Đặc điểm tâm lý trẻ em từ 6 đến 11 tuổi nhiều thay đổi

Độ tuổi từ 6 – 11 tuổi là giai đoạn trẻ có sự chuyển biến tâm lý mạnh mẽ. Đây là giai đoạn tiền dậy thì và dậy thì ở một số trẻ. Việc hiểu rõ đặc điểm tâm lý trẻ từ 6 đến 11 tuổi sẽ giúp bố mẹ lý giải được suy nghĩ, hành vi của trẻ và có sự hỗ trợ phù hợp để trẻ phát triển tốt về mặt tư duy, nhận thức, cảm xúc. 

10 Đặc điểm tâm lý trẻ em từ 6 đến 11 tuổi bố mẹ nên biết

Từ 6 đến 11 tuổi là giai đoạn chuyển tiếp từ thơ ấu sang tiền dậy thì. Trẻ ở độ tuổi này có nhiều thay đổi về ngoại hình, tính cách và tâm lý. Mặc dù mỗi trẻ lớn lên và có tốc độ phát triển riêng, song chúng cũng sẽ có những điểm chung nhất định trong quá trình phát triển tâm lý.

Hiểu rõ đặc điểm tâm lý trẻ em 6 đến 11 tuổi sẽ giúp bố mẹ dễ dàng cung cấp sự hỗ trợ tốt nhất cho trẻ
Hiểu rõ đặc điểm tâm lý trẻ em 6 đến 11 tuổi sẽ giúp bố mẹ dễ dàng cung cấp sự hỗ trợ tốt nhất cho trẻ

Tâm lý của trẻ từ 6 đến 11 tuổi có sự tăng dần mức độ phức tạp. Ở giai đoạn từ 6 – 8  tuổi, trẻ có thể rất ngoan ngoãn, gắn bó nhiều với bố mẹ. Tuy nhiên, từ 8 – 11 tuổi, đây là giai đoạn tiền dậy thì, trẻ sẽ có những thay đổi mạnh mẽ về mặt tâm sinh lý. Đặc biệt, ở một số trẻ bước vào giai đoạn dậy thì (9 – 12 tuổi ở bé gái; 10 – 13 tuổi ở bé trai), con rất dễ gặp phải tình trạng rối loạn tâm lý tuổi dậy thì.

Một số đặc điểm tâm lý trẻ từ 6 đến 11 tuổi:

1. Bắt đầu phát triển tư duy logic

Ở trẻ từ 3 – 5 tuổi, trẻ có tư duy trừu tượng và bắt đầu hình thành khả năng tư duy logic. Tuy nhiên, tư duy logic ở giai đoạn này vẫn còn hạn chế. Trong khi đó, theo lý thuyết phát triển nhận thức của Jean Piaget, giai đoạn 7 đến 11 tuổi là giai đoạn thứ 3 trong phát triển nhận thức, lúc này trẻ phát triển nhanh về khả năng tư duy logic. Đây được xem là bước ngoặt trong phát triển nhận thức của trẻ.

Trẻ có khả năng suy nghĩ logic, có hệ thống với một tình huống, sự vật, sự việc cụ thể. Khả năng tư duy logic của trẻ thể hiện ở việc:

  • Trẻ có thể hiểu khái niệm, bản chất của các phép toán đơn giản như cộng, trừ nhân, chia.
  • Trẻ hiểu khái niệm lớn hơn, nhỏ hơn, biết phân loại đồ vật theo thuộc tính màu sắc, kích thước, hình dạng
  • Trẻ biết sắp xếp đồ vật theo thứ tự, hiểu khái niệm về thời gian và bắt đầu có khả năng tư duy không gian
  • Trẻ có khả năng suy luận logic về nguyên nhân, kết quả, biết phân tích vấn đề một cách có hệ thống và dần hiểu rõ quy tắc, luật lệ.

→Xem thêm: Tìm hiểu tâm lý của trẻ khi có thêm em, liệu có sốc?

2. Đặc điểm tâm lý trẻ 6 đến 11 tuổi: Phát triển ý thức về năng lực cá nhân

Từ 6 đến 11 tuổi là giai đoạn then chốt trong quá trình phát triển của trẻ. Ở giai đoạn này, trẻ phải trải qua rất nhiều thách thức nhưng đồng thời cũng mang đến nhiều điều mới mẻ, thú vị. Đặc biệt, đây là thời điểm trẻ bắt đầu thiết lập ý thức phát triển năng lực cá nhân.

Sự phát triển ý thức về năng lực cá nhân là một phần trong quá trình phát triển tâm lý, xã hội của trẻ. Theo học thuyết phát triển Tâm lý xã hội của Erik Erikson, giai đoạn 5 – 11 tuổi được gọi là giai đoạn “siêng năng – tự ti”. Theo đó, đặc điểm tâm lý trẻ em từ 6 đến 11 tuổi đó là trẻ biết tự đánh giá chính mình thông qua thành tích và các phản hồi từ người lớn.

Thông qua tương tác xã hội, trẻ sẽ thấy tự hào về thành tích và năng lực của chính mình. Trẻ nào được động viên, khích lệ, khen ngợi sẽ tin tưởng mãnh liệt vào chính mình. Trẻ không được khen ngợi, khích lệ thường có xu hướng tự ti, hoài nghi bản thân.

3. Trẻ có xu hướng thích chơi với bạn bè hơn bố mẹ

Một trong những đặc điểm tâm lý trẻ em từ 6 đến 11 tuổi đặc biệt nổi bật đó là các mối quan hệ xã hội ở trẻ. Trẻ ở độ tuổi này có tâm lý thích kết bạn, thích vui chơi tương tác với bạn bè cùng trang lứa. Sự chuyển hướng trong sở thích chơi đùa với ba mẹ sang bạn bè là điều hết sức bình thường và phổ biến ở trẻ.

Trẻ 6 đến 11 tuổi có xu hướng thích chơi với bạn bè hơn là bố mẹ
Trẻ 6 đến 11 tuổi có xu hướng thích chơi với bạn bè hơn là bố mẹ

Trẻ trong độ tuổi 6 đến 11 tuổi thích tìm kiếm sự kết nối, biết cách hợp tác nhóm, biết cách chia sẻ bạn bè và thường đánh giá bản thân qua hoạt động nhóm. Trẻ dễ dàng chơi chung với bạn bè cùng sở thích, bắt đầu tìm kiếm bản sắc cá nhân, có thể tự do khám phá các khía cạnh khác nhau của chính mình.

Trẻ thích sự kích thích và thử thách thông qua các trò chơi cạnh tranh với bạn bè. Cảm giác chiến thắng, thỏa mãn, được khẳng định bản thân khiến trẻ có hứng thú và động lực hơn so với việc chơi với bố mẹ.

4. Trẻ trở nên tự lập, có chính kiến hơn

Tâm lý trẻ trong độ tuổi có ý thức mạnh mẽ hơn về bản thân và có tâm lý thích tự lập. Trẻ bắt đầu hiểu điểm mạnh, điểm yếu, sở thích và bước đầu có sự định hướng mục tiêu cá nhân. Trẻ thích tự quyết định các vấn đề trong cuộc sống như chọn trang phục, chọn đồ ăn, chọn hoạt động giải trí mà không cần bố mẹ can thiệp.

Trẻ dần hình thành ý thức về việc tự quản lý thời gian, thích tự mình hoàn thành các công việc của bản thân hơn là thực hiện khi bị bố mẹ nhắc nhớ. Trẻ cũng thích tranh luận, phản biện các vấn đề với bạn bè, bố mẹ, thầy cô, biết phân tích tình huống và đưa ra cách giải quyết mà bản thân thấy phù hợp.

Đặc biệt, một đặc điểm tâm lý của trẻ từ 6 – 11 tuổi thường gặp đó là trẻ ý thức mình đã lớn. Trẻ hiểu rõ về trách nhiệm của bản thân, biết rằng việc mình làm có thể gây ảnh hưởng đến người khác. Khi được giáo dục, khích lệ, trẻ có ý thức biết chia sẻ việc nhà với bố mẹ và biết giúp đỡ người khác.

5. Quan tâm nhiều đến ngoại hình

Sự quan tâm nhiều đến ngoại hình chủ yếu là tâm lý của trẻ từ 8 – 11 tuổi. Trẻ độ tuổi này bắt đầu nhận thức về bản thân, hiểu rõ mình là cá thể khác biệt so với người khác. Trẻ sẽ nhìn nhận và đánh giá ngoại hình của mình thông qua những lời đánh giá của người khác, có những hiểu biết cơ bản về xấu – đẹp.

Trong giai đoạn từ 8 – 11 tuổi, đây là thời điểm trẻ phát triển ý thức giới tính. Do đó, trẻ có thể quan tâm đến ngoại hình để thể hiện bản sắc giới tính của bản thân. Đồng thời, trẻ dễ bị ảnh hưởng bởi truyền thông, mạng xã hội, bắt đầu có thần tượng, bắt đầu có những lo lắng về ngoại hình.

6. Đặc điểm tâm lý của trẻ em từ 6 đến 11 tuổi: Tò mò về giới tính

Một trong những đặc điểm tâm lý của trẻ em từ 6 đến 11 tuổi chính là sự tò mò về giới tính. Đây là một phần trong quá trình phát triển nhận thức của trẻ giai đoạn tiền dậy thì. Đặc biệt, trẻ em từ 8 – 11 tuổi là giai đoạn có tâm lý hiếu kỳ mạnh mẽ với giới tính nhất. Trẻ em thế hệ hiện tại có xu hướng tò mò về giới tính sớm hơn so với các thế hệ trước.

Trẻ từ 6 đến 11 tuổi có tâm lý tò mò về sự khác biệt giới tính
Trẻ từ 6 đến 11 tuổi có tâm lý tò mò về sự khác biệt giới tính

Ở độ tuổi này, trẻ nhận thức rõ sự khác biệt giữa nam và nữ. Có thể thắc mắc sự khác biệt giữa nam và nữ, thắc mắc về quá trình sinh sản và cách em bé ra đời. Trẻ cũng nhận ra các thay đổi của cơ thể khi chuẩn bị bước vào độ tuổi dậy thì. Sự phát triển ngực ở bé gái, sự to ra của tinh hoàn ở bé trai, hay các đặc điểm về giọng nói, chiều cao.

Trẻ dần hiểu được chuẩn mực xã hội về giới tính, và áp lực cư xử theo khuôn mẫu như con gái phải dịu dàng, con trai phải mạnh mẽ. Việc giáo dục giới tính cho trẻ giai đoạn này là đặc biệt cần thiết. Điều này giúp trẻ tránh việc phát triển sự tò mò không lành mạnh và nguy cơ bị xâm hại, lạm dụng.

7. Rất quan tâm đến công bằng và bình đẳng

Trẻ 6 đến 11 tuổi có tâm lý rất quan tâm đến sự công bằng và bình đẳng. Trẻ ở độ tuổi này có sự phát triển mạnh mẽ về khả năng nhận thức đúng sai và khái niệm công bằng. Trẻ có xu hướng so sánh cách mọi người đối xử với trẻ và dễ dàng nhận thấy những điều bất công. Ví dụ: Khi ai đó được nhận phần thưởng không xứng đáng, trẻ sẽ thấy bất công và phản ứng mạnh mẽ.

Trẻ muốn được đối xử công bằng trong gia đình và trong các mối quan hệ bạn bè. Trẻ nhạy cảm với việc bị so sánh, dễ thấy thất vọng khi bị phân biệt đối xử. Khi cảm thấy công, trẻ có thể có hành vi cố gắng trả đũa, trở nên hung hăng, bực bội.

8. Thích thú với trò chơi, hoạt động thực hành, trải nghiệm

Khả năng tập trung, chú ý tốt là đặc điểm tâm lý ở trẻ em 6 đến 11 tuổi được đánh giá cao ở trẻ. Trong đó, trẻ 6 – 8 tuổi có thể tập trung từ 15 – 20 phút vào một nhiệm vụ. Trẻ từ 9 – 11 tuổi có thể tập trung từ 30 – 45 phút.

Tuy nhiên, sự tập trung của trẻ còn chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố như sự thu hút của nội dung, hứng thú và động lực với nhiệm vụ. Trẻ ở độ tuổi này thường dễ bị thu hút bởi các trò chơi học tập, hoạt động nghệ thuật, thí nghiệm khoa học, hoạt động công nghệ…

Trẻ không thích việc học tập các kiến thức nặng lý thuyết, thay vào đó, trẻ say mê thực hành, say mê các hoạt động trải nghiệm. Đây là tâm lý chung của học sinh tiểu học. Việc khai thác đặc điểm tâm lý này có thể giúp chúng ta phát triển chương trình học phù hợp, giúp trẻ ghi nhớ lâu và hứng thú với việc học tập hơn.

9. Có tâm lý đồng cảm và bắt đầu có nhận thức đạo đức

Tâm lý trẻ em từ 6 đến 11 tuổi thường có sự đồng cảm. Sự phát triển tâm lý xã hội giúp trẻ hiểu sâu sắc về cảm xúc của người khác. Trẻ dần biết đặt mình vào vị trí của người khác, từ đó phát triển sự đồng cảm. Ví dụ: Trẻ có thể nhận ra bạn bè đang buồn và thực hiện hành động an ủi bạn.

Trẻ có tâm lý đồng cảm và học được cách chăm sóc người khác
Trẻ có tâm lý đồng cảm và học được cách chăm sóc người khác

Trẻ độ tuổi này bắt đầu phát triển các suy nghĩ về đạo đức, hiểu nôm na các khái niệm đạo đức như sự công bằng, trung thực, trách nhiệm… Trẻ có thể đưa ra các thắc mắc như tại sao phải chia đồ chơi, tại sao nói dối là sai, tại lại phải chào hỏi người khác… Trẻ có xu hướng coi trọng các nguyên tắc đạo đức học được và thường lên án người khác khi không tuân thủ các quy tắc này.

10. Phát triển tốt về mặt thể chất

Trẻ từ 6 đến 11 tuổi thường trải qua nhiều thay đổi về mặt thể chất. Lúc này trẻ biết phối hợp tay chân linh hoạt, biết khéo léo sử dụng các ngón tay để làm đồ thủ công. Trẻ thích thú với các hoạt động yêu cầu kỹ năng phức tạp hơn như đi xe đạp, trượt patin, bơi lội, đá bóng… Trẻ chú ý hơn đến ngoại hình và bắt đầu so sánh ngoại hình, khả năng vận động của bản thân với bạn bè.

Có 9 trên 10 phụ huynh tin rằng con mình khỏe mạnh về mặt thể chất. Tuy nhiên, thực tế, có đến 7 trên 10 trẻ không thực sự khỏe mạnh. Trẻ em hiện nay không được vận động thể chất nhiều. Thời gian chủ yếu của trẻ là ở trường lớp, khi ở nhà chủ yếu là xem tivi, điện thoại, ít có cơ hội vận động. Việc ít vận động làm gia tăng nguy cơ béo phì và các vấn đề về sức khỏe cho trẻ.

Cách hỗ trợ trẻ từ 6 đến 11 tuổi phát triển tâm lý

Như đã đề cập, giai đoạn từ 6 đến 11 tuổi là thời điểm then chốt trong quá trình phát triển tâm lý của trẻ. Ở giai đoạn này, trẻ cần được chỉ dẫn để hiểu rõ hơn về bản thân, phát triển khả năng tư duy logic, hình thành sự tự tin và lòng tự trọng, xây dựng ý thức trách nhiệm, phát triển kỹ năng xã hội.

Cách hỗ trợ trẻ em từ 6 đến 11 tuổi phát triển tâm lý:

Dạy trẻ kỹ năng giao tiếp, tương tác xã hội

Trẻ từ 6 đến 11 tuổi thích kết bạn, việc có một mối quan hệ bạn bè tích cực giúp trẻ ít cô đơn và hứng thú hơn với việc đi học. Tuy nhiên, trẻ có thể gặp khó khăn trong việc làm quen kết bạn. Do đó, bố mẹ, thầy cô nên giúp đỡ, hướng dẫn và dạy trẻ cách tương tác, giao tiếp.

Phụ huynh nên dạy trẻ kỹ năng giao tiếp và duy trì mối quan hệ bạn bè
Phụ huynh nên dạy trẻ kỹ năng giao tiếp và duy trì mối quan hệ bạn bè

Hãy làm gương về các hành vi thân thiện khi đối xử với người khác để trẻ biết cách thân thiện với người khác. Dạy trẻ các kỹ năng xã hội, cách làm quen với bạn, cách đối xử qua lại giữa bạn bè để duy trì mối quan hệ.

Phụ huynh hoặc giáo viên có thể làm cầu nối cho mối quan hệ bạn bè của trẻ. Giáo viên tạo các hoạt động nhóm để trẻ chơi với nhau theo nhóm. Hoặc phụ huynh có thể mời một vài bạn cùng lớp của trẻ đến nhà chơi để trẻ có mối quan hệ thân thiết với bạn bè.

Khen ngợi, động viên và giúp trẻ nhận ra tài năng của mình

Như đã đề cập, theo nghiên cứu các giai đoạn phát triển tâm lý xã hội của Erik Erikson, giai đoạn 6 – 11 tuổi là thời kỳ trẻ phát triển năng lực và sự tự tin. Do đó, chúng ta cần tích cực đóng góp vào ý thức về bản thân của trẻ, đồng thời giúp trẻ nuôi dưỡng lòng tự trọng và nâng cao sự tự tin.

Hãy cung cấp kiến thức để trẻ phát triển suy nghĩ, nhận thức, giao tiếp. Thường xuyên khen ngợi và động viên để trẻ cố gắng, nỗ lực và xây dựng sự tự tin. Hãy cho trẻ biết giá trị của con bằng cách giúp con nhận ra tài năng và khả năng riêng của mình. Đừng so sánh trẻ với bất kỳ đứa trẻ nào khác.

Giáo dục giới tính và dạy trẻ bảo vệ chính mình

Cung cấp kiến thức về giới tính, để trẻ khám phá một cách lành mạnh là điều cần thiết trong quá trình hỗ trợ phát triển tâm lý trẻ em 6 đến 11 tuổi. Giai đoạn này, trẻ cần được dạy chính xác tên khoa học của các bộ phận sinh dục trên cơ thể. Đồng thời, nên giải thích cho trẻ hiểu rõ sự khác biệt về giới tính, nên dạy nghiêm túc, trực quan, không đi quá sâu vào chi tiết.

Ngoài ra, chúng ta cần dạy trẻ cách tự bảo vệ chính mình để tránh xâm hại, lạm dụng, kể cả khi con là con trai. Cách dạy trẻ như sau:

  • Giải thích với trẻ quyền riêng tư, trẻ không nên cho người khác động vào các bộ phận trên cơ thể
  • Cho trẻ biết rằng, trẻ có quyền nói không và yêu cầu giúp đỡ khi ai đó cố gắng chạm vào trẻ
  • Dạy trẻ nhận diện các tình huống nguy hiểm như gọi trẻ đến chỗ kín, yêu cầu trẻ giữ bí mật, chạm vào cơ thể trẻ
  • Dạy trẻ nói không một cách mạnh mẽ, cách kêu cứu và khuyến khích trẻ không giữ bí mật với ba mẹ
  • Dạy trẻ cách bảo vệ bản thân trên không gian mạng
  • Khuyến khích trẻ giữ khoảng cách với người khác
  • Giúp trẻ xác định ai là người đáng tin cậy và không đáng tin cậy

Lắng nghe, chia sẻ, làm bạn với trẻ

Việc lắng nghe, chia sẻ, tôn trọng và làm bạn với con sẽ giúp bạn xây dựng mối quan hệ vững chắc, tạo nền tảng cho sự phát triển tâm lý của trẻ. Đặc biệt, điều này sẽ giúp con tin tưởng, thân cận với bố mẹ, tránh rơi vào rối loạn tâm lý ở tuổi dậy thì ẩm ương.

Sự đồng hành của bố mẹ sẽ giúp con có điểm tựa tâm lý vững chắc
Sự đồng hành của bố mẹ sẽ giúp con có điểm tựa tâm lý vững chắc

Để làm bạn với con, hãy dành thời gian lắng nghe khi trẻ nói. Cho con thấy rằng bạn thật sự quan tâm điều con nói và hoàn toàn tập trung vào cuộc trò chuyện. Nên dùng ánh mắt, cử chỉ, nét mặt, nụ cười thân thiện, những cái gật đầu nhẹ để khuyến khích trẻ chia sẻ.

Phụ huynh cần công nhận cảm xúc của con trẻ, khuyến khích trẻ nói về cảm xúc của mình. Đồng thời, bạn cần thể hiện sự đồng cảm và các câu phản hồi như “chắc hẳn con đã rất buồn”, “bố/mẹ hiểu cảm giác của con”… Và nhớ hướng dẫn trẻ kỹ năng giải quyết vấn đề.

Để làm bạn cùng con, bạn cần:

  • Giữ lời hứa với trẻ
  • Tôn trọng sự riêng tư và sở thích của con
  • Không so sánh con với những đứa trẻ khác
  • Lắng nghe trẻ chân thành, không phán xét, áp đặt…

Trao cho trẻ cơ hội thể hiện bản thân

Giai đoạn từ 6 đến 11 tuổi là thời điểm thích hợp để giúp trẻ phát triển sự tự tin, hình thành tính cách tự lập. Với trẻ độ tuổi này, bố mẹ nên dạy con cách gọi tên cảm xúc, khuyến khích trẻ diễn đạt cảm xúc. Hãy luôn lắng nghe, tôn trọng và tạo điều kiện để trẻ bày tỏ suy nghĩ của chính mình.

Nên cho phép trẻ tham gia đóng góp vào các hoạt động của gia đình như lên kế hoạch đi chơi, quyết định hoạt động cuối tuần. Cho trẻ tự quyết định các vấn đề về cuộc sống của chính mình như chọn quần áo, chọn món ăn, tự dọn phòng, tự chuẩn bị bài tập…

Tổ chức các trò chơi và các hoạt động thú vị

Trẻ thường học tập, tiếp thu tốt và có hứng thú với các hoạt động trải nghiệm. Vì thế, chúng ta nên tổ chức, thiết kế các trò chơi đa dạng phù hợp với lứa tuổi để phát triển tâm lý, tư duy, trí tuệ.

Các trò chơi đóng vai, trò chơi giải quyết vấn đề sẽ giúp trẻ học cách nhìn nhận vấn đề từ góc nhìn của người khác, học được cách phát triển tư duy, khả năng phản biện, khả năng giải quyết vấn đề. Nên tổ chức các cuộc tranh luận, trò chơi phản xạ, trò chơi cảm xúc để trẻ tham gia.

Ngoài ra, gia đình nên thường xuyên có những buổi đi chơi cùng nhau để gắn kết tình cảm gia đình. Các hoạt động ngoài trời, hoạt động thể chất, hoạt động dã ngoại có đóng góp tích cực vào sự phát triển tâm lý của trẻ.

Đặc điểm tâm lý trẻ em từ 6 đến 11 tuổi thay đổi nhanh chóng và phức tạp nhiều hơn so với những gì chúng ta nghĩ. Hiểu rõ tâm lý của trẻ giai đoạn này sẽ giúp bố mẹ lý giải được hành động của con. Đồng thời có sự hỗ trợ tốt nhất cho sự phát triển của trẻ, nhất là khi trẻ bước vào giai đoạn dậy thì.

Có thể bạn quan tâm:

Nguồn tham khảo: 

  • UNICEF Việt Nam
  • https://www.apa.org/act/resources/fact-sheets/development-10-years
  • https://extension.missouri.edu/publications/gh6235

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bạn có thể tự thực hiện hoặc làm bài test với sự hỗ trợ của chuyên gia
Thang đánh giá trầm cảm trong cộng đồng (PHQ – 9)

Thang đánh giá trầm cảm PHQ-9 là bộ công cụ gồm 9 câu hỏi tự đánh giá ngắn gọn. Được sử dụng để sàng lọc,...

Rối loạn giấc ngủ là tình trạng thời gian, chất lượng giấc ngủ của trẻ không đảm bảo
Rối loạn giấc ngủ ở trẻ em: Dấu hiệu và cách xử lý

Rối loạn giấc ngủ ở trẻ em xảy ra rất phổ biến, có đến 50% trẻ em trên thế giới gặp phải tình trạng này....

Rối loạn lo âu là tình trạng lo lắng, căng thẳng, sợ hãi kéo dài, quá mức, không tương xứng với tình huống thực tế
Rối loạn lo âu: Nguyên nhân, Biểu hiện, Cách điều trị

Rối loạn lo âu là một loại rối loạn tâm thần, đặc trưng bởi cảm giác sợ hãi, lo lắng xuất hiện thường xuyên, quá...

Rối loạn ăn uống đặc trưng bởi hành vi ăn uống bất thường kèm theo cảm giác buồn rầu, đau khổ
Rối loạn ăn uống là gì? Nguyên nhân, dấu hiệu và điều trị

Rối loạn ăn uống là loại rối loạn tâm thần thường gặp, xảy ra ở 5% dân số, có thể xuất hiện ở bất kỳ...