Trầm cảm và stress giống hay khác nhau? Mối liên hệ
Rất nhiều người nhầm lẫn giữa trầm cảm và stress, cho rằng hai vấn đề này là một. Thế nhưng, trầm cảm và stress tuy có nhiều điểm giống nhau nhưng không phải là một, có thể phân biệt được qua nhiều đặc điểm riêng biệt. Trong khi stress có thể cải thiện bằng cách cân bằng cảm xúc, kiểm soát với lối sống thì trầm cảm cần phải can thiệp, điều trị.
Trầm cảm và stress có phải là một không?
Trầm cảm là một rối loạn khí sắc thuộc nhóm rối loạn tâm thần hành vi. Đặc trưng bởi tình trạng giảm khí sắc, cảm giác chán nản, buồn bã, mất năng lượng, giảm hoặc mất hứng thú với hầu hết các hoạt động, ngay cả những điều trước đây từng rất yêu thích. Trầm cảm nghiêm trọng và có mức độ phức tạp cao, rất nguy hiểm nếu không được can thiệp kịp thời, đúng cách.
Trong khi đó, stress là trạng thái căng thẳng về thần kinh và cảm xúc. Đây là phản ứng sinh lý, tâm lý của một cá nhân khi đang cố gắng thích nghi với áp lực hoặc thay đổi từ bên trong hoặc bên ngoài. Các căng thẳng tâm lý có thể là động lực tích cực để cá nhân tăng cường sự tập trung, cố gắng giải quyết vấn đề của bản thân.
Như vậy, trầm cảm và stress không phải là một. Đây là hai vấn đề khác biệt, mặc dù đều có liên quan đến yếu tố tâm lý nhưng stress là phản ứng bình thường của cơ thể còn trầm cảm là bệnh, là một rối loạn sức khỏe tâm thần. Có mối liên hệ mật thiết giữa stress và trầm cảm, tuy nhiên, chúng ta không nên đồng nhất hai vấn đề này thành một.
→Xem thêm: Bài Test trầm cảm Beck (Beck Depression Inventory – BDI)
Điểm giống nhau giữa trầm cảm và stress
Trầm cảm và stress có rất nhiều điểm tương đồng. Điều này khiến nhiều người nhầm lẫn, cho rằng đây là cùng một vấn đề. Điểm giống nhau của stress và trầm cảm trước hết là điều liên quan đến tâm lý. Đặc biệt, nguyên nhân gây stress và trầm cảm tương đối giống nhau.
Những điểm tương đồng giữa stress và trầm cảm có thể kể đến như:
- Ảnh hưởng đến tâm trạng, gây cảm giác mệt mỏi, buồn bã, giảm hứng thú kéo dài
- Ảnh hưởng đến suy nghĩ, hành vi, giảm khả năng đưa ra quyết định
- Gây ra các vấn đề về sức khỏe thể chất như rối loạn giấc ngủ, mệt mỏi, đau đầu, đau cơ
- Gây ra cảm giác quá tải, nặng nề, không có động lực cố gắng, nỗ lực
Có nhiều điểm giống nhau giữa nguyên nhân gây stress và trầm cảm. Thường liên đến các vấn đề như:
- Áp lực xã hội (công việc, học tập, tài chính, mối quan hệ với bạn bè, đồng nghiệp)
- Áp lực từ gia đình (mâu thuẫn với người thân), sang chấn tâm lý (mất bạn bè, người thân), thay đổi môi trường sống, thay đổi công việc…
- Khó ngủ, mất ngủ thường xuyên, chất lượng giấc ngủ không đảm bảo
- Mắc một số bệnh lý nghiêm trọng, thường xuyên rơi vào tình trạng sức khỏe không ổn định
- Gặp vấn đề về tâm lý, suy nghĩ tiêu cực, tự tạo áp lực cho bản thân hoặc lạm dụng chất kích thích…
Mối liên hệ giữa trầm cảm và stress
Có mối liên hệ mật thiết giữa trầm cảm và stress, đây là mối liên hệ phức tạp và đa chiều. Trước hết, stress kéo dài, cực độ là một trong những nguyên nhân phổ biến gây trầm cảm. Xảy ra khi cơ chế đối phó của cơ thể quá tải, không thể hồi phục sau áp lực tiêu cực liên tục, kéo dài. Đặc biệt là sau các sự kiện gây stress như thất nghiệp, căng thẳng trong mối quan hệ, mất mát người thân.
Trầm cảm và stress là một vòng luẩn quẩn không lối thoát. Trầm cảm làm tăng nhận thức và phản ứng đối với stress. Người mắc trầm cảm thường gặp khó khăn trong việc xử lý các tình huống áp lực, khiến mức độ và tần suất stress gia tăng. Ngược lại, stress là yếu tố làm gia tăng mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng trầm cảm.
Đồng thời, cả hai vấn đề này đều liên quan đến sự thay đổi của hóa chất, chất dẫn truyền thần kinh não, đặc biệt là serotonin và cortisol. Stress gây rối loạn cân bằng chất hóa học não, gây ra các thay đổi về hành vi và tâm trọng, góp phần gia thúc đẩy trầm cảm xuất hiện và phát triển. Việc quản lý stress hiệu quả là một phần trong phòng ngừa điều trị và ngăn ngừa trầm cảm tái phát.
Phân biệt trầm cảm và stress
Trầm cảm và stress là hai tình trạng riêng biệt nhưng có mối quan hệ mật thiết với nhau. Việc hiểu biết sâu sắc về hai vấn đề này sẽ giúp chúng ta có cách quản lý đối phó stress hiệu quả, từ đó phòng ngừa và điều trị tốt trầm cảm.
Có thể phân biệt trầm cảm và stress qua các khía cạnh sau:
Sự khác biệt về nguyên nhân
Các nguyên nhân gây trầm cảm bao gồm cả nguyên nhân gây stress. Stress chỉ là một phần trong các nguyên nhân gây trầm cảm:
- Trầm cảm: Do nhiều yếu tố gây ra như stress, di truyền, mất cân bằng hóa chất não, tổn thương não (u não, chấn thương não, tai biến mạch máu não…), sử dụng chất kích thích, tác động của yếu tố môi trường…
- Stress: Chủ yếu liên quan đến sự tiêu cực về tâm lý (tự tạo áp lực, suy nghĩ viển vông không chân thực), áp lực từ công việc, tài chính, các mối quan hệ.
Về triệu chứng, dấu hiệu nhận biết
Có sự khác biệt giữa triệu chứng trầm cảm và stress:
Triệu chứng trầm cảm
3 triệu chứng đặc trưng:
- Khí sắc trầm (nét mặt buồn rầu, nặng nề)
- Mất hoặc giảm quan tâm, hứng thú
- Mất hoặc giảm năng lượng.
7 triệu chứng phổ biến:
- Mất tập trung, giảm chú ý
- Thiếu tự tin, giảm tính tự trọng
- Tự trách, tự dằn vặt bản thân
- Bi quan về tương lai
- Rối loạn giấc ngủ (mất ngủ hoặc ngủ nhiều)
- Rối loạn ăn uống (ăn ít, chán ăn hoặc ăn quá nhiều)
- Có ý tưởng, hành vi tự hại hoặc tự sát.
Triệu chứng stress
- Tinh thần: Lo lắng, bồn chồn, mất tập trung, dễ xúc động, tức giận, cảm giác buồn bã chán nản
- Thể chất: Đau đầu, đau tức ngực, đau dạ dày, rối loạn giấc ngủ, căng cơ, ham muốn tình dục thay đổi
- Hành vi: Ăn uống bất thường, lười tập thể dục vận động, hút thuốc lá hoặc lạm dung rượu bia, chất gây nghiện, xa lánh mọi người, dễ bực tức, nổi nóng…
Về thời gian và mức độ ảnh hưởng
Sự khác biệt rõ rệt giữa stress và trầm cảm là thời gian:
- Trầm cảm: Kéo dài trong nhiều tháng hoặc nhiều năm, các triệu chứng xuất hiện thường trực, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống người bệnh. Ảnh hưởng đến khả năng tập trung, chú ý, giảm khả năng làm việc, học tập, tương tác xã hội. Đặc biệt, trầm cảm gây nguy cơ tự hủy hoại, tự tử, có mức độ nguy hiểm đặc biệt cao.
- Stress: Thường xuất hiện tạm thời, trong thời gian ngắn, liên quan đến một vấn đề cụ thể. Khi vấn đề được giải quyết, các triệu chứng sẽ giảm dần và biến mất. Mức độ stress tùy thuộc vào hoàn cảnh và khả năng đối phó của cá nhân. Ảnh hưởng ngắn hạn, không gây suy giảm chức năng dài lâu.
Về phương pháp điều trị
Stress có thể đối phó, kiểm soát được nhưng trầm cảm cần được can thiệp, điều trị:
- Trầm cảm: Là bệnh lý sức khỏe tâm thần, cần có sự can thiệp của bác sĩ tâm lý hoặc chuyên gia tâm lý. Thường được điều trị bằng thuốc, tâm lý trị liệu hoặc liệu pháp sốc điện (ETC).
- Stress: Là một phần của phản ứng sinh học bình thường của cơ thể trước áp lực. Có thể được cải thiện bằng các phương pháp quản lý căng thẳng như yoga, thiền, tập thể dục, quản lý thời gian, phát triển kỹ năng giải quyết vấn đề.
Trầm cảm và stress là hai vấn đề riêng biệt có mối liên quan mật thiết với nhau. Stress kéo dài, không được quản lý, cải thiện có thể gây ra trầm cảm. Stress có thể khắc phục, đối phó khi bạn cố gắng thay đổi lối sống và suy nghĩ. Tuy nhiên, trầm cảm lại rất khó cải thiện, cần phải điều trị và chăm sóc đặc biệt để chữa khỏi hoàn toàn trầm cảm.
Có thể bạn quan tâm:
- Trầm cảm có phải là bệnh tâm thần không?
- 10 cách thoát khỏi trầm cảm tại nhà, không cần thuốc
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!