Top 10 Trò chơi vận động cho trẻ mầm non giúp phát triển toàn diện

Tổ chức trò chơi vận động cho trẻ mầm non là hoạt động có ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển toàn diện. Ngoài thời gian học tập và vui chơi ở trường, gia đình cũng nên tổ chức các trò chơi phù hợp với độ tuổi nhằm giúp bé tăng chiều cao, khả năng vận động, rèn luyện trí não, phát triển khả năng ghi nhớ và trí tưởng tượng.

Lợi ích của trò chơi vận động đối với trẻ mầm non

Mầm non là giai đoạn trẻ tiếp thu nhanh kiến thức, luôn tò mò và thắc mắc về thế giới xung quanh. Giai đoạn 3 – 6 tuổi được xem là thời điểm vàng để trang bị kỹ năng và kích thích sự hứng thú của trẻ đối với việc học.

Giáo dục trẻ cần phải lựa chọn phương pháp phù hợp với lứa tuổi. Trong giai đoạn mầm non, các trò chơi vận động được khuyến khích để giúp trẻ phát triển thể chất và trí tuệ. Khi tham gia trò chơi, trẻ có thể rèn luyện kỹ năng giao tiếp, kỹ năng vận động thô, vận động tinh, học cách hòa nhập, kết bạn và trang bị thêm nhiều kỹ năng cần thiết khác.

Trò chơi vận động cho trẻ mầm non
Các trò chơi vận động giúp trẻ mầm non phát triển toàn diện cả thể chất và trí não

Trẻ trong độ tuổi mầm non thường hiếu động. Tham gia các trò chơi vận động sẽ giúp trẻ giải phóng năng lượng dư thừa, qua đó hạn chế hành vi nghịch ngợm, chạy nhảy quá mức gây phiền toái cho thầy cô, bạn bè và gia trình.

Hiện nay, có rất nhiều trò chơi vận động phù hợp với lứa tuổi mầm non. Tổ chức các trò chơi này thường xuyên sẽ giúp trẻ cứng cáp, dạn dĩ hơn, góp phần nâng cao nhận thức và khả năng tưởng tượng. Trò chơi vận động cũng được khuyến khích cho những trẻ đặc biệt như trẻ tự kỷ, trẻ chậm phát triển ngôn ngữ, trẻ chậm phát triển trí tuệ,…

Thay vì can thiệp các phương pháp cứng nhắc và khô khan, tham gia trò chơi sẽ mang đến cho trẻ sự thích thú và cảm giác vui vẻ. Trong quá trình vui chơi, trẻ nhỏ có thể trang bị những kỹ năng cần thiết một cách vô cùng tự nhiên.

10 Trò chơi vận động cho trẻ mầm non giúp bé phát triển tốt

Ngày nay, trẻ nhỏ được gia đình cho phép tiếp xúc với thiết bị điện tử từ rất sớm. Điều này gây ra vô số những tác động tiêu cực như chậm nói, gia tăng nguy cơ tăng động giảm chú ý, nghiện game, tương tác xã hội kém,…

Thay vì để trẻ xem tivi và điện thoại khi rảnh rỗi, gia đình nên tổ chức các trò chơi vận động cho trẻ. Các trò chơi này cũng rất phù hợp với môi trường mầm non. Tập thể lớp sẽ cùng vui chơi để có thể phát triển toàn diện và xây dựng tinh thần đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau.

Dưới đây là 10 trò chơi vận động cho trẻ mầm non hay nhất, quý phụ huynh và giáo viên có thể tham khảo để xây dựng chương trình giáo dục trẻ toàn diện:

1. Chi chi chành chành

Chi chi chành chành là trò chơi dân gian rất phổ biến ở nước ta. Ưu điểm là trò chơi này là chỉ cần từ 2 người trở lên, kết hợp cả vận động thể chất và âm nhạc nên rất tốt cho sự phát triển toàn diện. Bài vè được sử dụng trong trò chơi Chi chi chành chành sẽ giúp trẻ phát triển khả năng ngôn ngữ, gia tăng vốn từ vựng và hình thành nhu cầu giao tiếp một cách tự nhiên.

Trò chơi Chi chi chành chành không cần chuẩn bị bất cứ vật dụng gì. Chính vì vậy, gia đình và giáo viên có thể tổ chức một cách dễ dàng. Số lượng người chơi ít nhất là 2 người và nếu tổ chức cả lớp nên chia thành nhiều đội để dễ kiểm soát.

Trò chơi vận động cho trẻ mầm non
Chi chi chành chành là trò chơi dân gian đơn giản được khuyến khích cho trẻ mầm non, tiểu học

Cách chơi Chi chi chành chành:

  • Bố mẹ và giáo viên sẽ đảm nhiệm vị trí quản trò, xòe bàn tay và hướng dẫn các em đặt ngón tay (thường là ngón trỏ) vào bên trong.
  • Sau đó đọc bài vè “Chi chi chành chành – Cái đanh thổi lửa – Con ngựa chết trương – Tam vương ngũ đế – Chấp chế đi tìm – Ù à ù ập”.
  • Sau khi kết thúc bài vè, người quản trò sẽ nắm tay lại bất ngờ. Ai không rút kịp ngón tay sẽ là người thua cuộc và sẽ trở thành người quản trò tiếp theo.

Chi chi chành chành là trò chơi vận động được khuyến khích cho trẻ mầm non. Thực tế, trẻ từ 2.5 tuổi đã có thể chơi trò chơi này với bố mẹ. Ngoài phát triển khả năng ngôn ngữ và giao tiếp, trò chơi Chi chi chành chành giúp trẻ tăng phản xạ và nhạy bén hơn.

2. Bắt chước tạo dáng

Bắt chước tạo dáng là trò chơi vận động đơn giản và trẻ từ 1.5 tuổi trở lên có thể tham gia trò chơi này. Trước khi chơi, bố mẹ/ giáo viên nên gợi ý trẻ thực hiện một số tư thế, hình dáng con vật.

Trò chơi vận động cho trẻ mầm non
Bắt chước tạo dáng là một trong những trò chơi vận động thích hợp cho trẻ mầm non

Cách chơi trò chơi Bắt chước tạo dáng:

  • Luật chơi là trẻ có đi thể chạy nhảy, vui chơi thoải mái.
  • Khi quản trò ra hiệu lệnh, tất cả phải đứng lại và nói đúng con vật mà mình đang bắt chước.
  • Quản trò nên yêu cầu trẻ suy nghĩ trước con vật mà mình muốn bắt chước trước khi ra hiệu lệnh. Như vậy trẻ sẽ không gặp phải tình trạng lúng túng.
  • Khi tổ chức trò chơi Bắt chước tạo dáng, nên có phần thưởng cho bạn nhỏ tạo dáng giống nhất để tạo không khí vui vẻ.

Bắt chước tạo dáng là trò chơi vận động cực kỳ thích hợp cho trẻ mầm non. Có thể cho trẻ tham gia trò chơi với bạn bè hoặc những thành viên trong gia đình. Trò chơi này vừa giúp trẻ gia tăng sự nhạy bén, linh hoạt vừa làm phong phú trí tưởng tượng. Vào thời gian rảnh rỗi, phụ huynh nên tổ chức trò chơi Bắt chước tạo dáng để giúp bé phát triển thể chất, trí não và nuôi dưỡng tình cảm với những thành viên trong gia đình.

3. Trò chơi cáo và thỏ

Trò chơi cáo và thỏ thường được tổ chức cho trẻ mầm non, tiểu học. Trò chơi này vừa giúp trẻ phát triển khả năng vận động vừa gia tăng tính đoàn kết. Để tổ chức trò chơi cáo và thỏ, cần ít nhất là 3 – 4 bạn nhỏ. Nếu số lượng học sinh quá đông, có thể chia thành nhiều nhóm để dễ quản lý.

Trò chơi vận động cho trẻ mầm non
Tham gia trò chơi cáo và thỏ giúp trẻ tăng phản xạ, trở nên linh hoạt và nhạy bén hơn

Cách thực hiện trò chơi Cáo và Thỏ:

  • Giáo viên sẽ chọn một bạn làm cáo ngồi ở góc lớp (có thể cho trẻ chơi tay trắng – tay đen, oẳn tù tì để lựa chọn người phải làm cáo).
  • Sau đó, giáo viên bố trí làm 2 cái hang, trong đó 1 hang sẽ là hang thỏ.
  • Các bạn nhỏ làm thỏ cần phải nhớ chuồng của mình và đi kiếm ăn (dạy trẻ làm động tác giơ hai tay lên ngực và nhảy giống như thỏ).
  • Trong lúc thỏ kiếm ăn, quản trò sẽ đọc bài thơ

“Trên bãi cỏ

Các chú thỏ

Tìm rau ăn

Rất vui vẻ

Thỏ nhớ nhé

Có cáo gian

Đang rình đấy

Thỏ nhớ nhé

Chạy cho nhanh

Kẻo cáo gian

Tha đi mất.”

  • Sau khi đọc hết bài thơ, cáo sẽ xuất hiện. Nhiệm vụ của các bạn thỏ là chui vào hang. Nếu không kịp chui vào hang hoặc vào nhầm hang sẽ bị cáo bắt. Bạn nhỏ bị bắt sẽ tiếp tục đóng vai cáo.

Trò chơi Cáo và Thỏ sẽ giúp trẻ tăng khả năng vận động thô, cải thiện các cơ và sự nhạy bén, linh hoạt. Ngoài ra, khi tham gia trò chơi, trẻ phải nhớ vị trí hang để ẩn nấp khi Cáo xuất hiện. Qua đó giúp bé tăng cường khả năng ghi nhớ và phát triển não bộ.

4. Vượt chướng ngại vật

Vượt chướng ngại vật là trò chơi vận động quen thuộc, có thể linh hoạt thiết kế và tổ chức phù hợp với từng độ tuổi. Trò chơi này sẽ thích hợp với số lượng từ 6 bạn nhỏ trở lên. Ngoài tăng khả năng vận động, Vượt chướng ngại vật còn giúp trẻ xây dựng tính đoàn kết, tương trợ lẫn nhau khi gặp khó khăn.

Với trò chơi này, giáo viên cần chuẩn bị phấn vạch, chai nhựa, hầm chui được làm bằng bìa carton và một số dụng cụ khác. Có thể linh hoạt chuẩn bị thêm những “chướng ngại vật” khác để gia tăng độ khó cho trò chơi.

Trò chơi vận động cho trẻ mầm non
Vượt chướng ngại vật là trò chơi vận động giúp cho trẻ mầm non phát triển thể lực, khả năng vận động tinh và thô

Cách tổ chức trò chơi Vượt chướng ngại vật:

  • Trước tiên, cần chia các bạn nhỏ thành nhiều đội cân bằng về số lượng. Mỗi đội nên có từ 3 – 5 bạn.
  • Các bạn nhỏ cần đứng xếp hàng theo đội của mình và xuất phát sau khi hiệu lệnh.
  • Các bạn nhỏ sẽ lần lượt vượt qua từng chướng ngại vật được quản trò thiết kế. Khi vượt qua chướng ngại, phải ném vòng vào cổ chai. Sau khi hoàn thành, chạy về xếp hàng và tiếp tục đợi đến lượt.
  • Trong thời gian quy định (3 – 4 phút), đội nào có số vòng được ném trúng nhiều nhất sẽ là đội chiến thắng.

Tinh thần đồng đội, đoàn kết sẽ được xây dựng từ những trò chơi đơn giản như Vượt chướng ngại vật. So với những trò chơi trên, Vượt chướng ngại vật cần có sự chuẩn bị chu đáo hơn. Do đó, trò chơi này sẽ thích hợp thực hiện ở trường mầm non. Ở nhà, bố mẹ có thể tổ chức các trò chơi đơn giản hơn, phù hợp với không gian và số lượng thành viên tham gia.

5. Nhảy lò cò

Ngoài Chi chi chành chành, nhảy lò cò cũng là trò chơi dân gian được ưa chuộng. Trò chơi này có luật chơi vô cùng đơn giản, đó là trẻ cần nhảy lò cò vào ô mà quản trò chỉ định.

Trước khi chơi, các bạn nhỏ sẽ hỗ trợ quản trò vẽ các ô, viết chữ và số vào bên trong. Như vậy, trò chơi nhảy lò cò ngoài việc tăng cường thể chất cho bé còn giúp trẻ phát triển kỹ năng vận động tinh, thành thạo kỹ năng viết chữ, viết số,…

Trò chơi vận động cho trẻ mầm non
Nhảy lò cò là trò chơi vận động đơn giản có thể tổ chức tại nhà và tại trường mầm non

Cách chơi trò chơi nhảy lò cò:

  • Các bạn nhỏ sẽ giúp giáo viên vẽ các ô trên sân, sau đó viết số, chữ theo hướng dẫn.
  • Trẻ đứng ở vị trí xuất phát, xếp hàng để chơi lần lượt.
  • Sau đó, quản trò sẽ hô khẩu hiệu và chỉ định trẻ nhảy vào một trong những ô đã vẽ.
  • Bạn nhỏ cần nhảy lò cò đến ô được chỉ định. Nếu hoàn thành đúng yêu cầu, trẻ sẽ chiến thắng. Trẻ bị té ngã, không đứng vững bằng 1 chân sẽ thua cuộc.

6. Trò chơi làm theo tín hiệu đèn

Trong chương trình giáo dục mầm non, giáo viên phải trang bị cho trẻ những kỹ năng cần thiết để phục vụ cho cuộc sống. Trong đó, kỹ năng tham gia giao thông là kỹ năng sống cho trẻ mầm non cần được trang bị càng sớm càng tốt.

Ngoài việc dạy lý thuyết, giáo viên có thể trang bị kỹ năng cho trẻ bằng trò chơi làm theo tín hiệu đèn. Thông qua trò chơi này, trẻ có thể nhận biết tín hiệu đèn giao thông, gia tăng thể lực và dạn dĩ hơn. Trong quá trình chơi, trẻ sẽ phải mô phỏng các phương tiện giao thông. Để làm điều này, các bạn nhỏ cần vận dụng trí tưởng tượng và có khả năng quan sát tốt.

Trò chơi vận động cho trẻ mầm non
Trò chơi làm theo tín hiệu đèn sẽ giúp trẻ trang bị kỹ năng tham gia giao thông và hình thành tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau

Cách chơi trò chơi làm theo tín hiệu đèn:

  • Quản trò cần chuẩn bị 3 tấm thẻ có màu sắc tương ứng với đèn xanh, đèn đỏ, đèn vàng.
  • Sau đó, các bạn nhỏ sẽ lựa chọn phương tiện như ô tô, xe máy, xe đạp, máy bay và mô phỏng phương tiện đó.
  • Các bạn nhỏ sẽ di chuyển trên đường và nghe hiệu lệnh của quản trò (Đèn đỏ – Dừng; Đèn xanh – Đi; Đèn vàng – Đi chậm).
  • Bạn nhỏ thực hiện sai sẽ bị loại và loại dần cho đến khi tìm được người chiến thắng.

7. Cá sấu lên bờ

Cá sấu lên bờ là một trong những trò chơi vận động cho trẻ mầm non thường được tổ chức ở nhà trẻ. Đây là một trong những trò chơi dân gian của Việt Nam. Luật chơi và cách thức chơi vô cùng đơn giản nhưng mang lại nhiều lợi ích đối với sức khỏe.

Cá sấu lên bờ sẽ giúp trẻ rèn luyện khả năng vận động thô (chạy, nhảy, đi lại), tăng cường cơ bắp, tạo hứng thú cho trẻ khi đến trường. Khi tham gia trò chơi, trẻ cũng sẽ dễ dàng hòa nhập, kết bạn và có ý thức hơn về tinh thần tập thể.

Trò chơi vận động cho trẻ mầm non
Cá sấu lên bờ là trò chơi vận động kích thích trẻ phát triển thể lực, tăng phản xạ và sự nhạy bén

Cách tổ chức trò chơi Cá sấu lên bờ:

  • Lựa chọn sân rộng rãi, kẻ vạch ngăn cách bờ và sông.
  • Sau đó, yêu cầu các bạn nhỏ oẳn tù tì để chọn người làm cá sấu.
  • Khi có hiệu lệnh, các bạn nhỏ xuống sông vui chơi, chạy nhảy vừa hát “Cá sấu lên bờ”. Một số bạn nhỏ khác có thể đứng trên bờ thò chân xuống sông.
  • Cá sấu sẽ tìm cách bắt các bạn nhỏ. Tuy nhiên không được bắt nếu bạn nhỏ không nhảy xuống sông hoặc thò chân, tay xuống nước.
  • Trường hợp không bắt được, có thể yêu cầu đổi người.

8. Trời nắng trời mưa

Ngoài những trò chơi trên, giáo viên/ gia đình cũng có thể tổ chức trò chơi Trời nắng trời mưa cho trẻ mầm non. Trò chơi này khá đơn giản nhưng giúp trẻ rèn luyện kỹ năng phản xạ và trang bị thêm kỹ năng sống về việc bảo vệ bản thân khi thời tiết thay đổi.

Luật của trò chơi Trời nắng trời mưa khá đơn giản. Khi có hiệu lệnh “trời nắng”, các bạn nhỏ có thể ra ngoài chơi, chạy nhảy và ca hát. Nếu nghe hiệu lệnh “trời mưa”, các bạn nhỏ phải trú mưa. Có thể vẽ vòng tròn trong sân để làm nơi trú mưa.

Trò chơi vận động cho trẻ mầm non
Trời nắng trời mưa là một trong những trò chơi vận động được khuyến khích cho trẻ trong độ tuổi mầm non

Cách tổ chức trò chơi Trời nắng trời mưa:

  • Trước tiên, cần chuẩn bị nơi trú mưa cho các bạn trẻ. Nên vẽ vòng tròn có kích thước vừa đủ, không nên quá lớn để có thể loại các bạn nhỏ chậm chân.
  • Quản trò sẽ ra hiệu lệnh “trời nắng”, “trời mưa”. Nếu bạn nhỏ nào chưa kịp trú mưa khi có hiệu lệnh sẽ thua cuộc. Hình phạt là trẻ sẽ phải ra ngoài 1 vòng và sau đó được tiếp tục tham gia trò chơi.

9. Trò chơi cướp cờ

Cướp cờ là trò chơi vận động giúp trẻ mầm non phát triển toàn diện cả thể chất và trí não. Trò chơi này vừa giúp trẻ tăng khả năng phản xạ vừa hình thành tinh thần tập thể, đoàn kết.

Trò chơi cướp cờ có luật chơi khá đơn giản. Thường sẽ chia thành 2 đội chơi, các bạn nhỏ xếp theo thứ tự tương ứng với số 1, 2, 3,… Khi quản trò gọi số, bạn trẻ ở vị trí đó phải chạy lên cướp cờ.

Sau đó, cầm cờ chạy về vạch xuất phát của đội mình. Lúc này, các bạn nhỏ của đội còn lại sẽ vỗ vào người cầm cờ, lúc này đội cầm cờ sẽ thua cuộc. Nếu nhận thấy có nguy cơ bị vỗ vào, chỉ cần thả cờ xuống đất. Sau đó, lựa chọn thời điểm thích hợp để cầm cờ chạy về vạch xuất phát của đội mình.

Trò chơi vận động cho trẻ mầm non
Trò chơi cướp cờ thường được tổ chức cho tập thể lớp nhằm giúp bé tăng phản xạ và hình thành tinh thần đoàn kết

Cách tổ chức trò chơi trò chơi cướp cờ:

  • Chia các bạn nhỏ thành 2 đội chơi, mỗi đội nên có từ 3 – 5 bạn.
  • Sau đó, đặt tên các thành viên theo số thứ tự 1, 2, 3,…
  • Khi quản trò gọi số, hai thành viên của 2 đội phải chạy lên vòng tròn cướp cờ và đưa về vạch xuất phát của đội mình.
  • Đội nào đưa được cờ về vạch nhiều hơn sẽ là đội chiến thắng.

Trò chơi cướp cờ sẽ thích hợp với tập thể. Không chỉ giúp trẻ phát triển thể trạng và khả năng vận động, trò chơi này còn giúp trẻ học cách tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau. Thông qua trò chơi, các bạn nhỏ sẽ nhanh chóng làm quen và trở nên hòa hợp hơn.

10. Trò chơi tàu hỏa

Trò chơi tàu hỏa là trò chơi vận động rất tốt cho sự phát triển của trẻ mầm non. Trò chơi này khá dễ thực hiện và không phải chuẩn bị nhiều dụng cụ. Trước khi chơi, quản trò nên phổ biến luật chơi để các bạn nhỏ nắm rõ.

Luật chơi của Trò chơi tàu hỏa là các bạn nhỏ sẽ xếp thành hàng dọc, đặt tay lên vai nhau làm thành một đoàn tàu hỏa. Khi có hiệu lệnh, các bạn nhỏ sẽ di chuyển đều đặn và miệng kêu “xình xịch” mô phỏng lại âm thanh của tàu hỏa.

Khi quản trò phát hiệu lệnh “tàu xuống dốc”, các bạn nhỏ phải đi bằng mũi chân, miệng kêu “tu tu”. Với hiệu lệnh “tàu lên dốc”, tất cả phải đi bằng gót chân và miệng kêu “tu tu”.

Trò chơi vận động cho trẻ mầm non
Trò chơi tàu hỏa có luật chơi khá đơn giản nhưng tạo được không khí náo nhiệt và phù hợp với trẻ trong độ tuổi mầm non

Cách tổ chức trò chơi tàu hỏa:

  • Cho các bạn trẻ xếp thành hàng, đặt tay lên vai nhau và phổ biến luật chơi cho các bạn.
  • Tốt nhất là nên chia thành 2 đội để dễ dàng kiểm tra đội nào làm đúng, đội nào thực hiện sai.
  • Quản trò sẽ phát hiệu lệnh để các bạn nhỏ làm theo.

Khi chơi trò chơi này, nên thường xuyên thay đổi hiệu lệnh để tạo không khí khuấy động. Ra hiệu lệnh quá chậm sẽ khiến trẻ cảm thấy nhàm chán, không hứng thú.

Trò chơi vận động là hình thức vui chơi lành mạnh đối với mọi lứa tuổi, đặc biệt là trẻ mầm non. Ngày nay, công nghệ phát triển khiến các bạn nhỏ đắm chìm trong tivi, điện thoại thay vì được tham gia các trò chơi phù hợp với lứa tuổi.

Giáo viên, gia đình nên tổ chức các trò chơi vận động cho trẻ mầm non nhằm thúc đẩy phát triển thể lực, cải thiện kỹ năng vận động tinh/ thô, kích thích trẻ tăng cân nặng và chiều cao. Bên cạnh những lợi ích về thể chất, trò chơi vận động còn góp phần gia tăng sự sáng tạo, khả năng ghi nhớ. Hỗ trợ trẻ phát triển lành mạnh và toàn diện.

Tham khảo thêm:

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

trẻ chậm nói có phải kém thông minh không
Trẻ chậm nói có phải kém thông minh?

Vấn đề chậm nói ở trẻ có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân như cơ quan phát âm có khiếm khuyết, hoặc trẻ có...

Nắm bắt đặc điểm tâm lý của trẻ 4 – 5 tuổi và chăm sóc tốt nhất

Đặc điểm tâm lý của trẻ 4-5 tuổi thường có sự chuyển biến rõ ràng. Lúc này ba mẹ cần quan tâm và hỗ trợ...

Những đồ chơi cho trẻ chậm nói kích thích phát triển ngôn ngữ

Tranh ảnh, truyện sách, thẻ học, đồ chơi chạy bằng pin, mô hình đồ chơi mô phỏng...là những đồ chơi cho trẻ chậm nói vô...

Trẻ tự kỷ có hay cười? Làm sao nhận biết chính xác

Trẻ tự kỷ có hay cười? Làm sao để nhận biết chính xác việc trẻ mắc hội chứng bệnh này là câu hỏi mà rất...