Rối loạn hỗn hợp lo âu và trầm cảm: Triệu chứng và điều trị
Rối loạn hỗn hợp lo âu và trầm cảm là một trong những dạng rối loạn tâm thần thường gặp. Đặc trưng bởi tình trạng các triệu chứng lo âu và trầm cảm cùng xuất hiện ở một người. Không có triệu chứng nào được ghi nhận là đủ nặng để chẩn đoán phân biệt là trầm cảm hay lo âu.
Rối loạn hỗn hợp lo âu và trầm cảm là gì?
Rối loạn hỗn hợp lo âu và trầm cảm (Mixed Anxiety – Depressive Disorder, MADD) là loại rối loạn tâm thần có cả triệu chứng lo âu và triệu chứng trầm cảm. Trong đó, không có triệu chứng nào nổi bật, đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn để đưa ra chẩn đoán riêng biệt là rối loạn trầm cảm hay rối loạn lo âu. Tức là các triệu chứng rối loạn lo âu và trầm cảm đều được thể hiện với mức độ như nhau.
Theo các bác sĩ chuyên khoa, loại rối loạn tâm thần này được xếp vào mã bệnh F41.2, thuộc nhóm các rối loạn tâm căn có liên quan đến stress và dạng cơ thể (theo Bảng phân loại bệnh Quốc tế lần thứ mười). Tỷ lệ mắc loại rối loạn hỗn hợp này từ 0.8 – 2.5%, trong đó, nữ có tỷ lệ cao hơn nam. Rối loạn hỗn hợp lo âu và trầm cảm cần được phát hiện sớm và có biện pháp can thiệp phù hợp.
Triệu chứng rối loạn hỗn hợp lo âu và trầm cảm
Các triệu chứng của rối loạn hỗn hợp lo âu và trầm các rất đa dạng. Bao gồm các biểu hiện của lo âu và biểu hiện của trầm cảm. Mức độ của các triệu chứng ở dạng này thường không quá rõ rệt và nổi bật. Chúng xảy ra đồng thời, cùng nhau tồn tại, không có triệu chứng nổi bật để đưa ra chẩn đoán phân biệt.
+Triệu chứng trầm cảm:
- Buồn bã kéo dài: Cảm thấy buồn bã, tuyệt vọng, tội lỗi, vô dụng kéo dài trên 2 tuần
- Mất hứng thú: Không có hứng thú với những hoạt động thú vị, đã từng rất yêu thích
- Giảm năng lượng: Giảm hoặc mất năng lượng, mệt mỏi, uể oải, gặp khó khăn khi bắt đầu công việc mỗi ngày
- Khó tập trung: Gặp khó khăn trong việc tập trung và đưa ra quyết định
- Thay đổi khẩu vị, giấc ngủ: Chán ăn hoặc ăn nhiều, mất ngủ hoặc ngủ quá nhiều
- Suy nghĩ tự tử: Cảm thấy khó chịu, có suy nghĩ tự tổn thương bản thân thậm chí tự tử để giải tỏa cảm xúc.
- Triệu chứng thể chất: Đau đầu, đau cơ, đau lưng, đau ngực hoặc gặp phải các vấn đề về tiêu hóa…
+Triệu chứng rối loạn lo âu:
- Lo lắng quá mức: Cảm giác căng thẳng, lo lắng quá mức về nhiều vấn đề, thường suy nghĩ tiêu cực về các tình huống, sự việc, Cảm giác lo lắng, sợ hãi, hoảng loạn không có nguyên nhân rõ ràng.
- Khó tập trung: Gặp khó khăn trong việc tập trung, hay quên, không thể đưa ra quyết định. Gặp khó khăn trong việc thực hiện một nhiệm vụ nào đó.
- Rối loạn giấc ngủ: Người mệt mỏi, uể oải, khó ngủ, ngủ không ngon giấc, lo lắng đến mức không ngủ được.
- Triệu chứng thể chất: Căng cơ, đau nhức cơ bắp…
Các triệu chứng của tình trạng này không chỉ biểu hiện ở cảm xúc, hành vi mà còn gây đau cơ, bụng, ngực, đau đầu… Trong đó, biểu hiện chủ yếu của trầm cảm là buồn bã, chán nản, giảm khí sắc, mất năng lượng, mất hứng thú. Biểu hiện của rối loạn lo âu là lo lắng, sợ hãi, căng thẳng quá mức.
→Xem thêm: Bài Test trầm cảm Beck (Beck Depression Inventory – BDI)
Nguyên nhân gây rối loạn hỗn hợp lo âu và trầm cảm
Rối loạn hỗn hợp lo âu và trầm cảm là một loại rối loạn tâm thần phức tạp khi xuất hiện cả triệu chứng lo âu và trầm cảm trên cùng một cá nhân. Đôi khi, rối loạn lo âu có thể là nguyên nhân gây rối loạn trầm cảm và ngược lại. Nguyên nhân của tình trạng này chưa được xác định chính xác nhưng có liên quan đến các yếu tố như sinh học, di truyền, tâm lý, môi trường…
Các nguyên nhân, yếu tố gây rối loạn MADD có thể kể đến như:
- Yếu tố sinh học: Sự mất cân bằng của các hóa chất sinh học não như serotonin, dopamine, làm ảnh hưởng đến cảm xúc và hành vi gây ra tình trạng rối loạn lo âu và trầm cảm.
- Yếu tố di truyền: Khi gia đình có người thân từng mắc rối loạn lo âu hoặc trầm cảm thì các thành viên khác trong gia đình thuộc nhóm nguy cơ cao.
- Yếu tố tâm lý: Do cá nhân tự tạo áp lực quá lớn với chính mình hoặc do suy nghĩ tiêu cực, không tự tin với năng lực của bản thân.
- Sang chấn tâm lý: Mất người thân, ly hôn, mất việc, chứng kiến hoặc trải qua sự kiện kinh hoàng, ám ảnh thời thơ ấu, bị lạm dụng tình dục, bị bạo hành…
- Yếu tố khác: Mắc các bệnh như tiểu đường, tim mạch; tác dụng phụ của thuốc; lạm dụng rượu bia, chất kích thích, chất gây nghiện…; mất ngủ liên tục; môi trường sống quá ồn ào, hỗn loạn…
Ảnh hưởng của rối loạn lo âu và trầm cảm
Rối loạn hỗn hợp lo âu và trầm cảm có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tinh thần và cuộc sống của người bệnh. Nếu không được phát hiện và can thiệp kịp thời, người bệnh có thể gặp phải các vấn đề như:
- Gặp phải các vấn đề về thể chất như đau đầu, đau cơ, rối loạn tiêu hóa do căng thẳng kéo dài
- Gây suy nhược thần kinh, ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần, gây khó tập trung
- Làm giảm kết quả học tập, hiệu suất làm việc
- Dễ gây xa cách thậm chí mất sự liên kết trong mối quan hệ với người thân, bạn bè
- Làm thay đổi thói quen cá nhân, ảnh hưởng đến sức khỏe, tăng nguy cơ lạm dụng rượu bia, chất kích thích
- Gây khó khăn trong việc quản lý tài chính cá nhân, dễ gây stress tài chính
- Dễ xuất hiện các hành vi tự hại và nguy hiểm nhất là hành vi tự sát.
Phương pháp điều trị rối loạn hỗn hợp lo âu và trầm cảm
Các vấn đề rối loạn tâm lý cần được can thiệp, trị liệu càng sớm càng tốt. Khi có các dấu hiệu nghi ngờ mắc loại rối loạn tâm thần này, bạn nên tìm đến các bác sĩ tâm lý, tâm thần hoặc chuyên gia chuyên khoa tâm lý để được tư vấn hỗ trợ.
Các phương pháp điều trị trầm cảm hiện nay có thể kể đến như:
1. Sử dụng thuốc
Thuốc điều trị chỉ được sử dụng khi có chỉ định của bác sĩ. Khởi đầu từ liều thấp sau đó tăng liều từ từ cho đến khi đạt được hiệu quả mong muốn. Sử dụng thuốc điều trị có thể gây tác dụng phụ, cần đặc biệt thận trọng.
Các thuốc thường dùng là:
- Thuốc chống trầm cảm: SSRI (paroxetine, fluoxetine…), NaSSA (mirtazapin), SNRI (venlafaxin)
- Thuốc giải lo âu: Benzodiazepines, Non-benzodiazepines…
- Thuốc an thần: Quetiapin, risperdon, Olanzepin…
2. Liệu pháp tâm lý
Điều trị rối loạn hỗn hợp lo âu và trầm cảm bằng liệu pháp tâm lý được khuyến khích áp dụng. Các liệu pháp phổ biến:
- Liệu pháp giải thích hợp lý
- Liệu pháp nhận thức hành vi
- Liệu pháp thư giãn luyện tập
- Liệu pháp gia đình
- Hoạt động trị liệu, vận động trị liệu…
3. Phương pháp hỗ trợ điều trị
Ngoài việc sử dụng thuốc và trị liệu bằng liệu pháp tâm lý, có thể áp dụng các phương pháp hỗ trợ điều trị tại nhà. Có thể kể đến như:
- Thay đổi lối sống: Tập thể dục, vận động thường xuyên, xây dựng chế độ ăn uống khoa học lành mạnh
- Ngủ đủ giấc: Ngủ đúng giờ, đủ giấc, đảm bảo chất lượng giấc ngủ, không ngủ quá nhiều
- Thực hiện thư giãn: Có thể thư giãn, kiểm soát căng thẳng bằng thiền, yoga, kỹ thuật thở sâu
- Kết nối xã hội: Chia sẻ với bạn bè, người thân những vấn đề mà bạn đang gặp phải hoặc tham gia các nhóm hỗ trợ xã hội.
Rối loạn hỗn hợp lo âu và trầm cảm rất phổ biến, được đánh giá là tương đối phức tạp. Tuy nhiên, tình trạng này có thể kiểm soát nếu được phát hiện, can thiệp đúng cách. Khi có các dấu hiệu nghi ngờ rối loạn lo âu và trầm cảm, nên sớm thăm khám bác sĩ hoặc tìm đến các chuyên gia chuyên khoa tâm lý để được tư vấn và hỗ trợ.
Có thể bạn quan tâm:
- 10 cách thoát khỏi trầm cảm tại nhà, không cần thuốc
- Người trầm cảm có tự khỏi được không? Điều cần biết
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!