Top 10 Trò chơi luyện phát âm cho trẻ giúp phát triển ngôn ngữ
Tổ chức trò chơi luyện phát âm cho trẻ không chỉ giúp con cải thiện ngôn ngữ, phát âm chuẩn, phát triển toàn diện khả năng giao tiếp của bản thân mà còn tạo nên cho trẻ những giờ phút vui chơi thật thú vị, tươi vui và hấp dẫn.
Lợi ích tuyệt vời của các trò chơi luyện phát âm cho trẻ
Ngoài các chương trình giáo dục phổ thông trên lớp cơ bản như học đọc, học nói, học viết, học vẽ, học các kỹ năng mềm thì việc áp dụng các trò chơi đan xen trong tiết học cũng được các nhà trường áp dụng thường xuyên.
Hoạt động tổ chức các trò chơi thường thích hợp với trẻ trong độ tuổi mầm non, tiểu học. Ngoài những trò chơi vận động, trò chơi âm nhạc cho trẻ mầm non thì trò chơi luyện phát âm cũng đóng vai trò vô cùng quan trong quá trình học tập và phát triển của trẻ. Đặc biệt các trò chơi này thường được khuyến khích áp dụng cho các trẻ chậm nói, trẻ chậm phát triển trí tuệ, trẻ tự kỷ.
Trò chơi luyện phát âm cho trẻ không chỉ mang lại những phút giây thư giãn, thoải mái, mà còn giúp con trẻ cải thiện được nhiều vấn đề như: Phát triển khả năng giao tiếp của trẻ; Hình thành khả năng ngôn ngữ cho trẻ; Giúp trẻ nói năng mạch lạc, lưu loát; Phát triển vốn từ, Hình thành và phát triển đạo đức; Tăng nhận biết về thế giới xung quanh.
Theo nhiều nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng, trẻ mầm non là độ tuổi quan trọng nhất để tập nói. Vì vậy, khi trẻ được 1.5 tuổi trở lên thì cần tập cho trẻ nói được những từ cơ bản, việc phát âm chuẩn xác khi còn nhỏ thì khi lớn lên bước vào cấp 1, cấp 2 trẻ sẽ thực hiện tốt các vấn đề như đọc nhanh, viết tốt, không lặp từ, không ấp úng, học tốt trong tất cả các lĩnh vực.
Ngược lại, những trẻ phát âm không chuẩn, sai câu từ, nói ngọng mà không được chỉnh sửa thì khi lớn lên lưỡi của bé sẽ mặc định như vậy và chắc chắn ngôn ngữ của trẻ sẽ không được lưu loát như các bạn khác cùng trang lứa. Đồng thời trẻ còn cảm thấy xấu hổ, tự ti, chán nản dễ dẫn đến chứng trầm cảm, tự kỷ nguy hiểm.
Kỹ năng giao tiếp cũng là một trong những vấn đề vô cùng quan trọng của trẻ trong việc học tập và hòa nhập với cộng đồng. Việc áp dụng thường xuyên và đúng cách các trò chơi luyện phát âm cho trẻ sẽ giúp con tự tin, linh hoạt hơn trong việc dùng từ, trao đổi với bạn bè, giáo viên, bố mẹ một cách rành mạch, lưu loát. Đồng thời dạy con biết lịch sự, lễ phép với mọi người xung quanh.
Top 10 Trò chơi luyện phát âm cho trẻ giúp phát triển ngôn ngữ tốt nhất
Không thể phủ nhận được công dụng của các thiết bị điện tử trong đời sống hàng ngày, chúng giúp cho trẻ nhỏ được tiếp xúc với nhiều điều mới lạ, hấp dẫn. Các chương trình học, trò chơi giúp trẻ rèn luyện tư duy tốt, phát triển trí tượng tượng và trí thông minh.
Tuy nhiên, việc lạm dụng quá mức sẽ gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng như trẻ chậm tương tác với mọi thứ xung quanh, chậm nói, chậm phát triển tư duy, xa lánh với mọi người, thậm chí bị tử kỷ, trầm cảm.
Chính vì vậy, các bậc cha mẹ nên chú ý dành nhiều thời gian cho con sau những giờ làm việc. Ngoài việc đưa con ra ngoài đi dạo, đi công viên, khu vui chơi thì chúng ta có thể thực hiện ngay những việc đơn giản ngay tại nhà như đọc truyện cho con nghe, tâm sự cùng con, tổ chức các trò chơi luyện phát âm để vừa mang lại những phút giây thoải mái vừa giúp con phát triển ngôn ngữ tốt hơn.
Dưới đây là gợi ý 10 trò chơi luyện phát âm cho trẻ giúp trẻ phát triển ngôn ngữ hiệu quả, giáo viên và các bậc phụ huynh có thể tham khảo để tổ chức và áp dụng cho trẻ:
1. Trò chơi điền từ
Trò chơi điền từ người tổ chức là người đóng vai trò chính, chẳng hạn nếu cha mẹ chơi cùng con thì trước hết cần tập cho trẻ các bài thơ đơn giản chỉ có vài câu để trẻ có khả năng ghi nhớ. Cha mẹ bắt đầu đọc câu thơ đầu tiên và dừng lại ở từ cuối lúc này con sẽ điền một hoặc hai từ còn sót vào.
Cách chơi trò chơi điền từ:
Ví dụ cụ thể như: Đối với bài thơ “Bà và cháu”
Bé ơi! Mau thức dậy
Tập thể dục với bà
Hai bà cháu chúng ta
Sống vui và sống khỏe.
Thì cha mẹ chỉ đọc “Bé ơi! Mau…” bé sẽ đáp lại 2 từ “thức dậy”; Mẹ đọc tiếp “tập thể dục…” bé đối tiếp “với bà”, cứ như vậy đọc cho đến hết bài thơ.
Trò chơi này sẽ giúp con tăng khả năng ghi nhớ và phản ứng, đồng thời phát triển khả năng ngôn ngữ hiệu quả. Cha mẹ nên lưu ý khi đọc thơ nên chọn những bài đơn giản, ngắn gọn, dễ nghe, dễ hiểu và có tính hấp dẫn để tạo sự thích thú cho trẻ.
2. Chú lưỡi vui tính
Chú lưỡi vui tính là một trong những trò chơi luyện phát âm cho trẻ giúp phát triển ngôn ngữ tốt, đồng thời rèn luyện hàm dưới, cơ lưỡi cho con. Trò chơi này thích hợp với nhóm trẻ mầm non từ 3 đến 5 tuổi.
Chú lưỡi vui tính khá dễ chơi, không cần chuẩn bị các dụng cụ hỗ trợ. Đặc biệt trò chơi này không cần nhiều thành viên cũng có thể chơi được. Vì vậy, các bậc cha mẹ nên cố gắng thực hiện tại nhà cùng bé để giúp con luyện cơ lưỡi, phát âm tốt và tăng khả năng ghi nhớ.
Cách tổ chức trò chơi chú lưỡi vui tính:
Cô giáo hoặc cha mẹ sẽ cho con ngồi đối diện và bắt đầu kể chuyện: “Có một chú lưỡi nọ rất đáng yêu, sống trong một ngôi nhà. Buổi sáng ngủ dậy lưỡi nhìn lên phía trần nhà, rồi ngó xuống đất. Lưỡi muốn được đi ra ngoài chơi, lưỡi ngó bên trái, ngó bên phải. Không muốn chơi nữa lưỡi đòi ăn, lưỡi liếm sữa. Ăn xong lưỡi đi ngủ thật ngoan ngoãn”.
Người lớn vừa kể vừa làm mẫu một lần cho trẻ thấy và ghi nhớ, sau đó sẽ kể lại và yêu cầu trẻ vừa nghe vừa thực hiện các động tác theo lời kể.
3. Trò chơi lộn cầu vồng
Lộn cầu vồng là một trong những trò chơi dân gian khá quen thuộc đối với mỗi chúng ta. Khi áp dụng trò chơi này cho trẻ sẽ giúp con phát âm chuẩn xác, thậm chí là các âm vị khó. Đây là một bài đồng dao có âm điệu vui nhộn nên rất dễ thuộc. Tuy nhiên chỉ nên áp dụng cho trẻ từ 3 tuổi trở lên.
Nội dung bài đồng dao Lộn cầu vồng:
“Lộn cầu vồng,
Nước trong nước chảy.
Có cô mười bảy,
Có chị mười ba.
Hai chị em ta,
Ra lộn cầu vồng”.
Cách chơi trò chơi lộn cầu vồng:
- Trò chơi này cần ít nhất 2 thành viên, các trẻ đứng quay mặt vào nhau, đọc bài đồng dao, đồng thời cầm chắc tay nhau vung tay sang hai bên theo nhịp.
- Khi đọc bài đồng dao đến câu cuối cùng thì cả hai bạn cùng chui qua tay nhau sao cho quay lưng vào với nhau.
- Tiếp tục cầm chặt tay nhau hạ xuống thấp, đọc lại bài đồng dao, vừa đọc vừa chuyển động tay đều đặn, đến câu cuối cùng lại nắm tay nhau và chui qua tay nhau trở về đúng tư thế ban đầu.
4. Đồng hồ tích tắc
Mục đích của trò chơi đồng hồ tích tắc mang lại rất tuyệt vời, giúp trẻ luyện phát âm chính xác, đọc câu từ theo nhịp điệu. Đồng thời giúp con biết được vật dụng đồng hồ là gì, từ trong tiềm thức của trẻ biết được quy luật hoạt động của nó.
Ưu điểm của trò chơi này là chỉ cần hai người là đã thực hiện được, vì vậy các bậc cha mẹ nên cố gắng dành thời gian chơi cùng con tại nhà để giúp con sớm biết nói, phát âm đúng và phát triển vốn từ của mình.
Quy trình thực hiện trò chơi đồng hồ tích tắc:
- Đầu tiên cha mẹ cần tập cho trẻ bài thơ: Đồng hồ quả lắc để con hình dung và nắm được những câu từ.
“Tích tắc! Tích tắc!
Đồng hồ quả lắc
Tích tắc đêm ngày
Không ngừng phút giây”.
- Cần hướng dẫn trẻ sơ qua một lần để con biết cách chơi, bé cần đưa hai tay cầm lấy hai vành tai của mình.
- Mẹ và em bé cùng đọc “Tích” thì cùng nghiêng toàn bộ người về phía bên phải, đọc tiếp “Tắc” cùng nghiêng người về phía bên trái.
- Tiếp tục cả mẹ và bé cùng đọc câu dài hơn và liền mạch “Tích tắc, tích tắc” và nghiêng người về phía bên phải rồi sang phía bên trái theo nhịp điệu câu thơ.
- Cứ như vậy mẹ cùng bé đọc hết bài thơ và thực hiện các động tác nghiêng người theo nhịp.
5. Bắt chước âm thanh
Trò chơi bắt chước âm thanh có ưu điểm không cần chuẩn bị các dụng cụ hỗ trợ, đồng thời không cần quá nhiều người cũng có thể tổ chức. Đây cũng được xem là một trong những trò chơi luyện phát âm cho trẻ đơn giản, dễ chơi, phù hợp với lứa tuổi mầm non từ hai tuổi trở lên.
Bắt chước âm thanh đem lại nhiều điều bổ ích cho trẻ chẳng hạn như giúp con làm quen và biết rõ các loại động vật xung quanh mình, giúp trẻ luyện phát âm theo tiếng kêu của từng loài vật, đồng thời vận động cơ thể theo các động tác đặc trưng của từng con vật. Ngoài ra, trò chơi còn tạo cho trẻ kết nối các giác quan với nhau, phát triển trí tượng tượng phong phú.
Cách thức tổ chức trò chơi bắt chước âm thanh:
- Đầu tiên cha mẹ cần giới thiệu một số con vật cơ bản rồi thực hiện tiếng kêu và các động tác đặc trưng của từng loài động vật cho con làm quen và nắm rõ. Chú ý tùy thuộc vào độ tuổi của con mà lựa chọn các con vật ở mức độ khó dễ cho trẻ thực hiện.
- Ví dụ cha mẹ nói con mèo thì trẻ sẽ biết cách úp hai bàn tay vào nhau, gối dưới má và phát ra tiếng kêu “meo meo”.
- Khi nói con vịt thì trẻ sẽ đưa hai bàn tay lên miệng, một tay úp, một tay ngửa, vỗ hai bàn tay vào nhau và nói “cạc cạc”.
- Khi cha mẹ nói con chó thì trẻ sẽ co hai cánh tay lại đặt phía trước ngực và kêu “gâu gâu”.
- Khi nói con gà trống thì trẻ sẽ đứng lên, vỗ nhẹ hai tay vào mông của mình và kêu “ò ó o”.
Ngoài ra còn nhiều con vật khác mà các bậc cha mẹ có thể chơi tiếp cùng trẻ như con ong, con dê, con lợn, con bướm. Nếu có điều kiện thì cha mẹ cũng có thể vừa hướng dẫn trẻ chơi vừa kết hợp thêm các hình ảnh động vật minh họa để con biết rõ về từng loài động vật và giúp trò chơi trở nên sinh động hơn.
Ngoài chủ đề động vật thì cha mẹ cũng có thể đổi các chủ đề mới mẻ khác như đồ vật, các phương tiện giao thông để giúp con có cái nhìn tổng quan hơn về thế giới xung quanh.
6. Con vật nào đây?
Đối với trò chơi này các bậc phụ huynh cần chuẩn bị các bức tranh về các loài động vật, lưu ý nên lựa chọn những con vật quen thuộc, gần gũi để giúp trẻ dễ nhận biết hoặc tùy vào độ tuổi của trẻ để nâng độ khó lên. Trò chơi thích hợp tổ chức cho các trẻ mầm non từ 1.5 tuổi trở lên.
Trò chơi con vật nào đây nhằm mục đích tăng khả năng nhận biết cho trẻ, giúp con ghi nhớ tên động vật, tăng khả năng phản xạ, sự nhanh nhạy, đồng thời luyện phát âm giúp trẻ nói rõ ràng, rành mạch và lưu loát hơn. Ngoài chủ đề động vật thì chúng ta có thể triển khai trò chơi theo chủ đề phương tiện giao thông, đồ vật, cây cối, hoa quả.
Cách chơi trò chơi con vật nào đây?
- Tương tự như các trò chơi khác, trước khi chơi thì cha mẹ cần giới thiệu qua cho trẻ một lần về các loài động vật.
- Cha mẹ sẽ giơ từng bức tranh tương ứng với từng con vật và hỏi đây là con gì? Lúc này bé sẽ trả lời tên con vật.
- Trường hợp nếu như trẻ chưa thể trả lời được con vật đó tên gì thì cha mẹ có thể gợi ý hoặc nói cho con biết rồi đề nghị con nhắc lại.
- Cứ như vậy thực hiện hết số tranh ảnh đã chuẩn bị, với nhiều lần đưa ra câu hỏi và câu trả lời như vậy sẽ giúp trẻ nhớ hết được các loài động vật.
- Trong khi con trả lời tên động vật cha mẹ có thể đề nghị trẻ thực hiện tiếng kêu của từng con vật để giúp con nắm được thêm nhiều kiến thức cơ bản.
7. Thổi cốc nước nóng
Thổi cốc nước nóng cũng là một trong những trò chơi luyện phát âm cho trẻ giúp phát triển ngôn ngữ đơn giản, có thể áp dụng cho trẻ từ 3 tuổi trở lên. Trò chơi được áp dụng trong giờ thực hành ngoại khóa, các giờ hoạt động tập thể lớp vào buổi chiều hoặc những dịp sinh nhật bạn nào đó trong lớp.
Việc tổ chức trò chơi theo nhóm, theo tổ hoặc theo lớp như vậy giúp mang lại không khí sôi động, náo nhiệt, kích thích sự hứng thú của trẻ, từ đó con muốn tham gia và năng nổ hơn. Thổi cốc nước nóng có tác dụng giúp trẻ rèn luyện cơ môi, khả năng điều khiển hơi thở tốt hơn.
Cách thức chơi trò chơi thổi cốc nước nóng:
- Đầu tiên các cô cần chuẩn bị các cốc nước đặt sẵn trên bàn, có tất cả bao nhiêu bạn tham gia thì cô chuẩn bị tương ứng bấy nhiêu ly nước.
- Xếp trẻ ngồi ngay ngắn trên ghế và ly nước đặt trên bàn trước mặt trẻ hoặc cũng có thể không sử dụng dụng cụ để trẻ tự tưởng tượng ra.
- Cô sẽ kể về một tình huống nào đó giúp trẻ tưởng tượng là trên tay đang cầm một ly nước nóng, bắt buộc phải thổi nguội rồi mới uống được.
- Cô ra hiệu cho các con thở từng hơi dài, khi nước đã nguội thì các con sẽ uống từng ngụm, đồng thời hít thở sâu, rồi cuối cùng “hà” một cái như vừa uống nước thực sự.
8. Trò chơi ngửi hoa
Ngửi hoa là một trong những trò chơi luyện thở ngữ âm hiệu quả cho trẻ, khi áp dụng trò chơi này sẽ giúp trẻ biết cách thở dài, lấy hơi, phát huy tác dụng của thính giác. Trò chơi ngửi hoa rất nhẹ nhàng nên có thể được thực hiện vào buổi sáng sớm để hít thở không khí trong lành hoặc sau các trò chơi vận động thể chất.
Ngoài ngửi hoa thì các giáo viên có thể linh hoạt đổi các chủ đề khác để giúp các con làm quen với nhiều thứ khác, đồng thời không bị nhàm chán, chẳng hạn như ngửi mùi trái cây chín, ngửi mùi các món ăn. Trò chơi này thích hợp với trẻ mầm non từ 2.5 tuổi trở lên.
Cách tổ chức trò chơi ngửi hoa:
- Đầu tiên cô sắp xếp tất cả các bạn đứng thành vòng tròn để dễ thực hiện và quản lý.
- Giáo viên cần chuẩn bị một bình hoa tươi đặt trên bàn hoặc mỗi bé sẽ cầm một bông hoa trên tay hoặc cũng có thể không dùng dụng cụ hỗ trợ để trẻ tự tưởng tượng.
- Trong các trường hợp ngoại khóa các cô có thể cho trẻ xuống sân vườn của trường và cho trẻ ngửi hoa trực tiếp giúp trẻ cảm thấy thích thú hơn.
- Cô sẽ hướng dẫn và làm mẫu một lần để các con nắm rõ cách thức chơi rồi nghe theo hiệu lệnh của cô.
- Khi trẻ đứng thành vòng tròn, cô sẽ đứng ở giữa vòng và nói to: “Nào, chúng ta hãy cùng nhau thực hiện động tác ngửi hoa nhé các con!” Các con hãy hít một hơi thật sâu, thật dài sau đó thở ra từ từ, vừa thở ra vừa nói “Thơm quá”. Có thể thực hiện lặp đi lặp lại khoảng 5 – 6 lần như vậy và kết thúc trò chơi.
9. Trò chơi truyền tin
Truyền tin là một trong những trò chơi luyện phát âm cho trẻ giúp trẻ phát triển ngôn ngữ hiệu quả được các nhà trường khuyến khích áp dụng. Tuy nhiên, trò chơi này mang tính chất khá khó và phức tạp nên chỉ dành cho các trẻ mầm non từ 4.5 đến 5 tuổi hoặc các trẻ tiểu học.
Trò chơi truyền tin mang lại nhiều lợi ích tuyệt vời cho trẻ như phát huy tính sáng tạo, củng cố và nâng cao vốn từ ngữ cho trẻ; Rèn luyện khả năng nghe nói và truyền đạt thông tin chính xác. Để thực hiện trò chơi này giáo viên cần chuẩn bị một không gian rộng rãi, thoáng mát và đảm bảo không có tiếng ồn.
Hướng dẫn thực hiện trò chơi truyền tin:
- Cô sẽ xếp các trẻ đứng theo hàng dọc hoặc ngồi theo hàng ngay ngắn, chia làm ba hoặc nhiều đội tùy thuộc vào số lượng trẻ, mỗi đội khoảng 5 đến 6 bạn.
- Bạn đầu tiên sẽ rút một lá thăm hoặc một bức tranh, trên đó có ghi nội dung cụ thể thông tin cần truyền đạt đến các bạn. Nhưng yêu cầu trẻ cần diễn đạt ngôn từ theo một cách khác không trùng lặp với tên hoặc hình ảnh có trên thông tin đưa ra ban đầu.
- Cứ như vậy truyền đến bạn thứ 2, thứ 3 và đến bạn cuối cùng. Bạn đó sẽ lên đứng trước lớp và đọc to rõ ràng kết quả nhận được để cô và cả lớp so sánh xem có chính xác hay không.
- Được phân thành từng đội nên đội nào giành chiến thắng sẽ được nhận thưởng, còn đội nào thua cuộc sẽ bị phạt, hình phạt có thể là biểu diễn một bài hát, búng trán, búng tai…
Lưu ý những thông tin, hình ảnh để trẻ thực hiện trong trò chơi nên lựa những chủ đề đơn giản, quen thuộc với trẻ để con dễ dàng nhận biết và đoán được. Trò chơi này có thể được áp dụng để mở đầu cho một hoạt động học tập hoặc thực hiện sau khi trẻ vừa chơi các trò vận động thể chất.
10. Trò chơi tập tầm vông
Tập tầm vông là một trò chơi dân gian vui nhộn được nhiều trẻ yêu thích, đồng thời cách thức chơi đơn giản nên có thể áp dụng cho các trẻ mầm non từ hai tuổi trở lên. Khi thực hiện trò chơi này sẽ giúp các con phát triển ngôn ngữ, tăng vốn từ, phát âm chuẩn hơn và biết cách đọc thơ theo nhịp điệu.
Trò chơi này có thể thực hiện được ngay cả khi chỉ có một trẻ, vì vậy các bậc cha mẹ có thể tham khảo để áp dụng ngay tại nhà cùng con ngay khi có thời gian rảnh rỗi để giúp con cảm thấy thoải mái, thích thú và gần gũi hơn với cha mẹ. Lưu ý, trước khi chơi trò chơi thì giáo viên hoặc cha mẹ nên tập cho trẻ thuộc bài thơ.
Nội dung bài đồng dao tập tầm vông:
“Tập tầm vông
Tay không tay có
Tập tầm vó
Tay có tay không
Tay nào có
Tay nào không?
Có có, không không”.
Cách chơi trò chơi tập tầm vông:
- Cô giáo sẽ chọn ra từng cặp chơi với nhau hoặc ở nhà thì cha mẹ có thể trực tiếp chơi với trẻ. Hai trẻ quay mặt vào với nhau.
- Cô sẽ chỉ định một trong hai bạn đặt trong tay một vật nhỏ và nắm chặt tay lại, tuyệt đối không được để đối phương nhìn thấy là tay nào.
- Sau đó cô và trẻ cùng đọc to rõ bài đồng dao tập tầm vông, khi đến câu cuối cùng “Có có, không không” hai tay của bạn giữ đồ sẽ lắc mạnh theo nhịp của bài thơ để tăng sự hấp dẫn, kịch tính.
- Bạn giữ đồ trong tay sẽ đưa hai tay về phía trước, bạn còn lại nhìn, đoán và chọn ra tay nào giấu đồ. Bạn cầm đồ sẽ xòe hai bàn tay ra, nếu đúng thì giành chiến thắng và nhận được thưởng, còn nếu thua thì nhận hình phạt như đã quy định.
- Sau khi hết lượt thì có đổi vị trí cho nhau để thực hiện lại trò chơi.
Trên thực tế cho thấy, đối với trẻ trong độ tuổi mầm non, hoạt động vui chơi là phương tiện giáo dục chủ đạo mang lại nhiều hiệu quả tuyệt vời. Do đó ngoài việc học chữ, tập đọc, tập nói thì tổ chức các trò chơi vận động, trò chơi âm nhạc hoặc trò chơi luyện phát âm đan xen trong các giờ học cho trẻ là điều rất cần thiết.
Trên đây là tổng hợp 10 trò chơi luyện phát âm cho trẻ mang lại nhiều lợi ích như hình thành khả năng ngôn ngữ, phát triển vốn từ, giúp trẻ phát âm chuẩn, nói năng mạch lạc lưu loát. Giáo viên cũng như các bậc phụ huynh có thể tham khảo để tổ chức cho con trẻ giúp con phát triển toàn diện.
Có thể bạn muốn biết:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!