Phòng ngừa bạo lực học đường: Vấn đề của toàn xã hội

Môi trường học đường là nơi đào tạo thế hệ trẻ, những chủ nhân tương lai của đất nước, trường học văn minh thì xã hội văn minh. Vì thế, việc phòng ngừa bạo lực học đường là vấn đề nhức nhối, được xã hội đặc biệt quan tâm. Đã có nhiều giải pháp đối phó, ngăn chặn bạo lực học đường, song tình trạng này vẫn đang diễn ra từng ngày, trở nên tinh vi, phức tạp hơn trước. 

9 Giải pháp phòng ngừa bạo lực học đường

Phòng ngừa bạo lực học đường cần có sự quan tâm tham gia của gia đình, nhà trường, các cấp chính quyền, các cơ quan ban ngành, đoàn thể và mỗi người dân trong xã hội. Có rất nhiều trường hợp học sinh thờ ơ khi chứng kiến bạo lực học đường, gia đình không quan tâm, xã hội không can thiệp.

Để phòng ngừa ngừa bạo lực học đường, có thể áp dụng các giải pháp sau:

1. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bạo lực học đường

Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức vẫn đang liên tục được thực hiện. Tuy nhiên, các chương trình tuyên truyền còn hạn chế, rất nhiều trường, hoạt động tuyên truyền chỉ nằm trên giấy, không có chương trình thực tiễn để học sinh tham gia.

Việc tuyên truyền là quan trọng, cần thiết và cần được diễn ra thường xuyên. Không chỉ học sinh mà giáo viên, nhân viên, gia đình học sinh và cộng đồng cần có ý thức trách nhiệm trong việc phòng chống, phát hiện, tố giác, ngăn ngừa và can thiệp kịp thời đối với hành vi bạo lực.

2. Hoàn thiện chế tài, phổ biến pháp luật

Hiện nay vẫn chưa có chế tài cụ thể cho việc giải quyết bạo lực học đường, chưa có văn bản pháp luật quy định rõ trách nhiệm cho từng cá nhân có liên quan. Việc răn đe, xử phạt chủ yếu áp dụng cho người từ 14 đến 16 tuổi. Cá nhân có hành vi bạo lực học đường chưa gây ra hậu quả nghiêm trọng chỉ bị phạt cảnh cáo, phạt hành chính.

Nên tuyên truyền pháp luật một cách ngắn gọn, dễ hiểu thông qua tranh ảnh minh họa, trò chơi, cuộc thi, phiên tòa giả định hoặc lồng ghép vào các chương trình ngoại khóa. Việc tuyên truyền đúng cách sẽ giúp trẻ nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, có môi trường học tập an toàn, lành mạnh.

3. Trang bị cho trẻ kỹ năng sống

Trẻ cần được trang bị thêm các bài học về kỹ năng sống thông qua chương trình sách vở và các chương trình ngoại khóa. Điều này giúp trẻ hình thành nhân cách đạo đức tốt, tăng cường tinh thần đoàn kết, có thái độ nhân văn khi ứng xử với gia đình, bạn bè thầy cô.

Việc dạy trẻ kỹ năng quản lý cảm xúc, kỹ năng ứng xử trong môi trường học đường là cần thiết
Việc dạy trẻ kỹ năng quản lý cảm xúc, kỹ năng ứng xử trong môi trường học đường là cần thiết

Trẻ cũng cần được rèn luyện kỹ năng kiểm soát cảm xúc, biết cách đối phó với căng thẳng, stress, biết kiềm chế và giải tỏa các cơn nóng giận của bản thân. Trẻ cần có kỹ năng giải quyết mâu thuẫn, kỹ năng sử dụng mạng xã hội và ứng xử trên mạng xã hội, kỹ năng quản lý cảm xúc.

4. Tăng cường mức độ an toàn của trường học

Việc tăng cường mức độ an toàn của môi trường học đường có thể hỗ trợ giảm thiểu bạo lực học đường. Trước hết, nhà trường cần có văn bản xử lý kỷ luật rõ ràng cho học sinh có hành vi bạo lực. Trường hợp cần thiết có thể bắt buộc thôi học tạm thời, thôi học vĩnh viễn dưới sự hỗ trợ của cơ quan chức năng.

Xây dựng quy tắc ứng xử của giáo viên và học sinh. Khuyến khích, khen ngợi những học sinh tích cực, có hành vi đóng góp, xây dựng. Tăng cường hệ thống an ninh, giám sát như sử dụng camera giám sát ở hành lang, lớp học, cài đặt hệ thống an ninh, nhân viên bảo vệ.

5. Có phương pháp giải quyết mâu thuẫn phù hợp

Độ tuổi dậy thì là độ tuổi có nhiều biến đổi tâm sinh lý, trẻ nhạy cảm, khó kiểm soát cảm xúc và hành vi, dễ xuất hiện các hành vi bộc phát. Trong quá trình giải quyết mâu thuẫn của học sinh, giáo viên, nhà trường và phụ huynh cần có biện pháp phù hợp.

Cần có sự khéo léo, công bằng trong công tác xử lý mâu thuẫn ở học sinh
Cần có sự khéo léo, công bằng trong công tác xử lý mâu thuẫn ở học sinh

Nên phân tích cặn kẽ đúng sai một cách nhẹ nhàng, không nên chăm chăm vào việc “làm cho ra lẽ” khiến người khác bẽ mặt để mình được hả hê. Cách giải quyết không phù hợp sẽ khiến mâu thuẫn của trẻ nghiêm trọng, làm gia tăng vấn nạn bạo lực học đường.

Đồng thời, cần đề cao tính công bằng và nghiêm minh. Không bao che, thiên vị, sự thiên vị sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ, khiến trẻ có cảm giác bất công. Điều này cũng ảnh hưởng đến các trẻ khác khi là nạn nhân hoặc là người chứng kiến bạo lực học đường. Trẻ sẽ cho rằng việc báo với giáo viên, phụ huynh cũng không có ý nghĩa gì, từ đó im lặng chấp nhận hoặc phản kháng bằng bạo lực.

6. Tăng cường sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường

Ngoài việc giáo dục cho trẻ em, nhà trường cần hỗ trợ, cung cấp kiến thức, kỹ năng cho cha mẹ trong việc đồng hành, giáo dục con cái. Gia đình có liên quan mật thiết với hành vi bạo lực của trẻ. Trẻ có xu hướng bạo lực khi gia đình không hạnh phúc, cha mẹ bạo lực, thiếu tôn trọng con cái.

Khi trẻ gây ra hành vi bạo lực hoặc là nạn nhân của bạo lực, cha mẹ cần dạy con cách ứng xử phù hợp. Không cổ vũ bạo lực, không khen ngợi tự hào khi con mình ăn hiếp bạn bè, không nên dạy trẻ im lặng khi bị bạn bè bắt nạt.

Đồng thời, cần bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý, nhân viên tư vấn tâm lý các kỹ năng ứng xử, giải quyết tình huống nhất là mâu thuẫn gây bạo lực học đường.

7. Quản lý, dẹp bỏ nội dung độc hại trên môi trường mạng

Các ứng dụng mạng xã hội, các trò chơi điện tử, phim ảnh, sự du nhập văn hóa có thể là yếu tố thúc đẩy gia tăng bạo lực học đường. Trẻ có xu hướng học tập, bắt chước các hành vi bạo lực từ trò chơi, mạng xã hội. Đôi khi, các em bị ảnh hưởng bởi trào lưu, muốn thu hút sự chú ý, “câu view”, “câu like”.

Việc tăng cường, quản lý và dẹp bỏ nội dung xấu, độc hại trên không gian mạng là hết sức cần thiết. Rất khó để kiểm soát việc các em sử dụng điện thoại, máy tính, thiết bị điện tử. Vì vậy, cần có sự chung tay của gia đình, nhà trường và cơ quan chức năng. Cụ thể:

  • Nhà nước cần ngăn chặn, kiểm soát các thông tin tiêu cực trên không gian mạng
  • Gia đình cần thảo luận với trẻ về cách thức con sử dụng thiết bị điện tử
  • Nhà trường cần hạn chế việc trẻ sử dụng điện thoại với mục đích riêng trong môi trường học tập.

Trong thời đại công nghệ thông tin, không thể cấm việc trẻ sử dụng điện thoại, máy tính. Tuy nhiên, cần trao đổi và hướng dẫn để trẻ sử dụng với mục đích lành mạnh. Nên thường xuyên trao đổi, trò chơi với trẻ về việc sử dụng Internet, và thiết lập công cụ giám sát dành cho cha mẹ để kịp thời hỗ trợ trẻ khi có các hành vi lệch chuẩn.

8. Tư vấn tâm lý, cung cấp sự hỗ trợ cần thiết

Song song với việc phát triển thể chất và trí tuệ, trẻ cũng cần được quan tâm phát triển về tâm lý, sức khỏe tâm thần. Có rất nhiều trẻ stress, căng thẳng vì áp lực học tập. Vấn đề học tập cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường.

Các chương trình tư vấn, hỗ trợ tâm lý tuổi học đường cần được thực hiện thường xuyên
Các chương trình tư vấn, hỗ trợ tâm lý tuổi học đường cần được thực hiện thường xuyên

Vì thế để phòng ngừa bạo lực học được trẻ cần được tư vấn và hỗ trợ tâm lý. Các chương trình tư vấn tâm lý tuổi học đường cần được tổ chức kết hợp trong chương trình giảng dạy như một hoạt động ngoại khóa. Điều này sẽ giúp trẻ hiểu hơn về tâm lý độ tuổi, học được cách kiểm soát cảm xúc, kỹ năng đối phó với căng thẳng, từ đó giảm thiểu hành vi lệch lạc.

Đối với những trẻ có biểu hiện căng thẳng, stress, thậm chí rối loạn lo âu, trầm cảm trẻ cần được tham vấn tâm lý chuyên sâu với chuyên gia tâm lý. Các chương trình hỗ trợ, đồng hành tâm lý tuổi học đường sẽ giúp trẻ cải thiện các rối nhiễu tâm lý, có tinh thần ổn định, thoải mái để tập trung học tập.

9.  Tăng cường sự kết nối giữa cha mẹ và con cái

Khoảng cách giữa cha mẹ và con cái khiến con trẻ không dám chia sẻ khi gặp vấn đề. Tình trạng phụ huynh ít quan tâm, ít gần gũi, không nắm bắt được các biểu hiện bất thường của con xảy ra rất phổ biến. Điều này khiến cha mẹ gặp khó khăn trong việc hỗ trợ con xử lý các vấn đề trong cuộc sống và học tập.

Vì vậy, cần tăng cường sự kết nối giữa cha mẹ và con cái để con có thể có điểm tựa vững chắc về tâm lý. Thay vì giấu giếm, trẻ sẽ tìm đến người mà con tin cậy để chia sẻ, cùng tháo gỡ vướng mắc. Đã có nhiều vụ trẻ tự tử vì bị bạn bè bắt nạt, ức hiếp, cô lập trong thời gian dài. Khi vụ việc đáng tiếc xảy ra, thông qua thư tuyệt mệnh của trẻ, cha mẹ mới biết được vấn đề mà con mình gặp phải.

Trách nhiệm của xã hội trong phòng ngừa bạo lực học đường

Bạo lực học đường là vấn đề nghiêm trọng, đã và đang diễn ra trong môi trường giáo dục, ở tất cả các bậc học khác nhau trên thế giới, bao gồm cả Việt Nam. Tình trạng này không chỉ xảy ra giữa học sinh với học sinh, mà còn có bạo lực giữa giáo viên với học sinh và học sinh với giáo viên.

Phòng chống bạo lực học đường là trách nhiệm chung của toàn xã hội
Phòng chống bạo lực học đường là trách nhiệm chung của toàn xã hội

Cách hình thức bạo lực rất đa dạng, bao gồm bạo lực về lời nói (đe dọa, vu khống), bạo lực về thể chất (xô đẩy, đánh đập), bạo lực tinh thần (nói xấu, cô lập), bạo lực mạng (khủng bố bằng email, mạng xã hội, tin nhắn), bạo lực kinh tế (trấn lột, cướp tài sản)… Tình trạng bạo lực không dừng lại ở những cãi vã, xô xát thông thường mà có tính chất và quy mô lớn, thậm chí gây ra án mạng.

Phòng chống bạo lực học đường không chỉ là trách nhiệm của gia đình, nhà trường và ngành giáo dục mà còn là trách nhiệm chung của toàn xã hội. Môi trường học đường an toàn, thân thiện, học sinh văn minh lịch sự thì xã hội mới văn minh, đất nước mới phát triển. Đã có nhiều giải pháp phòng ngừa bạo lực học đường được đề ra, song tình trạng bạo lực học đường vẫn chưa được kiểm soát.

Để phòng ngừa, đẩy lùi và chấm dứt bạo lực học đường, cần có sự chung tay của gia đình, nhà trường và xã hội. Bạo lực học đường không phải trách nhiệm của riêng ai, mỗi người là một phần của xã hội, vì thế, cần có cách ứng xử kịp thời, phù hợp để ngăn ngừa, hạn chế và làm giảm mức độ nghiêm trọng của sự việc.

→Xem thêm: Trầm cảm tuổi học đường: Thực trạng báo động và giải pháp

Làm thế nào để phòng ngừa bạo lực học đường?

Ngăn ngừa, phòng chống bạo lực học đường không phải là vấn đề của riêng ai mà là vấn đề chung của toàn xã hội. Để phòng ngừa hiệu quả, cần có sự chung tay của học sinh, giáo viên, gia đình, nhà trường và toàn xã hội. Vai trò, nhiệm vụ và trách nhiệm của chúng ta như sau:

Nhiệm vụ của học sinh

Học sinh là người chịu ảnh hưởng trực tiếp của bạo lực học đường. Để việc ngăn ngừa bạo lực học đường được hiệu quả, các em cần ý thức được trách nhiệm của mình. Vậy học sinh cần làm gì để phòng ngừa bạo lực học đường?

Học sinh cần trang bị kiến thức, kỹ năng và nói không với bạo lực học đường
Học sinh cần trang bị kiến thức, kỹ năng và nói không với bạo lực học đường (ảnh: Internet)

Nhiệm vụ của học sinh như sau:

  • Tăng cường kiến thức, kỹ năng, sự hiểu biết về bạo lực học đường
  • Nói không và tránh xa với bạo lực
  • Báo ngay cho cha mẹ, giáo viên khi bị bạo lực
  • Học cách tự vệ và cách xử lý khi bị kẻ xấu bắt nạt
  • Tích cực tham gia các chương trình giáo dục
  • Báo ngay cho thầy cô, người lớn, cơ quan chức năng có thẩm quyền khi thấy hiện tượng bạo lực.

Nhiệm vụ của giáo viên

Giáo viên có vai trò vô cùng quan trọng trong việc phát hiện, giải quyết bạo lực học đường. Việc ứng xử không đúng cách có thể làm gia tăng nguy cơ bạo lực. Những điều giáo viên cần làm để phòng ngừa bạo lực học đường như sau:

  • Quan tâm hỗ trợ, theo dõi tình hình của học sinh
  • Phối hợp với nhà trường hỗ trợ học sinh gặp khó khăn
  • Nhận diện, phát hiện và can ngăn kịp thời hành vi bạo lực học đường
  • Tổ chức các hoạt động tập thể để gắn kết tình cảm của học sinh
  • Giúp trẻ tăng cường nhận thức về bạo lực học đường
  • Trang bị kỹ năng giải quyết, xử lý với mâu thuẫn, bạo lực học đường ở trẻ
  • Quan tâm đến cảm xúc, tâm lý của học sinh.

Nhiệm vụ của nhà trường

Không chỉ giáo viên mà nhà trường cũng cần đặc biệt chú trọng việc phòng chống bạo lực trong môi trường học đường. Trường học an toàn, thân thiện thì học sinh mới văn minh, tích cực. Vậy nhà trường cần làm gì để phòng ngừa bạo lực học đường.

Vai trò của nhà trường như sau:

  • Đưa ra nội quy, văn bản xử lý cụ thể với bạo lực học đường
  • Có hình thức phạt, giáo dục nghiêm khắc với hành vi lệch chuẩn
  • Đảm bảo tính công bằng trong việc xử lý bạo lực học đường
  • Phổ biến cho học sinh, sinh viên kiến thức, cách phòng chống bạo lực
  • Tổ chức chương trình ngoại khóa, các hoạt động giúp trẻ phát triển đạo đức
  • Khen ngợi, khích lệ với những hành vi tích cực
  • Tạo các kênh thông tin để tuyên truyền, tăng cường sự kết nối giữa gia đình và nhà trường.

Nhiệm vụ của gia đình

Bạo lực học đường có liên quan mật thiết đến ảnh hưởng của gia đình. Trẻ có thể học được từ cha mẹ, người xung quanh hoặc bị ảnh hưởng bởi môi trường sống không lành mạnh, thiếu tích cực. Để phòng ngừa hành vi bạo lực trong môi trường học đường, gia đình cần:

  • Tạo môi trường an toàn, yêu thương để trẻ phát triển
  • Trang bị kiến thức giáo dục con cái
  • Dạy con đúng cách, ứng xử phù hợp khi xảy ra bạo lực học đường
  • Hạn chế các hành vi bạo lực trước mặt con trẻ
  • Phối hợp với giáo viên, nhà trường để nắm bắt tình hình học tập của trẻ.

Nhiệm vụ của nhà nước, cơ quan chức năng

Các cấp chính quyền, các cơ quan ban ngành đoàn thể cần chung tay trong phòng chống bạo lực học đường. Nhiệm vụ của nhà nước, cơ quan chức năng như sau:

  • Tuyên truyền, nâng cao ý thức về bạo lực học đường
  • Phát hiện, kỷ luật với những giáo viên, cán bộ quản lý có hành vi bao che, bạo lực
  • Hoàn thiện, tăng cường phổ biến pháp luật cho học sinh
  • Phối hợp với nhà trường, giáo viên, học sinh trong xử lý bạo lực học đường
  • Thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng xã hội
  • Hỗ trợ tâm lý cho học sinh, sinh viên
  • Tăng cường quản lý, dẹp bỏ các nội dung độc hại trên môi trường mạng
  • Tăng cường thanh tra, kiểm tra để xây dựng, đảm bảo môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh.
Cơ quan chức năng, ban ngành đoàn thể cần thường xuyên quan tâm, kiểm tra, đánh giá
Cơ quan chức năng, ban ngành đoàn thể cần quan tâm, kiểm tra, đánh giá tình trạng bạo lực học đường

Phòng ngừa bạo lực học đường không chỉ là vấn đề của riêng ngành giáo dục mà cần có sự quan tâm, chung tay của gia đình, nhà trường và toàn xã hội. Sự thờ ơ, vô cảm của các cá nhân trong xã hội sẽ khiến bạo lực học đường ngày càng nghiêm trọng, vô biến, gây ra nhiều vụ việc đáng tiếc, thậm chí ảnh hưởng đến tương lai của thế hệ trẻ và sự phát triển của đất nước.

Có thể bạn quan tâm:

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài test cần được thực hiện sau sinh 6 - 8 tuần hoặc khi có dấu hiệu nghi ngờ trầm cảm
Bài Test trầm cảm sau sinh EPDS & Thang đánh giá chính xác

Trầm cảm sau sinh tình trạng rối loạn cảm xúc xảy ra rất phổ biến ở phụ nữ sau sinh, ước tính chiếm tỷ lệ...

Trầm cảm có yếu tố TS cao
Trầm cảm nặng yếu tố TS cao là gì? Điều cần biết

Trầm cảm nặng có yếu tố TS cao là một trường hợp nghiêm trọng, cần được cấp cứu y tế và can thiệp điều trị...

Bạn có thể tự thực hiện hoặc làm bài test với sự hỗ trợ của chuyên gia
Thang đánh giá trầm cảm trong cộng đồng (PHQ – 9)

Thang đánh giá trầm cảm PHQ-9 là bộ công cụ gồm 9 câu hỏi tự đánh giá ngắn gọn. Được sử dụng để sàng lọc,...

Ngủ nhiều có phải trầm cảm không là thắc mắc của nhiều người
Ngủ nhiều có phải là dấu hiệu của trầm cảm không?

Rất nhiều người băn khoăn không biết ngủ nhiều có phải trầm cảm không. Thực tế, các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng,...