Cách phân biệt trẻ tăng động và hiếu động đơn giản, chính xác

Hiếu động, thích chạy nhảy, ồn ào và hoạt động luôn tay luôn chân là những hành động thường thấy ở trẻ dưới 6 tuổi. Bởi vì trong độ tuổi này trẻ đang dư thừa nguồn năng lượng, và hoạt động không ngừng là cách để trẻ nhanh chóng tiêu hao nguồn năng lượng ấy. Tuy nhiên, sự hiếu động mà cha mẹ thường thấy có thể là biểu hiện của bệnh tăng động ở trẻ. Vậy, làm sao để phân biệt trẻ tăng động và hiếu động đơn giản, chính xác nhất?

Những điều cần biết về tăng động và hiếu động ở trẻ

Trong mắt cha mẹ, việc trẻ thường xuyên nghịch ngợm, thích chạy nhảy, la hét, không quan tâm đến lời người lớn nói,… là những biểu hiện bình thường của những đứa trẻ trong giai đoạn trưởng thành. Chính vì suy nghĩ ấy, nhiều bậc phụ huynh phải hối hận khi phát hiện trẻ mắc chứng tăng động giảm chú ý quá trễ. Lúc này cha mẹ mới nhận ra rằng con mình đang gặp vấn đề, chứ không đơn giản chỉ là nghịch ngợm hiếu động thông thường.

phân biệt trẻ tăng động và hiếu động
Hiếu động và tăng động không hề khó phân biệt nếu cha mẹ thật sự để tâm đến biểu hiện của trẻ.

Vậy, hiếu động và tăng động là gì? Và có biểu hiện ra sao mà có thể khiến nhiều người lầm tưởng? Trước khi bắt đầu phân tích sự khác biệt giữa hai vấn đề này, chúng ta cần làm rõ hai khái niệm tăng động và hiếu động.

Trẻ hiếu động

Trẻ hiếu động thường thích leo trèo, chạy nhảy, hái hoa, bắt bướm,… để tiêu hao bớt nguồn năng lượng tích trữ. Trẻ dưới 6 tuổi chưa cần chú tâm quá nhiều vào việc học và những hoạt động tại trường, vì thế hiếu động luôn tay luôn chân là cách trẻ rèn luyện thể chất và phát triển các cơ quan vận động.

Trẻ hiếu động thường có tính hướng ngoại, thích chạy nhảy và khám phá thế giới xung quanh. Sự hiếu động bắt nguồn từ việc tò mò, ham thích tìm hiểu những điều mới lạ. Những đứa trẻ hiếu động thường hiếm khi ngồi yên mà thích bắt chước những điều bố mẹ và những người xung quanh làm với sự hào hứng và vui vẻ.

Trẻ hiếu động sẽ thích trò chuyện với những người quen thuộc và có khả năng giao tiếp rõ ràng, mạch lạc. Trẻ cũng có xu hướng nghe lời cha mẹ khi được nhắc nhở. Nếu thấy trẻ quá hiếu động cha mẹ có thể nhẹ nhàng nhắc nhở, hoặc hướng trẻ đến một hoạt động khác thú vị hơn để trẻ quên đi việc nghịch ngợm.

Trẻ hiếu động tuy thích chạy nhảy và vui chơi, nhưng trẻ vẫn có khả năng tập trung tốt vào những điều trẻ có hứng thú. Khi được yêu cầu ngồi yên, trẻ có thể đáp ứng yêu cầu của bố mẹ trong một khoảng thời gian. Đặc biệt nếu đưa cho trẻ một món đồ trẻ yêu thích. Đây là một điểm cần lưu ý khi phân biệt trẻ tăng động và hiếu động.

Sự hiếu động là một biểu hiện bình thường ở trẻ có tính cách hoạt bát, hướng ngoại và ham thích khám phá thế giới xung quanh. Đây không phải là một tính cách xấu, thế nên cha mẹ cần hết sức tâm lý khi điều chỉnh hành vi của trẻ. Đừng quát nạt hay đe dọa làm trẻ sợ hãi. Hãy cư xử thích hợp, giúp trẻ nhận ra hành vi thế nào là quá mức và không được phép làm.

phân biệt trẻ tăng động và hiếu động
Trẻ hiếu động thích thú với những hoạt động yêu cầu tiêu hao nhiều thể lực nhằm giải phóng nguồn năng lượng dư thừa của cơ thể.

Trẻ hiếu động có thể bộc lộ những tài năng đặc biệt vì có thần kinh vận động tốt. Cha mẹ chỉ cần tạo cho trẻ không gian hoạt động thích hợp, an toàn để trẻ xả bớt năng lượng dư thừa. Tốt nhất là hướng trẻ đến những hoạt động vừa học vừa chơi như phụ giúp cha mẹ quét nhà, rửa xe, trồng cây, chăm sóc hoa cỏ, dọn dẹp nhà cửa,… để rèn luyện sức khỏe và tạo thói quen tự lập, biết tự chăm sóc bản thân.

Sự hiếu động của trẻ có thể biến thành một điều kiện tốt để cha mẹ giáo dục trẻ những điều tốt trong cuộc sống. Trẻ không những có thể tùy ý hoạt động, mà còn dần ham thích việc lao động chân chính và giúp đỡ người khác. Điều này rất tốt cho sự phát triển của trẻ về sau.

Trẻ tăng động

Khác với hiếu động chỉ là một biểu hiện thường gặp trong quá trình trưởng thành, tăng động lại là một chứng rối loạn thần kinh ảnh hưởng đến quá trình phát triển và sinh hoạt thường ngày của trẻ. Đây là một chứng rối loạn nghiêm trọng cần được phát hiện và can thiệp sớm để trẻ phát triển khỏe mạnh và bình thường.

Hội chứng AHD tăng động giảm chú ý là một dạng rối loạn vận động thường gặp ở trẻ từ 3 đến 11 tuổi. Những biểu hiện của tình trạng này có nhiều nét tương đồng với trẻ hiếu động nên rất dễ bị bỏ qua nếu không chú ý cẩn thận. Để phân biệt trẻ tăng động và hiếu động, chúng ta cần chú ý quan sát mức độ hành vi, tần suất xuất hiện và một số đặc điểm nổi bật khác để đưa ra kết luận cuối cùng.

Trẻ tăng động có khả năng tập trung kém nên không thể ngồi yên một chỗ quá lâu, và không thể chú tâm vào bất cứ việc gì trong một khoảng thời gian dài. Ngoài ra trẻ cũng gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt hằng ngày vì không thể tập trung hoàn thành việc gì một cách hoàn chỉnh, trẻ mau chán nản và thích bỏ việc giữa chừng.

Trẻ mắc chứng tăng động thường nóng nảy, dễ mất bình tĩnh, cáu gắt, phản ứng mạnh và có những hành vi mang tính bạo lực với cha mẹ và những người xung quanh. Trẻ thường không quan tâm đến cảm nhận của người khác, thích ngắt lời và nói nhiều mà không cần biết người xung quanh có đang lắng nghe hay không. Khả năng giữ bình tĩnh, sự kiên nhẫn, tính trật tự và kỷ luật nơi công cộng của trẻ cũng rất kém.

phân biệt trẻ tăng động và hiếu động
Khó khống chế cảm xúc và khả năng tập tung kém là hai trong số những biêu hiện thường thây ở trẻ tăng động.

Bên cạnh những biểu hiện trên, trẻ cũng có thể chậm nói, nói chuyện không lưu loát, rối loạn giấc ngủ hay nhạy cảm với một số yếu tố nhất định. Nếu những dấu hiệu này xuất hiện liên tục trong vòng 6 tháng, bất kể thời gian địa điểm, biểu hiện rõ ràng trước khi trẻ 12 tuổi, cũng như ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt hằng ngày thì khả năng trẻ chứng tăng động là rất cao.

Trong một số trường hợp, biểu hiện tăng động ở trẻ không quá rõ ràng và nghiêm trọng dẫn đến việc phụ huynh không thể phân biệt trẻ tăng động và hiếu động. Cha mẹ chỉ nghĩ đây là hành động bình thường của những đứa trẻ nghịch ngợm. Đến khi vào độ tuổi đi học, những ảnh hưởng của chứng tăng động bắt đầu được phản ánh rõ ràng thông qua việc học tập. Khi đó phụ huynh mới bắt đầu chú ý đến những biểu hiện kỳ lạ của trẻ.

Cách phân biệt trẻ tăng động và hiếu động một cách chính xác

Hiếu động chỉ là một biểu hiện bình thường trong quá trình trưởng thành của trẻ, trong khi tăng động lại là hội chứng ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của trẻ về sau. Cả hai có một số biểu hiện tương đồng mà nếu cha mẹ không có hiểu biết thì rất dễ bỏ qua. Trẻ tăng động có thể bị nhầm thành hiếu động, ngỗ nghịch và bị “dán mác” là hư hỏng, không nghe lời. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến tâm sinh lý của trẻ, và có thể diễn biến thành những điều tồi tệ hơn về sau.

Tăng động và hiếu động tuy có một số nét tương đồng về biểu hiện, nhưng khi xét kỹ thì cả hai có những nét khác biệt rất rõ ràng mà chỉ cần chú ý là cha mẹ có thể nhận ra. Để phân biệt trẻ tăng động và hiếu động một cách đúng đắn nhất, cha mẹ cần quan sát xem trẻ có những biểu hiện dưới đây hay không.

Độ tuổi biểu hiện

Sự hiếu động thường biểu hiện rõ nhất khi trẻ biết đi, khoảng từ 3 tuổi trở lên. Lúc này trẻ bắt đầu phát triển các cơ quan vận động, cũng như tò mò và muốn cảm nhận mọi thứ về thế giới xung quanh. Vì thế trẻ có xu hướng thích vui đùa, chạy nhảy, leo trèo khắp mọi nơi. Hành vi này sẽ dần dần giảm bớt hoặc hoàn toàn mất đi sau khi trẻ bắt đầu đi học và có những nhận thức đúng đắn hơn về bản thân.

phân biệt trẻ tăng động và hiếu động
Sự hiếu động của trẻ thường giảm dần theo thời gian, nhưng tình trạng tăng động thì không.

Sự tăng động có thời gian biểu hiện dài hơn và có chiều hướng tăng dần theo thời gian. Những biểu hiện rõ ràng nhất của chứng này xuất hiện trong khoảng thời gian từ 3 đến 12 tuổi, và không hề giảm bớt hoặc mất đi khi trẻ bắt đầu trưởng thành. Chứng tăng động ảnh hưởng rất nhiều đến sinh hoạt hằng ngày và chuyện học tập, chứ không đơn giản chỉ là những biểu hiện ham vui bình thường.

Môi trường biểu hiện

Môi trường biểu hiện cũng là một yếu tố giúp ta phân biệt trẻ tăng động và hiếu động một cách chính xác. Trẻ hiếu động thường chỉ bộc lộ sự hiếu động của mình ở những nơi quen thuộc, trước mặt những người quen thuộc, hoặc những nơi thú vị khiến trẻ yêu thích và tò mò muốn khám phá. Một số trẻ hiếu động vẫn sợ người lạ và những nơi ồn ào, náo nhiệt nếu không có bố mẹ và người lớn bên cạnh.

Trẻ tăng động thì trái ngược hoàn toàn. Hành vi tăng động của trẻ biểu hiện ở mọi nơi từ nhà riêng, trường học, nơi công cộng hay bất cứ nơi đâu trẻ đặt chân tới. Việc trẻ không thể ngồi yên, luôn táy máy tay chân, không tuân theo mệnh lệnh và chạy nhảy bất chấp nguy hiểm có thể diễn ra đột ngột tại mọi nơi khiến cha mẹ không thể kiểm soát được. Thậm chí cho dù bị la rầy thì trẻ vẫn không quan tâm mà vẫn tiếp tục làm theo ý mình.

Kiểm soát cảm xúc

Trẻ hiếu động có cảm xúc ổn định, không quấy khóc hay cáu giận la hét mà không có nguyên do. Trẻ biết kiềm chế cảm xúc và nghe lời khi được nhắc nhở. Đối với những trẻ hiếu động nhưng được giáo dục tốt, trẻ sẽ hiếm khi gây rắc rối hay để phụ huynh phải nhắc nhỏ quá nhiều. Trẻ nhận biết được những quy tắc ứng xử đơn giản, và thường dừng hành động nếu được cha mẹ khuyên bảo.

phân biệt trẻ tăng động và hiếu động
Trẻ hiếu động không la hét hay kích động vô cớ và thường dừng ngay hành động không tốt khi được cha mẹ yêu cầu.

Trẻ tăng động lại khó kiểm soát cảm xúc của bản thân. Trẻ dễ cáu giận, gắt gỏng, la hét không rõ nguyên nhân và rất hung hăng với cha mẹ. Thậm chí có những trường hợp trẻ tổn thương cha mẹ và những người xung quanh trong cơn kích động. Khi được nhắc nhở trẻ cũng tỏ thái độ thờ ơ hoặc chống đối, tiếp tục phạm lỗi nhiều lần mà không có thái độ sửa sai. Trẻ thường chen ngang những cuộc trò chuyện và không quan tâm đến cảm xúc của người khác.

Khả năng ngôn ngữ

Khả năng ngôn ngữ cũng là một yếu tố có thể giúp xác định vấn đề tăng động ở trẻ. Những đứa trẻ hiếu động có khả năng ngôn ngữ bình thường, phát triển đúng theo độ tuổi và giai đoạn. Ban đầu trẻ sẽ dùng những từ ngữ đơn giản và phát âm rõ ràng, sau đó bắt đầu ghép từ phức tạp hơn và sắp xếp câu hoàn chỉnh. Khả năng ngôn ngữ của trẻ có sự tiến bộ rõ rệt theo thời gian, đặc biệt trong giai đoạn tiểu học.

Trẻ tăng động có những biểu hiện bất thường torng vấn đề ngôn ngữ, thường là chậm nói, nói ngọng, phát âm không rõ ràng, quên từ, không dùng được từ phức tạp, khó ghép câu hoàn chỉnh,… Những vấn đề này không hề được cải thiện sau quá trình luyện tập hay khi trẻ bắt đầu vào cấp 1, mà có xu hướng kéo dài hoặc nghiêm trọng hơn theo thời gian. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến việc học tập và giao tiếp hằng ngày của trẻ.

Khả năng tập trung

Trẻ hiếu động khi được yêu cầu vẫn có khả năng tập trung tốt, ví dụ cha mẹ có thể yêu cầu trẻ ngồi yên một khoảng thời gian, đưa cho trẻ món đồ chơi yêu thích, bật cho trẻ xem bộ phim hoạt hình yêu thích. Những việc này có thể khiến trẻ ngừng hành động nghịch ngợm, leo trèo và chú tâm vào những hành động khác. Trẻ cũng có tính kiên trì và nhẫn nại tốt hơn trẻ tăng động.

Khả năng tập trung là một đặc điểm giúp phân biệt trẻ tăng động và hiếu động rất rõ ràng. Trẻ hiếu động không gặp vấn đề trong học tập, có khả năng ngồi nghe giảng và tập trung tốt khi được yêu cầu. Những biểu hiện hiếu động cũng được giảm bớt khi trẻ bước vào cấp 1 vì bây giờ trẻ có nhiều vấn đề cần quan tâm, có nhiều cách để tiêu hao năng lượng hơn.

phân biệt trẻ tăng động và hiếu động
Trẻ tăng động có khả năng tập trung kém, không thể ngồi yên nghe giảng bài nên thường có thành tích học tập kém.

Trái lại, khả năng tập trung của trẻ tăng động thường rất kém. Trẻ thường quên trước quên sau, không thể tập trung vào bất cứ điều gì, luôn thấp thỏm, tay chân ngọ nguậy không mục đích, không tuân theo mệnh lệnh và không ngồi yên dù được yêu cầu. Những hành vi này xảy ra với tần suất thường xuyên và ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển tình thần và khả năng học tập của trẻ.

Điều cha mẹ cần làm khi phát hiện trẻ tăng động

Khi phát hiện những triệu chứng bất thường ở trẻ, điều đầu tiên cha mẹ cần làm là bình tĩnh. Nếu các biểu hiện tăng động kéo dài hơn 6 tháng và có chiều hướng xấu đi theo thời gian, cha mẹ cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ hoặc chuyên viên tâm lý để được chẩn đoán chính xác. Bác sĩ sẽ có những bài test chuyên dụng để xác định tình trạng tăng động ở trẻ.

Nếu đã xác định trẻ mắc tăng động giảm chú ý, cha mẹ cần phối hợp chặt chẽ với chuyên viên để giúp trẻ giảm bớt những biểu hiện tăng động. Không được quá lo lắng, căng thẳng hay đối xử bất thường với trẻ để tránh làm tình hình ngày càng tồi tệ hơn. Lúc này đây trẻ cần nhất là sự yêu thương và kiên trì của cha mẹ.

Để giúp trẻ cải thiện tình hình tăng động, cha mẹ có thể thực hiện theo một số điều dưới đây.

  • Cho trẻ dùng thuốc đúng giờ, đúng liều lượng: Tăng động hiện chưa có phương pháp điều trị triệt để, thế nên những loại thuốc được sử dụng chỉ có tác dụng xoa dịu tâm lý, giúp trẻ giảm bớt những biểu hiện tăng động. Việc cho trẻ uống thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ có thể giúp giảm căng thẳng và tăng khả năng tập trung. Để có tác dụng tốt nhất, chúng ta nên kết hợp dùng thuốc với các phương pháp tâm lý trị liệu để giúp trẻ bình tĩnh hơn.
  • Làm việc theo thời khóa biểu: Hãy cho trẻ tăng động một thời khóa biểu chi tiết, và hướng trẻ tuân thủ những yêu cầu đặt ra. Việc này giúp ích rất nhiều cho việc cải thiện khả năng tập trung và chất lượng giấc ngủ của trẻ. Trẻ tăng động thường rất khó đi vào giấc ngủ, ngủ không sâu hoặc dễ thức giấc giữa đêm. Do đó, việc ăn ngủ đúng giờ có thể giúp ổn định đồng hồ sinh học, mang đến giấc ngủ chất lượng và sâu hơn. Từ đó cải thiện tâm trạng, khả năng tập trung và ổn định cảm xúc cho trẻ.
phân biệt trẻ tăng động và hiếu động
Hãy tạo cho trẻ một thời khóa biểu sinh hoạt hợp lý để cải thiện sức khỏe thề chất và tinh thần.
  • Chia nhỏ nhiệm vụ để trẻ dễ tập trung: Trẻ tăng động khó tập trung trong một thời gian dài, đó là lý do trẻ thường bỏ dở công việc giữa chừng. Để giải quyết vấn đề này cha mẹ nên chia nhỏ nhiệm vụ để giúp trẻ dễ hoàn thành hơn. Điều quan trọng là hãy cho trẻ làm những công việc vừa sức, tạo hứng thú để trẻ hoàn thành công việc một cách trọn vẹn. Sau khi trẻ đã quen với các phần thì dạy trẻ cách ghép nối các bộ phận, tạo thành một hoạt động hoàn chỉnh.
  • Khen ngợi khi trẻ làm tốt: Cha mẹ nên khen ngợi khi trẻ làm tốt một việc gì đó. Những lời khen và sự công nhận của cha mẹ có thể giúp trẻ cảm thấy vui vẻ, hào hứng với công việc đã làm hơn. Thái độ tích cực của phụ huynh cũng có ảnh hưởng trực tiếp đến tâm lý của trẻ. Đừng xem việc giáo dục trẻ tăng động là gánh nặng hoặc tỏ thái độ cáu gắt với trẻ. Hãy để trẻ có môi trường phát triển thoải mái nhất.

Cách phân biệt trẻ tăng động và hiếu động không hề khó khăn nếu cha mẹ thật sự dành sự quan tâm đến quá trình phát triển tâm sinh lý của trẻ. Với những trẻ hiếu động, cha mẹ không nên kiềm hãm sự phát triển tự nhiên của trẻ. Hãy để trẻ tự do khám phá thế giới, chỉ cần nhắc nhở và chỉ bảo khi trẻ có hành vi không phù hợp. Còn với những trẻ tăng động, phụ huynh nên theo sát và kiên nhẫn trong việc giáo dục trẻ. Đừng tạo áp lực cho trẻ và chính bản thân mình.

Tham khảo thêm:

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các dấu hiệu trẻ tự kỷ dưới 6 tháng cha mẹ cần lưu ý

Không phản ứng lại với âm thanh, không bập bẹ tập nói, ít bắt chước, ít vận động, mắt phản ứng kém linh hoạt...là những...

Trẻ chậm nói có phải tự kỷ
Trẻ chậm nói có phải tự kỷ? Cách phân biệt tránh nhầm lẫn

Trẻ chậm nói có phải tự kỷ không là điều rất nhiều phụ huynh băn khoăn và lo lắng khi thấy con có những biểu...

Tâm lý trẻ em lứa tuổi mầm non cha mẹ, giáo viên cần hiểu rõ

Nắm bắt tâm lý trẻ ở tuổi mầm non sẽ giúp cha mẹ và giáo viên dễ dàng hơn trong công tác giáo dục. Qua...

Các bài tập cho trẻ giảm chú ý đơn giản dễ áp dụng tại nhà

Giảm chú ý, không tập trung ở trẻ khiến mọi công việc cũng như vấn đề học hành bị sa sút trầm trọng. Ngoài việc...