Phương pháp Tâm vận động (Aucouturier) trong giáo dục trẻ đặc biệt
Phương pháp Tâm vận động (Aucouturier) được áp dụng điều trị cho trẻ đặc biệt bao gồm các vấn đề như chậm nói, rối loạn giao tiếp, rối loạn ứng xử, trẻ tự kỷ, hiếu động kém tập trung chú ý…Nội dung cơ bản của phương pháp là hướng đến mục tiêu phát triển toàn diện cho trẻ thông qua con đường vận động của cơ thể như chơi trò chơi, luyện tập thể dục.
Phương pháp Tâm vận động (Aucouturier) là gì?
Tâm vận động Aucouturier là một phương pháp trị liệu được áp dụng cho tất cả các trẻ đặc biệt gặp những khiếm khuyết về cả mặt tâm lý lẫn hành vi. Phương pháp được mang tên của người sáng lập ra đó chính là Bernard Aucouturier – Nhà giáo dục vận động thực hành tại Tours thuộc nước Pháp.
Mục đích của phương pháp tâm vận động Aucouturier là thông qua các hoạt động vận động cơ thể để giúp trẻ phát triển toàn diện bao gồm cả thể chất lẫn trí não, đặc biệt là cải thiện các vấn đề về tâm sinh lý, nhận thức, tăng khả năng ngôn ngữ giao tiếp, giúp trẻ hòa nhập dễ dàng với cộng đồng, xã hội.
Nhà giáo dục vận động Bernard Aucouturier sinh năm 1934 trong một gia đình trí thức, cha mẹ đều làm nghề giáo viên. Sinh sống tại một ngôi làng gần Tours thuộc đất nước Pháp. Với tài năng thiên bẩm của mình nên khi lớn lên ông đã trở thành giáo viên thể dục kiêm nhà lý thuyết và thực hành giáo dục.
Ông sống và làm việc tại ngôi làng Tours hơn 35 năm, trong thời gian này ông đã tiến hành thử nghiệm đối với những trẻ gặp những khó khăn về vấn đề ngôn ngữ và hành vi trong làng. Mãi cho đến năm 1967 ông và một cộng sự thân thiết đã sáng lập ra “Pháp Hội Giáo dục và phục hồi chức năng tâm thần vận động”.
Sau đó ông tiếp tục mở các trường đào tạo thực hành về vấn đề giáo dục tâm vận động cho trẻ ở khắp mọi nơi trên thế giới như Brazil, Nam Mỹ, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Đức, Bỉ, Italya, Mexico và Argentina. Đến năm 1987 ông đã sáng lập ra trung tâm Asefop – Hiệp hội Châu Âu về đào tạo tâm vận động, đồng thời viết nhiều các cuốn sách nói về sự phát triển tâm lý của trẻ em.
Cho đến hiện tại nhà giáo dục Bernard Aucouturier vẫn tiếp tục công việc tại trung tâm Asefop và cuốn sách mới nhất ông vừa xuất bản vào năm 2005 đó chính là “Phương pháp thực hành tâm vận động”
Mục tiêu của phương pháp tâm vận động Aucouturier
Phương pháp tâm vận động Aucouturier được áp dụng cho tất cả các trường hợp trẻ nhỏ gặp những khiếm khuyết về não bộ, bao gồm các trường hợp như: Trẻ tự kỷ, trẻ chậm nói, chậm phát triển ngôn ngữ, chậm phát triển tâm thần, hội chứng ADHD – Tăng động giảm chú ý, rối loạn tâm lý, bại não…và một số các bệnh lý khác.
Tâm vận động được hiểu đơn giản là dựa vào những vận động của cơ thể thông qua các hoạt động như tham gia trò chơi, luyện tập thể dục để giúp trẻ thay đổi các hành vi rối loạn, lệch lạc bằng những hành vi chính xác, có chủ đích.
Mục tiêu cơ bản mà phương pháp tâm vận động Aucouturier hướng đến đó chính là giúp trẻ phát triển toàn diện cơ thể, bao gồm các vấn đề:
- Phát triển vận động thô như trẻ biết lật, ngồi, bò, trườn, đứng, đi, chạy, nhảy, lăn, bất động, đứng yên, di chuyển.
- Phát triển vận động tinh như sự khéo léo của các cơ bàn tay, ngón tay, cổ tay, khuỷu tay.
- Phát triển ngôn ngữ giao tiếp như khắc phục tình trạng nói lắp, nói ngọng, phát âm không chuẩn, tự tin giao tiếp với mọi người, ứng xử đúng cách.
- Phát triển cảm xúc như niềm vui, nỗi buồn, sự chia sẻ, tự tin, kiềm chế cảm xúc, làm chủ bản thân.
- Phát triển nhận thức tuy duy cùng tổng thể các giác quan như thính giác, thị giác, vị giác, khứu giác, xúc giác.
Các cấp độ can thiệp của phương pháp tâm vận động
Theo số liệu thống kê thì mỗi năm nước ta có khoảng 1.5 triệu trẻ em khuyết tật, trong đó tình trạng rối loạn phát triển ngôn ngữ và hành vi chiếm tỉ lệ cao và phổ biến nhất. Ngoài áp dụng các phương pháp điều trị như tâm lý trị liệu, âm ngữ trị liệu thì các chuyên gia thường sử dụng phương pháp tâm vận động Aucouturier.
Dựa vào mức độ và biểu hiện của bệnh mà phương pháp tâm vận động Aucouturier được chia làm 3 cấp độ khác nhau đó là:
1. Giáo dục tâm vận động
Giáo dục tâm vận động thường áp dụng cho các trẻ em trong độ tuổi từ 0 đến 7 tuổi. Những trường hợp này thường không mắc các khiếm khuyết về não bộ, hay gặp những khó khăn về vấn đề giao tiếp, hành vi. Mà áp dụng phương pháp này nhằm giúp trẻ phát triển toàn diện, đi đúng theo lộ trình phát triển của cơ thể thông qua các hình thức vận động.
Hay hiểu đơn giản là thực hành vận động nhằm mục đích phòng ngừa và giáo dục cho trẻ. Với những trường hợp này trẻ thường được giáo dục thông qua các hoạt động vui chơi giải trí lành mạnh, từ đó giúp con phát triển các kỹ năng về vận động thô, vận động tinh của các bộ phận trên cơ thể, đồng thời kích thích hệ thần kinh phát triển toàn diện.
2. Hỗ trợ nhóm
Ở mức độ này thường áp dụng cho trẻ gặp các vấn đề khiếm khuyết về não bộ ở mức độ trung bình chủ yếu là về mặt cảm xúc, tình cảm. Khi cảm xúc bị rối loạn gây ảnh hưởng tiêu cực đến các vận động thể chất lẫn trí não của trẻ.
Lúc này trẻ sẽ được điều trị bệnh thông qua việc tham gia các trò chơi, chúng có tác dụng định hướng để làm biến chuyển những ức chế tâm lý theo hướng tích cực, tạo cho trẻ luôn cảm thấy thoải mái, vui vẻ, kiểm soát được cảm xúc của bản thân. Đồng thời kích thích trí tưởng tượng phong phú cho trẻ, cải thiện khả năng giao tiếp, trẻ trở nên tự tin, mạnh dạn và hòa nhập tốt với cộng đồng.
3. Trị liệu cá nhân
Trị liệu cá nhân được áp dụng cho những trường hợp trẻ gặp những khó khăn về mặt giao tiếp và hành vi ở mức độ trầm trọng như: Khó khăn trong việc nói năng, nói lặp từ, nói ngọng, phát âm không rõ chữ, những lời trẻ nói ra người nghe không thể hiểu rõ ý, trẻ có những hành vi không kiểm soát như cào cấu, đánh bạn, rối loạn vận động, trẻ có xu hướng sống cô độc, không muốn tiếp xúc với mọi người, trốn tránh các hoạt động tập thể.
Ở mức độ này các chuyên gia sẽ tiến hành điều trị cho trẻ bằng cách kết hợp tất cả các phương pháp như giáo dục vận động, chơi trị liệu và âm ngữ trị liệu. Sau quá trình điều trị kiên trì và đúng hướng thì trẻ sẽ cải thiện các vấn đề theo hướng tích cực, khi lớn lên trẻ sẽ có khả năng sống tự lập, được xã hội công nhận.
Cách thức thực hiện phương pháp tâm vận động Aucouturier
Như đã chia sẻ ở trên, phương pháp tâm vận động Aucouturier được áp dụng cho hầu hết trẻ đặc biệt gặp các tình trạng về rối loạn ngôn ngữ và hành vi chẳng hạn như trẻ chậm phát triển ngôn ngữ, tự kỷ, trẻ chậm phát triển tâm thần, trẻ tăng động giảm chú ý chậm nói…
Sau khi trẻ được thăm khám và xác định tình trạng bệnh bao gồm nhận thức và năng lực thì các chuyên gia sẽ dựa vào đó và đưa ra phương pháp điều trị sao cho phù hợp. Thông thường, để điều trị các rối loạn này, chuyên gia sẽ thiết kế một chương trình can thiệp cá nhân cho trẻ bao gồn 2 phần cơ bản đó là:
- Phần dành cho các trung tâm, bệnh viện hay các trường giáo dục đặc biệt với các kế hoạch trị liệu cho trẻ về vấn đề ngôn ngữ, hành vi, vận động.
- Phần dành cho cha mẹ và gia đình với kế hoạch vừa hỗ trợ trẻ điều trị tại nhà vừa chăm sóc trẻ đúng cách.
1. Kế hoạch giáo dục tại các trung tâm
Tại trung tâm, các chuyên gia có chuyên môn sẽ tiến hành điều trị cho trẻ thông qua các hoạt động như giáo dục vận động, âm ngữ trị liệu, chơi trị liệu, chẳng hạn như:
- Giáo dục vận động: Mục đích của giáo dục vận động là giúp hệ thần kinh trẻ ổn định, phát triển đúng hướng, hoàn thiện các kỹ năng về vận động tinh và vận động thô. Tùy vào độ tuổi mà chuyên gia sẽ hướng dẫn cho trẻ thực hiện các hoạt động cho phù hợp. Các hoạt động nằm trong phương pháp này bao gồm dạy trẻ cách tự ăn uống, vệ sinh cá nhân, cách chơi trò chơi vận động, cách cất đồ chơi…nói chung những vận động liên quan đến các hệ cơ xương khớp.
- Chơi trị liệu: Thông qua các trò chơi vận động hoặc trò chơi trí tuệ nhằm kích thích trí não trẻ phát triển, cải thiện khả năng giao tiếp, biết cách kiềm chế được các cảm xúc vui buồn.
- Âm ngữ trị liệu: Các chuyên gia sẽ hướng dẫn trẻ tập nói, tập đọc, tập phát âm thông qua ngôn ngữ, cách điều chỉnh các cơ lưỡi, cơ miệng hoặc thông qua việc sử dụng các hình ảnh, tranh vẽ, thẻ học nhiều màu sắc hấp dẫn để giúp trẻ cải thiện khả năng nói, đồng thời kích thích sự phát triển trí tưởng tượng phong phú.
Hiện nay, ở nước ta có một số đơn vị thuộc khu vực TP.HCM đã và đang áp dụng phương pháp tâm vận động Aucouturier để điều trị bệnh cho trẻ mang lại hiệu quả cao như: Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập, bệnh viện Nhi đồng II, một số trường chuyên biệt như Ước Mơ, Bình Minh, Khai Trí…
2. Kế hoạch chăm sóc trẻ tại nhà
Ngoài việc được điều trị, học tập, vui chơi tại các bệnh viện, trung tâm thì vai trò của các bậc cha mẹ và người thân trong gia đình là rất quan trọng không thể thiếu. Cha mẹ nên đồng hành và theo sát con trẻ trong suốt quá trình điều trị. Có thể thực hiện một số vấn đề sau để hỗ trợ trẻ cải thiện các triệu chứng tốt hơn, chẳng hạn:
- Tích cực nói chuyện, chia sẻ cùng bé để giúp con tăng khả năng phản xạ, dần dần khả năng ngôn ngữ được cải thiện, trẻ nói rõ hơn, phát âm chuẩn, tự tin mạnh dạn giao tiếp với mọi người xung quanh.
- Vừa dạy trẻ tập nói, tập phát âm vừa sử dụng những hình ảnh trực quan, thực tế để giúp con trẻ dễ hình dung, tiếp thu thông tin.
- Tuyệt đối không được bắt chước hoặc nhại lại những gì bé nói, vì điều này khiến con nghĩ rằng mình nói đúng. Kiên nhẫn nghe và trả lời những gì bé hỏi và cần nhắc đi nhắc lại một vấn đề nhiều lần để giúp con ghi nhớ.
- Thường xuyên cho trẻ ra ngoài dạo chơi, tham gia các trò chơi vận động để con có cơ hội tiếp xúc với nhiều người. Từ đó con được giao tiếp nhiều hơn, không chỉ giúp con tự tin mà còn giúp cải thiện ngôn ngữ rất hiệu quả.
- Hạn chế cho con trẻ tiếp xúc nhiều với các thiết bị điện tử, vì chúng sẽ khiến tình trạng bệnh của con thêm trầm trọng. Thay vào đó cha mẹ nên đọc sách, đọc truyện cho trẻ nghe, thông qua đó trẻ sẽ cải thiện ngôn ngữ, đồng thời tăng trí tưởng tượng, kích thích trí não phát triển.
Phương pháp tâm vận động Aucouturier chủ yếu hướng đến những trường hợp trẻ gặp các khuyết tật như trẻ bại não, hội chứng down, chậm phát triển trí tuệ, ngôn ngữ, hội chứng tăng động giảm chú ý (AHHD). Phương pháp điều trị này chủ yếu thông qua trải nghiệm vận động của cơ thể để kích thích sự phát triển trí não. Mục đích cuối cùng là giúp trẻ khắc phục các tình trạng rối loạn ngôn ngữ giao tiếp, hành vi, từ đó con sẽ phát triển toàn diện, hòa nhập với cộng đồng tốt hơn.
Có thể bạn quan tâm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!