Điều trị trầm cảm bằng đông y (y học cổ truyền)
Trầm cảm không chỉ được điều trị bằng Tây y mà còn có thể được điều trị bằng y học cổ truyền. Y học cổ truyền là tinh hoa văn hóa dân tộc, chứng trầm cảm từ lâu đã được đề cập trong các tài liệu y học cổ truyền với các thông tin rõ ràng, cụ thể về bệnh chứng, phương pháp và các bài thuốc điều trị. Việc kết hợp điều trị trầm cảm bằng đông y kết hợp với y học hiện đại được xem là triển vọng mới cho người mắc trầm cảm.
Trầm cảm là gì?
Trầm cảm là một rối loạn sức khỏe tâm thần, đặc trưng bởi tình trạng giảm khí sắc, mất năng lượng, mất hứng thú với các hoạt động từng yêu thích. Người mắc trầm cảm thường rơi vào cảm giác buồn bã, chán nản kéo dài hơn 2 tuần, kèm theo nhiều triệu chứng bất thường về suy nghĩ, hành vi và cảm xúc.
Đến nay, nguyên nhân gây ra trầm cảm vẫn chưa được xác định cụ thể. Tuy nhiên, theo các nghiên cứu khoa học, trầm cảm có liên quan mật thiết đến yếu tố di truyền, mất cân bằng chất dẫn truyền thần kinh, sang chấn tâm lý, ảnh hưởng của yếu tố môi trường… Trầm cảm là bệnh lý tâm thần, cần được điều trị và không thể tự khỏi.
Theo thống kê của Bộ Y tế, năm 2023 Việt Nam có khoảng 3.2 triệu người mắc trầm cảm, chiếm 3.1% dân số. Độ tuổi có tỷ lệ mắc trầm cảm cao nhất là người trẻ tuổi từ 18 – 29 tuổi. Hiện nay, người trẻ có xu hướng dễ mắc trầm cảm hơn sơ với thế hệ trước do ảnh hưởng của toàn cầu hóa, sự bùng nổ của mạng xã hội, sự chuyển dịch thời đại, lối sống, tính chất công việc…
Người mắc trầm cảm thường có các triệu chứng như:
- Buồn bã chán nản kéo dài
- Mất hứng thú với hoạt động từng yêu thích
- Mệt mỏi, uể oải, mất năng lượng
- Khó tập trung, khả năng ghi nhớ kém, khó đưa ra quyết định
- Rối loạn ăn uống (chán ăn hoặc ăn nhiều)
- Rối loạn giấc ngủ (mất ngủ hoặc ngủ nhiều)
- Cảm thấy tội lỗi, vô dụng, tuyệt vọng, là gánh nặng của người khác
- Có hành vi tự hủy hoại hoặc có suy nghĩ tự tử…
→Xem thêm: Trầm cảm kháng trị là gì? Nguyên nhân và giải pháp
Bệnh trầm cảm theo đông y
Bệnh trầm cảm trong Đông y thuộc phạm trù “chứng uất”, đặc trưng bởi nỗi buồn, sự u uất, bực dọc kéo dài mà không giải quyết được. Từ uất trong y học cổ truyền được sử dụng để đề cập đến nỗi buồn, sự bực bội kéo dài, tích tụ lâu ngày trong cơ thể, từ ngày này sang ngày khác gây nên sự tắc nghẽn, ứ trệ.
Đông y không xem trầm cảm là một bệnh lý riêng biệt mà xem nó là hệ quả của sự ứ trệ, tích tụ cảm xúc hoặc rối loạn chức năng của các cơ quan trong cơ thể. Người mắc chứng uất thường có cảm giác u uất, bế tắc không lối thoát trong lòng, tính tình hay cáu gắt, giận hờn vô cớ, tâm trạng thay đổi thất thường, cảm thấy mất năng lượng, mất hứng thú, giảm khả năng suy nghĩ, tập trung…
Nguyên nhân gây bệnh trầm cảm theo Đông y
Theo quan điểm của Đông y, nguyên nhân gây bệnh trầm cảm chủ yếu xuất phát từ tình trạng buồn bã, lo âu, căng thẳng kéo dài gây ứ trệ khí, dẫn đến rối loạn chức năng của các cơ quan như can, thận, tỳ, phế. Trong đó, nguyên nhân phổ biến gây trầm cảm là do khả năng điều hòa của gan bị rối loạn, khiến khí uất bị kết.
Các nguyên nhân gây bệnh trầm cảm theo y học cổ truyền:
- Tích tụ uất khí: Là tình trạng khí (năng lượng) trong cơ thể bị tắc nghẽn, không được thông suốt. Xảy ra do tâm lý không ổn định, cảm xúc dồn nén gây ra cảm giác bức bối, khó chịu. Thường liên quan đến can (gan), cơ quan chịu trách nhiệm điều hòa khí trong cơ thể.
- Khủng thương thận: Thận đóng vai trò giữ cân bằng âm dương của cơ thể. Khi sợ sệt quá mức có thể làm tổn thương tạng thận, gây ra tình trạng tâm trí muộn phiền, lo lắng kéo dài.
- Nộ thương gan: Tính khí nóng nảy, thường xuyên tức giận dẫn đến tổn thương tạng can (gan) gây ứ trệ, nghẽn khí.
- Ưu thương phế: Thường xuyên lo âu, băn khoăn lo lắng quá mức lâu ngày gây tổn thương tạng phế, dẫn đến bệnh trầm cảm.
- Âm huyết hư: Thiếu máu và dưỡng chất khiến cơ thể suy nhược, tinh thần không ổn định gây ra cảm giác lo âu, buồn rầu, kiệt sức.
- Tỳ vị yếu: Lá lách hoạt động không tốt có thể ảnh hưởng đến tâm trí, khiến cơ thể trở nên mệt mỏi, uể oải, thiếu năng lượng,
Triển vọng điều trị trầm cảm theo y học cổ truyền
Trong y học cổ truyền, từ lâu đã có những vị thuốc, bài thuốc cổ có tác dụng điều trị trầm cảm, rối loạn lo âu. Việc điều trị trầm cảm bằng Đông y cần được thực hiện bởi bác sĩ, thầy thuốc y học cổ truyền thông qua việc khám, tư vấn, kê đơn.
Người mắc trầm cảm có thể được điều trị bằng thuốc, kết hợp với các phương pháp không dùng thuốc như xoa bóp, bấm huyệt nhằm giúp bổ thận, kiện tỳ, an thần định chí, tăng cường sức khỏe, giải tỏa căng thẳng stress. Việc áp dụng y học cổ truyền trong điều trị trầm cảm được đánh giá cao về hiệu quả và mức độ an toàn, lại không gây tác dụng phụ, thích hợp để điều trị các rối loạn sức khỏe tâm thần kéo dài.
Phương pháp y học cổ truyền kết hợp với tâm lý trị liệu của y học hiện đại được đánh giá cao về triển vọng trong điều trị trầm cảm. Đặc biệt, việc kết hợp y học cổ truyền với phục hồi chức năng, luyện tập mở ra một cánh cửa mới, đầy hứa hẹn, giúp người mắc trầm cảm được điều trị một cách an toàn, hiệu quả và có thể cải thiện tốt tình trạng sức khỏe của bản thân.
Phương pháp điều trị trầm cảm bằng Đông y
Trong Đông y, có 2 phương pháp chính để điều trị trầm cảm gồm phương pháp dùng thuốc và phương pháp không dùng thuốc. Để quá trình điều trị trầm cảm được thành công, thầy thuốc phải phân tích, tư vấn, động viên và thuyết phục để người mắc trầm cảm nhận thức và có quyết tâm thay đổi tình trạng của mình.
Phương pháp điều trị trầm cảm theo y học cổ truyền như sau:
- Phương pháp không dùng thuốc: Tư vấn, thay đổi lối sống, tập luyện, châm cứu, day bấm huyệt, xoa bóp…
- Phương pháp dùng thuốc: Sử dụng các bài thuốc Đông y để điều vị, giải uất, sơ can lý khí nhằm bồi bổ sức khỏe, cải thiện trạng thái tinh thần và điều trị trầm cảm.
Trong y học cổ truyền, châm cứu và xoa bóp bấm huyệt thường được áp dụng để điều trị trầm cảm. Trong đó, châm cứu phù hợp với trầm cảm mức độ nhẹ và vừa. Có tác dụng kích thích cơ thể sản sinh chất dẫn truyền thần kinh trung ương, bổ thận, kiện tỳ, tăng cường sức khỏe, cải thiện tiêu hóa và nâng cao chất lượng giấc ngủ.
Xoa bóp bấm huyệt cũng có hiệu quả tích cực trong điều trị trầm cảm. Có tác dụng tăng cường lưu thông khí huyết, thư giãn thần kinh, giảm đau, giảm co cơ… Trường hợp không có điều kiện, bạn có thể tự xoa bóp, day ấn một số huyệt vị trên cơ thể, điều này có thể giúp bạn tiết kiệm chi phí và cảm thấy thoải mái hơn. Các huyệt này là ấn đường, bách hội, an miên, nội quan, hợp cốc, túc tam lý, tam âm giao…
Bài thuốc điều trị trầm cảm bằng đông y
Các bài thuốc Đông y có tác dụng điều hòa khí huyết, giải uất, dưỡng âm, bổ huyết, hỗ trợ cải thiện tinh thần và tâm trạng cho người mắc trầm cảm. Tuy nhiên, cũng giống như thuốc Tây y, thuốc Đông y chỉ được sử dụng sau khi bác sĩ, thầy thuốc thăm khám, kê đơn. Tuyệt đối không tự ý mua và dùng thuốc.
Các bài thuốc Đông y thường được sử dụng trong điều trị trầm cảm:
- Bài thuốc 1: 16g bạch thược, 14g đương quy, 14g phục thần, 12g bạch truật, 12g liên tâm, 12g sài hồi, 4g cam thảo. Sắc với nước ngày 1 thang, chia làm 3 lần uống, uống hết trong ngày. Trị trầm cảm do can uất kết dẫn đến tổn thương âm huyết.
- Bài thuốc 2: 30g thục địa, 16g hoài sơn, 14g cúc hoa, 14g đơn bì, 12g táo nhân, 12g phục thần, 10g viễn chí, 10g sơn thù, 8g trạch tả. Sắc với nước ngày 1 thang, chia làm 3 lần uống.
- Bài thuốc 3: 16g đương quy; táo nhân, phục thần, bạch truật, hoàng kỳ, nhân sâm, long nhãn, mỗi vị 12g; 8g viễn chí, 6g mộc hương, 4g cam thảo, 3 quả đại táo. Cho các nguyên liệu vào ấm chuyên dụng, sắc với nước, chia làm 3 lần uống trong ngày. Trị trầm cảm do suy nghĩ nhiều dẫn đến tổn thương tâm tỳ.
- Bài thuốc 4: Viễn chí, cam thảo, phục linh, hoàng liên, nhân sâm, xương bồ, hoàng sâm, cát cánh mỗi vị 90g; đương quy, ngũ vị tử, mạch môn, thiên đồng môn, toan nhâm, thục địa mỗi vị 60g. Tán các dược liệu trên thành bột mịn, trộn với mật ong, hoàn thành nhiều viên nhỏ, dùng 2 lần ngày, mỗi lần 1 viên.
- Bài thuốc 5: Nhân sâm, đương quy, bạch truật, cam thảo, viễn chí, phục linh, địa liên mỗi vị 20g; 9g táo nhân, 9g bạch chỉ, 9g câu kỳ tử. Cho vào ấm chuyên dụng, sắc với nước, chia làm 3 lần uống, dùng 1 thang/ngày.
Điều trị trầm cảm bằng Đông y là một trong những phương pháp được đánh giá cao về triển vọng. Tuy nhiên, hiện nay, các cơ sở Đông y uy tín, đáng tin cậy không nhiều. Nếu có nhu cầu trị trầm cảm bằng y học cổ truyền, tốt nhất bạn nên tìm hiểu thật cẩn thận để chọn được địa chỉ khám, điều trị trầm cảm bằng Đông y chuyên nghiệp.
Có thể bạn quan tâm:
- Trầm cảm nặng yếu tố TS cao là gì? Điều cần biết
- Bệnh trầm cảm có nguy hiểm không? Gây tác hại gì?
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!