Bệnh tự kỷ ở trẻ em: Dấu hiệu nhận biết và hướng can thiệp

Những dấu hiệu về bệnh tự kỷ ở trẻ em xuất hiện rất sớm trong khoảng thời gian đầu đời của trẻ, thường là trước lúc 3 tuổi. Các dấu hiệu bệnh có thể khiến bố mẹ lầm tưởng trẻ có tính cách ngoan ngoãn, hiền lành, dẫn đến việc lơ là bỏ qua khiến tình trạng bệnh ngày một nghiêm trọng hơn theo thời gian. Vì lẽ đó cha mẹ cần quan tâm trẻ một cách cẩn thận để nhanh chóng phát hiện dấu hiệu bệnh và có hướng can thiệp kịp thời.  

Bệnh tự kỷ ở trẻ em là gì?

Những năm gần đây khái niệm tự kỷ đang dần trở nên phổ biến và quen thuộc hơn với mọi người. Đó là do sự quan tâm của cộng đồng, cùng sự tuyên truyền của những phương tiện truyền thông đại chúng.

Cách đây vài năm, nhiều người không biết bệnh tự kỷ ở trẻ em là gì. Nhưng với số lượng trẻ mắc bệnh đang có chiều hướng gia tăng như hiện nay, tự kỷ đang dành được sự quan tâm nhất định từ cộng đồng.

bệnh tự kỷ ở trẻ em
Vấn đề tự kỷ ở trẻ hiện đang thu hút nhiều sự quan tâm và được nhiều người biết đến hơn.

Bệnh tự kỷ ở trẻ em xảy ra do sự rối loạn ở não bộ, dẫn đến việc trẻ có khiếm khuyết trong vấn đề giao tiếp xã hội và tương tác với con người thông qua ngôn ngữ, hành vi. Trẻ cũng thường có những hành vi rập khuôn, rối loạn cảm xúc, cô lập bản thân khỏi mọi người xung quanh và một số dấu hiệu bất thường khác.

Với những trẻ tự kỷ dạng nhẹ thì những dấu hiệu này sẽ không quá rõ ràng, dẫn đến việc nhiều bậc cha mẹ vì lơ là có thể không chú ý đến. Kết quả là bệnh không được phát hiện sớm, trẻ không nhận được sự giúp đỡ ngay từ đầu làm tình hình bệnh diễn biến nặng hơn.

Những dấu hiệu tự kỷ xuất hiện từ rất sớm từ khi trẻ bắt đầu học cách nhận biết thế giới, rõ nhất là trước năm 3 tuổi. Tỉ lệ khởi phát bệnh tự lỷ ở bé trai cao gấp 4 đến 6 lần so với bé gái.

Tự kỷ ở trẻ em là bệnh tiến triển suốt đời và chưa có phương pháp điều trị tận gốc. Điều tốt nhất bố mẹ có thể làm cho trẻ là phát hiện sớm và dùng những phương pháp can thiệp phù hợp để giúp trẻ nhanh chóng hòa nhập.

Nguyên nhân gây bệnh tự kỷ ở trẻ em

Các nhà khoa học đã tiến hành nhiều cuộc nghiên cứu để tìm ra nguyên nhân gây bệnh tự kỷ ở trẻ em. Nhưng cho đến nay vẫn chưa đưa ra được lý do chính xác cho sự hình thành của căn bệnh này. Các bác sĩ và nhà khoa học chỉ có thể dựa trên kết quả hiện có để đưa ra những phỏng đoán, cũng như nhận định hợp lý và có tính thuyết phục nhất.

Theo các nghiên cứu, nguyên nhân gây bệnh tự kỷ ở trẻ em có thể đến từ gen di truyền, tổn thương não bộ, các tác động từ môi trường, hoặc do ảnh hưởng từ thai phụ trong quá trình mang thai.

  • Ảnh hưởng từ gen di truyền: Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, trẻ sinh ra trong gia đình có người thân tự kỷ sẽ có tỉ lệ mắc bệnh cao hơn những đứa trẻ trong gia đình bình thường. Điều này chứng tỏ gen di truyền có ảnh hưởng trực tiếp đến tỉ lệ mắc bệnh ở trẻ. Bên cạnh đó, tình trạng đột biến gen có thể khiến quá trình hình thành não bộ của trẻ bị ảnh hưởng và dẫn phát tự kỷ. Gen đột biến tạo nên khiếm khuyết và tổn thương não, khiến trẻ không có khả năng giao tiếp bình thường với mọi người xung quanh.
  • Tác động từ môi trường: Nếu thai phụ trong thời kỳ mang thai phải sống trong môi trường bị ô nhiễm, hoặc tiếp xúc với nhiều hóa chất độc hại như khí thải, kim loại nặng, khói thuốc lá, thuốc diệt cỏ, chất có hại ẩn trong thực phẩm,… có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tự kỷ ở trẻ em. Những chất độc này có thể thông qua máu làm nhiễm độc thai nhi, hoặc trực tiếp làm biến đổi gen của trẻ dẫn đến tổn thương não bộ.
  • Ảnh hưởng trong quá trình mang thai: Thai phụ lớn tuổi, hoặc mắc các bệnh như cúm, sởi, Rubella, đái tháo đường thai kỳ, và sử dụng các chất kích thích như rượu bia, thuốc an thần sẽ làm ảnh hưởng đến sự hình thành não bộ. Điều này gây tổn thương não và khiến trẻ dễ mắc bệnh hơn. Trường hợp thai phụ thường cảm thấy căng thẳng, stress, lo âu, mệt mỏi và uống thuốc bừa bãi không theo chủ thị của bác sĩ cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh ở trẻ.
bệnh tự kỷ ở trẻ em
Có rất nhiều nguyên nhân có thể dẫn phát tự kỷ ở trẻ, nhưng các nhà khoa học vẫn chưa đưa ra được nguyên nhân chính xác.
  • Một số nguyên nhân khác: Bên cạnh những nguyên nhân kể trên thì việc trẻ đẻ non, sinh nhẹ cân, ngạt thở khi sinh dẫn đến thiếu oxy, chấn thương sọ não, viêm não, nhiễm độc thủy ngân,… cũng là những nguyên nhân góp phần dẫn phát bệnh tự kỷ.

Nguyên nhân gây ra bệnh tự kỷ ở trẻ em vẫn còn gây nhiều tranh cãi, và vẫn chưa ai tìm được đáp án chính xác cho vấn đề này. Tuy nhiên, những yếu tố nêu trên đều khá thuyết phục, và dựa trên căn cứ khoa học rõ ràng. Vì thế để giảm bớt tỉ lệ mắc bệnh tự kỷ ở trẻ em, thai phụ nên chú ý tránh những điều kiện có thể dẫn phát bệnh, cũng như chú ý giữ gìn sức khỏe trong thai kỳ.

Dấu hiệu nhận biết bệnh tự kỷ ở trẻ em

Biểu hiện bệnh có thể rõ ràng hoặc không rõ ràng tùy vào độ nặng nhẹ của tự kỷ. Nhìn chung trẻ sẽ có những biều hiện như thiếu hụt kĩ năng tương tác xã hội, không thích tiếp xúc với mọi người, thu mình trong không gian riêng, có nhiều hành vi bất thường, lặp đi lặp lại một hành động vô nghĩa, dễ kích động khi có người động vào món đồ trẻ thích, rối loạn cảm xúc, có những hành vi chống đối và phản ứng mạnh khi môi trường xung quanh thay đổi.

Nếu trẻ thể hiện đầy đủ những hành vi nêu trên, thì khả năng trẻ mắc bệnh tự kỷ ở trẻ em là rất cao. Phụ huynh nên lập tức đưa trẻ đến gặp chuyên gia để được giúp đỡ kịp thời. Để hiểu hơn về những biểu hiện kể trên, chúng ta sẽ tìm hiểu sâu hơn về các dấu hiệu bệnh để kịp thời phát hiện nếu trẻ có dấu hiệu tự kỷ.

Thiếu hụt kĩ năng tương tác xã hội

Trẻ tự kỷ thường không đáp lại những nhu cầu tương tác từ người khác, ví dụ như gọi tên hay vỗ tay thu hút sự chú ý. Trẻ cũng không nhìn theo tay chỉ, không đáp lại hướng dẫn, không giao tiếp hay vui đùa cùng bạn bè cùng lứa tuổi. Những hành động này có thể bị nhầm với việc trẻ rụt rè, nhút nhát và có thể bị bố mẹ bỏ qua nếu không tinh ý.

Đặc điểm dễ nhận thấy nhất là trẻ không nhìn vào mắt người đối diện, không bày tỏ ý kiến dù được hỏi, và không để ý đến thái độ của những người xung quanh. Những đứa trẻ khác trong độ tuổi này đã có thể dùng một số hành động đơn giản như vỗ tay, vẫy tay hay thích thú chơi ú òa với mọi người, nhưng trẻ tự kỷ thì không như vậy.

Tình trạng này nếu cứ tiếp diễn sẽ ảnh hưởng đến khả năng tạo dựng các mối quan hệ của trẻ về sau. Đặc biệt là khi trẻ bắt đầu bước vào độ tuổi đến trường. Trẻ tự kỷ thường không quan tâm đến cảm xúc của những người bên cạnh, cũng không hiểu việc nhường nhịn, chia sẻ hay cách kết bạn. Điều này khiến trẻ dễ bị cô lập và không thể kết bạn.

Nhạy cảm hoặc không quan tâm đến mọi thứ

Chính vì thích thu mình trong thế giới riêng và nhạy cảm với sự thay đổi, trẻ có thể trở nên cáu gắt và phản ứng dữ dội nếu bị thay đổi môi trường quen thuộc. Trẻ cũng dễ kích động, và có thể cào cấu, đánh đập những ai cố tình lấy đi món đồ trẻ thích, hay món đồ trẻ đang cầm. Trẻ tự kỷ có thói quen xếp và đặt đồ vật tại một vị trí cố định, và bạn không nên thay đổi vị trí món đồ ấy nếu không muốn thấy trẻ phản ứng gay gắt.

bệnh tự kỷ ở trẻ em
Trẻ có thể phản ứng dữ dội nếu những đồ vật quen thuộc bị tách khỏi bản thân, hoặc bị người khác xê dịch ra khỏi vị trí ban đầu.

Tự kỷ ở trẻ em thể hiện trong việc trẻ rất nhạy cảm với một số yếu như sấm chớp, ánh sáng, tiếng nước chảy, tiếng nổ,… Trẻ thường cảm thấy hoảng loạn, la hét và bịt chặt tai khi nhìn hoặc nghe thấy những âm thanh, hình ảnh kể trên. Những phan ứng này rất mãnh liệt nên cha mẹ cần chú ý để phân biệt với sự hoảng sợ thông thường.

Trái ngược với những biểu hiện nhạy cảm, một số trẻ sẽ không phản ứng với các tác động từ bên ngoài. Trẻ thờ ơ dù được đặt ở bất cứ đâu, và chỉ chìm vào thế giới riêng của mình. Trường hợp nguy hiểm hơn là trẻ không phản ứng với sự nóng, lạnh hay đau đớn. Điều này đặc biệt nghiêm trọng vì có thể ảnh hưởng đến tính mạng và an toàn của trẻ.

Khó khăn trong biểu đạt bằng ngôn ngữ

Con người giao tiếp với nhau thông qua ngôn ngữ hoặc phi ngôn ngữ (cử chỉ), nhưng trẻ mắc tự kỷ ở thì gặp vấn đề với cả hai phương thức biểu đạt. Trẻ không nói, cũng không hành động bằng tay chân để biểu đạt mong muốn và suy nghĩ. Một số trẻ gặp khó khăn trong việc nghe hiểu những lời người khác nói.

Trong những năm đầu đời, trẻ sẽ rất hiếu động, ham học hỏi và tò mò về mọi thứ xung quanh. Trẻ sẽ quan sát và bắt chước mọi vật mình nhìn thấy, nghe thấy để bắt đầu nhận thức thế giới. Tuy nhiên, nếu mắc bệnh tự kỷ ở trẻ em, trẻ sẽ rất thờ ơ, không tò mò đặt câu hỏi, hay đối đáp với mọi người về những thứ xung quanh.

Thông thường thì sau 12 tháng tuổi, trẻ bắt đầu bập bẹ những tiếng đầu tiên và rất thích thú với việc giao tiếp thông qua những tiếng bập bẹ ấy. Tuy nhiên ở trẻ tự kỷ, trẻ sẽ có dấu hiệu chậm nói, không bập bẹ học nói, và không muốn giao tiếp với những người xung quanh. Trẻ cũng không sử dụng cử chỉ tay chân để biểu đạt mong muốn.

Lớn hơn một chút khi được 24 tháng, trẻ vẫn không cải thiện được vấn đề ngôn ngữ. Một số trẻ chỉ phát ra âm thanh vô nghĩa, cố gắng nói nhưng không thành từ. Một số khác thì không thể nói những từ đơn giản, không nói được những cụm từ ngắn, hay chỉ bập bẹ một hai từ rồi đột nhiên im lặng.

Ngoài ra, ta cũng dễ dàng nhận thấy trẻ tự kỷ thường không phát âm tròn vành rõ chữ, các từ ngữ thường bị dính vào nhau. Giọng nói của trẻ cũng lơ lớ, thiếu ngữ điệu, đều đều không có sự lên xuống, và không có sự biểu cảm phong phú trong tông giọng như những đứa trẻ khác.

Lặp đi lặp lại lời nói và hành vi vô nghĩa

Việc lặp đi lặp lại những từ ngữ vô nghĩa, những hành động rập khuôn như đi theo một đường thẳng nhất định, ngồi tại một vị trí cố định, liên tục đóng mở cửa, bật tắt công tắc, nhìn chằm chằm một trang sách, liên tục gõ hay đập một món đồ chơi, xếp những thứ trong tầm tay theo thứ tự nhất định, lắc lư người liên tục, nhảy lên nhảy xuống không mục đích,.. là thói quen thường thấy khi trẻ mắc bệnh tự kỷ. Những hành động rập khuôn này đơn điệu như máy móc, và không hề có sự sáng tạo.

bệnh tự kỷ ở trẻ em
Trẻ có những hành vi rập khuôn, vô nghĩa chứ không hề có tính sáng tạo.

Ngoài ra, trẻ có xu hướng sáng tạo những từ ngữ riêng, và liên tục lặp đi lặp lại mà không có mục đích cụ thể. Bệnh tự kỷ ở trẻ em khiến trẻ gặp khó khăn trong vấn đề biểu đạt, cũng như ghép từ thanh câu hoàn chỉnh. Và do trẻ không hiểu được lời người khác nói, trẻ sẽ có xu hướng lặp lại những điều mình nghe, chứ không có tiếp nhận và trả lời câu hỏi.

Đặc biệt quan tâm và có tài năng trong một lĩnh vực

Trẻ tự kỷ có xu hướng thu mình vào trong thế giới riêng và chú tâm vào một việc gì đó. Sự tập trung này giúp trẻ có khả năng tiếp thu nhanh điều mình quan tâm, và đôi khi bộc lộ những hiểu biết đặc biệt về vấn đề đó khi còn nhỏ tuổi. Chính điều này khiến nhiều bậc phụ huynh hiều lầm con mình là thiên tài, mà không hề biết rằng trẻ đang bị tự kỷ.

Sự quan tâm đặc biệt này của trẻ còn thể hiện trong quá trình giao tiếp. Trẻ sẽ liên tục nó về điều mình thích, mình quan tâm mà không để ý đến những điều khác. Ví dụ trẻ đang nói về món đồ chơi yêu thích, nhưng bạn cố gắng lái trẻ sang một chủ đề khác. Trẻ sẽ không quan tâm đến điều bạn nói, mà chỉ liên tục nói về món đồ chơi ấy. Giống như trẻ chỉ đang muốn thể hiện điều mình muốn, chứ không quan tâm đến câu chuyện.

Làm sao để cải thiện tình trạng tự kỷ ở trẻ?

Bệnh tự kỷ ở trẻ em diễn biến suốt đời và hiện nay chưa có phương pháp chữa trị tận gốc. Những lời quảng cáo có thể trị dứt bệnh ở trẻ hoàn toàn là lừa đảo, phụ huynh không nên tin vào những thông tin sai lệch mà tiền mất tật mang. Điều duy nhất gia đình và xã hội có thể làm là phát hiện sớm và can thiệp kịp thời, giúp trẻ giảm bớt biểu hiện bệnh và dần dần hòa nhập lại với cuộc sống như những đứa trẻ bình thường khác.

Việc cải thiện tình trạng bệnh phụ thuộc và nhiều yếu tố như tình trạng bệnh, thời gian can thiệp, phương pháp can thiệp, sự ủng hộ của gia đình và xã hội, cũng như sự tiếp nhận của trẻ. Do đó can thiệp càng sớm thì trẻ càng nhanh chóng hòa nhập với cuộc sống và sinh hoạt bình thường. Trong quá trình can thiệp nên kết hợp nhiều phương pháp để mang lại hiệu quả tốt nhất.

Gặp mặt bác sĩ hoặc chuyên gia tâm lý

Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu tự kỷ, điều đầu tiên cha mẹ cần làm là đưa trẻ đến gặp bác sĩ hoặc chuyên gia tâm lý. Bác sĩ sẽ dùng một số bài kiểm tra để đánh giá tình hình bệnh nhằm đưa ra phương pháp can thiệp phù hợp.

Có rất nhiều phương pháp can thiệp. Và tùy thuộc vào mức độ bệnh và hiệu quả khi áp dụng lên trẻ, các chuyên gia có thể thay đổi phương án, hoặc kết hợp nhiều phương pháp để nâng cao hiệu quả.

Việc can thiệp sớm, can thiệp đúng phương pháp giúp trẻ có nhận thức đúng đắn và rõ ràng hơn về vấn đề giao tiếp, ứng xử, uốn nắn suy nghĩ theo hướng tích cực, và cải thiện mối quan hệ của trẻ với những người xung quanh như gia đình hay bạn bè. Trẻ có thể cải thiện vốn từ, biểu đạt những ý nghĩa đơn giản, học cách kết bạn, cách cảm ơn, cách chia sẻ và nhiều kỹ năng sống khác.

bệnh tự kỷ ở trẻ em
Những liệu pháp tâm lý và ngôn ngữ có thể giúp trẻ cải thiện kỹ năng dần theo thời gian.

Quá trình cải thiện cho trẻ yêu cầu sự chung tay của gia đình, nhà trường và xã hội để đạt đến hiệu quả tốt nhất. Đặc biệt là gia đình, những người gần gũi và gắn bó với trẻ hằng ngày. Mọi người cần tuân thủ lộ trình điều trị một cách nghiêm ngặt để đảm bảo tiến độ và đánh giá chính xác tình hình tiến triển.

Trong quá trình cải thiện, bác sĩ hoặc chuyên viên tâm lý sẽ đánh giá và thay đổi phương pháp nếu cần để mang đến hiệu quả tốt nhất.

Áp dụng liệu pháp tâm lý

Mục đích của liệu pháp tâm lý là giúp trẻ mở lòng đón nhận mọi thứ xung quanh, dạy trẻ cách bộc lộ cảm xúc và kiểm soát tâm trạng. Bệnh tự kỷ ở trẻ em khiến trẻ không quan tâm đến việc giao tiếp, và thường có phản ứng bất thường nếu gặp kích thích. Do đó việc dạy cho trẻ cách tự kiểm soát cảm xúc, và dần dần loại bỏ những phản ứng rập khuôn là vô cùng quan trọng.

Hiện nay các liệu pháp tâm lý ngày càng đa dạng, và luôn được cải tiến để phù hợp với nhiều đối tượng trẻ hơn. Mỗi trẻ sẽ phù hợp với một liệu pháp nhất định, hoặc kết hợp nhiều liệu pháp để cho hiệu quả cải thiện tốt nhất. Tuy nhiên, ba liệu pháp phổ biến và được dùng nhiều nhất hiện nay vẫn là nhận thức hành vi, phân tích hành vi, và thân chủ trọng tâm.

  • Liệu pháp nhận thức hành vi (CBT): Liệu pháp này giúp các bác sĩ nắm được suy nghĩ và hành vi của trẻ thông qua quá trình giao tiếp. Với những suy nghĩ tích cực, chúng ta sẽ ủng hộ và khuyến khích trẻ phát huy. Còn với những hành vi và suy nghĩ tiêu cực, bác sĩ va cha mẹ sẽ có cách để xóa bỏ và điều chỉnh theo hướng tốt hơn. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng liệu pháp này có tác dụng giảm lo âu, căng thẳng và giúp trẻ bình tĩnh hơn trong nhiều trường hợp.
  • Liệu pháp nhận thức hành vi (ABA): Các kiểm tra sơ bộ được tiến hành để xác định những kỹ năng trẻ đang có, từ đó tập trung phát triển những kỹ năng này theo hướng tốt hơn, và bổ sung những kỹ năng thiếu hụt. Các bài tập luyện từ cơ bản đến nâng cao trong nhiều lĩnh vực như giao tiếp, kiến thức xã hội, khả năng vận động,.. được chuẩn bị phù hợp với khả năng tiếp nhận của trẻ.
  • Liệu pháp thân chủ trọng tâm: Mục tiêu của phương pháp này là dạy trẻ cách ra quyết định, và chịu trách nhiệm với quyết định của mình. Giống như tên gọi của liệu pháp, thân chủ trọng tâm lấy trẻ làm trọng tâm, giúp trẻ tự hành động và sinh hoạt theo ý nghĩ của mình chứ không dựa dẫm vào người khác. Liệu pháp này tỏ ra có hiệu quả rõ rệt khi trẻ bắt đầu trưởng thành, và bắt đầu có những mối quan hệ bạn bè mới.

Áp dụng liệu pháp ngôn ngữ

Liệu pháp ngôn ngữ là một trong những phương pháp quan trọng, hiệu quả và có ảnh hưởng tốt đến tình trạng bệnh tự kỷ ở trẻ em. Thông qua liệu pháp này trẻ có thể cải thiện vấn đề giao tiếp với mọi người. Liệu pháp ngôn ngữ giúp thúc đẩy quá trình giao tiếp tự phát, giúp trẻ chủ động và tự nguyện giao tiếp chứ không đe dọa hay ép buộc.

Cụ thể thì phương pháp này giúp trẻ có thể thông qua lời nói hay cử chỉ để thể hiện buồn vui, hờn giận, đau đớn, khó chịu và những nhu cầu sinh hoạt bình thường như đói, khát, nhu cầu vệ sinh,… một cách tự nhiên nhất. Ngoài ra trẻ cũng học được cách phản ứng trong những trường hợp cụ thể, và cải thiện kỹ năng giao tiếp xã hội.

Ví dụ trong những tình huống cụ thể, trẻ sẽ được hướng dẫn nên làm gì và nói gì. Trẻ sẽ hiểu được sự khác nhau giữa các đối tượng và cách hành xử đúng đắn.

Với những trẻ gặp khó khăn trong việc nói, thì đây là phương pháp hiệu quả để cải thiện tình trạng. Với những trẻ gặp khó khăn trong việc sử dụng cử chỉ, chúng ta cũng có những biện pháp riêng để giúp trẻ nhanh chóng nắm bắt và làm quen với việc sử dụng tứ chi để giao tiếp.

bệnh tự kỷ ở trẻ em
Hãy để trẻ giao tiếp một cách tự nhiên, tự nguyện mở lòng với thế giới chứ không phải thúc ép bằng đòn roi hay đe dọa.

Các chuyên gia sẽ đánh giá khả năng ngôn ngữ ở trẻ và giúp trẻ cải thiện một số vấn đề về biểu đạt. Ví dụ, trẻ được học cách phát âm từng ký tự, từng chữ thật rõ ràng và chính xác. Điều này giúp cổ họng, thanh quản, cơ hàm và toàn bộ những cơ quan phát âm tăng cường hoạt động để âm phát ra to, tròn, rõ, có ngữ điệu và giàu cảm xúc hơn.

Trong quá trình phát âm, trẻ cũng được dạy cách phối hợp chính xác biểu cảm với nội dung biểu đạt. Sau đó, trẻ được học cách suy nghĩ và trả lời câu hỏi. Ban đầu những vấn đề được đưa ra sẽ vô cùng đơn giản, sau đó tăng dần độ khó để kích thích khả năng ngôn ngữ và suy nghĩ của trẻ.

Trong quá trình đặt câu hỏi có thể kết hợp sử dụng ngôn ngữ cơ thể để tập cho trẻ quan sát, hiểu và vận dụng những cử chỉ này trong giao tiếp.

Cải thiện kỹ năng xã hội

Bên cạnh những liệu pháp tâm lý và hành vi thì cha mẹ cũng cần quan tâm đến việc cải thiện kỹ năng xã hội cho trẻ. Điều này giúp trẻ nhanh chóng hòa nhập cộng đồng, tăng cường các mối quan hệ và sự liên kết của trẻ với thế giới xung quanh.

Một trong những sai lầm của cha mẹ có con tự kỷ là nhốt trẻ trong nhà, không cho trẻ ra ngoài vì sợ trẻ gặp nguy hiểm. Trên thực tế thì trẻ càng ở nhà nhiều, càng bị cô lập với xã hội thì khả năng cải thiện tình trạng tự kỷ càng thấp. Cha mẹ cần đưa trẻ đến những nơi đông người như khu vui chơi, công viên, hay những buổi họp mặt với những trẻ tự kỷ khác để trẻ học cách kết bạn và tự xây dựng mối quan hệ riêng.

Khi gặp gỡ những người bạn mới, trẻ sẽ học được cách bắt chuyện, cách chào hỏi mọi người và có những đề tài hay ho để thể hiện cảm xúc và suy nghĩ.

Trong quá trình giao tiếp, trẻ sẽ học được cách lắng nghe, cách nhường nhịn nhau khi nói chuyện, và biết cách tôn trọng những ý kiến khác biệt của mọi người. Trẻ cũng sẽ dần nhận ra đâu là những người bạn tốt, đâu là người đáng kết bạn.

Bên cạnh đó, trẻ cũng có thể tận dụng biểu cảm và ngôn ngữ có được sau các liệu pháp ngôn ngữ để diễn đạt cảm xúc, trò chuyện, điều chỉnh tâm trạng trong các trường hợp cụ thể. Điều này giúp trẻ có thể nhanh chóng hòa nhập tập thể.

Thêm vào đó trong quá trình nói chuyện và chơi đùa, trẻ cũng tiếp thu được cách chia sẻ và nhường nhịn trong tập thể, cũng như học cách tuân theo mệnh lệnh, cách tôn trọng luật chơi, và chấp nhận kết quả.

Trong quá trình trẻ khám phá thế giới và cải thiện kỹ năng giao tiếp, vai trò của cha mẹ là vô cùng quan trọng. Vì trẻ chưa nhận thức được đúng sai, và không có khả năng tự động hoàn thiện bản thân như những đứa trẻ bình thường học hỏi từ sai lầm. Sự khó khăn trong giao tiếp là một rào cản lớn với trẻ, và chính cha mẹ phải là người luôn bên cạnh để phân tích và dìu dắt trẻ đi đúng hướng.

Chăm sóc trẻ tại gia đình

Như đã nói ở trên thì gia đình và cha mẹ giúp ích rất lớn cho trẻ trong quá trình cải thiện các vấn đề về tự kỷ. Trong quá trình điều trị, cha mẹ cần quan tâm nhiều đến trẻ, đừng để trẻ một mình đối diện với mọi thứ.

Trẻ tự kỷ rất khó để biểu đạt ý nghĩ và cảm xúc của mình. Do đó điều cha mẹ cần làm là luôn bên trẻ và tìm hiểu những suy nghĩ, tình cảm của con, chứ không phải để con một mình.

bệnh tự kỷ ở trẻ em
Đừng đỗ lỗi cho nhau, đừng để trẻ một mình gánh chịu tất cả mà cha mẹ cần quan tâm và giúp đỡ trẻ nhiều hơn.

Trẻ tự kỷ cần rất nhiều tình thương và sự quan tâm từ bố mẹ. Các bậc phụ huynh không cần xấu hổ vì nghĩ con mình bị bệnh, ruồng bỏ hay để mặc trẻ tự mình vượt qua. Thay vào đó, cha mẹ cần dành nhiều thời gian chơi với trẻ và dạy trẻ cách phân biệt mọi thứ. Trẻ lúc này tựa như một trang giấy trắng, và cha mẹ hãy là những người đầu tiên tô màu lên bức tranh cuộc đời của trẻ.

Phụ huynh có thể áp dụng những liệu pháp ngôn ngữ trong quá trình chăm sóc và nuôi dạy trẻ để trẻ nói chuyện lưu loát hơn. Hãy khơi gợi những chủ đề trẻ thích thú, dạy trẻ cách nói chuyện, uốn nắn ngữ điệu và dạy trẻ những cử chỉ đơn giản như đưa hai tay khi đưa hay nhận đồ, vẫy tay chào tạm biệt khi ra về, khoanh tay chào mọi người khi gặp người lớn,… để trẻ dần quen và học theo.

Hãy cùng trẻ chơi những trò chơi giúp phát triển trí tuệ như tô màu, vẽ tranh, luyện trí nhớ thông qua các bộ thẻ, tranh ảnh. Hoặc tham gia các hoạt động ngoài trời như đá banh, chạy bộ, chơi bóng, bơi lội,… để cải thiện thể chất. Các dấu hiệu bệnh tự kỷ ở trẻ em có thể được cải thiện thông qua nâng cao năng lực làm việc của não, cung như sức khỏe của cơ thể.

Ngoài ra hãy dạy trẻ cách tự chăm sóc bản thân, cho trẻ học cách tự lập từ những hành động nhỏ và đơn giản nhất như đánh răng, súc miệng, chải đầu, vệ sinh thân thể, mặc quần áo, mang giày,… Hãy nhớ luôn ngợi khen và thể hiện cảm xúc trực quan với trẻ khi trẻ làm tốt một việc gì đó để trẻ có động lực và cảm nhận được tình cảm của cha mẹ. Trẻ sẽ dần học được cách phản ứng và đáp lại tình cảm.

Đồng thời, phụ huynh cũng không được chiều theo những yêu cầu vô lý của trẻ. khiến trẻ cảm thấy mình có thể điều khiển cảm xúc và hành vi của cha mẹ. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến quá trình hồi phục của trẻ. Khen đúng lúc và nghiêm khắc đúng lúc mới là phương pháp nuôi dạy chính xác nhất. Cha mẹ cần cho trẻ hiểu điều gì có thể làm, và điề gì không thể làm.

Trên đây là những dấu hiệu thường gặp của trẻ tự kỷ và cách can thiệp. Những biểu hiện tự kỉ có thể thuyên giảm theo thời gian nếu trẻ được phát hiện can thiệp sớm, cũng như áp dụng đúng liệu pháp, liệu trình theo hướng dẫn của chuyên gia.

Những phương pháp can thiệp này đều tốn rất nhiều thời gian, công sức và sự nhẫn nại. Ngoài ra cũng cần sự chung tay giúp sức của cha mẹ và cả cộng đồng để giúp trẻ có môi trường học tập và phát triển lành mạnh, có thể nhanh chóng trở lại cuộc sống bình thường và hòa nhập cùng bạn bè đồng trang lứa.

Tham khảo thêm:

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

BECK là bài test kiểm tra mức độ trầm cảm được phát triển bởi giáo sư, bác sĩ Aaron T.Beck và cộng sự
Bài Test trầm cảm Beck (Beck Depression Inventory – BDI)

Bài test trầm cảm Beck là bài kiểm tra được thực hiện nhằm đánh giá cảm xúc và  đo lường mức độ trầm cảm của...

Trầm cảm có thể xảy ra ở trẻ trong độ tuổi dậy thì
Các dấu hiệu trầm cảm ở tuổi dậy thì: Cách chữa & phòng tránh

Trầm cảm tuổi dậy thì là một dạng rối loạn tâm lý, xảy ra phổ biến ở độ tuổi thanh thiếu niên, từ 10 -...

Căng thẳng lo âu kéo dài, quá mức so với thực tế là triệu chứng đặc trưng của GAD
Rối loạn lo âu lan tỏa (GAD): Triệu chứng và phác đồ điều trị

Rối loạn lo âu lan tỏa là dạng thường gặp của rối loạn lo âu, thuộc nhóm rối loạn tâm thần. Người mắc rối loạn...

cảm xúc tích cực là gì
Cảm xúc tích cực là gì? Lợi ích và cách nuôi dưỡng, làm tăng

Cảm xúc tích cực chính là "liều thuốc tự nhiên" mang đến niềm vui, sự lạc quan và động lực cho mọi người. Chính cảm...