8 nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường thường gặp hiện nay

Bạo lực học đường là một vấn nạn nhức nhối trong xã hội, xảy ra phổ biến, đa dạng hình thức và có xu hướng ngày càng tinh vi, phức tạp. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường hiện nay, có thể kể đến như tác động từ truyền thông, mạng xã hội, trò chơi điện tử; thiếu sự quan tâm từ gia đình, người thân; môi trường học tập không lành mạnh… 

8 Nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường thường gặp

Bạo lực học đường (BLHĐ) là vấn đề đáng lo ngại ở nhiều nơi trên thế giới, bao gồm cả Việt Nam. Nguyên nhân gây bạo lực học đường rất đa dạng, có thể liên quan đến sự phát triển tâm lý lứa tuổi, ảnh hưởng từ gia đình, ảnh hưởng từ môi trường học đường hoặc ảnh hưởng từ xã hội.

Các nguyên nhân gây bạo lực học đường có thể kể đến như:

1. Sự phát triển tâm lý lứa tuổi

Tâm lý lứa tuổi là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra bạo lực học đường. Tình trạng này chủ yếu xảy ra ở trẻ trong độ tuổi từ 12 – 17, đây là giai đoạn trẻ có sự thay đổi về thể chất và tinh thần. Tâm lý trẻ hết sức nhạy cảm, không ổn định, dễ bị kích thích bởi các nhân tố độc hại.

Sự thay đổi tâm sinh lý đặc biệt là độ tuổi dậy thì có thể là nguyên nhân gây bạo lực học đường
Sự thay đổi tâm sinh lý đặc biệt là độ tuổi dậy thì có thể là nguyên nhân gây bạo lực học đường

Trẻ độ tuổi này cũng có xu hướng thích thể hiện, khẳng định bản thân. Việc bắt nạt bạn bè, chống đối thầy cô, cha mẹ cũng là các biểu hiện thường gặp. Trẻ bắt nạt, công kích bạn bè đôi khi chỉ vì “ngứa mắt”, vì bạn giỏi hơn mình hoặc bạn dễ bị bắt nạt. Kẻ bắt nạt thường là những trẻ có thể chất to lớn, mạnh mẽ, hung hăng hoặc có điều kiện gia đình tốt, cha mẹ có địa vị cao.

2. Hành vi học được từ cha mẹ

Gia đình có liên quan mật thiết đến hành vi bạo lực của trẻ. Những trẻ là thủ phạm bạo lực học đường thường học được hành vi này từ cha mẹ, người thân xung quanh của mình. BLHĐ có liên quan mật thiết đến yếu tố gia đình qua các vấn đề như:

  • Cha mẹ lạm dụng chất kích thích, rượu bia, thường xuyên gây gổ, cãi vã
  • Trẻ chứng kiến bạo lực gia đình hoặc là nạn nhân của bạo lực
  • Cha mẹ lạm dụng và bỏ bê con cái thời thơ ấu
  • Cha mẹ có hành vi bạo lực, ức hiếp người khác khiến trẻ học được

Ngoài ra, BLHĐ có thể liên quan đến các việc trẻ phải sống trong môi trường căng thẳng, các thành viên thường xung đột. Cha mẹ mắc các rối loạn tâm lý nhưng không được điều trị dẫn đến căng thẳng, xung đột gia đình, khiến mối quan hệ giữa ba mẹ và con cái ngày càng xa cách.

3. Thiếu sự quan tâm, giáo dục từ cha mẹ

Trẻ được giáo dục không đúng cách, thiếu sự quan tâm từ người thân gia đình cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường. Thường liên quan đến những vấn đề như:

  • Trẻ thiếu tình cảm, sự gắn bó với cha mẹ, người chăm sóc khiến trẻ không biết cách yêu thương, cách ứng xử với người khác
  • Thiếu sự giám sát của cha mẹ, dẫn đến việc sử dụng chất kích thích, chất gây nghiện, có hành vi chống đối xã hội, bạo lực với bạn bè, thầy cô
  • Việc kỷ luật quá khắc nghiệt, thiếu tôn trọng trẻ hoặc quá dễ dãi trong việc giáo dục khiến trẻ có hành vi lệch lạc.

Có một sự thật rằng có rất nhiều ba mẹ không biết đến hành vi bạo lực của con ở trường học. Thậm chí, khi trẻ là thủ phạm ức hiếp bạn bè, phụ huynh thường có xu hướng bao che, tự hào vì con mạnh mẽ hơn trẻ khác. Thế nhưng, hành động này lại vô tình khiến trẻ hình thành tính cách bạo lực, rất nguy hiểm.

→Xem thêm: 7 Tác hại của việc học quá nhiều đối với trẻ cha mẹ nên biết

4. Ảnh hưởng từ các mối quan hệ độc hại

Các mối quan hệ độc hại có thể xuất hiện trong môi trường học đường hoặc ngoài trường học. Trẻ kết giao với bạn bè xấu, những nhóm trẻ thường thực hiện hành vi bạo lực trong môi trường học đường hoặc bạn bè ngoài xã hội. Để được chấp nhận vào các nhóm này, trẻ bị thách thức và phải thực hiện hành vi bạo lực để được công nhận.

Việc kết giao với bạn bè xấu khiến trẻ thực hiện hành động bạo lực để được thừa nhận
Việc kết giao với bạn bè xấu khiến trẻ thực hiện hành động bạo lực để được thừa nhận

Cũng có những trường hợp bạo lực xuất phát từ chênh lệch trong kết quả học tập, chênh lệch về điều kiện kinh tế… Đã có rất nhiều trẻ bị bạo lực vì chỉ vì lỡ liếc mắt, vì cách nhìn khiến bạn khó chịu. Nhiều trẻ bạo lực với bạn vì bạn học giỏi hơn mình, bạn có tính cách khó ưa…

5. Tác động từ phim ảnh, mạng xã hội, trò chơi điện tử

Trò chơi điện tử, phim ảnh, mạng xã hội cũng góp phần không nhỏ vào việc gia tăng bạo lực học đường. Sự bùng nổ công nghệ thông tin, phim ảnh bạo lực, bao gồm cả bạo lực học đường tràn lan, rất dễ ảnh hưởng đến lứa tuổi học sinh. Bên cạnh đó, rất nhiều trò chơi điện tử có tính chất bạo lực làm gia tăng xu hướng bạo lực ở trẻ.

Nghiêm trọng hơn hết là tình trạng bạo lực trên không gian mạng. Ngày càng nhiều trẻ sử dụng mạng xã hội và dùng mạng xã hội để làm công cụ công kích người khác. Bạo lực mạng là một hình thức BLHĐ mới, phức tạp, ngày càng có xu hướng gia tăng trong xã hội hiện nay.

6. Môi trường học đường không lành mạnh

Ảnh hưởng từ môi trường học tập rất dễ gây ra tình trạng BLHĐ. Có nhiều trường hợp xảy ra do cách xử lý vấn đề kỷ luật, hạnh kiểm của nhà trường chưa thỏa đáng. Sự thiên vị, phân biệt đối xử khiến trẻ thấy bất công, không được đối xử công bằng, tìm bạn bè để giải quyết bằng hành vi bạo lực. Hoặc có những trẻ dùng hành vi chống đối, thờ ơ để bạo lực lạnh với thầy cô.

Đặc biệt, bạo lực học đường sẽ xảy ra thường xuyên khi các vụ bạo lực không được phát hiện, xử lý kịp thời, đúng cách, hung thủ được bao che còn nạn nhân lại bị chèn ép. Trẻ sẽ ngày càng hung hăng hơn khi gây ra hành vi bạo lực nhưng không bị răn dạy.

7. Xung đột lợi ích, mâu thuẫn tình cảm

Xung đột lợi ích và mâu thuẫn tình cảm cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường. Tình trạng xung đột lợi ích có thể xuất phát từ việc trẻ bất mãn trong cạnh tranh học tập, tranh giành vị thế trong nhóm bạn hoặc do sự thiên vị của thầy cô.

Trong khi đó, mâu thuẫn tình cảm xảy ra rất phổ biến trong môi trường học đường, nhất là với học sinh THCS và THPT. Chủ yếu liên quan đến các vấn đề như:

  • Mối quan hệ bạn bè
  • Mối quan hệ tình cảm (tình yêu tuổi mới lớn)
  • Hiểu lầm và thiếu giao tiếp
  • Vấn đề bình đẳng giới, khác biệt giới tính

8. Một số nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường khác

Ngoài những nguyên nhân đã đề cập, bạo lực học đường còn có thể xuất phát từ các yếu tố như:

  • Trẻ ít tham gia vào các hoạt động có tổ chức
  • Các mô tả trên phương tiện truyền thông về hành vi bạo lực
  • Trẻ kết giao với tội phạm, kẻ xấu
  • Áp lực học tập
  • Trẻ là nạn nhân hoặc từng chứng kiến bạo lực học đường
  • Tin tức tiêu cực khiến trẻ bất an phải sử dụng biện pháp cực đoan để phòng vệ
  • Trẻ thiếu kỹ năng sống, kỹ năng giải quyết xung đột một cách lành mạnh.

Nên làm gì khi trẻ vướng vào bạo lực học đường?

Bạo lực học đường là vấn đề nhức nhối, xảy ra rất phổ biến trong môi trường học đường hiện nay. Rất nhiều phụ huynh không biết nên làm gì hoặc can thiệp thế nào cho đúng. Việc ứng phó đúng cách khi con vướng vào bạo lực học đường ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của trẻ.

Cách xử lý khi con là nạn nhân

Khi trẻ là nạn nhân, gia đình cần tâm sự, quan tâm con nhiều hơn. Hãy kiên nhẫn, trò chuyện với con như một người bạn, tạo cho trẻ tâm lý tin tưởng, muốn chia sẻ khi gặp khó khăn. Tuyệt đối không chê bai, cho rằng trẻ kém cỏi, bị bắt nạt là đáng. Việc càng chỉ trích, la mắng sẽ khiến trẻ sợ hãi, xa cách với ba mẹ hơn mà thôi.

Thấu hiểu, chia sẻ, bảo vệ trẻ khi trẻ là nạn nhân của bạo lực học đường
Thấu hiểu, chia sẻ, bảo vệ trẻ khi trẻ là nạn nhân của bạo lực học đường

Tiếp đó, cần trao đổi trực tiếp với giáo viên để thầy cô xem xét, giải quyết. Phụ huynh không thể lúc nào cũng bên cạnh con, việc dạy con kỹ năng, cách tự vệ là hết sức cần thiết. Có thể dạy trẻ hô to khi bị bắt nạt, cho con tham gia các câu lạc bộ võ thuật để rèn luyện khả năng tự vệ. Dặn trẻ không được đến chỗ khuất, vắng người, báo với cha mẹ ngay nếu tình trạng này còn xảy ra.

Cách xử lý khi con bắt nạt bạn

Trẻ bắt nạt bạn thường do tính cách bốc đồng, hiếu thắng, về bản chất, trẻ không xấu xa, có thể uốn nắn được. Việc cha mẹ cần làm là quan tâm, dạy dỗ con đúng cách, không nên giải quyết vấn đề bằng bạo lực sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ.

Trước hết, cần nói chuyện nhẹ nhàng để tìm hiểu nguyên nhân, lắng nghe lời bộc bạch chân thật của trẻ. Việc hiểu nguyên nhân trẻ bạo lực với bạn sẽ giúp chúng ta có hướng giáo dục trẻ phù hợp, tránh tình trạng này tái diễn.

Cần giúp con biết đặt mình vào hoàn cảnh người khác, nhận thức được tổn thương mình gây ra cho bạn. Gợi cho con cảm giác hối lỗi, muốn bù đắp cho nạn nhân và chân thành xin lỗi bạn. Đồng thời cũng dạy trẻ tôn trọng người khác, biết cách kiềm chế cảm xúc của mình.

Cách phòng tránh bạo lực học đường

Bạo lực học đường ảnh hưởng nhiều đến tâm lý và sự phát triển của trẻ. Bao gồm cả khi trẻ là thủ phạm và khi trẻ là nạn nhân. Có thể phòng tránh bằng cách:

  • Dạy trẻ kỹ năng giải quyết xung đột một cách lành mạnh, giáo dục kỹ năng sống và cách xây dựng mối quan hệ tích cực
  • Tăng cường giám sát, hỗ trợ từ nhà trường, thiết lập quy định, chính sách chống bạo lực và cung cấp sự hỗ trợ cần thiết cho học sinh
  • Gia đình và nhà trường cần phối hợp chặt chẽ với nhau để tạo môi trường an toàn, lành mạnh, thân thiện để trẻ phát triển
  • Đào tạo giáo viên và nhân viên nhà trường cách nhận biết, xử lý khi có bạo lực học đường
  • Cung cấp dịch vụ tư vấn tâm lý học đường, khuyến khích trẻ tìm kiếm sự hỗ trợ khi bị bắt nạt.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường, việc xác định được nguyên nhân sẽ giúp chúng ta có biện pháp ngăn ngừa và giáo dục trẻ phù hợp. Trẻ có hành vi bạo lực hoặc là nạn nhân của bạo lực đều cần hỗ trợ tâm lý. Tốt nhất cha mẹ nên cho con tham vấn tâm lý với chuyên gia để con được hỗ trợ cải thiện vấn đề tâm lý mà trẻ gặp phải.

Có thể bạn quan tâm:

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Rối loạn phổ tự kỷ: Các mức độ, Triệu chứng và điều trị

Rối loạn phổ tự kỷ là một dạng rối loạn phát triển thần kinh gây ra những khiếm khuyết về giao tiếp/ ngôn ngữ, hành...

Có rất nhiều dấu hiệu giúp nhận biết tình trạng trầm cảm nặng
10 Dấu hiệu trầm cảm nặng cần can thiệp trị liệu sớm

Trầm cảm là một loại rối loạn sức khỏe tinh thân đặc biệt nghiêm trọng, được mệnh danh là "kẻ giết người thầm lặng". Trầm...

Các triệu chứng trầm cảm kéo dài ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất, tinh thần và chất lượng cuộc sống
Người trầm cảm có tự khỏi được không? Điều cần biết

"Người bị trầm cảm có tự khỏi không, không điều trị có sao không?" là thắc mắc của nhiều người. Thực tế, theo các chuyên...

Trầm cảm ẩn là thuật ngữ không chính thức, không được Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ công nhận
Trầm cảm ẩn là gì? Dấu hiệu nhận biết và khắc phục

Trầm cảm ẩn là một rối loạn trầm cảm không điển hình, đặc trưng bởi sự tiềm ẩn của các triệu chứng trầm cảm như...