Bài tập cơ miệng cho trẻ chậm nói đơn giản cho bé luyện tại nhà

Các hoạt động đơn giản như thổi, hút, thở, đánh răng là những bài tập cơ miệng cho trẻ chậm nói đơn giản có thể thực hiện ngay tại nhà nhưng đem lại hiệu quả cao. Theo các chuyên gia, những trẻ có cơ quan phát âm như miệng, môi, lưỡi không linh hoạt, vận động cơ miệng yếu sẽ dẫn đến tình trạng trẻ chậm nói. Do đó, một trong những cách khắc phục chậm nói đó chính là tập cơ miệng trở nên dẻo dai, linh hoạt hơn.

Cấu tạo và chức năng của khoang miệng ở trẻ

Theo cấu tạo trong cơ thể con người, khoang miệng là nơi giao thoa và thông giữa bên ngoài và bên trong cơ thể. Hệ thống khoang miệng nằm ở vị trí phía trước bên trên của khuôn mặt, bao gồm các bộ phận như môi, má, khẩu cái, sàn miệng, yết hầu.

Khoang miệng đảm nhiệm nhiều chức năng vô cùng quan trọng trong cơ thể, đó là tiêu hóa thức ăn, hô hấp, hỗ trợ thăng bằng thính giác và thị giác, dẫn lưu xoang với môi trường bên ngoài, phát âm.

Bài tập cơ miệng cho trẻ chậm nói
Cơ miệng và các bộ phận liên quan đóng vai trò quan trọng trong việc phát âm

Đối với chức năng phát âm thì việc phát ra âm thanh là cả một quá trình phức tạp, đòi hỏi các thao tác phải được diễn ra theo thứ tự. Đầu tiền khi không khí thoát ra bên ngoài thông qua các dây âm thanh trong thanh quản. Các dây âm thanh này bắt đầu rung lên và tạo ra âm thanh. Lúc này chuyển động của môi và lưỡi giúp định hình âm thanh. Ngoài ra, các bộ phận khác như mũi, vòm miệng mềm, vòng miệng cứng đều có liên quan đến việc tạo ra âm thanh.

Do đó, khi một trong những bộ phận nằm trong khoang miệng của trẻ bị tổn thương hoặc hoạt động kém, không phát triển bình thường thì chắc chắn việc phát ra âm thanh, chức năng nói bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Điều này dẫn đến tình trạng trẻ chậm nói, chậm phát triển ngôn ngữ.

Bài tập cơ miệng cho trẻ chậm nói hiệu quả

Như đã chia sẻ, một trong những nguyên nhân chính gây nên tình trạng chậm nói ở trẻ là do cơ miệng và các cơ quan liên quan trong khoang miệng hoạt động yếu, không linh hoạt. Do đó, cần phải cải thiện chức năng vận động cơ miệng, thúc đẩy các cơ quan phối hợp với nhau một cách ăn ý, nhịp nhàng để giúp trẻ sớm bật âm.

Dưới đây là tổng hợp 5 bài tập cơ miệng cho trẻ chậm nói tại nhà đơn giản mà đem lại hiệu quả cao. Các bậc cha mẹ có thể tham khảo và áp dụng ngay cho con trẻ, cụ thể:

1. Bài tập thổi giúp bé sớm bật âm

Hoạt động “thổi” sẽ giúp bộ phận má và môi cải thiện được tình trạng yếu, tăng sức bền cho lưỡi. Do đó, mẹ có thể chuẩn bị dụng cụ và hướng dẫn con trẻ thực hiện các bài tập thổi đơn giản như:

Bài tập cơ miệng cho trẻ chậm nói
Khi thổi bong bóng sẽ giúp trẻ luyện cơ miệng dẻo dai, lưỡi hoạt động linh hoạt hơn
  • Thổi bong bóng đồ chơi hoặc thổi chiếc thuyền giấy trên mặt nước, thổi những chiếc lông nhẹ nhàng.
  • Khi tắm mẹ có thể tạo bong bóng xà phòng cho trẻ chơi và kết hợp thổi chúng.
  • Khi ăn cơm tập cho trẻ thổi cơm nóng.
  • Xếp hoặc mua những chiếc chong chóng giấy và dạy cho trẻ thổi, làm quay chúng.
  • Lấy hơi và phà hơi thở vào kính hoặc gương để vẽ ra các hình yêu thích.
  • Đối với những trẻ 3 đến 5 tuổi cha mẹ có thể tập cho trẻ thổi sáo, vì bài tập này tương đối khó hơn.
  • Cha mẹ cũng có thể dạy con tập luyện các kỹ năng vận động thô như đạp xe, chạy bộ để kiểm soát hơi thở.

2. Bài tập thở cho trẻ chậm nói

Theo các chuyên gia, hơi thở đóng vai trò quan trọng trong việc điều khiển các âm, đồng thời giảm căng thẳng, tăng sự tập trung, giảm triệu chứng hen suyễn ở trẻ. Do đó, việc kiểm soát được hơi thở sẽ giúp trẻ phát âm tốt và chuẩn hơn. Hàng ngày mẹ nên tập cho trẻ cách hít thở sâu, nhẹ nhàng bằng cách sau:

Bài tập cơ miệng cho trẻ chậm nói
Theo nghiên cứu, hơi thở đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc tạo ra âm thanh
  • Cho trẻ ngồi lên ghế, thả lỏng chân và cơ thể.
  • Đặt tay vào lòng, thả lỏng phần vai và các cơ xung quanh mắt, miệng.
  • Bắt đầu hít thở chậm, từ từ hít vào bằng phần mũi khoảng 3 – 5 giây, sau đó thở ra bằng miệng.
  • Khi thở ra nên phồng phần miệng kèm theo các âm thanh nhẹ nhàng, như vậy sẽ kết hợp kiểm soát hơi thở vừa vận động cơ miệng.
  • Lặp đi lặp lại động tác này khoảng 5 lần, mỗi ngày nên thực hiện 2 lần.
  • Lưu ý, trong khi giúp con hít thở sâu cha mẹ nên tạo không gian yên tĩnh, tắt hết các thiết bị di động, ti vi.

3. Bài tập cảm nhận về miệng và lưỡi

Trẻ chậm nói thường rất kém trong việc cảm nhận được hoạt động của môi và lưỡi của mình. Những bộ phận này có chức năng đóng góp và hỗ trợ tạo ra âm thanh. Do đó, cha mẹ nên hướng dẫn và tập cho con nhận thức được sự vận động của môi, lưỡi, miệng, đồng thời kết hợp linh hoạt những bộ phận này bằng các cách đơn giản sau:

Bài tập cơ miệng cho trẻ chậm nói
Cha mẹ có thể hướng dẫn trẻ bắt chước các động tác liếm môi, cong lưỡi để giúp con cải thiện khả năng phát âm
  • Chuẩn bị một cốc nước lọc hoặc nước hoa quả, cho vào ly một chiếc ống hút và để trẻ tự hút nước uống. Bài tập này giúp vòm miệng của trẻ tăng cường độ mềm, dẻo dai.
  • Cho trẻ ăn các thức ăn có độ thô cứng như rau củ quả, bánh mì để con tập nhai nuốt. Khi nhai sẽ giúp phần cơ má massage nhẹ nhàng.
  • Thoa một chút mật ong hoặc đồ ngọt lên môi của trẻ để tập con liếm bằng lưỡi của mình và cảm nhận.
  • Cha mẹ tập cho con bắt chước các hành động đơn giản như thè lưỡi, uốn cong lưỡi lên, liếm lưỡi quanh miệng, búng lưỡi, phồng má, bĩu môi, hôn gió, ngậm mảnh giấy giữa hai môi, mỉm cười.
  • Tập cho trẻ chơi các trò chơi bắt chước các giai điệu, bài hát vui nhộn, tiếng động vật kêu.
  • Mẹ cũng có thể nhẹ nhàng massage các cơ má, cơ miệng của trẻ bằng các đầu ngón tay trong khi trẻ tắm.
  • Tập cho con đánh răng để giúp con nhận biết được xúc giác, đồng thời bảo vệ răng miệng tránh sâu răng, hôi miệng.

4. Bài tập luyện phát âm cho trẻ

Trẻ chậm nói không chỉ chậm phát âm, mà khi phát âm thường bị sai lệch, không chuẩn xác. Do đó, cha mẹ nên tập cho con trẻ cách phát âm, để đảm bảo con nói rõ ràng, chính xác, người nghe hiểu được vấn đề. Bước đầu cha mẹ nên tập cho con những âm tiết đơn giản thuộc các chủ đề quen thuộc gần gũi với đời sống của trẻ như động vật, hoa quả, giao thông.

Đồng thời nên dạy trẻ những âm tiết cơ bản như a, b, c, d, o, u, e. Tốt nhất mẹ nên chọn những bài thơ, bài đồng dao có âm vần dễ nhớ, chẳng hạn như:

Bài tập cơ miệng cho trẻ chậm nói
Cha mẹ nên tập cho trẻ phát âm thông qua các bài thơ, bài hát để trẻ dễ dàng tiếp thu

Đọc bài thơ: “Tập tầm vông”

“Tập tầm vông, tay không tay có?

Tập tầm vó, tay có tay không?

Tay nào có? Tay nào không?

Tay nào không? Tay nào có?”

Hoặc bài thơ “Con gà”

“Mẹ mua cho bé
Mấy chú gà con
Đứng trên mâm tròn
Đua nhau mổ thóc
Tốc tốc tốc tốc”.

Ngoài ra, cha mẹ cũng có thể tập cho trẻ phát âm bằng cách bắt tiếng kêu của các loài động vật quen thuộc như con chó kêu “gâu gâu”, con gà kêu “ò ó o”, con mèo kêu “meo meo”, con gà con kêu ” chíp chíp”, con lợn kêu “ịch ịch”, con bò kêu ” um bò, um bò”.

Để tập cho trẻ cách phát âm chuẩn, cha mẹ nên ngồi đối diện với trẻ, sao cho trẻ có thể nhìn rõ nhất vào khẩu hình miệng của người lớn. Nên nói ro rõ ràng, lặp đi lặp lại nhiều lần, phát âm tròn vành. Có thể sử dụng thêm các loại tranh ảnh, thẻ học để minh họa nhằm kích thích sự hứng thú học tập, giúp trẻ dễ dàng tiếp thu kiến thức hơn.

Lưu ý khi thực hiện bài tập cơ miệng cho trẻ chậm nói

Để thực hiện tốt các bài tập cơ miệng cho trẻ chậm nói tại nhà không phải là điều đơn giản, bởi vì trẻ chưa nhận thức được mọi vấn đề. Do đó, các bậc phụ huynh cần lưu ý những vấn đề cơ bản sau:

Bài tập cơ miệng cho trẻ chậm nói
Cha mẹ và các thành viên trong gia đình cần đồng hành cùng trẻ trong quá trình điều trị chậm nói
  • Cha mẹ nên đồng hành và kiên trì cùng trẻ tập luyện các bài tập cơ miệng hàng ngày, cố gắng thực hiện trong một thời gian dài nhất định thì mới có hiệu quả.
  • Nếu có điều kiện, tất cả mọi người trong gia đình hãy cùng tập luyện các bài tập với trẻ để tạo tính hứng thú, tránh sự nhàm chán khiến trẻ không tập trung.
  • Nên kiên nhẫn để con học tập và rèn luyện các kỹ năng mới, không nên bực bội, la mắng, đánh đập trẻ khi con không tiếp thu được vấn đề.
  • Ngoài thực hiện các bài tập cơ miệng cho trẻ chậm nói thì cha mẹ nên kết hợp thêm các phương pháp điều trị khác như âm ngữ trị liệu, phương pháp tâm vận động để giúp con sớm bật âm.
  • Xây dựng cho trẻ một chế độ ăn uống cũng như sinh hoạt khoa học, đặc biệt là bổ sung các thành phần tốt cho trẻ chậm nói như Omega-3, Phospholipid để giúp con vừa phát triển toàn diện vừa cải thiện khả năng nói.

Trên đây là tổng hợp những bài tập cơ miệng cho trẻ chậm nói đơn giản, các bậc phụ huynh có thể tham khảo để nắm rõ hơn và áp dụng cho trẻ ngay tại nhà để giúp con sớm bật âm, cải thiện ngôn ngữ. Cha mẹ cũng nên lưu ý, nếu tình trạng trẻ chậm nói kéo dài quá lâu, khi bước qua độ tuổi tập nói nhưng trẻ vẫn không thể phát âm được những âm tiết đơn giản thì chúng ta cần đưa trẻ đến các trung tâm y tế để thăm khám ngay.

Có thể bạn quan tâm:

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các vấn đề về phát triển ở trẻ em cha mẹ cần hiểu rõ và theo dõi

Theo các chuyên gia, đối với bất kỳ một đứa trẻ nào cũng đều có sự phát triển thể chất và trí não một cách...

Phương pháp Floortime (DIR) trong can thiệp và chăm sóc trẻ tự kỷ

Việc áp dụng mô hình phương pháp Floortime (DIR) trong quá trình giáo dục và chăm sóc trẻ tự kỷ đang được đánh giá mang...

Áp dụng Phương pháp TEACCH trong dạy và chăm sóc trẻ tự kỷ

Phương pháp TEACCH được phát triển dựa trên bằng chứng cho rằng người tự kỷ có xu hướng học tập bằng thị giác. Phương pháp...

Đếm bộ phận cơ thể cũng là một trong những trò chơi phát triển ngôn ngữ cho trẻ mầm non hay
TOP 10 trò chơi phát triển ngôn ngữ cho trẻ mầm non hay nhất

Thay vì dạy trẻ theo phương pháp truyền thống đơn thuần, chúng ta có thể sử dụng các trò chơi giáo dục để giúp trẻ...