Rối loạn trầm cảm dai dẳng là gì? Phương pháp điều trị
Rối loạn trầm cảm dai dẳng là một dạng trầm cảm phổ biến, có các triệu chứng ít nghiêm trọng hơn trầm cảm nặng nhưng kéo dài dai dẳng trong nhiều năm. Người mắc loại trầm cảm này có xu hướng tin rằng các biểu hiện trầm cảm là một phần tính cách và thường không phát hiện vấn đề mà bản thân gặp phải.
Rối loạn trầm cảm dai dẳng là gì?
Rối loạn trầm cảm dai dẳng (Persistent Depressive Disorder, PDD) là một rối loạn trầm cảm kéo dài với các triệu chứng trầm cảm ở mức độ nhẹ hoặc trung bình, nhưng dai dẳng không khỏi. Rối loạn trầm cảm dai dẳng đặc trưng bởi tình trạng buồn bã, chán nản xuất hiện thường trực, hầu hết cả ngày, kéo dài trong nhiều ngày, ít nhất 2 năm ở người lớn hoặc ít nhất 1 năm ở trẻ em và thanh thiếu niên.
PDD có thể xuất hiện từ giai đoạn sớm của cuộc đời, mức độ của các triệu chứng có thể tăng rồi giảm nhưng kéo dài dai dẳng và không biến mất hoàn toàn nếu không được điều trị. Theo Viện Nghiên cứu Sức khỏe Tâm thần Quốc gia (NIH), PDD là một chẩn đoán mới trong Sổ tay Chẩn đoán và Thống kê các rối loạn Tâm thần DSM-5, được sửa đổi và bổ sung vào năm 2013.
Rối loạn trầm cảm dai dẳng có thể xuất hiện từ thời thơ ấu. Người mắc PDD được nhận xét là có tính cách u ám, không thể vui vẻ, thích kêu ca phàn nàn. Những cảm xúc buồn bã, vô vọng, cảm thấy bản thân thất bại, vô dụng kéo dài nhiều năm, khiến nhiều người cho rằng đây là một phần tính cách của họ mà không phát hiện vấn đề bản thân gặp phải.
Sự khác biệt giữa trầm cảm và rối loạn trầm cảm dai dẳng
Rối loạn trầm cảm dai dẳng là một dạng trầm cảm. Tuy nhiên, trầm cảm được chia thành nhiều mức độ, trong đó, trầm cảm nặng là dạng trầm cảm nghiêm trọng nhất, ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống, công việc của cá nhân. Đặc biệt, trầm cảm nặng có thể gây ra nguy cơ tự sát nếu không được điều trị. Các triệu chứng của trầm cảm kéo dài ít nhất 2 tuần liên tục và thường lặp lại theo đợt.
Trong khi đó, trầm cảm dai dẳng có chỉ gây ra các triệu chứng ở mức độ nhẹ và trung bình. PDD ít nghiêm trọng hơn các loại rối loạn trầm cảm chính. Tuy nhiên, các triệu chứng của PDD lại kéo dài dai dẳng, ít nhất 2 năm ở người lớn và ít nhất một năm ở trẻ em và trẻ vị thành niên. Các triệu chứng của rối loạn trầm cảm dai dẳng xuất hiện liên tục trong hơn hai tháng liên tiếp.
Triệu chứng nhận biết rối loạn trầm cảm dai dẳng
Theo một kết quả nghiên cứu đăng trên Viện Nghiên cứu Sức khỏe Tâm Thần Quốc gia, có 1.5% người lớn ở Hoa Kỳ mắc rối loạn trầm cảm dai dẳng trong năm qua. Có 2.5% người lớn mắc trầm cảm dai dẳng ít nhất một lần trong một thời điểm nào đó của cuộc đời. Đồng thời, tỷ lệ mắc PDD ở phụ nữ cao gấp đôi nam giới.
Các triệu chứng của rối loạn trầm cảm dai dẳng bao gồm:
- Tâm trạng chán nản buồn bã hầu như cả ngày, liên tục trong ít nhất 2 năm
- Chán ăn, ăn uống không ngon miệng hoặc ăn quá nhiều
- Khó ngủ, trằn trọc không ngủ được hoặc ngủ nhiều hơn 10 tiếng/ngày
- Năng lượng thấp, không hứng thú với các hoạt động trong ngày
- Mệt mỏi, uể oải, hành động chậm chạp, thường trễ deadline, hiệu suất công việc thấp
- Chán nản, dễ cáu gắt, khó chịu, không hài lòng với cuộc sống
- Cảm giác tự tin, vô dụng, thất bại, cảm thấy bản thân tồi tệ, không có năng lực
- Khả năng ghi nhớ, tập trung kém, gặp khó khăn trong việc đưa ra quyết định
- Gặp nhiều rắc rối ở trường học hoặc nơi làm việc
- Cảm giác tuyệt vọng, không có động lực sống…
Nguyên nhân gây rối loạn trầm cảm dai dẳng
Đến nay, nguyên nhân gây rối loạn trầm cảm dai dẳng vẫn chưa được hiểu rõ. Có nhiều giả thuyết cho rằng, PDD là một vấn đề đa yếu tố, liên quan mật thiết đến yếu tố sinh học, tâm lý, xã hội và môi trường sống gây ra. Các nghiên cứu nhận thấy, có sự bất thường về serotonin, rối loạn nội tiết thần kinh và nhiều vấn đề khác ở người mắc rối loạn trầm cảm dai dẳng.
Các yếu tố có thể là nguyên nhân gây rối loạn trầm cảm dai dẳng:
1. Di truyền
Trầm cảm có liên quan mật thiết đến yếu tố di truyền. Nếu gia đình có người từng mắc trầm cảm hoặc các rối loạn sức khỏe tâm thần khác thì nguy cơ con cái của gia đình đó mắc PDD sẽ cao hơn. Các nghiên cứu cũng nhận thấy, có sự di truyền nhất định trong khả năng mắc các rối loạn trầm cảm, bao gồm cả rối loạn trầm cảm dai dẳng.
2. Bị ngược đãi thời thơ ấu
Người mắc PDD thường có trải nghiệm tuổi thơ bị ngược đãi. Đây là điểm chung trong báo cáo nghiên cứu về các bệnh nhân mắc PDD. Các vấn đề thường bao gồm:
- Lạm dụng thể xác
- Lạm dụng tình cảm
- Bỏ bê tình cảm
- Bị ngược đãi về tinh thần và thể chất…
3. Tính cách cá nhân
Một nghiên cứu về PDD cho thấy, người mắc trầm cảm không có khiếm khuyết trong việc giải mã cảm xúc của người khác. Tuy nhiên, họ lại gặp khó khăn trong việc kiểm soát các trạng thái cảm xúc tiêu cực. Về tính cách, họ thường là những người nhạy cảm, dễ đồng cảm với người khác, dễ choáng ngợp trước các tình huống cảm xúc. Sự đồng cảm về cảm giác đau khổ có tương quan với mức độ trầm cảm.
4. Mất cân bằng chất dẫn truyền thần kinh
Các nghiên cứu nhận thấy, có bất thường về serotonin ở người mắc PDD. Sự mất cân bằng của các chất dẫn truyền thần kinh như serotonin, norepinephrine, dopamine có thể dẫn đến trầm cảm kéo dài. Đây là các chất có vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh tâm trạng, cảm xúc của một cá nhân.
5. Rối loạn chức năng não
Chưa có nghiên cứu nào có thể kết luận chắc chắn vấn đề rối loạn sức khỏe tâm thần có liên quan đến bất thường cấu trúc não bộ hoặc chức năng mạng lưới thần kinh. Tuy nhiên, một số nghiên cứu nhận thấy, vỏ não trước trán, hạnh nhân, vành đai trước và vùng hồi hải mã được chứng minh là có liên quan đến PDD. Người mắc PDD có thể có các thay đổi trong hoạt động của não bộ, nhất là vùng não điều chỉnh cảm xúc và tâm trạng.
6. Áp lực, xung đột
Áp lực học tập, áp lực cuộc sống, sinh ra và lớn lên trong nghịch cảnh, môi trường sống không tốt, gia đình thường xuyên xung đột có thể là nguyên nhân gây rối loạn trầm cảm dai dẳng ở một người. PDD còn có thể liên quan đến việc không hòa hợp tính cách của các thành viên trong gia đình hoặc sự ảnh hưởng từ môi trường xung quanh.
7. Thiếu sự hỗ trợ xã hội
Việc trải qua các trải nghiệm tiêu cực như bị lạm dụng, mất người thân, thất nghiệm, ly hôn có thể là nguyên nhân làm khởi phát, khiến các triệu chứng trầm cảm kéo dài dai dẳng. Ngoài ra, trầm cảm còn liên quan đến việc thiếu sự hỗ trợ, thấu hiểu của bạn bè, gia đình, cộng đồng. Người mắc PDD từ thời thơ ấu dễ bị nhầm lẫn, cho rằng tính cách họ u ám, không hòa đồng, lạnh lùng nên dễ bị cô lập.
8. Lạm dụng chất kích thích
Việc lạm dụng các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá, ma túy khi căng thẳng, stress có thể góp phần vào sự phát triển của PDD. Rượu bia, chất kích thích làm tăng nguy cơ mắc rối loạn trầm cảm dai dẳng. Đồng thời, PDD cũng là nguyên nhân dẫn đến rối loạn sử dụng chất ở nhiều người.
9. Bệnh lý mãn tính
Việc mắc các bệnh lý mãn tính hoặc bệnh nghiêm trọng như tiểu đường, tim mạch, các vấn đề về sức khỏe thần kinh làm gia tăng nguy cơ mắc PDD. Ngoài ra, việc mắc PDD cũng làm ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần, làm trầm trọng các bệnh lý này hơn.
Yếu tố nguy cơ gây rối loạn trầm cảm dai dẳng
Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc rối loạn trầm cảm dai dẳng gồm:
- Áp lực cuộc sống
- Chấn thương
- Bệnh lý tâm thần trước đó
- Rối loạn thần kinh
- Mâu thuẫn, xung đột xã hội
- Sang chấn tâm lý do mất cha mẹ, trải qua sự kiện đau buồn
Rối loạn trầm cảm dai dẳng có nguy hiểm không?
Rối loạn trầm cảm dai dẳng có thể không gây ra các đợt trầm cảm nghiêm trọng như trầm cảm chính. Tuy nhiên, PDD lại ảnh hưởng nhiều đến các hoạt động xã hội và nghề nghiệp cá nhân. Mức độ ảnh hưởng của PDD có thể lớn hoặc nghiêm trọng hơn cả rối loạn trầm cảm dai dẳng.
Các tác hại của rối loạn trầm cảm dai dẳng có thể kể đến như:
- Tăng nguy cơ tự tử: Cảm giác chán nản, buồn bã liên tục, kéo dài khiến người mắc trầm cảm có suy nghĩ và hành vi tự tử cao. Người mắc PDD có nguy cơ tự tử cao hơn người không mắc PDD 7.195 lần. Người mắc PDD kèm rối loạn giấc ngủ có nguy cơ tự tử cao hơn người chỉ mắc PDD (không kèm theo rối loạn giấc ngủ) 1.174 lần.
- Nguy cơ mắc các rối loạn khác: Các nghiên cứu nhận thấy, người mắc rối loạn trầm cảm dai dẳng thường có nguy cơ mắc rối loạn sử dụng chất gây nghiện và rối loạn nhân cách cao.
- Tác động lâu dài đến cuộc sống: PDD gây ra các triệu chứng liên tục, kéo dài, khiến cá nhân cảm thấy mệt mỏi, buồn bã, nhận định sai lầm về tính cách, năng lực của bản thân, dễ gây ra xung đột xã hội, làm giảm hiệu suất công việc và gây mất động lực sống.
- Khó khăn trong nhận biết và điều trị: Rất nhiều người mắc PDD không biết mình gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần. Dẫn đến các triệu chứng kéo dài, phức tạp và gây khó khăn cho việc điều trị.
Chẩn đoán rối loạn trầm cảm dai dẳng
Hiện nay, chưa có nghiên cứu hình ảnh hay xét nghiệm nào có thể chẩn đoán rối loạn trầm cảm dai dẳng. Việc chẩn đoán chủ yếu dựa vào tiêu chuẩn DSM-5-TR, khám sức khỏe, khai thác tiền sử bệnh, tiền sử sử dụng thuốc và chẩn đoán phân biệt. PDD rất dễ bị bỏ qua, vì vậy, các bác sĩ cần hết sức thận trọng trong quá trình chẩn đoán.
Các phương pháp chẩn đoán rối loạn trầm cảm dai dẳng bao gồm:
Thu thập tiền sử, kiểm tra trạng thái tâm thần
Việc thu thập tiền sử, kiểm tra trạng thái tâm thần sẽ giúp bác sĩ có cái nhìn toàn diện về cá nhân. Mục tiêu là để loại trừ các tình trạng sức khỏe y tế khác và xác nhận chẩn đoán dựa vào DSM-5-TR. Các yếu tố cần thiết bảo gồm:
- Tiền sử bệnh hiện tại: Thu thập thông tin về triệu chứng như tâm trạng, năng lượng, giấc ngủ, sự tập trung, sự thèm ăn, khả năng đưa ra quyết định và sự tuyệt vọng.
- Tiền sử tâm thần: Các đợt hưng cảm, trầm cảm trước đây, có từng nhập viện, điều trị trầm cảm hay chưa, có ý định tự tử hay lên kế hoạch tự tử chưa? Có từng tự làm hại bản thân, có hành vi hung hăng hay chưa?
- Tiền sử sử dụng chất gây nghiện: Có sử dụng thuốc lá, rượu bia, chất gây nghiện như ma túy hay chưa? Mức độ sử dụng là bao nhiêu?
- Tiền sử bệnh lý: Có mắc bệnh dị ứng, đa xơ cứng, parkinson, suy giảm miễn dịch, tổn thương não, ngộ độc kim loại nặng hoặc bệnh rối loạn chuyển hóa trước đây không? Có bị khó ngủ, mất ngủ hay không?
- Các vấn đề khác: Tiền sử sử dụng thuốc, tiền sử gia đình, sở thích cá nhân, có chấn thương hay bị lạm dụng trong quá trình phát triển không?…
Ngoài ra, cá nhân sẽ được khám sức khỏe toàn diện gồm tim mạch, hô hấp, thần kinh. Kiểm tra tình trạng tâm thần với các nội dung như tốc độ lời nói, đánh giá ngoại hình (luộm thuộm hay không), đánh giá suy nghĩ (có ảo tưởng, ảo giác không), đánh giá ý định tự tử, nhận thức và khả năng phán đoán…
Tiêu chuẩn chẩn đoán theo DSM-5-TR
Theo Sổ tay Chẩn đoán và Thống kê các rối loạn Tâm thần DSM-5-TR tiêu chuẩn chẩn đoán rối loạn trầm cảm dai dẳng như sau:
- Có triệu chứng chán nản, buồn bã hầu như cả ngày, liên tục trong nhiều ngày, ít nhất 2 năm ở người lớn và 1 năm ở trẻ em và vị thành niên.
Có ít nhất 2 trong 6 triệu chứng sau:
- Mệt mỏi hoặc năng lượng thấp
- Khả năng ghi nhớ kém, kém tập trung hoặc khó đưa ra quyết định
- Luôn tự ti, xem nhẹ chính mình
- Chán ăn, không muốn ăn hoặc ăn quá nhiều
- Khó ngủ, mất ngủ hoặc ngủ quá nhiều
- Cảm giác tuyệt vọng, mất động lực sống.
Một người được chẩn đoán mắc rối loạn trầm cảm dai dẳng khi:
- Triệu chứng chính là tâm trạng chán nản kéo dài liên tục, lúc nào cũng xuất hiện suốt 2 năm liền
- Có 2 trong 6 triệu chứng bổ sung, các triệu chứng này kéo dài liên tục trong 2 tháng
- Chưa bao giờ có cơn hưng cảm hoặc hưng cảm nhẹ
- Các triệu chứng không liên quan đến bệnh lý hoặc các tác động sinh lý khác
- Các vấn đề này không phù hợp với tiêu chuẩn chẩn đoán tâm thần phân liệt hoặc các rối loạn tâm thần khác
- Các triệu chứng gây đau khổ, ảnh hưởng đến cuộc sống, nghề nghiệp của cá nhân.
Chẩn đoán phân biệt
Sổ tay Chẩn đoán và Thống kê các rối loạn Tâm thần DSM-5-TR, đưa ra chẩn đoán phân biệt cho PDD như sau:
- Rối loạn khí sắc chu kỳ: PDD nhưng có cơn hưng cảm nhẹ
- Rối loạn trầm cảm nặng: PDD có triệu chứng rối loạn trầm cảm nặng
- Rối loạn lưỡng cực I và lưỡng cực II: Có cơ hưng cảm hoặc hưng cảm nhẹ
- Rối loạn loạn thần: Triệu chứng trầm cảm chỉ xảy ra trong quá trình rối loạn loạn thần
- Rối loạn nhân cách: Chẩn đoán cho cả 2 khi PDD xảy ra đồng thời cùng rối loạn nhân cách
Phương pháp điều trị rối loạn trầm cảm dai dẳng
Điều trị rối loạn trầm cảm dai dẳng là một quá trình lâu dài. Các yếu tố có thể ảnh hưởng đến kết quả điều trị gồm sự tuyệt vọng của người mắc trầm cảm, sự chậm trễ trong chẩn đoán và thời gian điều trị không đủ. Việc điều trị dứt điểm PDD là tương đối khó khăn, hầu như mục tiêu điều trị được đưa ra chủ yếu là giảm thiểu triệu chứng, cải thiện chất lượng cuộc sống cho cá nhân.
Các phương pháp điều trị chính cho PDD thường là:
1. Tâm lý trị liệu
Các nghiên cứu về rối loạn trầm cảm dai dẳng cho thấy, việc trị liệu tâm lý trong thời gian dài cho hiệu quả tích cực đối với PDD. Hiệp hội bác sĩ Tâm thần trẻ em và vị thành niên Hoa Kỳ khuyến nghị việc sử dụng liệu pháp hành vi nhận thức (CBT) hoặc liệu pháp tương tác cá nhân (IPT) trong điều trị rối loạn trầm cảm dai dẳng.
Các liệu pháp này như sau:
- Liệu pháp nhận thức hành vi (CBT): Có tác dụng giúp cá nhân nhận diện những suy nghĩ, hành vi tiêu cực và thay đổi chúng. Đồng thời, cung cấp cho cá nhân các kỹ năng đối phó với cảm xúc tiêu cực.
- Liệu pháp tương tác cá nhân (IPT): Tập trung vào việc cải thiện các mối quan hệ và khả năng giao tiếp của cá nhân, giúp cá nhân giải quyết các mâu thuẫn, xung đột trong cuộc sống.
Ngoài ra, liệu pháp phân tâm học cũng được đề nghị áp dụng trong điều trị. Liệu pháp phù hợp đối với những người mắc PDD liên quan đến các trải nghiệm tiêu cực thời thơ ấu. Liệu pháp giúp nhận diện những cảm xúc tiêu cực trong tiềm thức có liên quan đến quá khứ, giúp cá nhân vượt qua chấn thương tâm lý, điều chỉnh nhận thức, hành vi theo hướng tích cực.
2. Sử dụng thuốc điều trị
Một số thuốc được chứng minh là có hiệu quả trong hỗ trợ cải thiện rối loạn trầm cảm dai dẳng. Các thuốc này có tác dụng phụ cao, có nhiều tranh cãi xoay quanh việc sử dụng thuốc chống trầm cảm có thể làm tăng nguy cơ tự tử. Thực tế, việc không điều trị trầm cảm được đánh giá là nguy hiểm hơn so với việc điều trị bằng thuốc.
Các thuốc điều trị trầm cảm thường được sử dụng:
- Thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (fluoxetine)
- Thuốc ức chế tái hấp thu serotonin – norepinephrine (venlafaxine)
- Thuốc cải thiện tâm trạng, chống trầm cảm mirtazapine, bupropion…
- Thuốc chống trầm cảm ba vòng, thuốc ức chế monoamine…
Việc sử dụng thuốc cần tuân theo chỉ định của bác sĩ. Theo National Library of Medicine, một số thuốc không được chấp thuận sử dụng tại Hoa Kỳ nên cần đặc biệt thận trọng đối với việc dùng thuốc.
3. Liệu pháp chuyên sâu
Rối loạn trầm cảm dai dẳng có thể được cân nhắc điều trị bằng các phương pháp khác như:
- Kích thích từ xuyên sọ (TMS): Sử dụng từ trường để kích thích vùng não liên quan đến cảm xúc và tâm trạng.
- Liệu pháp sốc điện (ECT): Sử dụng dòng điện kiểm soát để cải thiện chất dẫn truyền trung gian thần kinh, cải thiện triệu chứng trầm cảm.
Tuy nhiên, liệu pháp sốc điện ECT chỉ áp dụng với trường hợp trầm cảm nghiêm trọng, có suy nghĩ và hành vi tự tử hoặc không đáp ứng với các phương pháp điều trị khác.
4. Điều chỉnh lối sống
Để đối phó với trầm cảm dai dẳng, ngoài các phương pháp điều trị bằng thuốc, bằng liệu pháp, cá nhân người mắc trầm cảm cần có sự cố gắng và nỗ lực. Nên tích cực thay đổi cuộc sống của mình bằng cách:
- Tập thể dục đều đặn với các hoạt động như bơi lội, đi bộ, tập yoga để cải thiện tâm trạng
- Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng các nhóm dưỡng chất và đa dạng dinh dưỡng
- Ngủ đúng giờ, đủ giấc, đảm bảo ngủ 7 – 8 tiếng mỗi đêm, cố định thời gian đi ngủ và thức dậy
- Áp dụng các kỹ thuật đối phó với căng thẳng như kỹ thuật hít thở sâu, thiền chánh niệm…
Tiên lượng của rối loạn trầm cảm dai dẳng
Việc điều trị rối loạn trầm cảm dai dẳng là một quá trình cần có thời gian và có sự phối hợp của cá nhân. Ở nhiều người, các triệu chứng PDD có thể hoàn toàn biến mất sau quá trình điều trị. Trong khi đó, nếu không điều trị, PDD sẽ kéo dài dai dẳng, ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, chất lượng cuộc sống và làm gia tăng nguy cơ mắc trầm cảm nặng.
Các yếu tố cần lưu ý về tiên lượng của rối loạn trầm cảm dai dẳng gồm:
- Tính chất mãn tính, khó phát hiện và điều trị do triệu chứng kéo dài ít nhất 2 năm ở người lớn
- Phương pháp tâm lý trị liệu kết hợp với thuốc thường mang đến hiệu quả tốt cho việc điều trị
- Có nguy cơ tái phát khi gặp các điều kiện như căng thẳng, sự kiện tiêu cực
- Khả năng hồi phục hoàn toàn cao nếu được phát hiện, điều trị kịp thời, đúng cách và kiên trì, nỗ lực.
Biện pháp phòng ngừa rối loạn trầm cảm dai dẳng
Không có giải pháp phòng ngừa rối loạn trầm cảm dai dẳng. Các biện pháp chúng ta có thể làm để giảm nguy cơ mắc PDD bao gồm:
- Xây dựng lối sống lành mạnh với một chế độ ăn uống cân bằng và thường xuyên luyện tập thể dục thể thao
- Lên kế hoạch, cân đối thời gian làm việc và nghỉ ngơi, dành thời gian cho các sở thích, hoạt động giải trí cá nhân
- Thực hành các kỹ thuật thư giãn như hít thở sâu, tập yoga, thiền để đối phó với căng thẳng, stress
- Nâng cao hiểu biết của bản thân về trầm cảm, tham gia các khóa học phát triển kỹ năng đối phó với căng thẳng và quản lý cảm xúc
- Duy trì sự kết nối, liên hệ với bạn bè, người thân để được chia sẻ, hỗ trợ
- Theo dõi sức khỏe tâm thần, đặc biệt là khi gia đình có người mắc trầm cảm hoặc trải qua sang chấn tâm lý
- Hạn chế sử dụng rượu bia, chất kích thích vì chúng ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tâm thần.
Rối loạn trầm cảm dai dẳng là một vấn đề về sức khỏe tâm thần nghiêm trọng, dễ bị bỏ qua, bị xem là một phần của tính cách tâm lý. Nếu có các dấu hiệu nghi ngờ mắc trầm cảm, có cảm giác buồn bã, chán nản kéo dài, tốt nhất bạn nên tìm đến bác sĩ hoặc chuyên gia tâm lý để được tư vấn và hỗ trợ.
Có thể bạn quan tâm:
- Trầm cảm ẩn là gì? Dấu hiệu nhận biết và khắc phục
- Bài Test trầm cảm Beck (Beck Depression Inventory – BDI)
Nguồn tham khảo:
- National Institutes of Health (NIH): https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK541052/
- Harvard Health: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK541052/
- Cleveland Clinic: https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/9292-persistent-depressive-disorder-pdd
- Mayo Clinic: https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/persistent-depressive-disorder/symptoms-causes/syc-20350929
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!