Trầm cảm nội sinh là gì? Nguy hiểm không? Điều cần biết

Trầm cảm nội sinh nội sinh là một rối loạn trầm cảm nghiêm trọng, đặc trưng bởi cảm giác chán nản, buồn bã kéo dài xuất hiện đột ngột mà không có nguyên nhân rõ ràng. Thường xuất hiện mà không có sự hiện diện của các tác nhân gây trầm cảm phổ biến như áp lực, căng thẳng, mất mát người thân, sang chấn tâm lý…

Trầm cảm nội sinh (Endogenous Depression) là gì?

Trầm cảm nội sinh (Endogenous Depression) là một loại rối loạn trầm cảm không có nguyên nhân rõ ràng, liên quan đến các yếu tố sinh học bên trong cơ thể. Còn được gọi với tên gọi khác là trầm cảm có nguồn gốc sinh học.

Trầm cảm nội sinh là loại trầm cảm không liên quan đến các sự kiện hoặc yếu tố môi trường
Trầm cảm nội sinh là loại trầm cảm không liên quan đến các sự kiện hoặc yếu tố môi trường

Các thay đổi của cảm xúc ở người mắc trầm cảm không liên quan đến môi trường mà chủ yếu do di truyền và mất cân bằng chất dẫn truyền thần kinh. Không liên quan đến căng thẳng hoặc chấn thương hay những yếu tố xuất phát từ bên ngoài.

Ứng dụng của thuật ngữ trầm cảm nội sinh hiện nay

Trước đây, dựa theo tác nhân gây kích thích, trầm cảm được chia thành 2 loại chính là trầm cảm nội sinh và trầm cảm ngoại sinh. Trong đó, nội sinh nghĩa là “từ bên trong”, mô tả chứng trầm cảm có nguồn gốc sinh học. Ngoại sinh nghĩa là “từ bên ngoài”, mô tả chứng trầm cảm xuất phát từ nguyên nhân bên ngoài.

Tuy nhiên, hiện nay, đây là một thuật ngữ lỗi thời, không còn được sử dụng trong chẩn đoán trầm cảm. Theo Medical News Today, trầm cảm nội sinh là thuật ngữ cũ, không phải là chẩn đoán chính thức, không còn được dùng trong chẩn đoán trầm cảm.

Thay vào đó, các triệu chứng của trầm cảm nội sinh nằm trong chẩn đoán rối loạn trầm nặng (Major Depressive Disorder, MDD). MDD là rối loạn trầm cảm nghiêm trọng, gây ra cảm giác chán nản buồn bã kéo dài cùng với sự rút lui khỏi xã hội.

Hiện nay, việc chẩn đoán và điều trị trầm cảm được thực hiện mà không có sự phân biệt giữa các rối loạn do yếu tố bên ngoài hay bên trong gây ra. Các bác sĩ, chuyên gia tâm lý sẽ đưa ra chẩn đoán và phương pháp điều trị riêng dựa trên đặc điểm triệu chứng của từng người.

Sự khác biệt của trầm cảm nội sinh và trầm cảm ngoại sinh

Có sự khác biệt giữa trầm cảm nội sinh và trầm cảm ngoại sinh. Trong khi nguyên nhân gây trầm cảm ngoại sinh là các yếu tố bên ngoài như ly hôn, mất việc, mất người thân. Thì trầm cảm nội sinh lại dường như không có lý do rõ ràng.

Rất nhiều người không hiểu vì sao mình bị trầm cảm mặc dù cuộc sống của họ rất suôn sẻ, hạnh phúc. Tuy nhiên, thực tế, nguyên nhân của trầm cảm nội sinh được cho là do di truyền hoặc yếu tố sinh hóa.

Các triệu chứng của trầm cảm ngoại sinh gắn liền với các sự kiện bên ngoài và không phải lúc nào cũng có những triệu chứng về thể chất. Trong khi đó, triệu chứng của trầm cảm nội sinh xuất phát từ bên trong, thường liên quan đến triệu chứng thể chất.

→Xem thêm: Rối loạn trầm cảm dai dẳng là gì? Phương pháp điều trị

Nguyên nhân của trầm cảm nội sinh

Người mắc trầm cảm nội sinh thường rất khó hiểu về tình trạng trầm cảm của mình. Họ thường mô tả rằng bệnh xuất hiện một cách đột ngột và không có lý do. Thậm chí có những người có cuộc sống rất suôn sẻ, ổn định, chưa trải qua nhiều biến cố trong cuộc sống.

Trầm cảm nội sinh có thể do nhiều nguyên nhân gây ra
Trầm cảm nội sinh có thể do nhiều nguyên nhân gây ra

Thực tế thì trầm cảm nội sinh không có liên quan đến yếu tố môi trường hay chấn thương tâm lý. Nguyên nhân gây trầm cảm nội sinh chủ yếu đến từ các yếu tố bên trong như:

  • Di truyền: Nếu gia đình có người thân mắc trầm cảm hoặc các rối loạn tâm thần khác thì các con cái trong gia đình đó thuộc nhóm nguy cơ cao.
  • Bất thường não bộ: Các nghiên cứu chỉ ra rằng, người mắc trầm cảm có vùng thùy trán của não ít hoạt động. Đồng thời, có sự khác biệt trong cách tuyến yên và vùng dưới đồi phản ứng với hormone căng thẳng.
  • Suy giảm endorphin: Trầm cảm nội sinh có thể liên quan đến quá trình sản xuất endorphin, một loại peptide thần kinh chịu trách nhiệm cho cảm giải khoái cảm.
  • Một số bệnh lý mắc phải: Trầm cảm có thể liên quan đến một số vấn đề về sức khỏe thể chất lẫn tâm thần như béo phì, động kinh, đột quỵ, ung thư, rối loạn lo âu, tự kỷ, rối loạn tăng động giảm chú ý…

Triệu chứng của trầm cảm nội sinh

Đặc điểm của trầm cảm nội sinh là các triệu chứng buồn bã, chán nản kéo dài hàng tuần, hàng tháng. Các triệu chứng xuất hiện một cách đột ngột, không có dấu hiệu báo trước, không liên quan đến áp lực công việc, mất mát người thân. Ban đầu triệu chứng có thể nhẹ nhưng nhanh chóng trở nên tồi tệ.

Trầm cảm nội sinh thường khởi phát ở những người đầu 20 tuổi, tỷ lệ trầm cảm ở nữ giới cao gấp đôi nam giới. Các dấu hiệu nhận biết trầm cảm nội sinh bao gồm:

  • Tâm trạng buồn bã, chán nản kéo dài dai dẳng
  • Mất hứng thú với các hoạt động, kể cả hoạt động vui chơi, giải trí
  • Không có cảm giác vui vẻ, không cảm nhận được sự hài hước
  • Thiếu năng lượng, mệt mỏi, không có động lực để bắt đầu mọi việc
  • Cảm giác tội lỗi, tự dằn vặt vì những lỗi lầm nhỏ
  • Cảm giác vô dụng, thất bại, không có giá trị
  • Dễ kích động, hay cáu kỉnh, tức giận
  • Thay đổi khẩu vị, chán ăn hoặc ăn nhiều
  • Mất ngủ, khó ngủ hoặc ngủ nhiều
  • Có ý định tự tử…

Ảnh hưởng của trầm cảm nội sinh

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trầm cảm là nguyên nhân gây khuyết tật hàng đầu trên toàn thế giới. Trầm cảm nội sinh rất nghiêm trọng, ảnh hưởng nhiều đến kết quả học tập, làm việc và chất lượng cuộc sống của một người.

Các báo cáo cho thấy, người mắc loại trầm cảm này thường gặp nhiều vấn đề trong cuộc sống
Các báo cáo cho thấy, người mắc loại trầm cảm này thường gặp nhiều vấn đề trong cuộc sống

Các ảnh hưởng của trầm cảm nội sinh có thể kể đến như:

Gây kiệt quệ tinh thần

Người mắc trầm cảm thường có cảm giác chán nản, buồn bã kéo dài. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tâm thần. Nếu không được can thiệp, điều trị đúng cách, sẽ gây kiệt quệ tinh thần. Đồng thời, còn ảnh hưởng đến trí nhớ, khả năng học hỏi, khả năng suy nghĩ logic và khả năng đưa ra quyết định của một người.

Tác động tiêu cực đến giấc ngủ

Giấc ngủ có vai trò rất quan trọng đối với sức khỏe tinh thần và thể chất của một người. Trầm cảm ảnh hưởng tiêu cực đến giấc ngủ. Có thể gây mất ngủ hoặc ngủ quá nhiều. Mất ngủ dẫn đến căng thẳng thần kinh, mệt mỏi; ngủ nhiều khiến cơ thể uể oải, trì trệ thần kinh. Điều này khiến một người bị giảm chất lượng cuộc sống nghiêm trọng.

Làm suy giảm sức khỏe thể chất

Trầm cảm ngoại sinh không thường gây ra các triệu chứng thể chất. Tuy nhiên, trầm cảm nội sinh thì ngược lại, người mắc loại trầm cảm này sẽ thường gặp phải các triệu chứng như đau đầu, đau cơ, mệt mỏi mãn tính, rối loạn tiêu hóa.

Ảnh hưởng xấu đến các mối quan hệ

Người mắc trầm cảm luôn cảm thấy chán nản, buồn bã, cảm giác vô vọng, bi quan. Họ thiếu năng lượng, mất hứng thú trong các hoạt động từng yêu thích. Đồng thời, họ cũng mệt mỏi trong việc duy trì các mối quan hệ, có xu hướng tự thu mình, không tiếp xúc với ai. Điều này khiến họ trở nên u ám, ảnh hưởng đến các mối quan hệ xã hội và dễ bị cô lập.

Tăng nguy cơ tự tử

Cảm giác tuyệt vọng, bế tắc, không lối thoát khiến người mắc trầm cảm thấy ngột ngạt. Họ có xu hướng tự làm hại bản thân bằng cách cào cấu, giật tóc, đập đầu, tát chính mình, thậm chí rạch da để giải tỏa cảm xúc… Nghiêm trọng hơn, người trầm cảm nặng dễ có suy nghĩ hoặc thực hiện hành vi tự tử.

Chẩn đoán trầm cảm nội sinh

Hiện nay, trầm cảm nội sinh không còn là một chẩn đoán riêng biệt. Các triệu chứng trầm cảm nội sinh nằm trong rối loạn trầm cảm chính MDD. Việc chẩn đoán MDD dựa vào các tiêu chí được liệt kê trong Sổ tay Chẩn đoán và Thống kê các rối loạn tâm thần (DSM-5).

Việc chẩn đoán trầm cảm thường dựa trên triệu chứng lâm sàng kết hợp với tiêu chuẩn chẩn đoán theo DSM-5
Việc chẩn đoán trầm cảm thường dựa trên triệu chứng lâm sàng kết hợp với tiêu chuẩn chẩn đoán theo DSM-5

Trong sổ tay này, tiêu chí chính để chẩn đoán MDD là các triệu chứng chán nản, buồn bã, mất hứng thú với các hoạt động hàng ngày kéo dài gây suy giảm khả năng xã hội hoặc nghề nghiệp. Các chuyên gia có thể chẩn đoán trầm cảm nội sinh khi các triệu chứng của MDD xuất hiện mà không có lý do rõ ràng.

Để chẩn đoán trầm cảm, bác sĩ hoặc chuyên gia tâm lý có thể hỏi bạn một số câu hỏi như:

  • Bạn làm nghề gì?
  • Cảm xúc của bạn trong những ngày qua như thế nào?
  • Bạn có triệu chứng bất thường nào về mặt thể chất như đau đầu, đau cơ, mệt mỏi hay không?
  • Cuộc sống hàng ngày của bạn thế nào?
  • Có ai trong gia đình từng mắc trầm cảm hay rối loạn sức khỏe tâm thần không?
  • Chế độ ăn uống, lối sống, các mối quan hệ xã hội của bạn như thế nào?
  • Bạn có dùng thuốc hay chất gì không?

Hướng điều trị trầm cảm nội sinh

Trầm cảm nội sinh được điều trị bởi nhiều phương pháp khác nhau. Việc điều trị cần có sự kết hợp của nhiều yếu tố, bao gồm thuốc men, liệu pháp và sự nỗ lực của bản thân người mắc trầm cảm .

1. Điều trị bằng thuốc

SSRI là thuốc đầu tay được sử dụng trong điều trị trầm cảm. Đây là nhóm thuốc có tác dụng ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc, được đánh giá cao về hiệu quả, khả năng dung nạp tốt và ít gây ra tác dụng phụ.

Ngoài ra, trầm cảm nội sinh có thể được điều trị bằng các loại thuốc khác như:

  • Thuốc ức chế tái hấp thu serotonin và norepinephrine có chọn lọc (SNRI)
  • Thuốc chống trầm cảm ba vòng (TCA)
  • Thuốc ổn định tâm trạng
  • Thuốc chống loạn thần…

Việc sử dụng thuốc cần kiên trì và tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ. Thông thường, cần chờ từ 4 – 8 tuần để thuốc chống trầm cảm phát huy tác dụng. Cần hết sức thận trọng trong quá trình sử dụng, liên hệ với bác sĩ ngay nếu xảy ra vấn đề bất thường hoặc gặp phải tác dụng phụ nghiêm trọng.

2. Liệu pháp tâm lý

Liệu pháp tâm lý còn được gọi là tâm lý trị liệu, liệu pháp trò chuyện. Ở liệu pháp này, bác sĩ tâm lý hoặc chuyên gia tâm lý, nhà trị liệu sẽ tiến hành trò chuyện với người mắc trầm cảm. Thông qua các liệu pháp và kỹ thuật phù hợp, nhà trị liệu sẽ giúp cá nhân nhận diện vấn đề, thay đổi hành vi, nhận thức và có những tiến triển tích cực.

Tâm lý trị liệu có thể mang đến hiệu quả tích cực trong điều trị trầm cảm
Tâm lý trị liệu có thể mang đến hiệu quả tích cực trong điều trị trầm cảm

Các liệu pháp được sử dụng phổ biến trong điều trị bao gồm:

  • Liệu pháp nhận thức hành vi CBT: Là liệu pháp phổ biến nhất trong điều trị trầm cảm. Có tác dụng giúp cá nhân nhận diện được các mô hình suy nghĩ, hành vi, cảm xúc tiêu cực. Giúp người mắc trầm cảm thay đổi nhận thức theo hướng tích cực. Đồng thời học các kỹ năng đối phó với căng thẳng, giải tỏa cảm xúc.
  • Liệu pháp gia đình: Liệu pháp tập trung vào mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình, giúp họ hiểu và có kỹ thuật giúp đỡ phù hợp với người mắc trầm cảm. Thường được áp dụng với trường hợp người bị trầm cảm là trẻ em.
  • Liệu pháp tương tác cá nhân (IPT): Liệu pháp tập trung vào vai trò của các mối quan hệ cá nhân, giúp cá nhân giải quyết mâu thuẫn, học cách quản lý các yếu tố này để cải thiện triệu chứng trầm cảm.

3. Liệu pháp sốc điện ECT

Liệu pháp sốc điện ECT được cân nhắc thực hiện đối với trường hợp trầm cảm nặng có ý định tự tử. Liệu pháp sử dụng dòng điện nhỏ được kiểm soát để gây ra những cơn co giật ngắn ở não người.

ECT giúp mang đến những thay đổi về mặt hóa học trong não. Một nghiên cứu của Hiệp hội Nghiên cứu về ECT năm 2004 được Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia Mỹ tài trợ cho thấy, 75% người mắc trầm cảm nặng thuyên giảm hoàn toàn triệu chứng trầm cảm khi thực hiện ECT 7 lần trong 3 tuần.

4. Kỹ thuật kích thích từ xuyên sọ TMS

Kích thích từ trường xuyên sọ (TMS) là liệu pháp sử dụng từ trường để kích thích các nơron thần kinh trong não, thông qua thiết bị ngoại vi tạo ra một từ trường mạnh. Thiết bị sẽ tác động vào vùng não tương ứng, kích thích tế bào thần kinh và làm thay đổi chức năng điện thần kinh ở vùng não đó.

Kỹ thuật này được FDA (Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ) chấp thuận trong điều trị trầm cảm. Ngoài ra, phương pháp còn có tác dụng cải thiện chất lượng giấc ngủ, hiệu quả với người bị mất ngủ.

5. Thay đổi lối sống

Bên cạnh việc điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ, chuyên gia tâm lý, người mắc trầm cảm cũng cần nỗ lực thay đổi chính cuộc sống của bản thân. Việc thay đổi lối sống góp phần quan trọng trong quá trình điều trị trầm cảm.

Để hỗ trợ điều trị trầm cảm, bạn nên:

  • Thường xuyên vận động thể chất bằng cách đi bộ, bơi lội, đạp xe…
  • Thực hiện các kỹ thuật thư giãn như thiền chánh niệm, hít thở sâu, tập yoga
  • Dành thời gian cho sở thích cá nhân
  • Giữ liên hệ với bạn bè, người thân trong gia đình
  • Cố định thời gian đi ngủ và thức dậy mỗi ngày
  • Xây dựng chế độ ăn uống khoa học, lành mạnh
  • Ghi lại nhật ký tâm trạng để theo dõi cảm xúc của bản thân
  • Hạn chế sử dụng rượu bia, thuốc lá, chất kích thích…

Tiên lượng của trầm cảm nội sinh

Phần lớn người mắc trầm cảm nội sinh sau khi thăm khám, điều trị và tuân thủ đúng phác đồ điều trị cho biết, các triệu chứng trầm cảm của họ được cải thiện đáng kể. Các liệu pháp tâm lý thường cho hiệu quả tích cực, giải quyết được tận gốc vấn đề mà người trầm cảm gặp phải.

Trong khi đó, đối với những người dùng thuốc, các chuyển biến tích cực thường xuất hiện sau 4 – 8 tuần dùng thuốc. Sự kết hợp giữa liệu pháp tâm lý và việc điều trị bằng thuốc được cho là mang đến kết quả khả quan cho người mắc trầm cảm nội sinh.

Biện pháp phòng ngừa trầm cảm nội sinh

Không có biện pháp hiệu quả để phòng ngừa trầm cảm nội sinh. Lý do là nguyên nhân gây trầm cảm chủ yếu liên quan đến các yếu tố như di truyền, mất cân bằng chất dẫn truyền thần kinh… Tuy nhiên, có thể giảm thiểu nguy cơ mắc trầm cảm và phòng ngừa trầm cảm tái phát bằng cách:

  • Cân đối chế độ dinh dưỡng, ăn nhiều rau xanh, trái cây, thực phẩm giàu omega-3, uống đủ lượng nước cần thiết
  • Hạn chế sử dụng đồ ăn nhanh, thức ăn chế biến sẵn, thực phẩm chứa nhiều phụ gia, hóa chất
  • Thường xuyên tập thể dục thể thao, nên vận động đều đặn 30 phút mỗi ngày để tăng cường sức khỏe
  • Cân đối thời gian làm việc và nghỉ ngơi, thực hiện các kỹ thuật thư giãn khi cảm thấy căng thẳng
  • Ngủ đúng giờ, đủ giấc, đảm bảo chất lượng giấc ngủ để cải thiện sức khỏe tinh thần và thể chất
  • Tìm kiếm sự giúp đỡ hoặc chia sẻ với người thân, bạn bè khi bạn phải đối mặt với các khó khăn, thách thức
  • Duy trì sở thích cá nhân, dành thời gian chăm sóc bản thân, làm những điều mình thích để ngăn ngừa trầm cảm
  • Tìm kiếm sự giúp đỡ từ bác sĩ, chuyên gia tâm lý khi bạn có vấn đề bất ổn về tâm lý.

Trầm cảm nội sinh là loại trầm cảm xuất phát từ các nguyên nhân bên trong, không có liên quan đến môi trường hay các sự kiện bên ngoài cụ thể. Ngày nay, thuật ngữ này không còn được sử dụng phổ biến. Các nhà khoa học quan tâm hơn đến các triệu chứng trầm cảm thay vì phân loại theo nguyên nhân. Vì dù xuất phát từ nguyên nhân gì thì phương pháp điều trị chủ yếu vẫn là sử dụng thuốc, điều trị bằng liệu pháp hoặc kết hợp cả hai.

Có thể bạn quan tâm:

Nguồn tham khảo: 

  • Medical News Today: What to know about endogenous depression
  • Healthline: What is Endogenous Depression?
  • Verywell Health: What Does Endogenous Depression Mean

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Rối loạn giấc ngủ là tình trạng thời gian, chất lượng giấc ngủ của trẻ không đảm bảo
Rối loạn giấc ngủ ở trẻ em: Dấu hiệu và cách xử lý

Rối loạn giấc ngủ ở trẻ em xảy ra rất phổ biến, có đến 50% trẻ em trên thế giới gặp phải tình trạng này....

Rối loạn ngôn ngữ diễn đạt ở trẻ: Biểu hiện và cách khắc phục

Rối loạn ngôn ngữ diễn đạt ở trẻ tức là trẻ đang gặp khó khăn trong việc tiếp thu và diễn đạt ngôn ngữ. Tình...

Tăng động giảm chú ý chữa được không là thắc mắc chung của nhiều người
Tăng động giảm chú ý ở trẻ có chữa được không?

Rối loạn tăng động giảm chú ý chữa được không là thắc mắc của nhiều phụ huynh. Tình trạng này ảnh hưởng nhiều đến sự...

Rối loạn ám ảnh cưỡng chế ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống
Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD): Biểu hiện và cách khắc phục

Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) là một trong những rối loạn sức khỏe tâm thần mãn tính, thường gặp. Đặc trưng bởi sự...