Trí tuệ cảm xúc EQ: Nuôi dưỡng trí thông minh cảm xúc cho trẻ
Nhiều năm về trước, nếu chúng ta chỉ quan tâm đến chỉ số thông minh IQ của trẻ thì giờ đây, trí tuệ cảm xúc EQ hay chỉ số cảm xúc cũng nhận được nhiều sự chú ý, và trở thành một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến quá trình phát triển của trẻ. Để trẻ phát triển một cách khỏe mạnh thì chỉ trí thông minh là chưa đủ, cha mẹ còn phải giúp trẻ nuôi dưỡng tâm hồn và hướng đến việc thấu hiểu, chia sẻ cùng mọi người.
Tầm quan trọng của trí tuệ cảm xúc EQ
Nếu IQ là điều gần như không thể thay đổi trong suốt cuộc đời, EQ lại là điều được xem là có thể nuôi dưỡng và phát triển khi trẻ còn bé. Trí tuệ cảm xúc EQ có tầm quan trọng vô cùng lớn với sự phát triển khỏe mạnh của trẻ. Nếu một người có chỉ số IQ cao nhưng EQ thấp, họ chẳng khác gì một chiếc máy vi tính được vận hành một cách máy móc và lý tính, không hề có cảm xúc, sự quan tâm và chia sẻ với mọi người.
Nguồn gốc và những định nghĩa về trí tuệ cảm xúc EQ vẫn còn gây nhiều tranh cãi. Mỗi nhà khoa học có cho mình những định nghĩa và cách phân loại riêng về vấn đề này. EQ vẫn là đề tài nhận được nhiều sự quan tâm và thường xuyên được đem ra nghiên cứu. Những cuộc tranh luận về học thuật đã giúp mở rộng khái niệm trí tuệ cảm xúc EQ, thay đổi định nghĩa và những mô hình xoay quanh chủ đề này.
Trí tuệ cảm xúc EQ đặc trưng bởi sự quan sát, nhận thức, đánh giá, kiểm soát, thấu hiểu, và phản ứng với cảm xúc của bản thân và những người xung quanh. Những người sở hữu EQ cao thường có xu hướng tự ý thức, kiểm soát tốt cảm xúc của bản thân, từ đó đưa ra những phản ứng thích hợp trong những tình huống cụ thể. Họ thường cân nhắc rõ ràng hai mặt lợi và hại của việc bộc phát cảm xúc, và ngay lập tức ngăn chặn nếu có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh xấu.
Người có EQ cao cũng dễ dàng thấu hiểu và đồng cảm nhanh chóng với người khác. Họ biết cách quản lý những mối quan hệ, biết đối với ai nên dùng thái độ gì cho hợp lý, biết cách an ủi và giúp người khác cảm thấy tốt hơn. Vì thế người sở hữu trí tuệ cảm xúc cao thường được khen là người thông minh, khéo léo, có kỹ năng giao tiếp tốt và gây được ấn tượng đặc biệt với nhiều người.
Những người sở hữu EQ cao thường sống lạc quan, có tầm nhìn xa trông rộng và tư tưởng thoáng, tích cực trong nhiều trường hợp. Chính vi thế họ sẽ là một người đội trưởng tài giỏi, một nhà lãnh đạo có khả năng xây dựng và kết nối mọi người, một đồng nghiệp đáng tin tưởng, và một người bạn quý giá mà ta nên trân trọng. Trí tuệ cảm xúc EQ được xem là một trong những yếu tố quan trọng quyết định thành công của một người, bên cạnh chỉ số thông minh IQ.
Nhiều cuộc tranh luận đã nổ ra về vấn đề EQ cao là khả năng bẩm sinh, hay có thể học hỏi và cải thiện thông qua tác động tích cực từ bên ngoài. Thực tế cho thấy nhiều trẻ từ nhỏ đã thể hiện EQ rất cao và càng lớn trẻ càng biểu lộ rõ ưu điểm này. Trẻ biết chia sẻ, đồng cảm, kiểm soát tốt cảm xúc và trưởng thành hơn những bạn đồng trang lứa. Ngoài ra cũng có những trẻ dần học được cách quan tâm đến mọi người hơn nhờ sự dạy dỗ đúng đắn của cha mẹ.
Vì thế ta có thể thấy rằng, EQ cao bẩm sinh sẽ giúp trẻ dễ dàng thấu hiểu, kiểm soát và phản ứng với cảm xúc của bản thân và mọi người tốt hơn. Ưu điểm này nếu được phát triển một cách đúng đắn sẽ nở rộ rực rỡ vào thời điểm trưởng thành, giúp trẻ mở ra nhiều cơ hội tốt trong học tập, công việc và cuộc sống về sau. Với những trẻ không có EQ cao, việc rèn luyện ngay từ nhỏ cũng có thể cải thiện ít nhiều, giúp trẻ có khả năng cải thiện cảm xúc và suy nghĩ tích cực hơn.
Những cấp độ của trí tuệ cảm xúc
Có rất nhiều nghiên cứu và cách phân chia khác nhau về các thành phần cấu thành trí thông minh cảm xúc EQ. Trong số đó có một cách phân chia trí tuệ cảm xúc EQ thành 4 cấp độ khác nhau từ đơn giản đến phức tạp, từ nhận thức đến phản ứng theo một quy trình phát triển hợp lý.
Mô hình này do Salovey và Mayer tạo ra và công bố lần đầu tiên trên một bài báo vào năm 2016. Bốn cấp độ ấy bao gồm: nhận thức cảm xúc, lý luận cảm xúc, thấu hiểu cảm xúc và quản lý cảm xúc.
Việc nhận thức và thúc đẩy cảm xúc nằm ở mức độ đơn giản hơn. Hai thành phần này đòi hỏi khả năng quan sát và độ nhạy bén trong việc nắm bắt cảm xúc một ai đó. Trong khi thấu hiểu, quản lý và phản ứng cảm xúc lại yêu cầu khả năng xử lý thông tin tốt, và được cải thiện qua kinh nghiệm rút ra trong quá trình giao tiếp.
Nhận thức cảm xúc
Nhận thức cảm xúc là bước đầu tiên trong việc phát triển EQ. Trong những tình huống cụ thể, chúng ta sẽ dựa trên các dấu hiệu ngôn ngữ và phi ngôn ngữ như ánh mắt, giọng nói, ngữ điệu, cách dùng từ, cách nhấn nhá, nét mặt, cử chỉ cơ thể, vị trí,… để phán đoán cảm xúc của một người.
Thông thường những dấu hiệu này thể hiện rất rõ ràng. Nhưng với một số người quản lý cảm xúc tốt, không dễ để nắm bắt cảm xúc thật của họ nếu chúng ta không có khả năng quan sát tốt và sự nhạy bén trời sinh. Sức quan sát tinh tế, cùng khả năng nắm bắt những thay đổi dù là nhỏ nhất là hai yếu tố quan trọng giúp phát triển trí tuệ cảm xúc.
Lý luận cảm xúc
Lý luận cảm xúc là dùng cảm xúc để hỗ trợ và thúc đẩy tư duy. Nếu nhận ra cảm xúc của bản thân và những người xung quanh ảnh hưởng ra sao đến suy nghĩ của chúng ta, ta có thể dùng những cảm xúc đó để lập luận, giải quyết vấn đề và đưa ra quyết định một cách hiệu quả hơn trong từng tình huống cụ thể.
Thấu hiểu cảm xúc
Thấu hiểu cảm xúc là khi người quan sát dựa trên những dấu hiệu có được trong quá trình nhận thức, cùng với ngữ cảnh và tình hình hiện tại để làm rõ cảm xúc của một người. Ví dụ tại sao người đó vui mừng, buồn bã, thất vọng, đau khổ hay tức giận, nguyên nhân gây ra cảm xúc đó và ý nghĩ của nó là gì. Để thấu hiểu và giải thích vấn đề này không phải là một việc đơn giản mà phải dựa trên rất nhiều yếu tố.
Ví dụ khi mẹ tức giận và phản ứng gay gắt với bạn chỉ vì một chuyện không đáng, có lẽ mẹ thật sự không có ý trách bạn, mà đó chỉ là một cách phát tiết cảm xúc. Có thể mẹ bạn đang mệt mỏi, đang buồn phiền, đang lo lắng hoăc gặp một biến cố gì đó mà bạn không thể biết được.
Qua ví dụ này ta có thể thấy, những cảm xúc mà chúng ta nhìn thấy không đơn giản chỉ là bị tác động xung quanh ảnh hưởng, mà còn ẩn chứa nhiều ý nghĩa và câu chuyện đằng sau. Quá trình thấu hiểu cảm xúc giúp ta nắm bắt sự thay đổi tâm tình, cũng như cảm nhận thật sự của người đối diện. Từ đó có cách ứng phó hợp lý, lựa chọn lời nói và cử chỉ phù hợp với từng người trong từng trường hợp.
Quản lý cảm xúc
Quản lý cảm xúc là phần quan trọng và đòi hỏi khả năng trí tuệ cảm xúc EQ cao nhất. Chúng ta có thể dễ dàng phân tích mọi biểu cảm và cảm xúc, nhưng việc quản lý và điều tiết chúng thì không dễ chút nào. Xét đến cùng con người vẫn là sinh vật cảm tính, và chúng ta có xu hướng bộc lộ cảm xúc tức thời hơn là kiềm chế chúng.
Đối với trẻ nhỏ, việc học cách quản lý cảm xúc cũng là một điều cần thiết trong quá trình trưởng thành. Khi trẻ bắt đầu đi học, trẻ sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề xã hội, cộng thêm sự phát triển tâm sinh lý khiến trẻ rất dễ bộc phát cảm xúc tức thời. Việc học cách phản ứng thích hợp trong từng hoàn cảnh, cũng như đáp lại cảm xúc của người khác sẽ giúp trẻ tránh được nhiều xô xát không đáng có, cũng như giải quyết sự việc một cách nhẹ nhàng hơn.
Tại sao trí tuệ cảm xúc EQ quan trọng với trẻ?
Nếu IQ là chỉ số đánh giá sự thành công trong lĩnh vực học thuật, thì EQ là chỉ số đánh giá sự thành công trong lĩnh vực cuộc sống. Trẻ có EQ cao rất dễ hòa đồng và kết bạn, thích ứng nhanh với sự thay đổi và ít khi có cảm xúc tiêu cực. Trẻ cũng có khả năng giao tiếp tốt, diễn đạt rành mạch, thông minh lanh lợi, và nhất là có được sự đồng cảm và thấu hiểu cho những người xung quanh.
EQ cao cũng là một điều kiện giúp hình thành nhân cách tốt từ khi trẻ còn bé. Vì trẻ có thể đồng cảm với mọi người, có thể thấu hiểu và chia sẻ với cảm xúc của đối phương, từ đó xử lý vấn đề một cách tinh tế bằng một cái đầu lạnh, chứ không để cảm xúc cuốn mình đi. Đây là một yếu tố quan trọng, một kỹ năng cần thiết giúp trẻ có thể thành công và bay cao, bay xa hơn trong tương lai.
Chỉ số thông minh IQ giúp trẻ suy luận, phân tích và tổng hợp vấn đề một cách logic. Tuy nhiên, sự logic này chỉ dựa trên những thông số cứng nhắc, mà thiếu mất yếu tố hoàn cảnh và sự uyển chuyển trong từng trường hợp cụ thể. Lúc này đây, chỉ số cảm xúc EQ sẽ đóng vai trò cân bằng lại hai cán cân, giúp trẻ có cách cảm thụ và nhìn nhận vấn đề đa chiều và sâu sắc. Từ đó, trẻ có thể đưa ra những quyết định tinh tế và hợp lý hơn phù hợp với hoàn cảnh.
Trẻ có chỉ số EQ thấp thì dù có chỉ số IQ cao vẫn sẽ gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Trẻ thường không thích giao tiếp với người khác, khó kết bạn, thường thu mình vào thế giới riêng và ít quan tâm đến những vấn đề khác trong cuộc sống. Trẻ có IQ cao và EQ thấp có thể rất thành công trong những lĩnh vực đòi hỏi khả năng suy nghĩ và làm việc độc lập, nhưng lại thể hiện sự yếu kém trong những hoạt động đội nhóm, yêu cầu sự phối hợp và giao tiếp giữa các thành viên.
Ngoài ra, trẻ có IQ bình thường và EQ thấp sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc học tập và sinh hoạt trong môi trường học đường. Nếu trẻ không hòa đồng, không biết chia sẻ cùng bạn bè, và không quan tâm đến cảm xúc của những người xung quanh thì rất dễ bị cô lập, tẩy chay và bắt nạt. Bạo lực học đường không còn là việc hiếm thấy mà thường xuyên xảy ra, đặc biệt là với những những trẻ nhút nhát và khó kết bạn.
Điều này có thể làm ảnh hưởng tâm lý nặng nề đến trẻ, khiến trẻ buồn bã, lo lắng, sợ hãi khiến việc học tập bị giảm sút. Nguy hiểm hơn là tình trạng cô lập và bạo lực học đường kéo dài có thể dẫn đến 2 chiều hướng. Thứ nhất, trẻ có thể nghĩ đến việc làm hại bản thân bằng những hành vi như cứa tay hay tự sát. Thứ hai, việc bị chèn ép lâu dài có thể làm tinh thần trẻ rối loạn, dẫn đến những hành vị phạm tội nghiêm trọng.
Việc không bồi dưỡng trí tuệ cảm xúc EQ từ nhỏ cũng có thể khiến trẻ trở nên vô cảm với mọi người xung quanh. Trẻ không hiểu được cảm xúc của người đối diện, không biết cư xử thích hợp nên rất dễ có hành vi gây tổn thương cho người khác mà không hề hay biết. Trẻ cũng không cảm thấy có lỗi hay ân hận về chuyện mình làm. Điều này có ảnh hưởng rất xấu đến sự phát triển tâm lý và quá trình học tập, làm việc, giao tiếp xã hội của trẻ về sau.
Phương pháp rèn luyện trí tuệ cảm xúc EQ cho trẻ
Thông qua những điều đã nói ở trên, ta đã có thể kết luận rằng việc rèn luyện trí tuệ cảm xúc EQ cho trẻ từ nhỏ là điều vô cùng quan trọng. Cha mẹ muốn trẻ lớn lên một cách khỏe mạnh, vui vẻ, có nhiều mối quan hệ tốt và khả năng thăng tiến cao trong công việc thì cần bồi dưỡng trí tuệ cảm xúc cho trẻ ngay từ khi còn nhỏ. Có rất nhiều cách bồi dưỡng cảm xúc cho trẻ mà cha mẹ có thế áp dụng, phụ huynh có thể tham khảo một số cách thường gặp dưới đây.
Phát triển cảm xúc cho trẻ
Thông qua những câu chuyện trong sách, hay những sự kiện có thật mà cha mẹ kể cho trẻ nghe, trẻ có thể học được sự đa dạng trong cảm xúc, và cách đồng cảm với những người xung quanh. Cha mẹ trong quá trình kể chuyện nên biết dừng lại đúng lúc và cùng trẻ thảo luận về nội dung vừa kể.
Hãy chú ý nhấn mạnh đến cảm xúc của nhân vật, cách nhân vật xử lý cảm xúc, và đặt ra nhiều trường hợp để trẻ có nhiều góc nhìn hơn về vấn đề. Hãy luôn hướng trẻ đến lối suy nghĩ tích cực, cách giải quyết vấn đề trong ôn hòa, hạn chế tối đa xung đột. Tuy nhiên, hãy cho trẻ thấy rằng có đôi lúc bộc lộ cảm xúc trực tiếp cũng là cách giải quyết vấn đề tốt nhất.
Ngoài ra để kích thích trí tưởng tượng và cảm xúc của trẻ, hoạt động đóng kịch là một trong những hoạt động phù hợp nhất. Trẻ có thể hóa thân vào nhân vật và tự mình tìm hiểu về cảm xúc của nhân vật đó thông qua việc tái hiện câu chuyện cùng bố mẹ. Cha mẹ có thể lồng ghép những câu hỏi về những cảm xúc của trẻ, và cách trẻ giải quyết những cảm xúc đó khi đứng ở vị trí nhân vật.
Ngoài ra thông qua câu chuyện, cha mẹ cũng có thể dạy trẻ cách điều chỉnh cảm xúc thông qua những tình huống cụ thể. Cha mẹ cũng phải làm gương bằng cách có thái độ dạy con đúng mực, phù hợp, không cáu gắt hay quát mắng trẻ trong bất cứ tình huống nào. Trẻ sẽ nhìn hành động và thái độ của cha mẹ để học theo, Thế nên nếu cha mẹ không thể quản lý cảm xúc thì rất khó dạy trẻ.
Xây dựng sự tự tin và thành thật với cảm xúc
Để trẻ tự tin và hòa đồng với bạn bè và mọi người xung quanh, cha mẹ cần rèn luyện cho trẻ sự tự tin vào bản thân. Trẻ nên được đánh giá chính xác để hiểu được khả năng của bản thân. Cha mẹ không tâng bốc hay hạ thấp giá trị của trẻ trước mặt trẻ và mọi người, điều này có thể khiến trẻ buồn bã, suy sụp, tự trách và dần đánh mất niềm tin vào bản thân.
Việc đánh giá sai năng lực là con dao hai lưỡi. Nó có thể khiến trẻ tự cao, coi thường và không quan tâm đến cảm xúc của người khác, Ngược lại, việc hạ thấp trẻ có thể gây nên vết thương lòng và đả kích rất lớn vào tâm hồn non nớt của trẻ. Những điều này có hại rất lớn cho sự phát triển trí tuệ cảm xúc EQ của trẻ, vì trẻ chỉ tiếp nhận những ý kiến tiêu cực mà không được cha mẹ xem trọng.
Trẻ cũng cần tinh thần tích cực và động cơ phấn đấu để vượt qua những điều khó khăn trong cuộc sống. Cha mẹ có thể lấy bản thân làm ví dụ để cùng trẻ bàn luận, đưa ra những cách điều chỉnh cảm xúc, tập cách suy nghĩ tích cực và hướng tới cách giải quyết tốt nhất khi gặp khó khăn trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Ngoài ra, thành thật với cảm xúc của bản thân và chấp nhận những cảm xúc tiêu cực cũng là cách rèn luyện trí tuệ cảm xúc EQ tốt cho trẻ. Chỉ khi trẻ chấp nhận chia sẻ, chấp nhận được những khiếm khuyết của bản thân, thì trẻ mới dễ dàng thấu hiểu cho người khác. Hãy lắng nghe và cùng trẻ chia sẻ cảm xúc một cách chân thành.
Hướng dẫn cho trẻ làm điều tốt
Trẻ cần được nuôi dưỡng suy nghĩ tích cực, tấm lòng rộng mở giúp đỡ người khác và biết chia sẻ nỗi đau cùng những hoàn cảnh bất hạnh. Vì thế cha mẹ nên cùng trẻ tham gia các hoạt động tinh nguyện, làm việc thiện để trẻ nuôi dưỡng sự thấu cảm, lòng nhân ái dành cho tất cả mọi người. Đạc biệt, trẻ nên học cách chia sẻ cùng những mảnh đời kém may mắn, từ đó quý trọng những điều mình đang có.
Hãy bắt đầu từ những điều đơn giản nhất như dạy trẻ giúp đỡ người già ở nơi công cộng, nhường vị trí cho phụ nữ mang thai. Cha mẹ cần làm gương và giải thích cho trẻ vì sao phải làm như vậy. Dần dần, trẻ sẽ có ý thức quý trọng và yêu thương những người khó khăn, từ đó giúp đỡ họ một cách chân thành mà không cần hồi báo. Hành động này giúp hình thành nhân cách tốt cho trẻ, giúp trẻ lớn lên thành một người chính trực và có tấm lòng lương thiện.
Vô tư cho đi có thể mang đến những trái ngọt bất ngờ. Biết đâu được sau này, những người được trẻ giúp đỡ có thể mang đến cho trẻ những cơ hội mới, những sự giúp đỡ tận tình khi trẻ gặp khó khăn mà trẻ không hề ngờ tới. Hãy để trẻ hiểu rằng việc vô tư cho đi có thể lan tỏa yêu thương, mang đến cuộc sống vui vẻ và những cơ hội mới cho mọi người.
Tuy nhiên cũng cần nhắc nhở trẻ rằng, giúp đỡ mọi người là một niềm vui, một điều tốt nhưng không phải một nghĩa vụ bắt buộc. Nếu trẻ xem đây là nghĩa vụ và trách nhiệm, trẻ rất dễ bị người xấu lợi dụng. Do đó khi làm việc tốt, trẻ cũng cần EQ cao để xác định đây có phải là việc nên làm, và việc có thể làm hay không. Đừng dạy trẻ thành một người tốt bụng mù quáng.
Khuyến khích trẻ kết bạn
Nhiều bậc phụ huynh lo sợ trẻ bị bắt nạt, khó hòa đồng nên không muốn trẻ tiếp xúc nhiêu với mọi người. Đó hoàn toàn là một suy nghĩ sai lầm. Cha mẹ cần khuyến khích trẻ kết bạn cùng bạn bè đồng trang lứa, để trẻ đi gặp nhiều người mới là cách tốt nhất để phát triển EQ cho trẻ. Trẻ sẽ có cơ hội trải nghiệm và học tập nhiều hơn.
Việc chơi đùa có thể giúp trẻ phát triển khả năng giao tiếp, biết cách chấp nhận những điểm tốt và điểm xấu của nhau, cùng nhau chia sẻ niềm vui nỗi buồn. Ngoài ra rẻ còn có thể học cách giải quyết xung đột, mâu thuẫn khi bất đồng ý kiến. Kỹ năng giải quyết mâu thuẫn rất quan trọng và cần thiết khi trẻ lớn lên và bắt đầu bước chân ra xã hội.
Sau khi hóa giải mâu thuẫn, trẻ có thể đoàn kết và phối hợp tốt hơn trong công việc, vì lúc này mọi người đã biết cách hợp tác và tôn trọng ý kiến, sự khác biệt của nhau. Trẻ có thể cùng bạn bè học hỏi và tìm tòi những kiến thức mới lạ, cũng như hỗ trợ nhau hoàn thành nhiệm vụ được giao. Quá trình này có tác dụng cải thiệu chỉ số EQ, giúp trẻ mở ra những chân trời mới.
Dạy trẻ suy nghĩ tích cực
Để giúp trẻ phát triển tri tuệ cảm xúc EQ, cha mẹ không được tạo cho trẻ những cảm xúc tiêu cực. Có ba điều cha mẹ cần tránh là phớt lờ cảm xúc tiêu cực của trẻ; bỏ mặt và không giúp đỡ hay hướng dẫn trẻ cách vượt qua những giai đoạn khó khăn; la mắng và tỏa thái độ giận dữ khi trẻ buồn bã và đang trong trạng thái tiêu cực. Nếu để tình trạng này kéo dài, trẻ có thể bị ảnh hưởng nặng nề về tâm lý.
Hãy khuyến khích trẻ nói ra những suy nghĩ tiêu cực, sau đó giải thích và hướng trẻ đến cách suy nghĩ tốt và tích cực hơn. Cha mẹ nên học cách chấp nhận những suy nghĩ không tốt của trẻ để có hướng điều chỉnh và uốn nắn cho phù hợp. Hãy tìm hiểu nguyên nhân làm trẻ buồn bã, vui vẻ, thất vọng, giận dữ để giúp trẻ giải phóng những cảm xúc tiêu cực, học cách giữ bình tĩnh và luôn xem xét sự kiện một cách khách quan.
Lạc quan và khách quan là những điều không thể thiếu của những đứa trẻ có EQ cao. Bởi vì đó là điều kiện để trẻ đối diện với mọi vấn đề về sau một cách tích cực và hướng đến những điều tốt đẹp nhất. Trẻ có EQ cao thường có sức sống mạnh mẽ, không đầu hàng trước khó khăn, không bị ảnh hưởng do những yếu tốt tiêu cực bên ngoài tác động, suy nghĩ cẩn thận và có xu hướng tận hưởng cuộc sống một cách vui vẻ hơn.
Nếu cha mẹ muốn trẻ phát triển một cách toàn diện cả về trí não và cảm xúc, thì đừng quên giúp trẻ rèn luyện trí tuệ cảm xúc EQ ngay từ những năng đầu đời. EQ ảnh hưởng đến cảm xúc, cách trẻ nhìn nhận thế giới và thái độ của trẻ đối với những điều xung quanh. Những đứa trẻ có EQ cao thường có nhiều bạn bè, có mối quan hệ tốt đẹp với nhiều người, và dễ có cơ hội thăng tiến hơn.
Có lẽ bạn quan tâm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!