Phương pháp PECS – Giáo dục trẻ tự kỷ thông qua hình ảnh

Can thiệp trẻ tự kỷ cần phải kết hợp nhiều phương pháp để có thể cải thiện toàn diện những khiếm khuyết về ngôn ngữ, vận động, hành vi,… Trong đó, phương pháp PECS thường được áp dụng cho trẻ trong giai đoạn mầm non. Phương pháp này được đánh giá cao về hiệu quả phát triển kỹ năng giao tiếp một cách tự nhiên – kể cả với trẻ không nói được.

Phương pháp PECS là gì? Lịch sử của phương pháp

Phương pháp PECS (Picture Exchange Communication System) hay còn được biết đến với tên gọi hệ thống giao tiếp thông qua hình ảnh/ hệ thống giao tiếp trao đổi hình. Thay vì dạy trẻ giao tiếp thông qua lời nói, phương pháp này sẽ sử dụng hệ thống hình ảnh để giúp trẻ hiểu được ngôn ngữ. Đồng thời có thể bày tỏ mong muốn, bình luận, nhận xét của mình về những sự việc xảy ra xung quanh.

Phương pháp PECS
Phương pháp PECS giúp ích rất nhiều trong việc phát triển kỹ năng ngôn ngữ của trẻ tự kỷ

Phương pháp PECS hiện nay được sử dụng để can thiệp cho trẻ chậm phát triển ngôn ngữ, trẻ tự kỷ hoặc các trường hợp rối loạn phát triển có biểu hiện chậm phát triển ngôn ngữ. Cho đến nay, phương pháp này vẫn được xem là triển vọng nhất trong việc cải thiện khả năng giao tiếp của trẻ ở lứa tuổi mầm non.

Hệ thống giao tiếp trao đổi hình được đề cập lần đầu tiên vào năm 1985 bởi Nhà âm ngữ trị liệu Lori Frost và Nhà tâm lý nhi Andrew Bondy. Phương pháp này kết hợp nhuần nhuyễn với phương pháp ABA để thay đổi hình ảnh theo ý muốn của trẻ.

Ban đầu, phương pháp này còn sơ khai và chưa hoàn chỉnh như hiện tại. Hình thức sơ khai nhất của phương pháp PECS là sử dụng tranh ảnh với nội dung là các đồ chơi, đồ vật mà trẻ yêu thích. Khi muốn món đồ chơi nào, trẻ chỉ cần chỉ vào hình ảnh đó. Sau này, phương pháp được phát triển hoàn chỉnh để trẻ có thể giao tiếp nguyên câu bằng thẻ hình. Đồng thời bày tỏ ý kiến, nhận xét của bản thân về những sự việc hay món đồ chơi/ đồ vật nào đó.

Chậm phát triển ngôn ngữ là khiếm khuyết lớn nhất mà trẻ tự kỷ phải đối mặt. Khiếm khuyết này làm trì hoãn quá trình phát triển tư duy, gia tăng rào cản giữa trẻ và bạn bè đồng trang lứa. Không có ngôn ngữ, trẻ sẽ khó lòng hòa nhập và việc có một cuộc sống bình thường là điều bất khả.

Can thiệp cho trẻ tự kỷ thường bắt đầu bằng cải thiện ngôn ngữ. Nếu phát hiện sớm trong giai đoạn mầm non, hệ thống giao tiếp trao đổi hình sẽ là hướng tiếp cận được ưu tiên. Ưu điểm lớn nhất của phương pháp PECS là có thể tự thực hiện tại nhà bên cạnh thời gian can thiệp ở trung tâm. Do đó, khả năng ngôn ngữ của trẻ sẽ có những cải thiện rõ rệt, đồng thời mối liên kết giữa trẻ và gia đình cũng trở nên mật thiết hơn.

Mục tiêu của phương pháp PECS

PECS là một trong những phương pháp can thiệp trẻ tự kỷ ra đời sớm nhất. Tính đến nay, đã có nhiều nghiên cứu về hiệu quả của phương pháp này. Sau khi thực hiện nhiều nghiên cứu, các chuyên gia xác định được những mục tiêu chính của phương pháp PECS bao gồm:

  • Cải thiện khả năng ngôn ngữ cho trẻ tự kỷ, trẻ chậm phát triển ngôn ngữ,…
  • Hạn chế các hành vi không hợp tác, quấy nhiễu và một số hành vi không kiểm soát ở trẻ tự kỷ (Trẻ tự kỷ có xu hướng rối loạn hành vi không thể bày tỏ mong muốn của bản thân một cách rõ ràng, phần lớn là do không biết sử dụng ngôn ngữ nói và ngôn ngữ hình thể).
  • Kích thích nhu cầu giao tiếp của trẻ, từ đó hỗ trợ trẻ trong việc tiếp nhận kiến thức và hòa nhập cộng đồng
  • Hỗ trợ tăng cường kỹ năng hòa nhập và giúp trẻ trang bị thêm những kỹ năng sống một cách tự nhiên

Nhìn chung, mục tiêu chính của phương pháp hệ thống giao tiếp trao đổi hình vẫn là cải thiện khả năng giao tiếp ở trẻ tự kỷ và trẻ chậm phát triển ngôn ngữ. Trong quá trình can thiệp, trẻ sẽ bắt đầu tương tác nhiều hơn với giáo viên, bố mẹ. Từ đó giúp ích rất nhiều trong việc hòa nhập cộng đồng, tạo dựng mối liên hệ mật thiết giữa gia đình và trẻ.

Khi phương pháp PECS phát huy hiệu quả, những hành vi bất thường cũng sẽ giảm đi đáng kể. Lý do lớn nhất là vì trẻ đã học được cách giao tiếp, có thể dễ dàng bày tỏ suy nghĩ, nhu cầu, mong muốn của bản thân một cách rõ ràng. Ba mẹ và những người xung quanh vì thế có thể dễ dàng đáp ứng. Trẻ không phải giải tỏa cảm xúc hay gây chú ý bằng các hành vi ngỗ nghịch, tăng động, quậy phá.

Vì sao trẻ tự kỷ được tiếp cận bằng phương pháp PECS?

Trẻ tự kỷ phải đối mặt với rất nhiều khiếm khuyết từ ngôn ngữ, hành vi, rối loạn cảm xúc, nhu cầu tương tác thấp và nhiều vấn đề sức khỏe thể chất khác. Do trẻ không có nhu cầu giao tiếp nên khả năng ngôn ngữ phát triển rất chậm. Thậm chí có nhiều trẻ gần như bị câm, không hề phát ra bất cứ từ ngữ nào ngoài những âm thanh vô nghĩa.

Giác quan của trẻ tự kỷ cũng nhạy cảm hơn so với bình thường. Vì thế, việc dạy trẻ nói theo cách thông thường sẽ khó lòng hiệu quả. Đây cũng là lý do phương pháp PECS ra đời.

Phương pháp này ra đời dựa trên mấu chốt là sự động viên, khuyến khích trực tiếp bằng phần thưởng. Khi trẻ lựa chọn đúng tranh, trẻ sẽ được thưởng ngay món đồ chơi/ món ăn có trong ảnh. Với cách tiếp cận trực quan, phương pháp PECS sẽ giúp trẻ tự kỷ hiểu hơn về sự cần thiết của giao tiếp, từ đó phát sinh nhu cầu giao tiếp một cách tự nhiên.

Phương pháp PECS
Mục tiêu lớn nhất của phương pháp PECS là giúp trẻ phát triển ngôn ngữ và hình thành nhu cầu giao tiếp tự nhiên

Ở giai đoạn đầu, trẻ tự kỷ không cần hiểu ngôn từ vẫn sẽ được thưởng quà nếu chọn đúng tranh. Phần thưởng là món đồ chơi/ món ăn trẻ thích có ý nghĩa hơn rất nhiều so với những lời tán thưởng, tuyên dương. Sau đó, giáo viên sẽ nâng cao độ khó của chương trình để trẻ có thể hoàn thành công dựa vào bộ ảnh.

Những trẻ tiến bộ có thể dùng bộ tranh để bày tỏ nhận xét, suy nghĩ về sự việc diễn ra xung quanh cuộc sống. Dần dần, trẻ bắt đầu hiểu được ngôn từ và có nhu cầu giao tiếp bằng ngôn ngữ nói, sau đó là ngôn ngữ hình thể.

Quá trình can thiệp cho trẻ tự kỷ theo phương pháp PECS cần được thực hiện từ từ để đảm bảo trẻ luôn giữ được sự hứng thú. Tránh trường hợp đặt ra các bài tập, tình huống quá khó. Trẻ tự kỷ thường ít hứng thú với những hoạt động vui chơi, vì thế trẻ sẽ dễ dàng bỏ cuộc, thậm chí có những hành vi quấy nhiễu.

Ngoài tác dụng cải thiện khả năng ngôn ngữ và nuôi dưỡng nhu cầu giao tiếp, phương pháp PECS còn “vô tình” mang lại rất nhiều lợi ích đối với trẻ tự kỷ. Thứ nhất là giúp trẻ giảm sự cô lập, học được cách hòa nhập, xây dựng mối quan hệ thân thiết hơn với gia đình.

Thứ hai, khả năng ngôn ngữ được cải thiện sẽ giúp giảm các vấn đề về hành vi. Thứ 3 là kỹ năng hòa nhập, giao tiếp xã hội được tăng cường đáng kể. Điều này sẽ tạo tiền đề để trẻ có thể dễ dàng hòa nhập khi bước vào tuổi đến trường.

Giáo dục trẻ tự kỷ thông qua hình ảnh hiệu quả không?

Từ khi ra đời đến nay, phương pháp PECS được áp dụng rộng rãi trong can thiệp trẻ tự kỷ và trẻ chậm phát triển ngôn ngữ. Đã có không ít nghiên cứu, thống kê được thực hiện nhằm đánh giá hiệu quả của phương pháp.

Gần đây nhất là công trình nghiên cứu của Ganz và Simpson thực hiện năm 2004 và Liddle thực hiện năm 2001 cho thấy, can thiệp trẻ tự kỷ theo hướng phương pháp PECS giúp trẻ phát triển sớm các kỹ năng. Không chỉ riêng trẻ tự kỷ mà trẻ chậm phát triển ngôn ngữ cũng được hưởng lợi từ phương pháp này.

Một nghiên cứu được thực hiện đối với trẻ chậm phát triển ngôn ngữ, trong đó có một số trẻ mắc chứng tự kỷ can thiệp phương pháp PECS có hệ thống, phối hợp chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường. Chỉ sau 1 năm, phần lớn trẻ đều có thể giao tiếp bằng ngôn ngữ thông thường mà không cần đến hệ thống giao tiếp trao đổi hình.

phương pháp pecs là gì
Mặc dù còn nhiều vấn đề xung quanh nhưng PECS hiện vẫn đang là giáo cụ hữu hiệu giúp trẻ tự kỷ phát triển ngôn ngữ

Điểm đặc biệt của phương pháp PECS là ngay cả với trẻ tự kỷ không biết nói, trẻ vẫn có thể sử dụng hình ảnh để truyền tải mong muốn của bản thân. Điều này giúp ích rất nhiều trong việc giải tỏa rối loạn cảm xúc và giảm các vấn đề về hành vi ở trẻ tự kỷ.

Trên thực tế, có nhiều trẻ áp dụng PECS chỉ vài tháng là có thể nói được. Tuy nhiên, nhiều người vẫn tỏ ra nghi ngờ hiệu quả của phương pháp. Bởi rất có thể trẻ nói được là do quá trình phát triển tự nhiên hoặc do sự hỗ trợ của nhiều phương pháp khác.

Ngoài những nghiên cứu này, nhiều nghiên cứu khác được thực hiện cũng cho thấy PECS thực sự là giáo cụ hữu hiệu giúp trẻ chậm phát triển ngôn ngữ và trẻ tự kỷ phát triển kỹ năng ngôn ngữ một cách tự nhiên. Phương pháp này đặc biệt có hiệu quả khi áp dụng trong giai đoạn mầm non (giai đoạn trước 6 tuổi).

Hiện nay, can thiệp cho trẻ tự kỷ vẫn còn nhiều khó khăn và chưa tìm ra phương pháp tối ưu. Mặc dù còn nhiều nghi vấn xung quanh nhưng phương pháp PECS vẫn là lựa chọn ưu tiên trong can thiệp trẻ tự kỷ – đặc biệt là những trường hợp phát hiện sớm trước năm 6 tuổi.

Ưu nhược điểm của phương pháp PECS

Phương pháp PECS có cách thức thực hiện khá đơn giản. Giáo viên/ nhà trị liệu và gia đình sẽ sử dụng hình ảnh để giúp trẻ truyền đạt mong muốn và nhu cầu của bản thân. Trong quá trình giao tiếp bằng hình ảnh, giáo viên sẽ kết hợp lời nói và hành động để trẻ phản hồi lại. Dần dà trẻ có thể giao tiếp thông qua bộ hình ảnh và mục tiêu xa hơn là giúp trẻ giao tiếp bằng ngôn ngữ thông thường.

Giáo cụ trong phương pháp PECS là các thẻ tranh với nội dung gần gũi như món đồ chơi trẻ thích, đồ vật quen thuộc, món ăn và hiện tượng thời tiết,… Với bộ thẻ đa dạng nội dung, trẻ có thể ghi nhớ nhanh tên gọi các hiện tượng, đồ vật xung quanh. Nhìn chung, phương pháp này có cách thức thực hiện đơn giản, gia đình có thể dạy trẻ tại nhà bên cạnh thời gian can thiệp ở trung tâm.

Can thiệp cho trẻ tự kỷ còn nhiều khó khăn vì một phương pháp không thể khắc phục toàn diện những khiếm khuyết mà trẻ phải đối mặt. Hiểu rõ ưu nhược điểm của phương pháp PECS sẽ giúp gia đình chủ động hơn trong việc kết hợp nhiều biện pháp nhằm giúp trẻ khắc phục hạn chế, phát huy thế mạnh của bản thân:

1. Ưu điểm của phương pháp PECS

Hiện nay, có rất nhiều phương pháp được can thiệp cho trẻ tự kỷ. Dù vậy, PECS vẫn là lựa chọn ưu tiên đối với trẻ tự kỷ dưới 6 tuổi. Phương pháp này có những ưu điểm nổi trội sau:

giáo dục trẻ tự kỷ bằng hình ảnh
Ưu điểm lớn nhất của phương pháp PECS là có thể áp dụng ngay tại nhà và cách thức thực hiện đơn giản
  • PECS là phương pháp can thiệp đơn giản, dễ hiểu và có thể thực hiện dễ dàng. Ngoài thời gian can thiệp chuyên sâu tại trung tâm, gia đình có thể thực hiện phương pháp này tại nhà để kích thích kỹ năng giao tiếp của trẻ.
  • Giáo cụ đơn giản, dễ chuẩn bị và chi phí không quá cao.
  • Phương pháp PECS khuyến khích trẻ giao tiếp tự nhiên, không áp đặt và đưa ra những yêu cầu vượt quá khả năng của trẻ. Thông qua phương pháp này, trẻ có thể phát triển khả năng ngôn ngữ và hình thành nhu cầu muốn giao tiếp.
  • Thẻ hình ảnh có nội dung là những đồ vật, món ăn gần gũi nên rất dễ tiếp cận trẻ. So với việc dạy nói thông thường, rõ ràng việc tiếp cận bằng thẻ hình mang lại hiệu quả rõ rệt hơn.
  • Giúp trẻ mở rộng các mối quan hệ giao tiếp từ người thân, bạn bè cho đến giáo viên.
  • Trẻ có thể bộc lộ suy nghĩ, mong muốn, ý kiến của bản thân với tất cả mọi người thông qua các thẻ hình ảnh – ngay cả với những trẻ tự kỷ không nói được.

Ở giai đoạn mầm non, khả năng ngôn ngữ của trẻ tự kỷ phát triển chậm hơn rất nhiều so với bạn bè đồng trang lứa. Với sự hỗ trợ của phương pháp PECS, trẻ có thể giao tiếp thông qua các thẻ hình ảnh. Đồng thời hình thành nhu cầu muốn giao tiếp và phát triển khả năng giao tiếp một cách vô cùng tự nhiên.

2. Nhược điểm của phương pháp PECS

Ngoài những ưu điểm kể trên, phương pháp PECS cũng có một số hạn chế nhất định. Các nhược điểm của phương pháp này phải kể đến:

giáo dục trẻ tự kỷ bằng hình ảnh
Do nội dung các thẻ ảnh khá hạn chế nên phương pháp PECS đôi khi chỉ kích thích các giao tiếp có chọn lọc
  • Mất nhiều thời gian chuẩn bị hình ảnh, tài liệu cho buổi học
  • Dù cách thức thực hiện đơn giản nhưng giáo viên, gia đình sẽ mất nhiều thời gian để giúp trẻ chọn đúng thẻ hình ảnh.
  • Phương pháp PECS chỉ tập trung vào việc phát triển khả năng giao tiếp, không bao gồm cải thiện khả năng vận động, điều hòa cảm giác,…
  • Giáo cụ của phương pháp PECS chủ yếu là các thẻ hình có nội dung gần gũi với trẻ. Do đó, một số chuyên gia cho rằng, phương pháp này chỉ có thể khuyến khích giao tiếp chọn lọc. Nội dung hình thường bị giới hạn nên không thực sự hiệu quả trong việc phát triển khả năng ngôn ngữ một cách toàn diện.

Mặc dù vẫn còn một số hạn chế song phương pháp PECS thực sự có hiệu quả trong giáo dục trẻ tự kỷ. Đối với trẻ dưới 6 tuổi, phương pháp này giúp trẻ hình thành nhu cầu giao tiếp và có thể bộc lộ mong muốn của bản thân một cách rõ ràng.

Can thiệp sớm trẻ tự kỷ bằng phương pháp PECS không chỉ giúp cải thiện ngôn ngữ mà còn làm giảm các vấn đề hành vi, rối loạn cảm xúc, trang bị cho trẻ kỹ năng hòa nhập,…

Cấu trúc chương trình dạy trẻ tự kỷ thông qua hình ảnh (PECS)

Dạy trẻ tự kỷ thông qua hình ảnh (phương pháp PECS) có cấu trúc và cách thức thực hiện khá đơn giản. Trong quá trình giáo dục, chuyên gia sẽ kết hợp nhuần nhuyễn với phương pháp ABA để củng cố thông tin muốn truyền tải đến trẻ.

Hình thức quen thuộc nhất của PECS sẽ yêu cầu trẻ tìm thẻ hình mô tả các món đồ chơi/ món ăn được yêu cầu. Khi trẻ chọn đúng, trẻ sẽ được thưởng chính món ăn/ đồ chơi trong thẻ hình. Như vậy, trẻ sẽ dần biết cách sử dụng thẻ hình bày tỏ mong muốn, nhu cầu của bản thân để gia đình có thể đáp ứng.

giáo dục trẻ tự kỷ bằng hình ảnh
Phương pháp PECS sẽ bao gồm 6 giai đoạn khác nhau được thực hiện lần lượt theo trình tự

Phương pháp PECS thường sẽ bao gồm 6 giai đoạn với mức độ tăng dần. Khi trẻ hoàn tất một giai đoạn, giáo viên sẽ chuyển sang giai đoạn kế tiếp cho đến khi trẻ hoàn thành chương trình.

6 Giai đoạn của phương pháp PECS bao gồm:

Giai đoạn 1: Giao tiếp như thế nào?

Giai đoạn 2: Khoảng cách và kiên trì

Giai đoạn 3: Phân biệt tranh

Giai đoạn 4: Nguyên câu

Giai đoạn 5: Trả lời “Con muốn gì?”

Để quá trình can thiệp mang lại hiệu quả tốt nhất, chuyên gia/ giáo viên sẽ hướng dẫn gia đình cách thức thực hiện. Điều quan trọng khi thực hiện phương pháp PECS là cần cho trẻ phần thưởng (là đồ ăn/ món đồ chơi) để củng cố giao tiếp. Nếu không đáp ứng, trẻ sẽ không hợp tác, xao nhãng và thậm chí là quấy nhiễu trong quá trình trị liệu.

Giáo dục trẻ tự kỷ thông qua hình ảnh (PECS) là một trong những hướng can thiệp hiệu quả hiện nay. Phương pháp này thường được áp dụng cho trẻ dưới 6 tuổi với mục đích cải thiện khả năng ngôn ngữ một cách tự nhiên. Bên cạnh đó, PECS cũng giúp giảm đáng kể các vấn đề hành vi, rối loạn cảm xúc, hỗ trợ thêm cho trẻ kỹ năng hòa nhập và kỹ năng giao tiếp xã hội.

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Reggio Emilia và Montessori
Reggio Emilia và Montessori: Khác nhau giữa 2 phương pháp giáo dục

Làm sao giáo dục trẻ từ sớm để giúp trẻ khai phá những tiềm năng ẩn giấu? Chắc chắn đây là vấn đề đau đầu...

Trẻ được thư giãn tinh thần, giảm căng thẳng, áp lực thông qua trò chơi
TOP 15 trò chơi cho học sinh tiểu học hay và bổ ích nhất

Sử dụng trò chơi cho học sinh tiểu học trong chương trình giảng dạy là phương pháp giáo dục hiệu quả, được đánh giá cao...

Top 10 Trò chơi âm nhạc cho trẻ mầm non vui nhộn và hấp dẫn nhất

Việc áp dụng các trò chơi âm nhạc cho trẻ mầm non trong chương trình học không chỉ giúp con cảm thấy vui nhộn, thoải...

trẻ chậm nói có phải kém thông minh không
Trẻ chậm nói có phải kém thông minh?

Vấn đề chậm nói ở trẻ có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân như cơ quan phát âm có khiếm khuyết, hoặc trẻ có...