắc bệnh lý nghiêm trọng hoặc mãn tính…
Rối loạn cảm xúc ảnh hưởng như thế nào đến trẻ?
Rối loạn cảm xúc ảnh hưởng đến trẻ em trên nhiều khía cạnh, phương diện cuộc sống. Trẻ bị rối loạn cảm xúc có thể gặp khó khăn trong việc học tập, làm giảm sức khỏe thể chất và tinh thần cũng như các mối quan hệ xã hội. Do đó, cần có sự quan tâm đúng mức để sớm phát hiện các vấn đề bất thường ở trẻ.
Những ảnh hưởng của rối loạn cảm xúc ở trẻ em:
- Dễ khiến trẻ gặp phải các vấn đề về sức khỏe thể chất như đau đầu, đau bụng, mệt mỏi, suy giảm hệ miễn dịch do mất ngủ hoặc ngủ quá nhiều
- Ảnh hưởng đến sự phát triển EQ, gặp khó khăn trong việc kiểm soát cảm xúc, xử lý stress, thích nghi với những thay đổi
- Có hành vi chống đối, phá hoại, bạo lực với người thân, bạn bè, ảnh hưởng đến mối quan hệ gia đình, bạn bè, xã hội
- Giảm khả năng tập trung, ảnh hưởng đến thành tích học tập, khiến trẻ học kém, thiếu hụt các kỹ năng cần thiết
- Trẻ dễ cảm thấy cô đơn, dễ bị cô lập, thiếu sự tự tin và đánh giá thấp bản thân.
- Trẻ có thể có hành vi tự hại, gây hại người khác hoặc tự sát
Các biện pháp can thiệp khắc phục rối loạn cảm xúc ở trẻ
Như đã đề cập, rối loạn cảm xúc ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe tinh thần, thể chất cũng như thành tích học tập ở trẻ. Thậm chí, đã có nhiều trường hợp trẻ tự sát do rối loạn cảm xúc, không thể kiểm soát cảm xúc của mình. Không chỉ vậy, ước tính có hơn 82% người thân chưa biết ứng xử thế nào khi phát hiện trẻ có biểu hiện bất thường.
Khi con có biểu hiện bất thường, cách tốt nhất là chúng ta cần sớm tìm kiếm sự trợ giúp từ các bác sĩ hoặc chuyên gia chuyên khoa tâm lý. Tùy vào tình trạng, mức độ rối loạn cảm xúc ở trẻ mà có biện pháp can thiệp phù hợp. Các biện pháp này là:
1. Trị liệu tâm lý
Trẻ cần được đánh giá toàn diện và lên kế hoạch điều trị bởi các bác sĩ nhi khoa, bác sĩ tâm lý hoặc chuyên gia tâm lý. Thông thường, trẻ bị rối loạn cảm xúc sẽ được ưu tiên trị liệu bằng liệu pháp tâm lý. Các liệu pháp thường được áp dụng là:
- Liệu pháp hành vi nhận thức
- Liệu pháp trò chơi
- Liệu pháp gia đình
- Nhóm trị liệu
2. Sử dụng thuốc
Các thuốc điều trị không được khuyến khích sử dụng cho trẻ rối loạn cảm xúc. Lý do là các thuốc này có thể gây ra nhiều tác dụng phụ không mong muốn, tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Do đó, cần hết sức thận trọng khi dùng thuốc trị rối loạn cảm xúc cho trẻ.
Loại thuốc thường được sử dụng với tình trạng này là thuốc chống trầm cảm. Nhóm thuốc này mang đến hiệu quả điều trị rõ rệt, làm giảm đáng kể các triệu chứng ở trẻ. Tuy nhiên, thuốc có nhiều tác dụng phụ và có thể gia tăng nguy cơ tự tử.
3. Sự hỗ trợ của xã hội
Có thể hỗ trợ trẻ bị rối loạn cảm xúc bằng cách:
- Tạo môi trường học tập an toàn, ít căng thẳng, khuyến khích trẻ học tập
- Tạo điều kiện để trẻ giải tỏa cảm xúc, cảm nhận được sự yêu thương, chia sẻ từ gia đình, bạn bè
- Thiết lập lịch trình ngày với thời gian ăn, ngủ, học tập, thư giãn phù hợp, cân đối
- Xây dựng chế độ ăn uống khoa học, lành mạnh, đa dạng các nhóm dưỡng chất
- Khuyến khích trẻ luyện tập thể dục đều đặn để nâng cao sức khỏe và giải tỏa căng thẳng.
Rối loạn cảm xúc ở trẻ em rất khó nhận biết. Theo các chuyên gia, gia đình cần quan tâm hơn đến trẻ để sớm phát hiện và kịp thời can thiệp khi con có biểu hiện rối loạn cảm xúc, hành vi. Trẻ được gia đình gần gũi, chăm sóc có biểu hiện rối loạn giảm dần, trong khi đó, nếu trẻ xa cách gia đình, sự gần gũi thấp thì các triệu chứng có thể ngày càng nghiêm trọng, thậm chí còn dẫn tới tự tử.
Có thể bạn quan tâm:
- Các rối loạn tâm thần ở trẻ em thường gặp và cách phòng ngừa
- Bài Test trầm cảm trẻ vị thành niên RADS (Độ tuổi 10 – 20)
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!