Hội chứng ADHD – Tăng động giảm chú ý ở trẻ và hướng can thiệp

Tăng động giảm chú ý ở trẻ là rối loạn thần kinh khá phổ biến, đặc trưng bởi hành vi hiếu động quá mức, giảm khả năng chú ý, bốc đồng và thiếu kiềm chế. Rối loạn này không quá nghiêm trọng nhưng vẫn cần chẩn đoán và can thiệp sớm. Ngoài sử dụng thuốc và các liệu pháp chuyên sâu, cách giáo dục từ gia đình là một phần quan trọng trong kế hoạch điều trị.

Hội chứng ADHD – Tăng động giảm chú ý ở trẻ là gì?

Hội chứng ADHD (Attention Deficit/ Hyperactivity Disorder- ADHD) hay còn được biết đến với tên gọi là tăng động giảm chú ý hay rối loạn tăng động giảm chú ý. Thuật ngữ này đề cập một dạng rối loạn sinh học thần kinh với biểu hiện đặc trưng là tăng hoạt động, hiếu động quá mức, giảm sự tập trung, chú ý và thiếu kiềm chế, hấp tấp.

Hội chứng ADHD là rối loạn khá phổ biến ở trẻ nhỏ (đặc biệt là trong giai đoạn từ 3 – 11 tuổi). Tỷ lệ mắc hội chứng này là 7.2% và nguy cơ cao hơn ở trẻ nam (gấp 2 – 3 lần so với trẻ nữ). Tăng động giảm chú ý ở trẻ không chỉ ảnh hưởng đến học tập, các hoạt động thường ngày mà còn làm phiền đến những người xung quanh.

tang dong giam chu y o tre 3 tuoi
Hội chứng ADHD – Tăng động giảm chú ý là rối loạn thần kinh khá phổ biến ở trẻ từ 3 – 11 tuổi

Nếu không được điều trị, hội chứng này sẽ làm cản trở quá trình phát triển của trẻ, ảnh hưởng đến chỉ số thông minh và khiến trẻ thiếu hụt các kỹ năng xã hội.

Tương tự như rối loạn phổ tự kỷ, hội chứng ADHD có biểu hiện đa dạng và mức độ rất khác nhau ở từng trường hợp. Dựa vào biểu hiện lâm sàng, hội chứng này được chia thành 3 thể bệnh:

  • Rối loạn tăng động (biểu hiện xung động, tăng động nổi nội)
  • Rối loạn giảm chú ý (tình trạng kém tập trung, giảm chú ý nổi bật hơn)
  • Rối loạn tăng động giảm chú ý (kết hợp cả tăng động và giảm chú ý)

Hội chứng ADHD là rối loạn thần kinh nên đôi khi không khởi phát đơn độc. Theo thống kê, hội chứng này thường đi kèm với nhiều rối loạn khác như rối loạn học tập, rối loạn hành vi, rối loạn thách thức chống đối, rối loạn TIC, rối loạn ám ảnh cưỡng chế,…

Các triệu chứng tăng động giảm chú ý ở trẻ khởi phát từ rất sớm. Gia đình nên chú ý đến những dấu hiệu bất thường để kịp thời cho trẻ thăm khám. Hiện nay, điều trị hội chứng ADHD còn một số khó khăn và hạn chế. Song đa phần các trường hợp can thiệp sớm, tích cực và toàn diện đều có tiên lượng tốt.

Dấu hiệu nhận biết rối loạn tăng động giảm chú ý ở trẻ

Trẻ ở giai đoạn 3 – 11 tuổi thường có biểu hiện hiếu động, thích chạy nhảy, tìm tòi, không thể ngồi yên và dễ lơ đễnh khi học tập. Đây hoàn toàn là những phản ứng tự nhiên, phù hợp với mốc phát triển của trẻ.

Ngược lại, trẻ bị tăng động giảm chú ý sẽ có dấu hiệu bất thường về hành vi và gặp nhiều vấn đề trong học tập, sinh hoạt thường ngày. Nếu không chú ý, gia đình có thể nhầm lẫn hội chứng ADHD với tính hiếu động thông thường của trẻ nhỏ.

Triệu chứng rối loạn tăng động giảm chú ý có sự khác biệt ở từng trẻ cả về biểu hiện và mức độ. Tuy nhiên nhìn chung, hội chứng này sẽ có các triệu chứng điển hình như sau:

1. Nghịch ngợm, hiếu động quá mức

Tăng động được hiểu là tăng hoạt động với biểu hiện hiếu động và nghịch ngợm quá mức. Thực tế, trẻ dưới 10 tuổi thường sẽ thích chạy nhảy, khó ngồi yên và gần như không thể giữ trật tự. Tuy nhiên nếu mắc hội chứng ADHD, các hành vi hiếu động sẽ có cường độ cao và xảy ra với tần suất thường xuyên hơn.

tang dong giam chu y o tre 1 tuoi
Hội chứng ADHD ở trẻ đặc trưng bởi hành vi hiếu động quá mức, nghịch ngợm, không thể ngồi yên

Biểu hiện nghịch ngợm, hiếu động quá mức thường gặp ở trẻ bị tăng động giảm chú ý:

  • Thường xuyên chạy nhảy, di chuyển không ngừng. Cơ thể trẻ hoạt động liên tục như gắn “động cơ” và trẻ ít khi cảm thấy mệt mỏi.
  • Gần như không thể ngồi yên trong thời gian dài. Dường như trẻ chỉ có thể ngồi yên trong vòng vài phút, sau đó liên tục ngọ nguậy, nghịch ngợm và phá phách những người xung quanh.
  • Trẻ không thể ngồi yên 1 vị trí ngay cả khi được yêu cầu (trong lớp học, ăn uống, dự lễ nhà thờ)
  • Luôn từ chối hoặc miễn cưỡng tham gia các trò chơi đòi hỏi phải kiên nhẫn, suy nghĩ nhiều.
  • Tay chân của trẻ cử động liên tục, gần như không thể giữ yên.
  • Ở thanh thiếu niên, trẻ có thể ngồi yên khi được yêu cầu nhưng tinh thần không thoải mái, luôn có cảm giác bồn chồn, khó chịu.

2. Hành vi, suy nghĩ bốc đồng

Ngoài tăng động, hội chứng ADHD ở trẻ còn biểu hiện bởi sự bốc đồng trong suy nghĩ và hành vi. Trẻ rất hấp tấp và gần như không suy nghĩ trong mọi tình huống, tính tình nóng nảy, thiếu kiềm chế.

Các biểu hiện bốc đồng trong hành vi, suy nghĩ thường thấy ở trẻ bị tăng động giảm chú ý:

  • Thường xuyên buột miệng trả lời trước khi người khác hoàn tất câu hỏi.
  • Hay xen ngang câu chuyện của người khác, có thói quen ngắt lời và nói rất nhiều, mặc cho người khác có quan tâm hay không.
  • Thiếu kiên nhẫn khi chờ đợi, khi phải chờ đến lượt trẻ thường sẽ có cảm giác bực tức và khó chịu.
  • Vô cớ cáu gắt, dễ nổi nóng và tức giận. Đôi khi trẻ có hành vi bạo lực, la hét, tự đập đầu, cào cấu,… để thể hiện sự giận dữ và không hài lòng.

3. Giảm chú ý, kém tập trung

Giảm tập trung và chú ý kém là biểu hiện điển hình của tăng động giảm chú ý ở trẻ. Thực tế, trẻ nhỏ không có được sự tập trung như người trưởng thành. Do bản tính tò mò và dễ xao động, trẻ rất khó tập trung khi học tập, hay xao nhãng khi nghe thấy âm thanh, tiếng động.

tang dong giam chu y o tre 6 tuoi
Trẻ bị rối loạn tăng động giảm chú ý có khả năng tập trung rất kém và dễ bị xao động bởi những kích thích bên ngoài

Ở trẻ mắc hội chứng ADHD, kém tập trung sẽ có những biểu hiện như sau:

  • Khả năng tập trung, chú ý vô cùng kém. Trẻ rất dễ bỏ sót lời dặn của thầy cô và bố mẹ dẫn đến việc hay mắc lỗi, sai phạm, thực hiện nhiệm vụ không đúng yêu cầu.
  • Khi nói chuyện trực tiếp với người khác, trẻ gần như không tập trung và chú ý. Điều này gây ra cảm giác khó chịu cho người đối diện, trẻ không nghe rõ và dễ bỏ qua những chi tiết trong cuộc đối thoại.
  • Do thiếu tập trung nên trẻ thường hay quên, dễ thất lạc đồ đạc, thường xuyên mất đồ dùng học tập như sách, vở, bút, viết, thước, chìa khóa,…
  • Trẻ dễ bị phân tâm bởi những kích thích bên ngoài như ánh nắng mặt trời, tiếng gió, tiếng người đi qua,…
  • Không thích thực hiện các nhiệm vụ, yêu cầu đòi hỏi sự tập trung như làm bài tập, học thuộc bài hoặc các công việc nhà đòi hỏi sự kiên nhẫn.
  • Thậm chí trẻ có thể bỏ sót các công việc hằng ngày như rửa mặt, rửa tay, đánh răng,…
  • Thường xuyên quên làm bài tập, không nhớ lời dặn của bố mẹ, thầy cô,… là những biểu hiện thường thấy ở trẻ bị rối loạn tăng động giảm chú ý.
  • Ngay cả khi được hướng dẫn cụ thể và chi tiết, trẻ gần như không thể hoàn thành đúng như yêu cầu. Một phần vì trẻ không tập trung nên bỏ sót các chi tiết nhỏ, phần vì thiếu kiên nhẫn, trẻ có xu hướng thực hiện nhanh chóng để hoàn thành yêu cầu được giao.
  • Gặp khó khăn trong việc tổ chức, lên kế hoạch, trẻ gần như không biết quản lý thời gian và khó có thể duy trì lối sống nề nếp.

4. Các biểu hiện đi kèm

Ngoài những biểu hiện kể trên, hội chứng ADHD ở trẻ còn đi kèm với một số triệu chứng khác như:

  • Các vấn đề ngôn ngữ như trẻ chậm nói, khả năng diễn đạt kém, không hiểu hết lời nói của bản thân và người khác. Một số trẻ có biểu hiện nói ngọng, ngữ pháp lộn xộn.
  • Có xu hướng bị rối loạn giấc ngủ như trằn trọc, dễ thức giấc giữa đêm, mộng mị, mất ngủ, khó ngủ,…
  • Nhạy cảm với âm thanh và ánh sáng.

Thực tế, nhiều trẻ có thể gặp phải một vài biểu hiện tăng động, giảm chú ý. Tuy nhiên, nếu chỉ xảy ra trong thời gian ngắn và không gây ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống, đó chỉ là biểu hiện sinh lý không đáng lo ngại.

Hội chứng ADHD phải xảy ra trong ít nhất 6 tháng, xuất hiện trước năm 12 tuổi và diễn ra ở đầy đủ các môi trường từ nhà ở, nơi công cộng, trường học,… Các biểu hiện tăng động, giảm chú ý và bốc đồng, thiếu kiềm chế phải có mức độ đủ nghiêm trọng làm cản trở và gây khó khăn với các khía cạnh của cuộc sống (học tập, sinh hoạt, các mối quan hệ).

Nguyên nhân gây ra hội chứng ADHD

Tương tự như các rối loạn thần kinh khác, nguyên nhân gây tăng động giảm chú ý ở trẻ chưa được xác định. Trong những năm gần đây, tỷ lệ mắc bệnh có xu hướng gia tăng. Trải qua nhiều nghiên cứu, các chuyên gia phát hiện thêm việc tiếp xúc với thiết bị điện tử góp phần gia tăng nguy cơ mắc chứng bệnh này.

hội chứng adhd ở trẻ em
Tiếp xúc thiết bị điện tử sớm và thường xuyên là yếu tố gia tăng hội chứng ADHD ở trẻ em

Dù chưa thể tìm ra nguyên nhân cụ thể nhưng đã có nhiều yếu tố được xác định liên quan đến hội chứng ADHD. Dưới đây là những yếu tố có thể gây ra tăng động giảm chú ý ở trẻ:

  • Di truyền: Hội chứng ADHD có xu hướng di truyền và nguy cơ tăng lên đáng kể với những gia đình có người thân mắc hội chứng này. Gen sẽ quy định cấu trúc, cách thức hoạt động của não bộ và hệ thần kinh trung ương. Do đó, nhiều khả năng trẻ bị tăng động giảm chú ý là do di truyền từ người thân trong gia đình.
  • Các vấn đề sức khỏe trong thai kỳ: Bệnh lý của mẹ trong thời gian mang thai có thể làm gián đoạn quá trình phát triển não bộ của trẻ. Khi chào đời, trẻ sẽ dễ mắc phải các rối loạn thần kinh, bao gồm hội chứng ADHD.
  • Tổn thương não sau sinh: Rối loạn tăng động giảm chú ý ở trẻ có thể bắt nguồn từ biến chứng sinh non, các bệnh lý và tổn thương não sau sinh. Các vấn đề sức khỏe này có thể ảnh hưởng đến cách thức hoạt động của não bộ, gia tăng tính kích thích của hệ thần kinh trung ương.
  • Tiếp xúc thường xuyên với thiết bị điện tử: Các chuyên gia nhận thấy, cho trẻ tiếp xúc quá sớm và thường xuyên thiết bị điện tử làm gia tăng tăng kích thích. Do đó, trẻ thường có biểu hiện tăng động, dễ nổi nóng, bốc đồng và thiếu kiềm chế.
  • Môi trường không thuận lợi: Nguy cơ bị rối loạn tăng động giảm chú ý có thể gia tăng nếu môi trường sống không thuận lợi. Trẻ sống trong môi trường ồn ào, chật chội, bạo lực, ô nhiễm, gia đình không hạnh phúc, thường xuyên căng thẳng,… sẽ có nguy cơ cao mắc hội chứng này.

Hội chứng ADHD thường gặp ở bé trai hơn so với bé gái. Về bản chất, bé trai sẽ có tính hiếu động, thiếu kiềm chế và khó kiên nhẫn hơn so với bé gái. Nếu môi trường sống không thuận lợi và tiền sử gia đình mắc bệnh, nhiều khả năng trẻ sẽ phát triển rối loạn tăng động giảm chú ý.

Rối loạn tăng động giảm chú ý có nguy hiểm không?

Rối loạn tăng động giảm chú ý không được quan tâm nhiều vì các bậc phụ huynh cho rằng bệnh lý này không quá nghiêm trọng. Về bản chất, hội chứng ADHD không gây ra nhiều rào cản như tự kỷ hay chậm phát triển trí tuệ. Tuy nhiên, nếu không được thăm khám và điều trị sớm, bản thân trẻ sẽ phải đối mặt với nhiều ảnh hưởng về sức khỏe và chất lượng cuộc sống giảm sút.

Ảnh hưởng của hội chứng ADHD chủ yếu do các hành vi tăng động, giảm chú ý, tính cách thiếu kiềm chế và bốc đồng gây ra. Vì thế, gia đình có thể giúp trẻ điều chỉnh hành vi để hạn chế những ảnh hưởng và nâng cao chất lượng cuộc sống.

hội chứng adhd ở trẻ em
Kết quả học tập của trẻ có thể sa sút theo thời gian nếu không can thiệp điều trị hội chứng ADHD

Có thể khẳng định rối loạn tăng động giảm chú ý không nguy hiểm. Tuy nhiên, nếu không được điều trị, hội chứng này sẽ gây ra những ảnh hưởng như sau:

  • Kết quả học tập kém, ngày một sa sút do thiếu tập trung, thường xuyên không làm bài tập và khó khăn trong việc lên kế hoạch.
  • Tính cách hiếu động quá mức khiến trẻ làm phiền đến những người xung quanh. Thường xuyên bị thầy cô nhắc nhở, trách phạt, bạn bè trêu chọc và tẩy chay.
  • Trẻ bị hội chứng ADHD không tập trung khi giao tiếp, thiếu sự tinh tế và kiên nhẫn nên rất khó kết bạn. Trẻ cũng gặp vấn đề trong việc duy trì các mối quan hệ lâu dài.
  • Tính hấp tấp, thiếu kiềm chế cũng khiến trẻ dễ rơi vào những tình huống không mong muốn như mâu thuẫn với bạn học, dễ té ngã, tai nạn khi tham gia giao thông,…
  • Những khó khăn, trở ngại trong cuộc sống khiến trẻ dễ căng thẳng, lo âu, cảm thấy tự ti về bản thân. Một số trường hợp trẻ có xu hướng cô lập, chống đối và nghiêm trọng hơn là trầm cảm.
  • Hội chứng ADHD không được điều trị sẽ gia tăng nguy cơ lạm dụng rượu bia, sử dụng chất kích thích, tham gia cờ bạc, đua xe, trộm cắp,… ở giai đoạn vị thành niên và trưởng thành.

Trẻ bị rối loạn tăng động giảm chú ý thiếu đi những tố chất quan trọng để thành công như kiên nhẫn, tập trung, thấu đáo, nhạy bén,… nên sẽ gặp nhiều khó khăn khi trưởng thành. Sự nghiệp thường không thuận lợi, công việc bấp bênh và phải đối mặt với thất nghiệp do thường xuyên sai sót trong công việc.

Hội chứng ADHD làm “bỏ lỡ” giai đoạn vàng trong quá trình phát triển. Do đó, hội chứng này có thể giảm trí thông minh, khiến trẻ thiếu hụt kỹ năng xã hội và kiến thức trầm trọng.

Nếu không được can thiệp từ sớm, tăng động giảm chú ý ở trẻ có thể ảnh hưởng đến quá trình phát triển nhân cách. Các chuyên gia nhận thấy, hội chứng này gia tăng nguy cơ phát triển rối loạn nhân cách chống đối xã hội, rối loạn nhân cách ranh giới,…

Chẩn đoán rối loạn tăng động giảm chú ý ở trẻ

Rối loạn tăng động giảm chú ý ở trẻ là rối loạn sinh học thần kinh. Do đó, không có bất cứ xét nghiệm nào có thể chẩn đoán rối loạn này. Chẩn đoán hội chứng ADHD chủ yếu dựa vào biểu hiện lâm sàng, sau đó sử dụng tiêu chuẩn trong DSM-5 để đưa ra chẩn đoán cuối cùng.

Tuy nhiên, một số xét nghiệm vẫn được thực hiện để sàng lọc các yếu tố nguy cơ và loại trừ những khả năng có thể xảy ra. Các xét nghiệm được cân nhắc bao gồm xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu, MRI, CT sọ não, đo điện não độ,…

Bác sĩ cũng sẽ yêu cầu gia đình cho trẻ thực hiện các bảng đánh giá sự phát triển, đánh giá giáo dục và tâm lý để có đủ dữ liệu đưa ra chẩn đoán. Nhìn chung, quy trình chẩn đoán rối loạn tăng động giảm chú ý sẽ phụ thuộc vào từng trường hợp cụ thể.

Hướng can thiệp cho trẻ bị rối loạn tăng động giảm chú ý

Môi trường học tập thông thường sẽ khiến cho các triệu chứng tăng động giảm chú ý trở nên nghiêm trọng hơn. Đây là lý do cần phải phát hiện sớm để trẻ được chẩn đoán và can thiệp kịp thời.

Thông thường, trẻ sẽ được ưu tiên can thiệp bằng liệu pháp tâm lý, hành vi. Ngoài các phương pháp chuyên sâu, sự hỗ trợ của gia đình và môi trường giáo dục thuận lợi cũng giúp ích trong việc cải thiện các rối loạn. Trường hợp nặng sẽ được cân nhắc dùng thuốc để giảm các triệu chứng tăng động, hung tính, lo âu và trầm cảm đi kèm.

1. Can thiệp hóa dược

Sử dụng thuốc không phải là lựa chọn ưu tiên khi can thiệp rối loạn tăng động giảm chú ý ở trẻ. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, thuốc có thể được sử dụng để giảm các hành vi kích động, hiếu động quá mức, cải thiện rối loạn cảm xúc và hành vi gây hấn, hung tính ở trẻ.

hội chứng adhd ở trẻ em
Dùng thuốc có thể làm giảm các hành vi tăng động, hung tính, cảm xúc thất thương ở trẻ bị tăng động giảm chú ý

Loại thuốc được sử dụng phụ thuộc vào độ tuổi và tình trạng cụ thể của từng trẻ. Dưới đây là một số loại thuốc được dùng phổ biến trong can thiệp hội chứng ADHD:

  • Dextroamphetamine: Dextroamphetamine được sử dụng để điều trị chứng ngủ rũ và tăng động giảm chú ý. Loại thuốc này có thể dùng cho trẻ trên 3 tuổi nhằm tăng khả năng chú ý, tập trung, giảm sự bồn chồn và hiếu động quá mức.
  • Methylphenidate: Loại thuốc này được dùng cho trẻ từ 6 tuổi trở lên. Thuốc có tác dụng làm giảm các hành vi hiếu động quá mức, kiểm soát các xung động, qua đó có thể cải thiện các hành vi hấp tấp và thiếu kiềm chế. Thuốc được sử dụng phổ biến vì mang lại hiệu quả cao và không gây nghiện.
  • Thuốc chống trầm cảm: Thuốc chống trầm cảm 3 vòng, chất ức chế tái hấp thu serotonin (SSRIs) thường được sử dụng để làm giảm tình trạng buồn phiền, trầm cảm ở trẻ bị tăng động giảm chú ý. Nhóm thuốc này là lựa chọn thứ 2 sau các loại thuốc hướng thần như Methylphenidate, Dextroamphetamine.
  • Thuốc đồng vận chọn lọc alpha2 adrenergic (Clonidine): Clonidine là lựa chọn thứ 3 sau thuốc hướng thần và thuốc chống trầm cảm. Loại thuốc này có tác dụng giảm hành vi gây hấn, đặc biệt là trong trường hợp tăng động đi kèm với hội chứng Tourette và rối loạn TIC.

Sử dụng thuốc mang lại nhiều ích lợi đối với chứng hội chứng ADHD. Tuy nhiên, thuốc sẽ gây ra khá nhiều tác dụng phụ. Khi dùng thuốc cho trẻ, phụ huynh cần phải trao đổi kỹ với bác sĩ để có kinh nghiệm xử lý các tác dụng không mong muốn.

2. Liệu pháp tâm lý

Liệu pháp tâm lý là một trong những hướng can thiệp chính đối với rối loạn tăng động giảm chú ý ở trẻ. Liệu pháp này được áp dụng xuyên suốt trong quá trình điều trị. Mục tiêu của tâm lý trị liệu là giúp trẻ giải tỏa căng thẳng và các cảm xúc tiêu cực. Học cách giữ bình tĩnh, rèn luyện tính kiên nhẫn và nhường nhịn khi xếp hàng, vui chơi cùng bạn bè,…

hội chứng adhd ở trẻ em
Tâm lý trị liệu là một phần quan trọng trong can thiệp hội chứng ADHD ở trẻ em

Trong quá trình trị liệu, chuyên gia sẽ hướng dẫn gia đình cho trẻ tham gia các hoạt động thể thao như đá bóng, đá cầu, bơi lội,… để giải phóng năng lượng dư thừa. Như vậy, vừa giúp giải tỏa cảm xúc tiêu cực vừa giúp trẻ phát triển thể chất và giảm các hành vi hiếu động quá mức.

3. Liệu pháp hành vi

Vấn đề lớn nhất mà trẻ rối loạn tăng động giảm chú ý phải đối mặt chính là hành vi tăng động, bốc đồng và hấp tấp. Do đó, liệu pháp hành vi được xem là phương pháp quan trọng trong kế hoạch can thiệp hội chứng ADHD.

Giáo dục hành vi nên được thực hiện ở cả trường học và ở nhà. Đây cũng là lý do nên cho trẻ theo học tại các trung tâm giáo dục chuyên biệt. Sự hỗ trợ của các chuyên gia và giáo viên đặc biệt sẽ giúp trẻ cải thiện hành vi, rèn luyện tính kiên nhẫn, tăng sự tập trung và khả năng học tập.

Liệu pháp hành vi được xem là giải pháp vàng đối với hội chứng ADHD ở cả trẻ em và người lớn. Nếu can thiệp sớm, những hành vi bất thường sẽ nhanh chóng được cải thiện. Trẻ được trang bị thêm những hành vi, kỹ năng cần thiết để phục vụ cho học tập và cuộc sống.

4. Cách giáo dục của gia đình

Ngoài thời gian trị liệu ở trung tâm, trẻ bị rối loạn tăng động giảm chú ý cần nhận được sự hỗ trợ của gia đình. Khách quan mà nói, cách giáo dục của bố mẹ đóng góp phần lớn vào việc cải thiện hành vi tăng động, bốc đồng và giảm chú ý.

hội chứng adhd ở trẻ em
Sự quan tâm từ gia đình sẽ giúp trẻ thay đổi hành vi tiêu cực, rèn luyện tính kiên nhẫn và gia tăng khả năng tập trung

Với sự khéo léo và nhẫn nại, bố mẹ sẽ nhận thấy trẻ có những cải thiện rõ rệt chỉ trong một thời gian ngắn. Dưới đây là một số hướng dẫn giúp cho việc giáo dục trẻ tăng động giảm chú ý trở nên đơn giản hơn:

  • Bản thân trẻ tăng động giảm chú ý không ghi nhớ tốt các chi tiết. Vì vậy, bố mẹ nên sử dụng những câu nói ngắn gọn, ý nghĩa rõ ràng để trẻ nắm rõ nhiệm vụ cần phải thực hiện.
  • Để hạn chế tình trạng trẻ quên mất các nhiệm vụ, nên hỗ trợ trẻ lập danh sách những việc cần phải thực hiện. Thông qua bảng danh sách này, trẻ sẽ hoàn thành những nhiệm vụ được giao và hạn chế tình trạng quên, sai sót.
  • Bản thân trẻ tăng động giảm chú ý luôn có tâm lý tự ti vì thường xuyên bị thầy cô nhắc nhở và kết quả học tập sa sút. Gia đình nên gia tăng lòng tự trọng của trẻ bằng cách giao việc cho con. Có thể bắt đầu từ những nhiệm vụ đơn giản, không đòi hỏi khả năng ghi nhớ và tính kiên nhẫn.
  • Xây dựng thói quen là điều quan trọng trong giáo dục trẻ tăng động giảm chú ý. Gia đình nên cố định giờ học, giờ vui chơi, ăn uống, xem TV, giờ ngủ và giờ thức dậy để giúp trẻ xây dựng lối sống nề nếp. Khi đã hình thành thói quen, trẻ sẽ hạn chế được tình trạng quên những hoạt động thường ngày.
  • Tuyệt đối không la mắng, đánh trẻ, ngoài ra không nên có những lời nói trách móc hay chế giễu trẻ. Bố mẹ và người thân trong gia đình nên bày tỏ sự cảm thông để trẻ cảm thấy được an ủi.
  • Cho trẻ thấy rằng, gia đình là điểm tựa vững chắc, sẵn sàng ở bên cạnh chia sẻ và giúp đỡ trẻ khi gặp khó khăn. Điểm tựa tinh thần sẽ giúp trẻ tự tin hơn, tránh tâm lý tự ti, thất vọng về bản thân, lo âu và trầm cảm.
  • Gia đình cũng nên tìm hiểu về thế mạnh và khuyến khích trẻ phát huy. Có thể kết quả học tập chưa tốt nhưng thế mạnh về thể thao, hội họa, kỹ năng vi tính,… sẽ giúp con gia tăng sự tự tin và lòng tự trọng.
  • Khi trò chuyện với trẻ, nên nói từ tốn và yêu cầu trẻ chú ý một cách nhẹ nhàng. Việc này cần được thực hiện thường xuyên trong một thời gian dài để giúp trẻ giữ sự tập trung khi đối thoại với người khác.
  • Hạn chế cho trẻ chơi các game, xem chương trình bạo lực. Khuyến khích trẻ chơi các bộ môn đòi hỏi tư duy và sự kiên nhẫn.
  • Cho trẻ tập thể dục, vui chơi lành mạnh mỗi ngày để giải phóng năng lượng dư thừa.
  • Nhắc nhở trẻ nội quy và những nguyên tắc khi đến trường học, nơi công cộng.
  • Nếu trẻ không chú ý, bố mẹ nên nói dứt khoát để trẻ lắng nghe mệnh lệnh và nên có phần thưởng khi trẻ hoàn thành nhiệm vụ được giao (món đồ chơi/ món ăn mà trẻ thích).
  • Khi trẻ mắc lỗi, không nên đánh mắng hay phản ứng gay gắt. Thay vào đó, nên giải thích để trẻ hiểu lỗi sai và biết cách kiểm soát hành vi. Nếu trẻ liên tục phạm lỗi, nên phạt trẻ bằng cách cắt giảm thời gian vui chơi, xem ti vi, yêu cầu trẻ phụ giúp việc nhà,…
  • Dành nhiều thời gian trò chuyện cùng trẻ để nuôi dưỡng tình cảm gia đình. Ngoài ra, thói quen này cũng giúp bố mẹ hiểu hơn về suy nghĩ, những khó khăn và trở ngại con đang phải đối mặt trong cuộc sống.
  • Khuyến khích con tham gia các hoạt động ngoại khóa, thường xuyên tổ chức các buổi dã ngoại, đi sở thú,… để con mở mang kiến thức và trang bị thêm nhiều kỹ năng sống. Các hoạt động này cũng giúp trẻ cải thiện khả năng giao tiếp, trở nên kiên nhẫn, giảm sự bốc đồng và hiếu động quá mức.

Trẻ tăng động giảm chú ý trông có vẻ ngỗ nghịch, ương bướng nhưng lại rất dễ tổn thương. Nếu không giáo dục đúng cách, trẻ sẽ dễ cảm thấy thất vọng về bản thân, tự ti, giảm lòng tự trọng và rơi vào trạng thái u uất, buồn rầu. Với sự nâng đỡ của gia đình, không chỉ những vấn đề về hành vi mà tâm lý của trẻ cũng được củng cố, gia tăng sự mạnh mẽ để vượt qua những khó khăn trong cuộc sống.

5. Hỗ trợ trẻ trong học tập

Tình trạng tăng động, giảm chú ý do hội chứng ADHD gây ra khiến trẻ gặp nhiều khó khăn trong học tập. Kết quả học tập vì thế ngày càng giảm sút, trẻ trở nên tự ti do thường xuyên bị thầy cô nhắc nhở và bạn bè trêu cười. Vì thế, gia đình cũng nên hỗ trợ trẻ trong vấn đề này để việc học đạt được kết quả tốt nhất.

Một số biện pháp gia đình nên thực hiện để hỗ trợ trẻ tăng động giảm chú ý học tập tốt hơn:

  • Tạo môi trường học tập lý tưởng cho bé, hạn chế những kích thích như điện thoại, TV, tiếng ồn, đồ chơi,…
  • Nên xây dựng thời gian biểu để trẻ tập thói quen ngồi vào bàn học mỗi ngày. Dần dần, trẻ có thể chủ động khi học tập mà còn phụ thuộc vào gia đình.
  • Trẻ rất dễ quên lời dặn của thầy cô. Bố mẹ nên nhắc trẻ từng nhiệm vụ nhỏ, sau khi trẻ hoàn thành mới giao nhiệm vụ mới. Như vậy, trẻ có thể hoàn thành bài tập được giao và hạn chế tối đa các sai sót.
  • Bố mẹ nên hỗ trợ trẻ trong suốt quá trình học tại nhà, bởi trẻ rất dễ xao nhãng và phân tâm. Khi nhận thấy con có thay đổi tích cực, nên khuyến khích để trẻ nỗ lực học tập tốt hơn. Trường hợp trẻ lúng túng, thường xuyên quên đề bài,… hãy nhẫn nại hỗ trợ con. Tuyệt đối không trách mắng và chỉ trích, so sánh trẻ với bạn bè đồng trang lứa.
  • Trẻ rất dễ chán nản và bỏ ngang khi đang hoàn thành bài tập. Bố mẹ nên đưa ra mục tiêu cụ thể để trẻ cố gắng, chẳng hạn như khi con hoàn thành xong bài tập sẽ được xem TV hoặc ăn bánh.
  • Để tránh cảm giác khó chịu, không nên ép buộc trẻ học quá lâu. Có thể tăng dần thời lượng theo thời gian để trẻ dễ dàng thích nghi và không cảm thấy ám ảnh về việc học.
  • Với những bài tập khó, bố mẹ nên cùng tìm hiểu để hướng dẫn trẻ cách giải. Khi nhìn thấy sự nỗ lực của bố mẹ, trẻ cũng sẽ ý thức hơn về trách nhiệm của mình.
  • Giữ liên lạc thường xuyên với giáo viên để nắm bắt kết quả học tập của trẻ. Trường hợp trẻ học ở môi trường bình thường, nên nhờ sự hỗ trợ của giáo viên để giúp trẻ dễ dàng hơn trong học tập và hòa nhập.

Tăng động giảm chú ý ở trẻ là rối loạn khá phổ biến hiện nay. Cuộc sống bận rộn, cha mẹ ít quan tâm và thường xuyên tiếp xúc với thiết bị điện tử là những nguyên nhân khiến cho tỷ lệ mắc bệnh gia tăng. Các bậc phụ huynh nên trang bị kiến thức về hội chứng ADHD để có thể phát hiện và cho trẻ can thiệp kịp thời.

Tham khảo thêm:

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bạo lực học đường là vấn đề nhức nhối của xã hội, đang liên tục xảy ra từng ngày
Bạo lực học đường là gì? Biểu hiện và thực trạng đáng báo động

Bạo lực học đường là vấn đề có thể xảy ra đối với bất kỳ ai, bao gồm cả giáo viên và học sinh, những...

Ở người trầm cảm cười, sự bất ổn được khéo léo che giấu bằng nụ cười
Hội chứng Trầm cảm cười: Biểu hiện và biện pháp khắc phục

Trầm cảm cười là một dạng rối loạn cảm xúc, đặc trưng với nụ cười lạc quan và thái độ tích cực bên ngoài nhưng...

Trầm cảm kháng trị là một rối loạn sức khỏe tâm thần nghiêm trọng, phức tạp
Trầm cảm kháng trị là gì? Nguyên nhân và giải pháp

Trầm cảm kháng trị là một trong những rối loạn trầm cảm chính, xảy ra rất phổ biến, có đến 30% người mắc trầm cảm...

Rối loạn ngôn ngữ ở trẻ
Rối loạn ngôn ngữ ở trẻ: Nguyên nhân, biểu hiện và can thiệp

Rối loạn ngôn ngữ ở trẻ khiến con gặp rất nhiều khó khăn trong diễn đạt, lời nói lộn xộn thiếu logic khiến những người...