Rối loạn giấc ngủ ở người cao tuổi và điều cần biết
Rối loạn giấc ngủ ở người cao tuổi xảy ra rất phổ biến liên quan mật thiết đến yếu tố tâm lý, quá trình lão hóa của cơ thể và các bệnh lý thường gặp ở tuổi già. Việc cải thiện rối loạn giấc ngủ là hết sức cần thiết để tránh các ảnh hưởng tiêu cực của tình trạng này đến sức khỏe người cao tuổi.
Phân loại rối loạn giấc ngủ ở người cao tuổi
Rối loạn giấc ngủ ở người cao tuổi là tình trạng thời gian và chất lượng thay đổi bất thường, không đảm bảo ảnh hưởng đến người cao tuổi. Rối loạn giấc ngủ và tuổi tác thường đi đôi cùng nhau, đây cũng là lý do mà rất nhiều người cao tuổi gặp vấn đề về giấc ngủ.
Rối loạn giấc ngủ ở người cao tuổi có 2 dạng thường gặp gồm:
- Rối loạn dạng mất ngủ: Đặc trưng bởi tình trạng người cao tuổi chỉ ngủ được 4 tiếng mỗi đêm và rất khó đi vào giấc ngủ. Cũng có những trường hợp rất dễ đi vào giấc ngủ nhưng ngủ không sâu, thức giấc sớm và khó ngủ trở lại.
- Rối loạn dạng đảo lộn giấc ngủ: Là hiện tượng ngủ nhiều vào ban ngày nhưng lại không thể ngủ được vào ban đêm. Thường xảy ra do ảnh hưởng của quá trình lão hóa, do di chứng tai biến hoặc bệnh tật…
Nguyên nhân rối loạn giấc ngủ ở người cao tuổi
Nguyên nhân khiến người cao tuổi bị rối loạn giấc ngủ rất đa dạng. Tuy nhiên, chủ yếu liên quan đến ảnh hưởng của quá trình lão hóa và bệnh tật. Lão hóa có liên quan mật thiết đến chất lượng giấc ngủ, tuổi tác càng cao thì càng dễ bị khó ngủ, mất ngủ, ngủ không sâu giấc.
Các nguyên nhân người cao tuổi bị rối loạn giấc ngủ có thể kể đến như:
1.Rối loạn giấc ngủ nguyên phát
Rối loạn giấc ngủ nguyên phát không do nguyên nhân y khoa hay tâm thần, chủ yếu liên quan đến sự lão hóa tự nhiên của cơ thể. Sự lão hóa của các cơ quan và tế bào trong cơ thể ảnh hưởng trực tiếp đến giấc ngủ. Các vấn đề thường gặp là:
- Suy giảm chức năng thần kinh gây khó ngủ, mất ngủ
- Hội chứng ngưng thở khi ngủ hoặc thở ngắt quãng khi ngủ
- Hội chứng chân không yên (RLS)
- Rối loạn nhịp sinh học giấc ngủ
- Rối loạn hành vi giấc ngủ REM
2.Rối loạn giấc ngủ do bệnh lý nội khoa
Người lớn tuổi dễ mắc bệnh lý, các bệnh lý này ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, gây rối loạn giấc ngủ. Tình trạng này xảy ra phổ biến ở rất nhiều người cao tuổi, rất khó để khắc phục cải thiện.
Một số bệnh lý có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ:
- Đau nhức xương khớp, bệnh lý mãn tính
- Viêm phế quản mạn tính, hen suyễn
- Bệnh về đường tiêu hóa (đau dạ dày, trào ngược dạ dày…)
- Bệnh lý khác như tim mạch, tiết niệu, hô hấp, Parkinson, Alzheimer…
3. Rối loạn do vấn đề về sức khỏe tâm thần
Các vấn đề về sức khỏe tâm thần rất phổ biến ở người cao tuổi và là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây mất ngủ, khó ngủ ở người già. Người cao tuổi dễ gặp tình trạng này do họ có nhiều thời gian rảnh, thiếu điểm tựa tinh thần, mắc các bệnh thực thể như tim mạch, huyết áp, đột quỵ… Luôn cảm thấy bản thân là người vô dụng, thừa thãi, là gánh nặng của con cháu.
Các vấn đề về sức khỏe tâm thần gây mất ngủ ở người cao tuổi:
- Trầm cảm
- Rối loạn cảm xúc
- Rối loạn lo âu
- Rối loạn nhân cách hoang tưởng…
4. Nguyên nhân khác
Ngoài 2 nguyên nhân chính thường gặp là hậu quả của quá trình lão hóa và ảnh hưởng của bệnh lý, giấc ngủ của người cao tuổi có thể bị ảnh hưởng bởi các yếu tố như:
- Tác dụng phụ của thuốc: Các thuốc điều trị như thuốc lợi tiểu, thuốc kháng cholinergic, thuốc hạ huyết áp, thuốc chống trầm cảm, thuốc trị viêm khớp dạng thấp…
- Chế độ sinh hoạt thiếu khoa học: Ngủ nhiều vào ban ngày, sử dụng chất kích thích (trà, cà phê…) trước khi đi ngủ, ăn uống không đủ chất, ăn quá no trước khi đi ngủ, sử dụng thiết bị điện tử trước khi đi ngủ…
- Môi trường ngủ không thoải mái: Phòng ngủ quá sáng, quá ồn, quá chật chội, giường ngủ không thoải mái hoặc thay đổi nơi ngủ.
Biểu hiện rối loạn giấc ngủ ở người cao tuổi
Tất cả mọi người đều có những thời điểm khó ngủ, ngủ không sâu giấc. Thế nhưng, nếu tình trạng này thường xuyên xảy ra, kéo dài, ảnh hưởng đến sức khỏe thì chắc chắn bạn đang bị rối loạn giấc ngủ.
Biểu hiện của rối loạn giấc ngủ:
- Khó khăn trong việc đi vào giấc ngủ, mất hơn 30 phút để ngủ
- Trằn trọc, luôn xuất hiện các ý nghĩ lộn xộn, hết chuyện này đến chuyện khác
- Thường thức giấc trong đêm, giấc ngủ dễ bị gián đoạn
- Dậy sớm hơn dự định và không thể ngủ lại
- Ngủ không sâu giấc, thức dậy mệt mỏi, uể oải
- Cảm giác buồn ngủ, thiếu sức sống vào ban ngày
- Rối loạn nhịp sinh học, khó khăn trong việc ngủ – thức đúng giờ
- Cảm giác châm chích khó chịu ở chân
- Ở trạng thái ngủ say thường ngáy, nhịp thở không đều
- Giật mình, giật tay, chân khi ngủ…
Ảnh hưởng của rối loạn giấc ngủ
Người cao tuổi cần ngủ ít nhất 7 tiếng mỗi đêm và cần đảm bảo chất lượng giấc ngủ để cơ thể được nghỉ ngơi đầy đủ, có thể duy trì tỉnh táo vào ngày hôm sau. Khó ngủ, mất ngủ trong một thời gian ngắn có thể không gây ra vấn đề gì. Nhưng khó ngủ, chất lượng giấc ngủ không đảm bảo trong thời gian dài sẽ ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe người cao tuổi.
Những ảnh hưởng của rối loạn giấc ngủ đến người cao tuổi:
- Gây suy giảm nhận thức, giảm trí nhớ, kém minh mẫn ở người cao tuổi
- Tăng nguy cơ hoặc làm trầm trọng các bệnh lý như tăng huyết áp, tiểu đường, tim mạch
- Ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần, gây nguy cơ gặp phải các vấn đề như trầm cảm, rối loạn lo âu
- Làm suy giảm chất lượng cuộc sống, làm giảm khả năng tự chăm sóc bản thân
- Tăng nguy cơ té ngã, chấn thương do dễ bị đau đầu, chóng mặt
- Tăng nguy cơ phát triển các tình trạng khác như chứng ngưng thở khi ngủ, hội chứng chân không yên…
Phương pháp điều trị rối loạn giấc ngủ
Khi gặp vấn đề về giấc ngủ, người cao tuổi nên tìm đến các trung tâm y tế để thăm khám và được điều trị. Trường hợp rối loạn giấc ngủ liên quan đến vấn đề tâm lý, nên tìm đến sự trợ giúp của bác sĩ, chuyên gia tâm lý. Hiện nay, các liệu pháp tâm lý được đánh giá cao về hiệu quả trong hỗ trợ cải thiện các vấn đề về giấc ngủ.
Các phương pháp điều trị rối loạn giấc ngủ:
1. Thay đổi lối sống, vệ sinh giấc ngủ
Đối với tình trạng rối loạn giấc ngủ mức độ nhẹ, người cao tuổi cần điều chỉnh lối sống, thói quen sinh hoạt để cải thiện chất lượng giấc ngủ. Theo khuyến cáo của các chuyên gia, người cao tuổi cần tránh lạm dụng các thuốc điều trị để tránh tác dụng phụ.
Để có giấc ngủ trọn vẹn, người cao tuổi nên:
- Vận động cơ thể nhẹ nhàng mỗi ngày bằng cách đi bộ, tập dưỡng sinh…
- Thư giãn tinh thần, giảm căng thẳng bằng cách tập yoga, thở sâu, thiền chánh niệm
- Hạn chế uống nhiều nước và ăn quá no trước khi đi ngủ
- Ngâm chân, massage nhẹ nhàng trước khi đi ngủ có thể cải thiện chất lượng giấc ngủ
- Đi ngủ đúng giờ, tạo môi trường ngủ thoải mái, lý tưởng về nhiệt độ, ánh sáng, âm thanh
- Không uống đồ uống chứa cafein, chất kích thích sau 2 giờ chiều
- Hạn chế sử dụng thiết bị điện tử, nhất là điện thoại, tivi trước khi đi ngủ 1 – 2 tiếng
- Sử dụng các thực phẩm tốt cho người mất ngủ như chuối, yến mạch, hạt sen, sữa cho người già…
2. Liệu pháp tâm lý
Ứng dụng tâm lý trị liệu để điều trị rối loạn giấc ngủ ở người cao tuổi là phương pháp được đánh giá cao về hiệu quả và mức độ an toàn. Phương pháp này chú trọng vào việc nhận diện, thay đổi các nhận thức, hành vi không lành mạnh liên quan đến giấc ngủ, không sử dụng thuốc để điều trị, rất phù hợp với người cao tuổi.
Một số liệu pháp tâm lý thường được áp dụng:
- Liệu pháp hành vi nhận thức cho rối loạn giấc ngủ (CBT-I)
- Liệu pháp hành vi
- Liệu pháp hạn chế giấc ngủ
3. Sử dụng thuốc điều trị
Trong một số trường hợp, để cải thiện tình trạng rối loạn giấc ngủ ở người già, bác sĩ có thể chỉ định cho người bệnh sử dụng một số loại thuốc điều trị. Việc chỉ định thuốc đòi hỏi rất nhiều sự cẩn thận và cân nhắc. Các thuốc này có nguy cơ gây ra tác dụng phụ, tăng nguy cơ té ngã ở người cao tuổi.
Các thuốc thường dùng:
- Thuốc an thần: Lorazepam, Non Benzodiazepine, Diazepam, benzodiazepin… Có tác dụng làm giảm căng thẳng, lo âu, giúp người cao tuổi có giấc ngủ ngon và sâu hơn.
- Thuốc chống trầm cảm: Trazodone, Mirtazapine, Doxepin… Có tác dụng làm tăng các chất dẫn truyền thần kinh trong não, cải thiện các vấn đề về sức khỏe tâm thần, nâng cao chất lượng giấc ngủ.
- Thuốc tác động đến melaton: Thường là ramelteon, suvorexant có tác dụng tương tác với các hormone tự nhiên trong cơ thể.
Rối loạn giấc ngủ ở người cao tuổi xảy ra rất phổ biến, liên quan mật thiết đến sự lão hóa của cơ thể theo tuổi tác. Tuy nhiên, tình trạng chất lượng giấc ngủ không đảm bảo kéo dài, sức khỏe của người cao tuổi sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Do đó, tuyệt đối không nên chủ quan khi người cao tuổi khó ngủ, ngủ không sâu giấc, giấc ngủ không đảm bảo, gián đoạn thường xuyên.
Có thể bạn quan tâm:
- Trầm cảm: Nguyên nhân, dấu hiệu và các phương pháp điều trị
- Trầm cảm nhẹ có tự khỏi không? Dấu hiệu và điều trị
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!