Trầm cảm ở phụ nữ: Dấu hiệu và thông tin cần biết
Phụ nữ có tỷ lệ mắc trầm cảm cao hơn nam giới từ 1.5 – 1.7 lần, tỷ lệ này chủ yếu liên quan đến sự khác biệt về giới tính sinh học. Trầm cảm ở phụ nữ rất đa dạng, đặc trưng bởi các biểu hiện như giảm khí sắc, thường buồn bã, chán nản, mất hứng thú, mất năng lượng, rối loạn giấc ngủ, thay đổi khẩu vị…
Trầm cảm ở phụ nữ là gì?
Trầm cảm là một loại rối loạn tâm lý, có thể xảy ra ở mọi độ tuổi, mọi đối tượng, bao gồm cả nữ giới và nam giới. Đặc trưng của trầm cảm là trạng thái giảm khí sắc, cảm xúc chán nản, buồn bã kéo dài, thường trực, cảm xúc bất ổn, suy nghĩ tiêu cực, mất năng lượng, mất hứng thú…
Tỷ lệ mắc trầm cảm ở phụ nữ thường cao hơn nam giới rất nhiều. Sự chênh lệch này không phụ thuộc vào văn hóa, chủng tộc, quốc gia, nền giáo dục hay thói quen ăn uống mà liên quan chủ yếu đến sự khác biệt về giới tính sinh học.
Trầm cảm ở nữ thường không đi kèm với các loại rối loạn nhân cách chống đối xã hội hay liên quan đến việc lạm dụng các chất kích thích. Trầm cảm không phải là cảm xúc buồn bã nhất thời mà thường có xu hướng kéo dài, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống cá nhân.
Các loại trầm cảm thường gặp ở nữ giới
Trầm cảm ở nữ giới có thể xuất hiện ở nhiều hình thức khác nhau, được gọi với những cái tên khác nhau. Mỗi loại trầm cảm sẽ có những đặc điểm riêng, liên quan đến một số yếu tố nhất định.
Một số loại trầm cảm thường gặp ở nữ giới:
- Trầm cảm tuổi dậy thì: Sự thay đổi hormone, tâm sinh lý kết hợp với yếu tố tâm lý, tác động từ môi trường khiến trẻ dễ bị trầm cảm. Phụ nữ trẻ từ 14 – 25 tuổi có nguy cao, cao gấp 2 lần nam giới cùng độ tuổi.
- Trầm cảm sau sinh: Xảy ra trong vài tuần hoặc vài tháng sau sinh, đặc trưng với các biểu hiện như mệt mỏi, lo lắng, cảm giác không kết nối với em bé sau khi sinh.
- Rối loạn lưỡng cực: Là loại rối loạn tâm thần đặc trưng bởi sự thay đổi trạng thái tâm thần thất thường giữa cảm xúc hưng phấn và trầm cảm.
- Rối loạn tiền kinh nguyệt: Rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt gây ra những thay đổi mạnh mẽ về tâm trạng. Các triệu chứng của rối loạn tiền kinh nguyệt giống với trầm cảm nặng, gồm: buồn bã, vô vọng, mất ngủ, lo lắng, cáu kỉnh, có ý định tự tử…
- Trầm cảm tuổi mãn kinh: Xảy ra ở chị em trong độ tuổi mãn kinh, liên quan mật thiết đến tình trạng thay đổi hormone cơ thể.
- Trầm cảm tình huống: Xuất hiện sau khi trải qua một sự kiện gây căng thẳng, thường biến mất khi tình huống được giải quyết.
- Các loại trầm cảm khác: Trầm cảm nặng, trầm cảm kinh niên, trầm cảm do tác động của bệnh lý…
Dấu hiệu nhận biết trầm cảm ở phụ nữ
Biểu hiện của trầm cảm rất đa dạng, thường có những khác biệt nhất định giữa các cá nhân. Ở giai đoạn nhẹ, các biểu hiện của trầm cảm dễ bị nhầm lẫn với các loại rối loạn cảm xúc thông thường.
Các dấu hiệu nhận biết trầm cảm ở phụ nữ:
- Tâm trạng chán nản, buồn bã, tuyệt vọng kéo dài
- Mất hứng thú với các hoạt động từng yêu thích
- Mệt mỏi, uể oải, kiệt sức, mất năng lượng không rõ nguyên nhân
- Chán ăn, sụt cân hoặc ăn uống vô độ, tăng cân nhanh
- Khó ngủ, mất ngủ hoặc ngủ quá nhiều
- Cảm giác tự ti, tội lỗi, cảm thấy mình vô dụng, thất bại
- Gặp khó khăn trong việc tập trung, ghi nhớ và đưa ra quyết định
- Ngại giao tiếp, có xu hướng thu mình, tự cô lập bản thân
- Bi quan, hay thẫn thờ, có hành động mất kiểm soát
- Nhạy cảm, dễ xúc động, dễ khóc, chỉ thích một mình…
→Xem thêm: Trầm cảm theo mùa (SAD): Biểu hiện cách khắc phục, phòng ngừa
Vì sao phụ nữ dễ mắc trầm cảm hơn nam giới?
Phụ nữ có nguy cơ mắc trầm cảm cao hơn nam giới chủ yếu là do sự khác biệt về giới tính sinh học. Cơ thể người phụ nữ phải trải qua các giai đoạn thay đổi mạnh mẽ về mặt sinh lý, ảnh hưởng trực tiếp đến tâm lý chị em. Ngoài ra còn có liên quan đến các yếu tố như tâm lý, xã hội, đặc điểm tính cách.
Sở dĩ phụ nữ dễ mắc trầm cảm hơn nam giới là do:
1. Sự thay đổi hormone
Thay đổi nội tiết tố là một trong những nguyên nhân chính gây trầm cảm ở phụ nữ. Nhất là các giai đoạn:
- Thời kỳ kinh nguyệt: Trong suốt chu kỳ kinh, hormone estrogen và progesterone thay đổi làm ảnh hưởng đến tâm trạng, gây triệu chứng trầm cảm trước hoặc trong kỳ kinh.
- Mang thai và sau sinh: Giai đoạn này có sự thay đổi mạnh mẽ của các hormone trong cơ thể. Thêm vào đó là tác động từ biến cố thai kỳ, sự nhạy cảm tâm lý, sự thờ ơ của chồng, người thân…
- Mãn kinh: Sụt giảm hormone estrogen trong giai đoạn mãn kinh có thể tăng nguy cơ trầm cảm.
2. Yếu tố tâm lý
Sự nhạy cảm về cảm xúc trong tính cách cũng như nhạy cảm với điều tiếng, áp lực từ xã hội, gia đình có thể ảnh hưởng đến cảm xúc của chị em phụ nữ:
- Phụ nữ nhạy cảm với các cảm xúc và những thay đổi trong cuộc sống hơn nam giới nên có nguy cơ trầm cảm cao
- Áp lực từ vai trò làm mẹ, làm vợ, áp lực từ người thân gia đình, từ công việc khiến chị em thường xuyên căng thẳng, lo âu, dễ rơi vào trầm cảm.
3. Yếu tố di truyền
Các loại rối loạn tâm thần như trầm cảm, rối loạn lo âu có liên quan mật thiết đến yếu tố di truyền. Di truyền học có thể đóng vai trò quan trọng trong việc xác định các đối tượng có nguy cơ cao mắc trầm cảm.
Nếu trong gia đình có người từng mắc trầm cảm thì những người còn lại trong gia đình thuộc nhóm nguy cơ cao. Không thể khẳng định trầm cảm là di truyền, bởi lẽ người thân trong gia đình chỉ thuộc nhóm nguy cơ cao chứ không chắc chắn sẽ mắc trầm cảm.
4. Yếu tố xã hội
Trầm cảm ở phụ nữ thường liên quan đến các yếu tố xã hội. Đặc biệt là các tình trạng:
- Bị lạm dụng, bạo lực gia đình
- Định kiến, phân biệt đối xử về giới
Ảnh hưởng của trầm cảm đến phụ nữ
Trầm cảm được xếp vào nhóm bệnh rối loạn tâm thần, không phải là những cảm xúc đơn thuần, có thể tự biến mất. Trầm cảm cần được can thiệp kịp thời và đúng cách để giúp chị em vượt qua cơn trầm cảm, trở về với cuộc sống bình thường.
Nếu không điều trị, trầm cảm sẽ gây ra các ảnh hưởng như:
- Giảm năng suất làm việc do tâm lý chán nản, không có động lực làm việc
- Khó duy trì các mối quan hệ xã hội, dễ xung đột với người thân, bạn bè, đồng nghiệp
- Tăng nguy cơ mắc các bệnh lý như tiểu đường, tim mạch, đột quỵ, các vấn đề về tiêu hóa
- Có hành vi tự hại, thậm chí tự sát, đặc biệt là trầm cảm sau sinh…
Phương pháp điều trị trầm cảm ở phụ nữ
Trầm cảm ở phụ nữ cũng giống với các loại trầm cảm khác, có thể được điều trị bằng nhiều phương pháp khác nhau. Trầm cảm không thể tự khỏi, nếu có dấu hiệu nghi ngờ trầm cảm, chị em nên tìm đến bác sĩ tâm lý, tâm thần hoặc chuyên gia chuyên khoa tâm lý để được tư vấn hỗ trợ.
1. Dùng thuốc điều trị
Trong một số trường hợp, bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh sử dụng các loại thuốc điều trị phù hợp để cải thiện triệu chứng trầm cảm. Các thuốc này thường có tác dụng phụ, chỉ được sử dụng khi có chỉ định của bác sĩ. Thường là:
- Thuốc chống trầm cảm
- Thuốc ức chế tái hấp thụ serotonin
- Thuốc ức chế tái hấp thụ norepinephrine và dopamine
2. Tâm lý trị liệu
Các liệu pháp trị liệu tâm lý được khuyến khích áp dụng để hỗ trợ điều trị trầm cảm. Phương pháp này được đánh giá cao về mức độ an toàn và hiệu quả, phù hợp với nhiều đối tượng. Các liệu pháp tâm lý thường được áp dụng:
- Liệu pháp nhận thức hành vi
- Liệu pháp phân tích tâm lý
- Liệu pháp tư duy nhận thức…
3. Phương pháp hỗ trợ
Các phương pháp hỗ trợ được khuyến khích thực hiện tại nhà, kết hợp với việc sử dụng thuốc hoặc trị liệu tâm lý để tăng hiệu quả điều trị. Có thể kể đến như:
- Thay đổi lối sống: Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, tăng cường hoạt động thể chất, hạn chế sử dụng rượu bia, chất kích thích.
- Thực hành kỹ thuật thư giãn: Kỹ thuật yoga, thiền, hít thở sâu, tham gia các hoạt động giải trí, kết nối xã hội, tham gia hoạt động thiện nguyện…
- Chia sẻ, kết nối: Xây dựng và duy trì các mối quan hệ tích cực với bạn bè, gia đình. Chia sẻ những vấn đề bạn gặp phải với người mà bạn tin tưởng.
Trầm cảm ở phụ nữ rất phổ biến, xuất phát từ nhiều nguyên nhân và có thể liên quan đến rất nhiều yếu tố. Sớm nhận biết, phát hiện trầm cảm rất quan trọng. Nếu bản thân hoặc người thân có dấu hiệu trầm cảm, cần sớm tìm đến bác sĩ hoặc chuyên gia tâm lý để được hỗ trợ.
Có thể bạn quan tâm:
- 10 cách thoát khỏi trầm cảm tại nhà, không cần thuốc
- Các dấu hiệu trầm cảm ở tuổi dậy thì: Cách chữa & phòng tránh
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!