Điều cần làm để vượt qua nỗi đau mất người thân

Nỗi đau mất người thân là một trong những thử thách lớn nhất của cuộc đời mỗi người. Có những khoảnh khắc dường như người ta chẳng còn chút sức mạnh nào để tiếp tục. Nhưng chính trong cơn giông tố ấy, chúng ta lại tìm thấy sức mạnh từ việc đối diện và làm lành nỗi đau.

Diễn biến tâm lý khi mất người thân

Mất đi một người thân yêu luôn là cú sốc lớn đem lại cảm giác như thể một phần trái tim của bạn bị lấy mất đi mãi mãi. Sự trống trải bao trùm khiến những giây phút đang được sống trở nên nặng nề. Hơn nữa, những kỷ niệm ùa về làm tim thêm nhói đau vì không thể chạm vào quá khứ nữa.

nỗi đau mất người thân
Nỗi đau mất người thân khiến con người đau đớn và không còn động lực sống

Không gì đau đớn hơn khi nhận ra rằng những lời chưa kịp nói, những cái ôm còn dang dở giờ đây mãi mãi không thể hoàn thành. Cảm giác lạc lõng và bất lực vây quanh, khiến mọi người tự vấn liệu mình có thể tiếp tục bước đi.

Trong những năm 1960, tiến sĩ Elisabeth Kübler-Ross đã tiến hành phỏng vấn bệnh nhân giai đoạn cuối và quan sát được 5 giai đoạn đau buồn phổ biến mà mỗi người có thể trải qua, đặc biệt là mất người thân. Cụ thể:

  • Chối bỏ: Nhận được tin người thân ra đi, nhiều người không thể chấp nhận thực tại. Sự mất mát quá đột ngột khiến họ cố gắng phủ nhận, không muốn tin rằng điều này đã xảy ra. Thời gian này sẽ rất hay bị sốc và tạm ngừng cảm xúc.
  • Giận dữ: Sau khi đối mặt với thực tế, cơn tức giận trào dâng không thể kiểm soát. Cá nhân giận chính mình, giận người thân đã ra đi, trách móc cuộc sống vì đã quá bất công. Đây là giai đoạn mà cảm xúc dễ dồn nén và gây đau thương hơn.
  • Hứa hẹn: Để bớt đi phần nào cảm giác bất lực, nhiều người bắt đầu tự hứa với chính mình hay người đã mất. Họ cố gắng sống tốt hơn, thay đổi như một nỗ lực để vơi bớt nỗi đau. Đó là cách để bản thân tìm lại sự an yên tạm thời.
  • Buồn bã: Đau thương dần trở thành nỗi buồn khi nhận ra thực tế không thể thay đổi rằng người thân đã mãi ra đi, để lại khoảng trống lớn không thể lấp đầy. Sự cô đơn, stress, trầm cảm có thể bắt đầu từ đây.
  • Chấp nhận: Và khi nỗi đau dần dịu đi, họ bắt đầu chấp nhận rằng người thân đã không còn. Dù ký ức vẫn ùa về vẫn phải học cách sống tiếp, trân trọng những gì còn lại. Nội tâm dần bình yên và cho phép hướng tới mối quan hệ mới cùng cuộc sống hiện tại.
vượt qua nỗi đau mất người thân
Con người phải trải qua nhiều giai đoạn tâm lý khó khăn khi mất đi người thân yêu

Ảnh hưởng của nỗi đau mất người thân

Mất đi người thân là cú sốc lớn đối với tinh thần, gây ra hàng loạt tác động tiêu cực đến cả tâm lý lẫn thể chất. Nếu không kịp thời vượt qua, nỗi đau này có thể khiến người ta rơi vào tình trạng mất cân bằng và kéo theo nhiều vấn đề nghiêm trọng.

  • Vấn đề về giấc ngủ, mệt mỏi:

Giấc ngủ hay bị gián đoạn khi ai đó đang đau buồn, khiến cơ thể và tinh thần luôn mệt mỏi. Tình trạng mất ngủ kéo dài còn gây suy kiệt sức khỏe, đòi hỏi sự can thiệp kịp thời từ các chuyên gia y tế.

  • Cơ chế đối phó không lành mạnh:

Nhiều người tìm đến rượu, thuốc lá, thực hiện hành vi nguy hiểm để quên đi nỗi đau. Điều này không chỉ gây hại nghiêm trọng cho cơ thể mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống cùng những người xung quanh.

  • Giảm khả năng miễn dịch:

Căng thẳng do mất mát là nguyên do làm suy yếu hệ thống miễn dịch, khiến cơ thể dễ bị bệnh tật hơn. Điều này đặc biệt nguy hiểm đối với người cao tuổi, khi họ dễ bị nhiễm trùng hoặc mắc các bệnh nghiêm trọng.

  • Các vấn đề về tim:

Nỗi đau mất đi người thân làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề tim mạch như lên cơn đau tim. Hội chứng “trái tim tan vỡ” cũng là một phản ứng tạm thời trong quá trình này nhưng cần được theo dõi kỹ lưỡng.

ảnh hưởng của nỗi đau mất người thân
Mất đi người thân tạo ra nỗi đau mang tên “hội chứng trái tim tan vỡ”
  • Đau nhức cơ thể:

Cảm giác đau buồn khiến cơ thể bị đau nhức với các triệu chứng đau lưng, đau khớp, cứng cơ. Những triệu chứng này xuất phát từ sự căng thẳng tích tụ từ nỗi đau mất người thân, dần dần ảnh hưởng đến các cơ quan và cơ bắp.

  • Các vấn đề về tiêu hóa:

Hệ tiêu hóa dễ phản ứng mạnh khi người ta chịu áp lực tâm lý, dẫn đến buồn nôn, ăn uống thất thường, mắc hội chứng ruột kích thích.

  • Trầm cảm và các vấn đề tâm lý khác:

Nỗi đau mất người thân là yếu tố thuận lợi để trầm cảm, rối loạn lo âu cùng các vấn đề tâm lý khác khởi phát hoặc trầm trọng thêm.

Làm sao vượt qua nỗi đau mất người thân?

Nỗi đau mất người thân không dễ dàng tan biếnđi, nhưng ta có thể làm dịu nỗi đau đó qua từng ngày. Thay vì để mình chìm mãi trong đau khổ, hãy tìm động lực để sống tiếp vì chính bản thân và những người bạn yêu thương.

1. Thoải mái với cảm xúc của mình

Đối mặt với nỗi đau mất mát, bạn cần cho phép mình cảm nhận cảm xúc thật sự. Đau buồn là một phản ứng tự nhiên, không nên cố gắng che giấu hay kiềm chế nó. Chỉ khi mở lòng với cảm xúc của mình, quá trình chữa lành sẽ dần diễn ra dù thời gian có thể rất dài.

Việc khóc hay la hét đôi khi chính là cách giải tỏa tâm lý hiệu quả nhất. Cảm xúc khi được bộc lộ sẽ giúp bạn dễ tiếp nhận sự thật và bước tiếp. Dồn nén cảm xúc chỉ khiến tâm trí mệt mỏi và càng thêm khép kín với mọi thứ xung quanh.

đối phó với nỗi đau mất người thân
Bộc lộc cảm xúc đau buồn thật sự là cách làm vơi đi nỗi đau để tâm trí được chữa lành

Và không phải ai cũng có thể thoải mái thể hiện mình trước mặt người khác, nhưng điều này lại cần thiết cho quá trình vượt qua nỗi đau. Hãy dành thời gian cho bản thân và đừng cảm thấy áp lực phải bước tiếp quá sớm.

2. Chia sẻ với mọi người

Sau khi mất đi người thân, bạn sẽ phải đối mặt với vô vàn suy nghĩ hỗn độn trong đầu. Chúng là mớ suy nghĩ làm bạn cảm thấy nặng nề và bi quan hơn về cuộc sống. Tuy nhiên, chia sẻ những cảm xúc đó với người khác chính là cách để giải tỏa đầy nhẹ nhõm.

Việc nói ra nỗi lòng sẽ khiến bản thân cảm thấy được an ủi và hiểu rõ hơn về nỗi đau mà mình đang mang. Được người khác lắng nghe và chia sẻ cũng là cách giúp mình dần chấp nhận sự thật và tiếp tục sống với những kỷ niệm. Phải luôn nhớ rằng, đừng giữ nỗi buồn trong lòng, hãy tìm cách sẻ chia với những người mình tin tưởng.

Không phải lúc nào người thân cũng biết cách giúp bạn vượt qua nỗi đau mất mát. Vì vậy, đừng ngần ngại bày tỏ rõ ràng với họ về những gì mình cần, dù đó chỉ là một cuộc trò chuyện hay sự giúp đỡ chuẩn bị tang lễ.

Nếu bạn cảm thấy cô đơn trong nỗi đau, hãy tìm những người đã trải qua mất mát tương tự để chia sẻ. Những người này có thể mang lại cho bản thân cảm giác đồng cảm và nhiều lời khuyên quý giá trong hành trình chữa lành.

3. Duy trì lối sống lành mạnh

Một thói quen sống khoa học luôn được xem là cách giúp tinh thần ổn định và cơ thể hồi phục nhanh chóng sau nhiều tổn thương. Những thay đổi nhỏ trong sinh hoạt hàng ngày sau đây có khả năng tạo ra sự khác biệt lớn trong việc vượt qua nỗi đau.

chăm sóc sau nỗi đau mất người thân
Vượt qua nỗi đau mất người thân bằng cách để tâm trí được thư giãn với âm nhạc và thiên nhiên
  • Giải phóng endorphin – hormone mang lại cảm giác hạnh phúc bằng cách tập thể dục thường xuyên
  • Ăn uống đầy đủ và cân bằng dinh dưỡng nhằm cung cấp năng lượng cho cơ thể
  • Cần ngủ đủ 7 – 8 tiếng đầy chất lượng mỗi ngày để hồi phục tinh thần
  • Thư giãn cơ thể, tâm trí với các phương pháp yoga, thiền định, nghe nhạc
  • Dành thời gian tham gia vui chơi ngoài trời như đi dạo, đạp xe tiếp xúc với thiên nhiên
  • Nghe những bài hát yêu thích để cải thiện tâm trạng
  • Đọc sách giúp thư giãn đầu óc và mở rộng kiến thức
  • Viết nhật ký để thể hiện cảm xúc và giải tỏa suy nghĩ đau buồn
  • Tránh cô lập bản thân, việc ở một mình quá lâu có thể làm tăng cảm giác cô đơn
  • Tránh lạm dụng rượu bia, chất kích thích vì chúng chỉ là giải pháp tạm thời
  • Đừng trốn tránh nỗi đau mà đối mặt với cảm xúc là cách duy nhất để vượt qua nó
  • Tránh thức khuya, làm việc quá sức vì nó ảnh hưởng đến sức khỏe tâm lý và thể chất

4. Tìm niềm vui mới

Một khi nỗi đau mất mát chạm vào cuộc sống, tìm kiếm những niềm vui mới là cách để làm dịu đi vết thương trong lòng.

  • Dành thời gian để ngắm nhìn thiên nhiên
  • Làm tình nguyện, hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn
  • Tránh xa những thông tin tiêu cực
  • Học một kỹ năng mới như nhạc cụ, vẽ tranh, nấu ăn
  • Tham gia vào các câu lạc bộ thể thao, âm nhạc, viết sách
  • Đi du lịch khám phá những nơi mới
  • Tha thứ cho bản thân và những người xung quanh
  • Chăm sóc gia đình nhỏ của mình
  • Hiến máu, hiến tóc để mang lại sự sống
  • Tìm niềm vui trong những hoạt động nhỏ như chăm sóc cây cối, nuôi thú cưng
chữa lành nỗi đau mất người thân
Một kỹ năng mới như vẽ tranh sẽ làm vơi đi nỗi đau mất người thân tốt hơn

5. Nghỉ ngơi nhiều hơn

Nỗi đau mất đi người thân khiến tâm trạng rối bời làm nhiều người tìm cách trốn tránh bằng công việc. Tuy nhiên, việc này chỉ khiến cơ thể thêm mệt mỏi và nỗi đau càng trở nên trầm trọng hơn. Vì vậy, hãy dành thời gian nghỉ ngơi để bản thân có cơ hội hồi phục.

Trong khoảng thời gian này, bạn sẽ nhận ra sự quan trọng của việc sống chậm lại và chăm sóc bản thân. Đây là cơ hội để bản thân tĩnh tâm, chữa lành vết thương tâm lý và tận hưởng những điều giản dị xung quanh mình. Khi bạn quay lại cuộc sống, tâm trạng sẽ ổn định hơn và cảm thấy sẵn sàng đối diện với mọi thử thách.

6. Tưởng nhớ cuộc sống của người thân

Tưởng nhớ người thân không phải là chìm đắm trong quá khứ mà là giữ lại kỷ niệm đẹp để tiếp tục sống với những điều ý nghĩa. Các hoạt động tưởng nhớ giúp con người ta kết nối lại với người đã khuất, đồng thời tìm thấy sự an ủi trong hành trình hồi phục.

  • Tạo một đài tưởng niệm với ảnh và vật kỷ niệm để nhớ về họ mỗi ngày
  • Viết nhật ký ghi lại những kỷ niệm, cảm xúc về người thân yêu
  • Trồng cây, chăm hoa để tạo không gian tưởng nhớ đặc biệt
  • Nấu những món ăn yêu thích của người đã khuất
  • Đến thăm những nơi cả 2 đã từng cùng nhau trải qua
  • Làm những việc mà người thân đã mong muốn bạn làm
  • Tham gia vào các hoạt động mà người thân từng thích như thể thao, âm nhạc
  • Tạo một album ảnh chứa đựng khoảnh khắc đẹp với người đã khuất
  • Viết thư cho người thân yêu để nói ra những điều chưa kịp chia sẻ
  • Quyên góp cho tổ chức từ thiện mà người thân đã ủng hộ trước đó
làm sao vượt qua nỗi đau mất người thân
Ôm ấp kỷ niệm với người thân đã mất là cách để tìm thấy sự an ủi trong quá trình chữa lành

7. Gặp chuyên gia tâm lý

Tìm kiếm sự giúp đỡ của chuyên gia tâm lý là điều cần thiết để vượt qua cú sốc mất người thân và tránh những vấn đề tâm lý nghiêm trọng. Nếu thấy bản thân có những dấu hiệu sau đây, hãy đến gặp gỡ chuyên gia để được can thiệp tâm lý kịp thời:

  • Cảm thấy cuộc sống không còn đáng sống
  • Ước gì bản thân được chết cùng người mình yêu thương
  • Tự trách mình vì sự mất mát, không thể ngăn chặn được nó
  • Cảm thấy tê liệt và mất kết nối trong hơn một vài tuần
  • Gặp khó khăn trong việc tin tưởng người khác sau khi mất mát
  • Không thể thực hiện các hoạt động thường ngày

Chuyên gia tâm lý sẽ đồng hành cùng mọi người vượt qua nỗi đau, hiểu rõ hơn cảm xúc và lý do tại sao lại cảm thấy như vậy. Chuyên gia sẽ tạo ra không gian an toàn để giải tỏa nỗi lòng. Hơn nữa, các buổi trị liệu sẽ giúp cá nhân phát triển cơ chế đối phó với cảm xúc đau buồn một cách lành mạnh.

Quá trình làm việc với chuyên gia tâm lý còn giúp nhiều người phát hiện ra dấu hiệu sớm của các vấn đề tâm lý như trầm cảm, lo âu. Qua đó hướng dẫn cách kiểm soát cảm xúc và đối mặt với hoàn cảnh sống đầy thách thức. Nhờ vậy, bản thân có thể tránh được các vấn đề sức khỏe tâm thần nghiêm trọng và dần hồi phục từ nỗi đau mất mát.

Dù nỗi đau mất người thân chẳng bao giờ biến mất hoàn toàn, chúng ta có thể học cách sống chung với nó và trở nên mạnh mẽ hơn. Hãy để những kí ức đẹp và tình yêu vẫn còn trong lòng làm động lực tiếp bước bởi cuộc sống vẫn còn đó những điều tốt đẹp đang chờ đợi.

Có thể bạn quan tâm:


Nguồn tham khảo:

  • https://www.goodtherapy.org/blog/when-loss-hurts-6-physical-effects-of-grief-0520187
  • https://www.verywellmind.com/can-you-ever-really-get-over-losing-a-loved-one-5207929
  • https://www.helpguide.org/mental-health/grief/bereavement-grieving-the-death-of-a-loved-one

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Sự tan vỡ trong cuộc hôn nhân của bố mẹ ảnh hưởng nhiều đến tâm lý của trẻ
Tâm lý của trẻ khi bố mẹ ly hôn – Hiểu để có bước chuẩn bị

Ly hôn chưa bao giờ là quyết định dễ dàng, việc ly hôn của bố mẹ có thể ảnh hưởng nhiều đến tâm lý của...

Trẻ 4 tuổi đã có nhận thức về vai trò và vị trí của bản thân, thường dễ thích nghi với sự thay đổi hơn
Tìm hiểu tâm lý của trẻ khi có thêm em, liệu có sốc?

Tâm lý của trẻ khi có thêm em rất đa dạng, có trẻ thích nghi tốt, yêu thích và tích cực hỗ trợ mẹ trong...