Trẻ vào lớp 1 không tập trung: Nguyên nhân và cách khắc phục

Ắt hẳn không ít phụ huynh có con vào lớp 1 đã nghe cô giáo phản ánh rằng trẻ ngồi trong lớp không tập trung, thường xuyên lơ đãng, không nghe giảng và thích làm việc riêng trong giờ học. Tình trạng trẻ vào lớp 1 không tập trung không hề hiếm, thậm chí là thường xuyên xảy ra. Có rất nhiều nguyên nhân gây ra hiện tượng này, vì thế cha mẹ cần xác định đúng nguyên nhân để đưa ra hướng giải quyết hợp lý, tránh làm ảnh hưởng đến sức khỏe và kết quả học tập của trẻ.

Nguyên nhân trẻ vào lớp 1 không tập trung

Tiểu học là bước ngoặt đầu tiên và đóng vai trò vô cùng quan trọng trong sự phát triển của trẻ. Lúc này, trẻ bắt đầu tiếp thu kiến thức một cách có hệ thống, cũng như học cách sinh hoạt và học tập theo một thời khóa biểu nghiêm túc hơn so với lúc còn ở mẫu giáo. Trẻ không được chơi đùa nhiều và phải ngồi im trên lớp nghe giảng bài. Chính những thay đổi này đã ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý của trẻ, và có thể khiến trẻ vào lớp 1 không tập trung.

trẻ vào lớp 1 không tập trung
Chế độ sinh hoạt không điều độ, sự thay đổi môi trường đột ngột hay chứng tăng động giảm chú ý đều là nguyên nhân khiến trẻ khó tập trung.

Tuy nhiên, đây chỉ là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng này. Vấn đề trẻ không tập trung khi vào lớp 1 có thể hình thành từ nhiều nguyên nhân khác như chế độ dinh dưỡng không cân bằng, trẻ không có thời khóa biểu sinh hoạt hợp lý, hoặc do rối loạn phát triển thần kinh làm ảnh hưởng đến khả năng tập trung. Nếu cha mẹ thấy trẻ thiếu tập trung khi vào lớp 1, thì có lẽ trường hợp của trẻ nằm trong số những nguyên nhân dưới đây.

Sự thay đổi môi trường đột ngột

Khi còn học mẫu giáo, trẻ chủ yếu là nghỉ ngơi và có nhiều thời gian vui chơi để tiêu hao năng lượng. Nhưng khi lên lớp Một, môi trường học tập thay đổi, mục tiêu học tập cũng thay đổi dẫn đến việc khiến trẻ không kịp thích ứng. Trẻ đã quen với việc vui chơi cùng bạn bè, vì thế buộc trẻ ngồi im tập trung trong một tiết học kéo dài 45 phút là chuyện rất khó khăn.

Đây là nguyên nhân thường gặp nhất dẫn đến tình trạng trẻ mất tập trung trong giờ học, và là hiện tượng tâm lý bình thường trong quá trình trưởng thành. Sau một thời gian thích ứng thì tình trạng này sẽ biến mất, và trẻ có thể quay lại học tập bình thường mà không cần sự can thiệp của cha mẹ.

Trẻ học trước quá nhiều

Việc cho trẻ học chữ trước khi vào lớp 1 để không thua sút bạn bè đã là chuyện bình thường với những gia đình có con nhỏ. Tuy nhiên, bất cứ vấn đề gì cũng có hai mặt, và chuyện học trước kiến thức lớp 1 cũng tương tự. Mặt tốt của vấn đề này là trẻ đã biết được những kiến thức cơ bản, cô giáo không cần tốn quá nhiều thời gian cho trẻ tập làm quen lại từ đầu.

trẻ vào lớp 1 không tập trung
Học kiến thức lớp 1 từ sớm sẽ khiến trẻ chán và thiếu tập trung vì phải nghe những điều mình đã biết.

Tuy nhiên, tác hại của việc học trước là trẻ vào lớp 1 không tập trung trong giờ học vì cảm thấy nhàm chán. Những điều cô giáo nói trẻ đã biết từ lâu, do đó trẻ không có nhu cầu nghe lại lần nữa. Từ đó dẫn đến tình trạng trẻ thích làm việc riêng trong giờ học, thích nói chuyện và ngọ nguậy liên tục chứ không chịu ngồi yên.

Chế độ dinh dưỡng mất cân bằng

Chúng ta không thể phủ nhận rằng chế độ dinh dưỡng có ảnh hưởng rất lớn đến quá trình phát triển trí não của trẻ. Trẻ có chế đố ăn uống phù hợp và đủ chất sẽ phát triển khỏe mạnh, có khả năng ghi nhớ và tập trung tốt hơn. Nếu cơ thể có đủ chất dinh dưỡng để tăng cường chức năng hoạt động của não, kích thích thần kinh hoạt động thì trẻ có thể tránh được việc xao nhãng trong giờ học do mệt mỏi.

Cha mẹ cần cho trẻ ăn uống đúng giờ và bổ sung thực phẩm chứa nhiều chất dinh dưỡng tốt cho sự phát triển của não. Ngoài ra có thể bổ sung một số vitamin và khoáng chất cần thiết thông qua thực phẩm chức năng, thuốc uống nhưng cần sự tư vấn và cho phép của bác sĩ. Không được tự ý cho trẻ sử dụng mà không được sự cho phép cảu chuyên gia.

Thời khóa biểu sinh hoạt không hợp lý

Giờ giấc ăn ngủ không hợp lý cũng có thể ảnh hưởng đến khả năng chú ý của trẻ. Ví dụ đêm hôm trước trẻ ngủ không đủ giấc thì sáng hôm sau, trẻ sẽ cảm thấy mệt mỏi và không thể tập trung trong giờ học. Lúc này não trẻ chưa hoàn toàn tỉnh táo để hoạt động mà còn trong trạng thái nghỉ ngơi. Chính vì thế, xây dựng cho mẻ một thời khóa biểu ăn ngủ học chơi hợp lý, và khuyến khích trẻ tuân thủ là một điều vô cùng quan trọng.

trẻ vào lớp 1 không tập trung
Ăn ngủ hợp lý giúp não bộ hoạt động tốt hơn, giảm mệt mỏi và tăng khả năng tập trung chú ý trong quá trình học tập.

Ngoài ra việc xây dựng thời khóa biểu cũng giúp trẻ hình thành thói quen ăn ngủ và học tập đúng giờ. Trẻ sẽ quen với việc lúc nào cần thả lỏng để vui chơi và nghỉ ngơi, lúc nào cần tập trung học hành. Hành động này có thể kích thích khả năng làm việc của não, khiến não cũng hình thành thói quen suy nghĩ và tập trung vào những lúc cần thiết.

Sử dụng thiết bị thông minh

Sử dụng các thiết bị thông minh thường xuyên như smartphone, Ipad hay tivi không hề có lợi cho sự phát triển của trẻ mà còn làm hiện tượng thiếu tập trung trở nên nghiêm trọng hơn. Nguyên nhân là do sử dụng điện thoại liên tục, đặt biệt là vào buổi tối trước khi đi ngủ có thể phá vỡ nhịp sinh học của trẻ. Trẻ sẽ khó ngủ, ngủ không đủ giấc dẫn đến tình trạng mệt mỏi, đầu óc trì trệ không thể tập trung vào sáng hôm sau.

Ngoài ra những chương trình truyền hình, video clip thú vị chắc chắn thu hút trẻ hơn những giờ học nghiêm túc và có phần nhàm chán trên lớp. Nếu trẻ đặt quá nhiều sự quan tâm vào các hoạt động giải trí thay cho việc học, vấn đề trẻ vào lớp 1 không tập trung trong lớp sẽ tiếp tục diễn ra.

Hội chứng tăng động giảm chú ý

Ngoại trừ những nguyên nhân kể trên, một nguyên nhân nghiêm trọng hơn có thể dẫn đến việc trẻ mất tập trung là hội chứng ADHD, hay còn được gọi là hội chứng tăng động giảm chú ý ở trẻ. Đây là một hội chứng xảy ra do thần kinh não bị rối loạn, dẫn đến việc trẻ bị suy giảm khả năng tập trung, hiếu động, không thể ngồi yên, không nghe lời thầy cô, cáu gắt vô cớ và thường xuyên làm việc riêng trong giờ học.

trẻ vào lớp 1 không tập trung
Hội chứng tăng động giảm chú ý là một trong những nguyên nhân khiến trẻ lớp 1 không thể tập trung trong giờ học.

Phụ huynh cần phân biệt trẻ tăng động và hiếu động để đánh giá đúng tình hình của trẻ. Hiếu động chỉ là một cách để trẻ giải tỏa bớt năng lượng dư thừa. Do trẻ chưa quen với môi trường học tập nghiêm túc nên chưa thể tập trung tốt, sau một thời gian học tập thì các dấu hiệu hiếu động cùa trẻ sẽ giảm dần, trẻ sẽ tập trung tốt và ít xao nhãng, làm việc riêng trong giờ học hơn.

Tăng động giảm chú ý lại là vấn đề nghiêm trọng hơn. Cha mẹ nếu thấy con có nhiều dấu hiệu bất thường ngoài việc kém tập trung thì nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được tư vấn và can thiệp kịp thời. Trẻ tăng động giảm chú ý cần sự quan tâm đặc biệt và những phương pháp riêng để cải thiện khả năng tập trung.

Những biểu hiện không tập trung của trẻ khi vào lớp 1

Sự mất tập trung của trẻ biểu hiện rất rõ ràng trong quá trình học tập. Nếu cha mẹ không chú ý và không có biện pháp can thiệp kịp thời, trẻ có thể trở nên chán nản, không muốn cố gắng dẫn đến thành tích học tập bị giảm sút nghiêm trọng. Nếu thấy trẻ có những biểu hiện dưới đây, cha mẹ nên quan tâm nhiều hơn và có phương pháp giúp trẻ cải thiện tình trạng.

  • Trẻ không tập trung nghe thấy cô giảng bài
  • Trẻ thích làm việc riêng trong giờ học, thích quay sang nói chuyện với bạn bè.
  • Trẻ không thể ngồi yên trong thời gian quá lâu, luôn ngọ nguậy tay chân.
  • Trẻ không tập trung hoàn thành bài tập, không thể ngồi làm bài trong thời gian dài.
  • Trẻ bị thu hút bởi tiếng động lạ, tiếng nói và tiếng tivi.
  • Trẻ không chú ý nghe hướng dẫn, không quan tâm khi cha mẹ hướng dẫn làm bài.
  • Trẻ thường sai sót khi làm bài, liên tục lặp lại lỗi sai dù đã được nhắc nhở.
  • Trẻ từ chối ngồi vào bàn học, không muốn làm bài tập và luôn tìm cách trốn tránh.
  • Trẻ luôn lơ đãng, trí nhớ kém, thường xuyên quên làm bài, quên đồ vật trong lớp và quên lời dặn của thầy cô.
  • Trẻ thường xuyên dán mắt vào điện thoại và tivi, quên mất việc mình đang làm.
trẻ vào lớp 1 không tập trung
Các nhà khoa học đã nhiều lần cảnh báo về tác hại của việc cho trẻ tiếp xúc sớm với các thiết bị điện tử vì có thể gây tình trạng mất tập trung.

Tất cả những biểu hiện trên đều là dấu hiệu cho thấy trẻ đang gặp vấn đề về khả năng tập trung. Nếu tình trạng này chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, hoặc biến mất khi trẻ thay đổi thói quen sinh hoạt và được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng thì cha mẹ không cần phải lo lắng. Vấn đề mất tập trung xảy ra chỉ do trẻ chưa quen với nhịp sinh hoạt mới, và không có đủ năng lượng cho não bộ hoạt động.

Trường hợp đáng quan tâm hơn là việc trẻ có thể mắc hội chứng tăng động giảm chú ý. Biểu hiện của hội chứng này ngoài việc trẻ khó tập trung thì còn đi kèm nhiều biểu hiện khác như liên tục nghịch phá, không thể ngồi yên dù được yêu cầu, cáu gắt dễ nổi nóng, không thể hoàn thành những hoạt động có nhiều bước, chậm nói và rối loạn giấc ngủ.

Nếu những dấu hiệu này xuất hiện với tần suất dày đặc quá sáu tháng và không có dấu hiệu thuyên giảm, cha mẹ nên lập tức đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được tư vấn chính xác tình hình. Đây không đơn thuần là vấn đề kém tập trung mà trẻ đang có dấu hiệu của chứng tăng động giảm chú ý.

Cách khắc phục tình trạng không tập trung của trẻ

Tình trạng trẻ vào lớp 1 không tập trung có thể được giải quyết bằng nhiều cách. Đầu tiên cha mẹ nên thử thay đổi thói quen sinh hoạt của trẻ, giúp trẻ ăn ngủ đúng giờ, sinh hoạt điều độ để cơ thể có thời gian nghỉ ngơi và hoạt động hợp lý. Sau đó bổ sung nhiều chất dinh dưỡng, các vitamin và khoáng chất cần thiết cho quá trình phát triển của não. Những điều này có thẻ giúp cải thiện vấn đề mất tập trung ở trẻ.

Chế độ sinh hoạt và ăn uống hợp lý

Phụ huynh nên quy định thời gian ăn uống, ngủ nghỉ, học tập cho trẻ một cách chi tiết và lấy bản thân làm gương. Ví dụ lúc trẻ dậy sớm tập thể dục thì cha mẹ nên cùng trẻ tham gia để tập cho trẻ những thói quen lành mạnh. Việc cùng cha mẹ tham dự hoạt động cũng giúp trẻ có hứng thú và có ý thức hơn, từ đó xây dựng thói quen ăn ngủ hợp lý, giúp não có thời gian nghỉ ngơi và hoạt động tốt khi cần tập trung học hành.

trẻ vào lớp 1 không tập trung
Tập thể dục, sinh hoạt điều độ và ăn uống đủ chất để não có đủ chất dinh dưỡng phát triển, đủ có thời gian nghỉ ngơi để hoạt động tốt hơn.

Ngoài ra, chế độ ăn uống của trẻ cũng cần được cái thiện bằng những thực phẩm tốt cho não giàu omega3, protein, viatmin A, vitamin B, vitamin C, vitamin E và những chất khoáng cần thiết cho quá trình phát triển của não. Hạn chế nước có gas, bánh kẹo, đồ ngọt hay những thực phẩm có chứa chất phụ gia, thức ăn nhanh, chứa nhiều chất béo và đường hóa học. Tất cả đều không tốt cho sự phát triển của trẻ.

Chia nhỏ công việc để trẻ học làm quen

Nếu trẻ khó tập trung trong thời gian dài, cha mẹ nên chia nhỏ việc cần làm ra nhiều giai đoạn và quy định thời gian rõ ràng để trẻ thực hiện. Như vậy khả năng tập trung của trẻ có thể cải thiện dần theo thời gian.

Ban đầu, những nhiệm vụ đặt ra nên dễ làm và cần tập trung thực hiện trong thời gian ngắn từ 10-15 phút. Sau đó nhiệm vụ nên được tăng độ khó để dài hơn, phức tạp hơn cũng như cần thời gian tập trung lâu hơn từ 15-25 phút. Hãy gia tăng độ khó hợp lý để trẻ không cảm thấy chán nản, và thường xuyên động viên trẻ hoàn thành công việc.

Thông qua hoạt động này, trẻ có thể cải thiện khả năng tập trung, biết cách tổ chức và sắp xếp thời gian hợp lý để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Nếu thấy trẻ làm tốt cha mẹ nên động viên và khen ngợi trẻ, đồng thời gợi ý cho trẻ những cách làm nhanh và hiệu quả hơn. Sau đó, cha ẹm nên để trẻ thử và mài mò nhiều cách giải quyết mới để phát triển tư duy và sự tập trung.

Khuyến khích trẻ chơi trò chơi rèn luyện trí não

Những trò chơi rèn luyện trí não, yêu cầu khả năng tập trung cao độ là một trong những cách hay và hiệu quả để hạn chế xao nhãng, cải thiện tình trạng mất tập trung ở trẻ. Những trò chơi phù hợp cho trẻ bao gồm tưởng tượng và vẽ hình, ghi nhớ chi tiết và mô tả lại, xếp hình, giải đố, lắp ghép mô hình, giải toán,…

trẻ vào lớp 1 không tập trung
Ghép hình vừa là một trò chơi, vừa là một hoạt động học tập về tư duy logic rất hợp trẻ để phát triển trí não và sự tập trung.

Ví dụ bố mẹ hãy dạy cho trẻ một số hình thù đơn giản như tròn, vuông, tam giác và hướng dẫn trẻ nhắm mắt, tưởng tượng hình ảnh trong đầu. Sau đó, phụ huynh có thể yêu cầu trẻ vẽ lại, hoặc tìm kiếm những đồ vật xung quanh có hình dáng tương tự để kích thích sự tập trung, khả năng quan sát và tưởng tượng của trẻ.

Hoặc cha mẹ có thể đưa cho trẻ một bức tranh để trẻ quan sát, sau đó giấu đi và bảo trẻ mô tả lại những gì trẻ nhớ về bức tranh vừa nhìn. Những bức tranh ban đầu nên có ít chi tiết, màu sắc tươi sáng và hình thù rõ ràng. Sau khi trẻ quen dần và mô tả chính xác hơn, cha mẹ có thể dùng những bức tranh có hình thù và màu sắc phức tạp hơn để tăng khả năng tập trung và rèn luyện trí nhớ của trẻ.

Những trò chơi như ghép hình hay lego cũng có tác dụng tương tự trong việc giúp trẻ tăng khả năng tập trung. Trẻ phải chú ý quan sát để tìm kiếm những mảnh ghép hình hay những mảnh lego phù hợp để ghép vào đúng vị trí. Hai trò chơi này yêu cầu óc tưởng tượng, khả năng quan sát và tập trung cao độ nên đem đến nhiều hiệu quả tích cực cho sự phát triển não bộ và trí nhớ của trẻ.

Ngoài ra, việc học toán tư duy, chơi tìm số, nhớ số, học toán qua hình ảnh trực quan,… cũng có thể giúp trẻ rèn tính tập trung và tư duy nhanh nhẹn. Sự kết hợp hợp lý giữa học và chơi luôn đem đến kết quả tốt, kích thích khả năng học hỏi và tư duy logic cho trẻ trong độ tuổi mẫu giáo và cấp 1.

Cho trẻ tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa

Những hoạt động ngoại khóa như bơi lội, vẽ tranh, học nhạc cụ, học múa,… ngoài tác dụng bồi dưỡng hứng thú và kích thích tài năng thiên bẩm cho trẻ thì còn có thể hỗ trợ cải thiện sự tập trung. Tất cả những hoạt động kể trên đều yều sự cố gắng và tập trung cao độ trong quá trình học tập và thực hành.

Ví dụ trẻ muốn bơi được cần chú ý nghe hướng dẫn của giáo viên, học cách thở, cách nổi trên nước và cách sử dụng tay chân để đẩy người về phía trước,… Tương tự, trẻ học vẽ tranh hay âm nhạc đều cần khả năng tập trung tốt để tưởng tượng hình ảnh, pha màu, chia bố cục, vẽ nét, ghi nhớ bản nhạc, nhớ vị trí nốt trên nhạc cụ,…

trẻ vào lớp 1 không tập trung
Vẽ tranh là một hoạt động đơn giản, thú vị và có thể kích thích sự sáng tạo cùng khả năng tập trung cao độ của trẻ.

Ngoài ra khi tham gia hoạt động ngoại khóa trẻ có thể gặp nhiều bạn bè, có cơ hội kết bạn và cùng nhau học tập, chơi đùa. Trẻ có thể tập trung tốt hơn vào một việc khi có bạn bè xung quanh cùng nhau thực hiện, vì hoạt động này mang đến cho trẻ niềm vui chứ không phải sự căng thẳng hay áp lực như khi học ở trường. Nhờ đó trẻ sẽ dần dần làm quen và tập trung tốt hơn trong bất cứ hoạt động nào về sau.

Qua bài viết trên, các bậc phụ huynh cũng nên nhìn nhận vấn đề trẻ vào lớp 1 không tập trung không phải là vấn đề quá nghiêm trọng. Cha mẹ không cần hốt hoảng hay tạo áp lực cho trẻ, mà có thể áp dụng những phương pháp trong bài để giúp trẻ cải thiện tình trạng. Nếu dùng nhiều cách mà việc xao nhãng, không tập trung của trẻ không có dấu hiệu cải thiện thì hãy đưa trẻ đến gặp bác sĩ để đánh giá đúng tình trạng, cũng như có phương pháp can thiệp phù hợp hơn.

Có lẽ bạn quan tâm:

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Những khó khăn của trẻ tự kỷ trong sinh hoạt & biện pháp hỗ trợ

Phần lớn trẻ tự kỷ được can thiệp sớm, toàn diện và nhận được sự hỗ trợ tích cực từ gia đình đều có tiên...

Top 10 Trò chơi vận động cho trẻ mầm non giúp phát triển toàn diện

Tổ chức trò chơi vận động cho trẻ mầm non là hoạt động có ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển toàn diện....

Áp dụng Phương pháp TEACCH trong dạy và chăm sóc trẻ tự kỷ

Phương pháp TEACCH được phát triển dựa trên bằng chứng cho rằng người tự kỷ có xu hướng học tập bằng thị giác. Phương pháp...

Khi nào nên cho trẻ đi khám chậm nói
Khi nào nên cho trẻ đi khám chậm nói? Khám ở đâu tốt?

Khi nào nên cho trẻ đi khám chậm nói là băn khoăn của nhiều phụ huynh khi thấy con mãi chưa có dấu hiệu bập...