Khám phá thế giới của người trầm cảm qua các câu chuyện
Trong thế giới của người trầm cảm, cảm giác chán nản, buồn bã với những ngày xám xịt, tồi tệ là những gì bao trùm, bủa vây khiến họ chới với, choáng ngợp. Họ nhìn cuộc đời qua lăng kính đen tối, cố gắng vùng vẫy trong “vũng lầy tâm lý” với vô vàn nỗi lo lắng, buồn bã và sự ám ảnh của những trải nghiệm tiêu cực.
Những câu chuyện về người trầm cảm
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, trên thế giới có hơn 300 triệu người trầm cảm. Mỗi người có một câu chuyện khác nhau, nhưng điểm chung của họ là rất ít khi chia sẻ. Họ thường sống trong thế giới của chính mình, tự mình vỗ về, ôm ấp vết thương và giấu kín những tổn thương trong lòng.
“Thế giới của tôi là sương mù u ám”
Là một người được chẩn đoán trầm cảm, chị Nữ (nhân vật đã được đổi tên), cho biết, đó thật sự là một giai đoạn vô cùng kinh khủng. “Tôi không biết chính xác mình mắc trầm cảm khi nào, cũng không biết bản thân trầm cảm do đâu“.
Chỉ biết rằng, bản thân đã nhận thấy tinh thần không ổn định từ khi bước vào lớp 12. Lúc đó, chị thật sự thấy mình như lạc vào sương mù, luôn bi quan, chán nản, cảm thấy tương lai vô vọng và không có động lực để sống. Tuy nhiên, chị vẫn luôn cố tỏ ra vui vẻ, tỏ ra rằng mình rất ổn trước mặt mọi người.
“Tôi luôn cố tỏ ra mình là người vui vẻ, lạc quan, nhiều năng lượng. Nhưng sâu trong thâm tâm, tôi cảm thấy rất buồn. Mỗi ngày, tôi thức dậy với sự chán nản, không có động lực để làm bất kỳ việc gì. Tôi muốn dừng lại mọi thứ, muốn bỏ hết tất cả“, chị Nữ chia sẻ.
Đỉnh điểm là sau nhiều lần tự làm đau bản thân, chị Nữ đã có ý định và lên kế hoạch tự tử. Thế nhưng, nhớ lại hình mẹ vất vả tảo tần, cảm giác “sao mà mình thấy có lỗi với gia đình quá” trỗi dậy, thôi thúc chị tìm đến bác sĩ tâm lý.
“Tôi đã trút hết nỗi lòng, tâm sự của mình với bác sĩ tâm lý trong dòng nước mắt. Tôi được chẩn đoán mắc trầm cảm mức độ vừa và rối loạn lo âu mức độ nặng. Tất cả mọi người đều bất ngờ vì không nghĩ rằng một người vui vẻ như tôi lại mắc trầm cảm.”
“Tôi là người trầm cảm – Âm thanh ám ảnh từ nhỏ”
Câu chuyện được trích từ cuốn sách “Đại dương đen – Những câu chuyện từ thế giới của người trầm cảm”. Là câu chuyện có thật kể về quá trình trải qua giai đoạn trầm cảm của một chàng kỹ sư tên Thành, 33 tuổi.
Ngày nào đi học về, cậu bé Thành cũng lo lắng, hồi hộp không biết bố có nhậu say, có mở nhạc ầm ĩ hay đập phá đồ đạc hay không. Tuổi thơ của hai anh em Thành luôn là những âm thanh hỗn loạn. Luôn ám ảnh bởi những lời đay nghiến “tao làm việc như một con chó, thế mà chúng mày…”, “mày định dạy khôn tao đấy à“.
Anh không thể hiểu được vì sao bố luôn đánh đập, chửi bới, vì sao luôn đay nghiến vợ con. Có một lần, anh đã túm tóc bố, ghì xuống mà gào lên “bây giờ mày muốn gì”. Anh đã đấm liên tục vào bố mình, trút ra hết những bực tức dồn nén bao nhiêu năm.
Sau sự kiện đánh bố, anh đã gặp chuyên gia tư vấn tâm lý. Tuy nhiên, vì sống quá lâu và vẫn tiếp tục chịu ảnh hưởng từ môi trường độc hại, sự tư vấn tâm lý không mang đến nhiều hiệu quả. Anh Thành được giới thiệu đến một bác sĩ tâm thần lâu năm trong nghề.
Sau hai tuần uống thuốc, anh trở nên đờ đẫn, không cảm xúc, thậm chí thờ ơ với đứa con của mình. Thậm chí, anh có cảm giác, đứa bé trong tay như cục thịt, phát ra những âm thanh khó chịu. Anh mê mệt cả ngày, tay thõng xuống, bước chân lệt xệt.
Khi gọi cho bác sĩ, ông bác sĩ trả lời cụt lủn, hỏi rằng anh có muốn đổi thuốc không, loại này sẽ mạnh hơn. Anh đổi thuốc, tối đó, mắt anh cứ trợn ngược lên, thức ăn vào mồm như ăn rác, anh không thể kiểm soát được cơ thể mình nữa.
Bác sĩ đề nghị nhập viện nội trú, anh cảm thấy bản thân không thể tiếp tục nữa. Sau bốn tháng điều trị, anh quyết định dừng thuốc. Anh tiếp tục sống chung với trầm cảm, sống cùng sự vô vọng bế tắc dù đã nỗ lực tự cứu lấy mình.
→Xem thêm: Trầm cảm nặng yếu tố TS cao là gì? Điều cần biết
“Tôi đã bóp cổ con mình”
Chị Quỳnh (nhân viên văn phòng) vừa sinh em bé, đã nhiều đêm thức trắng vì trông con. Quá mệt mỏi với việc con khóc đêm, lúc 2 giờ sáng, chị bế con vào phòng, đứa bé trèo lên người bố nhưng bị bố hất ra và khóc toáng lên.
Chị vội vàng bế con ra phòng khách, dỗ dành con trong đêm dài vô tận. Đến 3 giờ, con bé lại í ẹ đòi bú. Sự ám ảnh bởi tâm lý phải nuôi con bằng sữa mẹ, phải dỗ dành con khiến chị mệt mỏi hơn bao giờ hết.
Chị cảm giác mình là một người mẹ tồi tệ, kém cỏi. Từ khi nào, mình trở thành một người xấu xí, lôi thôi như vậy. Dỗ con đến 5 giờ sáng, chị cảm giác quá mức căng thẳng và ức chế, muốn bóp cổ đứa bé, sao mà nó khóc lắm thế, sao nó không theo bố mà luôn bám riết mẹ.
Cảm giác bức bối, khó chịu luôn bủa vây lấy chị. Một mình chăm sóc 2 con, chồng vô tâm, mẹ chồng thì lúc nào cũng dè bỉu vì hai đứa cháu đều là con gái. Chị cho biết “Tôi biết mình đang bị trầm cảm, tôi muốn làm đau con, muốn đày đọa nó dù tôi yêu nó vô cùng”.
Người mà chị cảm thấy có lỗi nhất chính là đứa con gái đầu được 10 tuổi. Sau khi sinh con, chị không có thời gian cho bản thân, càng đừng nói đến thời gian cho con gái. Con bé lặng lẽ như một cái bóng, lúc nào cũng bị mẹ quát nạt. “Tôi thấy mình đối xử với con như một con quỷ dữ, một con thú bị thương”.
Đã 2 lần chị lao vào bóp cổ con bé, nước mắt nó chảy ra nhưng nó nín nhịn. Khi bình tĩnh lại, chị khóc lóc xin con tha thứ, con bé chấp nhận. Mãi rồi con bé cũng quen với việc mẹ gây ra tội rồi lại xin lỗi. Chị rơi vào vòng luẩn quẩn, không cách nào thoát ra được, không có sự cứu rỗi nào từ chồng, gia đình chồng hay chính ba mẹ ruột của mình.
“Tôi đã suýt nhảy xuống”
Một bạn trẻ, giấu tên kể rằng, mình đã từng có thời điểm muốn nhảy từ lầu cao của tòa nhà xuống để từ bỏ cuộc sống này. Đã từng có lúc dùng dao cứa vào lòng bàn tay mình để khiến mình cảm thấy ổn hơn.
Từ nhỏ, bạn đã sống trong gia đình không hạnh phúc, bố mẹ thường xuyên cãi vã. Một lần, khi đang ngủ ngon lành, bố chạy vào phòng, túm lấy bạn và nói rằng “nhìn cái mắt mẹ con kìa, coi có giống người điên không“.
Trong khi đó, mẹ ngày nào cũng chê bố không tốt, không phải vì con, vì cái gia đình này, mẹ đã không phải khốn khổ như vậy. Bạn luôn cho rằng, mẹ khổ là do mình. Và khi bố tức giận, ông luôn chì chiết, mắng mỏ bạn bằng những lời thậm tệ.
Đỉnh điểm là một lần, bố có phát biểu gia trưởng, định kiến với phụ nữ. Bạn chịu không nổi nên đã đập bàn, quát “thật là vớ vẩn” rồi chạy đi. Bố liền chạy theo, đạp cửa rồi tát một cái thật mạnh. Bạn chạy lên tầng cao của tòa nhà muốn nhảy xuống, cả bạn và mẹ đã ôm nhau khóc thật nhiều.
Sau đó họ đến gặp chuyên gia tâm lý, chuyên gia đã chỉ rõ đây là vấn đề của gia đình, là do mối quan hệ giữa cha mẹ không tốt, “rõ ràng là cha mẹ bệnh, nhưng lại muốn con cái uống thuốc”. Sau đó, bố mẹ cố gắng thay đổi, điều chỉnh, mối quan hệ trong gia đình bạn dần hài hòa và dịu đi.
Có gì trong thế giới của người trầm cảm?
Chắc hẳn không ít người thắc mắc, “có gì trong thế giới của người trầm cảm”, “tại sao họ không tự cứu lấy mình”, “tại sao họ không tìm đến chuyên gia”, “tại sao họ lại nhu nhược, yếu đuối như vậy”. Sự thật là, có sự khác biệt trong cách não bộ của người trầm cảm và người bình thường hoạt động. Có quá nhiều vấn đề ảnh hưởng đến suy nghĩ, nhận thức và cảm xúc của họ.
1. Thế giới của người trầm cảm là màu đen u ám, xám xịt
Thế giới của người trầm cảm là một khoảng không rộng lớn, u ám, không bờ bến và sâu thẳm. Người mắc trầm cảm càng nặng thì thế giới càng tối tăm. Họ không thấy được những điều đẹp đẽ của cuộc sống, không còn cảm nhận được những điều vui vẻ, hài hước. Mọi thứ thật đen tối và buồn tẻ, luôn được nhìn nhận qua lăng kính màu đen.
Chúng ta thường nói rằng, người trầm cảm nhìn thế giới dưới lăng kính màu đen. Chúng ta luôn cho rằng mọi người đang nói đến nghĩa bóng của vấn đề. Thế nhưng, một nghiên cứu của các nhà khoa học từ Đại học Helsinki Phần Lan đã cho thấy, người trầm cảm thật sự nhìn thế giới theo cách khác.
Các nhà nghiên cứu đã thu thập bằng chứng, cho thấy não người trầm cảm xử lý thông tin thị giác khác với người bình thường. Điều này có thể bắt nguồn từ vỏ não. Viljami Salmela, Nghiên cứu viên tại Viện Hàn lâm Phần Lan cho biết, người trầm cảm cảm nhận độ tương phản hình ảnh khác với người không trầm cảm.
Người trầm cảm nhẹ có thể vẫn còn thấy lạc quan với cuộc sống, có thể nhớ hoặc hoài niệm những thời điểm tốt đẹp và muốn thoát khỏi trầm cảm. Tuy nhiên, người trầm cảm nặng lại thấy mọi thứ quá mức tối tăm, quá mức nặng nề. Cuộc sống với họ là một gánh nặng, giống như một sự tra tấn.
2. Thế giới của người trầm cảm là sự phóng đại cảm xúc tiêu cực
Trong thế giới của người trầm cảm, các cảm xúc tiêu cực bị phóng đại lên gấp nhiều lần. Những trải nghiệm tích cực dần bị đẩy lùi, chôn vùi trong trí nhớ. Họ chìm đắm trong những suy nghĩ rối rắm, những nỗi lo lắng không tên. Những ký ức xấu xa, buồn tủi đè nặng trong tâm trí khiến cho cảm giác buồn bã, chán nản, bi quan, tuyệt vọng bị phóng đại lên gấp nhiều lần.
Chẳng hạn, khi bạn vẫy tay chào ai đó nhưng họ ngoảnh mặt đi và không đáp lại. Người trầm cảm sẽ luôn suy nghĩ, bận tâm về điều này, họ cố gắng tìm kiếm lỗi lầm của bản thân, băn khoăn không biết mình đã làm gì khiến người kia giận hoặc không thích họ.
Hoặc khi làm bài kiểm tra, bạn có 3 bài đạt điểm tốt và 1 bài đạt điểm kém. Điều này khiến bạn dằn vặt, khó chịu cực kỳ, luôn tập trung vào bài điểm kém, cho rằng bản thân là kẻ tồi tệ, thất bại. Tệ hơn là cảm giác lo lắng, chán nản vì khiến bố mẹ không vui, thất vọng về mình.
3. Không có chỗ cho lòng tự trọng
Theo các bác sĩ tâm lý, trong thế giới của người trầm cảm hầu như không có chỗ cho lòng tự trọng. Người trầm cảm luôn tự ti, xấu hổ và là hoài nghi năng lực của bản thân khi không hoàn thành được mục tiêu. Họ thường cảm thấy mọi thứ trở nên thật vô nghĩa, bản thân quá mức vô dụng, phủ nhận cả những thành tựu trước đây của họ.
Thế giới của người trầm cảm chỉ xoay quanh các cảm xúc tiêu cực. Những lời phê bình, đánh giá khiến họ cảm thấy tự ti, mặc cảm, xấu hổ, tất cả các thành tích trước đó dường như không còn trở nên quan trọng. Họ cảm thấy mình không đáng sống, chắc chắn người xung quanh sẽ bỏ rơi mình.
4. Không có ánh sáng tương lai, hy vọng
Nếu như bạn nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm, bạn sẽ cố gắng chạy về phía ánh sáng ấy. Thế nhưng, thế giới người trầm cảm dường như không có chút ánh sáng nào cả. Bất kể thế nào, dù cố gắng làm gì, họ cũng không thể vùng vẫy thoát ra khỏi vũng lầy tâm lý.
Việc từ bỏ, biến mất trở thành suy nghĩ thường trực trong đầu họ. Mọi thứ quá tối tăm, quá mệt mỏi, không có chút ánh sáng hay hy vọng nào cả. Một ngày mới bắt đầu là một sự khởi đầu mới, nhưng với người trầm cảm, họ chẳng mong ngày mới bắt đầu.
5. Thế giới của người trầm cảm: Cảm xúc như sóng trào
Trong thế giới của người trầm cảm, cảm xúc có thể trống rỗng, tĩnh lặng đến mức không có gợn sóng nào. Hoặc có thể trào dâng cuồn cuộn bởi sự tức giận, tuyệt vọng do ức chế, dồn nén cảm xúc.
Sự kích thích từ yếu tố môi trường, xã hội, từ những người xung quanh khiến họ trở nên cáu kỉnh, nóng giận, không kiểm soát được lý trí của mình. Giống anh Thành, chị Quỳnh trong những câu chuyện trên. Họ căng thẳng, bực bội đến mức đánh mất lý trí, dường như không còn là chính mình trong cơn trầm cảm.
6. Khát vọng bình yên mãnh liệt
Người trầm cảm chỉ mong có gì đó giúp họ nhanh chóng thoát khỏi cảm giác đau khổ, bức bối, khó chịu. Mỗi ngày trôi qua thật vô vị, chán nản, luôn bủa vây bởi những suy nghĩ rối loạn. Thế nhưng trong sâu thẳm thâm tâm, họ khao khát cuộc sống bình yên hơn bao giờ hết. Mong muốn có sự cứu rỗi để không phải đau đớn về thể chất và tinh thần.
Người trầm cảm rất sợ hãi việc bị hiểu lầm, bị coi thường, họ cảm thấy không an toàn khi chia sẻ để rồi tự mắc kẹt trong nỗi đau của chính mình. Đã có nhiều người trầm cảm tự cứu lấy mình và cố gắng tìm kiếm sự giúp đỡ. Họ có thể đẩy người khác ra xa mình, nhưng thực tế, họ lại mong muốn và cần được giúp đỡ hơn bao giờ hết.
Cách giúp một người vượt qua trầm cảm
Để giúp một người vượt qua trầm cảm không phải là điều đơn giản, đây là một hành trình dài, đòi hỏi sự kiên nhẫn, hiểu biết, cảm thông và bao dung. Trầm cảm rất phức tạp, mỗi người sẽ đối mặt với những vấn đề khác nhau nên cách tiếp cận cũng không giống nhau.
Để giúp một người vượt qua trầm cảm, chúng ta có thể:
Lắng nghe và cung cấp sự hỗ trợ
Người trầm cảm luôn chìm đắm trong nỗi đau khổ, dằn vặt của chính mình. Họ thường ít chia sẻ cùng ai vì sợ mình làm phiền người khác, sự bị đánh giá chỉ trích, bị xem thường. Việc chôn giấu trong lòng khiến tình trạng trầm cảm ngày càng trầm trọng hơn.
Vì thế, hãy cho người trầm cảm biết, bạn luôn ở đây, luôn sẵn sàng lắng nghe họ. Cho họ biết rằng bạn rất quan tâm đến họ, sẽ không đánh giá, phán xét hay xem thường cảm xúc của họ. Hãy hiểu rằng, trầm cảm là bệnh, không phải chỉ là nỗi buồn.
Hãy cung cấp sự hỗ trợ bằng cách:
- Giúp đỡ họ các công việc mà họ thấy khó khăn
- Cùng họ tham gia các hoạt động vận động ngoài trời
- Gợi ý cho họ những bữa ăn lành mạnh, giàu dinh dưỡng
- Khuyến khích họ tham gia các hoạt động như vẽ tranh, làm gốm, nghe nhạc, đọc sách…
- Thường xuyên hỏi trực tiếp cảm giác của họ
Hỗ trợ chứ đừng cố gắng “chữa trị”
Bạn chỉ cần lắng nghe và an ủi, đừng đưa ra những lời khuyên không phù hợp. Đừng nói những câu nói vô thưởng vô phạt như “đừng buồn, bạn phải vui vẻ lên”, “chỉ cần nghĩ tích cực thì mọi chuyện sẽ khác”, “chẳng có gì phải buồn cả”, “chuyện bé tí ti thôi mà”…
Thay vào đó, hãy nói rằng “bạn đã rất khó khăn phải không”, “mình luôn ở đây khi bạn cần”, “mình biết là bạn đã rất mạnh mẽ, mình tin rằng bạn sẽ làm được”…Bạn hãy nhớ rằng, bạn là nguồn động viên, là điểm tựa tinh thần của họ, tuy nhiên, bạn không thể giúp họ chữa trầm cảm được.
Khuyến khích họ tìm kiếm sự giúp đỡ từ chuyên gia
Hãy khuyến khích người trầm cảm tìm kiếm sự hỗ trợ từ chuyên gia như chuyên gia tâm lý, bác sĩ tâm lý, nhà trị liệu, bác sĩ chuyên khoa tâm thần… Đừng ép buộc mà nên tôn trọng quyền quyết định của họ.
Bạn có thể nói với họ rằng “mình nghĩ chuyên gia có thể giúp chúng ta giải quyết vấn đề này, tại sao chúng ta không thử đến gặp chuyên gia”, “mình sẵn sàng đi cùng bạn đến gặp chuyên gia”… Đồng thời, hãy liên tục nhắc nhở rằng, họ không cô đơn, bạn luôn sẵn sàng giúp đỡ và cùng họ đối diện mọi vấn đề.
Thế giới của người trầm cảm là một màu u ám, xám xịt. Họ vùng vẫy trong vũng lầy tâm lý, luôn cố gắng thoát khỏi cảm giác đau khổ, buồn bã, chán nản, tuyệt vọng của bản thân. Đừng đánh giá, phê phán một người trầm cảm khi chúng ta không hiểu gì về thế giới của họ.
Có thể bạn quan tâm:
- Ngủ nhiều có phải trầm cảm không? Nguyên nhân người trầm cảm ngủ nhiều
- 11 Cách nói chuyện với người trầm cảm giúp họ thoải mái hơn
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!