Phương pháp Floortime (DIR) trong can thiệp và chăm sóc trẻ tự kỷ

Việc áp dụng mô hình phương pháp Floortime (DIR) trong quá trình giáo dục và chăm sóc trẻ tự kỷ đang được đánh giá mang lại rất nhiều hiệu quả tích cực, đặc biệt trong việc mở rộng khả năng giao tiếp. Việc cải thiện các kỹ năng dựa trên chính các hoạt động yêu thích của trẻ giúp trẻ cực kỳ hứng thú, hợp tác nên mang đến hiệu quả rõ rệt hơn cả.

Phương pháp Floortime (DIR) là gì? 

Trẻ tự kỷ là một đối tượng đặc biệt có những khiếm khuyết trong 3 khía cạnh chính về giao tiếp, ngôn ngữ và hành vi lặp lại bất thường. Trẻ thường gặp rất nhiều khó khăn trong giao tiếp và sinh hoạt hằng ngày, không thể hòa nhập với các hoạt động tương tác xã hội và hầu như phải phụ thuộc vào quá trình chăm sóc của gia đình. Do đó cần phải có các biện pháp can thiệp điều trị càng sớm càng tốt. 

Phương pháp Floortime được thực hiện thông qua ngồi sàn và tương tác đối diện với trẻ tự kỷ

Phương pháp Floortime còn được biết đến với tên gọi khác là Phương pháp ngồi sàn. Đây là một kỹ thuật can thiệp trị liệu được ứng dụng nhiều cho nhóm trẻ tự kỷ. Phương pháp này được phát triển từ cơ sở Developmental Individual Difference Relationship Model (DIR) hay chính là Mô hình phát triển dựa trên khác biệt cá nhân và dựa trên các mối quan hệ.

Tiến sĩ – nhà tâm thần học Stanley Greenspan là người tạo tiền đề cho sự phát triển của phương pháp Floortime ngay từ những năm 1980. Nhà khoa học Serena Wieder là người tiếp tục nghiên cứu và phát triển phương pháp này ở giai đoạn sau này. Mục tiêu chung hướng tới của phương pháp này chính là đạt được 6 cột mốc phát triển trong quá trình trưởng thành về cảm xúc và trí tuệ của trẻ tự kỷ. 

Điểm đặc trưng của Phương pháp Floortime chính là xác định được điểm mạnh và yếu ( (strengths and challenges);cải thiện các kỹ năng dựa trên bản năng, nhu cầu chơi (play preference) và sở thích cá nhân (natural interests) của con. Thông qua các hoạt động chơi để trì mối quan hệ về cảm xúc (emotional relationship) giữa trẻ và người chơi để phát triển các kỹ năng khác. Và quá trình thực hiện phương pháp này sẽ cần phải ngồi sàn để đối diện trực tiếp và kích thích nhu cầu tương tác của trẻ đạt kết quả tốt hơn. 

DIR/Floortime còn được gọi là phương pháp “trị liệu chơi” bởi nó được phát triển và thực hiện dựa trên chính nhu cầu “chơi” của con. Phương pháp này tương tự như việc “chơi” hay tương tác hằng ngày ở việc các hoạt động chơi, vui đùa đều là cảm xúc tự nhiên. Tuy nhiên Floortime khác việc “chơi” bình thường bởi các hoạt động “chơi” này vẫn có mục đích phát triển, cải thiện các kỹ năng. Và người hướng dẫn ( có thể là chuyên gia hay cha mẹ) sẽ là người đảm nhiệm việc tạo ra sự phát triển và cải thiện cho trẻ.

Tuy nhiên cần hiểu rằng, người dẫn dắt chủ đạo phương pháp Floortime là trẻ tự kỷ chứ không phải là chuyên gia hay phụ huynh. Dù vậy để có hiệu quả nhất những người “cùng chơi” phải có sự am hiểu để có thể hướng trẻ đến các kỹ năng, hoạt động nang cao. Những người cùng tham gia các hoạt động này chính là cha mẹ, gia đình; chuyên gia ngữ âm trị liệu (speech language pathologists), nhà tâm lý học (psychology expert), đội ngũ các bác sĩ chuyên ngành, nhà trị liệu vận động vật lý và cơ năng (physical and occupational therapists).

Các yếu tố xây dựng mô hình Floortime (DIR)

Phương pháp ngồi sàn Floortime được phát triển dựa trên nền tảng ban đầu là tâm lý của trẻ, tôn trọng sự khác biệt cá nhân và niềm vui thích của trẻ nên luôn tạo cho con sự hứng thú hơn việc học tập hay phải vui chơi theo một khuôn khổ nào đó. Hướng tiếp cận này nhằm tập trung vào trẻ một cách toàn diện”, từ đó khắc phục các thiếu hụt trong các kỹ năng ngôn ngữ, vận động, nhận thức hay cảm xúc. 

Giáo án của phương pháp Floortime được xây dựng dựa trên chính năng lực và nhu cầu của trẻ tự kỷ

Theo các chuyên gia, các yếu tố để hoàn thiện phương pháp ngồi sàn  Floortime (DIR) trong giáo dục và chăm sóc trẻ tự kỷ bao gồm

  • D (Developmental) trong DIR nghĩa là “phát triển”. Theo đó phương pháp này sẽ được xây dựng lộ trình, giáo dục/trị liệu dựa trên độ tuổi, năng lực hay giai đoạn đang phát triển của trẻ (developmental stage of the child) để đáp ứng đúng với nhu cầu và khả năng của con. 
  • I (Individual) trong DIR có nghĩa là “ riêng biệt hay mang tính cá nhân”. Phương pháp ngồi sàn Floortime luôn yêu cầu phải tôn trọng, chấp nhận sự khác biệt của trẻ tự kỷ, đồng thời tìm hiểu, ghi nhớ mặt điều hòa cảm giác (sensory motor processing and regulation) của con để có hướng hỗ trợ. Chẳng hạn cha mẹ cần phải biết trẻ nhạy cảm với mức ánh sáng nào, loại âm thanh nào, mùi vị nào để có thể hạn chế trong môi trường học tập và vui chơi hằng ngày.  
  • R ( Relationship) trong DIR có nghĩa là “ kết nối hay mối quan hệ”. Trong đó, sự kết nối tại đây chính là giữa trẻ tự kỷ với người cùng chơi, chính là cha mẹ, chuyên gia hay các thầy cô giáo, xây dựng và  trì mối quan hệ về cảm xúc (emotional relationship). Phương pháp này hướng tới việc tạo nền tảng liên kết mạnh mẽ giữa trẻ và đối phương, từ đó giúp trẻ gia tăng khả khả năng thể hiện nhu cầu, biểu cảm một cách tự nhiên. Trẻ nếu thực hiện phương pháp Floortime với phụ huynh  cũng có xu hướng tạo ra mối liên kết gắn bó chặt chẽ hơn với cha mẹ. 

Bên cạnh đó trẻ cũng sẽ được đánh giá các khía cạnh trong việc phát triển cảm xúc (an assessment of the child’s emotional development) nhằm xác định chính xác về nhu cầu và các tiên lượng phát triển trong từng giai đoạn. 

 Mục tiêu phương pháp Floortime trong chăm sóc trẻ tự kỷ 

Phương pháp  Floortime được coi như một tiền đề quan trọng để người lớn giúp trẻ tự kỷ mở rộng các kỹ năng giao tiếp, cải thiện các kỹ năng thiếu hụt để gia tăng khả năng hòa nhập với cuộc sống bình thường. Bằng cách làm theo chỉ dẫn của trẻ, phương pháp này giúp trẻ có hứng thú tương tác một cách tự nhiên, chủ động và có hứng thú hơn.

Các cột mốc cần đạt được khi thực hiện phương pháp Floortime

Cần hiểu rằng, DIR không chỉ đơn giản tập trung vào phát triển các khía cạnh ngôn ngữ, vận động hoặc kỹ năng quan sát nhận biết mà thông qua việc tổng hòa vào phát triển cảm xúc để cải thiện các kỹ năng này.6 cột mốc phát triển và cũng chính là 6 mục tiêu mà Phương pháp ngồi sàn Floortime luôn mong muốn hướng tới đạt được gồm

  • Tự kiềm chế và chia sẻ sự hứng thú với thế giới (self-regulation and shared attention): một trong những đặc điểm của trẻ tự kỷ chính là có giác quan vô cùng nhạy cảm ( chẳng hạn trẻ có thể cực kỳ khó chịu với ánh đèn huỳnh quang, âm thanh từ máy hút bụi và dễ bị kích thích hơn về vị giác hay sờ) hoặc cũng hoàn toàn kém nhạy cảm ( nếu không có đủ thông tin về mặt cảm giác để được kích thích). Do đó trong giai đoạn đầu tiên của phương pháp Floortime DIR, người hỗ trợ sẽ tạo cơ hội để con tiếp xúc nhiều hơn với các kích thích, sự nhạy cảm của bản thân trong môi trường xung quanh để học cách hòa nhập, kiểm soát đồng thời điều hòa dần các khía cạnh về xử lý cảm giác.
  • Sự gắn bó và kết nối mật thiết (engaging and relating): ở giai đoạn tiếp theo, phương pháp này hướng tới việc tạo cho trẻ tiếng cười và khả năng kết nối với những người xung quanh. Trẻ bắt đầu có sự tìm kiếm, quan tâm đến những khuôn mặt hay đồ vật mà con cùng chơi hằng ngày. Đây chính là nền tảng quan trọng để tạo dựng các mối quan hệ, tăng cường kỹ năng ngôn ngữ, giao tiếp, nhận thức hay các khía cạnh khác. 
  • Tương tác hai chiều có chủ đích (two-way intentional communication): rõ ràng việc giao tiếp có hiệu quả là phải có sự tương tác, có qua có lại ở cả hai hướng nhưng không nhất thiết phải dùng lời nói. Phương pháp Floortime DIR trong giai đoạn thứ 3 sẽ hướng dẫn cho trẻ cách đáp lại người khác bằng ánh mắt, hành động, nụ cười hay cử chỉ. Trẻ và người chơi sẽ ngồi thành vòng tròn hoặc trên sàn nhà (circle of communication) đối diện song song nhau để tạo lập vòng tròn giao tiếp hai chiều có hiệu quả.
  • Giao tiếp phức tạp có mục đích để giải quyết vấn đề (purposeful, complex, problem-solving communication): đến giai đoạn này, trẻ tự kỷ cần đạt được khả năng sử dụng ngôn ngữ của bản thân diễn đạt mong muốn, nhu cầu cá nhân một cách có hiệu quả, phức tạp hơn trước thay vì chỉ la hét hay ăn vạ để gây sự chú ý.
  • Hiểu và tạo ra các biểu tượng, dấu hiệu sáng tạo (creating symbols): phương pháp Floortime DIR sẽ kích thích trẻ tự phát triển sự sáng tạo, các ý tưởng mới thông qua chơi giả vờ (pretend play). Trẻ cũng được học về các biểu tượng có thể đại diện cho điều gì, ý nghĩa các hình ảnh trừu tượng cơ bản xung quanh. Chính từ các yếu tố này trẻ có thể gia tăng khả năng sáng tạo, trí tưởng tượng và được biểu hiện rõ ràng thông qua các nhân vật mà con hóa thân, các tình huống mà con tưởng tượng khi chơi giả vờ. 
  • Kết nối các ý tưởng, biểu tượng có logic (building bridges between symbols): ở giai đoạn cuối trong phương pháp Floortime . trẻ phải biết cách sử dụng ngôn ngữ, biểu cảm, hành vi, hay khả năng giao tiếp ở mức tốt nhất so với 5 giai đoạn trước. Con hoàn toàn có thể chủ động giao tiếp, phát triển trí tưởng tượng, có biểu cảm và cũng hiểu được những biểu cảm ở người đối diện. Tư duy logic của trẻ tự kỷ ở giai đoạn này cũng dần phát triển tốt hơn, có thể nhận thức được không gian, thời gian, thậm chí là tranh luận hay thương lượng về một vấn đề nào đó với người cùng chơi.

Theo các chuyên gia, việc áp dụng đúng cách và có hiệu quả các cột mốc của phương pháp  Floortime thực sự có thể giúp trẻ tiến bộ hơn mỗi ngày. Khi đạt được một cột mốc cũng có nghĩa là trẻ đã có thêm một kỹ năng mới mà trước đây con không thể nào hoàn thành. Cột mốc trước là nền tảng của cột mốc sau, giống như trẻ đang leo bậc thang, cứ chậm rãi bước từng bước để lên tới đỉnh cao nhất.

Ưu/ nhược điểm của phương pháp Floortime 

Nói chung, Mô Hình DIR/Floortime là kế hoạch giáo dục, can thiệp cho trẻ tự kỷ dựa trên việc chơi đùa được xây dựng phù hợp với bậc thang phát triển, tình trạng hay mong muốn của từng trẻ. Cần hiểu rằng hiện tại vẫn không có bất cứ phương pháp can thiệp nào được đánh giá toàn diện cho trẻ tự kỷ, đây cũng là nguyên nhân khiến nhóm trẻ này vẫn gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống hằng ngày.

Vậy phương pháp Floortime hỗ trợ trẻ tự kỷ có thực sự hiệu quả, có những ưu/ nhược điểm gì?

Ưu điểm 

Phương pháp ngồi sàn Floortime DIR được đánh giá là một trong những biện pháp can thiệp cho trẻ tự kỷ ít bị “ném đá” nhất về tiên lượng hay hiệu quả điều trị. Trung tâm Nghiên Cứu Tự Kỷ (the National Autism Center National Standard Project) cũng đã công bố các nghiên cứu, bằng chứng công nhận phương pháp này có thể mang đến nhiều tiên lượng khả quan, an toàn cho nhóm trẻ tự kỷ.

Phương pháp Floortime được đánh giá thực sự có mang lại nhiều thay đổi tích cực cho trẻ tự kỷ

Ưu điểm lớn nhất có thể nhìn thấy rõ ở phương pháp ngồi sàn chính là giáo án tập trung hoàn toàn vào cá nhân con, chấp nhận những kỹ năng thiếu hụt để điều chỉnh các phương pháp phù hợp với năng lực, không bị quá sức với trẻ. Điều này có nghĩa là trẻ sẽ bắt đầu từ bậc thang đầu tiên vừa sức thay vì phải vội vàng leo bậc thứ 2, thứ 3 để kịp với các bạn.

Mặt khác, Phương pháp ngồi sàn Floortime vốn dĩ được xây dựng và phát triển từ những trò chơi mà trẻ yêu thích, do chính con dẫn đầu nên chắc chắn sẽ tạo cho con sự hứng thú và hào hứng hơn là việc chơi một trò chơi đã được định sẵn lộ trình. Tất nhiên cha mẹ, giáo viên và người cùng chơi vẫn có thể đóng góp các nội dung, ý tưởng để định hướng và giúp con phát triển theo mục tiêu nhưng thường điều này không ảnh hưởng quá nhiều đến quá trình chơi của trẻ.                                   

Theo các chuyên gia, Floortime nên được thực hiện tổng thời gian 3-5 tiếng/ ngày, tuy nhiên chỉ yêu cầu thời gian chơi khoảng 30 phút/ lần. Phụ huynh tự có thể điều chỉnh các khung giờ chơi phù hợp để không ảnh hưởng tới các hoạt động khác của con hay bản thân.
Nói chung, rất nhiều các nghiên cứu và cũng có rất nhiều trẻ tự kỷ đã và đang áp dụng phương pháp Floortime đều cho thấy những thay đổi tích cực trong giao tiếp, cảm xúc hay hành vi. Càng áp dụng sớm phương pháp này trẻ tự kỷ càng có nhiều tiên lượng tích cực, gia tăng năng năng tương tác hay hòa nhập với môi trường phát triển đời sống bình thường. 

Nhược điểm 

Phương pháp Floortime vẫn còn tồn tại một vài vấn đề cần sớm khắc phục để mang đến những thay đổi tích cực, toàn diện hơn cho trẻ tự kỷ. Một trong số đó chính là hầu như Floortime không thể thực hiện một mình mà cần kết hợp với các phương pháp khác, phổ biến nhất là phương pháp ABA để hỗ trợ các kỹ năng học tập hay chơi có hiệu quả khác.Các dữ liệu và bằng chứng khoa học liên quan đến phương pháp này vẫn được đánh giá là khá ít.  

Mặt khác thì trước đây, các nhóm nghiên cứu về Floortime có xu hướng chỉ báo cáo về các thành quả tích cực khả quan mà không hề có thông tin về các khiếm khuyết của phương pháp này nên được coi là không đảm bảo nguyên tắc về “xung đột quyền lợi” (conflict of interests) dẫn tới vẫn có các phản ứng trái chiều, chưa hoàn toàn đáng tin cậy.

Để phương pháp ngồi sàn có hiệu quả cần phải đòi hỏi sự kiên trì, am hiểu của người cùng chơi. Bởi nguyên tắc của Floortime chính là không được can thiệp sâu vào trò chơi mà phải dùng đó làm nền tảng để phát triển các kỹ năng cho con. Nếu không có đủ sự thấu hiểu, các kỹ năng chuyên môn không phải lúc nào người hỗ trợ cũng đạt được kết quả này cho trẻ tự kỷ.

Vẫn còn một vài yếu tố phát sinh chưa được khắc phục ở phương pháp hỗ trợ trẻ tự kỷ này

Chính các chuyên gia cho biết, thời gian để phương pháp Floortime bắt đầu phát huy những hiệu quả, trẻ có những thay đổi tích cực cũng không thể xác định được. Có những trẻ bước qua năm thứ hai mới được chuyển đổi giai đoạn khiến phụ huynh dần chán nản, không đủ kiên trì để tiếp tục cho con theo phương pháp này, bỏ dở giữa chừng và lại phải bắt đầu lại với các phương pháp khác.

Phương pháp Floortime có cấu trúc khá khác biệt với các phương pháp còn lại bởi nó tập trung vào việc điều hòa cảm xúc, tức là xuất phát từ các khía cạnh bên trong của trẻ. Do đó có thể có những giai đoạn trẻ phát triển rất nhanh nhưng cũng có những thời điểm con bị chững lại, điều này được là liên quan đến sự nhạy cảm của người hỗ trợ và khả năng kiểm soát của con.

Một vấn đề cuối cùng và cũng được cho là bất cập khá lớn của phương pháp Floortime chính là chi phí cho các khóa DIR hỗ trợ trẻ tự kỷ khá lớn. Ở một số nước, chi cho 1 giờ đồng hồ của chuyên gia Floortime khi chơi cùng trẻ có thể lên tới  $90 đến $200. Và tất nhiên không phải gia đình nào cũng đủ điều kiện để theo học lâu dài, đặc biệt khi ở Việt Nam vẫn chưa có quá nhiều chính sách hỗ trợ cho trẻ tự kỷ. 

Xét theo nhiều khía cạnh, phương pháp Floortime (DIR) vẫn được đánh giá có thể mang đến rất nhiều tiên lượng tích cực trong việc cải thiện khả năng giao tiếp, tương tác hay các kỹ năng thiếu hụt khác cho trẻ tự kỷ. Gia đình nên trao đổi trực tiếp với bác sĩ, các chuyên gia hay giáo viên về giáo dục đặc biệt để hiểu rõ hơn về phương pháp này và cho trẻ theo học theo hướng phù hợp nhất.

Có thể bạn quan tâm:

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Khi nào nên cho trẻ học tiếng Anh, mấy tuổi là tốt nhất?

Theo nhiều nghiên cứu thì việc cho trẻ làm quen sớm với ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng anh sẽ mang lại nhiều lợi ích...

xây dựng kế hoạch giáo dục cá nhân cho trẻ tự kỷ
Phương pháp xây dựng kế hoạch giáo dục cá nhân cho trẻ tự kỷ

Cách nuôi dạy và giáo dục trẻ tự kỷ phải có sự khác biệt so với những đứa trẻ khác, vì trẻ tự kỷ gặp...

Trẻ chậm phát triển trí tuệ: Biểu hiện và hướng can thiệp

Trẻ chậm phát triển trí tuệ là một vấn đề sức khỏe tâm thần nghiêm trọng khiến cho nhiều bậc phụ huynh cảm thấy lo...

Hội chứng ADHD – Tăng động giảm chú ý ở trẻ và hướng can thiệp

Tăng động giảm chú ý ở trẻ là rối loạn thần kinh khá phổ biến, đặc trưng bởi hành vi hiếu động quá mức, giảm...