Hiểu tâm lý trẻ không có bố và cách ứng xử phù hợp

Sự vắng mặt của người bố ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển của trẻ. Tâm lý trẻ không có bố rất phức tạp, trẻ có xu hướng trở nên hung hăng, dễ tức giận, khó kiểm soát cảm xúc, thường tự ti, khó hòa nhập và có nguy cơ mắc các vấn đề về sức khỏe tâm thần như trầm cảm, rối loạn lo âu cao.

10 Đặc điểm tâm lý của trẻ không có bố

Cả bố và mẹ đều có vai trò quan trọng trong quá trình phát triển của trẻ. Sự thiếu vắng của người bố có thể gây ra những tác hại nghiêm trọng, ảnh hưởng lâu dài đến sự phát triển tâm lý của trẻ. Trẻ không có bố thường gặp rất nhiều vấn đề trong quá trình phát triển, trẻ dễ tổn thương, luôn cố gắng che giấu cảm xúc thật sự của bản thân.

Việc hiểu rõ tâm lý của trẻ không có bố là điều cần thiết, giúp chúng ta có biện pháp hỗ trợ phù hợp. Những đặc điểm tâm lý của trẻ không có bố:

1. Suy giảm nhận thức về bản thân

Theo Psychology Today, các nghiên cứu đã nhận thấy, trẻ không có bố thường có sự suy giảm nhận thức về bản thân. Đây là đặc điểm tâm lý của trẻ không có bố phổ biến, cũng là vấn đề cần được quan tâm vì nó ảnh hưởng đến sự phát triển cảm xúc và tinh thần của trẻ.

Trẻ không có bố thường có xu hướng xem nhẹ giá trị của bản thân
Trẻ không có bố thường có xu hướng xem nhẹ giá trị của bản thân

Trẻ không nhận được sự khẳng định, củng cố thông qua sự ủng hộ, khen ngợi, động viên từ người cha. Điều này khiến trẻ đánh giá thấp giá trị của chính mình. Trẻ thiếu người hỗ trợ trong việc xác định bản sắc cá nhân, không có hình mẫu phát triển vai trò giới tính, đặc biệt là ở bé trai.

2. Có cảm giác mất mát và bị bỏ rơi

Rất nhiều trẻ thiếu vắng sự đồng hành của người cha trong quá trình phát triển nói rằng chúng cảm thấy cô đơn, buồn bã, bị bỏ rơi và luôn phải tự đấu tranh với cảm xúc cùng những cơn tự ghét chính mình.

Cảm giác mất mát, buồn bã xảy ra phổ biến ở những trẻ mồ côi cha từ sớm. Cảm giác bị bỏ rơi xuất hiện ở trẻ có cha mẹ ly hôn, trẻ trong gia đình đơn thân hoặc người cha không quan tâm, không tham gia cuộc sống của chúng.

Đặc biệt, cảm giác này sẽ xuất hiện thường xuyên khiến trẻ cảm thấy lo âu, hoài nghi và tổn thương về mặt tâm lý. Nhất là khi trẻ chứng kiến bạn bè hoặc những đứa trẻ khác có gia đình hạnh phúc, được cả cha và mẹ yêu thương, chăm sóc.

3. Tự ti xấu hổ, gặp khó khăn trong việc hòa nhập

Rất nhiều trẻ không có bố có tâm lý tự ti, nhút nhát, hướng nội, có vấn đề về lòng tự trọng. Trẻ không được ủng hộ, khích lệ từ bố, dẫn đến thiếu thốn về mặt tình cảm, cảm thấy mình không xứng đáng được yêu thương, quan tâm. Trẻ sẽ có những câu hỏi như “sao con lại không có bố”, “có phải do con không ngoan nên bố không yêu con”.

Trẻ dễ bị bạn bè trêu chọc, có tâm lý tự ti, xấu hổ, gặp khó khăn trong việc hòa nhập
Trẻ dễ bị bạn bè trêu chọc, có tâm lý tự ti, xấu hổ, gặp khó khăn trong việc hòa nhập

Trẻ có xu hướng tự đổ lỗi cho chính mình, cảm thấy tự ti vì gia đình không có đầy đủ bố và mẹ. Tâm lý của trẻ không có bố thường tự ti, dễ tổn thương. Điều này khiến trẻ gặp khó khăn trong việc hòa nhập, dễ có các rối loạn về hành vi và gặp khó khăn trong mối quan hệ bạn bè.

Đặc biệt, rất nhiều trẻ gặp vấn đề về tâm lý khi bị bạn bè, người xung quanh trêu chọc. Trẻ cảm thấy mình kém cỏi, luôn nghi ngờ giá trị bản thân. Trẻ xấu hổ, ngại ngùng khi nói về gia đình, luôn né tránh vì sợ bị đánh giá. Trẻ cũng có cảm giác mình khác biệt, không giống với những đứa trẻ khác và luôn cảm thấy cô đơn.

→Xem thêm: Tìm hiểu tâm lý của trẻ khi có thêm em, liệu có sốc?

4. Dễ mắc trầm cảm, rối loạn lo âu

Những đứa trẻ lớn lên mà không có cha rất nhạy cảm, dễ tổn thương. Trẻ thường tự ti, buồn bã, có xu hướng tự trách, tự đổ lỗi cho chính mình. Điều này khiến trẻ dễ mắc các vấn đề về sức khỏe tâm thần như trầm cảm, rối loạn lo âu.

Nếu không được hỗ trợ tâm lý đúng cách, trẻ thường nghĩ rằng mình kém giá trị hơn những đứa trẻ khác. Trẻ hay tự hỏi hoặc đặt câu hỏi với người thân rằng “tại sao bố lại bỏ rơi con”, “tại sao con lại không được bố yêu thương”. Điều này làm tăng nguy cơ rối loạn hành vi, khiến trẻ tự gây thương tích cho chính mình và có nguy cơ tự tử cao.

Nghiên cứu của Flouri năm 2007 cho thấy, trẻ em từ một gia đình không cha có nhiều khả năng lo lắng, thu mình, trầm cảm, có ý định tự tử và nghỉ học. Rối loạn sức khỏe tâm thần, nhất là trầm cảm, tự tử rất dễ xảy ra ở trẻ có gia đình không hạnh phúc hoặc không có cha.

5. Dễ nổi giận, khó kiềm chế cảm xúc

Trẻ em không có cha hoặc không lớn lên cùng cha có thể trở nên hung hăng và có các vấn đề về tính cách. Trẻ có thể có những cơn giận dữ nghiêm trọng, thể hiện bằng sự la hét, cáu kỉnh bên ngoài. Hoặc có những cơn giận dữ thầm lặng, được ghìm chặt trong lòng và ngày càng tích tụ.

Tâm lý trẻ không có bố có thể trở nên cáu kỉnh, thiếu ổn định
Tâm lý trẻ không có bố có thể trở nên cáu kỉnh, thiếu ổn định

Một số trẻ cảm thấy bực tức, oán giận vì sự vắng mặt của cha là lý do khiến trẻ bị bạn bè trêu chọc, bị người xung quanh bàn tán. Trong khi đó, một số trẻ lại có tính cách huênh hoang, nổi loạn, hung hăng để che giấu nỗi lo lắng sợ hãi và sự bất hạnh tiềm ẩn của mình.

6. Trẻ không có cha xuất hiện tâm lý bù đắp

Theo nhà phân tích tâm lý, Tiến sĩ Mark Borg Jr, khi trẻ lớn lên mà không có cha, trẻ sẽ cố gắng bù đắp bất cứ điều gì mà chúng cảm thấy đang thiếu cho người chăm sóc chính của mình. Đây là lý do một số trẻ không có cha có tâm lý tỉ mỉ, phát triển thói quen chăm sóc người khác.

Một số bé trai không có cha cảm thấy mình cần phải gánh trách nhiệm của cha trong gia đình. Chúng cố gắng thay thế vai trò của một người cha. Trong khi đó, một số bé gái có thể trở nên chăm sóc, chu đáo hơn với mẹ. Trẻ có tâm lý bù đắp cho người mà chúng cho là không hạnh phúc.

Nhiều trẻ xuất hiện cơ thế tâm lý bù đắp cho sự thiếu thốn tình cảm. Trẻ có thể có tâm lý trở nên gắn bó, phụ thuộc quá mức vào mẹ để tìm kiếm sự an toàn, và thường có tâm lý sợ hãi bị bỏ rơi.

Một số trẻ tăng cường tham gia nhiều hoạt động để được công nhận như một cách bù đắp sự ủng hộ khuyến khích của cha. Một số khác tìm kiếm sự an ủi từ bạn bè có gia đình tương tự. Trong khi đó, một số trẻ lại trở nên nổi loạn, trở nên hung hăng để tự vệ.

7. Tâm lý của trẻ không có bố: Có tâm lý buông thả bản thân

Tâm lý buông thả bản thân rất phổ biến ở trẻ không có bố. Rất nhiều nghiên cứu như nghiên cứu của McLanahan & Sandefur (1994), Whitehead & Holland (2003), cho thấy, trẻ em không có bố có nhiều khả năng bỏ học, ít theo đuổi giáo dục hơn trẻ khác. Những trẻ này có nguy cơ hút thuốc, uống rượu ở thời thơ ấu, dễ có hành vi phạm tội, quan hệ tình dục bừa bãi và mang thai ở tuổi vị thành niên.

Trẻ có tâm lý buông thả bản thân xuất phát từ việc cảm giác thiếu giá trị bản thân, cảm thấy không được yêu thương, không được quan tâm. Trẻ thiếu sự định hướng, hỗ trợ từ bổ, không có động lực cố gắng nên buông thả bản thân. Hoặc do trẻ trải qua nhiều áp lực, căng thẳng, cảm giác cô đơn, lẻ loi, không được quan tâm đúng mức.

8. Tâm lý cô đơn và khát khao tình cảm

Cô đơn, khát khao tình cảm là đặc điểm chung trong tâm lý trẻ không có bố. Trẻ có thể lý tưởng hóa hình ảnh người bố, tạo ra một hình ảnh hoàn hảo về bố trong tâm trí của mình để giảm bớt nỗi cô đơn, mất mát.

Trẻ cô đơn, buồn bã và khát khao tình yêu thương của bố
Trẻ cô đơn, buồn bã và khát khao tình yêu thương của bố

Một số trẻ khác thường có xu hướng tìm kiếm các hình mẫu nam giới khác trong gia đình hoặc xã hội để thay thế vai trò của bố. Trẻ có thể gửi gắm tình cảm đặc biệt cho ông, chú, thầy giáo để có cảm giác có điểm tựa tâm lý, bù đắp cho sự thiếu hụt tình cảm của bố.

9.Tâm lý của trẻ không có bố: Cảm giác sợ hãi, thiếu an toàn

Từ lâu hình ảnh bố gắn liền với sự an toàn, vững chắc, mẹ gắn liền với sự dịu dàng, chu toàn. Việc thiếu vắng bố trong cuộc sống khiến trẻ không có cảm giác an toàn, không có người để dựa dẫm khi đối mặt với khó khăn. Trẻ sống trong một môi trường không ổn định dễ xuất hiện tâm lý lo âu, sợ hãi, thiếu an toàn, ảnh hưởng đến sự phát triển trong tương lai.

Đặc biệt, nếu tình trạng không có bố xảy ra do mất mát, bạo lực gia đình, ly hôn… những ký ức tiêu cực có thể ảnh hưởng sâu sắc đến trẻ, khiến trẻ không có cảm giác an toàn và sợ hãi. Trẻ dễ thiếu kỹ năng, không biết cách xử lý rắc rối, dẫn đến căng thẳng, stress.

10. Trẻ gặp khó khăn trong học tập

Trẻ em không có bố thường gặp nhiều khó khăn trong học tập hơn những đứa trẻ khác. Trẻ dễ bị điểm kém do thiếu người hỗ trợ phát triển kỹ năng tư duy. Trẻ không có động lực học tập, dễ bị dụ dỗ, sa ngã. Thường có hành vi trốn học, có nguy cơ bị đuổi học.

Một nghiên cứu do Đại học Yale Mỹ, thực hiện trong 12 năm ở 1.000 trẻ em cho thấy, những đứa trẻ được bố quan tâm có khả năng nhận thức ngôn ngữ, logic, tâm lý hơn trẻ chỉ được mẹ nuôi dưỡng. Khảo sát ở 17.000 trẻ ở Đại học Newcastle, Anh, cũng cũng chỉ ra rằng, trẻ được bố dành nhiều thời gian quan tâm sẽ thông minh, có nhận thức sâu rộng hơn.

Tâm lý tiêu cực khi được nuôi dưỡng trong gia đình đơn thân có thể kìm hãm cuộc sống của trẻ. Tuy nhiên, trẻ có thể lựa chọn chìm hoặc bơi. Có những trẻ bỏ học từ sớm, không có động lực học tập nhưng cũng có những trẻ chọn cách nỗ lực, cố gắng vươn lên.

Những đặc điểm tâm lý của trẻ không có bố được đề cập chỉ là những vấn đề chung xảy ra ở nhiều trường hợp. Không phải trẻ không có bố nào cũng có các đặc điểm tâm lý này. Sự phát triển tâm lý của trẻ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, việc không có sự hỗ trợ của bố chỉ là một phần.

Trẻ không có bố ảnh hưởng như thế nào trong tương lai?

Trẻ không có bố có thể gặp phải những rào cản trong quá trình phát triển tâm lý và hành vi. Tuy nhiên, không có bố chỉ là một phần của vấn đề. Sự vắng mặt của bố có thể tạo ra nhiều thách thức cho sự phát triển của trẻ, nhưng nếu trẻ nhận được sự hỗ trợ tích cực từ mẹ, ông bà hay những người chăm sóc khác, trẻ sẽ tránh được những ảnh hưởng tiêu cực này.

Ảnh hưởng của việc không có bố đến tương lai của trẻ:

1. Thiếu định hướng nghề nghiệp

Phần lớn trẻ không có bố có thành tích học tập kém, số ít có thành tích tốt và nỗ lực vươn lên trong cuộc sống. Thành tích học tập kém khiến trẻ không có động lực cố gắng học tập, dễ có hành vi bỏ học từ sớm, không hoàn thành chương trình đào tạo chuyên nghiệp.

Trẻ chán nản, không có động lực học tập ảnh hưởng đến nghề nghiệp tương lai
Trẻ chán nản, không có động lực học tập ảnh hưởng đến nghề nghiệp tương lai

Trẻ thiếu định hướng nghề nghiệp sẽ gây ra nhiều ảnh hưởng trong tương lai. Trẻ có thể vào đời và đi làm từ sớm, bắt đầu từ các công việc lao động chân tay vất vả. Trẻ phải trải qua nhiều khó khăn, trắc trở, hoặc thành công phát triển hoặc có cuộc sống khó khăn, thiếu thốn.

Một thống kê của Cục Thống kê Dân số Hoa kỳ (2011) cho thấy, trẻ không có bố có nguy cơ sống trong cảnh nghèo đói cao gấp bốn lần. Trẻ có xu hướng theo đuổi các công việc được trả lương cao, thường dễ gặp phải căng thẳng, áp lực trong cuộc sống.

2. Có nguy cơ bị bóc lột và lạm dụng

Trẻ lớn lên trong gia đình không có bố thường có nhiều khả năng trở thành nạn nhân của lạm dụng thể chất hơn những trở lớn lên trong gia đình có đầy đủ bố mẹ. Nghiên cứu của Neil Guterman, của Lawrence Berger cho thấy, trẻ sống trong gia đình có mẹ đơn thân, gia đình có mẹ và bố dượng có nguy cơ bị lạm dụng, bỏ bê cao hơn các gia đình khác.

Một nghiên cứu khác báo cáo rằng, trẻ mẫu giáo không sống với bố và mẹ ruột có nguy cơ bị lạm dụng tình dục cao gấp 40 lần. Trẻ không có cha có nguy cơ bị lạm dụng thể chất, ngược đãi tình cao gấp 5 lần.

3. Thiếu hiểu biết về tình dục

Trẻ không có cha thường thiếu sự kiểm soát và giáo dục toàn diện. Trẻ có nhiều khả năng gặp phải các vấn đề về sức khỏe tình dục như không biết sử dụng biện pháp tránh thai an toàn, khả năng quan hệ tình dục trước 16 tuổi, mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục, trở thành cha mẹ ở tuổi vị thành niên…

Đặc biệt, khi trẻ là con gái, trẻ có xu hướng dễ nảy sinh tình cảm với người đàn ông trưởng thành, do mất mát thiếu vắng tình cảm của cha. Trẻ dễ bị đàn ông lợi dụng, hay quan hệ tình dục sớm và có nguy cơ mang thai ở tuổi vị thành niên…

4. Dễ sa ngã, lạm dụng rượu bia, ma túy, phạm tội

Một nghiên cứu của Mandara & Murray năm 2006 phát hiện ra rằng, những bé trai không có bố có nhiều khả năng sử dụng ma túy hơn những bé trai đến từ gia đình có đầy đủ bố mẹ. Trẻ không có bố định hướng, quan tâm rất dễ bị rủ rê, giao du với bạn bè hư hỏng. Điều này làm tăng nguy cơ xuất hiện hành vi hút thuốc lá, uống rượu, sử dụng ma túy, có hành vi phạm tội từ sớm.

Trẻ dễ hút thuốc lá, uống rượu bia, tham gia tệ nạn xã hội
Trẻ dễ hút thuốc lá, uống rượu bia, tham gia tệ nạn xã hội

Có rất nhiều nghiên cứu nhận thấy, trẻ không có bố, nhất là những gia đình mẹ đơn thân hoặc ly hôn, bố bỏ đi, có nhiều khả năng sử dụng rượu bia, thuốc lá ở thời thơ ấu. Có đến 85% thanh thiếu niên phạm tội không có cha, 90% trẻ bỏ nhà đi.

5. Cuộc sống hôn nhân không hạnh phúc

Những đứa trẻ không có bố có sự hài lòng trong hôn nhân thấp và thường có tỷ lệ ly hôn cao. Với con trai, bố là hình mẫu giới tính, định hình sự phát triển tính cách của con. Bố cũng là người giúp con học được cách đối xử với vợ, thực hiện vai trò xã hội của mình. Việc không có bố khiến trẻ không có hình mẫu để học hỏi, chiêm nghiệm, từ đó gây khó khăn trong việc xây dựng mối quan hệ hôn nhân.

Đối với con gái, bố là hình mẫu nam giới ảnh hưởng đến xu hướng lựa chọn bạn đời của con. Trẻ có thể dựa trên những gì học hỏi, quan sát được từ bố để đưa ra những tiêu chí đánh giá, lựa chọn bạn đời cho mình. Trẻ không có bố có thể gặp khó khăn trong việc lựa chọn bạn đời và dễ đổ vỡ trong hôn nhân.

Cách ứng xử giúp trẻ tự tin hơn

Không có bố có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ. Tuy nhiên, có bố nhưng người bố không quan tâm, không yêu thương, thờ ơ, thậm chí “độc hại” cũng tác động tiêu cực đến trẻ. Mặc dù có thể sẽ rất khó khăn, tuy nhiên, chúng ta hoàn toàn nuôi dạy, cung cấp sự hỗ trợ để một đứa trẻ không có bố ổn định tâm lý, phát triển lành mạnh tích cực.

Để giúp trẻ trở nên tự tin, trước hết, chúng ta cần hiểu được đặc điểm tâm lý của trẻ không có bố. Từ đó, đưa ra các chiến lược, kế hoạch hỗ trợ phù hợp giúp trẻ phát triển. Dưới đây là cách ứng xử giúp trẻ tự tin hơn mà bạn có thể tham khảo:

1. Thẳng thắn và thành thật với trẻ

Trẻ không có bố, có thể do bố qua đời, bố mẹ ly hôn, bố bỏ rơi hoặc không nhận con, mẹ lựa chọn làm mẹ đơn thân… Các chuyên gia khuyến khích các bà mẹ hãy thành thật trong việc giải thích lý do con không có bố với trẻ. Tuy nhiên, cần xem xét đến độ tuổi, hiểu biết và cách thức truyền đạt để trẻ hiểu.

Hãy giúp trẻ hiểu rõ vấn đề để tạo sự tin tưởng và tăng cường sự tự tin cho trẻ
Hãy giúp trẻ hiểu rõ vấn đề để tạo sự tin tưởng và tăng cường sự tự tin cho trẻ

Việc thành thật sẽ giúp trẻ có lòng tin vào mẹ, hiểu rõ hoàn cảnh của mình, kh2ông cảm thấy hoang mang, xấu hổ, không tự đổ lỗi cho chính mình. Với trẻ nhỏ, bạn chỉ cần sử dụng từ ngữ đơn giản, cung cấp thông tin đủ để trẻ yên tâm. Với trẻ lớn hơn, bạn có thể giải thích rõ ràng và sẵn sàng trả lời câu hỏi của con.

Khi giải thích nguyên nhân, cần tránh đổ lỗi, tránh gieo cho trẻ các suy nghĩ tiêu cực về bố. Nhấn mạnh rằng, mẹ và những người thân khác trong gia đình luôn bên cạnh và yêu thương trẻ.

Nên lưu ý với các tình huống như bố phạm pháp, bạo lực, nghiện ngập… để tránh gây tổn thương tâm lý cho trẻ. Chờ trẻ đủ lớn, hiểu được vấn đề, chúng ta có thể giải thích chi tiết cho trẻ hiểu.

2. Lắng nghe, tâm sự, quan tâm con nhiều hơn

Để xoa dịu những tổn thương tâm lý ở trẻ không có bố, cách tốt nhất là mẹ nên tạo một môi trường an toàn, ổn định để trẻ thấy được yêu thương và tôn trọng. Có thể mẹ đã rất mệt mỏi, rất vất vả, tuy nhiên, hãy dành thời gian để quan tâm, kết nối với con.

Chúng ta nên dành thời gian để lắng nghe trẻ tâm sự, đưa ra những chỉ dẫn để giúp trẻ tìm ra hướng giải quyết cho các rắc rối con gặp phải. Mẹ không nên mang việc về nhà, đừng chỉ trích và cho rằng con phiền phức. Việc mang stress, áp lực từ xã hội về nhà khiến trẻ bất an, không dám tâm sự buồn phiền cũng mình với mẹ.

3. Làm gương cho con

Theo Peaceful parent happy kids, cả đàn ông và phụ nữ điều có năng lượng nam và nữ. Đàn ông dạy con theo cách mạnh mẽ và phụ nữ cũng làm được đều đó. Bạn hoàn toàn có thể giúp trẻ tự tin bằng cách làm gương cho con.

Sự tự tin vui vẻ của mẹ sẽ là nguồn động lực tích cực cho con
Sự tự tin vui vẻ của mẹ sẽ là nguồn động lực tích cực cho con

Hãy tự tin, yêu quý và luôn tôn trọng chính mình, khi gặp khó khăn, bạn cần cho con thấy bạn mạnh mẽ, quyết đoán và bình tĩnh ra sao. Bạn có thể khuyến khích con tự lập trong công việc hàng ngày, khuyến khích và trao cho trẻ quyền tự quyết định.

Bạn cũng cần dạy trẻ cách kiểm soát cảm xúc, các vấn đề về đạo đức, cách ứng xử với người xung quanh. Đừng quên dành thời gian chất lượng cho trẻ, luôn tích cực khen ngợi, tạo động lực để con tiến bộ thay vì áp đặt, gây áp lực. Tránh so sánh con với người khác, tránh đổ lỗi cho trẻ, nói rằng vì trẻ mà mình đã vất vả như thế nào.

4. Giúp trẻ tăng cường nhận thức về giá trị của bản thân

Chúng ta có thể giúp trẻ tăng cường nhận thức về giá trị của bản thân, thông qua việc giúp trẻ nhận ra năng lực, thế mạnh của trẻ. Con sẽ tự tin khi hiểu giá trị của mình và yêu thương bản thân mình hơn.

Đồng thời, nên khuyến khích và tạo điều kiện cho trẻ tham gia vào các hoạt động thể thao, hoạt động nghệ thuật. Việc xây dựng và phát huy thế mạnh sẽ giúp trẻ tăng cường sự tự tin. Ngoài ra, nên dạy trẻ kỹ năng giao tiếp, kỹ năng xã hội, kỹ năng xử lý tình huống để con tự tin mở rộng các mối quan hệ.

5. Lấy ví dụ về những người thành công mà không có bố

Việc sử dụng những câu chuyện về người thành công mà không có bố là cách giúp trẻ tháo gỡ vướng mắc tâm lý và tăng cường sự tự tin hiệu quả. Một số ví dụ điển hình như:

1. Cựu tổng thống Mỹ Barack Obama: Bố ông rời bỏ gia đình khi mới 2 tuổi, ông lớn lên bởi sự nuôi dạy tận tình của mẹ và ông bà ngoại. Mặc dù thiếu vắng tình thương của cha, ông vẫn trở thành vị tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ, là người có sức ảnh hưởng lớn trên thế giới.

2. Siêu sao bóng rổ LeBron James: Mồ côi bố bố, chào đời khi mẹ chưa đủ 18 tuổi, mẹ một mình nuôi anh trong hoàn cảnh nghèo khó. Dù thiếu vắng bố, hoàn cảnh gia đình khó khăn, anh đã cố gắng không ngừng để trở thành một vận động viên bóng rổ vĩ đại nhất mọi thời đại.

3. Vận động viên bơi lội Michael Phelps: Anh là vận động viên bơi lội vĩ đại nhất trong lịch sử Olympic, giành tổng cộng 23 huy chương vàng Olympic. Bố mẹ anh ly dị khi còn nhỏ, mẹ là người đã nuôi nấng dạy dỗ anh. Anh đã thành công rực rỡ mà không có sự hỗ trợ của bố.

Đặc điểm tâm lý của trẻ không có bố rất đa dạng, phức tạp và có sự khác nhau của từng trẻ. Trẻ có thể gặp nhiều hạn chế trong quá trình phát triển. Tuy nhiên, không phải đứa trẻ không có bố nào cũng gặp khó khăn trong tâm lý. Thậm chí nếu được giáo dục và hỗ trợ đúng cách, trẻ có thể phát triển vượt trội, với ý chí nghị lực phi thường.

Có thể bạn quan tâm:

Nguồn tham khảo:

  • https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3074431/
  • https://www.allforkids.org/news/blog/a-fathers-impact-on-child-development/

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Trầm cảm nhẹ là giai đoạn mới chớm của trầm cảm, không có nhiều triệu chứng đặc trưng, rõ ràng
Trầm cảm nhẹ có tự khỏi không? Dấu hiệu và điều trị

Trầm cảm được chia thành 3 mức độ chính là nhẹ, vừa và nặng. Trầm cảm nhẹ là giai đoạn sớm, mới khởi phát trầm...

Trẻ chậm phát triển ngôn ngữ: Dấu hiệu và Cách hỗ trợ, can thiệp

Các dấu hiệu trẻ chậm phát triển ngôn ngữ thường rõ ràng hơn khi con đạt đến giai đoạn 2-3 tuổi trở lên vì đây...

Các tật về phát triển vận động ở trẻ và những thông tin cần biết

Đứng đi nhón gót, đi vòng kiềng, bàn chân dẹt, đầu méo, nói ngọng là các tật về phát triển vận động ở trẻ mà...

Học quá nhiều có thể khiến trẻ dễ gặp phải các vấn đề về tâm lý
7 Tác hại của việc học quá nhiều đối với trẻ cha mẹ nên biết

Học tập giúp trẻ tăng cường kiến thức, tầm nhìn, khả năng tư duy. Tuy nhiên, học quá nhiều có thể ảnh hưởng nghiêm trọng...