Các tật về phát triển vận động ở trẻ và những thông tin cần biết
Đứng đi nhón gót, đi vòng kiềng, bàn chân dẹt, đầu méo, nói ngọng là các tật về phát triển vận động ở trẻ mà ít bậc phụ huynh biết đến. Bởi vì trong quá trình phát triển trẻ có thể gặp các rối loạn về vận động mà cha mẹ không chú ý, lâu dần không được điều chỉnh và khắc phục sẽ dẫn đến khuyết tật nghiêm trọng khó chữa. Dưới đây là những thông tin cơ bản các tật về phát triển vận động ở trẻ, cha mẹ có thể tham khảo để nắm rõ hơn.
Theo các chuyên gia trẻ nhỏ trong giai đoạn thơ ấu từ 01 tháng – 2 tuổi thường có bộ xương mềm yếu, đang trong quá trình phát triển và hình thành để dần hoàn chỉnh, cứng cáp. Chính vì vậy, trong giai đoạn này nếu như không được chăm sóc đúng cách thì cơ thể của con dễ bị mắc phải các khuyết tật về xương khớp.
Các tật về phát triển vận động thường gặp ở trẻ nhỏ trong độ tuổi từ 03 tháng đến 2 tuổi. Vì vậy, để biết được con đang mắc phải tật nào thì các bậc cha mẹ cần nắm rõ các cột mốc phát triển vận động của trẻ trong các giai đoạn.
Các cột mốc phát triển vận động bình thường ở trẻ từ 0 – 2 tuổi
Ở mỗi cột mốc phát triển thì trẻ sẽ có những vận động thô và vận động tinh khác nhau, việc nắm bắt được sự phát triển của trẻ trong từng độ tuổi không chỉ giúp các bậc cha mẹ nuôi dạy con tốt hơn mà giúp con tránh được các tật về phát triển vận động ở trẻ một cách hiệu quả.
Giai đoạn từ 01 tháng đến 12 tháng tuổi:
- Khoảng 01 tháng tuổi trẻ đã biết nằm nghiêng, nếu cha mẹ cho nằm sấp thì trẻ biết phản xạ ngẩng cao đầu.
- Khi được 04 – 06 tháng tuổi trẻ tự lẫy được, nâng đầu cao hơn và lâu hơn. Khi được kéo lên thì trẻ có thể giữ đầu thẳng thắn.
- Trẻ ngồi được nếu có sự trợ giúp từ các vật dụng như gối dựa, biết trườn ra phía trước và khắp mọi nơi, khi được giữ hai bên nách trẻ đã có thể đứng thẳng được một lúc.
- Từ 07 tháng trẻ đã ngồi vững, tập bò khắp nhà và vịn các đồ vật để đứng dậy.
- Khi được 09 tháng trở lên trẻ tập đứng, cho đến 01 tuổi thì trẻ đã bước được vài bước chập chững hoặc đi được nhiều bước nếu có sự trợ giúp từ người lớn.
Giai đoạn từ 01 – 02 tuổi:
- Trẻ bắt đầu những bước đi đầu tiên, biết chơi ném bóng và chạy nhảy.
- Con trẻ có thể tự biết nhặt đồ, đẩy đồ, di chuyển đồ vật có bánh xe khắp nhà.
- Có thể trèo lên xuống cầu thang bằng hai chân phối hợp với hai tay.
Các tật về phát triển vận động ở trẻ và cách khắc phục
Như đã nói ở trên, trong quá trình phát triển của trẻ nhỏ, trẻ có những rối loạn vận động mà cha mẹ không để tâm hoặc đôi khi vì sự tò mò, mong chờ ở con mà các bậc cha mẹ đã cố gắng cho trẻ thực hiện những hoạt động khi chưa đủ khả năng, đủ tuổi như lẫy, đứng, ngồi khiến cho cơ thể con gặp phải nhiều khuyết tật khó sửa chữa, chẳng hạn:
1. Tật chân vòng kiềng
Chân vòng kiêng là một trong các tật về phát triển vận động ở trẻ phổ biến nhất hiện nay. Có hai dạng tật đó là dạng chữ X hai đầu gối chụm vào nhau và dạng vòng cung hai đầu gối hướng chếch ra xa nhau.
Nguyên nhân gây ra tình trạng này có thể là do: Con trẻ phải chịu lực sớm trên đôi chân, do trẻ bị béo phì quá sớm, cha mẹ cho con tập đi, tập đứng trước 06 tháng tuổi, cho con tập đi các loại xe đồ chơi không đúng cách, ngồi sai tư thế chụm đầu gối sớm, trẻ thiếu vitamin D dẫn đến còi xương, thói quen địu bé trên lưng.
Ngoài ra, tật chân vòng kiềng còn có thể do bẩm sinh hoặc từ khi trong bụng mẹ em bé nằm với tư thế gập chân không thay đổi, lúc này xương của bé rất dẻo mà mềm yếu nên khi sinh ra trẻ đã bị vòng kiềng.
Cách khắc phục tật chân vòng kiềng cho trẻ:
Khi mắc phải tật chân vòng kiềng sẽ gây ra nhiều vấn đề như đi khập khiễng, chân cong, trẻ lớn lên tự ti về ngoại hình, dáng đi đứng, hạn chế vẻ đẹp con người. Thậm chí nếu không được điều chỉnh sớm có thể gây ra nhiều biến chứng như cong đầu gối, khó khăn khi đi lại, viêm khớp.
Chính vì vậy, ngay từ khi còn nhỏ, xương trẻ còn mềm yếu thì các bậc cha mẹ cần khắc phục cho trẻ bằng những cách như:
- Đối với những trường hợp nhẹ thì cha mẹ nên chú ý đến chế độ ăn uống của trẻ như bổ sung đầy đủ các loại khoáng chất, canxi, vitamin D, Protein tốt cho xương khớp.
- Những trường hợp trẻ bị vòng kiềng nặng, đi đứng dạng hai chân thì nên đeo nẹp vào ban đêm cho trẻ, phương pháp này thường được các bác sĩ khoa nhi khuyên áp dụng.
- Các bài tập vật lý trị liệu như xoa bóp, uốn nắn chân cho trẻ cũng rất hiệu quả, tuy nhiên cần thực hiện theo đúng hướng dẫn của các chuyên gia.
- Một trong những nguyên nhân khiến trẻ bị vòng kiềng là do trẻ bị béo phì, trọng lượng quá khổ. Vì vậy, cha mẹ nên tạo cho trẻ một thực đơn khoa học, đồng thời hướng dẫn cho con tập thể dục thường xuyên đúng cách.
2. Tật đứng đi nhón gót
Tật đi đứng nhón gót thường gặp ở những trẻ bắt đầu tập đi, khi mắc tật này trẻ sẽ không đi bình thường như những đứa trẻ khác mà thay vào đó chúng sẽ đi bằng các đầu ngón chân, lấy các ngón chân làm trụ, phần gót chân nằm trên không, không chạm đất.
Nguyên nhân gây ra tật này có thể là do các bất thường về việc phát triển vận động ở trẻ. Những trẻ thiếu điều kiện tiếp xúc với mặt đất như lười tập đi đứng, yếu các cơ, sử dụng các loại xe đồ chơi không phù hợp, không đúng cách. Hoặc một số hiếm trường hợp trẻ chơi đùa đi nhón gót, lâu dần con quen với trạng thái hoạt động này.
Thông thường tình trạng này sẽ hết khi trẻ lớn dần khoảng 2 tuổi. Nếu để lâu không chữa trị cho trẻ có thể khiến trẻ đi không vững, dễ té ngã, đi lại vụng về thiếu nhịp nhàng, bị xã hội xa lánh, kỳ thị, mọi người chế giễu từ đó trẻ luôn trong trạng thái tự ti, chán nản, thậm chí dẫn đến chứng trầm cảm.
Trường hợp nếu đến giai đoạn hơn 2 tuổi mà vẫn không thể khắc phục và hoàn thiện tật đi đứng nhón gót thì có thể là do trẻ gặp một số rối loạn như: Trẻ có gót chân ngắn bẩm sinh, bệnh lý di truyền thiếu sản cơ, trẻ tự kỷ, trẻ bại não, liệt não, bất thường ở tủy sống. Lúc này các bậc cha mẹ cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để khám ngay.
Cách khắc phục tật đứng đi nhón gót ở trẻ:
Theo các chuyên gia thì nếu tình trạng đứng đi nhón gót ở trẻ chỉ là một thói quen trong quá trình vận động thì việc điều trị là không cần thiết, chỉ cần tập cho trẻ đi lại bằng cả bàn chân, làm sao cho bàn chân tiếp xúc với bề mặt càng nhiều càng tốt, hạn chế cho trẻ ngồi trong xe không vận động.
Còn nếu tật do các bệnh lý gây ra thì cần phải được thăm khám và điều trị ngay. Những phương pháp được khuyên nên áp dụng như: Tập các bài tập vật lý trị liệu co giãn cơ, niềng chân, nẹp chân, tiêm chất OnabotulinumtoxinA vào bắp chân, phẫu thuật.
3. Tật bàn chân dẹt
Tật bàn chân dẹt hay còn gọi là hội chứng bàn chân bẹt, cũng là một trong các tật về phát triển vận động ở trẻ thường gặp. Hầu như tất cả các trẻ em sinh ra đều chưa có vòm bàn chân mà có kết cấu bằng phẳng. Vòm chân được hình thành trong quá trình phát triển và vận động của trẻ như chạy nhảy, đi lại.
Nhưng nếu khi bước qua 2 tuổi mà vòm bàn chân vẫn chưa hình thành thì có thể do trẻ mắc tật bàn chân bẹt. Trẻ mắc tật này nguyên nhân có thể là do trong quá trình sinh hoạt con lười vận động, ít đi lại, béo phì.
Ngoài ra, những trường hợp mắc tật bàn chân dẹt nhưng không phải do quá trình vận động của cơ thể thì có thể do trẻ gặp một số rối loạn bất bình thường như: Mắc bệnh lý lỏng lẻo đa khớp, ngắn gân gót, bàn chân xiên, xương sên đứng dọc bẩm sinh.
Tình trạng này nếu không được điều trị kịp thời có thể gây đau đớn về sau cho trẻ, khiến dáng đi bị khập khiễng, không thẩm mỹ, thậm chí gây viêm khớp, biến dạng ngón chân cái, viêm cân gan chân.
Cách khắc phục tật bàn chân dẹt cho trẻ:
Trường hợp trẻ mắc tật bàn chân dẹt do trong quá trình sinh hoạt con lười vận động, béo phì thì có thể khắc phục được nếu như trẻ được sự giúp đỡ từ cha mẹ, người thân trong gia đình về vấn đề tập đi, cải thiện cân nặng, mang đế chỉnh hình.
Còn nếu trường hợp trẻ mắc các bệnh lý nguy hiểm kể trên thì cần thăm khám và có phác đồ điều trị cụ thể. Thường các bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật, tập các bài tập vật lý trị liệu như kéo dãn gót chân, tập với quả bóng nhỏ, nhưng cần thực hiện kiên trì thì mới có khả năng cải thiện.
4. Tật đầu méo
Tật đầu méo hay còn gọi là hội chứng đầu méo, đầu bẹt, đầu lép hay đầu phẳng. Cha mẹ có thể nhận biết được con mắc tật méo đầu vào những tháng đầu đời của trẻ cho đến khi con được 1, 2 tuổi. Thông thường phần đầu của trẻ sẽ có dạng hình cầu, nhưng nếu cha mẹ thấy đầu con có dáng dẹt, phẳng phía sau hoặc thon hai bên, méo mó không cân xứng thì chắc chắn con đã bị méo đầu.
Đầu méo cũng là một trong các tật về phát triển vận động ở trẻ, nguyên nhân gây ra tình trạng này có thể là do tư thế ngủ của trẻ không đúng như thường xuyên nằm ngửa, chỉ nằm nghiêng bên phải hoặc chỉ nằm nghiêng bên trái. Xương hộp sọ của trẻ sơ sinh rất mềm nên việc bị áp lực đè nén thường xuyên có thể khiến cho đầu của con bị biến đổi hình dạng.
Ngoài nguyên nhân do quá trình vận động nằm ngủ sai tư thế thì trẻ mắc tật đầu méo cũng có thể do cột sống cổ gặp vấn đề, cơ cổ bị co thắt, trẻ mắc các bệnh lý về mắt, trẻ sinh đôi, trẻ sinh non, trong quá trình sinh thường do áp lực đẩy nên trẻ bị bẹp đầu.
Cách khắc phục tật đầu méo cho trẻ:
Tật đầu méo thường gặp ở trẻ sơ sinh, vì vậy ngay khi thấy đầu con có dấu hiệu không cân đối thì các bậc phụ huynh nên khắc phục sớm cho con bằng cách: Hạn chế cho trẻ nằm một bên quá lâu, nên thay đổi tư thế cho con lúc ngủ như nằm ngửa, nằm nghiêng, khi bé thức có thể cho con nằm sấp vài phút, nhẹ nhàng xoa nắn đầu trẻ.
Trường hợp con trẻ mắc các bệnh lý bẩm sinh hoặc các vấn đề ở cổ, ở mắt thì cần thăm khám và có sự tư vấn của bác sĩ. Bệnh được điều trị theo phác đồ cụ thể, thường sẽ áp dụng các bài tập vật lý trị liệu để điều chỉnh và khắc phục.
5. Tật nói ngọng
Hiện nay tật trẻ nói ngọng chiếm tỷ lệ rất cao, trẻ thường phát âm không chuẩn, nói không rõ lời khiến người nghe không hiểu rõ nghĩa, nói ấp úng, lắp bắp, lặp đi lặp lại. Ngoài nguyên nhân bẩm sinh là sứt môi, hở hàm ếch thì có thể do trong quá trình sinh hoạt vận động hàng ngày trẻ có những thói quen không tốt như:
- Khi đến độ tuổi tập nói trẻ thường nói không rõ, phát âm sai nhưng các bậc cha mẹ cho rằng không đáng lo ngại, không để tâm và giúp con sửa. Khi lớn lên trẻ sẽ nói ngọng, nói không rành mạch, lưu loát, thậm chí phát âm sai cơ bản.
- Trẻ thường xuyên ngậm ti giả, bú bình sẽ khiến phần lưỡi của trẻ thè ra ngoài, lâu dần thành thói quen sẽ khiến cho việc phát âm bị chệch đi và lâu dần sẽ bị nói ngọng, nói lắp.
- Trẻ thường xuyên tiếp xúc với các phương tiện điện tử như điện thoại, ti vi, máy tính có thể gặp những rối loạn hành vi như cáu bẳn, thích sống một mình, không thích giao tiếp với mọi người, từ đó dẫn đến trẻ chậm nói, lười nói, trẻ chậm phát triển ngôn ngữ, phát âm không chuẩn, nói lắp, nói ngọng.
Cách khắc phục tình trạng nói ngọng ở trẻ:
Theo các bác sĩ chuyên khoa cho biết, trẻ nhỏ từ 2 đến 4 tuổi nếu bị nói ngọng, nói lắp thì có thể được xem là hoàn toàn bình thường và có thể khắc phục bằng việc thực hiện tốt các thói quen vận động hằng ngày như tập nói, luyện nói, luyện phát âm cơ bản, tổ chức các trò chơi luyện phát âm cho trẻ tại nhà.
Còn nếu khi bước qua ngưỡng 4 tuổi nhưng tình trạng này vẫn tiếp diễn thì cần cho trẻ đến các trung tâm Tai – Mũi – Họng để thăm khám và điều trị sớm cho trẻ. Thường trẻ nói ngọng sẽ được can thiệp bằng phương pháp âm ngữ trị liệu. Ngoài ra người nhà nên tạo cho trẻ một tâm thế thoải mái, không áp lực, thường xuyên cho con ra ngoài để tiếp xúc nơi đông người từ đó khả năng giao tiếp của trẻ sẽ được cải thiện.
Trên đây là những chia sẻ các tật về phát triển vận động ở trẻ, các bậc phụ huynh có thể tham khảo, nắm rõ hơn các triệu chứng cũng như cách khắc phục bệnh để từ đó biết cách xử trí đối với con mình nếu như không may gặp những trường hợp này.
Có thể bạn quan tâm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!