Trầm cảm ẩn là gì? Dấu hiệu nhận biết và khắc phục

Trầm cảm ẩn là một rối loạn trầm cảm không điển hình, đặc trưng bởi sự tiềm ẩn của các triệu chứng trầm cảm như buồn bã, mất hứng thú, mất năng lượng. Người mắc trầm cảm ẩn thường che giấu nỗi đau, sự tuyệt vọng của họ bằng cách tỏ ra vui vẻ, lạc quan với một cuộc sống hạnh phúc, hoàn hảo. 

Trầm cảm ẩn (trầm cảm che giấu) là gì?

Trầm cảm ẩn (hidden depression) là tình trạng các triệu chứng trầm cảm không biểu hiện rõ ràng hoặc không dễ nhận biết. Thường được gọi là trầm cảm che giấu hoặc trầm cảm cười. Đây là một rối loạn trầm cảm không điển hình, không được Hiệp hội Tâm Thần Hoa Kỳ công nhận là một rối loạn riêng biệt.

Trầm cảm ẩn là thuật ngữ không chính thức, không được Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ công nhận
Trầm cảm ẩn là thuật ngữ không chính thức, không được Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ công nhận

Trầm cảm là cảm giác buồn bã, chán nản, mất năng lượng, mất hứng thú, sa sút tinh thần. Về cơ bản, bản chất của trầm cảm ẩn là trầm cảm, tuy nhiên, người mắc loại trầm cảm này thường không biểu lộ các dấu hiệu của trầm cảm, thay vào đó, họ khéo léo che giấu cảm xúc và hành động của mình như thể rằng họ đang rất ổn, rất tràn đầy năng lượng, có cuộc sống hoàn hảo đáng mơ ước.

Có những người, mặc dù bên ngoài vui vẻ, lạc quan nhưng sâu trong nội tâm lại đang sống với các triệu chứng trầm cảm. Những người xung quanh thường không hề phát hiện ra các vấn đề bất thường ở họ. Họ hoàn toàn có thể đi bộ, trò chuyện, mỉm cười, trêu đùa người khác, duy trì trách nhiệm của bản thân tại nơi làm việc, trong các tình huống xã hội nhưng lại bất ổn khi chỉ có một mình.

9 Dấu hiệu nhận biết trầm cảm ẩn

Người mắc trầm cảm ẩn thường che giấu, không dám đối mặt, không dám thừa nhận tình trạng trầm cảm của mình. Họ có xu hướng sợ hãi sự kỳ thị, phán xét các vấn đề liên quan đến bệnh tâm thần. Do đó, các dấu hiệu nhận biết trầm cảm ẩn thường không rõ ràng và khó phát hiện hơn với với các loại trầm cảm khác.

Các dấu hiệu nhận biết trầm cảm ẩn:

1. Luôn cố tỏ ra hạnh phúc

Người mắc trầm cảm ẩn có xu hướng dùng vẻ mặt hạnh phúc hoặc dùng nụ cười để che giấu sự bất ổn, giằng xé tâm lý bên trọng nội tâm. Không ai có thể lúc nào cũng hạnh phúc, nếu một người luôn luôn vui vẻ, luôn có tâm trạng tốt thì một là họ thật sự rất hạnh phúc hoặc là họ đang mắc trầm cảm ẩn.

2. Ít hứng thú với các hoạt động từng yêu thích

Nếu một người đột nhiên không còn hứng thú với những dự án, hoạt động hay các sở thích của họ hoặc họ không còn nói về các chủ đề họ đặc biệt yêu thích, đó rất có thể là dấu hiệu trầm cảm ẩn. Đây là triệu chứng đặc trưng thường gặp ở người mắc trầm cảm.

3. Người mắc trầm cảm ẩn thường nói triết lý

Những người mắc trầm cảm thường tỏ ra vui vẻ, hưng phấn thậm chí hoạt bát, yêu đời hoặc thường nói triết lý. Họ nói nhiều về ý nghĩa cuộc sống, về các vấn đề có thể gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Họ cũng có thể nhắc nhiều về những con đường hạnh phúc, các chủ đề thiên về triết lý hơn so với những người khác.

4. Cảm thấy đau khổ, bế tắc, trống rỗng khi ở một mình

Người mắc trầm cảm ẩn che giấu thường khoác lên mình vẻ ngoài tự tin, giàu năng lượng. Thế nhưng, nội tâm của họ luôn tràn ngập cảm giác đau khổ, chán nản, họ cảm thấy trống rỗng, thiếu năng lượng, thường tự chỉ trích bản thân, luôn cảm thấy bế tắc trong cuộc sống. Đặc biệt, khi các triệu chứng này kéo dài hơn 2 tuần, rất có thể bạn đang mắc trầm cảm.

Sự lạc quan, tích cực giống như một chiếc mặt nạ, phía sau mặt nạ là sự buồn bã, bị quan, tiêu cực
Sự lạc quan, tích cực giống như một chiếc mặt nạ, phía sau mặt nạ là sự buồn bã, bị quan, tiêu cực

5. Chán ăn, mất ngủ

Chế độ sinh hoạt thất thường có thể là dấu hiệu cho thấy bạn đang mắc trầm cảm ẩn. Các vấn đề này bao gồm:

  • Chán ăn, ăn uống không ngon miệng hoặc ăn quá nhiều
  • Khó ngủ, mất ngủ hoặc luôn trong trạng thái buồn ngủ
  • Sụt cân hoặc tăng cân mất kiểm soát để che giấu sự lo lắng của bản thân.

6. Không thừa nhận mình mắc trầm cảm

Người mắc trầm cảm che giấu có xu hướng cố chấp, không chịu thừa nhận mình mắc trầm cảm. Họ cho rằng đây chỉ là những thay đổi bình thường trong tâm lý, do cuộc sống áp lực quá mức, do áp lực công việc và nghĩ rằng sau một thời gian sẽ ổn. Thế nhưng, thực tế, khi các triệu chứng kéo dài hơn 2 tuần, đây là dấu hiệu cho thấy bạn có thể đang mắc trầm cảm ẩn, cần được hỗ trợ tâm lý.

7. Dễ xúc động hoặc cáu kỉnh

Có những người mắc trầm cảm rất dễ xúc động, cảm xúc thay đổi thất thường. Chẳng hạn, trước đây họ là người không dễ khóc nhưng hiện tại lại dễ rơi nước mắt vì một “clip” hay một tin tức buồn hoặc xúc động… Trong khi đó, cũng có những người không thể khóc, không thể bộc lộ cảm xúc của bản thân.

Một số khác lại trở nên nóng giận, thường xuyên cáu kỉnh, tỏ ra khó chịu, bực bội với người xung quanh. Trước đây họ là người không hay nổi nóng, tức giận với ai đó, tuy nhiên, hiện tại lại thường cáu gắt, xa lánh bạn bè, người thân, con cái.

8. Có hành vi tự hại hoặc ý nghĩ tự tử

Cũng giống như những loại trầm cảm khác, người mắc trầm cảm ẩn sẽ thường có các hành vi tự hại bản thân hoặc suy nghĩ về cái chết, có ý định tự tử vì cho rằng tự tử giúp giải thoát bản thân khỏi sự đau khổ. Tỷ lệ tự tử ở người mắc trầm cảm che giấu thường cao hơn vì tình trạng này khó được nhận biết và hỗ trợ kịp thời.

Việc cố che giấu cảm xúc và tỏ ra rằng mình ổn khiến áp lực tinh thần của họ tăng cao. Bên cạnh đó, việc che giấu cảm xúc khiến họ cảm giác cô đơn buồn bã, không nhận được sự hỗ trợ phù hợp. Hơn nữa suy nghĩ tiêu cực và suy nghĩ tự tử ở họ thường diễn ra âm thầm, rất khó phát hiện, đến khi phát hiện thì họ đã thực hiện hành động tự tử.

9. Các dấu hiệu khác

Có thể nhận biết trầm cảm ẩn thông qua một số dấu hiệu khác như:

  • Nghiện mạng xã hội
  • Sử dụng chất gây nghiện nhiều hơn
  • Đau nhức cơ thể hoặc có bất thường về tiêu hóa
  • Cảm giác nặng nề ở chân tay
  • Khó khăn trong việc tập trung, ghi nhớ.

Nguyên nhân gây ra trầm cảm ẩn

Đến nay, các nhà nghiên cứu vẫn chưa thể xác định được chính xác nguyên nhân gây ra trầm cảm ẩn. Tuy nhiên, các nghiên cứu chỉ ra rằng, có sự kết hợp giữa nhiều yếu tố.

Trầm cảm ẩn có thể liên quan đến rất nhiều yếu tố
Trầm cảm ẩn có thể liên quan đến rất nhiều yếu tố

Các nguyên nhân gây ra trầm cảm ẩn:

1. Trầm cảm ẩn có tính chất di truyền

Theo các nghiên cứu, có 1/3 nguyên nhân gây trầm cảm liên quan đến yếu tố di truyền, đây là yếu tố không thể phòng tránh được. Nếu một người có người thân từng bị trầm cảm thì nguy cơ trầm cảm ở họ cao gấp 3 – 5 lần. Một nghiên cứu ở Anh mới đây đã chỉ ra rằng, có 40% các trường hợp trầm cảm có liên quan đến gen.

2. Mất cân bằng Serotonin

Có mối liên hệ mật thiết giữa serotonin và trầm cảm. Đây là chất kích thích dẫn truyền thần kinh, sự mất cân bằng của serotonin có thể gây rối loạn tâm trạng, rối loạn ám ảnh cưỡng chế, thậm chí trầm cảm. Ngoài ra, các nhà khoa học cũng đang nghiên cứu về vấn đề gen vận chuyển serotonin và di truyền.

3. Căng thẳng, áp lực học tập, công việc, cuộc sống

Có đến 2/3 trường hợp trầm cảm ẩn là do căng thẳng quá độ kéo dài. Tình trạng căng thẳng, stress, áp lực quá lớn có thể đến từ công việc, mối quan hệ gia đình, bạn bè, áp lực từ việc học tập hoặc áp lực từ cuộc sống xã hội.

Ngoài ra, cũng có những người tự gây áp lực cho chính bản thân mình, luôn có xu hướng muốn trở nên hoàn hảo, không chấp nhận thất bại. Họ che giấu đi các cảm xúc tiêu cực của bản thân, sợ người ta thấy mình buồn bã, yếu đuối dẫn đến trầm cảm ẩn.

Trong khi đó, một số người mắc trầm cảm do bản thân tự ti, luôn đánh giá thấp chính mình. Họ cố giữ vững hình tượng trước mặt người khác, không bao giờ thể hiện mặt yếu đuối của bản thân nhưng sâu trong nội tâm là cảm giác buồn bã, chán nản.

4. Trải nghiệm đau thương hoặc sang chấn tâm lý

Những trải nghiệm đau thương, là cú sốc tinh thần nghiêm trọng khiến nhiều người gặp vấn đề về tâm lý dễ bị trầm cảm ẩn như mất người thân, mất việc, ly hôn. Hoặc có thể liên quan đến các chấn thương tâm lý như lạm dụng, bạo lực gia đình, bạo lực mạng…

5. Nguyên nhân khác

Trầm cảm ẩn cũng có thể liên quan đến các nguyên nhân khác như:

  • Thói quen sống thiếu lành mạnh, ít vận động
  • Thường xuyên lạm dụng rượu bia, thuốc lá, chất kích thích
  • Văn hóa giấu nỗi buồn, không khuyến khích thể hiện cảm xúc.

Vì sao nhiều người che giấu chứng trầm cảm?

Rất nhiều người có xu hướng che giấu chứng trầm cảm của mình. Trầm cảm ẩn có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, mọi giới tính, song lại ngày càng phổ biến ở người trẻ. Sở dĩ nhiều người che giấu các triệu chứng của bệnh là vì:

  • Không nhận ra mình mắc trầm cảm: Không ít người bị trầm cảm nhưng không hề nhận ra mình mắc trầm cảm, họ cho rằng đây chỉ là những thay đổi bình thường do áp lực công việc, áp lực cuộc sống.
  • Áp lực từ vai trò xã hội: Những người có trách nhiệm lớn trong gia đình, là trụ cột kinh tế thường cảm thấy mình không được quyền buồn bã, yếu đuối.
  • Sợ bị kỳ thị, gắn mác bệnh tâm thần: Định kiến xã hội, những hiểu biết sai lầm về trầm cảm và bệnh tâm thần khiến nhiều người sợ bị kỳ thị, xa lánh và cảm thấy xấu hổ, ngượng ngùng, lo lắng người khác biết mình mắc bệnh.
  • Thiếu niềm tin vào chuyên gia: Cho rằng trầm cảm không thể chữa khỏi, không có bác sĩ, chuyên gia tâm lý chữa được trầm cảm nên không muốn thăm khám khi có bất thường về sức khỏe tâm thần.
  • Sợ phải điều trị bằng thuốc: Rất nhiều thông tin về tác dụng phụ của thuốc điều trị trầm cảm. Điều này khiến người mắc trầm cảm lo sợ và che giấu chứng trầm cảm của mình.
  • Không muốn trở thành gánh nặng của người khác: Người trầm cảm nhạy cảm, họ thường tự chỉ trích bản thân, cảm thấy mình vô dụng, không đáng sống. Họ lo lắng mình sẽ trở thành gánh nặng của người khác nên luôn cố tỏ ra rằng mình ổn.

Trầm cảm ẩn có nguy hiểm không?

Trầm cảm ẩn là một vấn đề về sức khỏe tâm thần nghiêm trọng, rất nguy hiểm vì khó nhận biết để điều trị kịp thời. Việc không kịp thời phát hiện, điều trị sẽ khiến các triệu chứng kéo dài, ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần của cá nhân mắc trầm cảm.

Trầm cảm ẩn có thể làm tăng nguy cơ lạm dụng rượu bia, chất kích thích
Trầm cảm ẩn có thể làm tăng nguy cơ lạm dụng rượu bia, chất kích thích

Những lý do trầm cảm ảnh có thể gây nguy hiểm:

  • Triệu chứng không rõ ràng, khó nhận diện: Người mắc trầm cảm ẩn thường cố tỏ ra mình bình thường, vui vẻ. Người xung quanh khó nhận ra họ gặp vấn đề, họ cũng không chủ động tìm kiếm sự giúp đỡ khiến bệnh kéo dài, khó điều trị.
  • Tích tụ căng thẳng gây kiệt quệ tinh thần: Sự tích tụ của các cảm xúc tiêu cực và cố gắng duy trì hình tượng trước mặt người khác có thể khiến người mắc trầm cảm ẩn kiệt quệ về thể chất lẫn tinh thần.
  • Nguy cơ tự tử cao: Suy nghĩ bi quan, tiêu cực không được giải tỏa, không thể bộc lộ ra ngoài làm gia tăng hành vi tự hại và nguy cơ tự tử.
  • Tăng nguy cơ lạm dụng chất: Rất nhiều người trầm cảm lạm dụng rượu bia, thuốc lá, chất kích thích để giảm căng thẳng, dẫn đến nghiện ngập, tổn hại sức khỏe.

Ngoài ra, trầm cảm ẩn nếu không điều trị kịp thời, đúng cách có thể tăng nguy cơ mắc các bệnh lý như:

  • Huyết áp cao
  • Tim mạch
  • Tiểu đường
  • Alzheimer

Phương pháp chẩn đoán trầm cảm ẩn

Như đã đề cập, rất khó phát hiện trầm cảm ẩn vì các triệu chứng được người bệnh khéo léo che giấu trong vẻ bề ngoài hoàn hảo, vui vẻ, lạc quan. Không chỉ người xung quanh không thể phát hiện, đôi khi chính bản thân họ còn không nhận ra vấn đề của chính mình.

Khi có các dấu hiệu bất ổn về tinh thần như cảm giác buồn bã, đau khổ, bế tắc, mất hứng thú, mất năng lượng kéo dài, cách tốt nhất là bạn nên tìm đến bác sĩ, chuyên gia tâm lý để được thăm khám, đánh giá. Các phương pháp chẩn đoán trầm cảm ẩn:

  • Đánh giá triệu chứng tâm lý
  • Phỏng vấn lâm sàng với bảng câu hỏi chuyên sâu
  • Sử dụng thang đo PHQ-9 hoặc bài test trầm cảm Beck (BDI)
  • Khám đánh giá sức khỏe tổng quát
  • Đo lường chức năng thần kinh
  • Đánh giá thông qua người thân hoặc bạn bè
  • Quan sát hành vi xã hội và công việc

Điều trị trầm cảm ẩn

Việc điều trị trầm cảm ẩn cần nhiều thời gian và phải có sự kết hợp của nhiều phương pháp để mang đến hiệu quả cho quá trình điều trị. Trầm cảm ẩn có thể chữa khỏi hoàn toàn khi được điều trị đúng phương pháp bởi các bác sĩ, chuyên gia chuyên nghiệp.

Các phương pháp điều trị trầm cảm ẩn có thể kể đến như:

1. Tâm lý trị liệu (Psychotherapy)

Tâm lý trị liệu là phương pháp được ưu tiên hàng đầu trong việc điều trị trầm cảm ẩn. Các liệu pháp tâm lý không chỉ tập trung vào việc làm giảm triệu chứng mà còn giúp cá nhân giải quyết gốc rễ nguyên nhân của vấn đề. Giúp cá nhân phát triển kỹ năng đối phó, quản lý cảm xúc, tăng cường khả năng tự nhận thức và không sử dụng thuốc gây tác dụng phụ.

Liệu pháp tâm lý được đánh giá cao về hiệu quả trong điều trị trầm cảm ẩn
Liệu pháp tâm lý được đánh giá cao về hiệu quả trong điều trị trầm cảm ẩn

Một số liệu pháp thường được ứng dụng trong điều trị trầm cảm ẩn:

  • Liệu pháp nhận thức hành vi (CBT): Giúp bệnh nhân nhận diện và thay đổi các suy nghĩ tiêu cực, hành vi tự hại bằng các nhìn tích cực hơn. Giúp bệnh nhân phát triển kỹ năng đối phó và kiểm soát cảm xúc.
  • Liệu pháp tương tác cá nhân (IPT): Tập trung vào việc giúp cá nhân giải quyết xung đột và cải thiện các mối quan hệ.
  • Liệu pháp phân tích: Giúp cá nhân hiểu rõ về những cảm xúc kìm nén và các xung đột tâm lý nội tâm khiến tình trạng trầm cảm của họ không thể hiện ra ngoài.

2. Điều trị bằng thuốc

Việc sử dụng thuốc điều trị với trầm cảm che giấu chỉ phù hợp với một số trường hợp nhất định. Chỉ dùng thuốc khi có chỉ định của bác sĩ, tuyệt đối không tự ý mua và dùng thuốc hoặc ngưng thuốc mà chưa có ý kiến của bác sĩ.

Các thuốc điều trị thường dùng:

  • Thuốc chống trầm cảm: SSRI (fluoxetine, sertraline, citalopram…), SNRI (venlafaxine, duloxetine)
  • Thuốc chống lo âu và điều chỉnh giấc ngủ: Có tác dụng giảm lo lắng hoặc cải thiện tình trạng mất ngủ do trầm cảm ẩn gây ra.

3. Liệu pháp kích thích não

Các liệu pháp này chỉ áp dụng cho trường hợp trầm cảm nặng, có nguy cơ tự tử cao. Thường chỉ được cân nhắc thực hiện khi các phương pháp khác không có hiệu quả. Có thể kể đến như:

  • Liệu pháp kích thích từ xuyên sọ (TMS): Dùng từ trường để kích thích vùng não chịu trách nhiệm điều chỉnh tâm trạng.
  • Liệu pháp sốc điện (ECT): Dùng dòng điện kiểm soát để điều chỉnh hoạt động của các chất hóa học trong não. Tuy nhiên, phương pháp này có thể gây ra một số tác dụng phụ như mất trí nhớ, lú lẫn tạm thời hoặc đau đầu, đau cơ sau khi thực hiện.

4. Thay đổi lối sống

Bên cạnh các phương pháp điều trị đã đề cập, người mắc trầm cảm cần tích cực thay đổi lối sống để cải thiện sức khỏe tinh thần và hỗ trợ điều trị trầm cảm. Bao gồm:

  • Tập thể dục thường xuyên, đều đặn để giải phóng endorphins (hormone giúp làm giảm căng thẳng, buồn bã)
  • Xây dựng chế độ ăn uống khoa học, lành mạnh để cải thiện sức khỏe tinh thần
  • Cải thiện chất lượng giấc ngủ, ngủ đúng giờ, đủ giấc để tăng cường sức khỏe
  • Thực hiện các kỹ thuật thư giãn nhằm giải tỏa căng thẳng, kiểm soát các triệu chứng trầm cảm.

5 Lời khuyên cho người mắc trầm cảm ẩn

Trầm cảm ẩn là một rối loạn trầm cảm nghiêm trọng và phức tạp, có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng phổ biến nhất là ở người trẻ. Nếu bạn đang có dấu hiệu nghi ngờ bản thân mắc trầm cảm ẩn, bạn có thể tham khảo 5 lời khuyên dưới đây:

  • Hãy nhanh chóng tìm kiếm sự giúp đỡ từ chuyên gia: Tất cả chúng ta đều xứng đáng được hỗ trợ để vượt qua trầm cảm. Bạn không cần lo lắng việc ai đó sẽ biết đến tình trạng bệnh của mình. Các chuyên gia luôn bảo mật tuyệt đối thông tin của các cá nhân, luôn trao đổi với mọi người một cách tôn trọng, không miệt thị, phán xét, chê bai.
  • Thừa nhận cảm xúc của bản thân: Bạn cần ý thức rằng, trầm cảm ẩn là vấn đề nghiêm trọng, đây là tình trạng bạn thật sự gặp phải. Không nên nghĩ rằng mình không thể nào mắc trầm cảm, trầm cảm hoàn toàn có thể xảy ra ở bất kỳ ai, bao gồm trẻ em lẫn người lớn, nữ giới lẫn nam giới. Bạn cần đối diện với vấn đề thực tế hơn là che giấu chúng đi.
  • Hãy cẩn thận với chủ nghĩa hoàn hảo không lành mạnh: Thành công và thất bại luôn song hành cùng nhau, đừng chỉ ăn mừng khi chiến thắng, hãy ăn mừng vì cả những điều bạn học hỏi được từ sai lầm, thất bại, dù lớn hay nhỏ.
  • Hãy lên tiếng khi cần: Bạn không nên chịu đựng những bất ổn trong cảm xúc một mình, bạn có thể chia sẻ với người thân, gia đình, bạn bè. Dù bạn là trụ cột gia đình, không có vấn đề gì cả, việc chia sẻ cảm xúc để nhận được sự động viên, an ủi từ người khác không làm ảnh hưởng đến công việc và vai trò của bạn.
  • Chú ý hơn trong việc chăm sóc bản thân: Bạn nên tạo thói quen trong việc chăm sóc bản thân, từ sức khỏe thể chất đến tinh thần, những thay đổi về sức khỏe tổng thể có thể tác động tích cực đến tâm trạng của bạn.

Biện pháp phòng ngừa trầm cảm ẩn

Trầm cảm dù có thể được chữa khỏi hoàn toàn nhưng lại có tỷ lệ tái phát cao. Do đó, bạn có thể phòng ngừa trầm cảm ẩn tái phát bằng các biện pháp sau:

  • Duy trì thói quen tập thể dục thường xuyên, đều đặn để giải phóng endorphins bằng các hoạt động như đi bộ, chạy, bộ, tập yoga
  • Xây dựng chế độ ăn uống cân bằng, giàu dưỡng chất, đặc biệt nên ưu tiên các thực phẩm chứa nhiều omega-3, vitamin và khoáng chất, hạn chế tiêu thụ các thực phẩm nhiều đường và thực phẩm chế biến sẵn vì chúng ảnh hưởng đến tâm trạng.
  • Cố gắng duy trì giấc ngủ ổn định từ 7 – 9 tiếng, đảm bảo chất lượng giấc ngủ, có mối liên hệ giữa mất ngủ và trầm cảm vì thế bạn cần hết sức lưu ý
  • Hãy học cách kiểm soát căng thẳng bằng các kỹ thuật như thở sâu, yoga, thiền định để giảm bớt lo âu và căng thẳng, giúp tâm trí thư giãn, thoải mái
  • Quản lý thời gian hợp lý, không nên dồn công việc để tránh căng thẳng, quá tải
  • Duy trì các mối quan hệ xã hội lành mạnh, tích cực, loại bỏ các mối quan hệ độc hại. Tích cực tham gia vào các hoạt động cộng đồng, các câu lạc bộ xã hội.

Trầm cảm ẩn thường khó nhận biết bởi các triệu chứng không rõ ràng, rất nhiều người mắc loại trầm cảm này nhưng lại không phát hiện vấn đề bất thường của bản thân. Khi bạn có các biểu hiện nghi ngờ mắc trầm cảm, cách tốt nhất là bạn nên tìm kiếm sự giúp đỡ của bác sĩ, chuyên gia tâm lý để được tư vấn, hỗ trợ.

Có thể bạn quan tâm:

Nguồn tham khảo:

  • https://www.healthline.com/health/depression/hidden-depression
  • https://www.choosingtherapy.com/hiding-depression/

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các tật về phát triển vận động ở trẻ và những thông tin cần biết

Đứng đi nhón gót, đi vòng kiềng, bàn chân dẹt, đầu méo, nói ngọng là các tật về phát triển vận động ở trẻ mà...

Trẻ tự kỷ bẩm sinh
Trẻ tự kỷ bẩm sinh: Nguyên nhân và hướng can thiệp

Rất khó để phát hiện trẻ tự kỷ bẩm sinh ngay từ những giai đoạn đầu đời, bởi các dấu hiệu thường chưa bộc lộ...

Rối loạn hỗn hợp lo âu và trầm cảm là loại rối loạn tâm thần bao gồm cả rối loạn lo âu và trầm cảm
Rối loạn hỗn hợp lo âu và trầm cảm: Triệu chứng và điều trị

Rối loạn hỗn hợp lo âu và trầm cảm là một trong những dạng rối loạn tâm thần thường gặp. Đặc trưng bởi tình trạng...

Trầm cảm có thể xảy ra ở trẻ trong độ tuổi dậy thì
Các dấu hiệu trầm cảm ở tuổi dậy thì: Cách chữa & phòng tránh

Trầm cảm tuổi dậy thì là một dạng rối loạn tâm lý, xảy ra phổ biến ở độ tuổi thanh thiếu niên, từ 10 -...