Rối loạn cảm xúc: Nguyên nhân, biểu hiện và cách điều trị
Rối loạn cảm xúc là một loại rối loạn tầm thần xảy ra do rối loạn tại não bộ gây ra sự không ổn định về mặt cảm xúc. Tình trạng này đặc trưng bởi các biểu hiện như luôn trong trạng thái vui buồn thất thường, có sự xen kẽ giữa cảm giác hưng phấn và ức chế.
Rối loạn cảm xúc là gì?
Rối loạn cảm xúc (Affective Disorder, AD) là tình trạng cảm xúc thay đổi thất thường, không thể kiểm soát và điều chỉnh do rối loạn tại não bộ. Ở người mắc rối loạn cảm xúc, cảm xúc thường có sự thay đổi thất thường từ hưng phấn hưng cảm sang ức chế, trầm cảm hoặc ngược lại. Loại rối loạn này có tính chất chu kỳ, xen kẽ giữa hưng phấn và ức chế.
Rối loạn cảm xúc còn được gọi là rối loạn tâm trạng. Đây là một loại rối loạn tâm thần đặc trưng bởi những thay đổi lớn, mạnh mẽ về cảm xúc hoặc tâm trạng. Các rối loạn có thể bao gồm trạng thái cảm xúc cao, hưng phấn, kích thích quá mức hoặc giận dữ bất thường hoặc buồn bã, bi quan, mất hứng thú trong hầu hết các hoạt động hàng ngày (trầm cảm).
Theo thống kê, có khoảng 5% dân số thế giới gặp phải tình trạng này. Rối loạn cảm xúc hiểu hiện ở 2 hình thái là trầm cảm và hưng cảm. Tuy nhiên, về mặt lâm sàng, các chuyên gia thường quan tâm hơn đến trầm cảm do tính chất phức tạp và mức độ ảnh hưởng nghiêm trọng của hình thái này.
Nguyên nhân gây rối loạn cảm xúc
Cũng như các rối loạn tâm thần khác, đến nay người ta vẫn chưa thể xác định được chính xác nguyên nhân gây rối loạn cảm xúc. Tuy nhiên, theo các nghiên cứu, loại rối loạn tâm thần này thường xảy ra ở người thể tạng mập mạp, nữ giới nhiều hơn nam giới. Ngoài ra, hình thái hưng cảm hay gặp ở người từ 20 – 25 tuổi, trầm cảm phổ biến ở người từ 35 – 60 tuổi.
Các yếu tố được xác định có thể gây ra rối loạn cảm xúc là:
- Bất thường ở não bộ: Do mất cân bằng chất dẫn truyền thần kinh, đặc biệt là sự sụt giảm của serotonin, norepinephrine. Hoặc do bất thường ở vỏ não, thùy thái dương, thùy trước, đồi thị, cầu não, phần não trước trán…
- Yếu tố di truyền: Nếu có người thân cận huyết mắc tình trạng này thì nguy cơ tăng từ 10 – 20%.
- Yếu tố gia đình, xã hội: Gia đình không hạnh phúc, nghèo đói, thiếu thốn tình thương, chứng kiến hoặc trải qua bạo lực… Môi trường sống không lành mạnh, bạo lực học đường, áp lực từ việc học hành hoặc công việc.
- Rối loạn hormone: Sự gia tăng của hormone cortisol và sự sụt giảm của các hormone khác có thể ảnh hưởng đến hoạt động não bộ, gây ra những bất ổn về cảm xúc.
- Sang chấn tâm lý: Rối loạn cảm xúc cũng thường liên quan đến các sang chấn tâm lý như lạc mất người thân, con cái đi lạc, trải qua sự kiện kinh hoàng, biến chứng thai kỳ, khủng hoảng tài chính, bị lạm dụng thể chất, tình dục…
- Yếu tố khác: Tác dụng phụ của thuốc, mắc bệnh nan y mãn tính, do tính cách nhút nhát hướng nội, có nhận thức sai lệch về bản thân hoặc gia đình, lạm dụng rượu bia, thuốc lá, chất gây nghiện…
Biểu hiện của rối loạn cảm xúc
Người mắc rối loạn cảm xúc biểu hiện của hình thái trầm cảm (cảm xúc xuống thấp) hoặc hưng cảm (cảm xúc nâng cao). Tuy nhiên, đa phần các trường hợp đều có tính chất chu kỳ, xen kẽ giữa hưng phấn và ức chế.
Biểu hiện của rối loạn cảm xúc được chia thành 2 nhóm triệu chứng gồm:
Triệu chứng rối loạn trầm cảm:
- Cảm xúc bị ức chế: Cảm thấy chán nản, buồn rầu, khó chịu, bất an. Khuôn mặt thể hiện rõ sự buồn bã, đau khổ, lo âu. Luôn bi quan, tiêu cực, mất hy vọng vào tương lai.
- Tư duy bị ức chế: Chậm chạp trì trệ trong tư duy, khó diễn đạt suy nghĩ của mình, thường có ý nghĩ tự ti, tội lỗi, không dám nhìn người đối diện.
- Hoạt động bị ức chế: Đi lại chậm chạp, khúm núm, có thể ngồi hoặc nằm im hàng giờ
- Triệu chứng khác: Giảm trí nhớ, khả năng tập trung, chán ăn hoặc ăn uống vô độ, dễ cáu gắt, tức giận, cảm xúc thất thường, dễ thay đổi.
Triệu chứng rối loạn hưng cảm:
- Cảm xúc hưng phấn: Tăng khí sắc, lạc quan, vui vẻ quá mức, thích cười đùa, nói cười nhiều, niềm vui của họ có tính chất truyền cảm.
- Tư duy hưng phấn: Suy nghĩ lạc quan, liên tưởng nhanh, dòng suy nghĩ thay đổi nhanh chóng, đôi khi xuất hiện các ý nghĩ viển vông, mang tính tưởng tượng không bền vững, không thực tế.
- Hoạt động hưng phấn: Đi lại nhiều, cười nhiều nói nhiều, ít ngủ, can thiệp vào nhiều việc nhưng không có việc nào hoàn thành. Đôi khi xuất hiện các hành động để giải tỏa cảm xúc như rượu chè, loạn dục, đập phá, đánh người…
- Triệu chứng khác: Không có khả năng phê phán, nói năng liên tục nhưng thường không rõ ràng, la hét vô cớ, có hành vi hung hăng, bạo lực.
Rối loạn cảm xúc có nguy hiểm không?
Rối loạn cảm xúc là loại rối loạn tâm thần đặc biệt phổ biến, chỉ sau rối loạn lo âu, có khoảng 5% dân số gặp phải tình trạng này. Các biểu hiện của loại rối loạn tâm thần này rất dễ bị bỏ qua, bị nhầm lẫn với những cảm xúc thông thường.
Tuy nhiên, nếu không được sớm phát hiện, can thiệp trị liệu, tình trạng này có thể gây ra một số vấn đề sau:
- Ảnh hưởng đến đời sống cá nhân, gây mệt mỏi, thiếu năng lượng và các vấn đề về sức khỏe thể chất như béo phì, tim mạch, tiểu đường
- Ảnh hưởng đến mối quan hệ của cá nhân với gia đình, bạn bè hoặc mối quan hệ tình cảm do các phản ứng thái quá và sự mất kiểm soát về mặt cảm xúc
- Ảnh hưởng đến kết quả học tập hoặc hiệu suất công việc do mất tập trung, mệt mỏi, thiếu năng lượng, bất ổn về mặt cảm xúc
- Sự thiếu hiểu biết về rối loạn cảm xúc có thể khiến nhiều người đánh giá sai lầm, kỳ thị, cô lập người mắc loại rối loạn tâm thần này.
Ngoài ra, người mắc rối loạn tâm lý này có thể bị hủy hoại tương lai do lạm dụng chất kích thích chất gây nghiện. Cảm xúc tiêu cực gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe như cao huyết áp, đau dạ dày, đau nửa đầu, đau vai gáy. Thậm chí, một số bệnh nhân có hành vi tự hại, có ý định giết hại người xung quanh trước khi tự tử.
Cách điều trị rối loạn cảm xúc
Nếu nghi ngờ có dấu hiệu rối loạn tâm thần, cảm xúc bất ổn kéo dài, cách tốt nhất là bạn nên tìm đến bác sĩ, chuyên gia tâm lý để được tư vấn, can thiệp trị liệu. Sau thực hiện các phương pháp chẩn đoán, xác định mức độ rối loạn, bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị phù hợp.
Các biện pháp được áp dụng để điều trị rối loạn cảm xúc hiện nay:
1. Liệu pháp tâm lý
Liệu pháp tâm lý hay tâm lý trị liệu là phương pháp điều trị không dùng thuốc, được khuyến khích áp dụng để điều trị các loại rối loạn tâm lý. Phương pháp này giúp cá nhân hiểu, nhận diện và có kỹ thuật quản lý cảm xúc, hành vi cũng như tư tưởng của mình.
Các liệu pháp tâm lý phổ biến gồm:
- Liệu pháp hành vi nhận thức
- Liệu pháp định hướng giải quyết vấn đề
- Liệu pháp đồng cảm…
2. Sử dụng thuốc
Trong một số trường hợp, bác sĩ sẽ chỉ định các loại thuốc có tác dụng giảm cảm giác lo âu, tiêu cực hoặc hưng phấn quá mức. Tùy theo hình thái cảm xúc, khí sắc và mức độ của mỗi cá nhân mà sử dụng loại thuốc phù hợp. Tuy nhiên, thuốc điều trị thường có nhiều tác dụng phụ, cần thận trọng trong quá trình sử dụng.
Thuốc điều trị trầm cảm:
- Thuốc an thần
- Thuốc chống loạn thần
- Thuốc điều chỉnh khí sắc
- Thuốc chống trầm cảm
Thuốc điều trị hưng cảm:
- Thuốc điều chỉnh khí sắc
- Thuốc chống loạn thần mạnh
- Thuốc an thần, bình thần
3. Liệu pháp sốc điện
Liệu pháp này sử dụng dòng điện được điều chỉnh phù hợp với mức độ chịu đựng của cá nhân, cho dòng điện đi qua não bộ để tạo nên những cơ co giật nhỏ. Mục đích là nâng cao nồng độ chất dẫn truyền trung gian thần kinh và sự liên kết giữa các nơron thần kinh.
Liệu pháp này chỉ được cân nhắc điều trị với những trường hợp:
- Trầm cảm nặng, không đáp ứng thuốc
- Hưng cảm nặng
- Có triệu chứng loạn thần như hoang tưởng, ảo giác
- Có ý nghĩ tự hại, tự sát, bỏ ai, gây hại người khác…
4. Thay đổi lối sống
Để điều trị rối loạn tâm thần, thay đổi lối sống và nhận thực cá nhân là hết sức cần thiết. Bao gồm:
- Tập thể dục thường xuyên, đều độ để giảm stress, cải thiện sức khỏe
- Xây dựng chế độ ăn uống khoa học, cân đối, đủ chất
- Ngủ đúng giờ, đủ giấc, đảm bảo chất lượng giấc ngủ
- Hạn chế sử dụng rượu bia, chất kích thích
- Quản lý cảm xúc bằng thiền, yoga, hít thở sâu, âm nhạc trị liệu
- Dành thời gian cho bản thân, nhất là các hoạt động yêu thích
- Nên viết nhận ký để nhận diện cảm xúc, đọc sách, xem những nội dung tích cực, truyền cảm hứng.
Biện pháp phòng ngừa rối loạn cảm xúc
Các loại rối loạn tâm thần, tâm lý hoàn toàn có thể phòng ngừa ở giai đoạn ở. Các biện pháp phòng ngừa:
- Cho bản thân thời gian để cân bằng cảm xúc, nhất là khi gặp sang chấn tâm lý
- Nếu tình trạng tâm lý tệ hơn, nên chủ động tìm kiếm trợ giúp từ bác sĩ, chuyên gia tâm lý
- Cần trang bị kỹ năng kiểm soát cảm xúc, kiểm soát stress để biết cách đối phó với căng thẳng
- Không sử dụng rượu bia, thuốc lá chất kích thích, tránh lạm dụng thuốc an thần và các loại thuốc điều trị
- Đối với trẻ nhỏ, nên giáo dục trẻ kỹ năng nhận diện, quản lý cảm xúc. Xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh.
Rối loạn cảm xúc là một loại rối loạn tâm lý nghiêm trọng, ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống của cá nhân. Vì vậy, nếu có dấu hiệu nghi ngờ mình đang gặp phải loại rối loạn tâm thần này, cách tốt nhất là bạn cần nhanh chóng tìm đến bác sĩ hoặc chuyên gia tâm lý để được tư vấn, hỗ trợ.
Có thể bạn quan tâm:
- Rối loạn lo âu: Nguyên nhân, Biểu hiện, Cách điều trị
- Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD): Biểu hiện và cách khắc phục
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!