Rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt (PMDD) và điều cần biết

Rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt được liệt kê trong Sổ tay chẩn đoán và thống kê các rối loạn tâm thần DSM-5. Đây là một dạng rối loạn trầm cảm liên quan mật thiết đến chu kỳ kinh nguyệt ở phụ nữ, có 5 – 8 % phụ nữ mắc rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt, dạng phức hợp các triệu chứng tiền kinh nguyệt nghiêm trọng nhất. 

Rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt (PMDD) là gì?

Rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt (Premenstrual dysphoric disorder, PMDD) là tập hợp các triệu chứng rối loạn về tâm trạng, hành vi và thể chất xảy ra trước khi hành kinh, gây ra những đau khổ nghiêm trọng và đáng kể cho phụ nữ. PMDD là một dạng nghiêm trọng của hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS). Có 20 – 50% phụ nữ mắc PMS, trong đó, có 5 – 8% phụ nữ mắc thể nặng của PMS là rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt.

Rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt là một vấn đề nghiêm trọng xảy ra trước và trong thời kỳ hành kinh
Rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt là một vấn đề nghiêm trọng xảy ra trước và trong thời kỳ hành kinh

Theo National Library of Medicine, PMDD còn được gọi là rối loạn loạn dưỡng tiền kinh nguyệt, dạng nghiêm trọng nhất của PMS. Bất kỳ ai có buồng trứng đều có thể mắc PMDD, bao gồm cả người chuyển giới. Các triệu chứng đặc trưng của PMDD bao gồm tâm trạng chán nản, tinh thần bất ổn, hay tức giận cáu kỉnh, trầm cảm, đau đầu, sưng vú, đau khớp hoặc cơ…

Triệu chứng của rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt

Các triệu chứng của rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt có sự khác nhau ở từng người. Thông thường, các triệu chứng PMDD sẽ bắt đầu trước ngày hành kinh 7 – 10 ngày và kết thúc trong vài ngày sau khi kỳ kinh bắt đầu. Các triệu chứng của PMDD rất nghiêm trọng, ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt, công việc và các mối quan hệ của chị em.

Các triệu chứng của rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt bao gồm:

  • Khó tập trung
  • Lo lắng, hoảng loạn
  • Mệt mỏi, uể oải, năng lượng thấp
  • Tâm trạng thất thường
  • Dễ khóc dễ xúc động
  • Hay cáu kỉnh, tức giận
  • Giảm hứng thú với các hoạt động từng yêu thích
  • Thay đổi cảm giác thèm ăn, chán ăn hoặc ăn uống vô độ
  • Mất ngủ hoặc khó ngủ
  • Cảm giác choáng ngợp, mất kiểm soát
  • Đau đầu
  • Có ý định tự tử
  • Sưng vú, đau cơ hoặc khớp, chuột rút
  • Cảm giác đầy hơi hoặc tăng cân
  • Giảm hứng thú với tình dục
  • Trí nhớ kém, hay quên

Nguyên nhân gây rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt

Nguyên nhân chính xác của rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt cũng như hội chứng tiền kinh nguyệt vẫn chưa được biết rõ. Tuy nhiên, có nhiều yếu tố được cho là có liên quan mật thiết đến tình trạng này bao gồm nội tiết tố, mất cân bằng chất dẫn truyền thần kinh, di truyền…

Nguyên nhân của PMDD được cho là có liên quan mật thiết đến hormone và serotonin
Nguyên nhân của PMDD được cho là có liên quan mật thiết đến hormone và serotonin

Các nguyên nhân gây ra PMDD có thể kể đến như:

1. Thay đổi nội tiết tố

Một số nhà khoa học đưa ra giả thuyết rằng, các triệu chứng PMDD phát triển do sự suy giảm progesterone và các chất chuyển hóa progesterone tương tác với phức hợp thụ thể GABA-A. Người mắc PMDD có độ nhạy cao với các biến thể theo chu kỳ. Do đó, sự suy giảm nồng độ hormone estrogen và progesterone sau khi rụng trứng và trước khi hành kinh có thể là nguyên nhân gây ra các triệu chứng PMS và PMDD ở một số phụ nữ.

2. Mất cân bằng chất chất dẫn truyền thần kinh

Mất cân bằng chất dẫn truyền thần kinh có thể là nguyên nhân góp phần gây ra rối loạn loạn dưỡng tiền kinh nguyệt. Chủ yếu có liên quan đến serotonin, đây là một chất hóa học quan trọng, có vai trò điều chỉnh tâm trạng, cơn đói và giấc ngủ.

Sự suy giảm của nồng độ serotonin cũng giống như nội tiết tố cơ thể, có thể thay đổi trong suốt chu kỳ kinh nguyệt và góp phần vào việc gây ra các triệu chứng PDMM. Ngoài ra, người mắc PMDD có mức cortisol và beta-endorphin thấp, có sự dao động chất glutamate.

3. Các trải nghiệm tiêu cực trong quá khứ

Rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt được cho là có liên quan đến các trải nghiệm quá khứ tiêu cực và các rối loạn lo âu có từ trước đó. Đây là yếu tố hàng đầu gây ra sự phát triển của PMS và PMDD. Tuy nhiên, cơ chế cơ bản vẫn chưa được hiểu rõ, còn là một ẩn số đang được nghiên cứu.

4. Di truyền

Các nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu các cặp song sinh để tìm ra sự liên quan của yếu tố di truyền với sự phát triển của PMS và PMDD. Các nghiên cứu nhận thấy, có sự tham gia của gen 5HT1A và các biến thể của gen ESR1. Có sự liên quan mật thiết giữa yếu tố di truyền với sự phát triển của rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt.

5. Hút thuốc lá

Hút thuốc lá có thể là yếu tố góp phần vào sự phát triển của PMS và PMDD. Nguy ở người hút thuốc lá cao hơn 2.1% so với người không hút thuốc lá. Nguy cơ mắc PMDD có xu hướng tăng theo số lượng thuốc lá mà người mắc PMDD sử dụng. Đặc biệt là những phụ nữ bắt đầu hút thuốc lá từ thời kỳ thanh thiếu niên. Nghĩa là người hút thuốc lá càng sớm hoặc càng nhiều sẽ có nguy cơ mắc PMDD cao hơn người không hút thuốc lá hoặc ít sử dụng thuốc lá.

6. Thừa cân béo phì

Các nghiên cứu khoa học nhận thấy, có mối liên hệ giữa BMI lúc ban đầu và nguy cơ mắc PDMM. Cứ mỗi 1 kg/m2 thì nguy cơ mắc PMDD sẽ tăng khoảng 3%. Nguy cơ mắc PMS là đặc biệt cao ở phụ nữ có BMI ≥ 27.5 hoặc BMI ≤ 20.0 kg/m2. Trong khi đó, chỉ số BMI trung bình ở người trưởng thành là từ 18.5 – 24.9.

Các yếu tố nguy cơ của rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt

Rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt ảnh hưởng nhiều đến hành vi và tâm trạng phụ nữ trước và trong kỳ kinh. Các yếu tố có thể khiến bạn dễ mắc PMDD bao gồm:

  • Tiền sử rối loạn lo âu hoặc trầm cảm
  • Mắc hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS)
  • Tiền sử gia đình có người mắc PMS, PDMM
  • Từng bị chấn thương, lạm dụng
  • Trải qua các sự kiện căng thẳng như mất người thân, ly hôn
  • Trải nghiệm thời thơ ấu tiêu cực
  • Chế độ dinh dưỡng thiếu cân bằng, đặc biệt là thiếu vitamin B6, magie, canxi, kẽm
  • Nhạy cảm với sự dao động hormone
  • Lối sống thiếu lành mạnh, như thiếu ngủ, ít hoạt động
  • Hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia, chất kích thích…

Ảnh hưởng của rối loạn tiền kinh nguyệt đến phụ nữ

PMDD ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tâm thần lẫn thể chất của phụ nữ. Làm suy giảm đáng kể chất lượng cuộc sống, khả năng làm việc và các mối quan hệ của cá nhân. Rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt được nhận định là có thể gây ra đau khổ, làm suy giảm chức năng của cá nhân trong một khoảng thời gian nhất định của cuộc đời họ. Đây là một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, cần được quan tâm.

Rối loạn tiền kinh nguyệt ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, công việc và cuộc sống
Rối loạn tiền kinh nguyệt ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, công việc và cuộc sống

Suy giảm chất lượng cuộc sống

PMDD gây ra các tác động về sức khỏe thể chất, khiến phụ nữ trở nên mệt mỏi, thiếu năng lượng, gặp khó khăn trong các hoạt động hàng ngày. Các cơn đau về thể chất như đau ngực, đau cơ, đau bụng, đau đầu làm tăng sự khó chịu của kỳ kinh. Đồng thời, người mắc PDMM còn thường bị khó ngủ, mất ngủ khiến tình trạng căng thẳng, mệt mỏi thêm trầm trọng.

Làm giảm hiệu suất làm việc hoặc học tập

Tâm trạng buồn bã, chán nản, bi quan kèm theo các cơn đau vật vã khiến chị em gặp khó khăn trong việc tập trung, ghi nhớ. Điều này ảnh hưởng nhiều đến hiệu suất học tập hoặc làm việc, làm giảm động lực và năng suất trong việc thực hiện các hoạt động hàng ngày.

Tác động xấu đến các mối quan hệ

Tâm trạng thay đổi thất thường, nhạy cảm, dễ xúc động, dễ nổi nóng có thể ảnh hưởng đến mối quan hệ của phụ nữ. Tình trạng này rất dễ gây căng thẳng, xung đột gia đình, bạn bè, đồng nghiệp. Đối với phụ nữ đã kết hôn, PMDD còn dễ gây rạn nứt tình cảm hôn nhân, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống vợ chồng.

Dễ gây ra hành vi tự tử

PMDD gây đau khổ nghiêm trọng về mặt cảm xúc, ảnh hưởng đến hành vi và các mối quan hệ của chị em. Đặc biệt, người mắc PMDD thường có suy nghĩ tự tử, muốn tìm cách giải thoát bản thân khỏi tuyệt vọng, bế tắc. Đây là tác động tiêu cực, nghiêm trọng nhất ở người mắc rối loạn tiền kinh nguyệt, đặc biệt là trong những ngày triệu chứng xuất hiện nhiều, gây khó chịu quá mức.

Chẩn đoán rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt

Để chẩn đoán rối loạn tiền kinh nguyệt, bác sĩ hoặc chuyên gia sẽ khai thác bệnh sử, đánh giá các triệu chứng của bạn. Bạn cần theo dõi các triệu chứng trong 1 – 2 chu kỳ kinh nguyệt để chuyên gia xác định được vấn đề và loại trừ các vấn đề về sức khỏe y tế hoặc các rối loạn khác như trầm cảm, rối loạn lo âu.

PMDD được chẩn đoán dựa trên tiêu chuẩn được liệt kê trong DSM-5
PMDD được chẩn đoán dựa trên tiêu chuẩn được liệt kê trong DSM-5

Tiêu chuẩn chẩn đoán theo DSM-5

Rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt được liệt kê trong DSM-5, tiêu chí chẩn đoán được đưa ra cụ thể và chi tiết. Người mắc PMDD phải có ít nhất 5 trong 11 triệu chứng, trong đó, phải có 1 trong 4 triệu chứng đầu tiên được liệt kê gồm:

  1. Tâm trạng buồn bã, chán nản, tuyệt vọng hoặc tự ti
  2. Lo lắng, căng thẳng hoặc bồn chồn, bất an
  3. Tức giận hoặc cáu kỉnh hoặc dễ xảy ra mâu thuẫn, xung đột với người khác
  4. Cảm xúc bất ổn, thay đổi thất thường
  5. Giảm hứng thú với các hoạt động từng yêu thích
  6. Khó khăn trong việc tập trung
  7. Mệt mỏi, uể oải, lờ đờ hoặc thiếu năng lượng rõ rệt
  8. Chán ăn hoặc ăn quá nhiều, thèm ăn một số món nhất định
  9. Mất ngủ, khó ngủ hoặc ngủ nhiều
  10. Cảm giác choáng ngợp hoặc mất kiểm
  11. Có các triệu chứng vật lý như đau hoặc sưng vú, đau khớp hoặc cơ, đau đầu, cảm giác đầy hơi hoặc cảm thấy mình tăng cân.

Đồng thời, các triệu chứng phải đảm bảo các tiêu chuẩn sau:

  • Gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng, đáng kể đến học tập, công việc, nghề nghiệp, hoạt động xã hội
  • Triệu chứng liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt, không phải là sự trầm trọng của các rối loạn khác
  • Xảy ra liên tiếp ít nhất trong 2 chu kỳ kinh nguyệt

Test rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt

Để chẩn đoán PMDD, bác sĩ có thể yêu cầu bạn ghi lại chi tiết các triệu chứng, hỏi về tiền sử bệnh án, hỏi về lối sống của bạn. Đồng thời có thể sử dụng các công cụ như thang đo, bài test rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt. Các công cụ này có thể kể đến như:

  • Công cụ sàng lọc triệu chứng tiền kinh nguyệt (PSST)
  • Thang đo mức độ đau qua thị giác VAS
  • Hệ thống đo lo các triệu chứng tiền kinh nguyệt PROMIS
  • Lịch trình trải nghiệm tiền kinh nguyệt COPE
  • Bản ghi hàng ngày về mức độ nghiêm trọng của tiền kinh nguyệt DRSP…

Phương pháp điều trị rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt

Rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt đến nay vẫn chưa được hiểu rõ nên không có cách điều trị dứt điểm hoàn toàn. Các phương pháp điều trị hiện nay chủ yếu giúp kiểm soát và giảm bớt triệu chứng. PMDD có liên quan đến nội tiết tố, do đó, tình trạng này thường kéo dài cho đến khi phụ nữ bước vào thời kỳ mãn kinh.

Các phương pháp điều trị PMDD có thể kể đến như:

1. Sử dụng thuốc điều trị

Các thuốc điều trị bao gồm thuốc chống trầm cảm, tránh thai, thuốc giảm đau không kê đơn… Mục đích của việc sử dụng các loại thuốc này là làm giảm các triệu chứng khó chịu cho người mắc PMDD. Cụ thể:

  • Thuốc ức chế tái hấp thu serotonin (SSRI): Được chứng minh là có hiệu quả trong việc cải thiện tâm trạng ở người mắc PMDD. Thuốc được sử dụng không liên tục từ giữa chu kỳ đến khi hành kinh. Tuy nhiên, thuốc có thể gây ra các tác dụng phụ như buồn nôn, giảm ham muốn tình dục.
  • Benzodiazepin (BZD): Có tác dụng với người mắc PMDD bị mất ngủ và lo âu nghiêm trọng. Cần đặc biệt thận trọng khi sử dụng vì có thể làm tăng nguy cơ lạm dụng chất.
  • Thuốc tránh thai dạng uống (OCP): Được sử dụng rộng rãi trong điều trị PMDD nhưng hiệu quả vẫn còn được nghiên cứu, cần thêm nhiều bằng chứng hơn.
  • Danazol: Chất chủ vận androgen tổng hợp một phần và chất ức chế gonadotropin, có tác dụng ức chế rụng trứng.
  • Thuốc giảm đau: Thuốc giảm đau không kê đơn như naproxen, ibuprofen có thể giúp giảm bớt các triệu chứng như đau ngực, đau bụng, đau đầu.
  • Thuốc ức chế phóng noãn (GnRH agonist): Có tác dụng ức chế hormone phóng noãn, ngăn chặn chu kỳ kinh nguyệt, đưa cơ thể vào trạng thái mãn kinh tạm thời.

2. Liệu pháp nội tiết tố

Đây là liệu pháp được áp dụng đối với trường hợp các triệu chứng tiền kinh nguyệt rất nghiêm trọng. Liệu pháp này giúp ức chế chu kỳ hạ đồi – tuyến sinh dục. Tuy nhiên, lại có thể gây ra tác dụng phụ là bốc hỏa, mãn kinh y khoa và tăng nguy cơ loãng xương.

3. Tâm lý trị liệu

Các liệu pháp tâm lý giúp giảm căng thẳng lo âu và cải thiện các mối quan hệ cá nhân có liên quan đến PMDD. Thông thường, chuyên gia tâm lý sẽ tiến hành trò chuyện với cá nhân, giúp người mắc PMDD giải tỏa cảm xúc, kiểm soát căng thẳng, phát triển kỹ năng đối phó với PMDD.

Liệu pháp tâm lý có thể mang đến hiệu quả trong điều trị PMDD
Liệu pháp tâm lý có thể mang đến hiệu quả trong điều trị PMDD

Trong các liệu pháp tâm lý, liệu pháp hành vi nhận thức CBT được đánh giá cao về hiệu quả điều trị. Liệu pháp giúp cá nhân nhận diện các mẫu hành vi tiêu cực và thay đổi theo hướng tích cực. Đồng thời phát triển kỹ năng đối phó với cảm xúc tiêu cực và các vấn đề căng thẳng.

4. Phẫu thuật

Đối với những trường hợp quá nghiêm trọng, chị em đã có đủ số con cần thiết, khi các phương pháp điều trị khác không mang lại hiệu quả, việc phẫu thuật cắt bỏ buồng trứng sẽ được xem xét. Đây là giải pháp cuối cùng, cần được cân nhắc cẩn thận vì sẽ ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của người mắc PMDD.

5. Phương pháp điều trị không dùng thuốc

Chị em có thể cố gắng kiểm soát PMDD bằng các phương pháp phi dược lý. Các phương pháp này có thể mang đến một số hiệu quả nhất định cho quá trình điều trị. Có thể kể đến như:

  • Tập thể dục: Giúp tăng nồng độ beta-endorphin trong cơ thể, giảm nhẹ triệu chứng PMDD
  • Thay đổi chế độ ăn uống: Tăng cường bổ sung protein hoặc carbohydrate phức hợp, canxi, vitamin B6 được cho là có thể tăng serotonin, tạo ra dopaminergic.
  • Quản lý căng thẳng: Các kỹ thuật như hít thở sâu, thư giãn, thiền chánh niệm, yoga giúp thư giãn tinh thần, giảm stress và quản lý căng thẳng.

Biện pháp phòng ngừa rối loạn tiền kinh nguyệt

Rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt liên quan mật thiết đến cách hoạt động của hormone, vì thế không có giải pháp giúp bạn phòng ngừa PMDD. Tuy nhiên, chúng ta có thể giảm thiểu nguy cơ mắc PMDD bằng cách:

  • Xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học hợp lý, tích cực bổ sung canxi, magie, vitamin B6, ăn nhiều rau xanh, trái cây, hạn chế tiêu thụ nhiều đường và muối
  • Uống đủ nước, bổ sung omega-3, tích cực tập thể dục bằng các hoạt động như bơi lội, đạp xe, đi bộ, chạy bộ để giải phóng endorphin, giảm căng thẳng
  • Thực hiện các kỹ thuật thư giãn, quản lý căng thẳng bằng cách tập hít thở sâu, thiền, yoga
  • Cân đối thời gian nghỉ ngơi và làm việc, dành thời gian cho bản thân để cơ thể có thời gian phục hồi
  • Hạn chế sử dụng rượu bia, caffein, thuốc lá, giữ cân nặng ổn định, giảm cân nếu thừa cân, béo phì
  • Theo dõi chu kỳ kinh nguyệt, ghi lại các triệu chứng và vấn đề mà bạn gặp phải
  • Tham khảo ý kiến bác sĩ về việc sử dụng một số thảo dược giúp cân bằng hormone như dầu hoa anh thảo, chasteberry, cỏ đuôi ngựa.

Một số câu hỏi thường gặp về rối loạn tiền kinh nguyệt

Các câu hỏi về rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt sẽ giúp bạn hiểu hơn về tình trạng này. Một số câu hỏi thường được người mắc PMDD đặt ra gồm:

1. Sự khác nhau giữa hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS) và rối loạn tiền kinh nguyệt (PMDD)?

Ở cả PMS và PMDD đều gây ra các triệu chứng trước kỳ kinh nguyệt 7 – 10 ngày và kéo dài trong vài ngày đầu của kỳ kinh. Cả 2 đều gây ra các triệu chứng như mệt mỏi, đau ngực, đầy hơi, thay đổi thói quen ăn uống và chất lượng giấc ngủ. Tuy nhiên, ở PMDD, chị em sẽ có ít nhất một trong những triệu chứng sau:

  • Dễ cáu kỉnh hoặc tức giận
  • Lo lắng hoặc căng thẳng
  • Buồn bã, bi quan, tuyệt vọng
  • Tâm trạng thay đổi thất thường.

2. PMDD có phải là bệnh tâm thần không? 

PMDD là một rối loạn trầm cảm, một vấn đề về sức khỏe tâm thần được liệt kê trong Sổ tay Chẩn đoán và Thống kê các rối loạn tâm thần DSM-5. Do đó, PMDD cũng là một trong những loại bệnh tâm thần.

3. Tôi nên hỏi bác sĩ những câu hỏi nào?

Bạn nên hỏi bác sĩ những vấn đề như:

  • Tại sao tôi lại mắc PMDD?
  • Mức độ vấn đề của tôi có nghiêm trọng không?
  • Đâu là phương pháp điều trị tốt nhất cho tôi?
  • Phương pháp điều trị này có tác dụng phụ hay rủi ro gì?
  • Tôi cần thay đổi như thế nào để làm giảm triệu chứng?
  • Tôi phải làm gì nếu thường xuyên có suy nghĩ tự tử?

Rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt là một loại rối loạn sức khỏe tâm thần nghiêm trọng, ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống của chị em. Mặc dù chưa có biện pháp điều trị dứt điểm nhưng có thể kiểm soát, giảm thiểu mức độ nghiêm trọng của triệu chứng. Vì thế, khi có các dấu hiệu nghi ngờ mắc PMDD, cách tốt nhất là bạn nên tìm đến bác sĩ hoặc chuyên gia tâm lý để được tư vấn và hỗ trợ.

Có thể bạn quan tâm:

Tài liệu tham khảo:

  • National Library of Medicine: Premenstrual Dysphoric Disorder, https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK532307/
  • Cleveland Clinic: Premenstrual Dysphoric Disorder (PMDD), https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/9132-premenstrual-dysphoric-disorder-pmdd
  • WebMD: What Cause Premenstrual Dysphoric Disoder (PMDD), https://www.webmd.com/women/pms/premenstrual-dysphoric-disorder

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Rối loạn phổ tự kỷ: Các mức độ, Triệu chứng và điều trị

Rối loạn phổ tự kỷ là một dạng rối loạn phát triển thần kinh gây ra những khiếm khuyết về giao tiếp/ ngôn ngữ, hành...

Trầm cảm có nguy hiểm hay không phụ thuộc vào mức độ trầm cảm
Bệnh trầm cảm có nguy hiểm không? Gây tác hại gì?

Có khoảng 30% dân số Việt Nam có rối loạn tâm thần, trong đó, trầm cảm chiếm 25%. Rất nhiều người mắc trầm cảm nhưng...

Cai sữa quá sớm có thể khiến đề kháng của trẻ kém so với trẻ được bú mẹ trong thời gian dài
Hiểu tâm lý trẻ khi cai sữa để có cách chăm sóc phù hợp

Việc hiểu tâm lý trẻ khi cai sữa có thể giúp mẹ có kế hoạch cai sữa cho con cụ thể, chi tiết, giúp quá...

Trầm cảm được xếp vào nhóm rối loạn tâm thần hành vi
Trầm cảm có phải là bệnh tâm thần không?

Trầm cảm là một rối loạn tâm thần phổ biến, có mức độ nguy hiểm cao, ước tính tỷ lệ chết vì trầm cảm cao...