Rối loạn lưỡng cực: Dấu hiệu, chẩn đoán và cách điều trị

Rối loạn lưỡng cực là một rối loạn tâm trạng mãn tính, kéo dài, gây ra những thay đổi mạnh mẽ về tâm trạng, hành vi và suy nghĩ của một người. Người mắc rối loạn lưỡng cực thường xảy ra các đợt trầm cảm và các đợt hưng cảm với hai thái cực cảm xúc khác nhau. Việc phát hiện và điều trị sớm là cần thiết để ngăn ngừa các ảnh hưởng nghiêm trọng, đặc biệt là nguy cơ tự tử do rối loạn lưỡng cực gây ra. 

Rối loạn lưỡng cực là gì?

Rối loạn lưỡng cực (Bipolar Disorder) là một bệnh lý sức khỏe tâm thần phức tạp, đặc trưng bởi sự thay đổi cảm xúc mãnh liệt và định kỳ. Bệnh gây ra những thay đổi rõ ràng về năng lượng, tâm trạng, mức độ hoạt động và khả năng tập trung của một người.

Theo Viện Sức khỏe Tâm Thần Hoa Kỳ (NIH), những người loại rối loạn tâm lý này thường trải qua các giai đoạn cực kỳ hưng phấn, cáu kỉnh hoặc tràn đầy năng lượng (gọi là giai đoạn hưng cảm) và những giai đoạn rất “xuống tinh thần”, buồn bã, chán nản, thờ ơ, vô vọng (gọi là giai đoạn trầm cảm).

Rối loạn lưỡng cực là một rối loạn tâm lý mãn tính, kéo dài
Rối loạn lưỡng cực là một rối loạn tâm lý mãn tính, kéo dài

Rối loạn lưỡng cực trước đây được gọi là bệnh trầm cảm – hưng cảm. Các đợt thay đổi tâm trạng từ trầm cảm sang hưng cảm có thể xảy ra nhiều lần trong năm. Mỗi đợt thường kéo dài vài ngày, giữa các đợt có những giai đoạn trung tính. Lúc này, tâm trạng của người bệnh ổn định, không bị xáo trộn bởi những dao động tâm lý bất thường.

Phân loại rối loạn lưỡng cực

Theo Hiệp hội Tâm thần học Hoa Kỳ (American Psychiatric Association), rối loạn lưỡng cực được chia làm 3 chẩn đoán chính gồm: Rối loạn lưỡng cực I, rối loạn lưỡng cực II và rối loạn chu kỳ cảm xúc. Mỗi loại rối loạn sẽ có những đặc điểm khác nhau.

Rối loạn lưỡng cực I

Rối loạn lưỡng cực I được chẩn đoán khi một người trải qua ít nhất một cơn hưng cảm. Cơn hưng cảm thường bao gồm sự gia tăng năng lượng mạnh mẽ và thay đổi cảm xúc, như cực kỳ vui vẻ hoặc cáu kỉnh. Người mắc có thể xen kẽ các giai đoạn tâm trạng trung tính, hưng cảm nhẹ, hoặc trầm cảm.

Các triệu chứng của rối loạn lưỡng cực I như sau:

  • Cơn hưng cảm: Kéo dài ít nhất một tuần, các biểu hiện thường là giảm nhu cầu ngủ, nói nhiều hoặc nhanh hơn, suy nghĩ miên man, mất tập trung, bồn chồn, tăng hành vi mạo hiểm hoặc bốc đồng.
  • Cơn hưng cảm nhẹ: Triệu chứng tương tự cơn hưng cảm như kéo dài 4 ngày liên tiếp, mức độ nhẹ hơn. Các triệu chứng này không gây ra vấn đề lớn trong hoạt động hàng ngày.
  • Trầm cảm nặng: Kéo dài ít nhất 2 tuần, thường có ít nhất 4 trong các triệu chứng mệt mỏi, khó tập trung, cảm giác vô giá trị hoặc tội lỗi, tăng hoặc giảm thời gian ngủ, tăng hoặc giảm cảm giác thèm ăn, bồn chồn, thường xuyên nghĩ đến cái chết.

Rối loạn lưỡng cực I thường được điều trị bằng thuốc ổn định tâm trạng như lithium và liệu pháp tâm lý. Thuốc giúp kiểm soát triệu chứng và ngăn ngừa tái phát. Trong trường hợp nặng, liệu pháp sốc điện (ECT) được sử dụng để điều chỉnh tín hiệu não.

Rối loạn lưỡng cực II

Rối loạn lưỡng cực II đặc trưng bởi tình trạng xen kẽ giữa ít nhất một cơn trầm cảm nặng và một cơn hưng cảm. Người mắc rối loạn lưỡng cực II thường có một giai đoạn trung bình, tâm lý ổn định giữa các cơn hưng cảm và trầm cảm.

Đa phần các cơn hưng cảm nhẹ thường mang đến cảm giác dễ chịu, có thể tăng năng suất làm việc và học tập. Người mắc rối loạn lưỡng cực II thường tìm cách điều trị cho các cơn trầm cảm và nghĩ rằng mình bị trầm cảm.

Đặc biệt, người mắc rối loạn lưỡng cực II thường mắc đồng thời các bệnh lý khác như rối loạn lo âu, rối loạn sử dụng chất. Phương pháp điều trị chủ yếu là dùng thuốc và liệu pháp tâm lý. Thuốc thường dùng là thuốc ổn định, thuốc chống trầm cảm, trường hợp nghiêm trọng có thể sử dụng liệu pháp ECT.

Rối loạn chu kỳ khí sắc

Rối loạn chu kỳ khí sắc là dạng nhẹ của rối loạn lưỡng cực. Ở dạng rối loạn này, các triệu chứng hưng cảm và trầm cảm xảy ra thường xuyên, nhưng ít nghiêm trọng hơn. Các triệu chứng như sau:

  • Trong ít nhất 2 năm có nhiều giai đoạn có triệu chứng hưng cảm và trầm cảm, nhưng các triệu chứng không đáp ứng tiêu chuẩn cơ bản của giai đoạn hưng cảm hoặc trầm cảm.
  • Trong vòng 2 năm trở lại đây, các triệu chứng thay đổi tâm trạng kéo dài ít nhất một nửa thời gian, mỗi giai đoạn kéo dài hơn 2 tháng.

Điều trị rối loạn chu kỳ khí sắc chủ yếu là dùng thuốc và liệu pháp tâm lý. Trong đó, tâm lý trị liệu có hiệu quả vượt trội, có thể giúp giải tỏa căng thẳng, cải thiện tâm trạng.

Rối loạn lưỡng cực phổ biến như thế nào?

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), thống kê năm 2019 cho thấy, tỷ lệ dân số toàn cầu mắc rối loạn lưỡng cực là 0.53%. Số người mắc loại rối loạn sức khỏe tâm thần này là 40 triệu người. Trung bình, ước tính, cứ 150 người thì có 1 người mắc phải.

Bệnh chủ yếu xảy ra ở người trong độ tuổi lao động, đôi khi cũng xuất hiện ở trẻ em. Tỷ lệ mắc bệnh ở nam và nữ gần như bằng nhau, tuy nhiên, các dữ liệu hiện có cho thấy, nữ giới được chẩn đoán mắc phải nhiều hơn nam giới.

Triệu chứng của rối loạn lưỡng cực

Dấu hiệu của rối loạn lưỡng cực I là cơn hưng cảm kéo dài ít nhất 1 tuần. Còn dấu hiệu của rối loạn lưỡng cực II và rối loạn khí sắc là sự xen kẽ giữa các cơn trầm cảm và hưng cảm, trong đó, các cơn hưng cảm chỉ ở mức độ nhẹ, không quá nghiêm trọng.

Rối loạn lưỡng cực gây ra 2 thái cực cảm xúc đối lập
Rối loạn lưỡng cực gây ra 2 thái cực cảm xúc đối lập

Dấu hiệu và triệu chứng của cơn hưng cảm

Người mắc rối loạn lưỡng cực sẽ có triệu chứng hưng cảm nhẹ hoặc sẽ trải qua các cơn hưng cảm nhiều lần trong đời. Trong khi người bình thường cũng có các cơn hưng cảm, nhưng ít và xuất hiện trong thời gian ngắn.

Các dấu hiệu và triệu chứng của cơn hưng cảm bao gồm:

  • Nói nhanh, nói nhiều và suy nghĩ nhanh
  • Đột nhiên tăng năng lượng, cảm thấy tràn trề năng lượng
  • Thay đổi tâm trạng đột ngột, từ vui chuyển sang tức giận, thù địch
  • Bồn chồn, không yên
  • Giảm nhu cầu ngủ, hưng phấn đến mức không ngủ được
  • Đặt ra những kế hoạch lớn lao và không thể đạt được
  • Quá vui mừng, phấn khích, tràn đầy hy vọng
  • Cảm thấy mình đặc biệt tài năng, quyền lực hoặc quan trọng
  • Tăng hành vi bốc đồng, phán đoán kém, chẳng hạn nghỉ việc
  • Hành vi liều lĩnh, nguy hiểm như lạm dụng rượu bia, lái xe liều lĩnh, quan hệ tình dục bừa bãi, tiêu tiền hoang phí
  • Trải qua ảo giác và hoang tưởng (hưng cảm nghiêm trọng).

Dấu hiệu và triệu cơn hưng cảm nhẹ

Cơn hưng cảm nhẹ xảy ra phổ biến ở người mắc rối loạn lưỡng cực II và rối loạn khí sắc. Còn được gọi là hypomania, có thể khiến người bệnh cảm thấy rất tốt và giúp họ làm được nhiều việc. Tuy nhiên, sau cơn hưng cảm nhẹ thường là cơn trầm cảm nặng.

Các dấu hiệu và triệu chứng của hưng cảm nhẹ:

  • Cảm giác phấn khích, hưng phấn kéo dài.
  • Dễ cảm thấy hào hứng hoặc lạc quan quá mức, ngay cả khi không có lý do rõ ràng.
  • Dễ trở nên cáu kỉnh, đặc biệt khi gặp phải sự phản đối hoặc cản trở.
  • Chỉ ngủ 3 – 4 tiếng nhưng vẫn không thấy mệt mỏi
  • Tham gia vào nhiều hoạt động hơn bình thường (công việc, dự án cá nhân, thể thao).
  • Đánh giá cao bản thân hơn mức bình thường (mặc dù không đến mức hoang tưởng như hưng cảm toàn phần).
  • Quyết định nhanh mà không cân nhắc hậu quả (ví dụ: chi tiêu quá mức, đầu tư rủi ro).
  • Suy nghĩ nhanh, nảy sinh nhiều ý tưởng sáng tạo hoặc giải pháp cho vấn đề.
  • Nhạy cảm với cảm xúc của người khác, phản ứng mạnh mẽ với các vấn đề không đáng kể.

Khác với cơn hưng cảm toàn phần, hưng cảm nhẹ không gây gián đoạn nghiêm trọng đến cuộc sống hoặc công việc của người bệnh. Mức độ triệu chứng nhẹ hơn và thời gian diễn ra ngắn hơn (thường kéo dài ít nhất 4 ngày).

Dấu hiệu và triệu chứng của các cơn trầm cảm

Triệu chứng của các cơn trầm cảm trong rối loạn lưỡng cực  tương tự với triệu chứng của bệnh trầm cảm nặng. Các triệu chứng này bao gồm:

  • Tâm trạng buồn bã, cảm giác chán nản, trống rỗng kéo dài.
  • Không còn quan tâm hoặc hứng thú với các hoạt động từng yêu thích.
  • Thay đổi giấc ngủ, ngủ quá nhiều hoặc mất ngủ.
  • Ăn ít hoặc nhiều hơn bình thường, dẫn đến tăng hoặc giảm cân đáng kể.
  • Cảm thấy kiệt sức, ngay cả khi không làm việc nhiều.
  • Cảm giác tội lỗi hoặc vô dụng, suy nghĩ tiêu cực về bản thân.
  • Gặp khó khăn trong việc suy nghĩ, ra quyết định, hoặc ghi nhớ.
  • Tâm trạng lo âu, cảm thấy bồn chồn, khó chịu hoặc lo lắng.
  • Xuất hiện ý định hoặc kế hoạch tự làm hại bản thân.

Dấu hiệu và triệu chứng hỗn hợp

Các cơn hưng cảm và trầm cảm không chỉ xảy ra xen kẽ mà có thể xuất hiện hỗn hợp cùng nhau. Trong một cơn rối loạn hỗn hợp, người bệnh sẽ vừa có cảm giác bồn chồn, khó chịu, năng lượng cao kèm theo những suy nghĩ, cảm xúc tiêu cực.

Triệu chứng hưng cảm và trầm cảm thậm chí có thể xảy ra đồng thời
Triệu chứng hưng cảm và trầm cảm thậm chí có thể xảy ra đồng thời

Đôi khi có những trước hợp buổi sáng năng lượng dồi dào, buổi chiều lại buồn bã, uể oải, mất sạch năng lượng, thậm chí có ý định tự hại bản thân. Những người mắc rối loạn lưỡng cực mô tả đây là giai đoạn tồi tệ nhất của tình trạng này.

Triệu chứng rối loạn lưỡng cực ở trẻ em

Triệu chứng rối loạn lưỡng cực ở trẻ em và thanh thiếu niên thường khó xác định. Cần phải phân biệt được các triệu chứng này là do căng thẳng hoặc chấn thương hay do các vấn đề sức khỏe tâm thần khác ngoài rối loạn lưỡng cực gây ra.

Thông thường, trẻ em và thanh thiếu niên thường mắc rối loạn lưỡng cực II hoặc rối loạn khí sắc. Mô hình triệu chứng ở trẻ khác với người lớn, tâm trạng của trẻ thay đổi nhanh, nghiêm trọng, một số trẻ không có giai đoạn trung tính.

Dấu hiệu dễ nhận biết rối loạn lưỡng cực ở trẻ em nhất là sự thay đổi tâm trạng nghiêm trọng, mạnh mẽ. Lúc này, sự thay đổi tâm trạng diễn ra quá mức, không giống những thay đổi tâm trạng thông thường, trước đây.

Nguyên nhân gây ra rối loạn lưỡng cực

Nguyên nhân gây ra rối loạn lưỡng cực vẫn chưa được xác định chính xác. Tuy nhiên, các nhà khoa học nhận thấy, yếu tố di truyền, rối loạn não bộ và yếu tố môi trường có liên quan mật thiết đến tình trạng này.

Các nguyên nhân gây rối loạn lưỡng cực bao gồm:

  • Di truyền: Rối loạn lưỡng cực là một bệnh lý sức khỏe tâm thần có khả năng di truyền cao. Có 2/3 người mắc rối loạn lưỡng cực có ít nhất một người thân hoặc họ hàng gần mắc chứng bệnh này.
  • Rối loạn não bộ: Một số nghiên cứu nhận thấy, có sự khác biệt về kích thước não bộ hoặc hoạt động của một số cấu trúc não ở người mắc rối loạn lưỡng cực.
  • Yếu tố môi trường: Chấn thương, căng thẳng như cái chết của người thân, mắc một căn bệnh nghiêm trọng, vấn đề tài chính, ly hôn cũng có thể khiến gây ra bệnh lý này.

Ảnh hưởng của rối loạn lưỡng cực

Rối loạn lưỡng cực có thể gây ra những tác động tiêu cực sâu sắc đến nhiều khía cạnh của cuộc sống cá nhân và xã hội, bao gồm:

  • Công việc và học tập: Khó tập trung, giảm năng suất, nguy cơ mất việc hoặc gián đoạn học tập.
  • Mối quan hệ cá nhân: Gây căng thẳng, hiểu lầm và rạn nứt trong gia đình và bạn bè.
  • Sức khỏe tâm thần: Gia tăng nguy cơ lo âu, căng thẳng và suy nghĩ tự sát.
  • Sức khỏe thể chất: Mất ngủ, kiệt sức hoặc mắc các vấn đề do hành vi rủi ro.
  • Tài chính: Chi tiêu bốc đồng trong giai đoạn hưng cảm dẫn đến nợ nần.
  • Chất lượng cuộc sống: Gây cảm giác mất kiểm soát, làm giảm sự hài lòng và ổn định trong cuộc sống.

Chẩn đoán rối loạn lưỡng cực

Để chẩn đoán rối loạn lưỡng cực, bác sĩ hoặc chuyên gia chăm sóc sức khỏe có thể sử dụng nhiều phương pháp và công cụ khác nhau nhằm đảm bảo xác định chính xác tình trạng của bạn.

Rối loạn lưỡng cực cần được chẩn đoán bởi chuyên gia tâm lý hoặc bác sĩ
Rối loạn lưỡng cực cần được chẩn đoán bởi chuyên gia tâm lý hoặc bác sĩ

Các bước chẩn đoán

Việc chẩn đoán có thể được tiến hành theo các bước sau đây:

  • Khám sức khỏe toàn diện: Bác sĩ thực hiện kiểm tra cơ thể để loại trừ các bệnh lý khác có thể gây ra các triệu chứng tương tự.
  • Tiền sử bệnh: Bao gồm việc hỏi về các triệu chứng, tiền sử bệnh tật cá nhân, gia đình và trải nghiệm liên quan.
  • Xét nghiệm y tế: Thực hiện xét nghiệm máu hoặc các kiểm tra khác để loại trừ các tình trạng y tế như cường giáp có thể gây ra triệu chứng tương tự.
  • Đánh giá sức khỏe tâm thần: Chuyên gia sức khỏe tâm thần như bác sĩ tâm lý hoặc bác sĩ tâm thần sẽ thực hiện đánh giá chuyên sâu hoặc được giới thiệu từ bác sĩ chăm sóc sức khỏe ban đầu.
  • So sánh với DSM: Chẩn đoán dựa trên Sổ tay Chẩn đoán và Thống kê các Rối loạn Tâm thần (DSM), yêu cầu bệnh nhân phải trải qua ít nhất một cơn hưng cảm hoặc hưng cảm nhẹ.
  • Đánh giá: Bác sĩ sẽ đánh giá mô hình các triệu chứng, mức độ nghiêm trọng và tác động của chúng đến cuộc sống cá nhân và xã hội.

Tiêu chí chẩn đoán theo DSM-5

Theo Sổ tay Chẩn đoán và Thống kê các rối loạn tâm thần của Hiệp hội Tâm thần Hoa kỳ (DSM-5), tiêu chuẩn chẩn đoán rối loạn lưỡng cực như sau:

Rối loạn lưỡng cực I

Để được chẩn đoán mắc rối loạn lưỡng cực I, người bệnh phải trải qua ít nhất một giai đoạn hưng cảm. Giai đoạn này cần đáp ứng các tiêu chí:

  • A. Tâm trạng bất thường: Tâm trạng kéo dài ít nhất 1 tuần (hoặc bất kỳ thời gian nào nếu cần nhập viện), với biểu hiện: Hưng phấn, dễ kích thích, hoặc tự cao quá mức; tăng năng lượng hoặc hoạt động mục tiêu.
  • B. Triệu chứng bổ sung (ít nhất 3 hoặc nhiều hơn nếu tâm trạng chỉ dễ kích thích):
    1. Tăng sự tự tin hoặc tự cao.
    2. Giảm nhu cầu ngủ (ví dụ, chỉ ngủ 3 tiếng mà vẫn cảm thấy đủ).
    3. Nói chuyện nhiều hơn bình thường hoặc nói nhanh.
    4. Dòng suy nghĩ nhanh hoặc cảm giác suy nghĩ dồn dập.
    5. Dễ mất tập trung với các kích thích không đáng kể.
    6. Tăng hoạt động có mục tiêu (công việc, học tập, xã hội) hoặc kích động tâm thần vận động.
    7. Hành vi bốc đồng hoặc rủi ro (chi tiêu quá mức, tình dục không an toàn, đầu tư mạo hiểm).
  • C. Ảnh hưởng chức năng: Các triệu chứng đủ nghiêm trọng để gây rối loạn đáng kể trong công việc, xã hội, hoặc yêu cầu nhập viện để ngăn ngừa tổn hại bản thân hoặc người khác.
  • D. Loại trừ: Các triệu chứng không do ảnh hưởng của chất kích thích hoặc bệnh lý khác.

Rối loạn lưỡng cực II

Chẩn đoán rối loạn lưỡng cực II yêu cầu ít nhất một giai đoạn hưng cảm nhẹ và một giai đoạn trầm cảm nặng.

  • A. Hưng cảm nhẹ: Tâm trạng kéo dài ít nhất 4 ngày liên tiếp, với các triệu chứng tương tự như hưng cảm nhưng không gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng hàng ngày hoặc không cần nhập viện.
  • B. Trầm cảm nặng: Ít nhất 2 tuần với 5 hoặc nhiều hơn các triệu chứng (bao gồm ít nhất một triệu chứng là tâm trạng trầm buồn hoặc mất hứng thú):
    1. Tâm trạng buồn bã, trống rỗng hoặc tuyệt vọng.
    2. Mất hứng thú với các hoạt động thường ngày.
    3. Thay đổi cân nặng hoặc khẩu vị.
    4. Rối loạn giấc ngủ (mất ngủ hoặc ngủ quá nhiều).
    5. Mệt mỏi hoặc mất năng lượng.
    6. Cảm giác vô giá trị hoặc tội lỗi quá mức.
    7. Khó tập trung hoặc đưa ra quyết định.
    8. Suy nghĩ về cái chết hoặc ý định tự sát.
  • C. Loại trừ: Các triệu chứng không do chất kích thích hoặc bệnh lý y khoa khác.

Phương pháp điều trị rối loạn lưỡng cực

Rối loạn lưỡng cực là một tình trạng mãn tính, nhưng có thể được kiểm soát hiệu quả thông qua các phương pháp điều trị kết hợp. Điều trị thường bao gồm thuốc, liệu pháp tâm lý, và thay đổi lối sống. Mục tiêu chính là ổn định tâm trạng, ngăn ngừa tái phát và cải thiện chất lượng cuộc sống.

Điều trị bằng thuốc

Thuốc là yếu tố chính trong kiểm soát rối loạn lưỡng cực. Các loại thuốc thường được sử dụng bao gồm:

  • Thuốc ổn định tâm trạng: Thường là Lithium, Valproate (Depakote), Carbamazepine.
  • Thuốc chống loạn thần: Olanzapine, Risperidone, Quetiapine được dùng với chứng hưng cảm hoặc trầm cảm nghiêm trọng.
  • Thuốc chống trầm cảm: Đôi khi được sử dụng để điều trị cơn trầm cảm trong rối loạn lưỡng cực.
  • Thuốc chống lo âu: Thường dùng Benzodiazepines để giảm lo âu hoặc kích động.
Một số loại thuốc có thể được chỉ định sử dụng để hỗ trợ điều trị
Một số loại thuốc có thể được chỉ định sử dụng để hỗ trợ điều trị

Thuốc điều trị rối loạn lưỡng cực có thể gây ra một số tác dụng phụ như tăng cân, rối loạn chuyển hóa, buồn ngủ, cảm giác kích động phải di chuyển hoặc lắc lư.

Tâm lý trị liệu

Liệu pháp tâm lý đóng vai trò hỗ trợ quan trọng, giúp người bệnh hiểu rõ tình trạng của mình và quản lý cảm xúc:

  • Liệu pháp nhận thức hành vi (CBT): Hỗ trợ người bệnh nhận diện và thay đổi các suy nghĩ tiêu cực, từ đó cải thiện hành vi.
  • Liệu pháp gia đình: Giúp cải thiện mối quan hệ, giảm xung đột và hỗ trợ từ gia đình.
  • Liệu pháp IPSRT: Tập trung vào việc ổn định các thói quen hàng ngày, bao gồm giấc ngủ và ăn uống, để giảm nguy cơ tái phát.
  • Liệu pháp nhóm: Cho phép người bệnh chia sẻ kinh nghiệm và nhận sự hỗ trợ từ những người có cùng tình trạng

Liệu pháp điều trị khác

Các bác sĩ có thể cân nhắc điều trị rối loạn lưỡng cực bằng một số phương pháp khác như:

  • Liệu pháp sốc điện (ECT): Dùng luồng điện ngắn được kiểm soát để gây ra cơn giật nhằm kích thích não bộ. Phương pháp này điều trị tốt cơn hưng cảm và trầm cảm nặng.
  • Kích thích từ xuyên sọ (TMS): Sử dụng một cuộn dây điện từ ngắn truyền dòng điện vào não. Phương pháp này thay thế cho liệu pháp ECT, không gây đau và không cần gây mê toàn thân.

Thay đổi lối sống

Một số thay đổi trong thói quen sinh hoạt có thể giúp cải thiện hiệu quả điều trị:

  • Duy trì lịch trình đều đặn: Ăn uống, ngủ nghỉ và tập thể dục đúng giờ để ổn định nhịp sinh học.
  • Tránh các chất kích thích: Hạn chế rượu, cà phê, và các chất gây nghiện vì chúng có thể làm tình trạng tồi tệ hơn.
  • Quản lý căng thẳng: Thực hành yoga, thiền định hoặc các kỹ thuật thư giãn.
  • Giáo dục bản thân và gia đình: Tìm hiểu về rối loạn lưỡng cực để phát hiện sớm các dấu hiệu tái phát.

Nhập viện điều trị

Khi người bệnh trải qua giai đoạn hưng cảm hoặc trầm cảm nặng có nguy cơ gây hại cho bản thân hoặc người khác, điều trị nhập viện có thể được yêu cầu để đảm bảo an toàn.

Rối loạn lưỡng cực là bệnh mãn tính kéo dài suốt đời, vì vậy, việc điều trị cần được kết hợp giữa việc giảm triệu chứng, kiểm soát bệnh và ngăn ngừa tái phát. Đôi khi có thể mất vài tháng hoặc vài năm để bạn tìm ra được một giải pháp điều trị toàn diện, phù hợp nhất.

Biện pháp phòng ngừa rối loạn lưỡng cực

Rối loạn lưỡng cực chưa được xác định nguyên nhân gây bệnh chính xác nên không có cách phòng ngừa hiệu quả. Tuy nhiên, chúng ta có thể giảm nguy cơ mắc bệnh bằng cách:

  • Quản lý căng thẳng bằng các kỹ thuật thư giãn như thiền, yoga hoặc tập thể dục thường xuyên.
  • Duy trì lối sống lành mạnh, ngủ đủ giấc, ăn uống cân đối, xây dựng thói quen sinh hoạt ổn định
  • Hạn chế hoặc tránh hoàn toàn rượu, ma túy và các chất kích thích
  • Hiểu rõ về các yếu tố nguy cơ, như tiền sử gia đình, để theo dõi và can thiệp sớm khi cần
  • ham gia các nhóm hỗ trợ hoặc tham vấn tâm lý định kỳ.

Câu hỏi thường gặp về rối loạn lưỡng cực?

1. Tại sao rối loạn lưỡng cực không còn được gọi là bệnh hưng trầm cảm?

Thuật ngữ rối loạn lưỡng cực cho phép chẩn đoán chính xác và rõ ràng hơn thuật ngữ “bệnh hưng trầm cảm” hay “trầm cảm hưng cảm. Thuật ngữ này chuẩn y khoa và mang tính lâm sàng, ít cảm xúc hơn. Thêm vào đó, việc có nhiều sự kỳ thị tiêu cực về hưng cảm nên không còn được sử dụng.

2. Tiên lượng của bệnh rối loạn lưỡng cực thế nào? 

Tiên lượng của rối loạn lưỡng cực thường kém. Bệnh làm giảm khoảng 9 năm tuổi thọ, cứ 5 người thì có 1 người tự tử. Tỷ lệ người mắc loại rối loạn này nghiện ma túy hoặc rượu bia lên đến 60%. Vì thế bệnh cần được điều trị kịp thời và đúng cách.

3. Trường hợp nào nên đến bệnh viện ngay?

Người mắc rối loạn lưỡng cực nên đến bệnh viện ngay nếu:

  • Suy nghĩ về cái chết hoặc tự tử
  • Có ý định làm hại bản thân hoặc người khác
  • Ảo giác hoặc hoang tưởng
  • Ngộ độc lithium (buồn nôn, nôn dữ dội, thay đổi thị lực, run tay)

Rối loạn lưỡng cực là bệnh lý mãn tính kéo dài suốt đời. Bệnh sẽ tiến triển nặng và ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của bạn. Vì thế, khi có các biểu hiện nghi ngờ mắc rối loạn lưỡng cực, cách tốt nhất là bạn nên nhanh chóng tìm đến bác sĩ hoặc chuyên gia tâm lý để được tư vấn và hỗ trợ.

Có thể bạn quan tâm: 

Nguồn tham khảo: 

  • https://www.psychiatry.org/patients-families/bipolar-disorders/what-are-bipolar-disorders
  • https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/bipolar-disorder
  • https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/9294-bipolar-disorder
  • https://www.nhs.uk/mental-health/conditions/bipolar-disorder/
  • https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/bipolar-disorder/diagnosis-treatment/drc-20355961

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Trẻ mắc trầm cảm có biểu hiện buồn bã, chán nản, mất hứng thú, mất năng lượng
Trầm cảm ở trẻ em: Nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết và điều trị

Trầm cảm ở trẻ em ngày càng gia tăng, đặc biệt biệt là sau đại dịch Covid-19. Đáng chú ý là có đến hơn 90%...

Bạn có thể tự thực hiện hoặc làm bài test với sự hỗ trợ của chuyên gia
Thang đánh giá trầm cảm trong cộng đồng (PHQ – 9)

Thang đánh giá trầm cảm PHQ-9 là bộ công cụ gồm 9 câu hỏi tự đánh giá ngắn gọn. Được sử dụng để sàng lọc,...

Hãy dành thời gian để yêu và chăm sóc bản thân
10 cách thoát khỏi trầm cảm tại nhà, không cần thuốc

Trầm cảm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe thể chất, đời sống tinh thần và làm giảm chất lượng cuộc sống. Bên cạnh việc...

Người mắc hội chứng tự ngược đãi bản thân thường có hành vi tự làm đau chính mình
Tìm hiểu hội chứng tự ngược đãi bản thân (Self Harm)

Hội chứng tự ngược đãi bản thân là một rối loạn tâm thần, xảy ra phổ biến và ngày càng có xu hướng gia tăng...