Bảng kiểm tra sàng lọc tự kỷ dành cho trẻ mới biết đi (M-CHAT)

Bảng kiểm tra sàng lọc tự kỷ M-CHAT là bộ công cụ được thiết kế để phát hiện sớm các dấu hiệu rối loạn phổ tự kỷ ở trẻ mới biết đi, trong độ tuổi từ 16 – 30 tháng tuổi. Bảng kiểm tra được sử dụng rộng rãi trên thế giới, có độ chính xác và mức độ tin cậy cao.

Bảng kiểm tra sàng lọc tự kỷ M-CHAT là gì?

Bảng kiểm tra sàng lọc tự kỷ M-CHAT là bộ công cụ gồm 23 câu hỏi để đánh giá, phát hiện rối loạn phổ tự kỷ ở trẻ từ 16 đến 30 tháng tuổi. M-CHAT (Modified Checklist for Autism in Toddlers) được phát triển bởi nhà tâm lý học Diana Robins, Deborah Fein và nhà tâm lý học lâm sàng Marianne Barton.

Trẻ mới biết đi trong độ tuổi từ 16 - 30 tháng tuổi nên được sàng lọc nguy cơ tự kỷ
Trẻ mới biết đi trong độ tuổi từ 16 – 30 tháng tuổi nên được sàng lọc tự kỷ

Trong đó, phiên bản gốc có 23 câu hỏi, được sử dụng từ năm 1999. Sau này, để hạn chế tình trạng dương tính giả, các tác giả đã chỉnh sửa và phát triển thành M-CHAT-R (bảng sàng lọc đã chỉnh sửa) và M-CHAT-R/F (bảng sàng lọc đã chỉnh sửa kèm với phần theo dõi). Trong đó, M-CHAT-R/F và M-CHAT-R có 20 câu hỏi, được sử dụng phổ biến hiện nay.

Mục đích cơ bản của M-CHAT là phát hiện tối đa các trường hợp có nguy cơ tự kỷ. Do đó tỷ lệ dương tính giả là tương đối cao. Tức là không phải các trẻ có điểm cao khi thực hiện bài test đều được chẩn đoán là rối loạn phổ tự kỷ. Có thể có nhiều trẻ không hề mắc tự kỷ, kết quả của M-CHAT chỉ giúp ba mẹ và người chăm sóc kịp thời đưa con đi đánh giá chuyên sâu.

Khi nào nên sử dụng bảng kiểm tra sàng lọc tự kỷ M-CHAT?

M-CHAT được sử dụng rộng rãi tại nhiều quốc gia trên thế giới. Đây là bảng câu hỏi được sử dụng để sàng lọc, đánh giá nguy cơ tự kỷ để cha mẹ và các bác sĩ, chuyên gia tâm lý phát hiện tối đa các trường hợp có nguy cơ cao.

M-CHAT hiện có bản chỉnh sửa M-CHAT-R và bản đánh giá chuyên sâu M-CHAT-R/F
M-CHAT hiện có bản chỉnh sửa M-CHAT-R và bản đánh giá chuyên sâu M-CHAT-R/F

M-CHAT-R là phiên bản đã chỉnh sửa của M-CHAT, được phát hành vào năm 2013. Cha mẹ, người chăm sóc và nhà chuyên môn có thể sử dụng tại nhà để sàng lọc, phát hiện nguy cơ mắc tự kỷ, rối loạn phổ tự kỷ ở trẻ em. Khi trẻ ở nhóm giáp ranh (từ 3 – 7 điểm), có nguy cơ cao, có thể sử dụng bảng kiểm tra M-CHAT-R/F để làm rõ các câu hỏi mà trẻ không đạt nhằm giúp kết quả chính xác hơn.

Bạn nên sử dụng bảng kiểm tra sàng lọc tự kỷ  M-CHAT cho trẻ mới biết đi khi:

  • Trẻ trong độ tuổi từ 16 – 30 tháng
  • Trẻ có dấu hiệu chậm phát triển, ít tiếp xúc mắt, không phản ứng khi được gọi tên, không chỉ trỏ
  • Khi gia đình có người có tiền sử mắc tự kỷ hoặc các rối loạn phát triển có liên quan
  • Khi trẻ có các yếu tố nguy cơ như sinh non, nhẹ cân hoặc có các vấn đề y tế khác giai đoạn sơ sinh

Bảng kiểm tra M-CHAT cũng thường được các bác sĩ nhi khoa sử dụng khi trẻ đến thăm khám sức khỏe định kỳ. Đây là công cụ hỗ trợ sớm phát hiện dấu hiệu của ASD ngay cả khi trẻ không có các mối lo ngại cụ thể.

Ý nghĩa của bảng kiểm tra sàng lọc M-CHAT

Rối loạn phổ tự kỷ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển. Tình trạng này sẽ được cải thiện đáng kể nếu được phát hiện và can thiệp sớm. Theo Hiệp hội Nhi khoa Mỹ, tất cả các phụ huynh nên thực hiện các sàng lọc phát triển vào thời điểm trẻ được 9, 18, 24, 30 tháng và sàng lọc rối loạn tự kỷ khi trẻ được 16 – 30 tháng tuổi.

Việc sử dụng M-CHAT có những ý nghĩa sau đây:

  • Phát hiện sớm các dấu hiệu rối loạn phổ tự kỷ ở trẻ nhằm có biện pháp can thiệp kịp thời
  • Theo dõi, đánh giá mức độ các triệu chứng rối loạn phổ tự kỷ ở trẻ
  • Theo dõi, đánh giá hiệu quả của phương pháp trị liệu

M-CHAT-R gồm 20 câu hỏi đơn giản, dễ sử dụng, có thể thực hiện bởi phụ huynh hoặc các chuyên gia y tế. Được chứng minh là công cụ mang đến hiệu quả tốt trong việc sàng lọc, phát hiện trẻ có nguy cơ rối loạn phổ tự kỷ.

Nội dung bảng kiểm tra sàng lọc tự kỷ M-CHAT cho trẻ mới biết đi

M-CHAT-R là bảng kiểm tra được nhóm tác giả chỉnh sửa vào năm 2013 và được sử dụng rộng rãi cho đến hiện nay. Bảng kiểm tra này gồm 20 câu hỏi, mỗi câu hỏi yêu cầu ba mẹ hoặc người chăm sóc trả lời về hành vi của trẻ. Nội dung của các câu hỏi chủ yếu xoay quanh các khía cạnh về kỹ năng ngôn ngữ, giao tiếp xã hội và hành vi của trẻ.

Nguy cơ tự kỷ của trẻ sẽ được đánh giá qua tổng số điểm của bài test
Nguy cơ tự kỷ của trẻ sẽ được đánh giá qua tổng số điểm của bài test

Nội dung bảng kiểm tra sàng lọc tự kỷ ở trẻ mới biết đi từ 16 – 30 tháng tuổi như sau:

1. Khi bạn chỉ tay vào một điểm trong phòng, con có nhìn theo không?

  • Có – 0 điểm
  • Không – 1 điểm

Ví dụ: Nếu bạn chỉ tay vào đồ chơi, con có nhìn vào món đồ chơi đó không?

2. Trẻ có vấn đề về thính giác hay không?

  • Không  – 0 điểm
  • Có – 1 điểm

Mở rộng: Con bạn có:

  • Lờ đi âm thanh hay không?
  • Lờ người khác đi hay không?

Trường hợp cả 2 đều không, trẻ bình thường 0 điểm. Trường hợp có 1 trong 2, trẻ có dấu hiệu ám chỉ rối loạn tự kỷ, 1 điểm.

3. Con bạn có chơi trò giả vờ hay tưởng tượng không?

  • Có – 0 điểm
  • Không – 1 điểm

Ví dụ: Trẻ giả vờ uống nước từ 1 cốc đồ chơi hay giả vờ nói chuyện điện thoại, giả vờ ăn khi chơi đồ chơi…

4. Trẻ có thích leo trèo lên các đồ vật hay không?

  • Có – 0 điểm
  • Không – 1 điểm

Ví dụ: Trèo lên bàn, ghế, đồ đạc trong nhà, đồ chơi ngoài trời…

5. Trẻ có chuyển động ngón tay một cách bất thường hay không? 

  • Không  – 0 điểm
  • Có – 1 điểm

Ví dụ: Trẻ vẫy hoặc ngọ nguậy ngón tay trước mắt mình, đưa ngón tay lại gần ngay sát mắt…

6. Trẻ có chỉ tay để muốn được giúp đỡ hoặc yêu cầu việc gì đó hay không?

  • Có – 0 điểm
  • Không – 1 điểm

Ví dụ: Chỉ tay vào cốc nước khi muốn uống nước, chỉ tay vào món đồ chơi ngoài tầm với, chỉ tay vào món ăn muốn ăn…

7. Trẻ có dùng ngón tay để chỉ cho bạn xem thứ gì đó thú vị mà con thấy hay không?

  • Có – 0 điểm
  • Không – 1 điểm

Ví dụ: Chỉ tay vào máy bay, chỉ tay vào món đồ chơi, chỉ tay vào 1 cái xe lớn trên đường…

8. Trẻ có thích chơi với những đứa trẻ khác không?

  • Có – 0 điểm
  • Không – 1 điểm

9. Trẻ có khoe với bạn những món đồ con thích bằng cách mang hay ôm chúng đến chỗ bạn hay không?

  • Có – 0 điểm
  • Không – 1 điểm

10. Trẻ có đáp lại khi được gọi tên hay không?

  • Có – 0 điểm
  • Không – 1 điểm

11. Trẻ có cười lại khi bạn cười với con không?

  • Có – 0 điểm
  • Không – 1 điểm
Trẻ không có dấu hiệu tự kỷ sẽ cười lại khi mẹ cười với trẻ
Trẻ không có dấu hiệu tự kỷ sẽ cười lại khi mẹ cười với trẻ

12. Trẻ có cảm thấy khó chịu bởi các tiếng ồn xung quanh không?

  • Không  – 0 điểm
  • Có – 1 điểm

Ví dụ: Gào khóc khi nghe tiếng máy hút bụi, tiếng máy sấy tóc, tiếng máy khoan hoặc tiếng nhạc to…

13. Con có tự đi bộ hay không?

  • Có – 0 điểm
  • Không – 1 điểm

14. Con có nhìn vào mắt bạn khi bạn nói chuyện, chơi hoặc mặc quần áo cho bé không?

  • Có – 0 điểm
  • Không – 1 điểm

15. Có có bắt chước những gì bạn làm không?

  • Có – 0 điểm
  • Không – 1 điểm

Ví dụ: Con bắt chước vỗ tay, tạo ra âm thanh giống bạn hoặc giậm chân theo bạn…

16. Con có nhìn xung quanh để xem bạn đang nhìn cái gì khi bạn đột ngột quay đầu để nhìn một thứ gì đó hay không?

  • Có – 0 điểm
  • Không – 1 điểm

17. Con có muốn bạn nhìn con không?

  • Có – 0 điểm
  • Không – 1 điểm

Ví dụ: Con muốn bạn nhìn và khen ngợi khi trẻ làm được điều gì đó, hoặc nói mẹ nhìn/mẹ xem để thu hút sự chú ý của bạn

18. Con có thể làm theo hướng dẫn bằng lời nói không?

  • Có – 0 điểm
  • Không – 1 điểm

Ví dụ: Trẻ cất sách đồ chơi vào giỏ khi nghe bạn nói cất đồ chơi vào giỏ mà không chỉ tay, hoặc mang sách cho bạn khi bạn nói “đưa cho mẹ quyển sách”

19. Con có nhìn xem phản ứng của bạn khi một thứ gì đó mới diễn ra hay không?

  • Có – 0 điểm
  • Không – 1 điểm

Ví dụ: Trẻ nhìn vào mặt bạn khi nghe một âm thanh lại, khi nhìn thấy một món đồ chơi mới…

20. Con có thích các trò chơi chuyển động không?

  • Có – 0 điểm
  • Không – 1 điểm

Ví dụ: Xích đu, nâng lên hạ xuống…

Thang đánh giá nguy cơ rối loạn phổ tự kỷ ở trẻ

Sau khi trả lời các câu hỏi trong bảng đánh giá, bạn tiến hành cộng tổng điểm của tất cả các câu hỏi. Dùng số điểm này đối chiếu với thang đánh giá để biết được trẻ có nguy cơ tự kỷ hay không. Chú ý, các mục 2, 5 và 12 nếu câu trả lời là có thì điểm số là 1, nếu câu trả lời là không thì điểm số là 0, ngược lại với các mục còn lại.

Thang đánh giá như sau:

  • Tổng điểm từ 0 – 2: Trẻ bình thường, không có dấu hiệu mắc rối loạn phổ tự kỷ
  • Tổng điểm từ 3 – 7: Trẻ có dấu hiệu mắc rối loạn phổ tự kỷ mức độ trung bình
  • Tổng điểm trên 8: Trẻ có nguy cơ mắc rối loạn phổ tự kỷ cao cần được can thiệp.

Trong trường hợp trẻ có kết quả sàng lọc bình thường, cần tiếp tục thực hiện sàng lọc khi trẻ ở các mốc như 24 tháng tuổi, 30 tháng tuổi. Việc thực hiện bảng kiểm tra định kỳ sẽ giúp theo dõi và phát hiện sớm nguy cơ rối loạn phổ tự kỷ ở trẻ.

Trường hợp trẻ có kết quả sàng lọc trên 3 điểm, tức là con đang có những dấu hiệu nghi ngờ mắc tự kỷ. Ba mẹ nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ hoặc chuyên gia tâm lý để được đánh giá và can thiệp trị liệu khi cần thiết. Trẻ tự kỷ cần được phát hiện và can thiệp càng sớm càng tốt.

Thực tế, bảng kiểm tra sàng lọc tự kỷ M-CHAT dành cho trẻ mới biết đi chỉ là công cụ hỗ trợ, không thể thay thế chẩn đoán y khoa. Có nhiều trường hợp trẻ dương tính giả khi thực hiện công cụ sàng lọc này. Lúc này, bác sĩ thường tiếp tục thực hiện bảng kiểm tra sàng lọc M-CHAT-R/F để nhận được kết quả đánh giá chính xác hơn.

Có thể bạn quan tâm:

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Rối loạn cảm xúc hoàn toàn có thể xảy ra ở trẻ nhỏ và trẻ thanh thiếu niên
Rối loạn cảm xúc ở trẻ em: Biểu hiện và các biện pháp can thiệp

Rối loạn cảm xúc không chỉ xảy ra ở người lớn mà còn có thể xuất hiện ở trẻ em. Tình trạng này ảnh hưởng...

Rối loạn giấc ngủ là tình trạng thời gian, chất lượng giấc ngủ của trẻ không đảm bảo
Rối loạn giấc ngủ ở trẻ em: Dấu hiệu và cách xử lý

Rối loạn giấc ngủ ở trẻ em xảy ra rất phổ biến, có đến 50% trẻ em trên thế giới gặp phải tình trạng này....

Trẻ chậm phát triển tâm thần: Biểu hiện, chẩn đoán và điều trị

Trẻ chậm phát triển tâm thần là khái niệm dùng để chỉ những đứa trẻ mang khiếm khuyết về sự phát triển của não bộ....

Đừng đánh giá, phán xét hay đưa ra quan điểm của bản thân về vấn đề mà người trầm cảm gặp phải
Cách nói chuyện với người trầm cảm giúp họ thoải mái hơn

Trầm cảm là một rối loạn sức khỏe tâm thần, để giúp người trầm cảm vượt qua tình trạng này, cần giúp họ mở lòng...