Trẻ chậm phát triển ngôn ngữ: Dấu hiệu và Cách hỗ trợ, can thiệp
Các dấu hiệu trẻ chậm phát triển ngôn ngữ thường rõ ràng hơn khi con đạt đến giai đoạn 2-3 tuổi trở lên vì đây mới là cột mốc phát triển của từ ngữ. Phụ huynh thường khá chủ quan với tình trạng này bởi thường cho rằng một thời gian nữa con sẽ tự nói nhanh như sáo mà không biết rằng đây hoàn toàn có thể là dấu hiệu của nhiều hội chứng nguy hiểm.
Trẻ chậm phát triển ngôn ngữ là gì?
Trẻ chậm phát triển ngôn ngữ là nhóm trẻ có thể phát âm đúng, chính xác nhưng lại có vốn từ ngữ hạn hẹp, nghèo nàn dẫn tới không biết cách thức để diễn đạt, giao tiếp một cách phù hợp. Thống kê cho thấy cứ 5 trẻ thì lại có 1 trẻ có xu hướng chậm nói, chậm phát triển ngôn ngữ hơn so với tốc độ cơ bản bình thường.
Thực tế cột mốc phát triển của mỗi trẻ sẽ là khác nhau, bao gồm cả tốc độ hình thành lời nói và ngôn ngữ tuy nhiên thường khoảng cách sẽ không quá xa. Một trẻ bị chậm phát triển ngôn ngữ có thể chậm hơn so với cột mốc thông thường đến khoảng 1 năm, điều này gây ra rất nhiều ảnh hưởng đến quá trình hình thành nhận thức hay giao tiếp hằng ngày.
Theo các chuyên gia, ngôn ngữ của một người có thứ được tiếp thu hằng ngày một cách tự nhiên mà không phải giảng dạy theo một quy trình rõ ràng, tuy nhiên nó sẽ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố như môi trường hay tính di truyền. Chẳng hạn nếu trẻ có cha mẹ ít nói và con cũng sống trong môi trường ít có giao tiếp sẽ rất dễ bị chậm phát triển ngôn ngữ do không được tiếp thu thường xuyên, hằng ngày.
Trong quá trình giao tiếp hằng ngày, chúng ta cần phải có ngôn ngữ, phải hiểu về từ vựng để bổ trợ hiệu quả cho quá trình diễn đạt hay hiểu ý người khác. Việc kém phát triển ngôn ngữ có thể khiến trẻ không thể hiện được nhu cầu cá nhân, không tương tác được với người khác vì không hiểu họ muốn nói gì.
Cần hiểu rằng trẻ chậm nói và trẻ chậm phát triển ngôn ngữ dù có các đặc điểm khá tương đồng nhưng là hai khái niệm khác nhau. Trẻ chậm nói có thể hiểu được lời nói nhưng không thể phát âm chuẩn xác; trong khi đó trẻ chậm phát triển ngôn ngữ có thể phát âm đúng nhưng lại không đủ từ vựng, không hiểu người khác nói gì. Dù vậy cả hai tình trạng này đều gặp khó khăn trong diễn đạt, trò chuyện, đồng thời một người cũng có thể gặp cả hai vấn đề cùng lúc.
Biểu hiện trẻ chậm phát triển ngôn ngữ
Các biểu hiện của trẻ khi bị chậm phát triển ngôn ngữ thường được thể hiện khá rõ ràng bởi ngôn ngữ là thứ cần phải sử dụng hằng ngày.Tuy nhiên ở nhóm trẻ dưới 2 tuổi, vốn dĩ trẻ vốn từ vựng của con vẫn hạn chế, con cũng chỉ bập bẹ nên thường cha mẹ rất khó phát hiện các biểu hiện bất thường. Giai đoạn 3-16 tuổi là thời điểm trẻ thường được chẩn đoán chậm phát triển ngôn ngữ phổ biến nhất.
Thực tế các biểu hiện trẻ chậm phát triển ngôn ngữ còn liên quan đến một số yếu tố khác, chẳng hạn độ tuổi hay nguyên nhân. Gia đình khi thấy con có các biểu hiện bất thường cần dành thời gian quan sát để xem xét kỹ các dấu hiệu, ghi chép lại để thông báo cho bác sĩ, từ đó có các chẩn đoán chính xác hơn.
Cụ thể, một số biểu hiện điển hình của trẻ chậm phát triển trí tuệ bao gồm
- Trong giai đoạn 4- 5 tháng đầu con không ê ai, 12 tháng không bi bô, trẻ 15 tháng tuổi không có dấu hiệu ngồi nói lảm nhảm một mình, 24 tháng mới chỉ nói được một hoặc vài từ đơn
- Trẻ không có xu hướng đáp lại khi được cha mẹ gọi tên, không giao tiếp bằng mắt hoặc cũng có thể không quay đầu đến nơi phát ra âm thanh
- Không cố gắng giao tiếp với cha mẹ bằng từ ngữ, lời nói mà chuyển sang la hét hay chỉ trỏ vào một thứ gì đó để cha mẹ hiểu ý
- Trẻ chậm phát triển ngôn ngữ vẫn có thể phát âm chính xác một số từ và thường xuyên lặp đi lặp lại những từ này
- Trẻ có thể bắt chước hay nói theo một vào từ nhưng không thể hiểu được nghĩa
- Dùng từ ngữ lộn xộn, thiếu logic, lặp lại một cách rập khuôn, hầu như không thể hoàn thiện 1 câu nguyên vẹn khiến người khác không hiểu con muốn nói gì
- Trẻ 2- 3 tuổi có vốn từ dưới 50 và hầu như không biết cách ghép từ, không sử dụng được từ đơn
- Trẻ chỉ có thể thực hiện một phần yêu cầu hoặc không thực hiện được yêu cầu nào ( tùy độ tuổi và khả năng từ vựng của con)
- Không thể hiểu được các yêu cầu của cha mẹ, chẳng hạn như chỉ vào các bộ phận trên cơ thể dù đã được hướng dẫn nhiều lần
- Trẻ 5- 6 tuổi vẫn không thể tự hoàn thiện một câu ngắn, không thể tự kể chuyện cho cha mẹ, không biết đặt câu hỏi cho cha mẹ để tìm hiểu về thế giới xung quanh
- Hầu như không chủ động nói hay giao tiếp với người khác, dễ cảm thấy bị tách biệt
- Thường bám cha mẹ quá mức, đặc biệt khi đến những nơi đông người
- Trẻ chậm phát triển ngôn ngữ thực tế vẫn có xu hướng quay đầu theo âm thanh, tuy nhiên con vẫn không thể hiểu hay thực hiện các yêu cầu từ người khác
- Trẻ chậm phát triển ngôn ngữ cũng gặp rất nhiều khó khăn trong việc đi học, đến trường do không hiểu người khác nói gì
Nguyên nhân trẻ chậm phát triển ngôn ngữ
Như đã nói, quá trình hình thành và phát triển ngôn ngữ của một đứa trẻ chịu ảnh hưởng từ môi trường và di truyền, do đó đây là hai yếu tố chính dẫn đến tình trạng này. Ngoài ra các chuyên gia cũng chỉ ra một số bệnh lý liên quan có thể tác động trực tiếp đến quá trình phát triển ngôn ngữ và cần được phát hiện càng sớm càng tốt.
Cụ thể, theo các chuyên gia, một số yếu tố dẫn tới nguy cơ trẻ bị chậm phát triển ngôn ngữ bao gồm
Yếu tố môi trường
Trẻ nếu sinh ra trong một gia đình có cha mẹ ít nói, người thân ít tương tác với nhau sẽ rất dễ dẫn đến nguy cơ chậm phát triển ngôn ngữ do không được tiếp thu lời nói, từ ngữ. Điều này là khá hiểm nhiên bởi hằng ngày nếu con không được nói chuyện thì sẽ không thể có cơ sở để trau dồi ngôn ngữ được.
Bên cạnh đó, một trường hợp khác xảy ra hiện nay chính là việc trẻ vừa thiếu quá trình tương tác, trò chuyện trực tiếp hằng ngày, đồng thời con lại tiếp xúc trong thời gian với các thiết bị công nghệ. Theo các chuyên gia, mặc dù TV, máy tính có phát ra âm thanh hay ngôn ngữ nhưng chỉ mang tính tiếp thu 1 chiều, trẻ có thể nghe, có thể ghi nhớ nhưng không được giải thích nên sẽ không thể hiểu gì.
Trong những năm gần đây, tỷ lệ trẻ bị chậm phát triển ngôn ngữ có liên quan đến việc tiếp xúc với các thiết bị công nghệ quá mức có xu hướng tăng cao. Phần lớn bởi cha mẹ quá bận rộn, không có thời gian chơi cùng nên thường giữ con ngồi yên với chiếc điện thoại, dần dần trẻ sinh ra “nghiện”, lúc nào cũng phải có điện thoại mới chịu ngồi yên, mới chịu ăn ngủ hay làm theo yêu cầu của cha mẹ.
Mặt khác rõ ràng các nghiên cứu cũng luôn cảnh báo rằng sóng điện tử phát ra từ các thiết bị điện tử chưa bao giờ tốt cho não bộ, đặc biệt với bộ não non nớt như của trẻ em. Trẻ thường có xu hướng bị động, chậm chạp, dễ bốc đồng và kích động hơn nếu suốt ngày xem TV, điện thoại nên gia đình cần cực kỳ chú ý.
Các bệnh lý thực thể
Một vài bệnh lý cũng được cho là liên quan trực tiếp đến các nguyên nhân gây chậm phát triển ngôn ngữ ở trẻ em, tuy nhiên có thể phát hiện muộn hơn. Với các nguyên nhân này nếu điều trị và khắc phục sớm bệnh nền thì hoàn toàn có thể khắc phục nhanh chóng tình trạng kém về ngôn ngữ, tuy nhiên cũng phụ thuộc vào từng trường hợp.
Cụ thể, một số bệnh lý được cho là có liên quan đến nguyên nhân khiến trẻ bị chậm phát triển ngôn ngữ bao gồm
- Các vấn đề về thính giác: trẻ khi nghe không tốt chắc chắn không thể tiếp thu hay trau dồi được vốn từ, kể cả khi việc tương tác diễn ra thường xuyên. Đây cũng là lý do mà đôi khi con không có xu hướng quay đầu, tương tác, chú ý đến những nơi phát ra âm thanh. Một số vấn đề con thường gặp như nhiễm trùng tai hoặc có thể bị khiếm thính bẩm sinh. Thậm chí ở những trẻ khiếm thính nặng cũng có xu hướng không nói được.
- Các vấn đề ở não bộ: các vùng của não bộ đảm nhiệm chức năng ghi nhớ hay học ngôn ngữ nếu bị tổn thương thì việc học ngôn ngữ chắc chắn sẽ chậm hơn bình thường. Theo đó vùng Broca nằm ở thùy trán được cho là cơ quan có liên quan trực tiếp đến quá trình này. Các chấn thương này có thể xảy ra do té ngã, va đập hay tổn thương xuất hiện do quá trình sinh nở.
- Các vấn đề khác: trẻ chậm phát triển ngôn ngữ cũng có tỷ lệ cao xuất hiện ở các đối tượng như trẻ bị sinh non, trẻ bị suy dinh dưỡng, loạn dưỡng cơ hay trẻ bị ngạt thở khi sinh…
Các dạng rối loạn phát triển
Các dạng rối loạn phát triển như trẻ tự kỷ, trẻ chậm phát triển trí tuệ hay trẻ bại não đều có đặc điểm chung là chậm cả về ngôn ngữ và lời nói. Đây đều là các hội chứng bẩm sinh nguy hiểm gây ra các khiếm khuyết về ngôn ngữ, giao tiếp đến suốt đời và cần sớm có biện pháp can thiệp để nâng cao kỹ năng trong các khía cạnh bị thiếu hụt.
Các dạng rối loạn phát triển có liên quan trực tiếp đến nguyên nhân gây chậm phát triển ngôn ngữ ở trẻ nhỏ như
- Trẻ tự kỷ: tự kỷ là một dạng rối loạn phát triển lan tỏa bẩm sinh với đặc trưng về những khiếm khuyết trong 3 khía cạnh chính gồm ngôn ngữ, giao tiếp và hành vi rập khuôn lặp lại. Trẻ chậm nói, chậm phát triển ngôn ngữ, không tương tác bằng mắt, không có biểu cảm trên mặt, chỉ thích chơi một mình, âm vực giọng nói kỳ lạ, hay có các hành vi như vặn xoắn tay, vỗ tay liên tục không có lý do chính là biểu hiện rõ ràng của tự kỷ.
- Chậm phát triển trí tuệ: với chỉ số IQ trung bình dưới 70 nên trẻ thiểu năng trí tuệ cũng bị chậm về phát triển ngôn ngữ, lời nói. Dù được chỉ dạy hằng ngày và liên tục nhưng phải mất rất nhiều thời gian con mới có thể ghi nhớ và bập bẹ nói được những từ đơn giản hằng ngày. Mức độ nhận thức hay các kỹ năng khác của trẻ cũng bị ảnh hưởng đáng kể, đa số đều chậm hơn rất nhiều so với tốc độ phát triển của những đứa trẻ bình thường.
- Bại não: đây là một bệnh lý nguy hiểm được đặc trưng bởi sự tổn thương nghiêm trọng của não bộ, hệ thần kinh dẫn tới sự suy yếu trong chức năng vận động, ngôn ngữ hay cảm giác của trẻ. Bại não không chỉ khiến trẻ chậm phát triển ngôn ngữ, lời nói mà thậm chí còn không thể đi lại được, không thể đến trường và tham gia các hoạt động bình thường.
Nếu liên quan đến các tình trạng này hầu như không thể điều trị, trẻ phải đối diện với rất nhiều khó khăn trong việc giao tiếp hay học hỏi ngôn ngữ hằng ngày, hầu như không thể hòa nhập vào môi trường đời sống xã hội bình thường. Các biện pháp hiện nay hầu hết chỉ nhằm can thiệp tạm thời để cải thiện chất lượng cuộc sống tốt hơn cho trẻ.
Chẩn đoán trẻ chậm phát triển ngôn ngữ
Có rất nhiều nguyên nhân khiến trẻ chậm phát triển ngôn ngữ, đôi khi các triệu chứng này có thể gây nhầm lẫn khiến việc điều trị sai hướng hay chậm trễ. Chẳng hạn nhiều trẻ chậm phát triển ngôn ngữ do tự kỷ nhưng thăm khám ở những nơi không đủ chuyên môn, thực hiện không đầy đủ các biện pháp kiểm tra dẫn tới việc điều trị không hề mang lại kết quả.
Phụ huynh khi thấy trẻ có các biểu hiện bất thường trong quá trình phát triển ngôn ngữ nên đưa con đến bệnh viện chuyên khoa hay các trung tâm chuyên biệt để thực hiện đầy đủ các biện pháp thăm khám và chẩn đoán chính xác.
Bác sĩ sẽ thực hiện việc tương tác, trò chuyện, quan sát cách trẻ phản ứng lại trong quá trình giao tiếp với con. Tùy theo độ tuổi, bác sĩ có thể yêu cầu làm các bài test cần thiết để xác minh về mức độ đọc hiểu hay nhận thức. Ngoài ra thực hiện các xét nghiệm kiểm tra thính giác, cơ miệng, não bộ để đảm bảo chẩn đoán đúng nguyên nhân.
Phụ huynh nên theo dõi các biểu hiện của con, ghi chép chi tiết hoặc quay phim lại nếu cần thiết để cung cấp đầy đủ thông tin, dữ liệu cho bác sĩ, điều này rất có ích trong quá trình chẩn đoán. Nếu nghi ngờ trẻ chậm phát triển ngôn ngữ là tự kỷ, gia đình nên ưu tiên các bệnh viện với, có chuyên khoa về hội chứng này để tránh tình trạng nhầm lẫn, sai lầm trong chẩn đoán khiến việc điều trị chậm chạp.
Hướng hỗ trợ, can thiệp trẻ chậm phát triển ngôn ngữ
Tùy từng nguyên nhân, tình trạng, độ tuổi mà hướng can thiệp điều trị cho trẻ chậm phát triển ngôn ngữ sẽ khác nhau. Có tình trạng là tạm thời và có những trường hợp thiếu hụt ngôn ngữ sẽ ảnh hưởng đến suốt cuộc đời nên việc điều trị sẽ phải sắp xếp lộ trình sao cho phù hợp.
Trong quá trình này, cần có sự hỗ trợ và kết hợp giữa cả bác sĩ, chuyên gia và sự phối hợp của gia đình để đem lại hiệu quả tốt nhất.
Điều trị nguyên nhân
Theo các bác sĩ, nếu liên quan đến các nguyên nhân bệnh lý thực thể thì tỷ lệ có thể khắc phục được vẫn khá cao. Chẳng hạn như nếu trẻ bị khiếm thính nếu điều trị sớm trước 5 tuổi vẫn có thể khắc phục được các tổn thương đáng kể. Các tổn thương não bộ khác nếu có thể điều trị và khắc phục được cũng cần thực hiện càng sớm càng tốt.
Không phải tất cả các nguyên nhân khiến trẻ chậm phát triển ngôn ngữ đều có thể khắc phục nhưng các bác sĩ sẽ can thiệp điều trị để giải quyết mọi vấn đề bệnh lý. Chẳng hạn với trẻ bị khiếm thính có thể hỗ trợ can thiệp con bằng cách cho con đeo máy trợ thính, khi trẻ đã nghe được thì dần dần khả năng nói và trau dồi ngôn ngữ của trẻ sẽ được phục hồi.
Trị liệu phát triển ngôn ngữ
Dù do bất cứ nguyên nhân nào thì việc trẻ chậm phát triển ngôn ngữ càng kéo dài thì càng khó để bổ sung ngôn ngữ lại cho trẻ một cách tự nhiên càng khó. Đặc biệt với nhóm trẻ bị chậm phát triển thì không thể tăng cường ngôn ngữ cho trẻ một cách bình thường mà cần phải có các biện pháp trị liệu chuyên sâu mới đảm bảo đem đến kết quả tốt nhất.
Theo các chuyên gia, trị liệu phát triển ngôn ngữ cần được thực hiện từ giai đoạn sớm, chẳng hạn như với trẻ tự kỷ nên áp dụng trước năm 2 tuổi. Thông thường các liệu pháp này sẽ được xây dựng theo lộ trình riêng tùy theo năng lực và nhu cầu của từng trẻ, được thực hiện với 1 người hỗ trợ – 1 trẻ để trẻ dễ dàng thích ứng và tiếp thu các kiến thức được dạy.
Một số liệu pháp trị liệu ngôn ngữ cho trẻ đang được chỉ định phổ biến hiện nay như
- Phương pháp FloorTime
- Phương pháp Social Story
- Phương pháp phân tích hành vi ứng dụng ABA (Applied Behavior Analysis)
- Phương pháp TEACCH (Treatment and Education of Autistic and Related Communication Handicapped Children)
- Phương pháp PECS (Picture Exchange Communication System)
- Phương pháp SI – (Sensory Integration)
- Phương pháp OT (Occupational Therapy)
Các biện pháp trị liệu cho trẻ chậm phát triển ngôn ngữ thường được kết hợp với các dụng cụ trực quan sinh động, hình ảnh để trẻ thu hút và giúp trẻ hiểu rõ những gì được học. Với các nhóm trẻ đặc biệt các biện pháp này chỉ khắc phục được phần nào các khiếm khuyết, gia tăng vốn từ để trẻ có thể dễ dàng hơn trong diễn đạt và tương tác hằng ngày.
Gia đình cũng được khuyến khích nên cho trẻ tham gia vào môi trường giáo dục đặc biệt, đặc biệt với nhóm trẻ tự kỷ, trẻ khiếm thính, trẻ thiểu năng trí tuệ. Giáo dục đặc biệt giúp trẻ gia tăng các kỹ năng về ngôn ngữ, nhận thức, cảm xúc đồng thời điều chỉnh lại các hành vi phù hợp với độ tuổi, từ đó gia tăng khả năng hòa nhập với môi trường đời sống bình thường. Trẻ cũng có thể tham gia vào môi trường giáo dục truyền thống nếu tham gia giáo dục đặc biệt đúng cách.
Gia tăng các kỹ năng phát triển ngôn ngữ hằng ngày
Trẻ chậm phát triển ngôn ngữ cần được áp dụng các biện pháp tăng cường và bổ sung ngôn ngữ một cách xuyên suốt, thường xuyên hằng ngày thì mới có thể đem đến hiệu quả. Không thể lúc nào cũng phụ thuộc vào bác sĩ, chuyên gia hay các giáo viên giáo dục đặc biệt mà chính gia đình cần tham gia trực tiếp vào quá trình này.
Phụ huynh nên trao đổi trực tiếp với bác sĩ, chuyên gia về hướng chăm sóc và hỗ trợ trẻ chậm phát triển ngôn ngữ tại nhà để đảm bảo đi đúng hướng. Quá trình này không hề dễ dàng, đòi hỏi sự kiên trì và thấu hiểu từ cha mẹ trên cả một hành trình dài. Chính các chuyên gia cũng khẳng định cha mẹ đóng vai trò quan trọng để thay đổi cuộc sống, tâm lý cũng như nâng cao các kỹ năng cần thiết cho con.
Một số biện pháp hỗ trợ tăng cường bổ sung ngôn ngữ hiệu quả cho trẻ chậm phát triển ngôn ngữ, đáp ứng tốt với mọi nguyên nhân bao gồm
- Không nên để trẻ chơi một mình mà luôn cùng đồng hành với con trong mọi hoạt động để tăng cường lời nói, ngôn ngữ một cách tự nhiên. Trò chuyện và tăng cường vốn từ cho trẻ ngay trong các hoạt động cơ bản diễn ra hằng ngày, chẳng hạn khi ăn cơm có thể chỉ con hiểu về cái bát, đôi đũa; khi đi tắm thì dạy con đọc và ghi nhớ các bộ phận trên cơ thể..
- Khi trò chuyện với trẻ nên nói một cách chậm rãi, to, rõ ràng, tròn vành rõ chữ, bắt đầu với những câu ngắn để trẻ có thể hiểu. Hãy tăng từng bậc một, không nên quá vội vàng khi giáo dục hay trò chuyện với trẻ vì con có thể không bắt theo kịp tốc độ của người lớn và cũng không có đủ vốn từ để hiểu
- Bổ sung vốn từ cho trẻ chậm phát triển ngôn ngữ một cách tự nhiên thông qua việc đọc sách cho con nghe, cho trẻ nghe nhạc, hát theo các bài đồng dao đơn giản..
- Luôn tạo cơ hội để trẻ nói chuyện và tương tác và sử dụng ngôn ngữ thường xuyên hơn. Chẳng hạn rủ con cùng làm việc nhà, hỏi ý kiến của con trong một hoạt động nào đó.. Phụ huynh cần lắng nghe trẻ nói để hiểu hơn về cách sử dụng ngôn ngữ của con cũng như kịp thời điều chỉnh nếu trẻ có xu hướng phát âm sai, sử dụng từ sai mục đích, hoàn cảnh..
- Sử dụng hình ảnh trực quan, sinh động, nội dung dễ hiểu và nên ngắn gọn khi giáo dục cho trẻ chậm phát triển ngôn ngữ để đảm bảo con thực sự có tiếp thu và ghi nhớ
- Hạn chế việc cho trẻ tiếp xúc với các thiết bị vô tuyến một mình. Một số phương pháp trị liệu ngôn ngữ có thể sử dụng một số thiết bị điện tử để trẻ học ngôn ngữ nhưng cần có người hỗ trợ, không để trẻ tự chơi, tự học với các thiết bị này
- Tạo không gian để con vui chơi, sinh hoạt hay học tập một cách thoải mái nhất
- Cho trẻ tham gia các hoạt động giải trí, vui chơi hay khám phá phù hợp với độ tuổi mà con thích thú để tâm lý tích cực và học tập cũng có kết quả hơn
Trẻ chậm phát triển ngôn ngữ cần được giáo dục và hỗ trợ đúng cách để tăng cường vốn từ, cách giao tiếp có hiệu quả lâu dài. Gia đình nên thường xuyên trao đổi với bác sĩ, các chuyên gia để nắm bắt rõ tình trạng, năng lực của con, từ đó xây dựng kế hoạch hỗ trợ mang lại kết quả tích cực nhất.
Có thể bạn quan tâm
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!