Trầm cảm giai đoạn 1 (cấp độ 1): Dấu hiệu và Cách điều trị

Trầm cảm giai đoạn 1 là mức độ nhẹ nhất của trầm cảm, lúc này các triệu chứng chưa được thể hiện rõ ràng và không quá nghiêm trọng. Người bị trầm cảm cấp độ 1 thậm chí còn không hề nhận ra rằng họ đang bị trầm cảm, cho rằng đây chỉ là cảm giác buồn bã, chán nản tạm thời mà thôi. 

Trầm cảm giai đoạn 1 (cấp độ 1) là gì?

Trầm cảm giai đoạn 1 (cấp độ 1) là một rối loạn tâm lý phổ biến, đặc trưng bởi tình trạng các triệu chứng buồn bã, bi quan, mất năng lượng, mất hứng thú của trầm cảm chỉ mới ở mức nhẹ, chưa ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống, công việc của cá nhân. Trầm cảm giai đoạn 1 còn gọi là trầm cảm nhẹ, các triệu chứng được biểu hiện không rõ ràng nên rất dễ bị bỏ qua.

Trầm cảm giai đoạn 1 là tình trạng trầm cảm mà các triệu chứng chưa biểu hiện rõ ràng, không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe và cuộc sống của cá nhân
Trầm cảm giai đoạn 1 là tình trạng trầm cảm mà các triệu chứng chưa biểu hiện rõ ràng, không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe và cuộc sống của cá nhân

Dựa theo mức độ, trầm cảm có thể được chia thành nhiều loại khác nhau như:

  • Trầm cảm giai đoạn 1 (trầm cảm nhẹ): Các triệu chứng tương đối nhẹ, khó nhận ra, không ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống cá nhân. Nếu phát hiện sớm và điều trị kịp thời, có thể chữa khỏi hoàn toàn, nhanh chóng, dễ dàng.
  • Trầm cảm giai đoạn 2 (trầm cảm trung bình): Các triệu chứng đã rõ ràng và gây ra những ảnh hưởng đến kể đến học tập, công việc, mối quan hệ của cá nhân. Có thể điều trị nhưng cần nhiều thời gian và sự nỗ lực của người được điều trị.
  • Trầm cảm giai đoạn 3 (trầm cảm nặng): Là mức độ nguy hiểm nhất của trầm cảm, người mắc trầm cảm cấp độ 3 thường có xu hướng thu mình, luôn buồn bã, bi, quan, có hành vi tự hại và thường xuyên có suy nghĩ tự tử.

Theo nghiên cứu của các chuyên gia, có khoảng 16.6% dân số thế giới sẽ trải qua ít nhất 1 lần trầm cảm trong đời. Trầm cảm có thể xảy ra ở bất kỳ ai, bất kỳ giới tính, độ tuổi nào, từ trẻ em cho đến người già, từ nam giới đến nữ giới. Trong đó, trầm cảm nhẹ hay trầm cảm giai đoạn 1 là tình trạng mà rất nhiều người gặp phải. Không ít người mắc trầm cảm nhẹ nhưng không hề biết mình đang bị trầm cảm.

Dấu hiệu nhận biết trầm cảm giai đoạn 1

Trầm cảm cấp độ 1 mô tả mức độ thấp và ít nghiêm trọng nhất của chứng trầm cảm. Một người có thể mắc trầm cảm giai đoạn 1 kéo dài, dai dẳng mà không tiến triển thành trầm cảm cấp độ 2, cấp độ 3.

Mặc dù các triệu chứng trầm cảm không rõ ràng, tuy nhiên, người mắc trầm cảm giai đoạn 1 có 3 triệu chứng đặc trưng gồm:

  • Buồn bã, bi quan, chán nản, nét mặt u sầu
  • Mất hứng thú với những hoạt động từng yêu thích
  • Mất năng lượng, không có động lực bắt đầu bất kỳ việc gì.

Ngoài ra, một số dấu hiệu trầm cảm giai đoạn 1 khác có thể kể đến như:

  • Khó tập trung làm việc, không thể duy trì sự tập trung cao độ
  • Cảm xúc thay đổi thất thường, dễ tức giận, thường cau có, khó chịu
  • Có cảm giác bồn chồn, không yên
  • Buồn bã, hay khóc, rất dễ khóc mặc dù trước đây không vậy
  • Ít tìm thấy niềm vui trong cuộc sống
  • Cảm thấy cuộc sống vô nghĩa, không có động lực sống
  • Hay băn khoăn, do dự, gặp khó khăn trong việc đưa ra quyết định
  • Thay đổi khẩu vị, ăn uống không ngon miệng hoặc ăn nhiều
  • Người mệt mỏi, uể oải, có thể xuất hiện các cơn đau thể chất
  • Rối loạn giấc ngủ, ngủ không giấc, mất ngủ hoặc ngủ quá nhiều
  • Cảm thấy bản thân vô dụng, thất bại, thường hay tự trách chính mình vì những lỗi lầm không đáng kể.

Nguyên nhân gây trầm cảm giai đoạn 1

Đến nay, nguyên nhân chính xác của trầm cảm vẫn chưa được xác định rõ. Trầm cảm giai đoạn 1 hay tất cả các loại trầm cảm đều được cho là một tình trạng đa yếu tố. Tức là chúng có sự kết hợp của nhiều yếu tố như mất cân bằng sinh hóa, yếu tố di truyền, căng thẳng trong cuộc sống và các yếu tố liên quan đến hoàn cảnh môi trường.

Có nhiều yếu tố có thể gây ra tình trạng trầm cảm
Có nhiều yếu tố có thể gây ra tình trạng trầm cảm

Được biết khoảng 75% người mắc trầm cảm nhẹ cũng sẽ trải qua một đợt trầm cảm nặng hơn. Tình trạng này thường được gọi là trầm cảm kép. Các nguyên nhân gây trầm cảm giai đoạn 1:

  • Mất cân bằng hóa học: Sự suy giảm của chất dẫn truyền thần kinh serotonin có thể là nguyên nhân gây mất cân bằng hóa học não, ảnh hưởng đến khả năng điều chỉnh cảm xúc của cơ thể.
  • Di truyền: Khi gia đình có người từng mắc trầm cảm thì con cái trong gia đình đó có tỷ lệ mắc trầm cảm cao.
  • Áp lực, biến cố cuộc sống: Áp lực học tập, áp lực cuộc sống, mất mát người thân, thất nghiệp, bố mẹ ly hôn, bị bắt nạt, lạm dụng hoặc trải nghiệm các sự kiện tiêu cực…
  • Môi trường và lối sống: Lối sống không lành mạnh, lạm dụng rượu bia, thuốc lá, ít vật động; môi trường sống, môi trường làm việc áp lực, thiếu sự hỗ trợ từ gia đình, bạn bè…

Trầm cảm giai đoạn 1 có nguy hiểm không?

Trầm cảm giai đoạn 1 là trầm cảm nhẹ, các triệu chứng được biểu hiện không rõ ràng, khó nhận biết. Rất nhiều người thậm chí không hề phát hiện mình đang mắc trầm cảm. Lý do là lúc này, chứng trầm cảm chưa ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống và kết quả học tập, hiệu suất làm việc của cá nhân.

Trầm cảm cấp độ 1 chưa phải là mức độ nguy hiểm nhất của trầm cảm. Mặc dù không nguy hiểm nhưng cần được phát hiện và điều trị càng sớm càng tốt. Việc điều trị ở giai đoạn ban đầu có thể giúp chúng ta dễ dàng vượt qua trầm cảm, tiết kiệm được tối đa thời gian và chi phí.

Không nên chủ quan xem thường trầm cảm. Tuy chỉ là trầm cảm nhẹ nhưng việc thường xuyên rơi vào trạng thái buồn bã, mất hứng thú sẽ dần khiến cuộc sống của bạn trở nên khó khăn. Nếu không được can thiệp kịp thời, trầm cảm cấp 1 có thể nhanh chóng tiến triển thành trầm cảm nặng, gây mất khả năng làm việc và tăng ý định tự tử.

Trầm cảm cấp độ 1 có thể trở nên nguy hiểm khi:

  • Các triệu chứng buồn bã, chán nản, mất hứng thú kéo dài
  • Gây ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe thể chất
  • Thiếu sự hỗ trợ từ người thân, bạn bè, chuyên gia.

Chẩn đoán trầm cảm cấp độ 1

Cũng giống như các dạng trầm cảm khác, việc chẩn đoán trầm cảm giai đoạn 1 không thể dựa vào xét nghiệm máu hoặc chụp não. Chỉ có thể chẩn đoán dựa trên các dấu hiệu mà bác sĩ, chuyên gia tâm lý quan sát thấy và các triệu chứng khai thác được từ bệnh nhân.

Tiêu chuẩn chẩn đoán chủ yếu dựa vào Sổ tay DSM-5 hoặc ICD-10. Theo đó, cá nhân được chẩn đoán mắc trầm cảm giai đoạn 1 cần có các triệu chứng kéo dài ít nhất 2 tuần. Trong đó, 3 triệu chứng chính gồm:

  • Tâm trạng trầm buồn
  • Mất hứng thú tham gia các hoạt động từng yêu thích
  • Mất năng lượng hoặc cảm thấy mệt mỏi, kiệt sức

Cùng với ít nhất 3 –  4 triệu chứng bổ sung như:

  • Chán ăn, ăn quá ít hoặc quá nhiều
  • Giảm khả năng tập trung
  • Khó ngủ, mất ngủ hoặc ngủ quá nhiều
  • Cảm giác lo lắng, căng thẳng kéo dài
  • Cảm thấy bản thân vô dụng, vô giá trị.

Các biện pháp chẩn đoán thường được áp dụng gồm:

  • Đánh giá lâm sàng
  • Sử dụng bảng câu hỏi
  • Sử dụng công cụ hỗ trợ như bài test trầm cảm BECK (BDI), thang đo PHQ-9, HAM-D…

Điều trị trầm cảm giai đoạn 1

Trầm cảm cấp độ 1 có thể được điều trị bằng nhiều phương pháp khác nhau. Người mắc trầm cảm nhẹ có thể đáp ứng tốt với thuốc, có thể lựa chọn điều trị bằng liệu pháp tâm lý hoặc kết hợp cả hai phương pháp.

Người mắc trầm cảm cần được tư vấn, hỗ trợ bởi bác sĩ, chuyên gia tâm lý
Người mắc trầm cảm cần được tư vấn, hỗ trợ bởi bác sĩ, chuyên gia tâm lý

Các phương pháp điều trị trầm cảm giai đoạn 1 như sau:

1. Điều trị bằng thuốc

Việc điều trị bằng thuốc cần tuân theo chỉ định của bác sĩ. Các thuốc trầm cảm thường kèm theo tác dụng phụ, cần hết sức thận trọng, tuyệt đối không tự ý mua và dùng thuốc. Không tự ý tăng giảm liều lượng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.

Thuốc chống trầm cảm là thuốc được kê đơn, lựa chọn phổ biến nhất là thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI). Thuốc có tác dụng ức chế sự tái hấp thu chất dẫn truyền thần kinh serotonin, khiến chất này có nhiều hơn trong não, từ đó cải thiện tốt tâm trạng của người mắc trầm cảm.

2. Tâm lý trị liệu

Tâm lý trị liệu được đánh giá là một trong những phương pháp điều trị trầm cảm hiệu quả nhất hiện nay. Phương pháp này giúp giải quyết tận gốc nguyên nhân gốc rễ của vấn đề lại không dùng thuốc, không tác động vào sức khỏe thể chất, an toàn và hiệu quả.

Các liệu pháp tâm lý thường được ứng dụng gồm:

  • Liệu pháp nhận thức hành vi (CBT): Liệu pháp giúp cá nhân nhận diện và thay đổi các mẫu hành vi tiêu cực thành các suy nghĩ tích cực, phát triển kỹ năng đối phó với căng thẳng.
  • Liệu pháp tương tác cá nhân (IPT): Liệu pháp tập trung giúp cá nhân cải thiện các mối quan hệ ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần.
  • Liệu pháp hành vi biện chứng (DBT): Liệu pháp tiếp cận dựa trên CBT kết hợp cùng các hoạt động chánh niệm nhằm giúp cá nhân thư giãn, xây dựng kỹ năng điều chỉnh cảm xúc và cải thiện khả năng giao tiếp.

7 Cách đối phó với trầm cảm cấp độ 1

Người có các dấu hiệu nghi ngờ mắc trầm cảm cấp độ 1 nên tìm đến bác sĩ, chuyên gia tâm lý để được tư vấn và hỗ trợ. Song song với việc điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ, chuyên gia tâm lý, bạn cũng cần học cách tự chăm sóc bản thân, biết cách đối phó với trầm cảm.

Dưới đây là 7 cách đối phó với trầm cảm giai đoạn 1 mà bạn có thể tham khảo:

  • Đặt mục tiêu tập thể dục 30 phút mỗi ngày: Hãy tập yoga, bơi lội, chạy bộ hoặc aerobic… Đặt mục tiêu và duy trì việc luyện tập mỗi ngày 30 phút để tăng cường sản xuất hormone hạnh phúc và làm giảm căng thẳng, mệt mỏi.
  • Xây dựng chế độ ăn uống khoa học, lành mạnh: Một nghiên cứu chỉ ra rằng, việc duy trì chế độ ăn kiểu Địa Trung Hải có thể làm giảm triệu chứng trầm cảm. Bạn có thể xây dựng một chế độ ăn nhiều trái cây, rau quả, ít thực phẩm chế biến sẵn, đa dạng các nhóm dinh dưỡng để tăng cường sức khỏe.
  • Tìm và duy trì những việc bạn thích: Bạn bận rộn với công việc, bận rộn với gia đình và không có thời gian riêng cho bản thân. Hãy giảm bớt thời gian cho công việc và dành thời gian cho sở thích của chính mình để cải thiện tâm trạng.
  • Đảm bảo chất lượng giấc ngủ: Ngủ đủ giấc, chất lượng giấc ngủ đảm bảo có thể giảm thiểu các triệu chứng trầm cảm. Bạn cần vệ sinh giấc ngủ, tái thiết lập đồng hồ sinh học…
  • Hạn chế sử dụng rượu bia, chất kích thích: Hãy duy trì một số sống lành mạnh, hạn chế sử dụng rượu bia, thuốc lá, chất kích thích, ma túy… Những thứ này có thể giúp bạn cảm thấy giảm bớt đau khổ tạm thời nhưng sẽ khiến triệu chứng trầm cảm của bạn tồi tệ hơn theo thời gian và làm tăng nguy cơ rối loạn sử dụng chất gây nghiện.
  • Sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ: Bạn cần trao đổi với bác sĩ về bất kỳ loại thuốc, thực phẩm chức năng, thảo dược mà bạn đang sử dụng. Một số thuốc có thể khiến triệu chứng trầm cảm trở nên nghiêm trọng hơn hoặc có thể gây tương tác với thuốc điều trị trầm cảm mà bạn đang sử dụng.
  • Chủ động chia sẻ với người xung quanh: Bạn nên chủ động chia sẻ tâm sự, cảm xúc với người thân, bạn bè, những người bạn tin tưởng để giải tỏa những cảm xúc kìm nén trong lòng. Điều này sẽ giúp bạn cảm thấy nhẹ nhõm, thoải mái hơn.

Trầm cảm giai đoạn 1 là loại trầm cảm mức độ nhẹ, chưa gây ra nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và cuộc sống của cá nhân. Tuy nhiên, đây là thời điểm tốt nhất để điều trị trầm cảm. Nếu bạn có các biểu hiện nghi ngờ mắc trầm cảm cấp độ 1, cách tốt nhất là bạn cần nhanh chóng thăm khám bác sĩ, chuyên gia tâm lý để được tư vấn và hỗ trợ.

Có thể bạn quan tâm:

Nguồn tham khảo:

  • https://www.verywellmind.com/what-is-mild-low-grade-depression-1066956
  • https://www.crystalrunhealthcare.com/articles/what-is-low-grade-depression

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Trầm cảm và stress không phải là cùng một vấn đề
Trầm cảm và stress giống hay khác nhau? Mối liên hệ

Rất nhiều người nhầm lẫn giữa trầm cảm và stress, cho rằng hai vấn đề này là một. Thế nhưng, trầm cảm và stress tuy...

Trầm cảm kháng trị là một rối loạn sức khỏe tâm thần nghiêm trọng, phức tạp
Trầm cảm kháng trị là gì? Nguyên nhân và giải pháp

Trầm cảm kháng trị là một trong những rối loạn trầm cảm chính, xảy ra rất phổ biến, có đến 30% người mắc trầm cảm...

ADHD ở người lớn có thể liên quan đến yếu tố di truyền, mất cân bằng hóa chất sinh học não
Tìm hiểu rối loạn tăng động giảm chú ý ở người lớn (ADHD)

Rối loạn tăng động giảm chú ý ở người lớn là loại rối loạn sức khỏe tâm thần đặc trưng bởi các vấn đề như...

Trẻ chậm nói đơn thuần
Trẻ chậm nói đơn thuần: Nguyên nhân & các giải pháp hỗ trợ

Trẻ chậm nói đơn thuần thường được đánh giá có tiên lượng tốt hơn với chậm nói do tự kỷ hay các dạng rối loạn...