Ứng dụng phương pháp AAC hỗ trợ trẻ tự kỷ tăng khả năng giao tiếp

Phương pháp AAC mang đến hiệu quả trong quá trình tăng cường vốn từ, cải thiện các khiếm khuyết trong giao tiếp cho nhóm trẻ đặc biệt như trẻ tự kỷ. Trẻ vừa hiểu được người khác nói gì, vừa thể hiện được nhu cầu cá nhân khi cần thiết nên sẽ có tâm lý thoải mái, dễ dàng tham gia vào các hoạt động trong đời sống xã hội như người bình thường.

Tìm hiểu về phương pháp AAC hỗ trợ giao tiếp cho trẻ tự kỷ

Tự kỷ là một dạng rối loạn phát triển thần kinh bẩm sinh ở trẻ nhỏ được đặc trưng bởi những khiếm khuyết về 3 khía cạnh gồm ngôn ngữ, giao tiếp và các hành vi lặp lại không kiểm soát. Các kỹ năng thiếu hụt này sẽ ảnh hưởng đến trẻ tự kỷ suốt cuộc đời và các biện pháp can thiệp cũng chỉ làm giảm nhẹ phần nào các đặc trưng.

Phương pháp AAC được đánh giá là một trong những phương pháp được đánh khả quan trong việc cải thiện giao tiếp và ngôn ngữ cho trẻ tự kỷ

Những khiếm khuyết trong giao tiếp khiến trẻ tự kỷ gặp khó khăn trong việc thể hiện nhu cầu của bản thân; thấu hiểu người khác nói gì; không biết thực hiện mệnh lệnh nên rất khó để hòa nhập vào các hoạt động của xã hội như bình thường.

Phương pháp AAC (Augmentative Alternative Communication) hay còn được gọi là Phương pháp Giao tiếp tăng cường và thay thế được nghiên cứu nhằm mục đích cải thiện các kỹ năng thiếu hụt có hiệu quả trong lời nói, giao tiếp hay ngôn ngữ. Trong đó “Augmentative” (tăng cường) được hiểu là bổ sung thêm cho lời nói và “Alternative” (thay thế) mang ý nghĩa là thay được hiểu là các kỹ năng để thay thế cho lời nói không hiện diện hoặc người khác không thể hiểu.

Đối tượng của phương pháp AAC là người có khiếm khuyết về lời nói, giao tiếp như trẻ tự kỷ, trẻ chậm phát triển trí tuệ, những người có vấn đề về nghe- nói hay người có các tổn thương tại não bộ, hệ thần kinh làm suy giảm khả năng giao tiếp, chẳng hạn như bệnh nhân Parkinson.

Mục tiêu chính của phương pháp này vẫn là cung cấp các kỹ năng giao tiếp tạm thời để các đối tượng có thể tiếp thu tốt các nội dung, hoạt động hay kỹ năng khác khi được hướng dẫn. Điều này cũng hỗ trợ việc cải thiện tư duy, nhận thức cần thiết, đặc biệt với nhóm trẻ tự kỷ.

Hiểu đơn giản hơn thì phương pháp AAC được hướng dẫn cho các đối tượng không thể dùng lời nói hay ngôn ngữ để giao tiếp hay diễn đạt như bình thường thông qua các công cụ trực quan, hệ thống các ký hiệu hay một số thiết bị chuyên dụng khác. Phương pháp này hiện đang được ứng dụng rất nhiều tại các trung tâm, trường học dành cho nhóm trẻ đặc biệt.

Các kiểu hệ thống phương pháp ACC

Hệ thống chương trình AAC hỗ trợ giao tiếp tăng cường và thay thế có thể được thiết kế các chương trình dài hạn hay ngắn hạn theo nhu cầu của từng đối tượng. Với trẻ tự kỷ, các chuyên gia sẽ cần xem xét về tình trạng, mức độ năng lực và nhận thức của từng trẻ, từ đó mới bắt đầu xây dựng lộ trình các phương pháp AAC phù hợp.

Phương pháp AAC có sử dụng công cụ hỗ trợ đang được ứng phụ phổ biến hiện nay

Phương pháp AAC được chia làm 2 dạng chính, bao gồm

  • AAC không hỗ trợ: phương pháp sẽ sử dụng ngôn ngữ cơ thể như ánh mắt, cử chỉ, biểu cảm, ký hiệu hay đánh vần bằng tay để hướng dẫn trẻ cách giao tiếp. Phương pháp này rất phù hợp với những người không nghe, không nói hay không thể dùng ngôn ngữ để diễn đạt như bình thường.
  • AAC có hỗ trợ: với hệ thống phương pháp ACC có hỗ trợ sẽ đòi hỏi rất nhiều các công cụ như tranh, ảnh, máy chiếu, dụng cụ chỉ, bảng giao tiếp để tăng cường bổ sung ngôn ngữ và nhận thức. Ngoài ra hiện nay cũng có rất nhiều công cụ chức năng cao phù hợp cho phương pháp này như máy tính bảng, các thiết bị có thể phát ra giọng nói..

Dù với dạng phương pháp AAC có hỗ trợ hay không cũng sẽ đều được thực hiện dưới sự hỗ trợ từ các chuyên gia, giáo viên để đảm bảo đúng cách.

Áp dụng phương pháp AAC cho trẻ tự kỷ

Nguyên tắc của phương pháp AAC hỗ trợ trẻ tự kỷ chính là cần công nhận rằng, mỗi trẻ đều có khả năng giao tiếp riêng. Việc phát triển giao tiếp hay ngôn ngữ cần phải bao hàm cả khả năng thấu hiểu người khác nói và đồng thời có thể diễn đạt lại. Để đạt được điều này cần có sự đồng hành hợp tác, chia sẻ hỗ trợ từ nhiều phía.

Các tiêu chuẩn đánh giá phương pháp AAC

Để xây dựng được chương trình AAC phù hợp cho trẻ tự kỷ cần phải xem xét nhiều yếu tố, tiêu chuẩn để đảm bảo hiệu quả cũng như những lợi ích mà trẻ có thể nhận được. Các bài đánh giá này sẽ được thực hiện bởi những người có chuyên môn như chuyên gia âm ngữ trị liệu, bác sĩ hay nhà vật lý trị liệu.

Các chuyên gia cần tiếp xúc trực tiếp để xác định năng lực và tình trạng của trẻ tự kỷ

Cụ thể các tiêu chuẩn cần được xem xét khi xây dựng phương pháp cho trẻ tự kỷ bao gồm

1. Xác định nhu cầu giao tiếp của đối tượng

Các chuyên gia sẽ xem xét về các chương trình trẻ đã và đang áp dụng trước đó để đánh giá về hiệu quả, kết quả những gì trẻ đã học được bằng các trao đổi trực tiếp, thu thập thông tin từ người hỗ trợ, theo dõi. Điều này giúp điều chỉnh được phương pháp AAC cho trẻ tự kỷ sau đó phù hợp hơn.

2. Ðánh giá mức độ cảm giác và vận động của đối tượng

Trẻ bị thiếu hụt kỹ năng nói, giao tiếp hay diễn đạt hoàn toàn có thể do ảnh hưởng từ những khiếm khuyết trong cảm giác hay vận động ( bao gồm thính giác, tư thế, thị giác, quan sát hay khả năng phối hợp vận động), do đó cũng phải đánh giá về các yếu tố này để có thể xây dựng phương pháp AAC phù hợp.

Trong quá trình đánh giá này sẽ cần thêm một số thiết bị hỗ trợ, chẳng hạn cái gối, cái chêm để giữ trẻ trong một tư thế thoải mái nhất, điều này nhằm giúp trẻ có thể đánh giá các kỹ năng vận động chuẩn xác hơn.

Cụ thể, một vài yếu tố sẽ được xem xét bao gồm

  • Trẻ có thể tự mình giữ vững một tư thế hay không hay phải sử dụng xe lăn
  • Trẻ có khả năng tập trung nhìn vào đồ vật hay thường bị xao lãng
  • Mắt có chuyển động nhịp nhàng, liên tục, cùng nhau hay bị rung khi nhìn vào một vật thể
  • Khả năng quan sát và tìm kiếm đồ vật nhanh/ chậm/ không có
  • Khả năng duy trì thời gian nhìn theo đồ vật có ổn định hay không
  • Thính giác hay khả năng nghe có ổn định hay không
  • Có tình trạng bị rung tay hay không, có các phản ứng liên quan đến liệt cơ hay có dễ bị mệt mỏi hay không

Phương pháp Giao tiếp tăng cường và thay thế AAC đòi hỏi trẻ cần phải cá nhân phải sử dụng thành thạo một vài kỹ năng vận động của cơ thể một cách chủ động và nhất quán nên việc xác định được khả năng cảm giác và vận động sẽ rất cần thiết.

3. Ðánh giá mức độ ngôn ngữ và nhận thức của đối tượng

Xem xét về khả năng ngôn ngữ và nhận thức của đối tượng cũng giúp các chuyên gia đánh giá mức độ nghe/ hiểu hay diễn đạt của trẻ để lên xây dựng phương pháp ACC phù hợp với từng người hoặc điều chỉnh linh hoạt dựa trên mức độ thiếu hụt của từng người.

Một vài yếu tố được xem xét trong tiêu chuẩn này gồm

  • Mức độ tỉnh táo: chẳng hạn có phản ứng với các kích thích hay không; phản ứng có phù hợp với tình huống hay mức độ như thế nào; bị bối rối và bực bội..
  • Thời gian mà trẻ có thể tập trung vào một đồ vật hay một cuộc đàm thoại nào đó
  • Khả năng nhận ra liên kết giữa những ý nghĩa và biểu tượng
  • Khả năng nhận thức hay hiểu về luật nhân – quả, hoặc đơn giản hơn là ý thức được hành vi, lời nói của mình và những hậu quả có thể gây ra
  • Khả năng ghi nhớ

 4. Xác định và lên kế hoạch cho chương trình AAC phù hợp

Sau khi đã thu thập đủ thông tin, dữ liệu về tình trạng, năng lực của trẻ tự kỷ, các chuyên gia sẽ thiết kế phương pháp AAC phù hợp với từng đối tượng để đảm bảo quá trình tăng cường ngôn ngữ hay giao tiếp có hiệu quả. Các phương pháp này cũng có thể ứng dụng thực tế, sau đó tiếp tục điều chỉnh đến khi mang lại kết quả như mong muốn.

Các công cụ AAC phổ biến

Như đã nói, trong phương pháp AAC tăng cường và thay thế giao tiếp cho trẻ tự kỷ thì việc sử dụng các công cụ hỗ trợ là yếu tố không thể thiếu. Đặc biệt với nhóm trẻ tự kỷ, trẻ hầu như khó có thể ghi nhớ hay học hỏi nếu không có sự hỗ trợ của các giáo cụ trực quan này.

Các công cụ trực quan giúp trẻ dễ tiếp thu và ghi nhớ hơn

Một số công cụ được sử dụng phổ biến trong phương pháp AAC như

  • Bảng giao tiếp tương tác: Thường được thiết kế với các biểu tượng hình ảnh được sắp xếp thông minh theo chủ đề với nhiều kích cỡ hay hình dạng khác nhau, nhưng đa phần đều có thể xách tay để tiện lợi trong việc học tập ở nhiều môi trường.
  • Sách hội thoại: sẽ có các cuộc hội thoại từ cơ bản đến nâng cao được soạn sẵn trong cuốn sách để gia tăng khả năng giao tiếp và diễn đạt cho con. Cần lựa chọn những sách có nội dung phù hợp với độ tuổi và nhu cầu giao tiếp của con.
  • Thẻ gợi ý: trong phương pháp AAC, thẻ gợi ý là các thẻ được thiết kế dưới dạng hình ảnh hay chữ viết, thông điệp dùng để nhắc nhở trẻ cần phải nói gì trong khi giao tiếp. Điều này được cho là có ích với trẻ trong các tình huống giao tiếp đột ngột gây căng thẳng.
  • Máy phát lời nói: các thiết bị này được kết hợp giữa hình ảnh và lời nói đã được ghi âm để trẻ có thể nhìn và phát âm theo trong quá trình học tập.
  • Ngôn ngữ ký hiệu: một số hệ thống ngôn ngữ ký hiệu đang được áp dụng trong phương pháp AAC như ngôn ngữ Ký hiệu Mỹ (ASL), Ngôn ngữ Ký hiệu Anh (BSL), Makaton TM, hệ thống Paget Gorman (Paget Gorman Signed Speech Thay hệ thống Signed Exact English. Ngôn ngữ ký hiệu cho trẻ tự kỷ giúp con có thể thể hiện nhu cầu cá nhân một cách đáng kể.

Người hướng dẫn đóng vai trò quan trọng

Trẻ tự kỷ nói riêng và các nhóm trẻ chậm về ngôn ngữ hay nhận thức nói chung hầu như không thể tự học vì thế người hướng dẫn đóng vai trò vô cùng quan trọng. Gia đình nếu không thực sự có kỹ năng hay am hiểu về phương pháp AAC cũng không thể hỗ trợ bởi không thể đảm bảo được kết quả mong muốn.

Người hướng dẫn giúp trẻ hiểu rõ mình cần phải làm gì

Thường người hướng dẫn phương pháp AAC chính là các chuyên gia âm ngữ trị liệu, các giáo viên được đào tạo về giáo dục chuyên biệt. Các thầy cô sẽ làm mẫu, hướng dẫn để trẻ tự kỷ có thể nhìn và bắt chước theo. Tất nhiên quá trình này cũng không hề dễ dàng, bởi vốn dĩ trẻ tự kỷ rất kém hoặc hầu như không có xu hướng bắt chước.

Các chuyên gia cần theo sát và ghi chép lại những gì con có thể hoàn thành. Các yêu cầu, bình luận sẽ liên tục được đưa ra phù hợp với khả năng để bé thực hiện. Điều quan trọng chính là làm thế nào để thu hút sự chú ý, quan tâm của trẻ vào từng bài học. Đây chính là nguyên nhân cần có đội ngũ chuyên gia hỗ trợ phương pháp AAC một cách chuyên nghiệp.

Đánh giá ưu/ nhược điểm của phương pháp AAC

Hiện nay chưa có bất cứ phương pháp tăng cường và bổ sung ngôn ngữ nào được coi là hiệu quả toàn diện cho trẻ tự kỷ. Phương pháp AAC dù đang được ứng dụng khá phổ biến hiện nay trong giáo dục cho trẻ tự kỷ nhưng vẫn có thể tồn tại một số khuyết điểm mà gia đình cần hiểu rõ.

Ưu điểm

Các nghiên cứu đã chỉ ra Phương pháp Giao tiếp tăng cường và thay thế AAC có thể mang đến rất nhiều lợi ích tích cực cho nhóm trẻ tự kỷ trong việc phát triển các kỹ năng giao tiếp, phát triển ngôn ngữ, khả năng diễn đạt, khả năng nghe – hiểu hay cả việc học tập. Hệ thống AAC sử dụng rất nhiều hình ảnh và các công cụ trực quan nên đáp ứng cực kỳ tốt với với năng lực với các nhóm trẻ như tự kỷ.

Các nghiên cứu đều chứng minh hiệu quả của phương pháp AAC trong tăng cường giao tiếp, ngôn ngữ hay cảm xúc cho trẻ tự kỷ

Theo các chuyên gia, hầu hết các bài học thông thường đều quá sức với năng lực và mức độ nhận thức của trẻ tự kỷ, tuy nhiên AAC lại được xây dựng dựa trên nền tảng ban đầu chính là trẻ. Các bài học, kỹ năng được cải thiện từ từ, không bắt ép trẻ phải theo bất cứ một khuôn khổ hay lộ trình nào nên trẻ sẽ không có cảm giác sợ hãi hay căng thẳng.

Mặt khác với các biện pháp được hướng tới tới cho các đối tượng đặc biệt như trẻ tự kỷ, tinh thần, cảm xúc của trẻ luôn rất được quan tâm. Trẻ hầu như cũng được áp dụng các phương pháp này theo tiêu chuẩn 1:1, nghĩa là 1 giáo viên và 1 học sinh để đảm bảo hiệu quả tốt nhất.

Mặt khác, một trong những ưu điểm nổi bật của phương pháp AAC chính là hầu hết các công cụ học tập đều trực quan, sinh động, tạo sự thu hút lớn với trẻ. Các công cụ này đều có tính linh hoạt, có thể tiện lợi để giáo dục tại lớp hay tại nhà hoặc đem đến bất cứ nơi đâu để thay đổi môi trường giáo dục cho con hiệu quả.

Các kết quả trên thực tế đều cho thấy những cải thiện tích cực trong kỹ năng giao tiếp, diễn đạt, hành vi hay biểu cảm trên khuôn mặt sau mỗi giai đoạn hoàn thành phương pháp AAC. Trẻ có thể hiểu và thực hiện yêu cầu, chủ động diễn đạt nhu cầu cá nhân và dần hòa nhập được với các hoạt động trong đời sống xã hội, thậm chí là có thể tham gia vào môi trường giáo dục bình thường.

Nhược điểm

Vẫn còn rất nhiều vấn đề khó khăn và bất cập đặt ra khi ứng dụng phương pháp AAC cho trẻ tự kỷ để tăng cường ngôn ngữ và giao tiếp. Trong đó việc không phải bất cứ đối tượng nào cũng tương tác với Phương pháp Giao tiếp tăng cường và thay thế AAC được coi là một trong những khó khăn lớn nhất. Nếu không thể thu hút được sự chú ý hay hợp tác của trẻ thì chắc chắn không thể nào có hiệu quả.

Việc tiếp cận với các thiếp bị công nghệ quá nhiều nhưng không đúng cách có thể là nhược điểm của phương pháp này

Mặt khác cũng có thể thấy, trong các phương pháp AAC có dùng dụng cụ hỗ trợ chức năng cao có sử dụng rất nhiều các công cụ là thiết bị điện tử. Trong khi đó trẻ tự kỷ luôn được khuyến khích hạn chế tiếp xúc với các thiết bị này bởi có thể khiến con lười giao tiếp hơn, và cũng không thực sự tốt cho sóng não của con.

Tuy nhiên các chuyên gia trong lĩnh vực này đã khẳng định, việc để trẻ tự kỷ tiếp xúc với các thiết bị điện tử trong phương pháp AAC đã được nghiên cứu để đảm bảo không ảnh hưởng tiêu cực. Việc sử dụng các thiết bị này cũng luôn trong một khung giờ nhất định, có người hỗ trợ kèm cặp kết hợp với tương tác chứ không để con tự chơi một mình.

Việc tìm kiếm các đơn vị, các trung tâm thực hiện ứng dụng phương pháp AAC một hướng chuyên nghiệp, đúng cách cho trẻ tự kỷ cũng là một bài toán khó đặt ra cho các vị phụ huynh. Gia đình nên trực tiếp trao đổi với các chuyên gia để đảm bảo có thể hiểu rõ lộ trình hỗ trợ cho trẻ cũng như trực tiếp tham gia vào quá trình này.

Phương pháp AAC hỗ trợ trẻ tự kỷ tăng cường giao tiếp đang được coi là một trong những biện pháp có thể mang đến nhiều thay đổi tích cực nhất. Trẻ tự kỷ càng được tham gia trị liệu can thiệp từ sớm càng có thêm nhiều cơ hội hòa nhập với đời sống xã hội hình thường, có thể đến trường, học tập và kết bạn nên gia đình cần cực kỳ chú ý. 

Có thể bạn quan tâm:

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Trẻ tăng động giảm chú ý, chậm nói và các biện pháp can thiệp

Tăng động giảm chú ý, chậm nói ở trẻ là một dạng rối loạn phát triển liên quan đến bộ não, lúc này não bộ...

Reggio Emilia và Montessori
Reggio Emilia và Montessori: Khác nhau giữa 2 phương pháp giáo dục

Làm sao giáo dục trẻ từ sớm để giúp trẻ khai phá những tiềm năng ẩn giấu? Chắc chắn đây là vấn đề đau đầu...

Trẻ đi nhón chân và chậm nói: Biểu hiện này có đáng lo?

Trẻ đi nhón chân và chậm nói có thể mắc bệnh gì là thắc mắc của rất nhiều bậc phụ huynh muốn biết. Bởi vì...

trẻ 3 - 5 tuổi chậm nói
Trẻ 3 – 5 tuổi chậm nói: Nguyên nhân và giải pháp can thiệp

Trẻ 3 - 5 tuổi là giai đoạn ham thích khám phá thế giới và có nhu cầu giao tiếp rất cao. Vì thế nếu...