Hướng dẫn dạy con theo phương pháp Montessori tại nhà đơn giản

Hiện nay nhiều phụ huynh bắt đầu dạy con theo phương pháp Montessori, một trong những phương pháp nuôi dạy trẻ hàng đầu và vô cùng phổ biến trong nhà trường và gia đình. Phương pháp này đề cao sự tự lập, yếu tố cá nhân để giúp trẻ phát triển toàn diện cả về thể chất và tinh thần. Phương pháp Montessori rất dễ áp dụng, tính thực tiễn cao nên rất được nhiều phụ huynh ủng hộ và sử dụng trong việc dạy con.  

Sơ lược về phương pháp Montessori trong nuôi dạy trẻ

Phương pháp Montessori xuất hiện vào những năm đầu của thế kỷ 20, và do nhà giáo dục người Ý Maria Montessori phát minh sau một lần tham quan trường học. Bà đã nhìn thấy những đứa trẻ thích thú, và học cách cảm nhận thế giới bằng những giác quan thông qua các vật dụng được thiết kế dặc biệt giúp kích thích từng giác quan của trẻ. Từ đó, bà đã nghiên cứu và cho ra đời phương pháp giáo dục Montessori.

dạy con theo phương pháp Montessori
Dạy con theo phương pháp Montessori đang được nhiều phụ huynh lựa chọn làm phương pháp dạy con chính tại gia.

Phương pháp này phù hợp với những trẻ từ 6 tuổi trở xuống, vì trong giai đoạn này trẻ vô cùng nhạy cảm với những yếu tố bên ngoài. Mục tiêu của phương pháp Montessori là nuôi dạy trẻ thông qua những học cụ trực quan đặc biệt, giúp trẻ học hỏi thông qua âm thanh, màu sắc, hình dáng, chất liệu,… nên rất thích hợp cho trẻ tự học hỏi và khám phá. Tùy theo từng độ tuổi mà các loại học cụ cũng được thay đổi cho phù hợp với sự phát triển của trẻ.

Một lý do khác khiến việc dạy con theo phương pháp Montessori thích hợp với lứa tuổi từ sơ sinh đến 6 tuổi là do khả năng tiếp thu của trẻ. Đây là khoảng thời gian trẻ tiếp thu mọi thứ một cách nhanh chóng và hoàn hảo nhất. Sự phát triển của não bộ, khả năng ghi nhớ và tiếp thu những điều mới, khả năng cảm nhận của xúc giác trong thời gian này là nhanh và mạnh nhất trong mọi giai đoạn phát triển của đời người.

Đây cũng là lý do vì sau giáo dục hiện đại ngày càng coi trọng việc giáo dục trẻ từ sớm, thậm chí là trong giai đoạn thai kỳ. Trẻ trong những năm đầu đời có khả năng học tập và thông thạo mọi thứ rất mạnh, điều sẽ dần mất đi trong quá trình trưởng thành. Vì thế muốn dạy cho trẻ tự lập, cách nhìn nhận cuộc sống một cách trực quan nhất thì phải bắt đầu khi trẻ còn bé, trong những năm đầu đời.

Đặc biệt, phương pháp này lấy trẻ làm trung tâm và đề cao tính cá nhân, riêng tư và tự lập. Trẻ sẽ là chủ thể chính khám phá thế giới, trong khi thầy cô và cha mẹ chỉ là người hướng dẫn và giữ đỡ trẻ trên con đường khám phá mọi thứ. Trẻ có quyền lựa chọn thứ mình muốn, thứ mình cần (đương nhiên vẫn trong một giới hạn học cụ nhất định) và toàn quyền khám phá, chứ không bị ép buộc hay chỉ định bất cứ điều gì.

Ngoài ra trong quá trình học tập, trẻ được đi theo dòng suy nghĩ và những lý giải của bản thân, chứ không bị định hướng theo ý của giáo viên hướng dẫn. Học hỏi từ trải nghiệm thực tế là điều quan trọng nhất khi dạy con theo phương pháp Montessori. Chính vì nặng tính cá nhân nên cha mẹ cần trang bị cho trẻ một không gian riêng và những học cụ cần thiết để giúp trẻ nhanh chóng làm quen

Lưu ý khi dạy con theo phương pháp Montessori tại nhà

Phương pháp Montessori được thiết kế hoàn toàn dựa trên sự chủ động khám phá của trẻ. Những điều trẻ học được không bị sự can thiệp sâu của cha mẹ hay người hướng dẫn. Do đó, phương pháp này sẽ giúp trẻ học cách tự lập, tự hình thành thế giới thông qua những cảm nhận chân thực nhất của bản thân.

dạy con theo phương pháp Montessori
Trẻ cần được tôn trọng cá tính riêng và được tự do khám phá theo phương châm của phương pháp Montessori.

Cha mẹ khi quyết định dùng phương pháp này thì cần đảm bảo tôn trọng trẻ trong mọi vấn đề. Khi dạy con theo phương pháp Montessori tại nhà, cha mẹ cần đảm bảo một số yếu tố sau:

  • Cho trẻ quyền tự do chọn lựa: Mục tiêu của phương pháp này là giúp trẻ tự khám phá và lựa chọn theo ý thích. Vì thế cha mẹ không can thiệp vào lựa chọn của trẻ, mà chỉ hướng dẫn trẻ khám phá dựa trên học cụ được chọn. Trẻ được quyền tự lựa chọn cách chơi, nơi ngồi chơi và được quyền thể hiện ý nghĩ của mình. Nhiệm vụ của cha mẹ là đảm bảo trẻ được khám phá trong môi trường an toàn, sạch sẽ, không có nguy hiểm. Còn lại mọi thứ sẽ do trẻ quyết định.
  • Tôn trọng cá tính của trẻ: Phương pháp Montessori hướng đến việc tự lập, tôn trọng tính cá nhân và sự khác biệt trong từng con người. Điều này giúp trẻ hình thành cá tính riêng, thói quen tư duy độc lập và không dễ bị lung lay theo ý kiến của người khác. Với sự phát triển của xã hội, những người có khả năng làm chủ bản thân, sáng tạo và độc lập trong mọi việc sẽ có nhiều cơ hội thành công hơn. Bên cạnh đó, việc cha mẹ tôn trọng trẻ cũng giúp trẻ biết tôn trọng người khác.
  • Rèn luyện tính tự lập: Trong quá trình khám phá, trẻ buộc phải đưa ra những quyết định, hoặc tự mình làm những việc trong khả năng cho phép. Cha mẹ nên hướng trẻ quyết định, và chịu trách nhiệm cho những quyết định của mình. Ngoài ra cũng hướng dẫn trẻ tự chăm sóc bản thân và làm những việc vừa sức để trẻ quen dần. Không được ép buộc, mà phải khiến trẻ có hứng thú và tự nguyện làm việc. Đây là cách tuyệt vời giúp rèn luyện thói quen tự lập ngay khi còn bé.
  • Giúp trẻ phát huy tiềm năng sẵn có: Khi được tự do phát triển, trẻ sẽ nhanh chóng bộc lộ những khả năng thiên bẩm của mình. Những tài năng này được trẻ tự kích phát thông qua việc tìm hiểu thế giới, chứ không phải bằng sự dẫn đường và định hướng của cha mẹ. Do đó nếu thấy trẻ bộc lộ những điểm đặc biệt thì hãy để trẻ tự do phát triển, cha mẹ có thể hỗ trợ thêm chứ tuyệt đối không bắt ép trẻ theo ý muốn của mình. Dù những ưu điểm này sẽ phát triển thành tài năng, hay dần dần biến mất, thì vẫn để trẻ phát triển tự do.
  • Hỗ trợ con hết mình: Trong quá trình dạy con theo phương pháp Montessori, tuy chúng ta tôn trọng cá tính riêng của trẻ nhưng trong những năm đầu đời thì khả năng nhận thức của trẻ vẫn còn nhiều hạn chế. Do đó trẻ có thể phát triển sai hướng nếu không nhận được sự theo dõi và ngăn cản đúng lúc của cha mẹ. Phụ huynh có nghĩa vụ quan sát và giúp trẻ phát triển theo chiều hướng tích cực. Sự yêu thương và quan tâm của cha mẹ sẽ giúp trẻ phát triển khỏe mạnh, cũng như có tâm lý thoải mái, cư xử đúng mực và phát triển tốt hơn.
dạy con theo phương pháp Montessori
Cha mẹ chỉ đóng vai trò hỗ trợ, chứ không can thiệp quá sâu vào quá trình phát triển của trẻ.

Phương pháp Montessori yêu cầu sự tôn trọng tuyệt đối của cha mẹ dành cho sự phát triển của trẻ. Vì thế nếu phụ huynh muốn can thiệp nhiều vào quá trình phát triển của con thì đây không phải là phương pháp phù hợp. Cha mẹ cần để trẻ tự do khám phá và phát triển thông qua lăng kính của chính mình, cũng như học cách tự đưa ra quyết định, tự lên kế hoạch và luôn độc lập trong hành động và suy nghĩ, không dễ dàng bị bất cứ ai chi phối.

Quy trình dạy con theo phương pháp Montessori tại nhà

Việc dạy con theo phương pháp Montessori thường chia làm 4 giai đoạn, tương ứng với từng giai đoạn phát triển nhận thức và khả năng tiếp thu thông tin của trẻ. Phương pháp này giúp trẻ học cách giao tiếp và phát triển kỹ năng ngôn ngữ, biết cách lắng nghe và tôn trọng ý kiến của người khác, biết cách suy nghĩ độc lập và phân tích các khía cạnh của vấn đề. Trẻ có thể phát triển toàn diện về trí tuệ và cả tinh thần nếu được nuôi dạy đúng cách.

Dạy trẻ sơ sinh theo phương pháp Montessori

Gia đoạn đầu tiên có thể áp dụng phương pháp Montessori là từ khi sơ sinh. Giai đoạn này trẻ rất nhạy cảm với âm thanh, ánh sáng, màu sắc và mọi thứ xung quanh. Vì thế cha mẹ nếu có điều kiện có thể cho trẻ ngủ phòng riêng nhằm tạo không gian yên tĩnh và thân quen cho trẻ.

Phòng của trẻ nên thoáng mát và có cửa sổ đón nắng để trẻ làm quen với ánh sáng tự nhiên. Bên trong nôi và bên cạnh trẻ nên đặt những vật to, mềm, nhiều màu sắc, nhiều hình dáng mà trẻ có thể cầm nắm để giúp trẻ phát triển xúc giác.

Để phát triển đầy đủ 5 giác quan bao gồm thính giác, khứu giác, thị giác, vị giác và xúc giác cho trẻ, che mẹ cần để trẻ tiếp xúc nhiều với những thứ có thể kích thích giác quan.

Ví dụ cho trẻ nghe nhạc nhẹ nhàng trong một thời gian ngắn; cho trẻ ngửi hương hoa, hương thức ăn; cho trẻ nếm thử nhiều loại thức ăn khác nhau để cảm nhận sự khác biệt trong mùi vị; cho trẻ quan sát nhiều màu sắc và cầm nắm nhiều vật dụng. Tất cả những điều này sẽ giúp ngũ giác của trẻ phát triển tự nhiên.

Dạy trẻ 1-2 tuổi theo phương pháp Montessori

Giai đoạn này trẻ bắt đầu chập chửng biết bò, biết đi, biết phát âm và không ngừng hoạt động. Đây là thời điểm vàng để rèn luyện tính nhanh nhẹn, hoạt bát và khả năng ngôn ngữ cho trẻ. Trong thời gian này trẻ có thể làm hỏng đồ chơi và vật dụng, nhưng hãy để yên cho trẻ tự khám phá.

dạy con theo phương pháp Montessori
Hãy để trẽ tự do khám phá, học cách đưa ra quyết định và suy nghĩ độc lập.

Đồ chơi và học cụ cha mẹ cần chuẩn bị lúc này sẽ là những vật có thể phát triển kỹ năng leo trèo, giữ cân bằng, và những thứ có hình ảnh bắt mắt, đảm bảo an toàn cho trẻ trong quá trình khám phá. Cha mẹ ở bên cạnh giám sát, và nếu trẻ té ngã thì hãy để trẻ học cách tự đứng lên. Chỉ khi trẻ có nguy cơ rơi vào nguy hiểm thì cha mẹ mới can thiệp.

Đây là giai đoạn trẻ bắt đầu phát âm những từ đơn giản và học cách nói từ đơn. Hãy đưa cho trẻ lựa chọn những học cụ có khả năng nói và ghép vần để trẻ luyện phát âm to và rõ ràng. Lúc này những cơ quan phát âm của trẻ cũng sẽ có dịp hoạt động, và dần dần quen với việc phát âm chính xác từ ngữ. Hãy khuyến khích trẻ nói mọi thứ, dù trẻ có nói sai.

Dạy trẻ 2-3 tuổi theo phương pháp Montessori

Giai đoạn này bắt đầu đã có thể rèn luyện tính tự lập cho trẻ thông qua các hoạt động vui chơi giải trí. Ngoài ra trẻ cũng nên có ý thức về những món đồ riêng tư của bản thân. Cha mẹ cần tạo một môi trường sinh hoạt thật an toàn, riêng tư và tránh để những vật nguy hiểm gần nơi trẻ hay lui tới.

Trẻ lúc này nên có chỗ để đồ chơi riêng để biết dọn dẹp khi chơi xong, cũng như có giường nệm riêng để học cách sắp xếp gọn gàng nơi sinh hoạt cá nhân. Tủ quần áo của trẻ nên là loại tủ vải cứng cáp để trẻ dễ thao tác. Cha mẹ nên cho trẻ tự chọn quần áo, tự phối đồ, tự mặc quần áo dù đôi khi rất buồn cười vì mọi thứ không hợp nhau.

Tuy nhiên đây chính là quá trình tự học hỏi của trẻ. Cha mẹ chỉ nên can thiệp để trẻ chọn quần áo đúng mùa nhằm bảo vệ sức khỏe, cũng như cho trẻ bắt đầu nhận thức được nên chọn quần áo gì trong từng trường hợp cụ thể.

Từ 2-3 tuổi trẻ bắt đầu hoàn thiện quá trình phát âm và học cách ghép từ, ghép câu đơn giản. Vì thế hãy khuyến khích trẻ nói, kể chuyện, giao tiếp với mọi người bằng bất cứ cách nào. Đây cũng là giai đoạn nhạy cảm, vì cha mẹ cần chuy1 ngôn từ khi nói chuyện với trẻ, tránh đề trẻ nghe và học theo những từ ngữ không hay.

Cha mẹ hãy cung cấp cho trẻ những quyển sách đơn giản, nhiều màu sắc với nhiều chủ đề khác nhau để trẻ tự do khám phá và tìm được hứng thú cho mình. Một số trẻ sẽ hứng thú với những câu chuyện cổ tích, có trẻ hứng thú với không gian vũ trụ, với những loài thú vật trong rừng. Dù là chủ đề gì thì trẻ vẫn có quyền tự lựa chọn và khám phá.

Ngoài ra nhữn trò chơi vận động ngoài trời và vận động trí óc cũng nên được thêm vào trong quá trình dạy dỗ để tìm hiểu xem trẻ ưa thích và thích hợp với điều gì.

Dạy trẻ 3-6 tuổi theo phương pháp Montessori

Cuối cùng là giai đoạn từ 3-6 tuổi. Giai đoạn này chỉ nhằm cùng cố những điều trẻ học ở trường, và đẩy mạnh sở thích cá nhân của trẻ thông qua cách trang trí phòng ngủ, gường, tủ, góc học tập và những vật dụng hàng ngày. Thông qua những hình ảnh trực quan, trẻ sẽ phát triển hoàn thiện hơn từng ngày.

dạy con theo phương pháp Montessori
Phát huy khả năng ngôn ngữ và tư duy độc lập là điều quan trọng nhất trong giai đoạn này mà cha mẹ cần khuyến khích trẻ.

Khả năng giao tiếp của trẻ trong giai đoạn này cũng được cải thiện đáng kể. Bây giờ điều cha mẹ cần làm là khuyến khích trẻ học ghép từ và nói thông qua những học cụ liên qua đến chữ cái, hình ảnh để học cách ghép câu và dùng từ. Để trẻ nhớ lâu thì cha mẹ nên dạy trẻ cách liên hệ chữ cái và hình ảnh, hoặc dán từ ngữ tại những nơi trẻ thường nhìn thấy để tăng cường trí nhớ.

Ngoài ra trong giai đoạn từ 3-6 tuổi này, cha mẹ nên dần học cách chấp nhận suy nghĩ và quyết định của trẻ. Trẻ lúc này cần được lắng nghe, quan tâm và đáp ứng những nguyện vọng cơ bản nhất. Chỉ khi bắt đầu độc lập trogn những năm đầu đời, và nhận được sự tôn trọng từ cha mẹ, trẻ mới có thể  giữ vững điều này khi lớn lên.

Hy vọng bài viết này đã cung cấp cho các bậc phụ huynh cách dạy con theo phương pháp Montessori tại nhà một cách hiệu quả nhất. Dù là áp dụng cách thức giáo dục nào, sự quan tâm và yêu thương của cha mẹ dành cho trẻ vẫn là điều quan trọng nhất. Cha mẹ hãy cung cấp cho trẻ môi trường sinh hoạt và trưởng thành thật lành mạnh và an toàn.

Có lẽ bạn quan tâm:

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Những đặc điểm phát triển tâm lý của trẻ chậm phát triển trí tuệ

Không thể tập trung, trí nhớ kém, chậm tiếp thu, không có hứng thú trong học tập là những đặc điểm phát triển tâm lý...

Phương pháp phát triển ngôn ngữ cho trẻ mầm non
7 Phương pháp phát triển ngôn ngữ cho trẻ mầm non tốt nhất

Hiện nay các phụ huynh rất quan tâm đến các phương pháp phát triển ngôn ngữ cho trẻ mầm non để kích thích các hoạt...

Trẻ tự kỷ bẩm sinh
Trẻ tự kỷ bẩm sinh: Nguyên nhân và hướng can thiệp

Rất khó để phát hiện trẻ tự kỷ bẩm sinh ngay từ những giai đoạn đầu đời, bởi các dấu hiệu thường chưa bộc lộ...

Phương pháp Tâm vận động (Aucouturier) trong giáo dục trẻ đặc biệt

Phương pháp Tâm vận động (Aucouturier) được áp dụng điều trị cho trẻ đặc biệt bao gồm các vấn đề như chậm nói, rối loạn...