Trầm cảm kháng trị là gì? Nguyên nhân và giải pháp

Trầm cảm kháng trị là một trong những rối loạn trầm cảm chính, xảy ra rất phổ biến, có đến 30% người mắc trầm cảm gặp phải tình trạng này. Đây là loại rối loạn sức khỏe tâm thần nghiêm trọng, có tỷ lệ tự tử cao, cần được quan tâm và hiểu rõ. 

Trầm cảm kháng trị là gì?

Trầm cảm kháng trị (Treatment-resistant depression, TRD) là loại rối loạn trầm cảm xảy ra khi người bệnh không đáp ứng với ít nhất hai loại thuốc chống trầm cảm hàng đầu. Nghĩa là, người được chẩn đoán trầm cảm, khi sử dụng hai loại thuốc chống trầm cảm khác nhau, không nhận được hiệu quả dù tích cực điều trị.

Trầm cảm kháng trị là một rối loạn sức khỏe tâm thần nghiêm trọng, phức tạp
Trầm cảm kháng trị là một rối loạn sức khỏe tâm thần nghiêm trọng, phức tạp

Hai loại thuốc điều trị này cần được sử dụng đúng liều lượng trong thời gian phù hợp, ít nhất là từ 6 – 8 tuần. Trong đó, các loại thuốc hàng đầu được dùng thường là là SSRI (thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc) và SNRI (thuốc ức chế tái hấp thu norepinephrine và serotonin).

Không có định nghĩa chính thức cho thuật ngữ này. Tuy nhiên, có thể hiểu nôm na rằng, trầm cảm kháng trị là tình trạng các triệu chứng trầm cảm kéo dài ở người bị trầm cảm, mặc dù đã sử dụng nhiều thuốc chống trầm cảm hoặc các lớp thuốc chống trầm cảm theo chỉ dẫn mà không có hiệu quả.

→Xem thêm: Trầm cảm có phải là bệnh tâm thần không?

Nguyên nhân của trầm cảm kháng trị

Theo thống kê, có đến 30% người mắc trầm cảm đã thử dùng thuốc điều trị và được chẩn đoán mắc trầm cảm kháng trị. Đây là một rối loạn sức khỏe tâm thần phổ biến, ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Cũng giống như các loại trầm cảm khác, nguyên nhân chính xác của TRD vẫn chưa được xác định cụ thể.

Trầm cảm do nhiều yếu tố gây ra và trầm cảm kháng trị cũng vậy. Tuy nhiên, các nghiên cứu nhận thấy rằng, căng thẳng mãn tính có thể là yếu tố hàng đầu gây ra TRD. Căng thẳng quá mức, kéo dài làm thay đổi chức năng của trục hạ đồi – tuyến yên và tuyến thượng thận, làm trầm trọng triệu chứng trầm cảm, khiến chúng trở nên khó điều trị hơn.

Các yếu tố gây trầm cảm kháng trị cũng giống với các loại trầm cảm khác, bao gồm:

  • Di truyền: Khi gia đình có người mắc trầm cảm thì nguy cơ con cái trong gia đình mắc trầm cảm cao hơn thông thường. Trầm cảm liên quan đến các gen như KCNK2, SLC6A4, GRIK4, BDNF…
  • Mất cân bằng hóa học não: Rối loạn, mất cân bằng các chất dẫn truyền thần kinh.
  • Yếu tố tâm lý và môi trường: Trải nghiệm tiêu cực trong quá khứ, căng thẳng kéo dài, thiếu sự hỗ trợ từ gia đình, bạn bè.
  • Mắc nhiều loại rối loạn khác: Mắc cùng lúc nhiều loại rối loạn như rối loạn lo âu, rối loạn nhân cách, rối loạn lưỡng cực
  • Mắc bệnh lý: Mắc các bệnh như bệnh tim, bệnh mạch máu não, bệnh tuyến giáp, bệnh tự miễn…
  • Nguyên nhân khác: Tác dụng phụ của thuốc, không tuân thủ điều trị, lạm dụng rượu bia, chất kích thích, ma túy…

Triệu chứng của trầm cảm kháng trị

Trầm cảm kháng trị được xếp vào phân nhóm rối loạn trầm cảm nặng, không đáp ứng với các lựa chọn điều trị truyền thống. Chưa có sự đồng thuận về định nghĩa và tên gọi của loại trầm cảm này. Có nhiều đề xuất cho rằng, nên gọi là trầm cảm khó điều trị hay trầm cảm khó chữa.

Trầm cảm kháng trị là một phân nhóm của rối loạn trầm cảm nặng
Trầm cảm kháng trị là một phân nhóm của rối loạn trầm cảm nặng

Ở loại trầm cảm này, người bệnh sẽ vẫn phải tiếp tục trải qua các triệu chứng điều trị, mặc dù đã dùng qua 2 hoặc nhiều loại thuốc khác nhau. Triệu chứng của người mắc TRD giống với người mắc rối loạn trầm cảm nặng, bao gồm:

  • Cảm giác buồn bã, chán nản tuyệt vọng kéo dài dù đã cố gắng điều trị
  • Mất hứng thú với hầu hết các hoạt động, ngay cả những hoạt động từng yêu thích
  • Thay đổi giấc ngủ, mất ngủ hoặc ngủ quá nhiều
  • Chán ăn hoặc ăn quá nhiều, cân nặng thay đổi quá mức
  • Mệt mỏi, thiếu năng lượng, khó khăn trong việc bắt đầu mọi việc
  • Khó tập trung, gặp khó khăn trong việc đưa ra mọi quyết định
  • Cảm giác tự ti, vô dụng, tội lỗi, tự trách bản thân
  • Lo âu, căng thẳng, đau nhức cơ thể không rõ nguyên nhân
  • Suy nghĩ về cái chết, có hành vi tự làm hại bản thân hoặc tự tử

Ngoài các triệu chứng trên, trầm cảm kháng trị còn có các đặc điểm sau:

  • Triệu chứng kéo dài, nghiêm trọng hơn thông thường
  • Các cơn trầm cảm kéo dài, số lượng đợt trầm cảm cao
  • Sự lo lắng và ý định tự tử xuất hiện thường xuyên.

Trầm cảm kháng trị có nguy hiểm không?

Trầm cảm kháng trị phức tạp và có mức độ nguy hiểm cao. Việc đã tìm đến điều trị và sử dụng thuốc sẽ khiến người mắc trầm cảm mệt mỏi, khó chịu hơn rất nhiều. Điều này làm trầm trọng triệu chứng trầm cảm, gây ra những hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe thể chất, tinh thần và chất lượng cuộc sống của người bệnh.

TRD được đánh giá cao về mức độ nguy hiểm là vì:

  • Có tỷ lệ tự tử cao, làm gia tăng ý định và hành vi tự tử do cảm giác tuyệt vọng, chán nản kéo dài
  • Tăng nguy cơ mắc các bệnh mãn tính như tiểu đường, tim mạch, gây ra các vấn đề về sức khỏe thể chất như rối loạn giấc ngủ, mất ngủ, đau đầu, rối loạn tiêu hóa
  • Việc điều trị khó khăn và phức tạp,  tốn kém, đòi hỏi phải thử nghiệm nhiều loại thuốc và nhiều liệu pháp điều trị
  • Làm suy giảm nghiêm trọng chất lượng cuộc sống, nhất là công việc và các mối quan hệ gia đình, xã hội…

Thách thức trong chẩn đoán trầm cảm khó trị

Trầm cảm kháng trị được xem là thách thức trong lĩnh vực y tế. Theo đó, có khoảng 20 – 40% người mắc trầm cảm nặng không có phản ứng tích cực với thuốc chống trầm cảm. Đã có nhiều tiêu chí, định nghĩa được đề xuất để xác định TRD nhưng vẫn chưa có sự đồng thuận. Do đó, đến nay, vẫn chưa có phương pháp chẩn đoán TRD.

Có nhiều khó khăn, thách thức trong việc chẩn đoán, xác định TRD
Có nhiều khó khăn, thách thức trong việc chẩn đoán, xác định TRD

Các vấn đề có thể làm sai lệch kết quả chẩn đoán TRD:

  • Kháng thuốc giả: Bệnh nhân không may được kê đơn với liều không tối ưu, dùng thuốc sớm do tác dụng phụ, dùng thuốc không đủ liều, không tuân thủ hướng dẫn về việc sử dụng thuốc.
  • Bệnh lý phức tạp: Việc mắc nhiều loại rối loạn đi kèm như rối loạn sự giúp chất, rối loạn nhân cách, rối loạn lo âu có thể làm phức tạp tình trạng lâm sàng, ảnh hưởng đến phản ứng điều trị.
  • Sai lệch trong hồi tưởng: Khi được phỏng vấn để đánh giá TRD, người bệnh có thể nhớ nhầm hoặc bỏ qua một số vấn đề quan trọng, gây ra khó khăn trong chẩn đoán TRD.

Để chẩn đoán trầm cảm kháng trị, các bác sĩ, chuyên gia sẽ sử dụng các công cụ như:

  • Thang đánh giá trầm cảm Hamilton hoặc thang đánh giá trầm cảm BECK
  • Bản kê khai triệu chứng trầm cảm
  • Các biểu mẫu tiền sử điều trị (biểu mẫu tiền sử điều trị thuốc chống trầm cảm)

Phương pháp điều trị trầm cảm kháng trị

Mặc dù được gọi là trầm cảm kháng trị, tuy nhiên, vẫn có nhiều phương pháp có thể áp dụng trong điều trị. Có nhiều chiến lược giúp kiểm soát TRD, có thể mất một thời gian nhất định để tìm ra chiến lược điều trị phù hợp. Do đó, bạn cần nỗ lực, kiên trì, không nên bi quan, mất hi vọng.

Các phương pháp điều trị trầm cảm kháng trị:

1. Liệu pháp hóa dược

Tăng cường hoặc bổ sung thêm một loại thuốc điều trị trầm cảm có thể được cân nhắc trong điều trị trầm cảm kháng trị. Một số thuốc được nghiên cứu trong điều trị có thể kể đến như:

  • Thuốc chống loạn thần thế hệ thứ hai
  • Thuốc chống trầm cảm ba vòng
  • Thuốc ức chế monoamine oxidase (MAOI)
  • Thuốc hỗ trợ (thuốc chống loạn thần, thuốc kích thích…)

Thuốc xịt mũi ketamine được FDA chấp thuận để điều trị trầm cảm kháng trị vào năm 2019. Thế nhưng, việc sử dụng cần có sự giám sát của nhân viên y tế tại phòng khám, bệnh viện được cấp phép.

Cần hết sức thận trọng trong việc sử dụng thuốc chống trầm cảm. Các thuốc này có thể gây ra tác dụng phụ, ảnh hưởng đến sức khỏe của người sử dụng. Chỉ dùng thuốc khi có chỉ định của bác sĩ, đồng thời, cần tuân thủ đúng thời gian và liều dùng của thuốc. Thông báo với bác sĩ nếu gặp phải tác dụng phụ trong quá trình sử dụng thuốc.

2. Liệu pháp tâm lý

Tâm lý trị liệu được khuyến khích áp dụng trong điều trị trầm cảm, đặc biệt là trầm cảm kháng thuốc. Các phương pháp tiếp cận trị liệu tâm lý được nghiên cứu và đánh giá về hiệu quả trong điều trị TRD. Việc áp dụng các liệu pháp tâm lý kết hợp với chăm sóc thông thường đã góp phần cải thiện đáng kể triệu chứng trầm cảm.

Tâm lý trị liệu đặc biệt là liệu pháp hành vi nhận thức có hiệu quả tốt trong điều trị trầm cảm kháng trị
Tâm lý trị liệu đặc biệt là liệu pháp hành vi nhận thức có hiệu quả tốt trong điều trị trầm cảm kháng trị

Các liệu pháp thường được sử dụng:

  • Liệu pháp nhận thức hành vi
  • Liệu pháp nhận thức dựa trên chánh niệm
  • Liệu pháp quan hệ giữa cá nhân
  • Liệu pháp hành vi biện chứng
  • Liệu pháp tâm động học

Trong đó, liệu pháp hành vi nhận thức được cho là có hiệu quả tốt trong phạm vi trung và dài hạn đối với điều trị trầm cảm. Liệu pháp này tác động đến cá nhân bằng cách thay đổi các suy nghĩ tiêu cực và các hành vi không lành mạnh.

3. Liệu pháp kích thích não

Có nhiều nghiên cứu về hiệu quả của liệu pháp kích thích não trong điều trị TRD. Đây không phải là phương pháp đầu tay, chỉ được cân nhắc áp dụng trong một số trường hợp nhất định. Các liệu pháp có thể được cân nhắc gồm:

  • Liệu pháp sốc điện (ECT)
  • Liệu pháp kích thích từ xuyên sọ (TMS)
  • Liệu pháp kích thích não sâu (DBS)
  • Liệu pháp co giật từ tính
  • Kích thích dây thần kinh phế vị

Biện pháp hỗ trợ điều trị trầm cảm kháng trị

Để hỗ trợ điều trị trầm cảm kháng trị, bên cạnh việc tuân thủ theo kế hoạch điều trị của bác sĩ, chuyên gia, bạn có thể:

  • Quản lý căng thẳng bằng các kỹ thuật như thiền, chánh niệm, yoga, thư giãn cơ tiến triển, thái cực quyền, viết suy nghĩ vào nhật ký
  • Tập thể dục thường xuyên để giảm căng thẳng, tăng cường sức khỏe thể chất và cải thiện chất lượng giấc ngủ
  • Cải thiện chất lượng giấc ngủ bằng cách ngủ đúng giờ, đủ giấc, vệ sinh giấc ngủ, viết ra những suy nghĩ lộn xộn trong đầu ra ngoài
  • Ngưng sử dụng rượu bia, ma túy vì chúng không chỉ làm trầm trọng triệu chứng trầm cảm mà còn gây ra các vấn đề về sức khỏe thể chất
  • Ra ngoài, tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời, tắm nắng để cải thiện tâm trạng
  • Tham gia các hoạt động nghệ thuật như chơi nhạc, vẽ, viết, sáng tạo để giải tỏa căng thẳng
  • Thường xuyên giữ kết nối, chia sẻ với bạn bè, người thân, đặc biệt là người bạn tin cậy để được kết nối và hỗ trợ.

Trầm cảm kháng trị là một rối loạn sức khỏe tâm thần nghiêm trọng và phức tạp. Nếu có dấu hiệu nghi ngờ mắc loại trầm cảm này, hãy liên hệ với bác sĩ hoặc chuyên gia tâm lý để tìm ra phương pháp điều trị tốt nhất. Đừng chọn phương pháp chỉ đem lại một phần hiệu quả nhưng lại mang đến quá nhiều tác dụng phụ.

Có thể bạn quan tâm:

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Trẻ trong độ tuổi 8-9-10 cần được thấu hiểu và hỗ trợ tâm lý
Tâm lý trẻ 8-9-10 tuổi có gì đặc biệt? Điều ba mẹ cần hiểu

Tâm lý trẻ 8-9-10 tuổi có sự thay đổi mạnh mẽ, đây là giai đoạn tiền dậy thì và dậy thì ở nhiều trẻ. Các...

cảm giác bị bỏ rơi trong tình yêu
Cảm giác bị bỏ rơi trong tình yêu và cách vượt qua

Tâm lý học khẳng định rằng cảm giác bị bỏ rơi trong tình yêu không chỉ phản ánh nỗi đau tình cảm, mà còn là...

BECK là bài test kiểm tra mức độ trầm cảm được phát triển bởi giáo sư, bác sĩ Aaron T.Beck và cộng sự
Bài Test trầm cảm Beck (Beck Depression Inventory – BDI)

Bài test trầm cảm Beck là bài kiểm tra được thực hiện nhằm đánh giá cảm xúc và  đo lường mức độ trầm cảm của...

Trầm cảm nhẹ là giai đoạn mới chớm của trầm cảm, không có nhiều triệu chứng đặc trưng, rõ ràng
Trầm cảm nhẹ có tự khỏi không? Dấu hiệu và điều trị

Trầm cảm được chia thành 3 mức độ chính là nhẹ, vừa và nặng. Trầm cảm nhẹ là giai đoạn sớm, mới khởi phát trầm...