Nguyên nhân gây trầm cảm ở nam giới và cách khắc phục
Trầm cảm có thể xảy ra ở bất kỳ đối tượng nào kể cả nam giới. Trầm cảm ở nam giới đặc trưng bởi các biểu hiện như cảm thấy buồn bã, tức giận, dễ cảm kích, cảm xúc hung hăng, có xu hướng lạm dụng chất kích thích. Mặc dù tỷ lệ nam giới mắc trầm cảm thấp hơn nữ giới nhưng tỷ lệ nam giới chết do tự tử lại cao gấp 4 lần phụ nữ.
Trầm cảm ở nam giới là gì?
Trầm cảm ở nam giới là một loại rối loạn tâm thần thường gặp. Biểu hiện qua tình trạng cảm xúc chán nản, buồn bã, mất năng lượng, mất hứng thú với các hoạt động từng yêu thích. Những cảm xúc tiêu cực này không phải thoáng qua mà xuất hiện thường trực, kéo dài dai dẳng trong nhiều ngày, nhiều tháng thậm chí nhiều năm.
Có khoảng 9% nam giới có cảm giác lo âu, trầm cảm mỗi ngày. Trầm cảm ở nam giới là loại rối loạn tâm thần gây ảnh hưởng đến suy nghĩ, hành vi, cảm xúc và sức khỏe thể chất. Có khoảng 5.5% nam giới mắc trầm cảm, tỷ lệ này thấp hơn nữ giới 2 lần. Tuy nhiên, số người chết do tự tử ở nam giới lại cao gấp 4 lần nữ giới khi mắc trầm cảm.
Trầm cảm ở nam giới phức tạp và khó chẩn đoán hơn nam giới. Chủ yếu là do nam giới hiếm khi bộc lộ mặt yếu đuối của mình vì những tiêu chuẩn áp đặt của xã hội lên giới tính. Hậu quả là tình trạng trầm cảm ngày càng nghiêm trọng, khiến người bị trầm cảm đưa ra những hành động tiêu cực, đáng tiếc.
Nguyên nhân gây trầm cảm ở nam giới
Nguyên nhân gây ra trầm cảm vẫn chưa được xác định chính xác nhưng có liên quan đến nhiều yếu tố như yếu tố sinh học, yếu tố di truyền, áp lực công việc, định kiến giới, biến cố cuộc sống, sức khỏe thể chất…
Các yếu tố gây trầm cảm ở nam giới:
- Yếu tố sinh học: Mất cân bằng các chất hóa học trong não bộ, chủ yếu là sự sụt giảm của serotonin và dopamine
- Yếu tố di truyền: Khi gia đình có người thân mắc trầm cảm thì những người khác trong gia đình thuộc nhóm nguy cơ cao
- Thay đổi hormone: Nam giới có nồng độ hormone testosterone thấp có nguy cơ mắc trầm cảm cao hơn nam giới bình thường.
- Định kiến giới và kỳ vọng xã hội: Định kiến giới tính khiến nam giới không được bộc lộ cảm xúc yếu đuối, buộc họ phải gồng mình mạnh mẽ. Thêm vào đó là kỳ vọng của gia đình, phải thành công khiến họ dễ rơi vào trầm cảm.
- Áp lực: Áp lực kinh tế, áp lực sự nghiệp, gánh nặng gia đình ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý, tinh thần, gây trầm cảm.
- Chấn thương tâm lý: Trải qua các biến cố như phá sản, ly hôn, bị phản bội, mất người thân, bị chèn ép…
- Yếu tố khác: Lạm dụng thuốc và chất kích thích, mắc bệnh hiểm nghèo, tính cách cầu toàn yêu cầu cao với bản thân…
→Xem thêm: Bài Test trầm cảm Beck (Beck Depression Inventory – BDI)
Triệu chứng và dấu hiệu trầm cảm ở nam giới
Trầm cảm ở nam giới cũng có các triệu chứng giống với trầm cảm ở phụ nữ. Ngoài ra, ở nam giới còn có các dấu hiệu khác biệt về hành vi, cảm xúc và thể chất. Tuy nhiên, các triệu chứng trầm cảm thường bị nam giới cố ý che dấu, không bộc lộ ra ngoài. Chỉ có bản thân họ hiểu, người ngoài rất khó phát hiện nếu không quá chú ý.
+ Triệu chứng trầm cảm:
- Cảm giác buồn bã, chán nản, tuyệt vọng kéo dài
- Mất hứng thú với các hoạt động từng yêu thích
- Cảm thấy bản thân là kẻ thất bại, vô dụng
- Thiếu năng lượng, không có động lực bắt đầu mọi việc nhất là vào buổi sáng
- Chán ăn, ăn uống không ngon hoặc thèm ăn, ăn nhiều, thay đổi cân nặng
- Khó tập trung, giảm trí nhớ, gặp khó khăn trong việc đưa ra quyết định
- Cảm thấy mệt mỏi hoặc kích động
- Ngủ quá ít, khó ngủ, mất ngủ hoặc ngủ quá nhiều…
- Có hành vi tự hại hoặc có ý nghĩ về cái chết.
+ Dấu hiệu hành vi:
- Uống nhiều rượu bia, hút thuốc lá hoặc sử dụng ma túy
- Làm việc điên cuồng, bận rộn quá mức, không nghỉ ngơi
- Cảm thấy gánh nặng về trách nhiệm gia đình
- Gặp khó khăn trong việc hoàn thành công việc
- Trở nên muốn kiểm soát hoặc lạm dụng trong các mối quan hệ
- Có xu hướng tự cô lập, tránh tiếp xúc xã hội
- Tham gia các hành vi mạo hiểm như quan hệ tình dục không an toàn, cờ bạc…
+ Dấu hiệu cảm xúc
- Che dấu sự buồn bã bằng sự giận dữ
- Dễ chán nản, cáu gắt
- Nóng giận, hung hăng hơn bình thường
- Cảm thấy bồn chồn, kích động
+ Dấu hiệu thể chất
- Đau đầu, tức ngực
- Có vấn đề về tiêu hóa
- Đau tay chân, đau khớp hoặc đau lưng
- Sụt cân hoặc tăng cân không chủ ý
- Cơ thể mệt mỏi, thiếu sức sống
Trầm cảm ở nam giới khó phát hiện và chẩn đoán
Trầm cảm ở nam giới thường khó phát hiện và chẩn đoán hơn nữ giới. Lý do là họ sợ bị đánh giá là yếu đuối, thiếu bản lĩnh, sợ phải đối mặt với các định kiến xã hội. Theo các bác sĩ, đàn ông có thể nói ra các triệu chứng thể chất hơn là những thay đổi về cảm xúc. Điều này khiến các bác sĩ dễ đưa ra những chẩn đoán sai lầm.
Định kiến xã hội gán lên những chuẩn mực nam tính độc hại khiến nam giới không dám bộc lộ sự yếu đuối, đẩy họ đến con đường tự tử để tự giải thoát. Do đó, sự quan tâm của người xung quanh là rất cần thiết để giúp người bị trầm cảm sớm nhận ra các vấn đề bất thường của chính họ. Từ đó động viên họ gặp bác sĩ, chuyên gia tâm lý càng sớm càng tốt.
Phương pháp điều trị trầm cảm ở nam giới
Trầm cảm cần được phát hiện và điều trị kịp thời để ngăn ngừa các tác động tiêu cực, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người bệnh. Khi xác định được tình trạng, mức độ trầm cảm, các bác sĩ sẽ đưa ra kế hoạch điều trị phù hợp.
Có nhiều cách trị trầm cảm cho nam giới:
1. Điều trị bằng thuốc
Sử dụng thuốc có thể hỗ trợ làm giảm triệu chứng trầm cảm. Các thuốc điều trị thường được sử dụng kết hợp cùng các liệu pháp trị liệu tâm lý nhằm mang đến hiệu quả nhanh chóng, kịp thời và tích cực.
Các thuốc thường dùng:
- Thuốc chống trầm cảm
- Thuốc ức chế tái hấp thụ serotonin…
Lưu ý, chỉ dùng thuốc khi có chỉ định của bác sĩ. Các thuốc chống trầm cảm có thể gây ra nhiều tác dụng phụ thậm chí làm tăng nguy cơ trầm cảm, cần hết sức thận trọng.
2. Liệu pháp tâm lý
Tâm lý trị liệu là liệu pháp hàng đầu được áp dụng để điều trị trầm cảm. Ưu điểm của phương pháp này là hiệu quả tốt, không sử dụng thuốc và không can thiệp vào cơ thể của người bệnh. Các hình thức trị liệu thường được áp dụng là:
- Liệu pháp nhận thức hành vi
- Liệu pháp hành vi biện chứng
- Liệu pháp tâm động học…
3. Phương pháp hỗ trợ
Các phương pháp hỗ trợ góp phần tăng hiệu quả và rút ngắn thời gian điều trị. Bạn hoàn toàn có thể áp dụng các biện pháp này để từng bước kiểm soát và đối phó với các triệu chứng trầm cảm.
- Tập thể dục thường xuyên giúp tạo ra endorphin, nâng cao tâm trạng
- Lập kế hoạch hàng ngày với lịch trình chi tiết
- Chia nhỏ nhiệm vụ, hoàn thành những nhiệm vụ nhỏ dễ dàng sẽ giúp bạn có động lực vươn lên
- Kiểm soát căng thẳng bằng thiền định, chánh niệm, yoga, kỹ thuật thở sâu
- Chia sẻ với người thân, bạn bè khi bạn cảm thấy quá sức
- Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, bổ sung các thực phẩm chứa nhiều magie, vitamin B6…
Trầm cảm hoàn toàn có thể xảy ra ở nam giới. Đây là một rối loạn tâm thần nghiêm trọng, không phải là sự yếu đuối, thiếu bản lĩnh. Các triệu chứng trầm cảm ở nam giới sẽ không biến mất nếu không có biện pháp can thiệp trị liệu phù hợp, đúng cách. Nếu có dấu hiệu nghi ngờ trầm cảm, bạn nên chủ động tìm đến các bác sĩ hoặc chuyên gia tâm lý để được tư vấn, hỗ trợ.
Có thể bạn quan tâm:
- 10 cách thoát khỏi trầm cảm tại nhà, không cần thuốc
- Rối loạn hỗn hợp lo âu và trầm cảm: Triệu chứng và điều trị
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!