Những đặc điểm phát triển tâm lý của trẻ chậm phát triển trí tuệ

Không thể tập trung, trí nhớ kém, chậm tiếp thu, không có hứng thú trong học tập là những đặc điểm phát triển tâm lý của trẻ chậm phát triển trí tuệ. Theo các chuyên gia thì việc phát hiện ra các dấu hiệu này trong giai đoạn đầu đời của trẻ sẽ giúp con cải thiện được khá nhiều tình trạng bệnh, từ đó con có thể sống chung với xã hội một cách thuận lợi và dễ dàng hơn.

Trẻ chậm phát triển trí tuệ là gì?

Chậm phát triển trí tuệ tức là trong quá trình phát triển trí não của trẻ gặp nhiều khiếm khuyết dẫn đến tình trạng trẻ chậm chạp, gặp nhiều khó khăn trong giao tiếp ngôn ngữ. Trí thông minh và chỉ số IQ của trẻ thấp hơn nhiều so với những đứa trẻ bình thường cùng độ tuổi, thường sẽ ở dưới mức trung bình từ 25 – 75, tùy vào mức độ nặng nhẹ.

Trẻ chậm phát triển trí tuệ do rất nhiều nguyên nhân gây ra, có thể là do di truyền từ bố mẹ, mẹ gặp nhiều vấn đề tiêu cực trong quá trình thai kỳ, bệnh tật và chấn thương sau sinh, do môi trường sống hàng ngày. Tình trạng này thường xuất hiện trong những năm đầu đời của trẻ, vì vậy khá khó để có thể nhận biết bệnh sớm.

Đặc điểm phát triển tâm lý của trẻ chậm phát triển trí tuệ
Trẻ chậm phát triển trí tuệ thường có trí thông minh thấp hơn nhiều so với những đứa trẻ khác

Khi mắc phải tình trạng này, tùy vào mức độ bệnh nặng nhẹ mà trẻ sẽ có những dấu hiệu triệu chứng khác nhau. Bệnh thường gặp ở 4 mức độ đó là:

  • Mức độ nhẹ: Những đứa trẻ này thường có chỉ số IQ từ 50 – 75, trẻ vẫn học tốt các kỹ năng đọc, viết, giao tiếp và đến trường tuy nhiên chậm hơn so với các bạn. Nếu được chăm sóc và hướng dẫn đúng cách thì lớn lên trẻ có thể tự lập và hòa nhập với cộng đồng tốt.
  • Mức độ trung bình: Ở mức này trẻ có chỉ số IQ là từ 35 – 55, với sự hướng dẫn của cha mẹ thì trẻ vẫn có thể tự sinh hoạt cá nhân và đọc viết nhưng khá chậm.
  • Mức độ nặng: Trẻ chậm phát triển trí tuệ ở mức độ nặng có chỉ số IQ dao động trong khoảng 20 – 40, chiếm 3 – 5% trong tổng số trẻ mắc bệnh. Trẻ vẫn có thể học các kỹ năng sống, giao tiếp hàng ngày, nhưng khi lớn lên trẻ cần được giám sát chặt chẽ từ phía người lớn.
  • Mức độ rất nặng: Ở mức độ này, hệ thần kinh trung ương của trẻ bị ảnh hưởng nghiêm trọng nên chỉ số IQ của trẻ rất thấp, chỉ đạt từ 20 – 25. Tuy nhiên, khá hiếm gặp các trường hợp này, tỷ lệ mắc bệnh chỉ vào khoảng 1 – 2%.

Những đặc điểm phát triển tâm lý của trẻ chậm phát triển trí tuệ

Theo các chuyên gia thì trẻ chậm phát triển trí tuệ có thể gặp ở mọi độ tuổi và thường được phát hiện trước 18 tuổi. Việc nắm rõ những đặc điểm phát triển tâm tâm lý đặc trưng của trẻ ở nhóm bệnh này sẽ giúp các bậc cha mẹ sớm tìm ra được hướng điều trị, hỗ trợ rèn luyện cho trẻ cải thiện các triệu chứng tốt hơn.

Qua các công trình nghiên cứu thì các chuyên gia đã chỉ ra trẻ chậm phát triển trí tuệ thường có 5 nhóm đặc điểm cơ bản sau:

1. Đặc điểm về tư duy

Trẻ mắc hội chứng này thường có tư duy chậm chạm, chỉ số IQ thấp hơn nhiều so với những đứa trẻ bình thường. Các kỹ năng ứng xử ngoài xã hội rất kém. Dễ dàng thấy được qua các xử lý công việc, xử lý các tình huống xảy ra thường ngày của con. Tư duy của trẻ luôn trong tình trạng nhìn nhận mọi việc đơn giản.

Chính vì chỉ số thông minh của não bộ ở mức thấp, tư duy kém nên việc tiếp nhận kiến thức cũng như quá trình học tập gặp nhiều khó khăn, chẳng hạn các hoạt động vệ sinh các nhân như tắm rửa, thay đồ, chải đầu, mang giày dép, đánh răng hoặc thậm chí là tự chơi trò chơi tuy đã được cha mẹ, người lớn hướng dẫn nhưng cũng gặp nhiều trở ngại, khó tiếp thu và làm theo.

2. Đặc điểm về trí nhớ

Hầu hết những đứa trẻ mắc chứng chậm phát triển trí tuệ thường có trí nhớ kém, hạn chế và ngắn hạn. Tùy vào mức độ bệnh mà khả năng ghi nhớ thông tin bị ảnh hưởng nhiều hay ít. Nói một cách đơn giản và dễ hiểu những việc vừa xảy ra chỉ mới vài phút trước nhưng con có thể quên lãng, không hề nhớ ra hoặc cũng có thể nhớ nhưng không được rõ ràng, cụ thể, rành mạch.

Đặc điểm phát triển tâm lý của trẻ chậm phát triển trí tuệ
Trẻ chậm phát triển trí tuệ thường có trí nhớ kém, không tập trung trong mọi việc

Trí nhớ kém và ngắn hạn, nói trước quên sau nên việc tiếp thu các kiến thức và kỹ năng mới trong đời sống của trẻ diễn ra rất khó khăn. Cha mẹ hoặc người lớn cần phải hướng dẫn kỹ càng, cụ thể và lặp lại sự việc nhiều lần thì trẻ mới có thể hiểu được. Đồng thời con cần rất nhiều sự trợ giúp của người lớn thì mới có thể thực hiện tốt các hoạt động thường ngày.

3. Đặc điểm về ngôn ngữ

Bộ não có chức năng điều khiển lời nói và các hoạt động của các cơ quan trong cơ thể con người. Nhưng đối với trẻ chậm phát triển trí tuệ thì não bộ của trẻ bị khiếm khuyết và ảnh hưởng nghiêm trọng do đó ngôn ngữ của trẻ thường gặp nhiều hạn chế, người lớn có thể rất dễ dàng nhận ra đặc điểm này.

Nếu trẻ trong độ tuổi tập nói thì chúng ta sẽ thấy trẻ bị chậm nói, khả năng phát triển ngôn ngữ kém, thậm chí bước qua 2 tuổi nhưng vẫn chưa thể nói được các từ một âm tiết rõ ràng. Còn đối với trẻ từ 4 – 5 tuổi hoặc lớn hơn thì việc phát âm không rõ ràng, mạch lạc, câu nói thường bị đảo lộn câu từ khiến người nghe không rõ nghĩa.

4. Đặc điểm về tri giác và cảm giác

Rối loạn tri giác và cảm giác cũng là một trong những đặc điểm phát triển tâm lý của trẻ chậm phát triển trí tuệ cơ bản mà các bậc cha mẹ dễ dàng nhận thấy. Trẻ gặp chứng bệnh này thường khó nhận biết và phân biệt rõ ràng về các sự việc, sự vật diễn ra trước mắt. Khả năng quan sát kém, thao tác kém linh hoạt và việc nhìn nhận vấn đề bị hạn chế nghiêm trọng.

Cha mẹ có thể thực hiện ngay bài Test để kiểm tra về đặc điểm tâm lý này cho trẻ ngay tại nhà bằng cách đưa ra các màu sắc và yêu cầu trẻ phân biệt hoặc cũng có thể đưa ra hai bức ảnh gần giống nhau và nhờ trẻ tìm ra những điểm khác biệt giữa hai bức tranh.

Vấn đề tri giác bị ảnh hưởng nghiêm trọng nên trẻ chậm phát triển trí tuệ thường rất khó tập trung, khả năng chú ý kém, rất khó theo học các chương trình học tập của các bạn bình thường cùng độ tuổi.

5. Đặc điểm về tình cảm

Khi bị rối loạn về sự phát triển thể chất, tâm lý thì chắc chắn các vấn đề về cảm xúc, tình cảm của trẻ cũng sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều. Đối với trẻ chậm phát triển trí tuệ thường có những cảm xúc vô cùng hỗn loạn, rối loạn tâm thần, khó khăn trong việc ứng xử, hành xử xã hội.

Đặc điểm phát triển tâm lý của trẻ chậm phát triển trí tuệ
Khi mắc hội chứng này trẻ thường có tâm lý bất ổn, dễ cáu gắt, bướng bỉnh

Trẻ khó phân biệt được các cảm giác giận hơn, yêu ghét để có thể thể hiện với những người xung quanh, thậm chí không thể nhận thức được mình là một con người như thế nào. Vì gặp vấn đề về rối loạn cảm xúc nên trẻ mắc hội chứng này có thể có những hành vi tiêu cực không kiểm soát được như tự gây thương tích trên cơ thể, bướng bỉnh, hiếu chiến, hung hãn, hành vi công kích người khác, thiếu suy nghĩ, bồng bột, tự vệ thái quá, quá tự tin hoặc quá tự ti.

Đối với trẻ chậm phát triển trí tuệ thì các cột mốc phát triển bình thường của trẻ sẽ không đạt được. Cha mẹ là những người gần gũi nhất với trẻ nên dễ dàng nhận ra những điểm khác thường ở con. Việc sớm nhận biết những điều bất thường này sẽ giúp con có cơ hội điều trị và cải thiện các triệu chứng bệnh hiệu quả hơn, từ đó giúp con sống hòa nhập với cộng đồng một cách tốt hơn.

Trẻ chậm phát triển trí tuệ bố mẹ nên làm gì?

Đối với các bậc cha mẹ, khi đối mặt với những vấn đề này họ thường rất sốc, gặp các chấn thương tâm lý như buồn phiền, tuyệt vọng. Không chỉ vậy, việc chăm sóc một đứa trẻ chậm phát triển trí tuệ rất khó khăn và tốn kém, tuy nhiên cha mẹ cũng cần hết sức bình tĩnh và tìm ra phương pháp hỗ trợ điều trị cho trẻ, lúc này những việc nên làm nhất để giúp trẻ cải thiện bệnh đó là:

Đặc điểm phát triển tâm lý của trẻ chậm phát triển trí tuệ
Thăm khám cho trẻ ngay khi phát hiện những biểu hiện bất thường về tâm lý, tính cách
  • Thăm khám: Khi thấy những dấu hiệu bất thường ở trẻ như chậm nói, ngây ngô, chậm chạp, tư duy chậm phát triển thì cha mẹ cần đưa trẻ thăm khám ngay. Với sự hỗ trợ của chuyên gia, bác sĩ hoặc các giáo viên chuyên biệt sẽ đưa ra kết quả chính xác nhất. Từ đó cả phía trung tâm chuyên biệt, bệnh viện và gia đình sẽ cùng nhau kết hợp giáo dục và chữa trị cho trẻ để con sớm cải thiện bệnh.
  • Môi trường gia đình: Gia đình là nguồn gốc, là cái nôi phát triển về thể chất lẫn tinh thần của mỗi đứa trẻ. Vì vậy, tất cả các thành viên trong nhà cần tạo nên một môi trường sống hạnh phúc, ấm áp, ở đó có sự quan tâm, yêu thương và gắn kết chặt chẽ. Những điều này cũng là động lực giúp con cố gắng vượt qua bệnh tật, xoa dịu những vết thương tâm hồn ở trẻ.
  • Cho trẻ tham gia nhiều hoạt động: Trẻ gặp các vấn đề về trí não thường chậm chạp, ngại vận động và tiếp xúc với mọi người. Vì vậy, cha mẹ nên dành nhiều thời gian đưa con ra ngoài, tích cực cho con tham gia các trò chơi vận động ngoài trời, các hoạt động ngoại khóa để từ đó con con được tiếp xúc và hòa mình nơi đông người. Chắc chắn các kỹ năng về ngôn ngữ, giao tiếp và vận động của trẻ sẽ được cải thiện theo hướng tích cực.
  • Hướng dẫn con các kỹ năng: Những kỹ năng mềm như dạy cho con tự chăm sóc bản thân, vệ sinh cá nhân, sắp xếp đồ đạc ngăn nắp, thu dọn đồ sau khi chơi là những vấn đề vô cùng thiết yếu và quan trọng không thể bỏ qua. Vì đây là những công việc hàng ngày trẻ phải tiếp xúc và cần hoàn thành. Những điều này sẽ giúp con linh hoạt, tăng khả năng tư duy và giảm bớt tác phong chậm chạp, khi lớn lên con biết cách tự lập và sống hòa nhập với xã hội.

Ngăn ngừa tình trạng chậm phát triển trí tuệ ở trẻ

Trẻ chậm phát triển trí tuệ thường do rất nhiều nhóm nguyên nhân gây ra, chẳng hạn như do quá trình mang thai người mẹ gặp nhiều vấn đề bất lợi, do di truyền, thương tích, bệnh tật hoặc môi trường sống không lành mạnh. Sinh con ra ai cũng muốn con được khỏe mạnh, phát triển bình thường như bao đứa trẻ khác. Chính vì vậy, để hạn chế mức thấp nhất trẻ mắc các chứng bệnh về trí não, trong đó có chậm phát triển trí tuệ thì các bậc cha mẹ nên:

Đặc điểm phát triển tâm lý của trẻ chậm phát triển trí tuệ
Tiêm phòng đầy đủ giúp trẻ chống lại được nhiều chứng bệnh nguy hiểm
  • Trước khi có ý định sinh con thì các cặp vợ chồng nên khám sức khỏe tiền sinh sản. Hoặc trong quá trình mang thai cần khám định kỳ để sớm phát hiện nếu thai nhi gặp các vấn đề không mong muốn thì có thể đình chỉ thai theo sự chỉ định của bác sĩ.
  • Khi mang thai, người mẹ nên tránh các hoạt động tiêu cực như thường xuyên uống rượu bia, hút thuốc, sử dụng chất kích thích, vì những điều này sẽ khiến thai nhi rất dễ gặp các vấn đề về trí não.
  • Mẹ nên có chế độ ăn uống lành mạnh, bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng bằng các loại hoa quả tươi, rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt.
  • Nếu mẹ gặp các chứng bệnh nguy hiểm như sốt vi rút, rubella, rối loạn tuyến sữa, nhiễm ký sinh trùng toxoplasma thì cần điều trị sớm và triệt để.
  • Cần tiêm phòng đầy đủ trong quá trình mang thai để phòng ngừa các chứng bệnh cho cả mẹ và bé. Sau khi con được sinh ra cũng được chích đủ các mũi, đặc biệt là thủy đậu, sởi.
  • Cần cho trẻ đội mũ bảo hiểm khi đi ra ngoài để tránh gặp các tai nạn gây thương tích vùng đầu. Để xa tầm tay trẻ những vật dụng chứa chì, chất độc hại.

Trên đây là tổng hợp những đặc điểm phát triển tâm lý của trẻ chậm phát triển trí tuệ, các bậc cha mẹ nên tham khảo để nắm rõ hơn để từ đó có phương pháp xử lý cũng như hỗ trợ điều trị cho trẻ tốt hơn. Bởi vì trẻ nhỏ mắc chứng bệnh về trí não thường gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng và hệ lụy cho chính bản thân, gia đình và xã hội. Hãy để trẻ được sinh ra khỏe mạnh, sống trong môi trường lành mạnh và phát triển một cách toàn diện.

Thông tin hữu ích cho bạn:

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

trẻ chậm nói có phải kém thông minh không
Trẻ chậm nói có phải kém thông minh?

Vấn đề chậm nói ở trẻ có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân như cơ quan phát âm có khiếm khuyết, hoặc trẻ có...

Giáo viên cần làm gì khi gặp trẻ tự kỷ để giúp trẻ hoà nhập

Bản thân trẻ tự kỷ có hành vi, cảm xúc khác biệt so với những trẻ bình thường. Do đó khi tiếp nhận trẻ, hầu...

20 Kỹ năng sống cho trẻ mầm non cần thiết nên trang bị từ sớm

Các bậc phụ huynh thường chỉ quan tâm cho trẻ học chữ, trang bị kiến thức văn hóa mà bỏ qua những kỹ năng quan...

Các vấn đề về phát triển ở trẻ em cha mẹ cần hiểu rõ và theo dõi

Theo các chuyên gia, đối với bất kỳ một đứa trẻ nào cũng đều có sự phát triển thể chất và trí não một cách...