20 Kỹ năng sống cho trẻ mầm non cần thiết nên trang bị từ sớm

Các bậc phụ huynh thường chỉ quan tâm cho trẻ học chữ, trang bị kiến thức văn hóa mà bỏ qua những kỹ năng quan trọng. Trang bị kỹ năng sống cho trẻ mầm non sẽ giúp tăng khả năng hòa nhập, trẻ chủ động và trở nên tự tin, dạn dĩ. Quan trọng hơn, những kỹ năng này thúc đẩy trẻ phát triển toàn diện và phát huy hết thế mạnh của bản thân.

Tại sao cần giáo dục kỹ năng sống cho trẻ mầm non?

Độ tuổi mầm non được quy định từ 3 cho đến 6 tuổi. Đây là giai đoạn trẻ phát triển nhanh chóng cả về thể chất và trí tuệ. Khi bước vào môi trường tập thể, trẻ sẽ phải học cách thích nghi với những thay đổi, trang bị kỹ năng kết bạn và duy trì các mối quan hệ.

Theo quy định, trẻ từ 3 tuổi mới đến tuổi học mầm non. Tuy nhiên ngày nay do cuộc sống bận rộn, nhiều gia đình cho trẻ đến nhà trẻ sớm vừa tạo điều kiện cho con học hỏi, va chạm vừa giúp bố mẹ có thời gian cho công việc. Trong giai đoạn mầm non, trẻ sẽ được dạy về kiến thức văn hóa và được trang bị kỹ năng sống để chuẩn bị cho những giai đoạn phát triển tiếp theo.

kỹ năng sống cho trẻ mầm non là gì
Trang bị kỹ năng sống cho trẻ mầm non là việc làm cần thiết mà cả gia đình và nhà trường cần chú trọng

3 – 6 tuổi là giai đoạn não bộ phát triển và tiếp thu nhanh chóng. Do đó, đây được xem là thời điểm vàng để giúp trẻ trang bị kỹ năng sống. Những kỹ năng cơ bản này sẽ giúp trẻ chủ động, dễ dàng hơn trong cuộc sống. Đồng thời là nền tảng để trẻ tiếp thu thêm những kỹ năng mới trong giai đoạn tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông.

Nhiều gia đình “phó mặc” việc giáo dục cho giáo viên. Tuy nhiên, gia đình vẫn là môi trường quan trọng đối với sự phát triển của trẻ – nhất là trong giai đoạn mầm non. Chính vì vậy, bố mẹ nên chủ động trang bị cho trẻ những kỹ năng cần thiết để vượt qua khó khăn, trở ngại trong cuộc sống.

Dạy kỹ năng sống cho trẻ mầm non mang đến nhiều lợi ích sau đây:

  • Giúp trẻ thích nghi nhanh với môi trường mới, dễ dàng hòa nhập cùng với bạn bè và thầy cô.
  • Tăng tính tự lập, giảm sự phụ thuộc vào gia đình, không tự ti và nhút nhát khi bước vào môi trường mới.
  • Đặt nền móng cho sự phát triển toàn diện của trẻ.
  • Trang bị kỹ năng sống giúp trẻ tự tin, linh hoạt và nhạy bén hơn trong cuộc sống.
  • Có khả năng giải quyết khó khăn và đương đầu với những thách thức trong tương lai.
  • Đơn giản hóa việc nuôi dạy con vì trẻ gần như có thể tự lập, chủ động trong việc chăm sóc bản thân.

Trang bị kỹ năng sống cho trẻ mầm non không chỉ mang đến ích lợi cho trẻ, mà còn hỗ trợ bố mẹ rất nhiều trong công tác nuôi dạy và chăm sóc con cái. Phải thừa nhận rằng, trẻ được dạy kỹ năng từ sớm sẽ chủ động trong việc ăn uống, sinh hoạt, có thể tự giải quyết những vấn đề nhỏ mà không phụ thuộc vào gia đình.

20 Kỹ năng sống bố mẹ nên trang bị cho trẻ mầm non

Nuôi dạy trẻ chưa bao giờ là việc dễ dàng, đặc biệt là với những người làm cha làm mẹ lần đầu tiên. Trong độ tuổi mầm non, gia đình nên dạy cho trẻ những kỹ năng sống cần thiết để tạo tiền đề cho sự phát triển về sau. Trang bị kỹ năng cũng là cách để phụ huynh giúp con em tự tin, độc lập hơn trong cuộc sống.

Theo các chuyên gia, gia đình nên dạy cho trẻ mầm non 20 kỹ năng sau đây:

1. Kỹ năng tự ăn

Kỹ năng sống đầu tiên mà gia đình nên trang bị cho bé chính là kỹ năng tự ăn và uống nước. Nhiều bậc phụ huynh có xu hướng bảo bọc con cái quá mức. Sợ trẻ biếng ăn, ít uống nước nên luôn đút cho trẻ thay vì để trẻ chủ động. Thói quen này sẽ khiến trẻ mất đi hứng thú trong những bữa ăn, đồng thời trở nên phụ thuộc vào bố mẹ và giáo viên.

Tại sao cần giáo dục kỹ năng sống cho trẻ mầm non
Gia đình nên dạy trẻ chủ động trong việc ăn uống để dễ dàng hòa nhập khi đến trường mẫu giáo

Ngay từ khi còn nhỏ, bố mẹ nên để trẻ chủ động việc ăn uống. Có thể theo sát để chắc chắn trẻ ăn đủ no và có đủ chất dinh dưỡng để phát triển. Chủ động trong ăn uống sẽ giúp trẻ dễ dàng thích nghi khi đến trường. Trẻ không phải phụ thuộc vào giáo viên, có thể tự lấy nước uống khi khát và tự ăn cơm khi đến thời gian dùng bữa.

Kỹ năng tự ăn còn giúp trẻ tự tin hơn với bạn bè đồng trang lứa. Khi hoàn thành bữa ăn một cách tự giác, trẻ sẽ nhận được lời khen của giáo viên và sự ngưỡng mộ của bạn bè. Ngược lại, trẻ mè nheo, khóc lóc khi ăn uống sẽ khiến bạn bè trêu cười. Điều này càng khiến trẻ trở nên phụ thuộc, thiếu tự tin và nhút nhát.

2. Kỹ năng tự chăm sóc bản thân

Khi trẻ được 2 – 3 tuổi, gia đình nên bắt đầu dạy cho trẻ kỹ năng tự chăm sóc bản thân. Hãy bắt đầu bằng những việc đơn giản nhất như thay quần áo bẩn, rửa chân, rửa tay sạch sẽ,… Khi trẻ lớn hơn, bố mẹ nên hướng dẫn trẻ cách vệ sinh răng miệng, chăm sóc tóc, tự thay quần áo bẩn và tự tắm rửa.

Ngoài ra, nên hướng dẫn trẻ đeo khẩu trang, mắt kính, áo khoác và mũ khi ra ngoài. Trời mưa nên dạy trẻ sử dụng ô/ dù, mặc áo mưa để tránh ướt quần áo. Những kỹ năng này tuy đơn giản nhưng trẻ không thể tự biết nếu không được hướng dẫn.

Độ tuổi mầm non là giai đoạn trẻ tiếp thu nhanh. Chỉ với 1 – 2 lần hướng dẫn, trẻ có thể nhớ lời dặn của bố mẹ và thực hiện theo khi gặp phải tình huống như trên. Ở giai đoạn này, khả năng vận động của trẻ chưa phát triển hoàn toàn nên hành vi còn vụng về, lóng ngóng. Gia đình nên hỗ trợ để trẻ có thể thành thục kỹ năng tự chăm sóc bản thân.

3. Kỹ năng ứng xử đúng mực

Khi bước vào môi trường học đường, trẻ sẽ không tránh khỏi mâu thuẫn, xích mích với bạn học. Do đó, gia đình cần phải trang bị cho trẻ kỹ năng ứng xử đúng mực. Cần dặn dò trẻ tránh nổi nóng, tức giận và tuyệt đối không có các hành vi bạo lực.

Khuyên trẻ giữ bình tĩnh, nhường nhịn bạn bè và lễ phép với thầy cô giáo. Gia đình cũng cần hướng dẫn trẻ cách giải quyết khi có mâu thuẫn xảy ra. Đó là nên thông báo với giáo viên hoặc gia đình, tuyệt đối không có những hành vi và lời nói làm tổn thương người khác.

Trong giai đoạn từ 3 – 6 tuổi, trẻ rất dễ kích động, nổi nóng và khó có thể kiểm soát cảm xúc của bản thân. Gia đình sẽ mất khá nhiều thời gian để có thể dạy trẻ ứng xử đúng mực. Trẻ con là tấm gương phản chiếu của bố mẹ. Vậy nên, các bậc phụ huynh nên ứng xử chừng mực, nhẹ nhàng để trẻ có thể học theo các hành vi tích cực.

4. Kỹ năng sắp xếp, chuẩn bị đồ đạc

Để trẻ hình thành tính cách ngăn nắp và gọn gàng, gia đình nên dạy trẻ cách chuẩn bị và sắp xếp đồ đạc. Thay vì chuẩn bị toàn bộ đồ đạc cho bé, bố mẹ nên khuyến khích trẻ tự chuẩn bị một số vật dụng nhỏ như khẩu trang, bàn chải, khăn tắm,… Việc này sẽ giúp trẻ có ý thức chuẩn bị đồ đạc cho bản thân, hạn chế phụ thuộc quá mức vào bố mẹ và người thân trong gia đình.

Tại sao cần giáo dục kỹ năng sống cho trẻ mầm non
Nên dạy trẻ cách sắp xếp, dọn dẹp đồ đạc ngăn nắp ngay từ khi còn nhỏ

Khi trẻ bắt đầu có ý thức và cứng cáp hơn, bố mẹ cũng nên dạy trẻ sắp xếp đồ đạc ngăn nắp. Sau khi vui chơi, cần để đồ chơi đúng chỗ. Quần áo cần được gấp gọn và xếp vào tủ, rác nên được vứt đúng chỗ, không được xả lung tung khắp phòng.

Trẻ trong độ tuổi mầm non thường rất hiếu động nên sẽ quên ngay lời dặn của bố mẹ. Do đó, gia đình cần phải kiên nhẫn, nhắc nhở trẻ thường xuyên. Có thể khuyến khích trẻ bằng lời khen hay cụ thể hơn là món ăn mà trẻ yêu thích. Khi nhận được sự tán dương, trẻ sẽ có ý thức giữ gìn sự ngăn nắp và dần hình thành thói quen nề nếp.

5. Kỹ năng nói thật, nhận lỗi

Trẻ nhỏ thường có xu hướng nói dối vì sợ bị ba mẹ, giáo viên trách phạt. Hơn nữa, bản thân trẻ cũng không hiểu hết tác hại của việc nói dối. Đây cũng là lý do nên trang bị cho trẻ mầm non kỹ năng nói thật và nhận lỗi.

Cha mẹ nên giải thích để trẻ hiểu rằng, thành thật là phẩm chất tốt cần được hình thành và nuôi dưỡng. Người có đức tính này sẽ nhận được sự yêu thương, tín nhiệm từ những người xung quanh. Một người tốt phải là người dám nhận lỗi và chịu trách nhiệm về những việc bản thân đã làm.

vì sao phải giáo dục kỹ năng sống cho trẻ mầm non
Nói thật và nhận lỗi là một trong những kỹ năng sống quan trọng đối với trẻ mầm non

Kẻ nói dối khi bị phát hiện sẽ đánh mất lòng tin của mọi người và không còn được yêu thương. Ngoài ra, nên nhấn mạnh để trẻ hiểu rằng, nói dối nhằm che giấu tội lỗi là việc làm của những kẻ yếu đuối. Thay vào đó, nên thành thật và chủ động xin lỗi, trẻ sẽ được tha thứ và trao cơ hội để sửa sai.

Thực tế, rất khó để trang bị cho trẻ kỹ năng nói thật và nhận lỗi. Bởi cảm giác lo sợ khi bị trách phạt sẽ thôi thúc trẻ nói dối nhằm che giấu hành vi phạm lỗi của mình. Khi trang bị cho trẻ kỹ năng này, gia đình cần phải kiên nhẫn để trẻ dần hình thành thói quen thành thật và dám chịu trách nhiệm với những gì bản thân đã làm.

6. Kỹ năng giúp đỡ

Kỹ năng giúp đỡ là một trong những kỹ năng sống quan trọng cần trang bị cho trẻ mầm non. Trước khi trở thành người tài, trẻ cần phải trở thành một người tốt bụng và giàu lòng nhân ái.

Bản thân mỗi đứa trẻ như một tờ giấy trắng. Trẻ sẽ không hiểu lý do vì sao phải giúp đỡ và sẻ chia với người khác. Gia đình nên giải thích cho trẻ hiểu ý nghĩa của lòng nhân ái, dạy con quan tâm những người xung quanh từ các hành động nhỏ nhất.

Kỹ năng giúp đỡ sẽ giúp trẻ nuôi dưỡng tình yêu thương, sự bao dung và lòng nhân ái. Với kỹ năng này, trẻ sẽ dễ dàng chiếm được cảm tình, thuận lợi khi kết bạn và hòa nhập với môi trường mới. Hơn nữa, thường xuyên quan tâm và giúp đỡ người khác sẽ mang đến cho trẻ cảm xúc tích cực, góp phần giúp cho đời sống tinh thần của con thêm phong phú, màu sắc.

7. Kỹ năng giao tiếp

Giao tiếp là kỹ năng vô cùng quan trọng nên được trang bị sớm. Ngay khi trẻ bắt đầu phát triển ngôn ngữ, bố mẹ nên dạy trẻ cách giao tiếp sao cho phù hợp, vừa bày tỏ đúng mong muốn, nhu cầu của bản thân vừa không gây cảm giác khó chịu cho những người xung quanh.

vì sao phải giáo dục kỹ năng sống cho trẻ mầm non
Bố mẹ nên giúp trẻ trang bị kỹ năng giao tiếp để biết cách bày tỏ yêu thương và xử lý tình huống khéo léo

Gia đình cũng nên dạy trẻ cách bày tỏ quan điểm một cách cởi mở, tự tin. Kỹ năng này rất ít trẻ được trang bị trong giai đoạn mầm non và tiểu học, đây cũng là nguyên nhân khiến trẻ nhút nhát, tự ti, không dám bộc lộ bản thân.

Kỹ năng giao tiếp được xem là kỹ năng sống quan trọng nhất cho trẻ mầm non. Với kỹ năng này, trẻ sẽ tự tin, mạnh dạn hơn. Đồng thời có thể chủ động kết bạn, thoải mái bày tỏ mong muốn, thắc mắc của mình với thầy cô và gia đình.

8. Kỹ năng học hỏi, tư duy

Tò mò là đặc điểm thường thấy ở trẻ trong độ tuổi mầm non. Ở lứa tuổi này, trẻ muốn tìm hiểu tất cả mọi thứ xung quanh và luôn đặt ra các câu hỏi để bố mẹ giải đáp. Khi con tò mò, bố mẹ nên kiên nhẫn trả lời để con phát huy khả năng tư duy và học hỏi. Điều này sẽ giúp trẻ hình thành thói quen tự học, đồng thời có ý thức trong việc trau dồi kiến thức cho bản thân.

Kiến thức là mênh mông vô tận, vì thế đôi khi bố mẹ không thể giải đáp tất cả những câu hỏi của trẻ. Thay vì gạt phắt đi, nên khuyến khích con đọc thêm sách, xem phim để tự trả lời câu hỏi. Việc tự tìm tòi để giải tỏa sự tò mò và băn khoăn của bản thân sẽ giúp trẻ phát triển tư duy, nhạy bén và linh hoạt hơn. Với cách giáo dục này, trẻ có thể học hỏi nhanh kiến thức và các kỹ năng ở trường.

9. Kỹ năng chăm sóc động vật, trồng cây cối

Có rất nhiều kỹ năng sống gia đình nên trang bị cho trẻ mầm non, trong đó phải kể đến kỹ năng chăm sóc động vật và trồng cây. Nhiều nghiên cứu được thực hiện cho thấy, yêu thiên nhiên, động vật sẽ giúp trẻ nuôi dưỡng tâm hồn, hình thành những tính cách tốt đẹp, biết sẻ chia và quan tâm.

vì sao phải giáo dục kỹ năng sống cho trẻ mầm non
Ngay từ giai đoạn mầm non, gia đình nên dạy trẻ kỹ năng chăm sóc cây cối và động vật

Gia đình nên giúp trẻ nhận biết các loài cây, quy trình trồng cây, tưới nước. Nếu nuôi thú cưng, hãy dạy trẻ cách chăm sóc thú cưng (từ khâu ăn uống, tắm rửa cho đến dọn dẹp vệ sinh). Mỗi loài động vật sẽ có những đặc điểm riêng, nên hướng dẫn để trẻ có thêm kiến thức, từ đó dễ dàng hơn trong việc chăm sóc thú cưng trong gia đình.

Kỹ năng trồng cây, chăm sóc thú cưng không chỉ nuôi dưỡng đời sống tinh thần cho bé. Khi được trang bị kỹ năng này, trẻ có thể giúp đỡ bố mẹ chăm sóc chó, mèo và tưới nước cho cây hằng ngày. Các hành động tuy nhỏ nhặt nhưng có ý nghĩa vô cùng to lớn, cho thấy trẻ đã biết quan tâm hơn đến gia đình và đang dần hình thành tính tự lập.

10. Kỹ năng phòng tránh nguy hiểm

Môi trường xung qanh luôn tồn tại những mối nguy hiểm đe dọa đến sự an toàn của trẻ nhỏ. Ngoài những kỹ năng sống kể trên, gia đình nên trang bị cho trẻ kỹ năng phòng tránh nguy hiểm.

Bố mẹ nên giải thích để trẻ hiểu hơn về những mối nguy có thể phải đối mặt và hướng dẫn trẻ các hành động tự bảo vệ như không nghe lời, không nhận đồ ăn từ người lạ, không chạm tay vào những vật nhọn, sắc bén, không đến gần những con thú nguy hiểm,… Ngoài ra, nên dặn dò trẻ tránh xa sông suối và không đến gần lan can cầu thang.

11. Kỹ năng tự vệ

Kỹ năng tự vệ là kỹ năng sống quan trọng đối với cả người lớn và trẻ mầm non. Nhiều phụ huynh cho rằng, trẻ ở độ tuổi này còn quá nhỏ để có thể học kỹ năng này. Tuy nhiên, việc trang bị kỹ năng phòng vệ là cần thiết và nên được thực hiện càng sớm càng tốt.

dạy kỹ năng sống cho trẻ mầm non
Bố mẹ nên cho trẻ tham gia các khóa học võ tự vệ cơ bản để chủ động bảo vệ bản thân

Nên dặn dò trẻ không nên đi theo người lạ và nên cầu cứu sự giúp đỡ nếu bị ai đó bắt đi. Trường hợp cần thiết có thể dạy trẻ cắn vào tay kẻ xấu để có thể thu hút sự chú ý với những người xung quanh. Để an tâm hơn, bố mẹ nên cho trẻ tham gia các lớp học võ tự vệ cơ bản. Khi có kỹ năng tự vệ, trẻ có thể tự bảo vệ mình trong những tình huống nguy hiểm.

12. Kỹ năng vượt qua trở ngại

Ngay từ khi còn ở độ tuổi mẫu giáo, bố mẹ nên dạy con trẻ đối mặt với khó khăn và vượt qua trở ngại. Những vấn đề trẻ gặp phải ở độ tuổi này là không quá lớn. Nhiều gia đình vì bảo bọc con nên luôn giúp đỡ và làm mọi thứ cho trẻ. Tuy nhiên, việc này sẽ khiến cho trẻ có thói quen ỷ lại, nhút nhát, ngại đương đầu với thử thách.

Khi trẻ gặp những tình huống không thuận lợi như té ngã, mâu thuẫn với bạn bè,… bố mẹ không nên giải quyết giúp trẻ. Tốt nhất nên khuyến khích con tự giải quyết những vấn đề của bản thân. Nếu con gặp khó khăn, bố mẹ nên phân tích và gợi ý con hướng xử lý ổn thỏa.

13. Kỹ năng tự tin trước đám đông

Trước khi đến trường mẫu giáo, trẻ sống trong vòng tay của bố mẹ và người thân. Do đó khi bước vào môi trường mới, trẻ sẽ không tránh khỏi cảm giác lạ lẫm, thiếu tự tin và nhút nhát. Nhiều trẻ có xu hướng tự cô lập, không vui chơi và trò chuyện với bạn bè trong lớp. Trẻ liên tục khóc lóc, đòi bố mẹ, ghét đi học và luôn từ chối đến trường.

dạy kỹ năng sống cho trẻ mầm non
Tự tin trước đám đông là kỹ năng sống bố mẹ cần trang bị cho trẻ ngay từ giai đoạn mầm non

Trang bị kỹ năng tự tin trước đám đông là vô cùng cần thiết. Gia đình nên nuôi dưỡng sự tự tin cho trẻ bằng cách khen ngợi những thế mạnh của con, tán dương khi trẻ ngoan ngoãn, vâng lời. Ngoài ra, nên cho trẻ đến công viên, khu vui chơi thường xuyên để trẻ dễ dàng hòa nhập với bạn bè và va chạm nhiều hơn. Dần dần, trẻ không còn sợ sệt với những thứ mới mẻ và trở nên tự tin.

Trẻ tự tin sẽ dễ dàng thích nghi, hòa nhập với môi trường mới. Trẻ cũng sẽ trở nên nổi bật vì luôn dám thể hiện bản thân và không ngần ngại giúp đỡ người khác. Vì vậy, ngay từ những năm đầu đời, gia đình nên trang bị cho trẻ kỹ năng tự tin trước đám đông.

14. Kỹ năng làm việc nhóm

Làm việc nhóm là kỹ năng sống bố mẹ nên trang bị cho trẻ ngay từ giai đoạn mầm non. Hiện nay, chương trình mầm non cũng chú trọng trang bị cho trẻ kỹ năng này. Rất nhiều người làm việc một mình hiệu quả nhưng lại gặp khó khăn khi làm việc nhóm. Trang bị kỹ năng teamwork sẽ giúp trẻ dễ dàng hơn trong việc hòa nhập, vui chơi và học tập cùng với bạn bè.

Khi làm việc nhóm, quan trọng nhất là lắng nghe và giữ thái độ trung lập, cởi mở. Bố mẹ có thể trang bị cho trẻ kỹ năng này thông qua các hoạt động vui chơi, nấu nướng. Thay vì giao yêu cầu cho trẻ, cả gia đình nên lắng nghe ý kiến của nhau, sau đó thống nhất giải pháp phù hợp nhất. Như vậy, trẻ sẽ dần học được cách làm việc nhóm và không thể hiện cái tôi quá mức trong một tập thể.

15. Kỹ năng bơi lội

Ngoài những kỹ năng sống kể trên, bố mẹ cũng nên trang bị cho trẻ kỹ năng bơi lội. Biết bơi không chỉ giúp trẻ hạn chế tai nạn đuối nước, tăng khả năng sinh tồn mà còn hỗ trợ phát triển chiều cao, tăng cường thể trạng cho bé.

dạy kỹ năng sống cho trẻ mầm non
Thay vì bắt trẻ viết chữ sớm, hãy dạy cho trẻ kỹ năng bơi lội để nâng cao khả năng sinh tồn

Làm quen với môi trường nước còn giúp trẻ cảm thấy hào hứng, kích thích sự sáng tạo và tò mò với thế giới xung quanh, qua đó góp phần phát triển trí não cho trẻ ở giai đoạn mầm non. Ngoài ra, thói quen này còn giúp trẻ giải tỏa căng thẳng và những cảm xúc tiêu cực từ cuộc sống.

16. Kỹ năng quản lý thời gian

Ngay từ khi còn nhỏ, gia đình nên dạy trẻ kỹ năng quản lý thời gian. Hãy bắt đầu bằng việc giúp trẻ xây dựng thời gian biểu. Ban đầu trẻ sẽ cần đến sự trợ giúp của bố mẹ nhưng dần dần trẻ có thể tự quản lý thời gian trong ngày.

Quản lý thời gian là kỹ năng sống quan trọng đối với cả trẻ mầm non và người trưởng thành. Khi biết sắp xếp thời gian, trẻ sẽ hình thành lối sống nề nếp, có kế hoạch và tổ chức. Nếu duy trì thói quen này trong thời gian dài, khi lớn lên trẻ sẽ không khó để trở thành một người thành công.

17. Kỹ năng tham gia giao thông

Gia đình không thể bảo bọc con cái mọi lúc mọi nơi. Do đó, cần chủ động trang bị cho trẻ kỹ năng tham gia giao thông. Nên dạy trẻ về tín hiệu đèn giao thông, đi bộ phải đi trên vỉa hè, chỉ sang đường ở những nơi có vạch kẻ cho người đi bộ. Để đảm bảo an toàn, trẻ nên sang đường cùng người lớn, đồng thời cần quan sát và giơ tay xin đường.

Trẻ ở độ tuổi từ 4 – 6 tuổi có thể hiểu những nguyên tắc khi tham gia giao thông. Ngoài chương trình giáo dục ở trường, gia đình cũng nên trang bị cho trẻ kỹ năng này để trẻ chủ động hơn và tránh rơi vào những tình huống nguy hiểm.

18. Kỹ năng lập kế hoạch

Thay vì ép buộc trẻ phải học viết chữ và trang bị kiến thức quá sớm, gia đình nên dạy cho trẻ kỹ năng lập kế hoạch. Kỹ năng này nghe thì có vẻ xa vời nhưng rất cần thiết khi trẻ bước vào lớp 1. Hãy bắt đầu bằng việc giúp trẻ lên kế hoạch cần chuẩn bị khi đi picnic cùng bạn bè hay lên danh sách những món đồ cần mua khi đi siêu thị, nhà sách.

Thói quen này sẽ giúp trẻ xây dựng kỹ năng lập kế hoạch để có thể quản lý cuộc sống và học tập một cách hiệu quả. Theo thời gian, kỹ năng lập kế hoạch sẽ dần được hoàn thiện, phát triển. Đây chính là tiền đề giúp trẻ phát triển trong tương lai và có được cuộc sống thành công đúng như mong ước.

19. Kỹ năng lắng nghe

Trẻ trong độ tuổi mầm non rất thích chia sẻ và trò chuyện nhưng lại thiếu đi kỹ năng lắng nghe. Lắng nghe là một trong những kỹ năng sống quan trọng gia đình nên trang bị cho trẻ. Biết cách lắng nghe, trẻ sẽ hiểu hơn về những người xung quanh, học được cách chia sẻ, đồng cảm và quan tâm.

dạy kỹ năng sống cho trẻ mầm non
Kỹ năng lắng nghe sẽ giúp trẻ mầm non học cách quan tâm và đồng cảm với những người xung quanh

Lắng nghe cũng sẽ giúp trẻ tránh được những tình huống mâu thuẫn, xích mích không đáng có với bạn bè. Ngoài ra, kỹ năng này cũng sẽ giúp trẻ nhớ rõ lời dặn của giáo viên, bố mẹ để hoàn thành đúng yêu cầu/ nhiệm vụ được giao.

20. Kỹ năng nấu ăn

Nhiều phụ huynh cho rằng, trẻ ở tuổi mầm non còn quá nhỏ để nấu ăn. Tuy nhiên, đây lại là quan niệm sai lầm. Theo các chuyên gia, nên dạy trẻ nấu ăn và làm việc nhà ngay từ khi còn nhỏ. Quan trọng nhất là lựa chọn các công việc, nhiệm vụ phù hợp với lứa tuổi của trẻ.

Với trẻ từ 3 – 6 tuổi, bố mẹ có thể nhờ con nhặt rau, rửa trái cây, trang trí món ăn. Khi nấu ăn, có thể nhờ trẻ lấy gia vị. Cách này vừa giúp trẻ trang bị kỹ năng vừa giúp trẻ trân trọng bữa ăn, biết ơn công sức của người chế biến ra những bữa ăn cho gia đình.

dạy kỹ năng sống cho trẻ mầm non
Nấu ăn là một trong những kỹ năng sống quan trọng cần được trang bị cho trẻ mầm non

Làm quen với việc nấu ăn ngay từ giai đoạn này sẽ giúp trẻ không bỡ ngỡ khi phải tự chuẩn bị bữa ăn cho bản thân. Đây là một trong những kỹ năng cần thiết nhưng không phải ai cũng được trang bị. Dù không thích nấu ăn, việc biết nấu ăn sẽ giúp trẻ chủ động hơn trong cuộc sống sau này.

Trang bị kỹ năng sống cho trẻ mầm non là việc mà gia đình nên quan tâm. Bởi khi có kỹ năng, trẻ sẽ trở nên tự tin, chủ động hơn trong cuộc sống. Những kỹ năng được dạy ở hiện tại còn là tiền đề để trẻ phát triển và thành công trong tương lai.

Tham khảo thêm:

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Tâm lý trẻ em lứa tuổi mầm non cha mẹ, giáo viên cần hiểu rõ

Nắm bắt tâm lý trẻ ở tuổi mầm non sẽ giúp cha mẹ và giáo viên dễ dàng hơn trong công tác giáo dục. Qua...

trẻ vào lớp 1 không tập trung
Trẻ vào lớp 1 không tập trung: Nguyên nhân và cách khắc phục

Ắt hẳn không ít phụ huynh có con vào lớp 1 đã nghe cô giáo phản ánh rằng trẻ ngồi trong lớp không tập trung,...

Trẻ chậm phát triển ngôn ngữ: Dấu hiệu và Cách hỗ trợ, can thiệp

Các dấu hiệu trẻ chậm phát triển ngôn ngữ thường rõ ràng hơn khi con đạt đến giai đoạn 2-3 tuổi trở lên vì đây...

Rối loạn phổ tự kỷ: Các mức độ, Triệu chứng và điều trị

Rối loạn phổ tự kỷ là một dạng rối loạn phát triển thần kinh gây ra những khiếm khuyết về giao tiếp/ ngôn ngữ, hành...