Trẻ chậm phát triển tâm thần: Biểu hiện, chẩn đoán và điều trị
Trẻ chậm phát triển tâm thần là khái niệm dùng để chỉ những đứa trẻ mang khiếm khuyết về sự phát triển của não bộ. Khi mắc chứng bệnh này trẻ thường bị hạn chế các kỹ năng sinh hoạt, vận động, giao tiếp xã hội. Nếu như không được can thiệp sớm có thể gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng, vì vậy các bậc phụ huynh cần lưu ý.
Trẻ chậm phát triển tâm thần là gì?
Theo các chuyên gia cho biết trẻ chậm phát triển tâm thần hay còn được gọi là khuyết tật trí tuệ, là tình trạng trẻ gặp vấn đề về sự phát triển của trí não, trí thông minh của chúng thấp hơn so với những đứa trẻ bình thường khác. Cụ thể, chỉ số IQ < 70, đồng thời các các kỹ năng sinh hoạt hàng ngày như vận động, nói năng, giao tiếp cũng bị hạn chế.
Tình trạng trẻ chậm phát triển tâm thần diễn ra rất phổ biến trên thế giới, ở Việt Nam con số cao đáng kể. Theo số liệu thống kê thì mỗi năm chứng bệnh này chiếm tỷ lệ khoảng 1 – 3% dân số nước ta, tức là có khoảng 12.000 đến 36.000 trẻ em mắc bệnh.
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra chứng trẻ chậm phát triển tâm thần, có thể là do di truyền, trong quá trình mang thai hoặc sinh con gặp nhiều biến cố nguy hiểm hoặc cũng có thể do tình trạng nghèo đói, trẻ không được chăm sóc đầy đủ về mặt thể chất lẫn tinh thần nên dẫn đến tình trạng bệnh.
Khi trẻ mắc chứng bệnh này nếu như không được phát hiện và can thiệp kịp thời có thể gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng như về mặt học hành, tư duy trẻ chậm hơn, thua kém bạn bè, thiếu tự lập, giao tiếp kém, khó thích nghi với môi trường bên ngoài, thậm chí khi lớn lên trẻ rất dễ mắc phải những hành vi vi phạm pháp luật.
Phân loại mức độ trẻ chậm phát triển tâm thần
Như đã nói ở trên, trẻ chậm phát triển tâm thần tức là phần não bộ của con đang bị tổn thương nghiêm trọng. Trẻ mắc chứng bệnh này sẽ có trí thông minh, lối tư duy, suy nghĩa chậm hơn các bạn đồng trang lứa. Chậm phát triển tâm thần ở trẻ được chia làm 4 mức độ cơ bản đó là nhẹ, trung bình, nặng và rất nặng, cụ thể từng mức độ như sau:
- Mức độ nhẹ: Theo các nghiên cứu và những trẻ từng mắc chứng bệnh này thì khi gặp tình trạng chậm phát triển tâm thần ở mức nhẹ trẻ sẽ có IQ dao động từ 50 – 69. Trẻ mắc bệnh ở nhóm này chiếm tỷ lệ cao nhất khoảng 85%, trẻ vẫn có thể đến trường bình thường và học đến lớp 6. Đồng thời trẻ có khả năng sống tự lập, gia nhập với cộng đồng khi có sự hỗ trợ tích cực từ phía gia đình cũng như xã hội.
- Mức độ trung bình: Ở mức độ này trẻ sẽ có IQ từ 35 – 49, tỷ lệ mắc bệnh thấp hơn khoảng 10% trong tổng số trẻ mắc chứng chậm phát triển tâm thần. Trẻ sẽ được cho học tập ở những môi trường giáo dục đặc biệt, nếu như được hướng dẫn và dạy bảo thì trẻ vẫn có khả năng tự chăm sóc bản thân và thực hiện những kỹ năng cơ bản như ăn uống, vệ sinh cá nhân và sống chung với cộng đồng.
- Mức độ nặng: Trẻ chậm phát triển tâm thần ở mức độ nặng chỉ chiếm khoảng 2 – 3% tỷ lệ trẻ mắc chứng bệnh này. Chỉ số IQ đạt từ 20 – 34, lúc này trẻ cần được chăm sóc chu đáo và chỉ dạy những kỹ năng cần thiết nhất để có thể tự chăm sóc bản thân.
- Mức độ rất nặng: Trẻ chậm phát triển tâm thần ở nhóm này thuộc dạng nặng nhất, trầm trọng nhất, trẻ có IQ dưới 20. Tuy nhiên tỉ lệ mắc bệnh khá thấp chỉ khoảng 1 – 2%, ở mức độ này trẻ thường gặp những tổn thương thần kinh nghiêm trọng, ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống hàng ngày của trẻ, lúc này cần được thăm khám và điều trị gấp.
Dấu hiệu nhận biết trẻ chậm phát triển tâm thần
Theo các chuyên gia, trẻ mắc chứng chậm phát triển tâm thần trường hợp nặng có thể chẩn đoán được ngay từ lúc mới sinh ra, còn nếu nhẹ thì rất khó phát hiện, cho đến khi các bậc cha mẹ nhận ra sự phát triển không bình thường của trẻ thì bệnh đã khá nặng. Khi mắc chứng bệnh này, trẻ nhỏ thường có những dấu hiệu, triệu chứng cơ bản như:
- Trẻ chậm phát triển vận động, khi đến mốc cần phải biết lật, bò, trườn, ngồi, đứng và đi nhưng trẻ lại chậm hơn so với những đứa trẻ cùng độ tuổi khác.
- Con trẻ vẫn có thể nói được, nhưng khả năng nói diễn ra chậm hoặc khó khăn khi nói năng, giao tiếp với mọi người xung quanh.
- Không tập trung, trí nhớ sa sút, thường xuyên gặp tình trạng lo âu, mệt mỏi, chán nản, rối loạn giấc ngủ, ngủ không ngon giấc dẫn đến trầm cảm, tự kỷ.
- Những kỷ năng như ăn uống, tắm rửa, chải đầu, đánh răng, đi vệ sinh thường rất kém, khó có thể tự mình thực hiện và cần sự hỗ trợ của những người xung quanh.
- Chậm hiểu, kém hiểu về các quy luật giao tiếp, quy luật xã hội căn bản, đồng thời không hiểu, không nhận thức được những hậu quả về những hành vi sai trái mà mình gây ra.
- Trẻ thiếu tò mò, sáng tạo, khó khăn trong vấn đề học tập, thậm chí rất hung dữ, tăng động, xuất hiện hành vi lạ như chống đối, tự làm đau bản thân, tự gây thương tích trên cơ thể.
- Ngoài ra những trẻ mắc chứng chậm phát triển tâm thần thường có khả năng phát triển thể chất kém, thấp bé nhẹ cân, trên mặt có nhiều biểu hiện bất thường, khờ dại, chậm chạp.
Thông thường khi trẻ mắc chứng chậm phát triển tâm thần các bậc cha mẹ sẽ rất khó nhận ra, chỉ những trường hợp bệnh nặng thì mới có những biểu hiện rõ ràng. Hầu như các trường hợp mắc bệnh đều sẽ được chẩn đoán trước khi trẻ trưởng thành đạt 18 tuổi.
Trẻ chậm phát triển tâm thần do đâu?
Chậm phát triển tâm thần ở trẻ tức là bộ não của trẻ đã và đang bị tổn thương nghiêm trọng. Trẻ mắc chứng bệnh này sẽ có tư duy, trí thông minh và tất cả các hoạt động về thể chất, tinh thần đều thua kém bạn bè đồng trang lứa. Theo nghiên cứu và đúc kết từ những trường hợp đã từng mắc chứng bệnh này thì nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ chậm phát triển tâm thần là do:
1. Bẩm sinh và di truyền
Thông thường những căn bệnh liên quan đến trí não thì nguyên nhân gây bệnh chủ yếu và chiếm tỷ lệ cao nhất vẫn là do gen di truyền và bẩm sinh. Những đứa trẻ trong gia đình có cha mẹ, anh chị em ruột mắc chứng bệnh này thì khi sinh ra có nguy cơ chậm phát triển tâm thần cao hơn so với những đứa trẻ khác.
2. Các vấn đề trong thai kỳ
Trong quá trình mang thai người mẹ có lối sống không lành mạnh như hút thuốc lá, uống rượu bia, các chất kích thích; Sử dụng các loại thuốc an thần, thuốc chống trầm cảm, thuốc ngủ; Mắc các chứng bệnh như HIV, bệnh lậu, giang mai, bệnh Rubella hoặc thường xuyên mệt mỏi, chán nản, suy nghĩ không thông, mất ngủ, ăn uống kém, không đủ chất.
Tất cả những vấn đề trên đều ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển toàn diện của thai nhi trong bụng mẹ, sau khi ra đời rất dễ gặp phải các chứng bệnh liên quan đến trí não như trẻ chậm nói, trẻ chậm phát triển ngôn ngữ, chậm phát triển tâm thần, tự kỷ, trầm cảm.
3. Gặp các vấn đề khi sinh
Không phải tất cả các bà mẹ khi sinh con đều thuận lợi và dễ dàng, có một số trường hợp trong quá trình sinh con gặp nhiều vấn đề bất lợi, nguy hiểm như: Thai nhi không quay đầu, vỡ ối non, ngôi thai bất thường, đa thai, chuyển dạ kéo dài, khung chậu và thai nhi bất tương xứng, sa dây rốn, sinh non…
Lúc này người mẹ không thể sinh thường, vì nếu cố gắng sinh thường cả mẹ và bé đều có thể gặp nguy hiểm. Các bác sĩ sẽ xem xét, chẩn đoán và đưa ra phương pháp hỗ trợ như sử dụng dụng cụ kẹp sản khoa, giác hút sản khoa, mổ sẻ để đưa em bé ra ngoài.
Nếu như thuận lợi thì không có gì phải bàn cãi, tuy nhiên trong một số trường hợp có thể gặp nhiều tai nạn ngoài ý muốn khiến trẻ gặp những chấn thương không đáng có như tổn thương tủy sống, liệt dây thần kinh mặt, cánh tay, bầm tím da, rách da vùng đầu, vùng mặt, gãy xương, thậm chí trẻ bị tổn thương hộp sọ ảnh hưởng đến sự phát triển trí não như chậm nói, rối loạn ngôn ngữ ở trẻ, chậm phát triển tâm thần.
4. Trẻ gặp vấn đề sau sinh
Sau khi sinh những trẻ sinh non, nhẹ cân, mắc chứng vàng da, thương hàn, ho gà, viêm não, tiêu chảy, bệnh tả, bệnh sởi, trẻ bị ngộ độc thủy ngân, chì…thường rất dễ gặp phải tình trạng chậm phát triển thể chất lẫn trí não. Trẻ sẽ chậm tăng cân, còi cọc, thấp bé, không đạt chiều cao. Tinh thần trẻ không được thông minh, sáng tạo, lanh lợi như những đứa trẻ cùng độ tuổi.
5. Vấn đề môi trường sống
Sau khi sinh, không phải đứa trẻ nào cũng được chăm sóc chu đáo cả về mặt thể chất lẫn tinh thần. Có nhiều trường hợp tuy đầy đủ về mặt vật chất được ăn uống đủ chất, bổ sung sữa, các loại vi chất theo tiêu chuẩn dinh dưỡng cho trẻ. Nhưng ngược lại thời đại phát triển con trẻ thường xuyên tiếp xúc với điện thoại, máy tính, ti vi mà ít được cha mẹ quan tâm, ra ngoài dạo chơi khiến tư duy và trí não chậm phát triển.
Một số trường hợp khác thì do nghèo đói, bệnh tật thiếu chất, suy dinh dưỡng, không được tiêm phòng đầy đủ, môi trường sống không lành mạnh cũng dẫn đến tình trạng trẻ thấp bé nhẹ cân, còi xương, ảnh hưởng đến sự phát triển của não bộ như chậm nói, chậm phát triển tâm thần, kém thông minh, chậm chạp.
Trẻ chậm phát triển tâm thần gây ra những hậu quả nào?
Trẻ chậm phát triển tâm thần thường gặp nhiều hạn chế về các chức năng của bộ não, từ đó khiến cho các kỹ năng về vận động, giao tiếp bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Theo các chuyên gia trẻ nhỏ mắc chứng bệnh này nếu như không sớm được phát hiện và can thiệp thường gây ra những hậu quả khó lường như:
1. Về mặt tư duy
Như đã nói ở trên, trẻ nhỏ mắc chứng chậm phát triển tâm thần thường khó phát hiện, ở mức độ nhẹ các triệu chứng dường như không biểu hiện rõ ràng. Ngôn ngữ, lời nói của trẻ vẫn diễn đạt khá tốt, hiểu được những gì người khác nói, có thể bộc lộ được những gì mình đang suy nghĩ.
Trẻ vẫn tới trường và học tập như các bạn đồng trang lứa, tuy nhiên trẻ sẽ có dấu hiệu thiếu tập trung, chậm chạp, thiếu sáng kiến, tư duy theo lối cũ không có chút sáng tạo mới, khả năng phân tích cũng như tổng hợp vấn đề kém, kết quả thu được sẽ kém hơn rất nhiều so với các bạn.
2. Về mặt cảm xúc
Khi mắc chứng bệnh này, phần lớn trẻ sẽ gặp khó khăn về vấn đề giao tiếp với mọi người, thậm chí ở mức độ nặng trẻ còn không biết cách tự chơi đồ chơi, khó bộc lộ cảm xúc tình cảm của mình ngay cả với cha mẹ, những người yêu thương gần gũi trong gia đình. Khi trẻ đã lớn nhưng vẫn không thể tự lập mọi vấn đề, bám cha mẹ không rời, không đủ khả năng để giải quyết các vấn đề tình cảm, cảm xúc trong nội tâm của bản thân.
3. Về mặt hành vi tác phong
Theo cấu tạo thì sâu trong bộ não của con người là một hệ thống Limbic có nhiệm vụ kiểm soát hành vi và cảm xúc. Một khi chúng bị tác động xấu vì bất kỳ nguyên nhân nào cũng sẽ dẫn đến tất cả hành vi, cảm xúc của trẻ bị rối loạn.
Trẻ mắc chứng chậm phát triển tâm thần thường khó kiểm soát được cảm xúc, dễ xúc động, cáu gắt, lo sợ, thậm chí trong một số trường hợp có thể gây ra những hành vi thiếu suy nghĩ tự làm hại bản thân, dễ bị ám thị, khi lớn lên sẽ thực hiện nhiều hành động xấu, vi phạm pháp luật nghiêm trọng.
Khi trẻ mắc bệnh chậm phát triển tâm thần ở mức độ nhẹ thì vẫn có thể sống, làm việc, hòa nhập được với cộng đồng, xã hội. Nhưng nếu để lâu dẫn đến bệnh nặng thì có thể gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng khó lường được.
Chẩn đoán trẻ chậm phát triển tâm thần
Theo các chuyên gia thì chứng trẻ chậm phát triển tâm thần có thể phát hiện ngay từ khi trẻ còn trong bụng mẹ. Vì vậy, những cặp vợ chồng nào có người thân trong gia đình hoặc cơ thể có tiền sử từng mắc bệnh có nguy cơ di truyền cho trẻ cao thì cần thăm khám và xét nghiệm tiền sản trước khi sinh con.
Các xét nghiệm bao gồm: Siêu âm, sàng lọc trước khi sinh không xâm lấn, chọc ối, xét nghiệm Quad, Alpha-fetoprotein huyết thanh của người mẹ. Sau khi thực hiện xong các bác sĩ sẽ đưa ra kết quả cuối cùng, nếu bình thường thì đứa trẻ sẽ được sinh ra, còn nếu có nguy cơ mắc bệnh trên 80% thì bác sĩ sẽ tư vấn nên đình chỉ thai, vì nếu sinh ra trẻ cũng sẽ phát triển không toàn diện, để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng cho cả con, gia đình và xã hội.
Trường hợp sau khi sinh ra, nếu thấy những dấu hiệu nghi ngờ trẻ mắc các bệnh về trí não thì các bậc cha mẹ cần nhanh chóng đưa trẻ đi thăm khám ngay. Tuy khó nhận biết nhưng các triệu chứng của trẻ chậm phát triển tâm thần thường xuất hiện ngay từ những giai đoạn đầu đời. Đặc trưng của bệnh là gặp nhiều hạn chế trong quá trình giao tiếp, vận động, tư duy và cảm xúc.
Theo các chuyên gia thì cho đến hiện tại vẫn có chưa có một phương pháp chẩn đoán nào chính xác 100% về bệnh chậm phát triển tâm thần ngay từ lần đầu khám. Để đưa ra kết quả cuối cùng trẻ có mắc các vấn đề về phát triển não bộ, chỉ số IQ dưới mức 70 thì các bác sĩ chuyên khoa sẽ thực hiện những phần cơ bản sau:
- Phỏng vấn cha mẹ: Các bậc cha mẹ là những người gần gũi với con nhất, thường xuyên tiếp xúc với con nên sẽ nhận thấy được những điều bất thường từ trẻ. Chính vì vậy, các bác sĩ sẽ hỏi và điều tra ở cha mẹ về các câu hỏi liên quan đến các vấn đề cảm xúc, hành vi hàng ngày của trẻ.
- Quan sát trẻ: Các bác sĩ sẽ đưa ra các món đồ chơi, đồ vật để trẻ tự chơi, khám phá và từ đó quan sát kỹ càng những hành vi của trẻ, với trình độ chuyên môn của mình thì các chuyên gia rất dễ dàng đánh giá và nhận ra được trẻ mắc bệnh ở mức độ nào.
- Kiểm tra các tiêu chuẩn: Để kiểm tra các tiêu chuẩn về mặt tư duy lẫn hành vi thì các bác sĩ sẽ áp dụng bằng cách đưa ra bộ công cụ theo dõi sự phát triển toàn diện của trẻ, ở đó sẽ có những câu hỏi thích hợp về giai đoạn, độ tuổi. Qua bảng câu hỏi, chuyên gia sẽ đưa ra được nhận định chính xác về bệnh cho trẻ.
Sau khi thực hiện xong các biện pháp chẩn đoán cơ bản nói trên, các bác sĩ có thể tiến hành thực hiện thêm các phương pháp mang tính khoa học khác như: Điện não đồ, chụp cộng hưởng từ MRI, xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu, xét nghiệm karyotyping, phân tích microarray nhiễm sắc thể, nghiên cứu DNA, chụp cắt lớp vi tính CT. Những phương pháp này mang lại kết quả chính xác cao, có thể loại trừ được một số khả năng về các vấn đề não bộ có thể xảy ra.
Các phương pháp điều trị chậm phát triển tâm thần ở trẻ
Sau khi chẩn đoán chính xác bệnh thông qua các phương pháp, các bác sĩ sẽ dựa vào mức độ, nguyên nhân gây bệnh và đưa ra kế hoạch điều trị cho phù hợp. Hiện tại vẫn chưa có biện pháp nào có thể chữa trị dứt điểm, triệt để chứng chậm phát triển tâm thần ở trẻ. Mục tiêu chính của việc điều trị bệnh là giúp trẻ cải thiện tốt các vấn đề về kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp, xã hội, giáo dục.
Điều trị chậm phát triển tâm thần ở trẻ, nhằm giúp trẻ cải thiện bệnh, phát huy hết tiềm tiềm năng về các kỹ năng bao gồm các biện pháp sau:
1. Liệu pháp tâm lý
Đối với trẻ bị chậm phát triển tâm thần thì liệu pháp tâm lý đóng vai trò vô cùng quan trọng, có thể giúp hồi phục được các chức năng rất tốt. Phương pháp này có thể được áp dụng theo nhóm hoặc từng cá nhân, được thực hiện tại các trung tâm, trường học, lớp học bởi các chuyên gia có đầy đủ trình độ kiến thức chuyên môn.
Cụ thể liệu pháp như sau: Khi nắm được mức độ bệnh của trẻ và thấy được những hành vi bất ổn như kích động, quá khích, không kiểm soát được hành vi, cảm xúc thì các chuyên gia sẽ lần lượt đi sâu tìm hiểu về hoàn cảnh gia đình trẻ, môi trường sống và học tập từ đó tư vấn tâm lý. Đồng thời hướng dẫn cho cha mẹ và người thân trong gia đình về cách đối xử cũng như chăm sóc trẻ tại nhà.
2. Liệu pháp giáo dục
Phương pháp này thường có tính trực quan cao, đồng thời cần thực hiện liên tục, nhiều lần và kiên trì trong một thời gian dài thì mới đem lại hiệu quả cao. Liệu pháp này mang lại nhiều lợi ích cho trẻ như: Ổn định tinh thần tâm lý cho con trẻ; Khắc phục các rối loạn về ngôn ngữ, vận động; Giúp trẻ sớm thích nghi với môi trường sống, hòa nhập với cộng đồng, tạo mối quan hệ tốt đẹp với tất cả mọi người xung quanh. Nội dung của liệu pháp giáo dục bao gồm các hoạt động cụ thể như:
- Tùy vào độ tuổi mà các chuyên gia sẽ hướng dẫn cho trẻ tập đọc, tập viết, tập nói chính xác, tính toán các phép tính đơn giản thông qua các công cụ hỗ trợ như sách vở, đồ dùng học tập.
- Học hát, học múa, học vẽ, thực hiện các trò chơi vận động thể chất ngoài trời, hoạt động hướng nghiệp cho trẻ.
- Dạy cho trẻ những kỹ năng sống hàng ngày để trẻ biết cách tự lập như tự đi vệ sinh, đánh răng, rửa mặt, chải đầu, mặc quần áo, tắm rửa, gấp quần áo, tự mang giày dép, nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa, thu dọn đồ chơi.
- Đào tạo những kỹ năng giao tiếp xã hội như trò chuyện với bạn bè, cách đối xử lễ phép với người lớn, giúp đỡ mọi người xung quanh.
3. Liệu pháp hóa dược
Theo các chuyên gia thì hiện tại chưa có thuốc đặc trị đối với chứng chậm phát triển tâm thần. Thuốc chỉ đóng vai trò thứ yếu và giúp làm giảm các triệu chứng bệnh ở trẻ như mệt mỏi, lo âu, căng thẳng, trầm cảm, rối loạn cảm xúc, khó ngủ, mất ngủ, mất tập trung.
Các loại thuốc được kê đơn trong việc điều trị chứng chậm phát triển tâm thần ở trẻ như:
- Thuốc Napoton, Diazepam có tác dụng giảm bớt căng thẳng, sợ hãi, lo âu, mệt mỏi cho trẻ.
- Thuốc an thần, thuốc Haloperidol, các thuốc ổn định khí sắc được kê đơn khi trẻ có gặp những triệu chứng rối loạn hành vi, kích động, bị ám ảnh, khí sắc không tốt.
Việc sử dụng thuốc Tây y cho trẻ nhỏ luôn được cân nhắc, bởi vì thuốc có thể gây ra nhiều tác dụng phụ nguy hiểm, ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Tuy nhiên, khi các triệu chứng bệnh diễn ra ở mức độ nặng thì bắt buộc cần phải kê đơn.
Ngoài ra, các bậc cha mẹ cũng nên bổ sung thêm các loại thảo dược bổ não cho trẻ thông qua các loại thực phẩm chức năng. Chúng có tác dụng giúp trẻ tăng khả năng tiếp thu, cải thiện trí nhớ, khắc phục tình trạng mệt mỏi, căng thẳng. Nhưng để đảm bảo an toàn thì mọi người nên tìm những địa chỉ bán hàng uy tín để mua, đồng thời tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi áp dụng cho trẻ.
Song song với các phương pháp điều trị ở trung tâm, trường học, bệnh viện thì các bậc cha mẹ cũng nên chú ý đến chế độ dinh dưỡng cho con. Bổ sung đầy đủ chất thông qua các nhóm thịt cá, rau xanh, sữa, trái cây tươi. Đồng thời dạy và hỗ trợ con thực hiện tốt các vấn đề tự chăm sóc bản thân như ăn uống, tắm rửa, dọn dẹp nhà cửa.
Phòng ngừa chứng chậm phát triển tâm thần ở trẻ
Chứng chậm phát triển tâm thần ở trẻ tuy mức độ nguy hiểm không mang tính cấp bách như các chứng bại não, ung thư…nhưng nếu không được thăm khám, phát hiện và điều trị sớm, đúng cách có thể để lại nhiều di chứng cũng như hệ lụy nghiêm trọng đến tương lai về sau của trẻ. Để phòng ngừa, hạn chế thấp nhất nguy cơ mắc bệnh chậm phát triển tâm thần cho con trẻ, các bậc cha mẹ có thể tham khảo một số gợi ý sau:
- Trước khi có ý định sinh con thì các cặp vợ chồng nên thăm khám và kiểm tra sức khỏe tiền sản. Xã hội ngày càng phát triển thì vấn đề này càng được cân nhắc và được nhiều người áp dụng. Khám tiền sản trước khi sinh sẽ tránh được nguy cơ cao con sinh ra mắc dị tật, mắc các bệnh về não bộ.
- Trong quá trình mang thai nên có lối sống lành mạnh, bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, ăn chín, uống sôi, tiêm phòng đầy đủ. Không nên sử dụng các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá, vì chúng sẽ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe cho cả mẹ và bé.
- Theo nghiên cứu thì chất Folate có công dụng giúp giảm nguy cơ dị tật ống thần kinh cho thai nhi hiệu quả. Vì vậy trong quá trình mang thai các bà mẹ nên bổ sung đầy đủ lượng chất này. Liều lượng phù hợp nhất là 400 – 800mcg, có thể bổ sung bằng cách uống các loại thuốc có chứa thành phần này theo hướng dẫn của bác sĩ hoặc ăn nhiều các loại thực phẩm tươi xanh như rau bina, bông cải xanh, cam, chanh, bưởi, các loại hạt.
- Sau khi trẻ ra đời cần tiêm chủng đầy đủ cho con, đặc biệt là các mũi phòng ngừa các chứng viêm màng não, phế cầu khuẩn, rubella.
- Bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng cho con, đồng thời khuyến khích trẻ nên tự lập, hòa nhập với bạn bè bằng cách hoạt động nhóm, tham gia các hoạt động thể chất, cha mẹ thường xuyên quan tâm trò chuyện cùng con cái.
Trẻ chậm phát triển tâm thần là một chứng bệnh khá phổ biến hiện nay, tình trạng này gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng nếu như không được chữa trị đúng cách. Chính vì vậy, khi sinh con ra mỗi chúng ta cần biết cách chăm sóc, quan tâm đến sự phát triển toàn diện cho con trẻ, nên thường xuyên cho trẻ kiểm tra sức khỏe định kỳ để sớm phát hiện bệnh, từ đó có hướng điều trị sớm. Hãy để cho trẻ được sống khỏe mạnh, hạnh phúc và đúng nghĩa cuộc sống tươi đẹp.
Có thể bạn quan tâm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!