Tâm lý của trẻ khi bố mẹ ly hôn – Hiểu để có bước chuẩn bị

Ly hôn chưa bao giờ là quyết định dễ dàng, việc ly hôn của bố mẹ có thể ảnh hưởng nhiều đến tâm lý của trẻ. Vì thế, hiểu rõ tâm lý của trẻ khi bố mẹ ly hôn là điều cần thiết để chúng ta có những chuẩn bị tốt về mặt tâm lý, giúp trẻ giảm thiểu tổn thương, thích nghi tốt với sự thay đổi và duy trì mối quan hệ tốt đẹp giữa bố mẹ với con cái. 

Đặc điểm tâm lý của trẻ khi bố mẹ ly hôn

Tâm lý của trẻ khi bố mẹ ly hôn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như độ tuổi của trẻ, cách ứng xử của bố mẹ, mức độ mâu thuẫn gia đình, tính cách của con trẻ… Mỗi trẻ sẽ có những cách phản ứng khác nhau khi biết được bố mẹ có ý định ly hôn hoặc đang chuẩn bị thủ tục ly hôn.

Một số trạng thái tâm lý phổ biến mà trẻ có thể trải qua :

1. Sốc tâm lý, khó chấp nhận sự thật

Đối với những gia đình mâu thuẫn ngầm, bề ngoài hạnh phúc hoặc bố mẹ ly hôn do phát hiện đối phương ngoại tình, trẻ rất dễ bị sốc tâm lý. Trẻ không tin rằng đây là sự thật vì vốn dĩ trước đây gia đình rất hạnh phúc, con được bố mẹ quan tâm, yêu thương, họ rất tốt với nhau, không thể nào ly hôn được.

Trẻ thường bị sốc tâm lý, khó chấp nhận việc bố mẹ ly hôn
Trẻ thường bị sốc tâm lý, khó chấp nhận việc bố mẹ ly hôn

Khi cuộc hôn nhân của bố mẹ rạn nứt dẫn đến ly hôn mà trước đó không có dấu hiệu rõ ràng nào báo trước, người tổn thương sâu sắc nhất là con trẻ. Luke Lintz, người Canada, cho biết bản thân từng bị số, chấn thương tâm lý nặng nề do những rắc rối trong quá trình ly hôn của bố mẹ, dẫn đến sinh ra tật nói lắp và gặp khó khăn khi nói.

2. Trẻ buồn bã, mất mát, hụt hẫng

Đa phần trẻ sẽ có cảm giác hụt hẫng, mất mát, buồn bã khi gia đình tan vỡ. Trẻ cảm giác mất an toàn, thiếu điểm tựa và sự ổn định trong cuộc sống. Điều này gây cảm giác khó chịu, buồn bã cho trẻ trong thời gian dài.

Tuy nhiên, đối với một số trẻ sống trong hoàn cảnh bạo lực, chứng kiến bố mẹ tranh cãi, gây gỗ, thậm chí đánh đập nhau thì sự ly hôn của ba mẹ có thể ít khi gây ra cảm xúc buồn bã, mất mã đối với trẻ. Trẻ có thể cảm thấy nhẹ nhõm, được giải thoát vì bố mẹ ly hôn. Nhưng đồng thời cũng buồn bã, sợ hãi khi không được sống cùng người mà trẻ mong muốn.

3. Trẻ có tâm lý lo sợ, bất an ,nhạy cảm khi bố mẹ ly hôn

Đối với những trẻ đã có nhận thức, có suy nghĩ riêng, trẻ có thể cảm thấy lo lắng, bất an, sợ hãi về tương lai. Trẻ không biết liệu bố mẹ có tiếp tục chăm sóc, yêu thương mình không. Trẻ sợ hãi bị bỏ rơi, sợ hãi khi phải rời xa môi trường sống ổn định. Trẻ không biết cách đối phó với những biến đổi trong cuộc sống, sợ phải chuyển nhà, sợ phải chuyển trường, sợ mất đi những điều quen thuộc trong cuộc sống.

Trẻ thường có tâm lý bất an, sợ hãi khi bố mẹ ly hôn
Trẻ thường có tâm lý bất an, sợ hãi khi bố mẹ ly hôn

Nhạy cảm quá mức là một trong những đặc điểm tâm lý của trẻ khi có cha mẹ ly hôn thường gặp. Trẻ có thể có các biểu hiện như chán nản, nhốt mình trong phòng, thờ ơ, mất hứng thú với những điều trước đây từng yêu thích. Đây là tâm lý chung của hầu hết các trẻ, đặc biệt là trẻ trong độ tuổi từ 5 – 15 tuổi.

4. Trẻ có thể xuất hiện hành vi tiêu cực chống đối

Trẻ dễ phản ứng với quyết định ly hôn của bố mẹ bằng cách tỏ ra tức giận, chống đối, thậm chí cãi vã, nổi loạn. Một số trẻ có thể bị “tẩy não” bởi bố, mẹ hoặc ông bà, trở nên tức giận với bố hoặc mẹ vì đã để tình trạng này xảy ra. Cũng có nhiều trẻ có hành vi nổi loạn vì không mong muốn bố mẹ ly hôn, cho rằng hành động của mình sẽ khiến bố mẹ suy nghĩ lại.

Một đặc điểm chung trong tâm lý của trẻ khi bố mẹ ly dị là sự cáu kỉnh, nóng giận, và hành vi chống đối. Trẻ gặp nhiều bất ổn trong cảm xúc, thậm chí có trẻ khủng hoảng, sợ hãi, trằn trọc, khó ngủ hoặc la hét khi ngủ… Có trẻ lại đặc biệt bám bố hoặc mẹ, sợ hãi bố mẹ rời xa mình.

5. Trẻ có tâm lý tự trách, tự đổ lỗi cho bản thân khi bố mẹ ly hôn

Đối với những trẻ ngoan ngoãn, nhạy cảm, trẻ thường có xu hướng tự đổ lỗi cho bản thân. Trẻ cho rằng do mình làm sai, mình không đủ tốt hoặc mình không ngoan mới khiến bố mẹ cãi vã và ly hôn. Suy nghĩ này khiến con trẻ tổn thương tâm lý nghiêm trọng, thường tự trách bản thân, dễ bị rối loạn lo âu thậm chí trầm cảm.

Tự trách, tự đổ lỗi cũng là tâm lý của trẻ khi bố mẹ ly hôn thường gặp
Tự trách, tự đổ lỗi cũng là tâm lý của trẻ khi bố mẹ ly hôn thường gặp

Không chỉ vậy, một số bố mẹ có xu hướng đổ lỗi cho con cái. Vì con nên bố/mẹ mới phải như thế này, vì con mà mẹ mới bị như vậy… Hoặc tiêm nhiễm vào đầu con cái mình những điều xấu xa về bố hoặc mẹ, hoặc luôn chê bai, trút nỗi bực dọc, khó chịu lên người con trẻ.

6. Trẻ gặp khó khăn trong việc tin tưởng, có cái nhìn khắc nghiệt, bi quan

Trẻ có gia đình tan vỡ thường có cảm giác mình kém cỏi, không xứng đáng được yêu thương. Không chỉ vậy, trẻ còn có xu hướng mất niềm tin, thiếu sự an toàn trong các mối quan hệ. Đến người thân yêu nhất còn không cần, không quan tâm đến trẻ thì các mối quan hệ không thân thuộc làm sao có thể bền vững.

Khi trẻ không tin tưởng vào bản thân và người khác, trẻ sẽ gặp khó khăn trong việc duy trì và xây dựng các mối quan hệ xã hội. Gia đình là chỗ dựa vững chắc nhất của con trẻ, sự đổ vỡ gia đình khiến niềm tin của trẻ tan vỡ. Trẻ trở nên bi quan, thiếu sự tin tưởng, và không dám đặt niềm tin vào người khác.

Đặc biệt những gia đình tưởng chừng hạnh phúc, con cái được yêu thương, quan tâm, không có dấu hiệu báo trước về sự rạn nứt sẽ dễ bị sốc tâm lý, khó chấp nhận việc bố mẹ ly hôn. Trẻ sẽ có sang chấn tâm lý, trở nên mất niềm tin vào cuộc sống, gặp khó khăn trong việc duy trì và xây dựng các mối quan hệ.

7. Cảm giác bất lực, có xu hướng tự cô lập

Đối với những trường hợp hôn nhân tan vỡ, không có dấu hiệu báo trước, đặc điểm tâm lý của trẻ khi bố mẹ ly hôn là hụt hẫng, bất lực. Trẻ cố gắng níu kéo, hàn gắn mối quan hệ giữa cha mẹ, mong muốn có một gia đình trọn vẹn, hạnh phúc như trước đây. Trẻ hy vọng một gia đình đầy đủ cha mẹ, nhưng vì cuộc hôn nhân của cha mẹ đã không thể cứu vãn, những nỗ lực của trẻ dường như vô vọng, không có bất kỳ tín hiệu khả quan nào.

Điều này khiến trẻ có cảm giác bất lực, tuyệt vọng. Tinh thần, tâm lý trẻ tổn thương nặng nề, trẻ có xu hướng tự cô lập bản thân, không muốn giao tiếp với người thân, bạn bè, thậm chí không muốn kết bạn. Tình trạng này diễn ra phổ biến ở trẻ có tính cách nhút nhát, nhạy cảm.

8. Thiếu sự lạc quan, luôn hoài nghi, sợ hôn nhân

Những trẻ có ba mẹ ly hôn sớm thường thiếu sự lạc quan, ít tìm thấy niềm vui trong cuộc sống. Trẻ thường sống trong sự buồn bã, tự tin do gia đình không hạnh phúc, không nhận được sự quan tâm, động viên từ người thân do bố mẹ cũng đang đau khổ, khó bước ra từ đổ vỡ.

Điều này ảnh hưởng nhiều đến suy nghĩ của trẻ về hạnh phúc gia đình. Trẻ thiếu sự lạc quan và niềm tin vào hôn nhân, không mong có mong chờ về hạnh phúc trong tương lai. Đôi khi, một số trẻ cho rằng hôn nhân là không cần thiết, là nguồn cơn gây đau khổ cho bản thân và con cái. Không muốn con cái rơi vào hoàn cảnh tương tự giống như mình nên không muốn kết hôn, không muốn sinh con.

9. Trẻ rơi vào trầm cảm, rối loạn lo âu

Trẻ có thể mắc rối loạn lo âu, trầm cảm hoặc các vấn đề về sức khỏe tâm thần do bố mẹ ly hôn, không được quan tâm chăm sóc. Có nhiều trường hợp, bố mẹ tranh nhau quyền nuôi con, trẻ mắc kẹt trong sự tranh giành giữa cha và mẹ. Trẻ bị bắt buộc phải đưa ra lựa chọn và khi lựa chọn bên này thì bên kia tạo áp lực, thậm chí chì chiết, tỏ thái độ xa lánh trẻ.

Ba mẹ ly hôn có thể là nguyên nhân khiến trẻ bị trầm cảm, rối loạn lo âu
Ba mẹ ly hôn có thể là nguyên nhân khiến trẻ bị trầm cảm, rối loạn lo âu

Trẻ chịu tổn thương nghiêm trọng về mặt tinh thần, phải đấu tranh nội tâm dữ dội. Những suy nghĩ này luôn dằn vặt trong tâm trí khiến trẻ có nguy cơ rơi vào tình trạng rối loạn lo âu, trầm cảm. Có một sự thật là, một trong những nguyên nhân gây trầm cảm, rối loạn lo âu ở trẻ em xuất phát từ việc gia đình không hạnh phúc, thường mâu thuẫn, xung đột hoặc bố mẹ ly hôn.

Bố mẹ ly hôn ảnh hưởng thế nào đến tâm lý của trẻ?

Đã có rất nhiều công trình nghiên cứu về ảnh hưởng từ việc bố mẹ ly hôn đến sự phát triển tâm lý của trẻ. Các nghiên cứu nhận thấy rằng, hầu hết các trường hợp ly hôn ảnh hưởng đến trẻ em trong thời gian ngắn, sau đó trẻ nhanh chóng lấy lại tinh thần và chỉ một bộ phận trẻ gặp vấn đề nghiêm trọng sau khi cha mẹ ly hôn.

Sự tan vỡ trong cuộc hôn nhân của bố mẹ ảnh hưởng nhiều đến tâm lý của trẻ
Sự tan vỡ trong cuộc hôn nhân của bố mẹ ảnh hưởng nhiều đến tâm lý của trẻ

Tuy nhiên, những vấn đề liên quan đến việc ly hôn của bố mẹ lại ảnh hưởng đến trẻ khi trưởng thành. Một nghiên cứu của Judith Wallerstein (Đại học California, Mỹ) cho thấy, hầu hết người trưởng thành có cha mẹ ly hôn lúc nhỏ gặp vấn đề trong các mối quan hệ hoặc bị trầm cảm. Họ gặp khó khăn trong việc thân thiết với ai đó và dễ dàng thất vọng với hôn nhân.

Một nghiên cứu của John Kelly và Hetherington nhận thấy, có 25% người trưởng thành có cha mẹ ly hôn lúc nhỏ gặp vấn đề về tâm lý. Một số nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng, bố mẹ ly hôn sớm làm giảm hạnh phúc của con cái sau này. Các ảnh hưởng có thể không xuất hiện tức thì mà kéo dài đến vài chục năm.

Tuy nhiên, ly hôn vẫn tốt hơn so với việc cãi nhau trước mặt con trẻ. Việc trẻ sống trong một gia đình không hạnh phúc ảnh hưởng nhiều đến tâm lý trẻ. Có rất nhiều tranh cãi xoay quanh việc bố mẹ nên ly hôn hay tiếp tục tranh cãi trước mặt con trẻ. Hầu hết người từng sống trong gia đình có bố mẹ thường xuyên tranh cãi tán đồng việc ly hôn. Trong khi đó, một số trường hợp có bố mẹ ly hôn lại ước ao có một gia đình trọn vẹn.

Theo một phỏng vấn với hơn 100 đứa trẻ và người lớn có cha mẹ ly hôn, nguyên nhân chính khiến trẻ tổn thương tâm lý không phải do bố mẹ ly hôn mà là do sự xung đột giữa bố mẹ trong thời gian dài. Nhìn chung, có thể chia trẻ thành 2 nhóm liên quan đến ảnh hưởng của việc bố mẹ ly hôn gồm:

  • Nhóm chịu ảnh hưởng nghiêm trọng về tâm lý do ít được bố mẹ quan tâm, chăm sóc
  • Nhóm ít chịu ảnh hưởng về tâm lý, có sự phát triển bình thường trong cuộc sống.

Khác biệt trong tâm lý của trẻ khi bố mẹ ly hôn theo độ tuổi

Có sự khác nhau trong hành vi, tâm lý của trẻ khi bố mẹ ly hôn theo độ tuổi và tính cách. Trẻ có tính cách lạc quan vui vẻ, bố mẹ ly hôn văn minh sẽ ít chịu ảnh hưởng về tâm lý. Ngược lại, trẻ nhạy cảm, nhút nhát thường dễ tổn thương, thu mình, khó tiếp nhận việc bố mẹ ly hôn hơn.

Sự khác nhau trong tâm lý trẻ theo độ tuổi như sau:

Tâm lý của trẻ dưới 5 tuổi khi bố mẹ ly hôn

Trẻ ở độ tuổi này thường phản ứng mạnh mẽ với sự thay đổi. Trẻ không hiểu rõ tình hình, không biết ý nghĩa của việc bố mẹ ly hôn là gì. Tuy nhiên, trẻ nhạy cảm với sự thay đổi, trẻ có biểu hiện bất an, lo sợ, sợ hãi cha mẹ sẽ bỏ rơi mình. Các dấu hiệu thường gặp là khó ngủ, la hét trong giấc ngủ, thường lặp đi lặp lại khẩn thiết bố mẹ đừng bỏ con, gắn bó quá mức với đồ vật quen thuộc…

Tuy nhiên, trẻ ở độ tuổi này thường ổn định nhanh nếu việc chia tay của bố mẹ diễn ra thuận lợi, suôn sẻ, trẻ vẫn nhận được sự quan tâm, chăm sóc cẩn thận từ bố và mẹ. Trẻ có thể có nhiều thắc mắc như bố đâu mẹ, tại sao bố/mẹ lại không ở cùng chúng ta… Nếu được giải thích theo hướng tiêu cực, trẻ sẽ dần hiểu và chấp nhận.

Tâm lý của trẻ từ 5 – 8 tuổi khi bố mẹ ly hôn

Trẻ ở độ tuổi này đã có nhận thức và mơ hồ hiểu được ý nghĩa của việc ly hôn. Thông thường, trẻ có xu hướng chống đối bằng cách sinh ra tính cáu kỉnh, tức giận, hay khóc, khó tập trung. Trẻ có thể có các biểu hiện như đau đầu, khó chịu, rối loạn sức khỏe thể chất do đau khổ quá mức.

Những trẻ này thường có xu hướng tự đổi lỗi bản thân, cho rằng bản thân không ngoan, không đủ tốt, điểm kém, quậy phá… khiến bố hoặc mẹ bỏ đi, không con sống với chúng nữa. Trẻ rất dễ bị ảnh hưởng tâm lý bởi sự đổ vỡ hôn nhân của bố mẹ. Cảm thấy xấu hổ, tức giận khi bị bạn bè trêu chọc. Dễ suy nghĩ lệch lạc về bố hoặc mẹ nếu bị người khác thường xuyên gieo rắc những suy nghĩ tiêu cực.

Tâm lý của trẻ từ  8 – 12 tuổi khi bố mẹ ly hôn

Đối với trẻ từ 8 đến 12 tuổi, trẻ độ tuổi này đã có suy nghĩ và có cái tôi cá nhân. Trẻ thường có tâm lý cố gắng hàn gắng, nỗ lực cứu vãn cuộc hôn nhân của cha mẹ. Một số trẻ nhận thức tốt, thường chứng kiến cha mẹ cãi vã, xung đột sẽ ủng hộ việc ly hôn của cha mẹ.

Tuy nhiên, đa số trẻ (trừ những trẻ sống trong môi trường bạo lực, xung đột) sẽ có tâm lý bực bội, tức giận thể hiện thái độ chống đối với cha mẹ. Trẻ sẽ oán giận vì sự ly tán của gia đình làm sụp đổ những dự định, kế hoạch tương lai của con. Khiến con gặp khó khăn trong các mối quan hệ, khó khăn khi đối diện với bạn bè và chính bản thân mình.

Cần làm gì để hỗ trợ tâm lý của trẻ khi bố mẹ ly hôn?

Làm thế nào hỗ trợ tâm lý, giúp trẻ không bị sốc khi bố mẹ ly hôn là thắc mắc chung của nhiều phụ huynh. Trẻ được hỗ trợ về mặt tâm lý, bởi các em là những nạn nhân đáng thương nhất sau cuộc hôn nhân tan vỡ của cha mẹ. Thế giới của con trẻ là cha mẹ, vì thế, sự tan vỡ của cha mẹ sẽ là điều khủng khiếp nhất trong cuộc đời trẻ lúc này.

Để tránh khiến trẻ tổn thương, sang chấn tâm lý, bố mẹ cần hiểu rõ tâm lý của con và có thể hỗ trợ trẻ bằng cách:

1. Trò chuyện chân thành, trung thực

Hãy xem trẻ như một người bạn để tâm sự, giãi bày, cho trẻ hiểu tình hình một cách đơn giản, trung thực. Không nên tập trung vào chi tiết hoặc đổ lỗi mà chỉ nên giải thích vấn đề theo độ tuổi, khả năng nhận thức của trẻ. Điều ba mẹ cần làm là cho con biết sự thật, điều gì đang xảy ra trong cuộc sống của trẻ.

Bố mẹ nên trò chuyện với con một cách chân thành, nghiêm túc và trung thực để trẻ hiểu rõ vấn đề
Bố mẹ nên trò chuyện với con một cách chân thành, nghiêm túc và trung thực để trẻ hiểu rõ vấn đề

Cần có một buổi trò chuyện nghiêm túc giữa bố mẹ và con cái về quyết định của cả hai. Không nên thông báo cho trẻ đột ngột khi mọi thủ tục đã hoàn tất. Việc chuẩn bị trước tâm lý cho con rất quan trọng, trẻ cần được biết, được tôn trọng và hiểu được mức độ nghiêm trọng của vấn đề.

Thời gian thích hợp để nói chuyện với trẻ là vào ngày rảnh rỗi, khi cả hai đều không bận rộn. Không nên đề cập việc này khi đang ăn, trên đường đến trường hoặc trước khi đi ngủ. Điều này sẽ ảnh hưởng nhiều đến tâm trạng, khiến tâm lý của trẻ trở nên nặng nề hơn.

2. Khẳng định bố mẹ ly hôn không phải lỗi của trẻ

Trẻ có xu hướng tự đổ lỗi cho bản thân, chúng cho rằng do mình không ngoan, không giỏi nên bố mẹ mới không sống cùng con nữa. Điều này tạo ảnh hưởng lớn đến sự phát triển tâm lý của trẻ. Chính vì thế, cần giải thích lý do bố mẹ ly hôn một cách phù hợp, khẳng định việc ly hôn không phải do lỗi của con.

3. Cho trẻ biết dù có ly hôn thì bố mẹ luôn yêu trẻ

Tâm lý của trẻ khi bố mẹ ly hôn là sợ bỏ rơi, sợ không được yêu thương. Vì thế, cả hai cần khẳng định với trẻ rằng tình yêu của bố mẹ dành cho trẻ là không thay đổi. Có thể cùng trẻ lập kế hoạch về việc cùng nhau chăm sóc trẻ, cùng nhau đi chơi để trẻ nhận được tình yêu của cả bố và mẹ, không có cảm giác mất an toàn. Luôn trấn an và cho con biết rằng bố mẹ chưa bao giờ ngừng yêu con.

4. Lắng nghe và khuyến khích trẻ bày tỏ cảm xúc

Trẻ cũng cần được lắng nghe, được chia sẻ suy nghĩ, cảm xúc của bản thân. Hãy khuyến khích trẻ nói ra những gì con nghĩ, dù là sự giận dữ, lo lắng, sợ hãi hay cảm giác buồn bã, hụt hẫng. Những gì bạn nói và những gì con hiểu có thể không giống nhau, tuy nhiên, hãy kiên nhẫn giải thích cho con từng vấn đề để con không bị ảnh hưởng bởi sự tan vỡ của cha mẹ.

5. Không gây áp lực và bắt trẻ phải lựa chọn

Cung cấp thông tin một cách khách quan, trung thực và trao cho con quyền lựa chọn. Hãy chuẩn bị những thông tin cơ bản mà bạn muốn con biết. Tuyệt đối không được đổ lỗi cho nhau hoặc tranh cãi trong cuộc trò chuyện cùng con. Không nên gây áp lực, nói xấu đối phương để khiến trẻ cảm thấy thất vọng về bố hoặc mẹ mình.

Việc bắt trẻ lựa chọn, khiến trẻ căm ghét bố hoặc mẹ là điều bất hạnh nhất đối với một đứa trẻ. Trẻ cần được quyền tự lựa chọn khi con đã đủ tuổi và đủ nhận thức. Nếu không thể cùng tham gia vào cuộc trò chuyện với con, hãy sắp xếp các buổi gặp mặt riêng với trẻ.

6. Duy trì sự ổn định và thói quen của con

Để tránh ảnh hưởng tâm lý của trẻ khi bố mẹ ly hôn, chúng ta cần hạn chế tối đa việc xáo trộn lịch sinh hoạt và cuộc sống của trẻ. Nếu có thể, hãy cho con tiếp tục học ở trường mà trẻ đang học, duy trì các mối quan hệ với bạn bè, tạo điều kiện để con duy trì thói quen hàng ngày…

Khi cuộc sống ổn định, trẻ sẽ có cảm giác an tâm, kiểm soát được phần nào cuộc sống của mình. Từ đó trẻ sẽ thích nghi tốt hơn với sự thay đổi, dần ổn định tâm lý sau khi bố mẹ ly hôn.

7. Dành thời gian cho trẻ

Cha mẹ không nên tranh cãi, nói xấu nhau trước mặt trẻ hoặc tạo áp lực để trẻ phải chọn phe. Điều này sẽ khiến trẻ căng thẳng, mệt mỏi và dễ tổn thương hơn. Trẻ cần được khuyến khích giữ liên lạc, duy trì mối quan hệ tích cực với cha và mẹ. Trừ trường hợp cha hoặc mẹ không tốt, có thể ảnh hưởng đến tâm lý và sự an toàn của trẻ.

Trẻ cần được cha mẹ yêu thương, quan tâm, dành thời gian chất lượng cho trẻ. Dù gia đình có nhiều thay đổi thì việc quan tâm trẻ là điều cần thiết và nên được ưu tiên hàng đầu. Trẻ được hỗ trợ đúng cách sẽ ít hoang mang và ảnh hưởng đến tâm lý của con khi cha mẹ ly hôn.

8. Giữ liên lạc với trường học và người chăm sóc khác

Phụ huynh nên giữ liên lạc với giáo viên và những người chăm sóc khác để họ hỗ trợ theo dõi, cung cấp các thông tin hữu ích về sự thích nghi của trẻ. Đồng thời giúp bố mẹ kịp thời phát hiện các hành vi bất thường của con.

Không nên kỳ vọng trẻ trưởng thành, suy nghĩ chín chắn về quyết định ly hôn của bố mẹ. Trẻ cần có thời gian thích nghi, chấp nhận, hãy cho trẻ thời gian để đối mặt với sự thay đổi.

9. Tìm kiếm sự hỗ trợ từ chuyên gia

Không ai có thể giúp đỡ bạn hỗ trợ tốt tâm lý cho trẻ khi bố mẹ ly hôn bằng một chuyên gia tâm lý giàu kinh nghiệm. Nếu bạn đang bế tắc, khó khăn trong việc giúp con chấp nhận sự thật, thích nghi tốt với sự thay đổi, hãy tìm đến sự giúp đỡ của chuyên gia tâm lý.

Việc hiểu rõ tâm lý của trẻ khi bố mẹ ly hôn là điều cần thiết để ngăn ngừa tổn thương tâm lý, đặc biệt là tình trạng sang chấn tâm lý, rối loạn lo âu, trầm cảm ở trẻ em. Trẻ cần được chuẩn bị tâm lý trước khi bố mẹ ly hôn và cần được hỗ trợ tâm lý đúng cách hậu ly hôn.

Có thể bạn quan tâm:

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Trẻ 4 tuổi đã có nhận thức về vai trò và vị trí của bản thân, thường dễ thích nghi với sự thay đổi hơn
Tìm hiểu tâm lý của trẻ khi có thêm em, liệu có sốc?

Tâm lý của trẻ khi có thêm em rất đa dạng, có trẻ thích nghi tốt, yêu thích và tích cực hỗ trợ mẹ trong...

nỗi đau mất người thân
Điều cần làm để vượt qua nỗi đau mất người thân

Nỗi đau mất người thân là một trong những thử thách lớn nhất của cuộc đời mỗi người. Có những khoảnh khắc dường như người...