Cảm giác bị bỏ rơi trong tình yêu và cách vượt qua
Tâm lý học khẳng định rằng cảm giác bị bỏ rơi trong tình yêu không chỉ phản ánh nỗi đau tình cảm, mà còn là trạng thái bộc lộ nỗi sợ hãi và cảm giác không an toàn tiềm ẩn bên trong. Việc nhận thức và chấp nhận cảm xúc này chính là khởi đầu trong quá trình chữa lành cũng như phát triển bản thân.
Cảm giác bị bỏ rơi trong tình yêu là như thế nào?
Cảm giác bị bỏ rơi trong tình yêu khiến con tim trở nên cô đơn ngay cả khi ta vẫn ở cạnh người ấy. Sự xa cách về tình cảm, sự thờ ơ từ đối phương cũng làm ta rơi vào trạng thái trống trải, mất phương hướng. Đây là một dạng tổn thương tâm lý sâu sắc, làm ảnh hưởng đến lòng tự trọng và cuộc sống của mỗi người.
Mối quan hệ cần sự vun đắp, nỗ lực từ cả 2 phía nhưng khi một trong hai không còn thể hiện tình cảm, không đáp ứng được nhu cầu cảm xúc thì sự cô đơn và bất ổn dễ xuất hiện. Cảm giác bị bỏ rơi không chỉ gây tổn thương mà còn khiến con người trở nên bất an, dễ sinh ra khoảng cách.
Biểu hiện của cảm giác bị bỏ rơi trong tình yêu
Khi yêu, ai cũng mong muốn được quan tâm, sẻ chia và yêu thương hết lòng. Thế nhưng, khi cảm giác bị bỏ rơi trong tình yêu xuất hiện, mọi thứ như tan vỡ và để lại những vết thương tâm lý khó lành.
Đây cũng là lúc một người cảm thấy mình không còn được đối xử như trước, dẫn đến hàng loạt thay đổi trong tâm lý, hành vi và cả sức khỏe.
- Có cảm giác buồn bã, cô đơn, trống rỗng như thể mất đi một phần bản thân
- Thay đổi tâm trạng thất thường, khóc lóc rồi tức giận hay trở nên vô cảm
- Sợ bị tổn thương thêm, lo lắng không tìm được ai khác yêu thương mình
- Tránh né tiếp xúc xã hội, hạn chế giao tiếp với bạn bè, người thân
- Mất ngủ thường xuyên, hay bị giật mình, ngủ không sâu giấc
- Ăn uống không điều độ, có thể chán ăn, bỏ bữa hoặc không cảm thấy ngon miệng
- Suy nghĩ quá nhiều về đối phương, khó tập trung vào công việc hay học tập
- Giận dữ, hận người yêu, quay sang tự trách bản thân
- Rút lui khỏi các mối quan hệ, khép kín và tự cô lập mình
- Lạm dụng chất kích thích, có hành vi tự hủy hoại như cắt tay
- Mất niềm tin vào tình yêu, không còn hy vọng vào tương lai
- Cảm giác mệt mỏi, uể oải do vừa mất ngủ, vừa chán ăn kéo dài
Nguyên nhân dẫn đến cảm giác bị bỏ rơi trong tình yêu
Trong tình yêu, được yêu thương và chấp nhận là điều vô cùng quan trọng. Nhưng khi cảm giác bị bỏ rơi xuất hiện lại gây ra những tổn thương lớn cần được làm rõ nguyên nhân.
1. Giao tiếp kém hiệu quả
Giao tiếp được xem là “mạch máu” kết nối cảm xúc giữa 2 người. Khi cả hai không còn nói chuyện cởi mở hay lắng nghe nhau, cảm giác bị xa lánh sẽ dần hình thành. Những lần im lặng kéo dài có thể khiến nỗi đau lấn át mọi nỗ lực kết nối.
Hơn nữa, cách chúng ta giao tiếp không chỉ là lời nói mà còn là ánh mắt, cử chỉ. Những dấu hiệu này bị đối phương phớt lờ, không đáp lại càng làm cảm giác cô đơn lớn dần. Việc thường xuyên né tránh, không quan tâm tới nhu cầu giao tiếp làm “bức tường” giữa hai người ngày càng dày thêm.
2. Thay đổi tình cảm
Tình cảm phai nhạt là điều không ai mong muốn nhưng đôi khi nó lại dễ xảy ra. Một người cảm thấy đối phương không còn mặn nồng như trước sẽ nảy sinh cảm giác bị bỏ rơi. Những ai còn lưu luyến sẽ đau đớn và dễ bị lụy tình, mất phương hướng.
Việc bị ghosting cũng là một dạng bỏ rơi thường gặp trong thời hiện đại. Khi đối phương đột ngột biến mất không một lời giải thích, người bị bỏ lại sẽ cảm thấy mình không có giá trị. Tâm lý cô đơn, hụt hẫng khiến họ khó mà quên đi tổn thương này.
3. Tính cách nhạy cảm
Những người nhạy cảm rất dễ bị tổn thương hơn trong tình yêu. Họ hay suy nghĩ quá nhiều và tự nghi ngờ bản thân nên khiến nỗi sợ bị bỏ rơi trở nên dai dẳng. Chính sự bất an này làm họ ngày càng thêm lo âu và có cảm giác cô độc.
Mặt khác, tự so sánh mình với người khác sẽ làm cảm giác tự ti càng lớn. Điều này khiến họ nghĩ rằng mình không đủ tốt và không đáng để được yêu thương. Từ đó, sự nghi ngờ càng đẩy bản thân xa rời mối quan hệ.
4. Hội chứng sợ bị bỏ rơi
Một số người sống trong nỗi lo sợ bị bỏ rơi dù thực tế mối quan hệ của mình không đến mức nghiêm trọng. Họ liên tục lo lắng, luôn tìm kiếm sự xác nhận từ đối phương. Điều này tạo áp lực cho cả hai và dễ khiến mối quan hệ đổ vỡ.
Chính sự lo âu quá mức khiến họ không thể tận hưởng hiện tại. Sự bám víu quá đà, sự nghi ngờ liên tục làm tình yêu của cả 2 trở nên kiệt quê. Và đôi khi, chính nỗi sợ bị bỏ rơi lại khiến họ rơi vào “vòng tay” của sự cô đơn.
5. Sự oán giận
Oán giận là thứ có thể âm thầm làm mối quan hệ tan vỡ. Những tổn thương không được nói ra càng làm cảm giác bất mãn tích tụ, biến thành sự lạnh nhạt và đẩy người kia ra xa. Sự chỉ trích, thờ ơ thay vì cảm thông sẽ tạo ra bức tường không thể vượt qua.
Mọi mâu thuẫn chưa được giải quyết đều có thể gây rạn nứt tình cảm. Cảm giác tổn thương và không được thấu hiểu khiến đôi bên trở nên xa cách. Nếu không xử lý sớm, oán giận sẽ chỉ làm mối quan hệ thêm mệt mỏi.
6. Tổn thương thời thơ ấu
Những trải nghiệm thời thơ ấu luôn là lý do để lại tổn thương sâu trong lòng người trưởng thành. Trẻ em bị bỏ rơi về mặt cảm xúc khi lớn lên luôn thấy bất an trong tình yêu. Sự thiếu thốn tình cảm khiến bản thân sợ hãi bị tổn thương lần nữa.
Cha mẹ không lắng nghe hay ngược lại kiểm soát quá mức cũng có thể gây tổn thương cho con cái. Tình yêu không được trao tặng vô điều kiện làm trẻ em dần mất niềm tin vào giá trị bản thân. Đến tuổi trưởng thành lại có nguy cơ lặp lại đau khổ này trong tình yêu.
Làm sao để vượt qua cảm giác bị bỏ rơi trong tình yêu?
Cảm giác bị bỏ rơi trong tình yêu là thách thức tâm lý nặng nề, khiến mỗi người đều chênh vênh giữa những hoài nghi và tổn thương. Tuy nhiên, vượt qua nỗi đau này là hành trình tìm lại giá trị bản thân và khôi phục sự cân bằng trong cuộc sống.
1. Chăm sóc bản thân
Bị tổn thương vì tình yêu, bạn dễ đánh mất chính mình trong nỗi buồn và tuyệt vọng. Nhưng đây cũng là lúc cần yêu thương và chăm sóc bản thân nhiều hơn bao giờ hết.
- Tham gia lớp học mới để phát triển kỹ năng bản thân
- Tự thưởng cho mình một buổi spa, liệu pháp thư giãn
- Viết nhật ký cảm xúc để trút bỏ nỗi buồn
- Tập thiền, bài tập yoga để cải thiện tinh thần cùng sự tập trung
- Trồng cây, chăm sóc một khu vườn nhỏ để tạo thêm năng lượng sống
- Thử trải nghiệm một chuyến du lịch ngắn ngày để giải tỏa tâm trạng
- Tập nấu ăn với những món ăn lành mạnh và bổ dưỡng
- Dành thời gian bên cạnh những người bạn tích cực và gia đình thân yêu
- Đọc sách truyền cảm hứng để tìm lại động lực
- Dành vài phút mỗi ngày để lắng nghe những bài nhạc yêu thích
- Tham gia hoạt động thiện nguyện, giúp đỡ người khác khi có cơ hội
- Đặt mục tiêu nhỏ hàng ngày và tự chúc mừng khi hoàn thành nó
2. Đặt ra ranh giới
Trong mối quan hệ, thiết lập ranh giới rõ ràng ngăn ngừa được cảm giác bị bỏ rơi. Hãy cùng đối phương thảo luận về những mong muốn như việc dành thời gian riêng tư bên nhau, thay đổi cách thể hiện tình cảm,…. Chính sự cởi mở và sẵn sàng điều chỉnh này mới làm 2 người cùng đáp ứng nhu cầu của nhau.
Những lúc giao tiếp, việc sử dụng ngôn ngữ tích cực giúp tránh hiểu lầm và thể hiện sự tôn trọng. Nên thay vì phàn nàn, hãy bày tỏ cảm xúc từ góc độ của bản thân như “ Em/anh cảm thấy…” để đối phương thấu hiểu. Nó tạo nền tảng để củng cố sự gắn kết giữa hai người tốt hơn.
3. Nhìn từ góc nhìn của đối phương
Có thể sự thờ ơ của người kia không bắt nguồn từ việc không còn quan tâm đến bạn. Họ có thể đang đối mặt với áp lực công việc, vấn đề sức khỏe, khó khăn gia đình cần giải quyết. Nên đừng chỉ phán xét, hãy cố gắng lắng nghe và thấu hiểu từ góc nhìn của đối phương nhiều hơn.
Nếu đối phương có dấu hiệu xa cách thì điều đó không có nghĩa rằng tình yêu đã chấm hết. Các mối quan hệ đều trải qua thăng trầm và không ai tránh khỏi giai đoạn khó khăn. Hãy thử dành cho nửa kia không gian cần thiết và sẵn sàng lắng nghe khi họ muốn chia sẻ.
Giao tiếp hiệu quả là chìa khóa để giải quyết mọi vấn đề trong tình yêu. Hãy thường xuyên trò chuyện, hỏi han và lắng nghe đối phương với tất cả sự chú tâm. Chỉ cần một sự lắng nghe chân thành cũng đủ giúp cả hai cảm thấy thêm gần gũi và tìm ra giải pháp cho những vấn đề đang tồn tại.
4. Tìm kiếm sự hỗ trợ
Cảm thấy bị bỏ rơi thì hãy chia sẻ cảm xúc của mình với bạn bè, gia đình, người bản thân tin tưởng. Nếu cảm giác này kéo dài, đừng ngần ngại tìm đến các chuyên gia tâm lý bởi họ sẽ giúp bạn vượt qua cảm xúc tiêu cực và tìm ra phương pháp đối phó hiệu quả.
Một lựa chọn khác là tham gia các liệu pháp trực tuyến để giải quyết vấn đề mà không gặp phải rào cản về địa lý. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng liệu pháp này giúp làm tăng mối quan hệ, cải thiện sức khỏe tâm thần và xây dựng sự hiểu biết nhiều hơn giữa các cặp đôi. Nhờ đó, bạn sẽ có cái nhìn khách quan hơn nhằm giải quyết tốt mâu thuẫn trong mối quan hệ.
5. Biết khi nào nên buông bỏ
Bạn cần nhận ra rằng mối quan hệ không phải lúc nào cũng có thể cứu vãn được. Nếu đã cố gắng hết sức nhưng đối phương vẫn không thay đổi, có lẽ đã đến lúc nên để lại quá khứ phía sau và hướng về tương lai. Hãy tự hỏi bản thân liệu mình có còn đang dành thời gian cho mối quan hệ mang lại hạnh phúc hay chỉ là sự chờ đợi vô vọng.
Việc buông bỏ không có nghĩa là thất bại, mà là tiếp tục tìm kiếm điều tốt đẹp hơn. Học cách chấp nhận cảm xúc tiêu cực và quyết định dừng lại mới làm bạn bước vào giai đoạn mới của cuộc sống. Yêu thương bản thân và xây dựng mục tiêu mới là hướng đi tốt nhất cho phép bản thân tiến về phía trước với niềm tin, hy vọng.
Những điều không nên làm khi có cảm giác bị bỏ rơi trong tình yêu
Nếu cảm giác bị bỏ rơi xuất hiện trong tình yêu, hãy tìm cách giải quyết vấn đề từ tốn thay vì phản ứng lại ngay lập tức bởi nó có thể phá vỡ cảm xúc và bản thân.
- Không nên có phản ứng tức giận: Cảm giác tức giận xuất hiện ngay lập tức, nhưng không giúp giải quyết vấn đề. Nên thay vì tranh cãi hay chỉ trích, hãy tìm cách giữ bình tĩnh và trò chuyện với nhau một cách đầy thấu hiểu.
- Không sử dụng tối hậu thư: Mặc dù bạn thấy cần phải làm điều gì đó quyết liệt hơn nhưng tối hậu thư không phải là giải pháp. Đừng đe dọa chia tay, hãy cùng người kia thảo luận về cảm giác của bạn thật chân thành.
- Đừng chơi trò đổ lỗi: Đổ lỗi cho đối phương khi bạn cảm thấy bỏ rơi chỉ tạo thêm khoảng cách. Hãy chia sẻ cảm giác của mình thay vì chỉ trích người đó.
- Không thu mình, tránh né: Tuyệt đối đừng thu mình lại và ngừng giao tiếp. Việc giữ khoảng cách chỉ làm tình hình thêm phức tạp, hãy mở lòng và chia sẻ cảm xúc của mình thật chân thành.
- Đừng bỏ cuộc: Cảm giác bị bỏ rơi khiến bản thân muốn từ bỏ, nhưng đừng để nó cản trở mình. Mối quan hệ cần sự nỗ lực từ cả 2 phía nên việc kiên trì sẽ giúp bạn tìm ra giải pháp.
Cảm giác bị bỏ rơi trong tình yêu nhắc nhở chúng ta rằng ai cũng có lúc gặp phải nỗi đau. Nhưng chính từ sự tổn thương ấy, con người lại học cách mạnh mẽ, xây dựng sự tự tin và tìm thấy giá trị bản thân mà không dựa dẫm vào tình cảm từ người khác.
Có thể bạn quan tâm:
- Tự luyến trong tình yêu là gì? Có nên tiếp tục quen?
- Dấu hiệu bạn đang yêu người ái kỷ và cách xử lý, đối phó
Nguồn tham khảo:
- https://www.psychologytoday.com/intl/blog/toxic-relationships/201710/are-you-being-emotionally-abandoned
- https://www.marriage.com/advice/relationship/feeling-neglected-in-a-relationship/
- https://www.betterhelp.com/advice/relations/what-to-do-when-youre-feeling-neglected/
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!