Trẻ đặc biệt: Phát hiện và phương pháp giáo dục, can thiệp

Trẻ đặc biệt cần được tham gia môi trường học tập, chăm sóc và vui chơi có phần đặc biệt hơn để dần hòa nhập với xã hội như những đứa trẻ bình thường. Những thiếu hụt về thể lý, nhận thức hay hành vi sẽ không làm cản trở hoàn toàn đến quá trình phát triển toàn diện của trẻ đặc biệt nếu được giáo dục và can thiệp đúng cách từ giai đoạn sớm.

Hiểu thế nào về trẻ đặc biệt?

Mỗi đứa trẻ sinh ra đều có lộ trình phát triển giống nhau, có trẻ biết đi trước, có trẻ biết nói trước, có trẻ không biết bò mà chuyển ngay qua giai đoạn biết đi. Tuy nhiên khi đến các cột mốc chung trẻ đều sẽ phát triển dần các kỹ năng này, tùy thuộc vào các yếu tố như năng lực trí tuệ, quá trình giáo dục của cha mẹ và sự ảnh hưởng từ các yếu tố môi trường.

Trẻ đặc biệt
Trẻ đặc biệt có những khiếm khuyết về nhận thức, hành vi, cảm xúc nên gặp rất nhiều khó khăn trong việc hòa nhập với cuộc sống bình thường

Trẻ đặc biệt là nhóm trẻ có sự khác biệt trong quá trình phát triển so với những đứa trẻ thông thường. Đây là tên gọi chung dành cho những trẻ có thiếu hụt trong khía cạnh nhận thức, thể lý, tinh thần, kéo dài đến suốt cả cuộc đời. Các khiếm khuyết này gây ra những ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển, quá trình hòa nhập với cuộc sống, xã hội của mỗi đứa trẻ.

Các nghiên cứu phân loại trẻ đặc biệt thành 2 nhóm chính, bao gồm

  • Trẻ khuyết tật về thể lý: là nhóm trẻ có một hoặc nhiều cơ quan không đảm bảo được chức năng của nó, chẳng hạn khiếm thính không thể nghe được; trẻ khiếm thị không thể nhìn được hoặc những trẻ bị bại não hay bại liệt vĩnh viễn
  • Trẻ khuyết tật về trí tuệ, tinh thần và nhận thức: bao gồm các nhóm trẻ tự kỷ (Autism Spectrum Disorder – ASD); trẻ tăng động giảm chú ý, trẻ tăng động (Attention Deficit Hyperactivity Disorder – ADHD), trẻ thiểu năng trí tuệ (Intellectual Disability – ID). Nhóm trẻ này thường thiếu hụt về các nghĩa cạnh nhận thức, tinh thần dẫn tới các hành vi, năng lực tư duy không phù hợp với lứa tuổi và gặp rất nhiều hạn chế trong cuộc sống hằng ngày.

Hiện tại ở Việt Nam, trẻ đặc biệt thường dùng để gọi nhóm trẻ có khiếm khuyết về nhận thức, tinh thần nhiều hơn. Bên cạnh đó, trẻ tự kỷ, trẻ chậm phát triển trí tuệ và trẻ tăng động còn được gọi với các tên khác là Trẻ VIP –  Very Important Person. Điều này nhằm khẳng định, dù trẻ thuộc tình trạng này, thiếu hụt kỹ năng nào cũng đều là một đối tượng quan trọng như bao đứa trẻ khác.

Thực tế dù đã bắt đầu nghiên cứu từ năm 1943 nhưng vẫn có rất nhiều tranh cãi có liên quan đến trẻ đặc biệt, đặc biệt là với trẻ tự kỷ. Chẳng hạn như những tình trạng này có phải là bệnh không, và nếu là bệnh thì cần phải có cách chữa cụ thể như thế nào. Hay việc các nhóm trẻ này có được công nhận là trẻ khuyết tật không, nếu đúng thì cách chính sách hỗ trợ ra sao?

Những thiếu hụt về mặt tư duy, hành vi hay cảm xúc khiến trẻ  VIP gặp rất nhiều khó khăn trong việc giao tiếp, vui chơi, sinh hoạt, học tập hay chỉ là các hoạt động chăm sóc cá nhân hằng ngày. Đây chính là nguyên nhân hầu hết các nhóm trẻ này đều phải phụ thuộc vào sự quan tâm, chăm sóc, hỗ trợ từ gia đình, ngay cả khi ở giai đoạn trưởng thành.

Mặc dù có nhiều vấn đề mâu thuẫn được đặt ra nhưng hiện nay, việc nghiên cứu các biện pháp hỗ trợ cho trẻ đặc biệt, bao gồm cả điều trị y tế, giáo dục hay các kế hoạch chăm sóc đang ngày càng được nâng cao để mang đến những thay đổi tích cực trong quá trình phát triển và hòa nhập cho trẻ. Các chính sách hỗ trợ từ các cơ quan ngành cũng đang ngày càng rõ ràng hơn.

Làm thế nào để nhận biết con là trẻ đặc biệt?

Thực tế trong nhiều năm trở lại đây, tỷ lệ các nhóm trẻ đặc biệt, nhất là trẻ tự kỷ lại đang có xu hướng tăng thay vì giảm. Việc phát hiện các triệu chứng này cũng không hề dễ dàng bởi không phải ai cũng được tiếp cận đầy đủ các thông tin về trẻ VIP. Mặt khác tâm lý chủ quan của phụ huynh luôn chỉ cho rằng con chỉ chậm phát triển hơn những đứa trẻ khác nên không chịu đưa con đi thăm khám.

Trẻ đặc biệt
Trẻ đặc biệt thường có sự khác biệt rõ rệt trong khả năng giao tiếp và nhận thức

Thực tế có nhiều dạng trẻ đặc biệt với các biểu hiện khác nhau bởi cơ chế gây bệnh là khác nhau, tuy nhiên một số đặc điểm chung của nhóm trẻ này là ( bao gồm các biểu hiện chung cho nhóm trẻ đặc biệt bị khuyết tật về trí tuệ, tinh thần và nhận thức)

  • Chậm nói hơn so với nhóm trẻ bình thường ít nhất là 1 năm, đây cũng là biểu hiện điển hình nhất của cả ba nhóm trẻ ASD, ADHD, ID. Những khiếm khuyết tại hệ thần kinh đều khiến khả năng phát triển nhận thức, tư duy của con giảm nên quá trình học ngôn ngữ hay lời nói cũng kém hơn rất nhiều. Thậm chí trẻ tự kỷ hầu như không có xu hướng nói chuyện trong những năm tháng đầu đời.
  • Các cột mốc phát triển khác chẳng hạn như biết bò, biết đi cũng có xu hướng chậm hơn so với các cột mốc bình thường
  • Trẻ học hỏi chậm chạp, kém trong việc bắt chước từ lời nói cho tới hành động hay biểu cảm của cha mẹ
  • Trẻ thiếu tập trung, hầu như không quan tâm đến cha mẹ khi được gọi tên, không làm theo chỉ dẫn mà chỉ làm những gì con thích
  • Trẻ đặc biệt cũng có xu hướng hay la hét, dễ tức giận hay kích động, thậm chí có thể đánh lại cha mẹ do con không biết cách dùng ngôn ngữ để thể hiện nhu cầu đồng thời cũng không ý thức được về hành vi của bản thân
  • Khó khăn trong việc  kết bạn, con đến tuổi đến trường có xu hướng bị cô lập vì không thể tương tác với bạn bè đồng trang lứa
  • Nhóm trẻ đặc biệt nếu đến tuổi đến trường thường rất khó theo kịp bạn bè bởi không thể tập trung vào bài giảng, khả năng tiếp thu và ghi nhớ kém. Trẻ bình thường chỉ cần 1 tiết học để biết tính toán các phép tính cơ bản nhưng trẻ VIP có thể mất hơn 5 tiết học mà con vẫn không hiểu gì
  • Không hiểu và không thực hiện được các hành vi sinh hoạt cá nhân bình thường, chẳng hạn như vệ sinh cá nhân,
  • Rất ít khi chủ động trong giao tiếp, không làm theo yêu cầu của cha mẹ
  • Một số đặc điểm khác cũng có thể xuất hiện ở trẻ đặc biệt như có các hành vi kỳ lạ, nhạy cảm quá mức với âm thanh, ánh sáng, màu sắc, mùi vị…

Ở trẻ đặc biệt, các khiếm khuyết này thường bộc lộ ngay từ khi còn nhỏ, từ những giai đoạn đầu đời nhưng rất khó nhận ra sớm, cho tới khi khả năng của con không đáp ứng được với các đòi hỏi thông thường của xã hội. Các biểu hiện này hoàn toàn gây ra những hạn chế to lớn đến những hoạt động xã hội thường ngày của trẻ, khiến con có cảm giác tách biệt với xung quanh.

Tuy nhiên đây vẫn chỉ là một vài đặc điểm điển hình, không phải toàn bộ các triệu chứng. Để xác định  liệu con có phải trẻ đặc biệt hay không cần đưa trẻ đến bệnh viện để thực hiện các biện pháp tầm soát chuyên môn để có những đánh giá chính xác tuyệt đối cũng như được cung cấp các biện pháp can thiệp phù hợp.

Các biểu hiện và chẩn đoán về các nhóm trẻ đặc biệt được đề cập đầy đủ trong Sổ tay chẩn đoán và thống kê các rối loạn tâm thần của Hội tâm thần học Hoa Kỳ DSM – V. Ngoài ra bác sĩ cũng đề nghị thực hiện các xét nghiệm kiểm tra về não bộ, thính giác cùng một số vấn đề liên quan để tránh nhầm lẫn với một số tình trạng có triệu chứng tương đồng.

Phụ huynh cần quan sát các biểu hiện bất thường của trẻ trong suốt giai đoạn phát triển để phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường. Ghi chép lại các biểu hiện và thông báo cho bác sĩ cũng giúp ích cho quá trình thăm khám và chẩn đoán chính xác hơn, bởi đôi lúc chỉ khám trong 30- 45 phút đôi lúc con chưa thể bộc lộ hết các triệu chứng.

Làm thế nào để hỗ trợ cho trẻ đặc biệt?

Những khiếm khuyết về mặt nhận thức, giao tiếp hay hành vi của trẻ đặc biệt chính là các chướng ngại khiến trẻ gặp khó khăn trong quá trình phát triển toàn diện. Hầu hết nhóm trẻ này đều cần đến sự hỗ trợ rất lớn từ gia đình, khó hòa nhập với xã hội, khó tìm kiếm được công việc phù hợp có thể nuôi sống bản thân đến khi trưởng thành.

Không có bất cứ biện pháp nào có thể điều trị hoàn toàn tình trạng ở trẻ đặc biệt, mọi hướng can thiệp hiện nay hầu hết chỉ nhằm giảm mức độ các triệu chứng, giúp trẻ thoải mái hơn trong cuộc sống, có thể tự chăm sóc bản thân cơ bản, có thể đến trường và tham gia vào các hoạt động xã hội khác. Để làm được điều này là cả một hành trình dài, cần có sự hỗ trợ từ bác sĩ, các chuyên gia, đặc biệt là gia đình.

Các biện pháp y tế

Thuốc hay phẫu thuật không phải là các biện pháp chủ đích đáp ứng được với trẻ đặc biệt, và cũng không có bất cứ loại thuốc nào dùng điều trị cho trẻ tự kỷ hay trẻ tăng động. Mặt khác nhóm trẻ này cũng có sự nhạy cảm nhất định, việc sử dụng thuốc hay bất cứ loại chất nào không phù hợp đều có thể gây ra rất nhiều tác động lớn để hệ thần kinh nên cần phải thực sự thận trọng.

Trẻ đặc biệt
Việc sử dụng thuốc cho trẻ đặc biệt cần phải có sự chỉ định từ bác sĩ chuyên môn

Hầu hết trẻ VIP thường được chỉ định các nhóm thuốc bổ não để tăng cường hoạt động cho hệ thần kinh trung ương giúp xoa dịu cảm xúc kích động, hỗ trợ quá trình ghi nhớ và học hỏi đạt kết quả tốt hơn. Một số nhóm thuốc khác như protriptyline, nortriptyline, amitriptyline, amoxapine, imipramine cũng có thể được chỉ định với những trẻ có hành vi rối loạn không phù hợp.

Bất cứ nhóm thuốc nào dùng trên trẻ đặc biệt cũng cần tham khảo ý kiến từ bác sĩ, dược sĩ, kể cả với các loại thuốc bổ để đảm bảo không gây ra bất cứ tác động bất thường nào. Thường việc dùng các loại thuốc tây y cho nhóm trẻ này cũng rất hạn chế.

Các biện pháp trị liệu

Mục tiêu chính của các biện pháp trị liệu cho trẻ đặc biệt chính là điều chỉnh các hành vi, ngôn ngữ hay nhận thức của trẻ theo hướng đúng đắn, phù hợp hơn, từ đó giúp trẻ dần hòa nhập với xã hội. Áp dụng các biện pháp trị liệu  mang đến nhiều tiên lượng khả quan trong quá trình phát triển của trẻ đặc biệt nên được các bác sĩ, chuyên gia khuyến khích thực hiện càng sớm càng tốt.

Một số phương pháp trị liệu cho trẻ đặc biệt đang được áp dụng nhiều hiện nay gồm

  • Phương pháp phân tích hành vi ứng dụng ABA (Applied Behavior Analysis): giúp thay đổi các hành vi của trẻ theo hướng tích cực, gia tăng nhận thức và các kỹ năng cần thiết trong cuộc sống, chẳng hạn kỹ năng tự phục vụ đồng thời loại bỏ các hành vi tiêu cực không phù hợp với cuộc sống.
  • Phương pháp TEACCH (Treatment and Education of Autistic and Related Communication Handicapped Children): hướng tới việc cải thiện ngôn ngữ và giao tiếp, từ đó giúp trẻ có thể hòa nhập và tự lập hơn
  • Phương pháp PECS (Picture Exchange Communication System): được thực hiện thông qua các công cụ trực quan bằng hình ảnh để kích thích khả năng giao tiếp tự nhiên, gia tăng nhận thức và sự hứng thú trong học tập cho trẻ đặc biệt.
  • Phương pháp FloorTime (DIR): hay còn gọi là phương pháp ngồi sàn bởi người hướng dẫn cần phải ngồi song song, giao tiếp bằng mắt trong quá trình giáo dục hay chơi cùng quan. Điều này sẽ kích thích sự giao tiếp bằng mắt, giúp trẻ chú ý hơn trong học tập và tăng cường các kỹ năng một cách có hiệu quả
  • Câu chuyện xã hội (Social Story): người hướng dẫn sẽ thông qua việc kể một câu chuyện ngắn, có kèm theo các hình ảnh minh họa trực quan để mô tả về một hành vi hay kỹ năng cụ thể, phương pháp này sẽ giúp trẻ đặc biệt có thể hình dung rõ ràng và thực hiện nó.
  • Liệu pháp tích hợp giác quan (Sensory integration therapy – SIT): được thực hiện thông qua việc đưa trẻ đặc biệt tham gia các hoạt động hay trò chơi, chẳng hạn vẽ trên cát hay nhảy dây nhằm giảm sự nhạy cảm quá mức của giác quan, nhờ đó điều chỉnh được các hành vi kích thích có hiệu quả hơn.
  • Liệu pháp nghề nghiệp (Occupational Therapy – OT): các chuyên gia sẽ tập trung xây dựng, hướng dẫn để trẻ đặc biệt có thể thực hiện nhuần nhuyễn các kỹ năng mềm cần thiết, vận động tinh để hỗ trợ cho việc độc lập, tự chăm sóc bản thân. Chẳng hạn như viết lách, dọn dẹp nhà cửa, nấu ăn hay thậm chí là kiểm soát tài chính.
  • Trị liệu tâm lý: liệu pháp tâm lý cũng được đánh giá cần thiết cho trẻ đặc biệt để bản thân con có thể tự ý thức nhìn nhận được các hành vi của mình là đúng đắn hay sai lầm. Tâm trí của nhóm trẻ này cũng thường rất kích động, dễ có các hành vi bốc đồng khó kiểm soát hay việc trẻ không thể kết bạn, gặp khó khăn khi kết bạn nên tâm lý cũng rất bức bối, khó chịu. Chăm sóc về mặt tâm lý có thể mang đến rất nhiều tích cực cho cảm xúc và hành vi của trẻ VIP.

Tất cả các phương pháp này đều được nghiên cứu và thực hiện một cách khoa học, đã được chứng minh và công nhận. Gia đình nên trực tiếp đưa trẻ đến các bệnh viện có chuyên khoa hay trung tâm về chăm sóc trẻ đặc biệt để được thực hiện các biện pháp này đúng cách, có hiệu quả nhất.

Giáo dục đặc biệt

Trẻ đặc biệt hầu như rất khó để theo kịp bạn bè nếu tham gia vào môi trường giáo dục truyền thống bình thường. Chưa kể một số trẻ còn phải đối mặt với nguy cơ bị bắt nạt, cô lập do những khác biệt của mình. Do thiếu hụt về mặt nhận thức nên đa phần nhóm trẻ này cũng gặp khó khăn tự bảo vệ bản thân, do đó các chuyên gia khuyến khích nên cho trẻ tham gia vào môi trường giáo dục đặc biệt.

Trẻ đặc biệt
Giáo dục đặc biệt giúp gia tăng kỹ năng, hành vi, giao tiếp phù hợp cho trẻ

Thường 1 trẻ sẽ được học trực tiếp với 1 giáo viên thay vì các lớp học tập trung như bình thường bởi mỗi trẻ đặc biệt lại có mức độ nhận thức khác nhau. Giáo án trong giáo dục đặc biệt được xây dựng dựa trên chính năng lực và sự phát triển ban đầu của trẻ, được điều chỉnh linh hoạt theo từng giai đoạn nhằm đảm bảo con có thể tiếp thu và học hỏi tốt nhất.

Bên cạnh đó các môi trường giáo dục đặc biệt còn xây dựng cho trẻ không gian vui chơi, các dụng cụ học tập phù hợp với đặc điểm tâm lý và nhận thức của con. Trẻ đặc biệt có cơ hội được kết bạn, được vui chơi, được rèn luyện kỹ năng giao tiếp và các kỹ năng mềm cần thiết khác để dần hòa nhập được với đời sống xã hội. Trẻ cũng hoàn toàn có cơ hội tham gia vào giáo dục truyền thống nếu đạt đủ điều kiện.

Chăm sóc và hỗ trợ tại nhà

Phụ huynh không thể phó mặc con cho nhà trường hay bác sĩ mà cần đồng hành cùng con trên suốt chặng đường phát triển. Các chuyên gia hay bác sĩ đều khẳng định vai trò quan trọng của gia đình trong quá trình nâng cao nhận thức, hành vi, ngôn ngữ hay cải thiện các kỹ năng thiếu hụt nói chung cho nhóm trẻ đặc biệt.

Gia đình nên trao đổi trực tiếp với bác sĩ, chuyên gia hay các giáo viên trong giáo dục đặc biệt để được hướng dẫn cách chăm sóc, giáo dục, trò chuyện với con tại nhà. Phụ huynh nên cố gắng dành nhiều thời gian tương tác với con, kiên nhẫn điều chỉnh các hành vi, kích thích các hoạt động giao tiếp cũng như hướng dẫn con các kỹ năng cơ bản để tự phục vụ cho chính bản thân.

  • Xây dựng kế hoạch sinh hoạt phù hợp, rõ ràng, đảm bảo để trẻ duy trì hằng ngày. Chẳng hạn ngủ đúng giờ, thức đúng giấc, luyện tập thể dục thể thao hằng ngày, học đúng thời điểm.. Việc thay đổi kế hoạch dù chỉ 1 ngày cũng khiến trẻ bị “quên”, không thể đi theo lộ trình đã được sắp xếp
  • Kiên nhẫn trong các hoạt động giáo dục con hằng ngày, phụ huynh cần chú ý luôn nói ngắn gọn, rành mạch, đúng chủ đề, thực hiện lặp đi lặp lại nhiều lần để đảm bảo trẻ có thể thực hiện đúng cách
  • Tạo ra các tình huống để kích thích trẻ đặc biệt chủ động giao tiếp, gia tăng các kỹ năng cần thiết
  • Quan sát để điều chỉnh lời nói hay hành vi của con một cách phù hợp với độ tuổi hay hoàn cảnh ngay lập tức
  • Bổ sung chế độ dinh dưỡng phù hợp, tăng cường rau xanh, trái cây, các thực phẩm lành mạnh, hạn chế tối đa các nhóm thực phẩm gây kích thích hay các nhóm thực phẩm nhiều dầu mỡ hay chất béo để tránh nguy cơ béo phì
  • Tạo điều kiện để con có thể vui chơi, sinh hoạt trong các môi trường bình thường, không nên ràng buộc conc chỉ ở trong nhà
  • Kết hợp với giáo viên và các chuyên gia để phát hiện sớm các năng lực tiềm ẩn của trẻ đặc biệt và phát triển các khả năng này
  • Tuyệt đối không nên la mắng, sử dụng bạo lực hay các cách hành vi phạt trẻ tiêu cực. Điều này có thể khiến trẻ đặc biệt căng thẳng, sợ hãi, lo lắng, dễ kích động và mất kiểm soát hành vi hơn
  • Không nên cho trẻ đặc biệt tiếp xúc quá nhiều với các thiết bị vô tuyến, đặc biệt là trẻ tự kỷ bởi có thể làm suy giảm hơn về nhận thức, ngôn ngữ và làm con khó tập trung vào cha mẹ
  • Luôn để trẻ trong tầm mắt, đảm bảo môi trường sinh hoạt hay vui chơi an toàn

Những lưu ý trong nguyên tắc can thiệp cho trẻ đặc biệt

Giáo dục và can thiệp hỗ trợ trẻ đặc biệt thực sự là một hành trình dài và không phải lúc nào cũng đem đến kết quả nhưng mong muốn bởi còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác nhau. Có những phương pháp trị liệu cho kết quả sớm nhưng sau đó chững lại; trong khi có những liệu pháp thời gian đầu áp dụng trẻ không có nhiều tiến triển nhưng sau đó lại thay đổi rất tích cực.

Trẻ đặc biệt
Giáo dục can thiệp trẻ đặc biệt để có hiệu quả cần phải phù hợp với năng lực, nhu cầu của con

Để quá trình can thiệp, giáo dục hay hỗ trợ trẻ đặc biệt đạt được hiệu quả tốt nhất, cần đảm bảo được những nguyên tắc sau

  • Nguyên tắc tiệm tiến: giáo dục can thiệp trẻ đặc biệt là một hành trình dài, thậm chí là cả đời, vì vậy không thể nhồi nhét cố gắng thực hiện quá nhiều mục tiêu trong một giai đoạn ngắn. Hãy bắt đầu với chương trình từ đơn giản đến phức tạp, chắc chắn ở từng giai đoạn trước khi nâng cấp, giải quyết trọn vẹn nhất từng mục tiêu.
  • Nguyên tắc nhất quán: cần phải đảm bảo được tính bền bỉ, kiên trì, thống nhất, kiên trì thực hiện từ đầu đến cuối trong mọi kế hoạch can thiệp đã đề ra. Việc thay đổi mục tiêu giữa chừng khi thấy chưa có hiệu quả khiến tất cả mọi thứ đều quay trở lại con số 0, trẻ phải thích nghi lại từ đầu sẽ rất tốn thời gian. Tuy nhiên, người hướng dẫn vẫn cần quan sát để linh hoạt thay đổi một số thói quen, khía cạnh để phù hợp với nhận thức, tình trạng, độ tuổi của con.
  • Nguyên tắc đảm bảo sự liên tục: Các kế hoạch can thiệp giáo dục cho trẻ đặc biệt cần đáp ứng duy trì hằng ngày, hằng giờ để tạo thành một thói quen tự nhiên cho trẻ đặc biệt, để con có thể chủ động thực hiện thay vì phải ép buộc hay nhắc nhở. Việc đột nhiên ngừng kế hoạch hay sai lộ trình dù chỉ 1- 2 ngày cũng hoàn toàn có thể khiến cho sự cố gắng trở thành công cốc.
  • Nguyên tắc đơn giản: Đây cũng là một nguyên tắc cực kỳ quan trọng khi can thiệp cho trẻ đặc biệt. Hãy tối giản mọi thứ từ lời nói, cách diễn đạt, cách hướng dẫn, ngôn từ để trẻ có thể tiếp thu tối đa. Càng dài dòng khoa trương, càng phức tạp hóa vấn đề thì càng khiến trẻ không có hứng thú, không thể ghi nhớ được điều gì. Thay vì dùng lời nói để diễn tả hãy dùng các dụng cụ trực quan như tranh ảnh để trẻ dễ hình dung hơn.

Các nghiên cứu khoa học hiện nay cũng đang không ngừng nỗ lực để tìm kiếm các phương pháp hỗ trợ tốt nhất cho trẻ đặc biệt với mục tiêu đem cải thiện tối đa những khiếm khuyết của trẻ. Gia đình có con là trẻ đặc biệt cũng không được từ bỏ hy vọng mà cần kiên trì nỗ lực hơn, kết hợp với bác sĩ và chuyên gia để mang đến cho con những điều tích cực nhất trong cuộc sống.

Có thể bạn quan tâm:

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Tham vấn tâm lý học đường và tầm quan trọng đối với học sinh

Tham vấn tâm lý học đường là một trong những vấn đề rất được quan tâm hiện nay để đảm bảo mỗi học sinh có...

Phương pháp can thiệp hành vi ABA và các bước thực hiện

Phương pháp can thiệp hành vi ABA là thường được áp dụng cho trẻ tự kỷ để có thể hiểu rõ hơn về hành vi...

Sự phát triển toàn diện của trẻ em
Sự phát triển toàn diện của trẻ em và những điều cần chuẩn bị

Bất kỳ bậc phụ huynh nào cũng mong muốn có thể nuôi dạy và chăm sóc con cái phát triển toàn diện về mọi khía...

phân biệt trẻ chậm nói tự kỷ và chậm nói đơn thuần
Cách phân biệt trẻ chậm nói tự kỷ và chậm nói đơn thuần

Biểu hiện chậm nói xuất hiện cả ở trẻ chậm nói đơn thuần và trẻ tự kỷ. Trong cả hai trường hợp, trẻ đều gặp...