Tức giận là gì? Điều gì khiến ta tức giận và cách kiểm soát

Cảm xúc tức giận không phải lúc nào cũng xấu mà nó là cách để cơ thể cảnh báo có điều gì đó vượt quá giới hạn chịu đựng của con người. Nhưng khi cơn tức giận không được kiểm soát, nó sẽ bùng phát thành những hành động gây hại. Làm sao mỗi người có thể chuyển hóa nó thành điều tích cực, tránh làm tổn thương bản thân và người khác?

Tức giận là gì?

Tức giận là phản ứng cảm xúc xuất hiện khi ai đó cảm thấy mình đang bị tấn công, xúc phạm, gặp thất bại. Đó đôi khi là cách để bảo vệ bản thân và giải tỏa năng lượng tiêu cực. Tuy nhiên, sự tức giận cũng có thể là dấu hiệu của các vấn đề sức khỏe – tâm lý nếu kéo dài âm ỉ và khó kiểm soát.

tức giận là gì
Tức giận không được giải tỏa khiến cơ thể có phản ứng căng thẳng dữ dội

Mặc dù tức giận ở mức độ vừa phải giúp con người có chính kiến và cùng nhau giải quyết vấn đề, nhưng khi cơn giận lên đến đỉnh điểm lại khiến bản thân bị cuốn theo cảm xúc và vô tình làm tổn thương người khác.

Lúc này, cơ thể trải qua một loạt thay đổi sinh học và sinh lý. Mức năng lượng tăng lên, huyết áp cũng sẽ tăng cao cùng với sự gia tăng các hormone như adrenaline và noradrenaline khiến bạn hồi hộp. Nhiệt độ cơ thể tăng lúc này gây ra cảm giác nóng bừng, trong khi cơ bắp trở nên căng thẳng.

Không chỉ thay đổi bên trong, mà giọng nói cũng trở nên lớn hơn, nắm chặt tay, cau mày hoặc nhăn mặt, nghiến chặt hàm khi cảm thấy tức giận. Những dấu hiệu như run rẩy, nhịp tim tăng nhanh, đổ mồ hôi nhiều hơn và đi lại quá mức là cách cơ thể phản ứng lại với cảm xúc này.

Các loại tức giận thường gặp

Có 3 loại tức giận chính, mỗi loại đều có những đặc điểm riêng biệt và cách thể hiện khác nhau.

  • Sự tức giận thụ động – hung hăng: Xảy ra khi ai đó cố gắng kìm nén cảm xúc của mình nhằm tránh xung đột. Tuy nhiên, cách biểu hiện này lại là hành vi phá hoại. Chẳng hạn, thay vì nói thẳng với người khác mình không thích bị mượn đồ mà không hỏi, bạn lại giấu đồ của mình.
  • Sự tức giận quyết đoán: Cách thể hiện cơn giận một cách lành mạnh và không mang tính đe dọa. Diễn đạt cảm xúc của mình thật bình tĩnh để mọi người đều hiểu quan điểm.
  • Sự tức giận công khai hung hăng: Đi kèm với hành vi bạo lực, lời nói thô bạo như la hét, làm hỏng đồ đạc. Mong muốn làm tổn thương người khác về cảm xúc lẫn thể chất.
các loại tức giận
Sự tức giận công khai hung hăng thường đi kèm với bạo lực

Khi nào tức giận trở thành vấn đề?

Sự tức giận chi phối tâm trí và ảnh hưởng đến mối quan hệ, công việc hay sức khỏe thì đó có thể là dấu hiệu cảnh báo rằng nó đã vượt quá tầm kiểm soát. Do đó, cần nhận ra những cảnh báo sau đây để quản lý được cảm xúc tiêu cực này:

  • Thường xuyên cảm thấy không thể kiểm soát được cơn giận của mình
  • Hay thể hiện sự tức giận bằng cách phá hoại, có hành vi vô ích
  • Lo sợ rằng hành vi của mình đi đến mức lạm dụng
  • Sự tức giận đang làm xáo trộn các mối quan hệ và công việc
  • Hay làm tổn thương người khác, khiến mọi người sợ hãi hoặc phiền lòng
  • Không thể tiếp tục sinh hoạt hàng ngày vì cơn giận lấn át tâm trí
  • Luôn ám ảnh và nghĩ nhiều về cơn tức giận của mình
  • Hay nói, làm những điều mà sau đó cảm thấy hối tiếc
  • Cơn giận dữ ảnh hưởng tiêu cực đến cả sức khỏe tinh thần và thể chất
  • Cơn tức giận “thống trị” khiến bạn khó cảm nhận các cảm xúc khác
  • Cảm nhận bản thân và cuộc sống ngày càng tồi tệ vì cơn giận
  • Phải sử dụng rượu, ma túy để đối phó với cảm xúc tức giận

Nguyên nhân khiến con người tức giận

Những nguyên nhân sau đây có thể ảnh hưởng đến cảm xúc và hành vi của con người, dẫn đến sự bùng nổ cơn giận không thể kiểm soát.

1. Nguyên nhân bên ngoài

Những nguyên nhân khiến con người liên tục tức giận thường liên quan đến hoàn cảnh xung quanh. Khi bị tấn công, đe dọa thì sự tức giận dâng trào. Trường hợp bị lừa dối, bị đối xử bất công, không được tôn trọng cũng tạo ra cảm giác khó chịu. Những áp lực từ cuộc sống như tắc đường, kế hoạch bị hủy, va phải hành động thô lỗ của người khác đều là nguyên nhân dẫn đến cơn giận.

nguyên nhân gây tức giận
Kẹt xe là nguyên nhân khách quan gây ra cơn giận dữ bất ngờ

Ngoài ra, những lúc con người rơi vào tuyệt vọng, bất lực thì sự tức giận càng dễ xuất hiện. Cùng với đó là áp lực từ công việc, học tập khiến bản thân thêm bực bội. Tất cả những yếu tố này đều góp phần tạo nên cơn giận dữ.

2. Nguyên nhân bên trong

Ngoài các yếu tố bên ngoài, những nguyên nhân bên trong cũng gây ra vấn đề khó kiểm soát cơn giận. Các nguyên nhân này bao gồm:

  • Bệnh lý như đột quỵ, Alzheimer, cường giáp, đái tháo đường, suy gan
  • Rối loạn tâm lý như trầm cảm, lo âu, tự kỷ
  • Sự thay đổi nội tiết tố trong giai đoạn tiền mãn kinh
  • Các bệnh lý di truyền như bệnh Wilson, động kinh
  • Tác động của thuốc, đặc biệt là một số loại thuốc nhóm statin có thể gây ra thay đổi hành vi

Tức giận thường xuyên có hại như thế nào?

Cơn giận bùng phát không chỉ gây ra những thay đổi sinh học lớn mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến tâm trí và cách cá nhân đối xử với người khác, gây xáo trộn và rạn nứt trong cuộc sống.

Gây hại cho sức khỏe thể chất

Cơ thể phản ứng dữ dội với cơn tức giận bằng việc tăng nhịp tim, huyết áp cao và lượng adrenaline trong máu tăng đột biến, gây áp lực lớn lên hệ tim mạch. Nếu tức giận thường xuyên, nguy cơ mắc bệnh tim mạch gồm đau tim, bệnh mạch vành cũng tăng cao. Và khi không được kiểm soát, nguy cơ đột quỵ cũng tăng với người có tiền sử bệnh về não mạch.

Ngoài ra, cơ thể bị stress do tức giận khiến gan bị tác động bởi các độc tố và axit béo. Đồng thời gây rối loạn tiêu hóa, viêm loét, mất cảm giác ngon miệng khi lượng máu dành cho dạ dày giảm đột ngột.

dấu hiệu của cơn tức giận
Nhiều người đau dạ dày đột ngột do cơn tức giận gây ra

Gây hại đối với sức khỏe tinh thần

Tức giận kéo dài sẽ làm suy yếu hệ miễn dịch, dễ mắc các bệnh lý nhiễm khuẩn hơn. Cortisol – hormone căng thẳng tăng cao trong cơn giận còn gây ra trầm cảm và rối loạn lo âu. Đồng thời làm suy giảm khả năng tự điều chỉnh của bản thân, gây ra hành vi tiêu cực và mất kiểm soát.

Không chỉ vậy, nó còn tạo nên cảm giác thù địch cùng suy nghĩ tiêu cực, làm xấu đi nhận thức của con người về cuộc sống. Việc thường xuyên đối diện với cảm xúc này sẽ làm tinh thần kiệt quệ, suy giảm ý chí và khiến bản thân mất đi khả năng suy nghĩ rõ ràng.

Ảnh hưởng mối quan hệ và đời sống

Tức giận quá mức không được kiểm soát làm con người ta dễ buông ra những lời lẽ xúc phạm khiến người thân, bạn bè bị tổn thương. Dần dần, việc “giận cá chém thớt” sẽ khiến những người thân thiết dần mệt mỏi và trở nên xa cách.

Hơn nữa, cảm xúc tiêu cực này cũng gây khó khăn cho công việc và đời sống xã hội, khiến mọi người cảm thấy khó gần nhau hơn. Việc mất khả năng suy nghĩ thấu đáo trong cơn giận sẽ làm giảm hiệu quả công việc, nghiêm trọng hơn là hậu quả pháp lý không mong muốn.

hậu quả của tức giận
Tức giận là nguyên nhân gây ra rạn nứt các mối quan hệ

Cách kiểm soát cơn tức giận tránh bất hòa

Thay vì để cơn giận chi phối, việc tìm ra những phương pháp hiệu quả để xử lý cảm xúc này sẽ giúp bản thân trở nên bình tĩnh và sáng suốt hơn trong mọi hoàn cảnh.

1. Tự kiểm điểm

Cách thức kiểm soát cơn tức giận hiệu quả là tự kiểm điểm, nhìn nhận lại bản thân trong hoàn cảnh gây cảm xúc tiêu cực. Khi cảm thấy tức giận, hãy dừng lại và tự hỏi: “Tại sao mình lại cảm thấy như vậy?”. Nhận diện được nguyên nhân cũng là lúc cá nhân hiểu rõ hơn về cảm xúc của mình và biết cách điều chỉnh phản ứng của bản thân.

Ngoài việc tự vấn, bản thân cũng nên ghi lại suy nghĩ và hành động của mình vào nhật ký. Đây là cơ hội để theo dõi tình huống kích thích cơn giận và nhìn nhận lại cách phản ứng của mình trong quá khứ. Từ đó, mỗi người đều có thể điều chỉnh cảm xúc và hành động dễ dàng hơn trong tương lai.

2. Hít thở sâu

Hiệu quả nhất có thể kể đến phương pháp hít thở sâu giúp ích rất tốt cho việc kiểm soát cơn tức giận. Hít thở sâu, cơ thể sẽ được cung cấp đủ oxy có tác dụng giảm căng thẳng và tạo cảm giác bình tĩnh. Hãy thử hít vào thật sâu qua mũi, giữ hơi thở trong vài giây và sau đó thở ra chậm rãi qua miệng. Lặp lại quá trình này vài lần cơ thể sẽ có được sự khác biệt.

Để đạt được hiệu quả tốt hơn nữa, hãy duy trì thói quen hít thở sâu trong những lúc cảm thấy căng thẳng chứ không chỉ mỗi lần tức giận. Đây là kỹ thuật rất dễ áp dụng mỗi khi đối mặt với áp lực, cơn tức giận bùng phát.

cách xử lý cơn tức giận
Kỹ thuật hít thở sâu giúp cải thiện cơn tức giận dễ dàng và nhanh chóng

3. Đi dạo và vận động

Đi dạo hoặc vận động là một cách hiệu quả để tránh xa các tác nhân kích thích giận dữ. Đây là cách để rời xa môi trường đang kích thích cơn giận và cho cơ thể được giải phóng năng lượng tiêu cực. Việc này tạo cơ hội cho tâm trí trở nên sáng suốt hơn, nhìn nhận vấn đề từ một góc độ khác.

Kết hợp giữa đi dạo và vận động sẽ mang lại hiệu quả cao hơn trong việc kiểm soát cơn tức giận. Hãy thử trải nghiệm hoạt động đi bộ trong công viên, đạp xe, tập yoga để giải tỏa cảm xúc mà còn mang lại lợi ích cho sức khỏe thể chất và tinh thần.

4. Nghe nhạc

Âm nhạc cho đến nay luôn được chứng minh là có tác dụng xoa dịu cảm xúc và giảm bớt cơn giận dữ. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng nghe nhạc nhẹ nhàng làm giảm mức độ căng thẳng và cải thiện tâm trạng. Vì vậy, hãy thử tìm một bản nhạc yêu thích, đặc biệt là những thể loại nhẹ nhàng như nhạc cổ điển, jazz, acoustic mỗi khi bùng lên cơn giận dữ.

Để đạt hiệu quả tốt nhất, hãy dành thời gian nghe nhạc đó trong một không gian yên tĩnh và thoải mái. Đồng thời nhắm mắt lại để âm nhạc dẫn dắt cảm xúc của mình trở nên bình tĩnh và suy nghĩ rõ ràng hơn về điều đã khiến bản thân tức giận.

5. Chia sẻ với bạn bè

Cuộc trò chuyện với bạn bè có thể mang lại hiệu quả lớn trong việc làm dịu cảm xúc tức giận. Lúc này, bạn không chỉ tìm được sự đồng cảm mà còn nhận được những quan điểm mới về vấn đề mình đang gặp phải. Nó làm bản thân cảm thấy nhẹ nhõm hơn và giảm bớt căng thẳng đang tồn đọng.

biện pháp kiểm soát tức giận
Chủ động trò chuyện với bạn bè để nhận được lời khuyên kiểm soát cơn giận dữ

Lợi ích từ việc chia sẻ sẽ đạt hiệu quả khi biết chủ động tìm kiếm những người bạn thân hoặc những người đáng tin cậy để lắng nghe và thấu hiểu mình. Chỉ cần dành thời gian gặp gỡ, trò chuyện, hay chỉ là nhắn tin cũng đủ giúp tâm trí được giải tỏa và nhìn nhận mọi thứ theo một cách tích cực hơn.

Mỗi lần tức giận đều là cơ hội để tự rèn luyện và hiểu thêm về bản thân. Việc chủ động tìm hiểu và áp dụng các phương pháp kiểm soát cơn giận giúp mỗi người dần cải thiện được khả năng tự chủ để tạo nên cuộc sống hài hòa hơn.

Có thể bạn quan tâm:


Nguồn tham khảo:

  • benhvien108.vn, vinmec.com, trungtamytequan6.medinet.gov.vn,….
  • https://www.psychologytoday.com/intl/basics/anger
  • https://www.verywellmind.com/what-is-anger-5120208

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Rất nhiều người gặp khó khăn trong việc đối phó với người ái kỷ
15 cách đối phó với người ái kỷ đơn giản mà hiệu quả

Đối phó với người ái kỷ là một thách thức, việc duy trì mối quan hệ với người ái kỷ có thể ảnh hưởng đến...

Từ 8 - 13 tuổi là độ tuổi bắt đầu giai đoạn dậy thì của con gái
11 Thay đổi trong tâm lý tuổi dậy thì ở con gái Ba Mẹ cần biết

Con gái thường gặp nhiều khó khăn trong việc ổn định, phát triển tâm lý. Tâm lý tuổi dậy thì ở con gái rất đa...

Học quá nhiều có thể khiến trẻ dễ gặp phải các vấn đề về tâm lý
7 Tác hại của việc học quá nhiều đối với trẻ cha mẹ nên biết

Học tập giúp trẻ tăng cường kiến thức, tầm nhìn, khả năng tư duy. Tuy nhiên, học quá nhiều có thể ảnh hưởng nghiêm trọng...

dấu hiệu tự luyến trong tình yêu
Tự luyến trong tình yêu là gì? Có nên tiếp tục quen?

Tự luyến trong tình yêu là khi một trong hai yêu bản thân quá mức, đến mức quên đi cảm xúc và nhu cầu của...