Trầm cảm nặng yếu tố TS cao là gì? Điều cần biết

Trầm cảm nặng có yếu tố TS cao là một trường hợp nghiêm trọng, cần được cấp cứu y tế và can thiệp điều trị ngay lập tức. Người mắc loại trầm cảm này có suy nghĩ và có ý định tự tử hoặc đã có kế hoạch tự sát. Các thống kê cho thấy, tỷ lệ người mắc trầm cảm nặng có suy nghĩ tự sát chiếm 60 – 80%. 

Trầm cảm nặng yếu tố TS cao là gì?

Trầm cảm nặng yếu tố TS cao còn gọi là trầm cảm nặng với nguy cơ tự sát cao hay trầm cảm tự tử. Đây là một tình huống cấp cứu y tế, cần được can thiệp và điều trị ngay lập tức. Người mắc trầm cảm nặng có yếu tố tự sát cao có các triệu chứng như cảm giác buồn bã, chán nản, tuyệt vọng kéo dài, đã có suy nghĩ về cái chết hoặc có hành vi lập kế hoạch, chuẩn bị cho việc tự sát.

Trầm cảm nặng yếu tố TS cao rất nguy hiểm, cần được can thiệp nhanh chóng, kịp thời
Trầm cảm nặng yếu tố TS cao rất nguy hiểm, cần được can thiệp nhanh chóng, kịp thời

Trầm cảm nặng yếu tố TS cao là mức độ nghiêm trọng nhất của trầm cảm. Lúc này, người bệnh gần như buông xuôi, không còn ý chí đấu tranh, cố gắng vượt qua chứng trầm cảm của mình. Họ cảm thấy tình trạng của mình sẽ không bao giờ cải thiện, không còn động lực để nỗ lực cố gắng.

Có 2 nhóm trầm cảm nặng có yếu tố tự sát cao gồm:

  • Nhóm trầm cảm nặng không có triệu chứng loạn thần: Người bệnh nhận thức được bản thân mắc trầm cảm, có nỗ lực muốn cải thiện nhưng luôn trong trạng thái bi quan, chán nản. Khi cảm thấy quá mệt mỏi, tuyệt vọng, không có động lực sống, họ quyết định tự sát.
  • Nhóm trầm cảm nặng có triệu chứng loạn thần: Người mắc trầm cảm nhóm này có yếu tố tự sát cao. Họ không nhận thức được bản thân mắc bệnh, thường trong trạng thái bứt rứt, lo âu, có thể xuất hiện ảo giác, hoang tưởng. Người mắc trầm cảm nhóm này dễ xuất hiện hành vi tự hủy hoại bằng cách rạch, cắt mạch máu hoặc giết người.

Lưu ý: Chẩn đoán trầm cảm nặng yếu tố TS cao còn có nghĩa là trầm cảm nặng, yếu tố tâm sinh cao. Trầm cảm tâm sinh là loại trầm cảm xảy ra ở người có tính cách nhạy cảm, dễ bị tác động bởi yếu tố môi trường không thuận lợi. Nguyên nhân gây trầm cảm tâm sinh thường có sự kết hợp giữa yếu tố tâm lý và yếu tố sinh lý. Thuật ngữ này hiện nay đã không còn được sử dụng phổ biến trong chẩn đoán trầm cảm.

→Xem thêmTại sao người trầm cảm muốn tự tử? Điều cần biết

Dấu hiệu nhận biết trầm cảm nặng có yếu tố tự sát cao

Người mắc trầm cảm nặng có thể không có suy nghĩ tự sát. Tuy nhiên, người có suy nghĩ tự sát kèm theo cảm giác buồn bã, chán nản, vô vọng kéo dài chắc chắn là người mắc trầm cảm nặng. Trầm cảm nặng là mức độ nghiêm trọng của trầm cảm. Đặc biệt, trầm cảm nặng có yếu tố tự sát là vấn đề hết sức nguy hiểm, cần được theo dõi và can thiệp y tế ngay lập tức.

Người mắc trầm cảm nặng có các triệu chứng đặc trưng của trầm cảm. Đồng thời còn có các triệu chứng tâm loạn thần như ảo tưởng, ảo giác và có suy nghĩ hoặc hành vi tự tử. Các dấu hiệu nhận biết trầm cảm nặng có yếu tố TS cao bao gồm:

1. Có triệu chứng đặc trưng của trầm cảm nặng

Một người mắc trầm cảm nặng sẽ có triệu chứng của trầm cảm và đôi khi có thêm các triệu chứng loạn thần:

  • Tâm trạng buồn bã, chán nản kéo dài, cảm giác tuyệt vọng, không tìm thấy niềm vui trong cuộc sống
  • Mệt mỏi, uể oải, mất năng lượng, gặp khó khăn trong việc bắt đầu mọi việc, kể cả việc vệ sinh cá nhân
  • Mất ngủ hoặc ngủ quá nhiều, chán ăn hoặc ăn quá nhiều, sụt giảm cân nặng nghiêm trọng hoặc tăng cân quá mức
  • Cảm thấy bản thân không có giá trị, vô dụng, là gánh nặng của người khác
  • Hành động chậm chạp thấy rõ, không thể tự đưa ra quyết định, kém tập trung, giảm khả năng ghi nhớ
  • Có thể có triệu chứng loạn thần như ảo tưởng hoặc ảo giác, suy giảm trí tuệ, lo lắng tột độ, kích động quá mức…

2. Có suy nghĩ hoặc hành vi tự sát

Ngoài các triệu chứng đặc trưng của trầm cảm nặng, người mắc trầm cảm có yếu tố TS cao thường có suy nghĩ và hành vi tự tử. Các tín hiệu cho thấy ý định tự tử của một người rất đa dạng, khó nhận biết. Có người thực hiện hành vi tự tử một cách âm thầm, không báo trước. Có người đưa ra một số tín hiệu ẩn ý về việc tự tử, tuy nhiên, nếu không tinh ý sẽ rất khó phát hiện.

Suy nghĩ tự sát thường xuất hiện ở người mắc trầm cảm nặng
Suy nghĩ tự sát thường xuất hiện ở người mắc trầm cảm nặng

Các dấu hiệu cảnh báo một người trầm cảm có ý định tự tử bao gồm:

  • Bỗng dưng trở nên vui vẻ, có cảm giác như đã thông suốt và trút được gánh nặng
  • Thể hiện sự biết ơn đối với những người xung quanh như bác sĩ điều trị, chuyên gia trị liệu, bạn bè, người thân
  • Nói lời tạm biệt với gia đình và bạn bè như thể đó là lần cuối cùng và sẽ không bao giờ gặp nhau nữa
  • Nói nhiều về cái chết, cho rằng nếu bản thân chết đi sẽ không khiến người khác mệt mỏi nữa
  • Có hành vi tự hủy hoại bản thân hoặc tham gia vào các hành vi, hoạt động nguy hiểm
  • Sắp xếp công việc của mình như cho đi tài sản, lập di chúc…
  • Thu mình, rút lui khỏi vòng bạn bè hoặc gia đình
  • Nói rằng ước gì mình chưa từng được sinh ra, ước gì bản thân chết đi để không phải đau khổ
  • Tâm trạng thay đổi mạnh mẽ, đột ngột, thất thường
  • Kích động, lo lắng tột độ
  • Tăng cường sử dụng chất kích thích như rượu bia, ma túy…

Nguyên nhân của trầm cảm nặng yếu tố TS cao

Nguyên nhân của trầm cảm nặng yếu tố TS cao thường do di truyền, sang chấn tâm lý, rối loạn chất dẫn truyền thần kinh, áp lực, căng thẳng, mất mát người thân… Cụ thể như sau:

  • Di truyền: Trầm cảm liên quan mật thiết đến yếu tố di truyền. Nếu gia đình có người từng mắc trầm cảm nặng hoặc đã từng tự sát thì con cái trong gia đình có nguy cơ cao.
  • Rối loạn chất dẫn truyền thần kinh: Sự mất cân bằng các chất dẫn truyền thần kinh như serotonin, dopamine, norepinephrine ảnh hưởng đến khả năng kiểm soát tâm trạng và cảm xúc.
  • Yếu tố tâm lý: Tư duy tiêu cực hoặc cầu toàn quá mức, cảm giác vô vọng, chán nản khiến một người luôn tự trách bản thân và làm gia tăng ý định tự sát.
  • Áp lực cuộc sống: Việc liên tục trải qua căng thẳng, stress trong công việc, cuộc sống hoặc các sự kiện như mất việc, ly hôn, mất mát người thân gây khởi phát trầm cảm và dẫn đến suy nghĩ tự sát.
  • Mắc các rối loạn tâm thần khác: Người mắc trầm cảm có thể mắc đồng thời các rối loạn tâm thần khác như rối loạn lo âu, rối loạn nhân cách, rối loạn sử dụng chất làm tăng nguy cơ tự sát.
  • Ám ảnh tâm lý: Các ám ảnh tâm lý từ những trải nghiệm đau thương trong quá khứ như lạm dụng, bạo lực không được giải tỏa, dẫn đến sự phát triển của trầm cảm nặng và suy nghĩ tự tử.

Các yếu tố làm tăng nguy cơ tự tử ở người trầm cảm nặng

Có nhiều yếu tố khác nhau góp phần vào ý định tự tử của một người. Suy nghĩ tự tử thường xuất hiện khi một người cảm thấy vô vọng tột độ, mất kiểm soát trong cuộc sống hoặc cảm thấy cuộc sống không có ý nghĩa, không có hy vọng.

Những yếu tố làm tăng nguy cơ tự tử ở người mắc trầm cảm nặng bao gồm:

  • Gia đình có người từng tự tử vì trầm cảm
  • Đã từng cố gắng tự tử trong quá khứ
  • Là người đồng tính, song tính hoặc chuyển giới
  • Mắc bệnh mãn tính như ung thư, tiểu đường, bệnh nan y
  • Từng bị chấn thương sọ não
  • Lạm dụng chất kích thích, rượu bia, ma túy
  • Từng bị lạm dụng hoặc trải qua chấn thương thời thơ ấu
  • Mắc nhiều loại rối loạn tâm thần cùng lúc
  • Tiếp xúc với các thông tin không lành mạnh
  • Thường nghe các vụ tự tử do trầm cảm
  • Vướng đến các vấn đề pháp lý
  • Trải qua nhiều sang chấn tâm lý như mất người thân, mất việc
  • Bị bắt nạt và cô lập xã hội
  • Thiếu sự hỗ trợ, giúp đỡ từ người thân, gia đình, bạn bè…

Trầm cảm nặng có yếu tố TS cao nguy hiểm như thế nào?

Trầm cảm nặng có yếu tố tự sát cao là một vấn đề cực kỳ nguy hiểm, cần được can thiệp y tế khẩn cấp. Người mắc trầm cảm có yếu tố tự sát cần được nhập viện theo dõi để điều trị ngay lập tự để ngăn ngừa hành vi tự hủy hoại bản thân và tự sát.

Có 60- 80% người mắc trầm cảm nặng có suy nghĩ hoặc hành vi tự tử
Có 60- 80% người mắc trầm cảm nặng có suy nghĩ hoặc hành vi tự tử

Mức độ nguy hiểm của trầm cảm nặng yếu tố TS cao như sau:

  • Thường có hành vi tự hủy hoại bản thân: Tỷ lệ người mắc trầm cảm nặng, yếu tố tự sát cao có các hành vi tự hủy hoại bản thân như lạm dụng rượu bia, ma túy, chất kích thích là rất cao. Điều này không chỉ nguy hại cho bản thân họ mà còn nguy hiểm cho xã hội.
  • Tỷ lệ tự sát cao: Có 60 – 80% người mắc trầm cảm nặng có suy nghĩ và hành vi tự tử. Họ thường lập kế hoạch và tìm cách thực hiện hành vi tự sát của mình. Khi có yếu tố tự sát, không sớm thì muộn họ cũng sẽ thực hiện hành vi này.
  • Tâm lý không ổn định: Người trầm cảm nặng yếu tố TS cao thường có tâm lý không ổn định. Họ thường có cảm giác buồn bã, chán nản, tuyệt vọng, không thấy bất kỳ hy vọng nào trong tương lai. Điều này rất dễ gây bộc phát cảm xúc và dẫn đến hành vi liều lĩnh, thiếu suy nghĩ đột ngột, bất ngờ.
  • Nguy cơ gây hại người khác: Người mắc trầm cảm nặng yếu tố TS cao có nguy cơ gây hại cho người khác. Đặc biệt là những người làm cha làm mẹ. Đã có nhiều trường hợp cha mẹ mắc trầm cảm giết con rồi tự tử vì bế tắc cuộc sống. Ngoài ra, những người mắc trầm cảm nặng có loạn thần có thể giết người vì ảo giác hoặc hoang tưởng.

Theo thống kê, ở nước ta, mỗi năm có 36.000 – 40.000 người tự tử do trầm cảm. Trong đó, tỷ lệ người từ 45 tuổi mắc trầm cảm có ý tưởng hoặc hành vi tự sát lên đến 36.5%. Đáng nói là tình trạng tự tử vì trầm cảm còn xảy ra ở trẻ em, trẻ vị thành niên và người trẻ tuổi. Số người mắc trầm cảm và tự tử vì trầm cảm ngày càng có xu hướng gia tăng.

Phương pháp điều trị trầm cảm có yếu tố TS cao

Việc điều trị trầm cảm tự tử cần có sự kết hợp của nhiều phương pháp. Đây là một vấn đề nghiêm trọng, tuyệt đối không được chủ quan. Đặc biệt, trầm cảm nặng không thể tự khỏi nếu không điều trị.

1. Điều trị bằng thuốc

Các thuốc điều trị giúp kiểm soát tâm trạng, cải thiện triệu chứng trầm cảm. Việc dùng thuốc cần tuân theo chỉ định của bác sĩ, tuyệt đối không tự ý tăng giảm liều lượng hay ngưng thuốc mà chưa có chỉ định.

Một số thuốc được sử dụng trong điều trị gồm:

  • Thuốc chống trầm cảm: Thuốc đầu tay là SSRI hoặc SNRI, có tác dụng cân bằng chất dẫn truyền thần kinh như serotonin, norepinephrine trong não.
  • Thuốc chống loạn thần: Được chỉ định cho người mắc trầm cảm nặng có biểu hiện loạn thần hoặc có ý định tự sát. Thường dùng là Risperidone, Quetiapine…
  • Thuốc ổn định tâm trạng: Sử dụng khi trầm cảm kết hợp với triệu chứng lưỡng cực, thường dùng là lithium, có tác dụng ổn định tâm trạng, giảm nguy cơ tự sát.
  • Thuốc an thần: Làm dịu tinh thần, giảm căng thẳng, lo âu trong thời gian ngắn.

2. Tâm lý trị liệu

Tâm lý trị liệu thường được kết hợp với các phương pháp điều trị khác như sử dụng thuốc, liệu pháp kích thích não. Tâm lý trị liệu có thể mang lại hiệu quả tích cực trong điều trị trầm cảm nặng, bao gồm các trường hợp có yếu tố tự sát cao.

Tâm lý trị liệu là giải pháp hàng đầu trong điều trị trầm cảm
Tâm lý trị liệu là giải pháp hàng đầu trong điều trị trầm cảm

Một số liệu pháp thường được sử dụng trong điều trị trầm cảm nặng:

  • Liệu pháp nhận thức hành vi CBT: Liệu pháp giúp cá nhân nhận diện và thay đổi những mẫu hành vi suy nghĩ tiêu cực, không thực tế, thay thế bằng các suy nghĩ tiêu cực. Giúp cá nhân phát triển kỹ năng đối phó với căng thẳng và cảm xúc tiêu cực, để họ khám phá cách nhìn khác, thấy được giá trị của chính mình và tự thay đổi bản thân.
  • Liệu pháp hành vi biện chứng DBT: Là liệu pháp đặc biệt hữu ích cho người có hành vi tự hủy hoại và có xu hướng tự sát. Liệu pháp này giúp cá nhân phát triển kỹ năng đối phó với căng thẳng, tăng cường quản lý cảm xúc và kiểm soát suy nghĩ, hành vi của bản thân.
  • Liệu pháp gia đình: Liệu pháp được áp dụng khi trầm cảm có liên quan đến yếu tố gia đình. Liệu pháp này giúp cải thiện giao tiếp, giải quyết xung đột và mâu thuẫn trong gia đình.

3. Liệu pháp sốc điện ECT

Liệu pháp sốc điện ECT được cân nhắc sử dụng trong điều trị trầm cảm nặng có yếu tố tự sát cao khi các phương pháp điều trị trầm cảm khác không có hiệu quả. Liệu pháp sử dụng xung động từ 0.5 – 2.0 ms để tạo ra các cơn co giật có kiểm soát, kích thích vào não thông qua các điện tử gắn trên đầu người bệnh.

Một liệu trình điều trị thường kéo dài khoảng 60 phút, tần suất từ 2 – 3 lần/tuần và kéo dài từ 6 – 12 buổi. Phương pháp này giúp thay đổi lưu lượng máu não, kích thích giải phóng hormone, giải phóng chất dẫn truyền thần kinh, sửa động cấu hình điện não, làm thay đổi tính thấm của hàng rào máu não.

Tuy nhiên, liệu pháp có thể gây ra một số tác dụng phụ như buồn nôn, mất trí nhớ tạm thời, rối loạn ý thức, đau đầu, mệt mỏi… Liệu pháp không áp dụng cho người gặp vấn đề về hệ thống thần kinh hoặc có vấn đề về tim, phổi.

4. Liệu pháp kích thích não

Kích thích não là liệu pháp tạo ra những thay đổi lâu dài trong chức năng não. Các phương pháp này được đánh giá cao về tiềm năng trong điều trị trầm cảm nặng yếu tố tự sát cao. Bao gồm:

  • Kỹ thuật kích thích từ xuyên sọ (TMS): Sử dụng từ trường để kích thích vùng não có chức năng điều chỉnh tâm trạng, đồng thời tăng cường chất dẫn truyền thần kinh não.
  • Kích thích dây thần kinh phế vị (VNS): Sử dụng một thiết bị cấy dưới dây để gửi các xung điện đến dây thần kinh phế vị để giảm phản ứng căng thẳng, kiểm soát cảm xúc. Thường được áp dụng trong điều trị trầm cảm nặng yếu tố tự sát cao, trầm cảm kháng trị, phục hồi não sau đột quỵ…

Cách đối phó với trầm cảm nặng có suy nghĩ tự sát

Trầm cảm nặng có yếu tố tự sát cao là tình trạng nghiêm trọng và nguy hiểm. Người mắc trầm cảm có suy nghĩ tự sát tuyệt đối không nên che dấu vấn đề mình đang gặp phải. Rất nhiều người mắc trầm cảm, trầm cảm không phải lỗi của bạn và bạn hoàn toàn không cô đơn. Có rất nhiều người sẵn sàng giúp đỡ bạn khi bạn gặp khó khăn.

Dưới đây là một số mẹo đối phó với trầm cảm nặng yếu tố tự sát cao:

1. Tìm kiếm sự trợ giúp chuyên nghiệp

Hãy đến gặp bác sĩ, chuyên gia tâm lý hoặc gọi ngay đến trung tâm tâm lý để được tư vấn và hỗ trợ. Bạn không thể tự điều trị trầm cảm, cũng không thể vượt qua trầm cảm mà không có biện pháp hỗ trợ. Bác sĩ hoặc chuyên gia tâm lý sẽ là người giúp bạn vượt qua khó khăn, có kế hoạch điều trị, can thiệp phù hợp cho đến khi cơn khủng hoảng đi qua.

Bạn nên nhanh chóng tìm đến bác sĩ hoặc chuyên gia tâm lý khi có biểu hiện trầm cảm
Bạn nên nhanh chóng tìm đến bác sĩ hoặc chuyên gia tâm lý khi có biểu hiện trầm cảm

Đối với trầm cảm, tâm lý trị liệu hay liệu pháp trò chuyện là giải pháp đầu tiên, được ưu tiên lựa chọn trong điều trị. Liệu pháp này thường kết hợp với các phương pháp như sử dụng thuốc điều trị, liệu pháp sốc điện ECT hay kích thích từ xuyên sọ để giúp giảm nhanh triệu chứng và ngăn ngừa hành vi tự tử.

2. Gọi đến đường dây nóng về tự tử

Bạn có thể gọi đến đường dây nóng 963061414, đây là một dự án hỗ trợ người trầm cảm được thực hiện bởi đài tiếng nói VOV. Bạn có thể chia sẻ tình trạng của bản thân để được tư vấn và hướng dẫn cách sơ cứu, hỗ trợ tâm lý miễn phí.

Bạn cũng có thể liên hệ đến hotline 096 589 8008 của trung tâm Tâm lý trị liệu NHC. Đây là đơn vị tiên phong trong lĩnh vực trị liệu tâm trí và chữa lành tâm bệnh tại Việt Nam. Các chuyên gia của trung tâm sẽ lắng nghe bạn một cách chân thành, không phán xét, hướng dẫn bạn cách xử lý phù hợp với tình trạng trầm cảm có suy nghĩ tự tử.

3. Nhắc nhở bản thân về những điều tốt đẹp trong cuộc sống

Khi bạn chìm đắm trong cảm xúc tiêu cực, bạn sẽ dễ quên đi những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Điều này khiến chúng ta ngày càng bi quan tuyệt vọng. Vì thế, thỉnh thoảng hãy tự nhắc nhở bản thân về những điều tốt đẹp và những điều bạn đã làm được.

Để làm được điều này, bạn cần viết ra những điều tích cực vào một cuốn nhật ký biết ơn. Mỗi ngày, hãy ngồi xuống, viết ra điều có thể khiến bạn thấy hạnh phúc, thấy biết ơn. Nó không thể loại bỏ cảm xúc tiêu cực nhưng có thể là điểm tựa tinh thần để bạn nhận thấy giá trị của cuộc sống.

4. Nói chuyện với người bạn thấy tin tưởng

Bạn không cô đơn như bạn nghĩ, sẽ có người lắng nghe, tin tưởng bạn. Bạn hãy chia sẻ những cảm xúc của mình với bất kỳ người nào có thể khiến bạn thấy tin tưởng, đó có thể là người thân, bạn bè, thầy cô, bác sĩ, nhà trị liệu hay thậm chí là một người xa lạ.

Việc có một người lắng nghe khi buồn bã, chán nản sẽ giúp ích cho bạn rất nhiều. Tuy nhiên, cần nhớ rằng, không phải ai cũng hiểu về trầm cảm. Bạn có thể tìm kiếm sự hỗ trợ trong các cộng đồng trị liệu trầm cảm, ở những người hiểu về trầm cảm hoặc từng mắc trầm cảm giống như bạn.

5. Làm bản thân mất tập trung

Việc xoa dịu cảm giác muốn tự tử bằng sự trì hoãn, chờ đợi thông qua việc làm bản thân mất tập trung có thể giúp bạn vượt qua những đau đớn về cảm xúc. Bạn hãy thỏa thuận với bản thân rằng, bạn sẽ làm những hành động như gọi điện cho bạn bè, xem phim, đi dạo. Trong thời gian này, bạn sẽ không tập trung vào những suy nghĩ tiêu cực trong thời gian này.

Hoặc bạn có thể chuyển hướng chú ý của mình thông qua các hoạt động thể chất như chạy bộ, đi bộ, tập thể dục, nhảy dây để giúp cơ thể giải phóng endorphin. Bạn cũng có thể thực hiện các hoạt động giải trí như nghe nhạc, vẽ tranh, nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa, sắp xếp không gian sống để giúp bạn bận rộn và không suy nghĩ tiêu cực.

6. Đối mặt với cảm xúc của bản thân

Bạn không nên trốn tránh các vấn đề về cảm xúc của chính mình. Khi có ý định tự tử, bạn cần nhận thức được tình trạng của chính mình, đồng thời tích cực tìm kiếm sự trợ giúp. Bạn hãy thừa nhận những cảm xúc của chính mình, cho phép mình được buồn bã thất vọng.

Tuy nhiên, lúc này bạn cần:

  • Viết ra những cảm xúc và suy nghĩ mà mình đã trải qua
  • Trò chuyện với ai đó đáng tin cậy, không tự cô lập chính mình
  • Thực hành kỹ thuật nhìn vào cảm xúc hoặc thực hành chánh niệm
  • Hiểu rằng suy nghĩ tự sát là triệu chứng của trầm cảm, đó hoàn toàn không phải là điều bạn mong muốn. Khi cơn trầm cảm đi qua, suy nghĩ này sẽ biến mất.

7. Lập kế hoạch an toàn phòng chống tự tử

Bạn nên viết ra một kế hoạch an toàn để giúp chính mình khi có suy nghĩ tự tử. Người bị trầm cảm nặng có nguy cơ tự tử cao, mặc dù lúc này bạn có thể cảm thấy choáng ngợp nhưng bạn không hoàn toàn mất kiểm soát trong suy nghĩ và hành vi.

Bạn có thể lập kế hoạch an toàn chống tự tử bằng cách:

  • Liệt kê các dấu hiệu cảnh báo nguy cơ tự tử
  • Liệt kê những cách giúp bạn bình tĩnh (như đọc sách, tập thiền quét cơ thể, tập thở…)
  • Liệt kê những điều tích cực và các lý do bạn cần phải sống
  • Tạo danh sách các liên hệ đáng tin cậy

Trầm cảm nặng yếu tố TS cao hay trầm cảm tự tử rất nguy hiểm. Ý nghĩ tự tử có thể là triệu chứng của trầm cảm nặng nhưng cũng có thể xảy ra ở người mắc rối loạn lưỡng cực, rối loạn lo âu, tâm thần phân liệt. Dù gặp phải tình trạng nào, khi có suy nghĩ tự tử bạn cần phải nhanh chóng tìm gặp bác sĩ hoặc chuyên gia tâm lý để được hỗ trợ ngay lập tức.

Có thể bạn quan tâm:

Nguồn tham khảo: 

  • https://www.medicalnewstoday.com/articles/suicidal-depression#summary
  • https://www.verywellmind.com/tips-for-coping-with-suicidal-thoughts-1067530
  • https://www.healthline.com/health/depression/suicidal-depression
  • Sức khỏe & Đời sống, VnExpress

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Rất nhiều người băn khoăn không biết tại sao người trầm cảm lại tự tử
Tại sao người trầm cảm muốn tự tử? Điều cần biết

Trầm cảm là một rối loạn sức khỏe tâm thần nguy hiểm, phức tạp. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cứ 40 giây...

Theo Đông Y, nguyên nhân của trầm cảm là do chính khí uất trệ
Điều trị trầm cảm bằng đông y (y học cổ truyền)

Trầm cảm không chỉ được điều trị bằng Tây y mà còn có thể được điều trị bằng y học cổ truyền. Y học cổ...

Trẻ chậm nói
Trẻ chậm nói: Dấu hiệu, Chẩn đoán, Phương pháp can thiệp

Trẻ chậm nói là một trong các vấn đề hiện đang nhận được nhiều sự quan tâm của các bậc phụ huynh và toàn xã...

Phòng chống bạo lực học đường là trách nhiệm chung của toàn xã hội
Phòng ngừa bạo lực học đường: Vấn đề của toàn xã hội

Môi trường học đường là nơi đào tạo thế hệ trẻ, những chủ nhân tương lai của đất nước, trường học văn minh thì xã...