Bạo lực học đường là gì? Biểu hiện và thực trạng đáng báo động

Bạo lực học đường là vấn đề có thể xảy ra đối với bất kỳ ai, bao gồm cả giáo viên và học sinh, những người tham gia vào quá trình dạy học, giáo dục. Cùng với sự phát triển của xã hội, tình trạng này ngày càng gia tăng, biến đổi với các hành thức tinh vi, phức tạp hơn. Có nhiều hình thức bạo lực gồm bạo lực tinh thần, bạo lực thể xác, bạo lực mạng… 

Bạo lực học đường là gì?

Bạo lực học đường (School Violence) là hành vi tấn công, đe dọa, gây tổn thương đến tinh thần, thể chất hoặc tình cảm của học sinh, xảy ra ở môi trường giáo dục. Hành vi bạo lực được thực hiện một cách có chủ đích, có thể là lời nói, hành động đánh đập hoặc thái độ xa lánh, cô lập… Bản chất của tình trạng này là sự mất cân bằng giữa bên bắt nạt và bên bị bắt nạt.

Bạo lực học đường là vấn đề nhức nhối của xã hội, đang liên tục xảy ra từng ngày
Bạo lực học đường là vấn đề nhức nhối của xã hội, đang liên tục xảy ra từng ngày

Các hành vi này bao gồm:

  • Ngược đãi, đánh đập, gây tổn hại đến thân thể, sức khỏe
  • Lăng mạ, sỉ nhục nhân phẩm, danh dự
  • Cô lập, tẩy chay, có hành vi ảnh hưởng nghiêm trọng đến thể chất, tinh thần.

Bất kỳ ai cũng có thể là người gây bạo lực hoặc nạn nhân của bạo lực học đường. Người gây bạo lực có thể là thầy cô, nhân viên nhà trường, học sinh cùng lớp, cùng trường hoặc phụ huynh học sinh. Có nhiều trường hợp thầy cô bạo lực học sinh nhưng cũng có rất nhiều trường hợp học sinh bạo lực với thầy cô.

Các hình thức bạo lực học đường phổ biến

Bạo lực học đường (viết tắt theo tiếng Việt: BLHĐ) là thuật ngữ chung để mô tả những hành vi ngang ngược, không phù hợp với quy tắc, chuẩn mực xã hội, gây ra những tổn thương nghiêm trọng về mặt thể xác và tinh xác. Bất kỳ hành vi bắt nạt nào xảy ra ở môi trường học đường đều được coi là bạo lực học đường.

Các hình thức của BLHĐ rất đa dạng, có thể kể đến như:

Bạo lực thể chất

Còn gọi là bạo lực có vũ khí, là các hành động gây tổn hại người khác bằng cách dùng sức mạnh thể chất để đe dọa, tấn công như đánh đập, xô đẩy, ném đồ vật… Sử dụng vũ khí như vật cứng, sắc nhọn, gậy, dao để tấn công gây hậu quả nghiêm trọng khiến nạn nhân, học sinh, giáo viên sợ hãi.

Bạo lực tinh thần

Mặc dù không gây ra những tổn thương trên cơ thể nhưng lại gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tinh thần và tâm lý của nạn nhân. Bao gồm các lời nói đe dọa, xúc phạm, tại môi trường học đường và cả những lời lăng mạ, ác ý, đặt điều trên không gian mạng. Ngoài ra, hành động từ chối, chế giễu khiến cá nhân tổn thương tinh thần cũng được xếp vào nhóm bạo lực tinh thần.

Bạo lực tình dục

Bạo lực tình dục là hình thức bạo lực học đường nguy hiểm, ngày càng có xu hướng gia tăng trong xã hội hiện nay. Bao gồm các hành vi quấy rối, cưỡng ép quan hệ tình dục, lạm dụng tình dục và các hành động khác mà nạn nhân không mong muốn, bị ép buộc thực hiện trong môi trường học đường.

Bắt nạt mạng (Cyberbullying)

Bao gồm các hoạt động quấy rối, đe dọa, bôi nhọ người khác thông qua các phương tiện điện tử như email, tin nhắn, mạng xã hội… Với sự bùng nổ mạnh mẽ của công nghệ thông tin, hình thức bạo lực này ngày càng phổ biến, ảnh hưởng nghiêm trong đến danh dự, sức khỏe tinh thần và tâm lý của nạn nhân.

Một số hình thức bạo lực khác

Bên cạnh những hình thức đã đề cập, còn có một số loại bạo lực học đường khác như:

  • Trấn lột, cướp đoạt tài sản
  • Phân biệt đối xử
  • Bạo lực lạnh (im lặng, cô lập)
  • Chế giễu giới tính
  • Phân biệt sắc tộc, tôn giáo

Thực trạng đáng báo động về bạo lực học đường ở Việt Nam

Theo số liệu thống kê của Bộ GD-ĐT từ năm 2017 đến năm 2022, tại Việt Nam có hơn 2.500 vụ bạo lực học đường với hơn 7.000 đối tượng có liên quan. Bạo lực học đường tại Việt Nam là một thực trạng đáng báo động, mặc dù đã có nhiều giải pháp phòng chống, thế nhưng các hình thức bạo lực lại có sự thay đổi tinh vi, phức tạp, chuyển từ hình thức bạo lực truyền thống sang bạo lực mạng.

Thực trạng bạo lực học đường tại Việt Nam ngày càng tinh vi và phức tạp
Thực trạng bạo lực học đường tại Việt Nam ngày càng tinh vi và phức tạp

Một nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Xã hội và Nhân văn chỉ ra rằng, phần lớn hành vi bạo lực diễn ra ở học sinh cùng lớp hoặc cùng trường. Trong đó, bắt nạt là 40%, đánh nhau chiếm 33%, đe dọa chiếm 20%, còn lại là các hình thức bạo lực khác. Trong khi đó, nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Giáo dục cho thấy tỷ lệ bắt nạt, bạo lực mạng tăng từ 5 – 10% và ngày càng có xu hướng gia tăng.

Chỉ riêng trong năm 2023, đã có nhiều vụ bạo lực học đường nghiêm trọng, gây rúng động xã hội. Điển hình là vụ xô xát của 2 em học sinh lớp 6 tại thành phố Huế vào tháng 4 năm 2023, hậu quả là 1 em tử vong. Vụ một nam sinh lớp 10 tại Nghệ An tự tử vì bị bạn học cô lập, đả kích cũng vào tháng 4 năm 2023. Hay vụ một cô giáo tại Tuyên Quang bị đám đông học sinh chốt cửa không cho ra ngoài và liên tục chửi, ném giấy rác vào người vào tháng 12 năm 2023.

Có một thực tế là có rất nhiều vụ bạo lực học đường chưa được phát hiện. Các số liệu chỉ là một phần của thực trạng bạo lực học đường ở Việt Nam. Mức độ và hình thức của BLHĐ rất đa dạng, phức tạp và khó phát hiện. Có rất nhiều vụ phụ huynh, giáo viên, nhà trường không hề hay biết. Cũng có những trường hợp nhà trường vì bảo vệ danh tiếng mà che dấu khiến các đối tượng không e ngại, sợ hãi, trong khi nạn nhân thì bị đả kích nặng nề.

Làm thế nào để nhận biết bạo lực học đường?

Tùy vào hình thức, mức độ nghiêm trọng của vấn đề mà các biểu hiện của bạo lực học đường sẽ có sự khác nhau giữa các nạn nhân và thủ phạm. Việc nhận biết dấu hiệu của vấn đề này sẽ giúp chúng ta kịp thời phát hiện, có biện pháp can thiệp, hỗ trợ kịp thời.

Các dấu hiệu cảnh báo bạo lực học đường có thể kể đến như

Biểu hiện của nạn nhân

Trẻ có thể là nạn nhân hoặc là thủ phạm của BLHĐ. Khi là nạn nhân, con có thể có các biểu hiện bất thường về hành vi, cảm xúc. Ngoài ra, tùy vào hình thức bạo lực mà biểu hiện ở trẻ cũng có sự khác biệt nhất định.

Các vết bầm tím không rõ nguyên nhân có thể là dấu hiệu của bạo lực học đường
Các vết bầm tím không rõ nguyên nhân có thể là dấu hiệu của bạo lực học đường

Có thể nhận biết trẻ là nạn nhân bạo lực học đường qua các biểu hiện như:

  • Trên người có vết thương không giải thích được
  • Có biểu hiện bị đánh đập (trầy xước, bầm tím)
  • Mất đồ vật cá nhân hoặc đồ dùng bị hư hại
  • Sợ hãi, trốn tránh việc đi học, không thích trường học
  • Thành tích học tập suy giảm, mối quan hệ bạn bè thay đổi
  • Thường buồn bã, lo lắng, bất an, lầm lì, ít nói
  • Bị ám ảnh, khó ngủ, mất ngủ, gặp ác mộng thường xuyên
  • Thay đổi hành vi sử dụng thiết bị điện tử
  • Lo lắng, sợ hãi khi sử dụng máy tính, điện thoại
  • Bị tấn công, bôi nhọ, đặt điều trên mạng xã hội
  • Có hành vi tự làm tổn thương bản thân, tự nhốt mình trong phòng, tự sát

Biểu hiện khi trẻ là người gây bạo lực học đường

Khi con là người gây ra hành động tổn thương người khác, con cần được giáo dục đúng cách để tránh ảnh hưởng đến sự phát triển trong tương lai. Bạo lực là biểu hiện của sự bất ổn trong tâm lý, hành vi, dễ trở nên mất kiểm soát, gây ra nhiều rắc rối trong tương lai. Khi phát hiện con là thủ phạm, ba mẹ cần bình tĩnh xem xét, có cách can thiệp phù hợp, tuyệt đối không cổ vũ, động viên hành động sai trái của trẻ.

Các biểu hiện nhận biết khi trẻ là người bắt nạt:

  • Có thái độ coi thường, thiếu tôn trọng người khác
  • Hành vi lặp đi lặp lại về việc bắt nạt khiêu khích người khác
  • Có xu hướng áp đặt quyền lực, kiểm soát người khác
  • Hả hê, chê bai khi nói đến một bạn nào đó bị trẻ bắt nạt
  • Lo lắng bị bạn bè, gia đình nạn nhân trả thù
  • Có xu hướng đối nghịch, gây gổ với bạn bè, thầy cô, cha mẹ
  • Không chịu trách nhiệm về hành động của bản thân, thường đổ lỗi cho người khác
  • Có tiền, đồ dùng mới mà không giải thích rõ nguồn gốc
  • Trở nên hung hăng, cáu kỉnh, thường phạm lỗi, bị kiểm điểm, trách phạt vì bắt nạt bạn.

Nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường hiện nay

Các nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường trong môi trường học đường rất đa dạng. Trong đó, nguyên nhân phổ biến nhất bắt nguồn từ những mâu thuẫn tưởng chừng như rất nhỏ trong mối quan hệ bạn bè, nhất là quan hệ tình cảm, bạn quá giỏi hoặc quá kém, bạn xinh đẹp thu hút hơn mình, nhìn bạn khó ưa, không vừa mắt…

Các nguyên nhân chính gây ra bạo lực học đường có thể kể đến như:

Cha mẹ bỏ bê hoặc nuông chiều, giáo dục con cái không đúng cách

Gia đình có thể là nguyên nhân gây ra tình trạng BLHĐ. Những trẻ có hành vi bạo lực thường là trẻ sống trong môi trường căng thẳng, cha mẹ lạm dụng rượu bia, chất kích thích; bỏ bê con cái, giáo dục không đúng cách.

Ngoài ra, trẻ có thể là thủ phạm bạo lực khi bị cha mẹ lạm dụng, thiếu sự giám sát của phụ huynh, thiếu tình cảm gắn bó với cha mẹ hoặc người chăm sóc. Trẻ sống trong môi trường không lành mạnh sẽ học được các hành vi không lành mạnh và áp dụng vào môi trường học đường.

Sự phát triển của xã hội, ảnh hưởng từ phim ảnh, trò chơi

Xu hướng đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển của trẻ. Sự giao lưu chia sẻ giữa các gia đình ngày càng bị thu hẹp. Trẻ không được giao lưu, tiếp xúc nhiều, lại được chiều chuộng quá mức dẫn đến thói ỷ lại, ích kỷ, đề cao giá trị bản thân, xem thường người khác và có hành động bắt nạt, bạo lực trẻ yếu thế.

Yếu tố xã hội có liên quan mật thiết đến tình trạng bạo lực ở trẻ trong trường học
Yếu tố xã hội có liên quan mật thiết đến tình trạng bạo lực ở trẻ trong trường học

Trẻ thiếu sự quan tâm từ ba mẹ, bị tác động bởi các luồng văn hóa ngoại lai nhất là phim ảnh, dòng nhạc, xu hướng từ các quốc gia khác. Dẫn đến tình trạng trẻ đua đòi, thích thể hiện, hưởng thụ, tạo ra sự chênh lệch quá mức giữa bạn bè, là yếu tố gián tiếp gây nguy cơ bạo lực.

Thời đại công nghệ lên ngôi, trẻ sử dụng mạng xã hội từ sớm, ít tương tác với người khác. Trẻ có thể có khuynh hướng bạo lực do nhu cầu thỏa mãn cái tôi cá nhân, nghiện game online, muốn “câu view” hoặc dùng mạng xã hội để hạ bệ người khác.

Môi trường học tập thiếu lành mạnh

Nguyên nhân bạo lực học đường có thể liên quan đến môi trường học tập không an toàn, thiếu sự giám giám hiệu quả từ giáo viên. Hoặc do chính sách kỷ luật bất công, thiếu công bằng, văn hóa trường học coi nhẹ hành vi bạo lực, bắt nạt, thủ phạm được dung túng, nạn nhân bị phớt lờ.

BLHĐ cũng có thể đến từ sự phân hóa giàu nghèo trong xã hội, sự chi phối của đồng tiền. Ngoài ra, trong một số trường hợp do áp lực đến từ xã hội hiện đại, sự thiếu tôn trọng của các gia đình với giáo viên khiến giáo viên cũng là nạn nhân của vấn nạn BLHĐ.

Các yếu tố khác

Bạo lực học đường cũng có thể liên quan đến các yếu tố khác như:

  • Trẻ có xu hướng bạo lực, thiếu kỹ năng giải quyết xung đột
  • Thành tích học tập kém, tính cách hiếu động
  • Sử dụng rượu bia, ma túy, thuốc lá
  • Trẻ bị trầm cảm, rối loạn lo âu hoặc rối loạn hành vi
  • Trải nghiệm bị bắt nạt, bạo lực trước đó
  • Phơi nhiễm bạo lực từ phim, trò chơi, thông tin truyền thông, mạng xã hội
  • Áp lực từ bạn bè, nhu cầu muốn được chấp nhận trong nhóm
  • Vấn đề phân biệt chủng tộc, giới tính, kinh tế..

Bạo lực học đường ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của trẻ

Bạo lực học đường có thể là bất cứ điều gì liên quan đến sự tổn hại cá nhân trong môi trường học đường. Ước tính, mỗi năm có khoảng 246 triệu trẻ em phải trải qua vấn nạn này, trong đó, phần lớn là các bé gái, trẻ có xu hướng giới tính khác thường.

Trẻ có thể bị trầm cảm, rối loạn lo âu do bị bạo lực
Trẻ có thể bị trầm cảm, rối loạn lo âu do bị bạo lực

Khi trẻ là thủ phạm gây bạo lực hoặc chứng kiến bạo lực, trẻ sẽ có niềm tin sai lệch, cho rằng bạo lực là cách duy nhất để chúng được an toàn. Trong quá trình thực hiện hành vi bạo lực, trẻ có thể có trải nghiệm thỏa mãn nhu cầu về sức mạnh, tuy nhiên, cảm giác này chỉ tồn tại trong thời gian ngắn. Sau đó, trẻ sẽ bắt đầu cảm giác lo lắng sợ hãi bị trả thù, trừng phạt gây ra hành động bạo lực nghiêm trọng hơn.

Khi trẻ là nạn nhân của bạo lực học đường, trẻ không chỉ phải gặp các tổn thương về thể xác mà còn bị tổn thương tinh thần nghiêm trọng. Trẻ có trải nghiệm đau thương, kinh hoảng, ảnh hưởng đến kết cảm học tập, khả năng tập trung, kiểm soát cảm xúc. Trẻ có nguy cơ mắc bệnh tâm lý như trầm cảm, rối loạn lo âu, có nguy cơ sử dụng rượu bia, chất gây nghiện cao.

Đối với trẻ chứng kiến bạo lực, trẻ sẽ có cảm giác tội lỗi, sợ hãi. Chúng cảm thấy bị đe dọa, có thể sẽ phản ứng tương tự bằng cách thực hiện hành động bạo lực để bảo vệ bản thân. Chúng cho rằng thế giới không an toàn, ảnh hưởng đến nhận thức và phát triển trong tương lai.

Đối với các bậc phụ huynh, một số người khuyến khích con mình bắt nạt người khác, cho rằng bạo lực là sức mạnh. Số khác dạy con mình cách tự bạo về bản thân, không thu hút sự bắt nạt hoặc dạy con cách bạo lực trả thù bạn. Tuy nhiên những điều này không hiệu quả, có thể làm gia tăng vấn nạn bạo lực trong môi trường trường học.

Hậu quả của bạo lực học đường

Bạo lực học đường có thể ảnh hưởng đến nhiều khía cạnh, nhiều đối tượng khác nhau. Mức độ ảnh hưởng và hậu quả của vấn nạn này sẽ phụ thuộc vào mức độ và hình thức bạo lực. Nhìn chung, hậu quả của bạo lực học đường có thể từ nhẹ đến nghiêm trọng.

Trẻ bị bắt nạt, bạo lực có thể có suy nghĩ hoặc hành vi tự tử
Trẻ bị bắt nạt, bạo lực có thể có suy nghĩ hoặc hành vi tự tử

Những hậu quả của BLHĐ cần hết sức cảnh giác gồm:

  • Gây ra các vấn đề về sức khỏe thể chất cho nạn nhân như trầy xước, chấn thương, khuyết tật thể chất, tử vong
  • Ảnh hưởng đến tâm lý nạn nhân gây trầm cảm, rối loạn hành vi, rối loạn ăn uống, rối loạn học tập, rối loạn lo âu
  • Khiến nạn nhân tuyệt vọng, sợ hãi, có suy nghĩ tự tử thậm chí có hành vi tự tử
  • Ảnh hưởng đến nhận thức, giảm niềm tin vào sự an toàn của môi trường
  • Ảnh hưởng đến môi trường học tập, giảm uy tín của giáo viên, trường học
  • Nguy cơ bị kỷ luật, đình chỉ học tập đối với thủ phạm
  • Nguy cơ phát triển thành các hành vi phạm tội trong tương lai
  • Nguy cơ bỏ học, ảnh hưởng tới tương lai, dễ sa ngã, lạm dụng chất.

Cách xử lý khi xảy ra bạo lực học đường

Cần phải phát hiện kịp thời, can thiệp nhanh chóng, hiệu quả đối với các vụ bạo lực học đường. Việc xử lý cần có sự phối hợp của nhiều bên bao gồm gia đình, giáo viên nhà trường và học sinh (bên bắt nạt và cả bên bị bắt nạt). Không để BLHĐ phát triển ảnh hưởng đến môi trường học tập của trẻ.

1. Kiểm soát đối tượng, bảo vệ nạn nhân

Đầu tiên, cần có biện pháp cô lập, khống chế, kiểm soát kịp thời các đối tượng gây ra bạo lực để đối tượng không thể tiếp tục gây ra các hậu quả nghiêm trọng, không mong muốn. Trường hợp mức độ nhẹ, giáo viên và nhân viên nhà trường có thể liên hệ ngay với gia đình nạn nhân, gia đình thủ phạm để trao đổi, ngăn chặn.

Cần bảo vệ an toàn cho nạn nhân bằng cách cung cấp sự hỗ trợ cần thiết, đưa nạn nhân ra khỏi tình huống nguy hiểm. Tùy vào hình thức bạo lực mà can thiệp, nếu bạo lực mạng thì cần phải ra thông cáo, thông tin đính chính để thông tin chính xác vấn đề, bảo vệ danh dự của người bị hại.

2. Ghi nhận điều tra và tiến hành xử lý

Ghi nhận chi tiết sự việc, báo cáo đến hiệu trưởng và các cơ quan chức năng có thẩm quyền. Trường hợp vụ việc nghiêm trọng, cần báo cáo ngay với cơ quan chức năng để xử lý theo quy định của pháp luật. Đánh giá sơ bộ mức độ tổn hại của nạn nhân, theo dõi để hỗ trợ kịp thời, đúng cách.

Cần báo với cơ quan chức năng để xử lý khi xảy ra bạo lực học đường
Cần báo với cơ quan chức năng để xử lý khi xảy ra bạo lực học đường

Tiến hành điều tra kỹ lưỡng, chi tiết sự việc, sử dụng các bằng chứng thu thập được để đưa ra quyết định xử lý công bằng. Áp dụng biện pháp kỷ luật với học sinh có hành vi bạo lực. Cung cấp sự hỗ trợ tâm lý cho nạn nhân, thủ phạm và những người đã chứng kiến để giúp họ ổn định tâm lý, cảm xúc.

3. Hỗ trợ tâm lý

Có rất nhiều trường hợp trẻ mắc rối loạn lo âu, trầm cảm do bạo lực học đường. Vì thế, nếu con là người bắt nạt bạn hoặc con chứng kiến bạo lực hay là đối tượng bị bạo lực, ba mẹ nên tìm đến chuyên gia tâm lý để con được tư vấn, hỗ trợ tâm lý.

Việc trò chuyện với chuyên gia tâm lý sẽ giúp trẻ nhận diện được các cảm xúc, hành vi tiêu cực, ổn định tâm lý, phát triển cảm xúc theo hướng tích cực. Can thiệp tâm lý chuyên sâu rất cần thiết đối với nhóm đối tượng bị tổn thương do BLHĐ. Chỉ khi vấn đề tâm lý của trẻ được quan tâm đúng mức mới có thể giúp trẻ phát triển tốt và giảm thiểu vấn nạn này.

Cách ứng xử với hành vi bạo lực học đường

Ứng xử đúng cách khi xảy ra bạo lực học đường là điều cần thiết. BLHĐ là hành vi phức tạp, việc ứng cần khéo léo, phù hợp. Tùy vào từng trường hợp, từng đối tượng mà chúng ta có biện pháp xử lý phù hợp.

Cần làm gì khi bản thân là nạn nhân bị bạo lực học đường?

Khi bản thân là nạn nhân của bạo lực học đường hãy nhớ rằng nhà nước có quy định rõ ràng trong việc phát hiện, hỗ trợ và xử lý BLHĐ trong Thông tư 38/2019/TT-BLĐTBXH. Bạo lực học đường là hành vi sai trái, nếu không lên tiếng, thủ phạm sẽ ngày càng có nhiều hành vi quá đáng hơn.

Để bảo vệ chính mình, cách tốt nhất bạn nên:

  • Chủ động tìm kiếm sự giúp đỡ
  • Báo với thầy cô, cha mẹ
  • Học cách bảo vệ chính bản thân
  • Liên hệ với cơ quan chức năng để được hỗ trợ

Cha mẹ nên ứng xử thế nào khi con bị bạo lực học đường?

Khi con bị bạo lực học đường, trước hết cha mẹ nên trấn an con và xác minh xem con giao lưu với ai, nguyên nhân vì sao con bị đánh, đứa trẻ hành hung với con là ai. Sau đó, cần tìm, gặp gỡ phụ huynh của học sinh đó, trao đổi thẳng thắn về hành vi của con họ.

Cha mẹ của đứa trẻ hành hung cần biết cách giáo dục con cái mình đúng cách. Đồng thời, chúng ta cũng nên gặp gỡ giáo viên để đề nghị giáo viên quan sát, ngăn ngừa hành vi này tái diễn, giáo dục cho học sinh tình yêu thương và sự đoàn kết.

Ngoài ra, cần đề nghị nhà trường tăng cường biện pháp bảo vệ trẻ, răng đe những hành vi bạo lực học đường. Không nên dùng bạo lực dằn mặt hoặc dạy trẻ chấp nhận im lặng. Đồng thời, cần hỗ trợ tâm lý cho con bằng cách trao đổi với chuyên gia tâm lý, dạy con những kỹ năng cần thiết như kêu cứu, tìm cách thoát thân, nhờ giáo viên, cha mẹ giúp đỡ.

Biện pháp phòng ngừa bạo lực học đường hiệu quả

Việc phòng ngừa bạo lực học đường cần có sự tham gia của nhiều bên, bao gồm học sinh, giáo viên, phụ huynh và toàn bộ cộng đồng giáo dục. Có thể phòng ngừa bằng cách:

  • Tổ chức các chương trình giáo dục về kỹ năng xã hội, kỹ năng giải quyết xung đột
  • Giáo dục trẻ về bạo lực học đường và cách đối phó với bạo lực
  • Đào tạo giáo viên, nhân viên nhà trường nhận biết dấu hiệu bạo lực
  • Tạo môi trường học đường an toàn, tích cực
  • Có chính sách chống bạo lực và kỷ luật công bằng
  • Truyền đạt rõ chính sách đến học sinh, phụ huynh, nhân viên nhà trường
  • Tăng cường sự tham gia hỗ trợ của phụ huynh
  • Tăng cường giám sát và can thiệp sớm khi có dấu hiệu bạo lực
  • Cung cấp dịch vụ tư vấn tâm lý học đường
  • Khuyến khích trẻ tìm kiếm sự giúp đỡ khi bị đe dọa, bắt nạt.

Bạo lực học đường là một vấn đề nhức nhối trong xã hội hiện nay. Thực trạng bạo lực học đường ở Việt Nam nghiêm trọng và phức tạp hơn chúng ta nghĩ. Không chỉ học sinh mà giáo viên cũng có thể là nạn nhân. Vì thế, chúng ta cần nâng cao kiến thức, chung tay phối hợp trong việc ngăn chặn BLHĐ.

Có thể bạn quan tâm:

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Trầm cảm tuổi học đường ngày càng có xu hướng gia tăng trong xã hội hiện nay
Trầm cảm tuổi học đường: Thực trạng báo động và giải pháp

Trầm cảm tuổi học đường ngày càng có xu hướng gia tăng. Tỷ lệ trẻ mắc trầm cảm ở độ tuổi dưới 13 từ 0.3...

Dựa vào kết quả của thang đánh giá Vanderbilt có thể xác định được rất nhiều vấn đề
Thang đánh giá Vanderbilt kiểm tra ADHD ở trẻ dành cho cha mẹ

Thang đánh giá Vanderbilt là công cụ được thiết kế để sàng lọc, đánh giá các triệu chứng rối loạn tăng động giảm chú ý...

Bài test cần được thực hiện sau sinh 6 - 8 tuần hoặc khi có dấu hiệu nghi ngờ trầm cảm
Bài Test trầm cảm sau sinh EPDS & Thang đánh giá chính xác

Trầm cảm sau sinh tình trạng rối loạn cảm xúc xảy ra rất phổ biến ở phụ nữ sau sinh, ước tính chiếm tỷ lệ...

Trằn trọc, suy nghĩ lộn xộn, mất hơn 30 phút để đi vào giấc ngủ là biểu hiện của rối loạn giấc ngủ
Rối loạn giấc ngủ ở người cao tuổi và điều cần biết

Rối loạn giấc ngủ ở người cao tuổi xảy ra rất phổ biến liên quan mật thiết đến yếu tố tâm lý, quá trình lão...