Tham vấn tâm lý học đường và tầm quan trọng đối với học sinh

Tham vấn tâm lý học đường là một trong những vấn đề rất được quan tâm hiện nay để đảm bảo mỗi học sinh có tư duy, nhận thức đúng đắn, cảm xúc, phù hợp với lứa tuổi, xã hội. Hiện nay rất nhiều trường học thuộc mọi cấp bậc bắt đầu thành lập các phòng ban tư vấn tâm lý để tất cả các học sinh có nơi để chia sẻ, gỡ rối những khúc mắc trong tâm trí khi cần thiết.

Tham vấn tâm lý học đường là gì?

Trong những năm gần đây, tâm lý học đường là một trong những khía cạnh cực kỳ được quan tâm. Một thống kê được thực hiện tại các THCS tại Hà Nội trên 1727 học sinh, kết quả cho thấy có đến 25,7% có đủ tiêu chuẩn chẩn đoán các bệnh tâm lý, tâm thần. Mặt khác cũng có hơn 20% học sinh luôn có cảm xúc lo lắng, căng thẳng vì vấn đề nào đó.

Tham vấn tâm lý học đường đang là một trong những lĩnh vực rất được quan tâm hiện nay

Chỉ trong 1 vài năm gần đây cũng có thể thấy rõ tỷ lệ học sinh tự tử vì các bệnh tâm lý như trầm cảm hay rối loạn lo âu đã tăng lên mức đột biến. Không ít trẻ chỉ ở lớp 7,8 đã phải chịu áp lực từ học tập, gia đình, chuyện tình cảm nhưng không biết chia sẻ cùng ai dẫn đến các hành vi tiêu cực như uống thuốc sâu, thuốc ngủ hay nhảy lầu để giải thoát cho bản thân.

Thực trạng trên chính là những hồi chuông cảnh báo rõ ràng nhất về việc cần phải quan tâm nhiều hơn về mặt tâm lý trong môi trường học đường. Tham vấn tâm lý học đường chính là một khía cạnh quan trọng trong ngành tâm lý được ứng dụng giới hạn trong phạm vi trường học.

Tham vấn hay cũng có thể gọi là tư vấn tâm lý học đường ( School counselling psychology) được xây dựng nhằm mục tiêu trò chuyện, khai thác, giải tỏa những khúc mắc và khó khăn trong tâm lý để điều chỉnh tư duy, nhận thức, cảm xúc theo hướng đúng đắn hơn. Điều này cũng nhằm mục đích xây dựng sức khỏe tinh thần luôn ở trạng thái tốt nhất.

Học sinh có thể thực hiện tham vấn tâm lý trực tiếp hoặc gián tiếp. Trong đó trực tiếp là gặp mặt, trò chuyện với các chuyên gia tâm lý tại chỗ để chia sẻ vấn đề hoặc gián tiếp là thông qua việc nhắn tin, chat qua website hoặc gọi điện tư vấn từ xa. Các biện pháp giao tiếp được chuyển đổi linh hoạt để phù hợp với nhu cầu, mong muốn, tâm lý của từng người.

Cần hiểu rằng các đối tượng của tham vấn tâm lý học đường không chỉ là học sinh mà còn hướng đến cả các thầy cô giáo hay các phụ huynh. Bởi đây cũng là đối tượng có liên quan đến trường học và cũng có thể gặp rất nhiều băn khoăn, lo lắng, căng thẳng cần được hỗ trợ.

Tham vấn tâm lý học đường thực tế đã bắt đầu xuất hiện vào khoảng những năm 40 của thế kỷ XX tại các nước Châu Âu, tuy nhiên mới chỉ bắt đầu được quan tâm nhiều hơn trong khoảng 10 năm gần đây tại Việt Nam. Điển hình là một số trường học, thường là bậc Trung học phổ thông cũng bắt đầu xây dựng các phòng ban tâm lý hay tổ chức các buổi sinh hoạt ngoại khóa về nội dung này tiếp cận gần hơn với học sinh.

Thực hiện tham vấn tâm lý học đường có thể mang lại rất nhiều lợi ích trong việc giải tỏa những áp lực, căng thẳng khó nói, cân bằng các mối quan hệ học trò – thầy cô, con cái – cha mẹ, bạn bè – bạn bè hay điều chỉnh tư duy, nhận thức theo hướng đúng đắn, phù hợp với lứa tuổi, đạo đức hay các tiêu chuẩn xã hội.

Một vài ý kiến cũng cho rằng trước đây tư vấn tâm lý học đường hầu hết vẫn chỉ đạt được đến mức độ tư vấn, giải đáp những thắc mắc, khó khăn cho phụ huynh và học sinh ở một ngưỡng nhất định chứ chưa thực sự hoạt động một cách chuyên nghiệp hết “công suất”. Hầu như hiện nay trẻ vẫn chưa chủ động tìm kiếm sự giúp đỡ về mặt tâm lý khi có những cảm xúc nhiễu loạn bất thường.

Tầm quan trọng của tham vấn tâm lý học đường với học sinh

Thực tế thì học sinh vẫn luôn là đối tượng được hướng tới chính trong các hoạt động tham vấn tâm lý học đường. Bởi năng lực nhận thức, khả năng điều chỉnh cảm xúc của học sinh vẫn còn rất kém, đặc biệt dễ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố tác động từ bên ngoài môi trường nên nếu không tìm được cách giải tỏa nên rất dễ hình thành những cảm xúc rối loạn.

Mặt khác không phải lúc nào cha mẹ hay thầy cô giáo không phải lúc nào cũng có đủ sự thấu hiểu hay tin tưởng để con có thể chia sẻ. Nhiều trẻ bị bạn bè bắt nạt, cô lập tới mức trầm cảm nhưng không dám chia sẻ với ai cũng chính vì những điều này. Đây cũng chính là lý do cần có các đơn vị, những người đảm nhiệm riêng trong khía cạnh chăm sóc tâm lý cho học sinh.

Vậy tham vấn tâm lý học đường có thể giúp ích gì cho các đối tượng là học sinh?

Gỡ rối những khúc mắc trong tâm trí

Bất cứ ai cũng luôn phải đối mặt với nhiều vấn đề gây căng thẳng, lo lắng, khó khăn trong tâm trí. Chẳng hạn như việc gia đình tạo áp lực quá lớn trong học tập; cảm xúc tự ti, tiêu cực về năng lực của bản thân; những thắc mắc trong vấn đề tình yêu, tình dục.. Những lo lắng này nếu không sớm được giải tỏa sẽ hình thành những cảm xúc tiêu cực ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ.

Tham vấn tâm lý giúp giải đáp những thắc mắc, khó khăn trong tâm trí mà con không biết bày tỏ cùng ai

Tham gia tư vấn trị liệu tâm lý học đường sẽ tại cơ hội cho trẻ được chia sẻ những căng thẳng của bản thân và nhận được những lời giải đáp phù hợp. Các chuyên gia sẽ lắng nghe những vấn đề khúc mắc để hiểu rõ tâm tư của từng trẻ, từ đó gỡ rối từng vấn đề.

Đặc biệt trẻ trong độ tuổi dậy thì thường có rất nhiều sự thay đổi trong tâm lý, cảm xúc do ảnh hưởng bởi sự thay đổi của hormone, nếu không sớm nhận được sự giải đáp sẽ luôn ở trong trạng thái bức bối. Bản thân con cũng có thể gặp khó khăn trong việc chia sẻ với những người xung quanh bởi con thấy ngại ngùng, xấu hổ với những thắc mắc của bản thân.

Rất nhiều học sinh luôn phải tự đấu tranh với những căng thẳng, khó khăn trong tâm trí nên mới dẫn đến nguy cơ trầm cảm, rối loạn lo âu hay các vấn đề khác. Nhiều trẻ có các hành vi tự sát, self – harm tự hành hạ bản thân bởi không có ai lắng nghe lời “cầu cứu” của con.

Tham vấn tâm lý học đường chính nhằm mục đích nhanh chóng chữa lành những tổn thương tinh thần, gỡ bỏ gốc rễ vấn đề từ sâu bên trong trí của trẻ. Chỉ khi con có tâm lý vui vẻ, thoải mái, tích cực thì mới có thể phát triển được các khía cạnh tư duy, nhận thức cần thiết khác.

Học cách kiểm soát cảm xúc phù hợp

Kiểm soát cảm xúc, hành vi là điều hầu hết học sinh chưa thể làm được. Trẻ thường hay để cảm xúc điều khiển lý trí của bản thân và dẫn đến các hành vi không phù hợp. Chẳng hạn như khi bị cha mẹ la con trở nên vùng vằng, cãi lại bằng những lời lẽ thiếu văn minh; hay khi xung đột với bạn bè con có thể nảy sinh các hành vi bạo lực với đối phương..

Tham vấn tâm lý học đường sẽ hướng dẫn học sinh học cách thư giãn, xoa dịu tâm trí, kiểm soát cảm xúc để hạn chế các hành vi kích động, bốc đồng sai lầm, củng cố niềm tin vào bản thân. Trẻ dần điều chỉnh cảm xúc của bản thân phù hợp với hoàn cảnh, tình huống, đối tượng để không gây ra các sai lầm không đáng có.

Trí tuệ cảm xúc là khía cạnh luôn tham vấn tâm lý học đường đề cao, không chỉ với các mục đích hiện tại mà còn hướng đến xây dựng những giá trị cần thiết trong tương lai. Trẻ có tâm lý tích cực, biết cách giải tỏa những lo lắng, căng thẳng, hiểu về cảm xúc của chính mình cũng sẽ dễ thành công hơn.

Xây dựng các mối quan hệ bền vững

Học sinh cũng là đối tượng rất dễ gặp những rắc rối trong việc cân bằng, duy trì hay nhìn nhận các mối quan hệ một cách hợp lý. Chẳng hạn nhiều trẻ có thể nảy sinh tâm lý thù ghét cha mẹ hay thầy cô giáo khi thường xuyên bị la mắng, hay muốn trả thù bạn bè vì thường xuyên bị trêu ghẹo hay cô lập.

Giải quyết các mẫu thuẫn, xung đột trong các mối quan hệ cũng là điều các chuyên gia tham vấn tâm lý hướng tới

Như đã nói, trẻ rất dễ hình thành những mâu thuẫn, những cảm xúc không lành mạnh trong các mối quan hệ, đôi khi vì nhưng xích mích, hiểu lầm không đáng có. Các khía cạnh trong các mối quan hệ cần được quan tâm của học sinh thường là giáo viên – học sinh; cha mẹ – con cái và bạn bè – bạn bè.

Tham vấn tâm lý học đường cũng nhằm mục tiêu chăm sóc, điều chỉnh lại các mối quan hệ, giúp con hiểu rõ các vấn đề khúc mắc. Chẳng hạn thay đổi suy nghĩ rằng cha mẹ khó tính không phải vì “ghét” con mà vì muốn tốt cho con nhưng chưa biết cách thể hiện cảm xúc của mình.

Việc thay đổi cách nhìn nhận, đánh giá của con trong các mối quan hệ sẽ giúp trẻ có tâm lý thoải mái hơn, tránh các hành vi phản ứng không phù hợp. Ví dụ trẻ khi cảm thấy cha mẹ không yêu mình sẽ có các hành vi chống đối, tách biệt bản thân, xa cách với cha mẹ.

Thay đổi tư duy tích cực, phù hợp với lứa tuổi

Một trong những vấn đề mà tham vấn tâm lý học đường đề cao hiện nay chính là làm thế nào để điều chỉnh tư duy, nhận thức của học sinh phù hợp với lứa tuổi. Bởi hầu hết trẻ hiện nay đều có xu hướng “lớn trước tuổi, có tư duy tiêu cực do ảnh hưởng rất nhiều từ sự phát triển của công nghệ, của thời đại internet.

Biểu hiện rõ nhất chính là trẻ có xu hướng yêu đương, quan hệ tình dục ngày càng sớm, tuy nhiên lại không biết cách bảo vệ bản thân. Hay việc trẻ có thể hình thành các suy nghĩ sử dụng bạo lực để giải quyết vấn đề hay thậm chí coi thường việc đến trường do ảnh hưởng từ nhận định “học tập không phải con đường thành công duy nhất”.

Do đó, qua quá trình tham vấn tâm lý học đường, các chuyên gia sẽ dần hiểu rõ được những suy nghĩ, tư duy, cách nhìn nhận vấn đề của con và tìm cách điều chỉnh theo hướng đúng đắn, phù hợp với độ tuổi, quy luật chung của xã hội. Đây chính là nền tảng quan trọng tác động đến quá trình hoàn thiện về đạo đức, nhân cách cần thiết cho bất cứ ai ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Định hướng tương lai phù hợp

Không phải đứa trẻ nào cũng biết rằng mình cần gì, mình muốn gì, không có định hướng nào cho tương lai. Rất nhiều học sinh ngay cả khi đến giai đoạn chuẩn bị thi đại vẫn chưa biết sẽ học trường nào, học ngành gì, có nên tiếp tục đi học hay nên lựa chọn đi học nghề. Tham khảo vấn tâm lý học đường có thể giúp đỡ học sinh có những định hướng phù hợp hơn ở cả hiện tại và tương lai.

Nhiều trẻ cũng có định hướng nghề nghiệp rõ ràng hơn sau khi thực hiện tham vấn tâm lý

Các chuyên gia sẽ giúp trẻ có sự hiểu rõ hơn về bản thân mình, tìm ra các thế mạnh, khả năng, sở thích để con có thể tập trung phát triển năng lực cá nhân. Việc có định hướng từ giai đoạn sớm sẽ giúp trẻ có thời gian chuẩn bị, tránh việc đi sai hướng và hối hận ở tương lai.

Mặt khác tham vấn tâm lý học đường cũng giúp ích rất nhiều cho kết quả học tập ở chính thời điểm hiện tại. Bởi khi tinh thần trẻ trở nên vui vẻ tích cực, hiểu rõ được về bản thân, các mối quan hệ dần hòa hợp, chất lượng sống nâng cao thì kết quả học tập cũng dần được thay đổi tích cực.

Mang lại chất lượng sức khỏe toàn diện

Tham vấn tâm lý học đường có thể mang đến sức khỏe toàn diện trong cả khía cạnh tinh thần lẫn thể chất. Điều này là hiển nhiên khi trẻ có một tinh thần tích cực, ăn ngon, ngủ ngon, tinh thần thoải mái thư giãn. Các vấn đề thể chất cũng được cải thiện khi trẻ có lối sống lành mạnh, tích cực hơn.

Đặc biệt với các trường hợp trẻ bị trầm cảm, lo âu hay các vấn đề tâm lý khác khiến thể chất suy giảm, thường xuyên bị đau đầu, chóng mặt, cơ thể thiếu năng lượng cũng sẽ dần hồi phục sau khi được chăm sóc phục hồi tâm lý. Trẻ được tăng cường sức khỏe, tinh thần dần trở nên linh hoạt, năng động hơn để tham gia các hoạt động học tập hay vui chơi hằng ngày.

Quy trình thực hiện tham vấn tâm lý học đường

Tham vấn tâm lý học đường có thể thực hiện trên cả phương diện trực tiếp và gián tiếp nhưng đều hướng tới chung một mục tiêu. Gia đình, nhà trường và các đơn vị chăm sóc tâm lý cần phối hợp với nhau chặt chẽ để có thể hiểu sâu về tâm lý học sinh và đưa ra các giải pháp chăm sóc phù hợp.

Quy trình thực hiện tham vấn tâm lý cần phải diễn ra có kế hoạch để đảm bảo hiệu quả

Quy trình thực hiện tham vấn tâm lý học đường được thực hiện như sau

  • Thiết lập mối quan hệ: đây là bước đầu tiên để xây dựng lòng tin ở các đối tượng được tham vấn tâm lý. Chỉ khi khách hàng đặt sự tin tưởng với chuyên gia thì mới có thể trung thực, thẳng thắn trong việc chia sẻ những khó khăn, khúc mắc của bản thân một cách rõ ràng nhất.
  • Làm rõ vấn đề: Thông qua việc trò chuyện và tìm hiểu, các chuyên gia sẽ làm rõ vấn đề mà khách hàng đang gặp phải là gì, gốc rễ nỗi lo lắng căng thẳng nằm ở đâu, từ đó mới có thể xây dựng hướng can thiệp, hỗ trợ phù hợp. Giai đoạn này có thể kéo dài đến 3- 4 tuổi tham vấn tâm lý học đường, tùy từng đối tượng và trường hợp.
  • Đưa ra giải pháp: sau khi đã làm rõ được những vấn đề vướng mắc trong tâm lý, các biện pháp can thiệp hay hỗ trợ sẽ được đề xuất. Với học sinh, các biện pháp này còn được đề xuất dựa trên đóng góp của gia đình, nhà trường, bạn bè để phù hợp với tâm lý, tính cách, xu hướng của từng đối tượng.
  • Bắt đầu hành động: học sinh sẽ thực hiện các biện pháp được chỉ định dưới sự theo dõi, hỗ trợ từ chính các chuyên gia, nhà trường, gia đình, bạn bè để đem lại kết quả tốt nhất. Tùy từng vấn đề mà thời gian thực hiện các chiến lược này sẽ dài ngắn khác nhau.
  • Đánh giá hiệu quả: Tham vấn tâm lý học đường thường được thực hiện định kỳ thường xuyên để xem xét những tiến triển trong khía cạnh tâm lý, đời sống là tích cực hay tiêu cực, từ đó điều chỉnh lại các biện pháp sao cho phù hợp hơn.

Sự vui vẻ, tích cực, tự tin vào bản thân, nhìn nhận các vấn đề diễn ra xung quanh một cách phù hợp, cân bằng lại được các mối quan hệ chính là những thành quả rõ ràng nhất mà các dịch vụ tham vấn tâm lý luôn mong muốn đạt được. Quá trình này có thể diễn ra dài/ ngắn còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác.

Một số vấn đề khác trong tham vấn tâm lý học đường

Tham vấn tâm lý học đường hiện nay đang ngày càng thể hiện rõ tầm quan trọng, đặc biệt với các đối tượng là học sinh. Rõ ràng nhất chính là việc ở các trường Trung học cấp cơ sở hay phổ thông lớn đều đã bắt đầu thanh lập những phòng ban tâm lý để đảm bảo sức khỏe tinh thần cho học sinh tốt nhất.

Bên cạnh các phòng ban chuyên môn thì một số trường cũng bắt đầu thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoại khóa, có sự góp mặt của các chuyên gia tâm lý để học sinh có thể lắng nghe, tìm hiểu và biết cách chăm sóc sức khỏe tinh thần cho chính bản thân mình.

Trường học đang bắt đầu tổ chức các hoạt động ngoại khóa về chăm sóc tâm lý thường xuyên hơn

Để các hoạt động tham vấn tâm lý học đường thành công luôn cần có sự góp mặt của nhà trường, đội ngũ các chuyên gia, các thầy cô giáo và đặc biệt là các vị phụ huynh. Chính gia đình và các thầy cô giáo cũng cần được tham vấn, chăm sóc tâm lý và tìm hiểu về tâm lý để có thể phối hợp, thay đổi cách xử lý, các giải quyết khi ứng xử với con trẻ mỗi ngày.

Nhà trường cần dành thêm nhiều thời gian để quan sát, phát hiện sớm các trường hợp học sinh bị bạo lực, cô lập hay có các dấu hiệu bất thường về mặt tâm lý. Việc xây dựng một nền giáo dục cải cách, phù hợp, gia tăng các hoạt động giúp nâng cao kỹ năng mềm, kỹ năng quản lý cảm xúc, kỹ năng thích ứng với môi trường đã và đang dần được thực hiện chính nhằm mục đích mang đến những giá trị tốt nhất cho những mầm non của đất nước.

Tham vấn tâm lý học đường đã thực sự chứng minh được tầm quan trọng với các đối tượng như thầy cô, cha mẹ và đặc biệt là học sinh. Gia đình và nhà trường luôn cần phối hợp chặt chẽ với nhau không chỉ để đảm bảo về kết quả học tập mà còn để phát hiện sớm các vấn đề tâm lý để trẻ có được môi trường phát triển tích cực, an toàn và hạnh phúc nhất.

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Có rất nhiều trò chơi giúp trẻ rèn luyện khả năng tập trung
TOP 10 trò chơi giúp trẻ tập trung nên rèn luyện mỗi ngày

Trẻ con thường cảm thấy hứng thú, dễ bị cuốn hút bởi các trò chơi giúp trẻ tập trung, phát triển ngôn ngữ, kỹ năng....

Hoạt động trị liệu Occupational Therapy (OT) can thiệp trẻ đặc biệt

Hoạt động trị liệu Occupational Therapy (OT) nhằm mục tiêu hỗ trợ tăng cường các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc sinh hoạt...

Các dấu hiệu trẻ tự kỷ dưới 6 tháng cha mẹ cần lưu ý

Không phản ứng lại với âm thanh, không bập bẹ tập nói, ít bắt chước, ít vận động, mắt phản ứng kém linh hoạt...là những...

phân biệt trẻ tăng động và hiếu động
Cách phân biệt trẻ tăng động và hiếu động đơn giản, chính xác

Hiếu động, thích chạy nhảy, ồn ào và hoạt động luôn tay luôn chân là những hành động thường thấy ở trẻ dưới 6 tuổi....